Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Trước Đèn

Collapse
X

Trước Đèn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Trước Đèn

    Lâu rồi, có người bạn gửi cho thùng sách cũ. Lại cũng có người bạn khác cho chương trình (software) để chuyển đổi thành những trang sách điện tử (e-book). Nhưng rồi vì tuổi già lú lẫn nhớ trước quên sau, loay hoay mãi mà không kham nổi mấy cái phần mềm phần cứng gì đó... Cuối cùng rồi thì đành phải xử dụng cái cách tiện lợi cổ xưa là gõ lộp cộp bàn phím từng chữ từng câu cho nó... chắc ăn! Tôi chọn đại một quyển tương đối cũ nhất, xuất bản đâu hồi tiền bán thế kỷ trước. Có những điều có thể không còn thích hợp với xã hội tân tiến (đến độ quá đà) hôm nay nhưng cũng có những điều (may mắn thay!) vẫn giữ vững giá trị của nó theo thời gian. Có khi chúng ta chỉ cần đọc để biết thế hệ trước suy nghĩ như thế nào và viết ra làm sao, chắc cũng đủ.
    Trân trọng mời quý độc giả cùng thưởng thức. Hh




    1. Cảo thơm lần giở
    2.
    Ngày tháng
    3. Chữ tình
    4. Thẹn lục e hồng
    5. Chữ trinh
    6. Sâm thương chẳng vẹn
    7.
    Dại khôn
    8. Cơm áo
    9. Văn minh
    10. Bất công

    11. Thực thà
    12. Vô ơn
    13. Mộng sự với chân thân
    14. Tự do, bình đẳng

    15. Mộc mạc
    16. Vô thanh hữu thanh
    17. Vuông tròn
    18. Nước chảy xuôi dòng
    19. Tri kỷ
    20. Giai tác
    21. Khóc với cười

    Last edited by Hoanghac; 09-27-2020, 04:50 PM.

  • #2
    Vuông tròn

    Vuông tròn


    Trăm năm tính cuộc vuông tròn
    (Kiều)


    Xử thế, sao cho khỏi mếch lòng người, đối đãi với mọi người, sao cho ai nấy cùng hỉ hả?
    -Phải ở cho tròn.
    Đó là lời khuyên nhủ mà những kẻ khôn ngoan bảo rằng nó dọn cho ta một cuộc đời êm đềm, vui vẻ.
    Tròn là êm ái, dễ lăn đi: êm ái, luân chuyển, bản tính của sự linh hoạt.
    Vuông, trái lại, là cứng cỏi, là khắc khổ, là cứng dừng: cứng cỏi, khắc khổ, đứng dừng, biểu hiệu của cái chết.
    Áo quan, tiểu sành, hình vuông.
    Bao nhiêu hình thức của sự sinh hoạt trong vũ trụ, hết thảy vẫn phải xoay tròn.
    Nước chảy xiết đến đâu, sóng cũng phải cuồn cuộn. Hơi nóng bốc ran, nghi ngút từng vòng. Chân tay cử động, vạn vật xô đẩy, đều theo những đường cong.
    Đồng tiền có tròn mới lưu thông; trái núi muốn ngồi vững thì đỉnh nhọn lâu dần cũng phải gọt đi cho tày.
    Những thứ gì sống được ngàn thu, là thuộc vào hình tròn.
    Bao nhiêu vật vuông vắn, ngang bằng xổ ngay, đều tự óc người nghĩ ra, không thể chống lại được cuộc đào thải.
    Là bởi đứng trước lẽ huyền bí của thợ tạo - lẽ huyền bí mà triết nhân hình dung ra bằng cái vòng tròn - đứng trước lẽ huyền bí ấy, ta càng không hiểu bao nhiêu lại càng khát khao ánh sáng, muốn cho mọi vật đối với óc mình, phải trở nên dễ dàng, dễ hiểu. Muốn thế, ta mới vạch ra đường thẳng, hình vuông.
    Thẳng với vuông, trái lại luật sinh tồn, còn lâu bền sao được?


    Tròn là mềm mại, vuông là cứng rắn.
    Thường Tung yếu, Lão Tử đến thăm. Thường Tung há miệng hỏi:
    - Lưỡi ta còn không?
    Lão Tử thưa:
    - Còn.
    Lại há miệng nữa và hỏi:
    - Răng ta còn không?
    Lão Tử thưa:
    - Rụng hết cả rồi.
    - Thế ngươi đã hiểu ra chưa?
    - Lưỡi còn, có phải tại lưỡi mềm chăng? Răng rụng, có phải tại răng cứng chăng?
    - Phải. Việc đời đại để như thế cả .


    Tròn là vui vẻ, vuông là buồn rầu.
    Ba quân ví cứ quây thành vòng tròn, có lẽ ngưới ta chỉ ôm nhau mà nhảy múa, không còn nghĩ gì đến sự tranh chấp hơn thua. Bởi cơ ngũ xếp thành hình vuông, sát khí mới đằng đằng, ai nấy như bị thúc giục phải hăm hở xông vào trường ác chiến.
    Cột cờ cắm thẳng, một cơn gió lớn có thể bẻ gãy làm đôi. Cây cỏ uốn éo, trải giông bão cũng không tụt được gốc.
    Cho nên ai muốn sống lâu dài, phải cong lưng như cây cỏ, lắt léo như lưỡi, uốn theo hình tròn. Còn những ai muốn ngay thẳng như cột cờ, cứng rắn như răng, nên biết chịu trước cái số kiếp ngắn ngủi.


    Long lóc như bánh xe, chỗ nào cũng lăn, phải thế mới tiến được bước trên đường đời. Sắc cạnh, vuông, chỉ có thể đứng trơ một mình, yên một chỗ.
    Tròn là ý muốn của cô thể, muốn được đầy đủ một cách dễ dàng: cơ thể nào chẳng mong được sống êm đềm vui vẻ.
    Vuông mới rõ là ý chí của tâm hồn, cái tâm hồn sáng láng, chỉ biết ưa những vạch thẳng đường ngay.
    Tròn vuông, bởi vậy, có thể là hai lý tưởng trong đời.
    Lý tưởng tròn thì trọng cơ thể, lý tưởng vuông mới là biết kể đến linh hồn.
    Có kẻ sinh ra đã ưa tròn, đấy là một cái thích mà kẻ ấy có quyền được có.
    Có kẻ phải tròn hẳn, vì không thể vuông được, đấy là một điều khổ tâm.
    Có kẻ vốn vuông, phải tâm tròn, để rồi lại vuông, chỗ này mới là chí khí.
    Đừng thấy người phải tạm tròn mà khinh, cái luật sinh tồn bắt người ta phải thế, nhưng tạm tròn rồi sẽ lại vuông.
    Đời người không cùng mãi, không thông mãi, có lúc bĩ, lúc thái, cũng như phải có lúc tròn, lúc vuông. Cuộc đời nào vuông nhất, nhìn kỹ cũng thấy có quãng tròn. Mà lúc phải ép mình ở tròn lắm lắm, là lúc sắp trở nên vuông.
    Muốn cho kẻ vuông sinh tồn được, ta không nên bắt nét họ những lúc họ phải uốn mình. Mà nên thể cho họ cái sức kiên nhẫn và khẳng khái mà họ tỏ ra khi trở lại thành vuông.
    Đã đành, có nhiều kẻ muốn vuông mà không được, cực chẳng đã phải quay theo tròn. Họ còn thành thực hơn biết bao nhiêu người chẳng tròn mà cũng chẳng vuông...

    Lãng Nhân
    (Trước đèn)

    Comment


    • #3
      Ngày tháng

      Ngày tháng


      Đi như ngày tháng xin thong thả
      Bùi Kỷ


      Ví thử không có khắc canh đã giục nam lâu, không có giọt rồng xuân điểm ngày thâu chìm chìm, không làm cuốn lịch bốc từng ngày, không kẻ giờ trên mặt đồng hồ cho kim chạy quanh, dễ thường ta khó nhận ra thời gian là thế nào.

      Có nhà triết nhân nói rằng: Thời gian phải hình dung bằng tình cảm và những việc xảy ra, mới nhận thấy được rõ.

      Thì tình cảm và việc xảy ra, ai giống ai đâu! Nếu dõi theo triết nhân, âu ta có thể luận rằng: quan niệm về thời gian, do đó, ở mỗi người lại mỗi khác đi. Lúc ta yêu không giống lúc ta thương, lúc uống thuốc đắng không như lúc ăn kẹo ngọt. Đời có lúc một phút đằng đãng bằng ba thu, như lúc ta mong bạn; lại có lúc ba thu chỉ thu vào một phút, như lúc ta… thua bài!

      Tản Đà cất chén ca rằng:

      Cuộc đời thử ngẫm mà hay:
      Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê!


      Thời gian hiểu theo tâm trạng khác nhau như thế, có lẽ ta cũng chẳng nên coi là quái dị, mỗi khi thấy có người sống giữa bây giờ mà tưởng như còn lạc lõng trong thời cổ, nhất nhất đều muốn theo vào lề cũ thói xưa; hoặc có người sống trong nước nam buổi này, mà vẫn nghĩ như mình ở một nước miền ôn đới, đã hoàn toàn hóa theo văn minh cơ khí…


      Henry Murger* đã trách người phát minh ra đồng hồ, là tuy có công hình dung ra được thời gian đấy, nhưng đổi lại, cũng chuốc cho người đời biết bao lo lắng: hai chiếc kim sắc nhọn, lúc nào cũng đon đả đua nhau thái nhỏ đời ta làm trăm nghìn mảnh vụn. Mỗi tiếng tích tắc nghe như tiếng nhấm, tiếng gặm, thủng thẳng, lạnh lẽo, tựa hồ điềm nhiên nhắc vào tai ta rằng: đây là một giây, một phút của đời ta đã tách ra và rơi tõm vào khoảng không vô tận.

      Tiếc cái thời trôi đi như nước chảy dưới cầu, thi sĩ mới đuổi theo mà van vỉ:

      Đi như ngày tháng, xin thong thả:
      Ở với non sông trót nợ nần!**


      Nợ non sông ngày thêm chồng chất, cái ngày giờ còn sót lại, liệu có đủ cho ai trang trải lấy đôi phần? Ôi, tấm lòng ưu mẫn, thời gian kia đã thắt buộc, làm cho thắc mắc biết chừng nào!

      Oscar Wilde nói: Cái bi kịch của người ta lúc về già, là tuổi già rồi mà lại thấy mình còn trẻ. Còn gì bực bõ cho bằng thấy cả thể phách lẫn tâm hồn hãy như còn thủa trẻ, còn có thể làm nên điều hữu dụng, mà số năm tháng trải qua bắt buộc mình phải tự xếp hàng vào phái già nua!

      Tóc bạc bao giờ không biết nhỉ? Yên Đổ giật mình…

      Nguyễn Công Trứ khi cưới thêm người vợ bé cuối cùng, chợt nhớ rằng tuổi mình đã bảy mươi ba, cũng phải gượng cười mà ngâm rỡn:

      Tuổi tớ, cô mình như muốn hỏi,
      Năm mươi năm trước mới hăm ba!***


      Gượng cười, vì dù là người phóng khoáng mặc lòng, Uy Viễn tướng công không khỏi băn khoăn về cái bóng quang âm vi vút, nên vẫn có ý nằn nì:

      Nhắn con tạo hóa xoay trời lại,
      Để khách tang bồng rộng đất chơi!


      Ngày xưa, mấy ông chúa Tàu than phiền rằng chán mùi phú quý, muốn bỏ ngai vàng mà tha thẩn vào rừng kiếm thuốc tràng sinh. Phải chăng họ chỉ muốn tràng sinh mà không màng gì phú quý? Tràng sinh trong lúc nghèo khổ, dám tin rằng chẳng mấy ai ham. Có lẽ lại chính vì ham phú quý nên mới muốn kéo dài đời, cho nó đừng thấm thoát phí phao. Khác nào đời nay, những kẻ sang giàu, nửa đường thấy da mồi tóc đã hoa râm, lập cập tìm đến bàn tiếp hạch của bác sĩ Voronoff.

      Lòng tham muốn này, sự vật nài kia, vì đâu mà có? Há chẳng phải vì họ đã lấy hạn ngắn ra đọ với hạn dài, lấy hạn dài những hòng so với cái vô hạn: đem tấc gang ra mà cố ướm cho được với cao dầy!

      Ham phú quý nên tiếc đời cũng phải. Có nhiều người khác, đời thật không hứng thú gì mà vẫn ham sống. Thường thì ai cũng không đành cái chết, mà đến lúc thấy không đành không được thì lại tự dối mình rằng chết đi sẽ bước vào một thế giới sung sướng hơn. Lạ thay, không ai chịu nghĩ rằng chết là được an nghỉ! Nghĩ như thế có phải được ngay niềm an ủi chắc chắn hơn không. Hay là ta tự nhủ: nếu trời công bằng thì mình đã sống cõi đời ô trọc này rồi, ắt khi sang cõi khác – trong trường hợp chết không phải là hết - phải được đền bù bằng một phần thanh cao?

      Nhà Phật có thuyết luân hồi, đời tu là gồm bao nhiêu kiếp trước và kiếp sau. Ngàn đời người gian nan buồn tẻ như thế. Nguyễn Công Trứ ao ước:

      Kiếp sau xin chớ làm người
      Làm cây thông đứng giữa trời mà reo


      Anatole France lấy làm lạ rằng người ta chỉ nghĩ đến kiếp sau, mà không ai bận tâm tự hỏi những kiếp trước mình đã từng là những giống gì!


      Vì chia ra ngày tháng, thầy Trang Chu mới ngồi tính nhẩm rằng trong một tháng thầy cười được có năm sáu ngày, còn dư lại đều là những ngày đau khổ. Cho nên, tiêu dao chốn non xanh nước biếc, thầy những mong thoát khỏi cuộc đời ngày vui ngắn chẳng tày gang!

      Thật ra một ngày chỉ là một ngày. Cuộc đời chỉ là một chuỗi ngày, giống nhau: hoàng hôn rồi lại hôn hoàng. Tại sao ta cứ muốn ngày nọ khác ngày kia: Sao không nghĩ rằng thế hệ này đến thế hệ khác, thế hệ nào cũng hùng hục đem gân óc ra mà tranh đấu, chỉ để thỏa mãn những nhu cầu hoặc huy hoàng hoặc thô sơ: ăn rồi lại ngủ…


      Đời chia năm tháng, do đó lại phân hai độ trẻ già, khiến nên xã hội tách ra hai phái trẻ với già, quyền lợi và tư tưởng trái ngược hẳn nhau.

      Phái già tự cho là trải đời, khôn hơn phái trẻ. Phái trẻ lại nghĩ mình có nhiều quả quyết và hăng hái, làm nên việc hơn các ông già. Còn những người trong tuổi trẻ đã qua già chưa đến, thì hay cái lối nói lưỡng: có kẻ niên thiếu mà già khọm, có người lão thành mà trẻ măng…

      Ta tạm đem đời người so vào đời thế giới.

      Đời thế giới, ta hiểu là gồm hết những đời người đã sống từ khi có thế giới đến giờ. Nếu kể đời thế giới tựa như đời một người, có lúc trai tráng, lúc đứng bóng, lúc già yếu… và nếu lại coi cả nhân loại cũng như một người, thì ắt là lúc thế giới trẻ, nhân loại ngây thơ, lúc thế giới đứng tuổi, nhân loại chín chắn, lúc thế giới già cỗi, nhân loại cũng bóng xế ngàn dâu…

      Giả sử suy luận được như thế, thì chẳng hoá ra các cụ khi xưa ở vào thời đại trẻ, mà chúng ta nay mới là sống trong cõi già! Ngay từ thế kỷ trước Musset đã tha: "Chúng ta đến quá chậm trong một thế giới đã quá già nua!” trong khi Nguyễn Trường Tộ**** lại cho rằng nước ta trước triều Trần ở thời kỳ ấu trĩ, từ Trần đến Lê, ở giai đoạn niên thiếu, đến Nguyễn mới là lúc tuổi trọng sức cường có cơ hội làm được nhiều việc! Làm được những việc gì, đến nay nhà nho tiến bộ ấy có sống lại, chắc không khỏi thắc mắc!


      Tuy nhiên, ta phải nhận rằng đến lúc không phải vì ốm đau mà sức lực thấy như suy giảm, ấy là bước vào cõi già của cơ thể.

      Già đi không phải vì thất vọng nhận thấy tà tà bóng ngả về tây, mà chính là vì ngắm kỹ trong gương thấy nếy nhăn mỗi ngày mỗi nhiều ở đuôi mắt, làm tóc mỗi ngày một thưa ở đỉnh đầu. Thân xác mình sẽ báo động, và nhắc nhở mỗi ngày, một sự chấm dứt sắp tới.

      Bấy giờ ta có một nỗi buồn mênh mang, vì bao nhiêu buồn vui, bao nhiêu xúc cảm, bao nhiêu khát vọng, bao nhiêu kỷ niệm, đều tan như mây khói, không còn nhắc lại được với ai để an ủi mình; nhân chứng đã mất đi rồi, mang theo với họ hình ảnh của ta trong lúc thơ ấu, trong lúc tráng niên, những hình ảnh mà chính ta cũng không còn mường tượng được nữa.

      Nhưng làm sao mà tránh được, không già? Huống chi có già mới biết được thế nào là sống lâu, thế nào là đêm dài.

      Đêm dài, giọt rồng sắp cạn, thì quên cái đã qua, không mơ hồ gì về cái sắp tới, ấy là tiêu khiển bằng cái hiện có…

      Bước vào cõi già, nhìn non sông cảnh vật không còn tinh tường như trước, nhưng cảm thấy rõ ràng chan chứa hơn trước, vì đã lọc qua một lần kinh nghiệm. Kinh nghiệm, cho nên trông cuộc đời biến đổi mở mang, ông già có thái độ trầm ngâm hơn lúc trẻ.

      Có ông già thấy điều gì mới lạ, cũng nhất thiết cho là không hay, chỉ khu khu bó mình trong khuôn sáo cũ. Thì, dù là người rất thông minh, rất uyên bác mặc lòng, đã không chịu nhận rằng biến thiên là luật chung vũ trụ, ấy là không còn tiến nữa, không còn sinh sống nữa.

      Có ông già hiểu rằng cần phải đổi thay cho hợp thời, hiểu thế đấy, nhưng lại ngấm ngầm thương tiếc buổi xưa mà đem lòng ghét ghen đời mới, chỉ vì đời mới có những hoan lạc riêng của tuổi trẻ, là tuổi các ông không còn mong gì trở lại.

      Có ông già đủ năng lực theo hẳn vào luồng sóng trẻ, tuy không hăng hái như thanh niên, nhưng biết đem hơn thiệt ra mà sửa chữa, tỏ mình là bậc tiền bối dễ thương.

      Những ông này tuy không nói cùng một giọng, không viết cùng một lối, không suy nghĩ cùng một phương pháp, song cũng là nhắm ý mình mà đi tới, muốn làm sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại.

      Song các ông khó mà thành công. Cạo râu nhuộm tóc để vào hùa với trẻ, rút lại vẫn thấy gượng gạo thế nào. Sự chuyển tiếp của hai giai đoạn trẻ già thật khó khăn vì dù sao ông già vẫn không dễ từ bỏ được sự luyến tiếc buổi đương niên của mình. Lột xác để trẻ lại, nhiều lúc cũng băn khoăn tự hỏi không biết những người trẻ có cảm tưởng ra sao, đối với mình, và đặt mình vào hạng người nào.


      Những thắc mắc ấy của tuổi già, bạn trẻ có mấy khi nghĩ đến!

      Bạn trẻ khi bước chân vào đời, đã phải ra sức ganh đua, mà nào có bao lần được thắng: cái thất bại lại thường là phần thuởng cay đắng cho sự ganh đua. Trong khi bực thân giận đời, nhìn lên phía các ông già, thấy ông này đứng trên mỏm năm tháng ra chiều hơm hĩnh, ông kia ưa lên điệu thống thiết như trong tuồng cổ, vai trung bị kẻ nịnh hãm hại, ông khác lại ngạo nghễ trong cảnh thừa thãi giàu sang. Bọn trẻ thấy thế, rất có thể nghĩ rằng thông minh và từng trải không tất nhiên phải mọc ra cùng với làn tóc trắng. Họ lại không tưởng gì đến sức ganh đua mà các ông đã từng trổ, số thất bại không phải ít mà các ông đã từng qua, họ chỉ thấy riêng có mình:

      Xin việc hôm qua bảy tám nhà
      Đường khuya, cơm đói vẫn chưa tha!*****


      Họ cho ông già là tiêu biểu của sự bất công ở đời, họ ghen ghét, họ thù hằn, họ hục hặc…

      Họ không đến nỗi như dân mọi kia, bắt người già trèo lên cây, rồi rung cây cho rớt xuống để đem làm thịt. Họ không nhẫn tâm quá như thế, nhưng mỗi khi có ông già qua đời, họ đi đưa đám, thực tình không lấy làm thương; mỗi khi thết tiệc tiễn một viên chức về hưu, họ ngồi uống rượu, thực tình không lấy làm buồn. Cuộc ganh đua càng mệt nhọc khó khăn, bạn trẻ thấy như càng thêm tức tối.

      Lòng tức tối này diễn ra bằng những lời gay gắt, gay gắt đến thô lỗ:

      Xin việc hôm qua bảy tám nhà
      Đường khuya, cơm đói vẫn chưa tha!
      Thanh lâu vài cửa đèn chong đỏ
      Son phấn đàn em học bóp xoa
      Dăm chiếc xe hơi, hè phố đợi
      Mấy thằng râu bạc ở trong ra
      Nghĩ mình trai trẻ giường không vợ
      Luống hỏi bao năm hết tụi già!
      Song le, nào ai trẻ mãi được đâu!


      Già mà trẻ được lại có chăng là khi, như Vigny nói: giấc mơ của tuổi trẻ được thực hiện trong tuổi xế chiều.

      Đến lúc già rồi, thấy đàn trẻ sau cũng lại khunh bỉ thù oán mình như rứa, bây giờ mới rõ lẽ tuần hoàn “trời đất có san đi mà sẻ lại” và tỉnh ra rằng mỗi tuổi lại phạm vào một điều bất công.

      Nên già ư? Nên trẻ ư?

      Khốn thay, thời gian đâu có để cho ta được quyền chọn lựa!

      Tính sao cho phải đường?

      Sao cho được như cây đại thụ kia, khi còn non thì chắc chắn, khỏe mạnh, mà tiến lên cõi già, đến khi già cỗi, mỗi xuân lại nẩy ra nhiều lá lộc xanh tươi...


      Thời gian lặng lẽ trôi đi, cuộc vận hành của vũ trụ cũng im lìm mà xoay chuyển.

      Sen tàn, cúc lại nở hoa
      Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.


      Cuộc đời tóm lại chỉ là hai lời than phiền: Lâu quá! Chóng ghê! Trẻ thấy thời gian đi lâu, vì nóng lòng đợi thời gian sắp tới với hi vọng hỏng việc này còn làm việc khác; già lại than thời gian đi chóng, chưa làm được việc gì mà đã hết ngày rồi!

      Nay đem cuộc nhân sinh đã ngắn, chia ra năm tháng ngày giờ, người đi đường có cảm tưởng như được nhiều dịp đứng lại ngắm trông, không dè đến cái hiểm tượng mỗi bước dừng chân này lại làm tăng sức mau quên là bản tính con người, khiến cho làm giờ trước quên giờ sau, việc định hôm nay đến mai không nhớ nữa…

      Bước đường đáng lẽ cứ thẳng thắn mà đi, lắm khi chỉ vì năm tháng ngày giờ nhủ ta dừng lại, mà hóa ra chậm chạp, có khi thành ra chệch ra phía khác, không chừng. Vì thế mà năm tháng ngày giờ có thể gây cho ta cái họa, là khiến ta dễ xao lãng cái lẽ duy nhất của cuộc đời.

      Cuộc đời đã đến lúc không duy nhất, tưởng không còn có nghĩa gì nữa. Tuy nhiên, ta nên nhận rõ: duy nhất không phải là nhất chí. Duy nhất, ta hiểu là như một bản đàn hay, tiếng bổng tiếng trầm điều hòa với nhau thành một nhạc điệu hoặc du dương, hoặc hùng tráng tùy theo ý ta đã định. Còn gọi nhất chí, tức như một tiếng cứ thế ngân dài mãi ra, không đổi thay, không lên xuống.

      Như vậy, nhất chí có chăng chỉ là sản phẩm của lý tưởng vì nó… phi lý!

      Vũ trụ có gì là nhất chí? Điện truyền đi có nhịp, tiếng vang ánh sáng lan ra có luồng, bão đánh vào cánh cửa theo sức mạnh của từng cơn gió. Ngay trong cơ thể mình đây, máu chảy cũng không liền một mạch, phải theo từng tiếng đập của trái tim; không khí hút vào phổi, theo từng hơi thở.

      Đời người cũng thế, không nhất chí được, mà cũng chẳng mong gì nhất chí: một bãi sa mạc lặng lẽ mênh mông!

      Nhưng trong khoảng vơi đầy, cùng đuổi thông, thông lại theo cùng, điều ta có thể làm được, - và phải làm cho được – là lúc nào cũng hướng vào duy nhất: có duy nhất, đời mới linh hoạt, mới ý nhị, mới cao cả, đáng sống cho ra đời…

      Tối nhất trong ban đêm, là lúc vầng đông sắp rạng; bí nhất trong đời người, là lúc sắp nhấc chân bước sang cõi thái. Há nên vì một lúc bí mà quên bẵng cái nghĩa lớn cuốc đời, vì một ngày chán nản mà quên cả công việc trăm năm!


      Hãi hùng khủng khiếp thay, cái đêm đầu tiên của nhân loại! Ánh lửa hồng từ từ khuất sau rặng núi, màn đen cũng từ từ buông xuống, bao nhiêu cảnh sắc huy hoàng biến mất, mọi vật chìm đắm vào trong cõi âm u rùng rợn. Bấy giờ hẳn ai cũng lo, cũng sợ, cũng mong được thấy lại cái ánh tưng bừng của mặt trời. Mặt trời hôm sau quả đã trở lại, gieo trong lòng mọi người một niền hớn hở vô biên.

      Từ cái đêm đầu tiên ấy đến nay, trải bao thỏ lặn ác tà, chúng ta đã qua bao lần tăm tối, rồi lại trở lại bao lần vinh quang! Cuộc phiêu lưu bốn ngàn năm đến nay chưa chấm dứt, chiến tranh vẫn bùng nổ không chỗ nọ thì nơi kia, ta vẫn còn mãi mãi tìm tòi trong lo lắng, thất vọng trong yêu thương, mặc dù bao nhiêu hứa hẹn đã thành suông, bao nhiêu sáng kiến đã bị thời gian làm sụp đổ, bao nhiêu trở lực luôn luôn ngấp nghé phá hoại cái vui mừng, cái ngạo nghễ của nhân sinh. Vậy mà ta vẫn không sờn lòng, không nản chí, chỉ vì lúc nào ta cũng vẫn có một câu tin tưởng:

      - Mai đây trời lại sáng!


      Đời lúc nào cũng phải hướng vào duy nhất. Lẽ duy nhất làm nền cho cái phương châm nhất định mà ta đặt cho cuộc sống. Phương châm ấy là gì?

      Thiết tưởng thánh hiền xưa nay không dạy gì hơn là sống làm sao cho đến khi sắp bỏ cõi này sang cõi khác, ta đoái nhìn lại mà có thể tự hào rằng: dù đứng trên bậc thang nào trong xã hội, dù gặp trường hợp nào trong nhân sinh, thấp hay cao, thăng hay trầm, cách xử trí của ta đối với bản thân, với gia đình, với thế nhân, đã không hề đi chệch ra ngoài tấm lòng nhân ái, và phong độ quân tử nó là cái hãnh diện làm người.

      Còn ngoài ra, sá gì những thỏa mãn cỏn con về vật chất, những khoái lạc nhỏ nhoi về tinh thần! Những công cuộc nhất thời, những thắng lợi chốc lát, chắng khác những vinh dự vang rền, những cảm tình bồng bột, phút chốc nổi lên như cồn, rồi lại vụt biến ngay đi như bóng con bạch câu: thời gian đâu có nể nang gì những công trình làm lấy gấp rút, để mong tranh thủ lại thời gian!

      Vẻ đẹp của ngôi chùa cổ, không phải là nét đẹp riêng từng góc mái uốn cong, từng khuôn cửa chạm nuột. Mảnh vàng róc đi, hay cánh tay gãy mất, không đem theo mất cả cái tinh thần toàn bích của pho tượng tuyệt mỹ.

      Cái khó của ta đứng trước thời gian vô tận, là tạo sao cho nên một bản ngã đầy đủ, có thể đem tãi trên năm tháng mà không đổi chất, không thay màu, rút lại là sống thế nào cho bao nhiêu ngày giờ của con tim khối óc kết lại thành một chuỗi, chứ không rã rời.

      Nhất dĩ quán chi vẫn là lời nhủ muôn đời nên ngẫm…


      Lãng Nhân
      (Trước đèn)



      * Henry Murger: Scènes de la vie de Bohème.
      ** Bùi Kỷ: Ưu thiên đồ mặc.
      *** Nguyên văn: Tân nhân dục vấn lang niên kỷ, Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam.
      **** Nguyễn trường Tộ: Tế cấp bát điều.
      ***** Nguyễn Giang: Trời xanh thẳm

      Comment


      • #4
        Tri kỷ

        Tri kỷ


        Tri kỷ tìm nhau mắt đã mờ
        (Tchya)



        Người xưa nuôi chí lớn hay giữ lòng cao, chỉ mong được một người biết cho, là suốt đời tự lấy làm an ủi:

        Khối tình lăn lóc cổ câm
        Cõi trần được một tri âm cũng nhiều!
        (1)

        Là vì có nhiều người đến lúc tay buông xuôi vẫn còn hậm hực rằng chưa từng gặp ai tri kỷ.

        Tri kỷ là người biết ta, hiểu ta, như Bảo Thúc hiểu biết Quản Trọng.

        Quản Trọng thiếu thời nghèo khổ, thường cùng Bảo Thúc buôn chung, lúc chia lãi bao giờ cũng lấy phần hơn, mà Bảo Thúc không cho là tham, vì biết bạn quẫn bách, bất đắc dĩ phải thế. Quản Trọng nơi chợ búa thường bị ăn hiếp, Bảo Thúc không cho là nhát, vì biết bạn có lượng bao dung. Quản Trọng bàn việc mà vịêc hay hỏng, Bảo Thúc không cho là ngu, vì biết ở đời có lúc may lúc rủi. Quản Trọng ba lần làm quan, ba lần bị bãi, Bảo Thúc không cho là vô dụng, vì biết là chưa gặp thời. Quản Trọng ra trận ba lần, ba lần đều bỏ địch mà chạy, Bảo Thúc không cho là hèn, vì biết còn có mẹ già phải phụng dưỡng.

        Quản Trọng bị cầm tù, Bảo Thúc cứu ra, lại nhường chức tể tướng và ưng thuận lui xuống làm dưới quyền, vì biết bạn có tài trị quốc hơn mình. (2)

        Được một người hiểu biết mình như thế, há phải dễ đâu! Bởi vậy, Quản Trọng đã thốt ra một lời chí tình: Sinh ta ra là cha mẹ, biết ta rõ là Bảo Thúc!

        Cũng vì vậy, những ai may mắn mà gặp tri kỷ, thì khi có rượu dốc bầu cho đến cạn, hết rượu rồi tình âu yếm lại nhỏ nhẹ gởi vào lời thơ:

        hôm qua có bạn rượu lại hết
        hôm nay có rượu bạn không biết
        cất đi đợi bạn đến cùng nào
        cùng uống cùng vui cùng say tít
        say sưa quên cả ta là ai
        còn hơn lúc tỉnh nhớ mà mệt…
        (1)

        Bạn chẳng may mà mất đi, thì khóc than rầu rĩ, dang tay đập vỡ quách cây đàn…



        Tri kỷ đáng yêu đáng quý bao nhiêu thì ngày nay trong đám văn nhân, các ngái lại thù ghét bấy nhiêu: các ngái có yêu có quý chỉ yêu chỉ quý những kẻ rất ư không biết mình!

        Những người được trời phú cho một sức tưởng tượng quá dồi dào, quen thói nhìn bản thân qua một lấn kính hiển vi, thấy trong đó quả nhiên mình là tài đong tám đấu, sách chở năm xe, tất nhiên chẳng ngại ngần gì mà không xưng thần xưng thánh trong làng văn tự.

        Bọn người xu nịnh, được họ rước mời chiều chuộng, thổi họ lên chín từng mây. Họ hửng mũi, vuốt râu, cho bọn này thực đáng tôn làm tri kỷ. Còn tri kỷ của họ-tức là người biết tài khí của họ-gián hoặc có nói thẳng để cho tỉnh ngộ, thì họ lại căm hờn giận dữ, hay vuốt bụng thở dài mà ư ử một giọng buồn xo:

        … quốc sĩ xưa nay,
        chọn người tri ky một ngày được chăng!




        Một ngày, dễ mấy ai tìm ra tri kỷ: Vì biết như thế nào mới thực là tri kỷ?

        Trang Chu cùng Huệ-tử đi chơi trên bờ lạch. Thấy trong lạch đàn cá tung tăng, Huệ-tử nói:

        -Đàn cá bơi, vui vẻ lắm thay! (3)

        Trang Chu hỏi:

        -Là cá đấy ư, mà biết rằng cá vui?

        Huệ-tử cãi:

        -Là tôi ư, mà thầy biết rằng tôi không biết cá vui?

        Đoạn cãi lẫy này chưa ắt đã là nguỵ biện. Mình biết lấy mình còn khó thay, huống chi dễ dò rốn bể, khôn lường đáy sông!

        Cho nên, nói rằng mình biết rõ người, thường chỉ là một lời tự phụ, có thể lầm người không biết đến đâu.

        Từ Hải hỏi Kiều:

        -Lại đây xem lại cho gần,
        phỏng tin được một vài phần hay không?


        Đáp lại câu hỏi ngờ nghệch này, Kiều biết nói sao? Gái trầm luân phải giữ lễ, vả cũng đang mong tế độ, tất phải thưa rằng:

        -... Lượng cả bao dong,
        Tấn-dương được thấy mây rồng có phen!


        Đấng anh hung bấy giờ, nếu là người từng trải, biết giá trị của những lời xu phụ, ắt đã chẳng

        Nghe lời vừa ý gật đầu
        cười rằng: tri kỷ trước sau mấy người?
        khen cho con mắt tinh đời!


        Đại vương sau này chôn chân nơi sa trường, có biết chăng mình đã lầm tưởng ai kia con mắt tinh đời? Có hối chăng rằng chính mình cũng đã không tinh đời được như Châu Kỵ?


        Quốc-sách chép:

        Châu Kỵ nước Tề, người cao, mặt mũi phương phi. Một buổi sang, soi gương, hỏi vợ:

        -Ta đẹp hay Từ-công đẹp?

        Vợ đáp:

        -Chàng đẹp chứ, Từ-công sao đọ được!

        Kỵ không tin, lại hỏi người thiếp, thiếp nói:

        -Từ-công sánh thế nào được với ông!

        Có khách đến, Kỵ cũng hỏi thế. Khách đáp:

        -Từ-công đẹp sao được bằng ngài!

        Hôm sau, Từ-công đến chơi, Kỵ nhìn kỹ, biết rằng dáng dấp mình không bằng, lại soi gương, càng thấy mình kém xa. Ngẫm nghĩ rồi vào trào tâu với Tề-vương:

        -Thần vốn biết dung mạo không bằng Từ-công, vậy mà vợ thần vì yêu, thiếp thần vì sợ, khách thần vì muốn cầu cạnh, đều nói thần đẹp hơn. Nay nước tề, đất vuông ngàn dặm, thành quách trăm hai, trong cung ai không yêu đại vương, ngoài triều ai không sợ đại vương, bốn phương ai không mong nhờ đại vương. Coi vậy, đủ thấy người ta che mắt đại vương rất nhiều…



        Ở đời, gặp nhau đã khó rồi, biết nhau, hiểu nhau, càng khó hơn nữa bao nhiêu!

        Có cuộc gặp gỡ bằng thân yêu, thân yêu vì chưa hiểu nhau nên lầm nhau, đến khi hiểu nhau rồi, sẽ trở thành thờ ơ.

        Có cuộc gặp gỡ bằng xung đột, xung đột vì chưa hiểu nhau, hiểu nhau rồi, thì khắng khít gỡ không ra.

        Ngoài sự gặp gỡ ở hình thức, lại có những phen gặp gỡ trong tinh thần, lâu bền hơn, đằm thắm hơn. Một câu thơ, một tiếng đàn, một dòng chữ viết, một nét đan thanh, thường xui nên những cuộc hạnh ngộ lạ lùng.

        Cuốn sách in ra, tiếng đàn vẳng lên, ấy đều là những nhịp rung động của tâm hồn truyền đi bốn phương. Tản mác ra bầu trời, nhịp rung động ấy sẽ gặp bao nhiêu nhịp rung động khác, của bao nhiêu tâm hồn tuy cách xa nhau về thời gian và không gian, nhưng cùng hoà chung một tiếng tơ lòng.

        Ta gặp những ai? Nào biết đâu…

        Ngoài số người mà ta thuộc mặt nhớ tên, còn bao nhiêu người tuy quen mà chưa biết, bao nhiêu người với ta cùng cảm thông trong linh tính, mà chưa từng ngó thấy hình hài.

        Thế thì, thi sĩ há nên chán nản mà ngâm:

        Đời vắng tri âm sống cũng thừa! (4)

        Hãy khá ngậm ngùi rằng biết bao tri âm lẩn quất quanh mình mà không được gặp.

        Không được gặp, ấy là một điều không may.

        Vì, có khi hạnh phúc của cả cuộc đời chỉ tuỳ thuộc vào một phen gặp gỡ.

        Hạnh phúc thường đi lẩn bên mình, song ít khi nhận thấy. Một bậc thang, một chuyến tàu, một căn phòng khách, một cuộc xung đột cỏn con, hạnh phúc ẩn hiện quanh quất chứ không xa. Nhưng, nhưng… có nhiều lúc ớ đâu xui đến, không tiện ngỏ lời, không tiện tỏ lòng, ta dùng dằng đắn đo, tưởng như còn nhiều cơ hội khác đến sau, chụp lấy lúc nào cũng kịp. Có ngờ đâu cơ hội thoảng bay qua và cơ hội cũng như thời giớ, đã đi là không trở lại!

        Hạnh phúc ở đời, có lẽ ai cũng đã từng có phen đi đến, nhưng rồi thấy ai cũng phàn nàn rằng không được gặp, ấy phải chăng là vì đã bỏ mất cơ hội tao phùng!



        Bạn mà trời chọn sẵn cho ta, là anh em: yêu nhau, ghét nhau, hiểu nhau hay lầm nhau, gặp sao ta đành cam chịu, không còn mong đổi.

        Thế thì anh em sao quý được bằng người bạn mà ta chọn lấy, cho hợp lòng ta, cho giống chí ta!

        Ấy vậy mà từ trước đến nay, những bạn ta gặp được, chọn được, chưa ắt đã ai tri kỷ, còn bạn thực là tri kỷ thì dường như có đầy, mà lại ít có dịp nhìn ra…

        Nào những ai xưa kia tin rằng mình đã gặp được người tri kỷ, vì tưởng rằng: mình với ta tuy hai mà một! (Tản Đà) - parce que c’etait lui, parce que c’etait moi (Montaigne) - Hai bên ý hợp tâm đầu! (Nguyễn Du)

        Đến nay, nằm trong đêm tối của thời gian, ai đó đã thấy rõ chưa cái mặt thực của tình tri kỷ?

        Dám ngờ rằng ít có ai không phải chua chát mà than cùng Aristote:

        - Này các bạn tri kỷ của ta ơi, ở đời không ai là tri kỷ hết!

        Baudelaire còn chua chát hơn: “Ta nên có thật nhiều bạn, nhưng cũng nên trữ sẵn nhiều bao tay, để đề phòng lây ghẻ”.



        Khi ngựa kí tuổi già, người ta bắt kéo xe muối lên Thái-hằng, móng nó duỗi ra, đầu gối khuỵu lại, đuôi và chân mồ hôi đầm đầm rỏ giọt xuống đất. Đến giữa dốc, nó thụt lùi, không tiến được nữa. Bá Nhạc gặp thấy, vội xuống xe, ôm đầu nó mà khóc, cởi áo phủ cho nó, nó cúi đầu xuống phì hơi, rồi ngẩng cổ lên mà hí, tiếng hí động tới trời xanh.

        Có tài như ngựa kí đi ngàn dặm, mấy người biết cho đâu, hoạ chăng chỉ một mình Bá Nhạc là tri kỷ: Tiếc thay khi gặp được nhau thì đã quá muộn màng.



        Đời sở dĩ hiếm tìm ra tri kỷ phải chăng vì hiếm người quân tử, như lập luận của Âu Dương Tu?

        Âu Dương Tu bàn rằng:

        Quân tử với quân tử, lấy cùng đạo mà kết bạn; tiểu nhân với tiểu nhân, lấy cùng lợi mà kéo bè, ấy là lẽ tự nhiên: Song chỉ có quân tử là có bạn, còn tiểu nhân thì ham lợi chuộng tiền, cùng mối lợi ắt hò nhau kết liên, thấy lợi thì tranh nhau, hết lợi thì sơ nhau, có khi lại tàn hại nhau, dù ruột thịt cũng không từ. Quân tử giữ đạo nghĩa, xử trung tín, nghĩ danh tiết: lấy đấy mà sửa mình, thì cùng đạo cùng ích cho nhau; lấy đấy mà thờ nước, thì cùng lòng cùng giúp cho nhau.

        Đời Nghiêu, bốn tiểu nhân kéo bè, mười sáu quân tử kết bạn: Thuấn lên giúp Nghiêu, đuổi tiểu nhân, tiến quân tử, thiên hạ đại trị. Khi Thuấn nối ngôi, triều đình hăm hai người, việc gì cũng biết phục thiện và nhường nhịn lẫn nhau, hăm hai người một bè mà Thuấn dùng được cả, thiên hạ lại trị. Trụ có ức vạn bày tôi, sinh ức vạn lòng, cho nên mất nước. Chu ba ngàn bày tôi cùng chung một dạ, vận nước mới dấy được lên. Đến Hán Hiến-đế, đem cầm tù khắp mặt danh sĩ, cho là cùng đảng; khi giặc khăn vàng nổi lên, thiên hạ có loạn, bấy giờ hối lại mới cho thả tù thì đã muộn, đại thế không cứu được nữa.

        Xử cho nhiều người dị tâm không hùa được thành bè đảng, không ai bằng Trụ: Cấm người giỏi không cho bè đảng, không ai như Hiến-đế. Đều đi đến diệt vong.

        Biết nhường nhịn mà không ngờ lẫn nhau, không ai như hăm hai người của Thuấn, ba ngàn người của Chu: hậu thế khen hai đời ấy là biết phân biệt tiểu nhân với quân tử.
        (5)

        Bè đảng mọc ra như nấm, mỗi nghề một bè, mỗi phái một đảng, đàn bà con trẻ cùng kết thành đoàn. Nhường nhịn nhau để mưu lợi chung thì ít, tranh gianh nhau để kiếm lợi riêng thì nhiều, khiến nên bốn biển năm châu sát khí đằng đằng, hết loạn kia đến loạn nọ.

        Phải chăng là họp nhau vì lợi nên không hoà, hò nhau bằng thù nên không mấy lúc mà tan rã?

        Nếu tiểu nhân với tiểu nhân không bạn được với nhau lâu, thì đời này kể có hàng ngạn triệu người gọi là bè đảng với nhau nhưng lại chỉ xô nhau vì lợi, ta vẫn có thể luận theo thái thú Lư Lăng mà nói rằng: không còn có bè đảng bạn bầu nào cả, vì đạo nghĩa, trung tín, danh tiết, có ai biết là những gì nữa đâu?


        Lãng Nhân
        (Trước đèn)


        --------------------

        (1) Bùi Kỷ: Ưu thiên đồ mặc
        (2) Sử ký
        (3) Trang Tử
        (4) Trần Tuấn Khải: Chuyện không hợp ý cười thêm ngượng, Đời vắng tri âm sống cũng thừa.
        (5) Âu Dương Tu: Bằng đảng luận

        Comment


        • #5

          Thực thà


          Thực thà có một, đơn sai chẳng hề!
          (Kiều)



          Đối với nhà đạo đức, dối trá là điều chẳng bao giờ nên làm, vì có hại cho phẩm cách con người: bổn phận và danh dự con người là ở nết thực thà.

          Thực thà quả là một đức tính tốt đẹp đáng nên tôn trọng, ai chẳng muốn quy mọi hành vi vào câu châm ngôn thực thà như đếm.

          Song việc đời phiền tạp, đời sống cá nhân nhiều khi phải phục tòng đời sống xã hội, nên dù muốn thực thà đến đâu, cũng không tránh được một vài phen vướng chân vào sự dối trá, cốt cho miễn thương hòa khí.

          Trong gia đình chẳng hạn, muốn vui vẻ luôn luôn, thì vợ thỉnh thoảng dối chồng, để chồng tin vợ; chồng họa hoằn dối vợ, để vợ tin chồng: có còn tin nhau, lòng yêu mới còn, mà muốn tin nhau cho bền, còn gì hơn là chèn vào đây đó đôi ba điều dối trá!

          Thầy lang đứng trước một chứng gần như nan y, phải dối con bệnh, con bệnh mới còn nuôi được vài tia hy vọng có thể cứu mình mạnh hơn liều thuốc.
          Khách lịch thiệp là người biết tìm cách khéo léo dối chủ nhà, cho khỏi áy náy về những điều sơ xuất không tránh được trong sự tiếp nghênh.

          Nhà ngoại giao không lúc nào không lừa dối nước ngoài, hòng khiến người ta theo vào một chánh sách có lợi cho nước mình.

          Nhìn quanh ta, sự dối trá thực nhan nhản trong xã hội. Rõ rệt nhất là ba ngày tết.

          Ba ngày tết, lo nghĩ nén đi hết để chắp lấy bộ mặt hí hửng, chúc cho mọi người muôn ngàn may mắn. Lời chúc này, tết trước đã dùng rồi, qua một năm, ngó lại muôn ngàn chẳng đậu được một hai, vậy mà vẫn phải lập lại bao nhiêu đó cho bấy nhiêu người!

          Biết rằng cuộc đời chẳng bao giờ như nguyện, mà vẫn phải tươi cười chúc hão cho nhau, cái lễ phép của xã hội thực đã vụng về trâng tráo.

          Mark Twain nói: Những lễ nghi trong nền giao tế, chỉ là một tòa lâu đài tráng lệ, xây bằng những sự dối trá nhân từ.

          Céling ngổ ngáo hơn: Nếu không dối trá, có lẽ phải đóng cửa thế giới trong hai hay ba thế kỷ, vì bấy giờ còn gì mà nói với nhau nữa đâu!

          Trong thánh kinh, Jacob đã lừa dối người cha mù lòa mà không mang tội. Vì khía cạnh bác ái, nên đạo Chúa không ghi dối trá vào trong thập ác.


          Dối trá, không cứ phải là nói ra lời: có khi không nói năng gì mà lại là dối trá nhiều hơn.

          Đôi trai gái ngồi nhìn nhau mà chẳng nói, ngẫm ra còn ai dối nhau hơn nữa! Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa, trong yên lặng hai người cùng tưởng như rất nên ý hợp tâm đầu; nhưng hễ thốt ra lời, để giải bày tấm lòng yêu mến, hai bên có thể lại không hiểu nhau nữa, không ưa nhau nữa, không yêu nhau nữa cũng nên. Vì hai phía có khi cùng ôm một niềm thất vọng: có bộc bạch ra rồi mới nhìn ra sự thực, bấy giờ mới hay trước kia mỗi người một ý, hai lòng chẳng hòa chung một điệu bao giờ...

          Vì sao cô Vẹo lấy tên là cô Hường? Ấy chẳng qua cô muốn làm một điều dối trá.

          Trong cô nữ lang nào cũng có hai phần: một phần cái Vẹo, một phần cô Hường. Lúc bác mẹ sinh ra, lúc vá may chợ búa, phải xô đẩy trong thực tại, thì là cái Vẹo, một cô gái hoặc khôn ngoan sắc sảo, hoặc lơ đễnh ngu đần. Đến khi má ửng, ngực phồng thì cô mơ màng, cô mong ước: đứng trước gương, giận thiếp thân lại không bằng mộng, tự nhiên cô thấy cần phải đổi tên là Hường, cái tên xinh xinh đáng yêu.

          Những tên Hường, Tuyết... cũng như phấn hồng, son thắm, như đôi gót cao đỏng đảnh, tà áo mỏng thướt tha, đều là những thứ cô gái dậy thì cần đến, để mộng với mình trước đã, và mong người ngoài mộng chung.

          Giấc mộng rồi có khi thành ra sự thực, bấy giờ hường hường tuyết tuyết... sẽ chói lọi trong cõi sắc tài, xóa nhòa hẳn cái tên mộc mạc khi xưa.

          Từ khi có khoa quảng cáo, phần nào cũng tốt, thuốc nào cũng hay, thầy tướng nào cũng giỏi như thần, thi sĩ nào cũng tài như thánh... Hường hường, tuyết tuyết, chẳng qua là một mánh lới quảng cáo.

          Cũng hay.

          Để cho tưởng rằng phấn tốt dùng không hại da, thuốc hay chữa bệnh nào cũng khỏi, có khác gì để cho ai cũng tin rằng cô này mơn mởn như bông hường, cô kia nỏn nà như ánh tuyết.

          Để cho tưởng tượng, thế gian mới nảy ra thi vị, đời sống mới chứa chan một nguồn sinh thú...


          Dối trá, coi vậy, đã trở thành như một đức cần cho đời sống hằng ngày. Thì cái người suốt đời chỉ biết ăn ngay nói thẳng ắt là không bao giờ có được. Vì nếu lỡ ra lại có một người kỳ khôi như thế, chung quanh sẽ không ai chịu nổi, rồi con người thực thà như đếm ấy sẽ tự thấy mình không sống được ở đời.

          Ở đời, dù tẻ dù vui, dù thức dù ngủ, thường thường phải dối trá mới yên.

          Cánh đồng lương tâm có lẽ chỉ là một bãi tha ma, ngổn ngang nấm mồ của những câu dối trá.


          Có cái dối mà thực, có cái thực mà dối.

          Thực mà dối như đuôi gà cô gái xưa: chính là bằng tóc thực, nhưng lấy của người khác giắt sang đầu mình.

          Dối mà thực như lông mày hay nốt ruồi cô gái mới: đều là vẽ bằng bút chì, mà ai cũng cho như là tự nhiên.

          Dối thực, thực dối như thế còn dễ nhận; khó nhận cho ra dối thực, nhất là đạo đức.

          Đạo đức thực, phải chăng là người không hay nói đến đạo đức, không cần vin vào đạo đức và không phải năng tỏ cho ai biết đạo đức, chỉ chăm chăm chú chú đem đạo đức ra uốn nắn hành vi của mình sao cho hợp thiên lý và lương tâm.

          Đạo đức dối, trái lại, lúc nào cũng làm ra bộ đạo đức, nét đi dáng đứng đều giữ gìn cho ra tuồng đạo đức, miệng chỉ thốt ra toàn những lời đạo đức.

          Đạo đức dối, trong lúc xử thế, giở hết mánh khóe gian lận để lừa người, nhưng đứng trước bàn thờ thánh, lại suýt soa khấn vái, trông rõ chân thành và ra phết từ bi. Đạo đức thực, ai đi biểu diễn như thế!

          Song, nghề đời, đạo đức thực thường bị coi là vô đạo, đạo đức dối mới hay được ca tụng là đạo đức chính tông. Vì cái đạo đức náu hình trong hành vi, ai thấy được mà tin: ta chỉ hằng thấy bọn người núp sau lưng cái đạo cao đức cả của một đấng từ bi, thì dốc lòng tin ngay họ đúng là nòi đạo đức...


          Dối người còn ít, dối mình mới nhiều, mà nguy hại hơn vì khéo hơn dối người.

          Mỗi việc ta làm, là một phen ta lại dối ta.

          Việc nào lý trí nhủ ta là trái, không nên làm, nhưng nếu làm thì lại ám hợp với cái thị dục nằm sẵn trong lòng, ấy thế là lý trí bị thị dục làm mờ ngay. Thị dục sẽ tự nó tìm lấy lối làm xiêu lý trí: mỗi khi thị dục thấy một lẽ phải chẹn đường không cho phát ra, ngăn cản sự thỏa mãn, thị dục tức thì bày ra cho lý trí những lý lẽ, những chứng cớ có sức quyến rủ, để cố tình đàn áp lẽ phải ấy đi.

          Chẳng hạn, khi ái tình hun đúc lòng ai, nó khắc tìm ra đủ cách đả đảo hết những lẽ phải nào đi ngược lại sự thằng thúc của trái tim. Đến nỗi người ta đã phải xác nhận với Pascal rằng: trái tim có những lý giải riêng của nó, mà lý trí không biết được.

          Như trong cuộc xô xát của hiếu với tình, khi hiếu thắng, thì người thiếu phụ quả quyết

          Ơn cha nghĩa mẹ tày trời
          Dẫu rằng ở góa trọn đời cũng cam!


          Nhưng đến khi tình thắng, thì ngay lúc đưa đám cha, thiếu phụ lại có thể ngang nhiên mà thú nhận:

          Hai tay vin lấy đòn rồng
          Tội trời em chịu: em thương chồng hơn cha!


          Mà trong hai trường hợp, lúc nào thiếu phụ cũng tự cho mình là phải.

          Có người nói rằng: người lương thiện có luân lý của mình, phường gian ác cũng có luân lý của họ. Luân lý này cũng đanh thép lắm, mới khiến được họ vững tâm mà làm điều gian ác.

          Thì, người gian ác đến đâu mà chẳng một đôi khi làm nên một việc lương thiện: chỉ một việc lương thiện ấy đủ có năng lực xóa hết được mọi điều xấu xa. Quân trộm chỉ nghĩ rằng nuôi được con thơ mẹ già, hay lấy của phi nghĩa của anh trọc phú, cũng đủ không coi việc ăn trộm là gian giảo...


          Cho hay người ta suy xét, nhiều khi không phải cốt đắn đo xem việc làm nên như thế nào cho đúng lẽ phải và hợp lương tâm, mà lại là cố tìm cho ra lẽ để biện giải việc mình muốn làm, sao cho ra vẻ lẽ phải về mình. Việc làm càng trái, biện giải càng khéo: đã gian phải ngoan, gái đĩ già mồm là sự thế.

          Việc nào mình đã tự cho là hay là phải, ắt là không khó khăn gì mà không cổ võ cho ai nấy đều tin là hay là phải như ta! Chop nên, những chánh thể hay học thuyết mới, đều thấy cần phải đặt ra ban tuyên truyền để giải thích nỗi thắc mắc của quần chúng, bằng những kiến giải người ta muốn cho quần chúng tin theo.

          Tài hùng biện là gì, há không phải là tài cãi cho việc làm hay ý nghĩ của mình, dở đến đâu cũng thành ra hay ra phải!

          Trong trường chánh trị, khi có ai đề xướng một ý kiến hay, xét ra thực hữu ích cho quốc gia, chánh khách cũng phải buộc lòng cho nó là dở, nếu thấy là không thuộc vào đường lối của đảng mình. Đã là người của đảng, thì không thể công nhận một điều phải của đối phương, mà cũng lại không thể chê bai hay từ chối một điều trái do đảng mình đầu têu. Điều trái mà đảng mình đầu têu, hơn nữa, lại còn phải tự dối mình để cho là phải, và hết sức tranh biện cho cái phải ấy thắng thế.

          Trong những buổi thiệt chiến hùng hồn, những trang bút chiến mãnh liệt, trong những đoạn diễn văn bay bướm, những phòng tiếp khách tưng bừng, dám hỏi đâu là chân lý?

          Đâu là chân lý?

          Cõi đời mênh mông, lòng người ngùn ngụt, rằng rằng chân lý ở đâu?

          Hưng vong, biết chưa người thiên cổ?
          Thành tín bao nhiêu: dối bấy nhiêu!
          (*)


          Chân lý đã đành khó tìm, song xã hội một khi đã thành xã hội, dù không theo hẳn được vào chân lý, ắt cũng phải dựa vào một vài điều cho là hay là phải, mới có thể tồn tại. Vì, ta muốn chung đụng với nhau mà sống cho dài, cho yên, cố nhiên phải đặt ra những điều cho là tốt đẹp cho số đông, để ai nấy cùng vui lòng theo đấy mà sống, mà sinh nở, cùng gia sức chiến đấu với những trở lực gặp thấy hằng ngày.

          Những điều tốt đẹp ấy, như tôn giáo, luân lý, luật pháp, đều đã trở nên nền tảng của xã hội.

          Bởi thế, ai nấy đều phải coi tôn giáo, luân lý, luật pháp là những điều hay lẽ phải tất nhiên. Dù biết rằng trong đó gián hoặc có điều chưa ắt là hay là phải, lại có điều như trái hẳn lại cái hay cái phải, cũng phải buộc lòng tin. Nhà cầm quyền cho xã hội nhủ ta, bắt ta phải tin, vì ta có tin, xã hội mới có cơ trường cửu.

          Pascal nói: Không nên nói cho dân biết rằng luật pháp là không công bằng. Luật pháp thì sao mà công bằng được: luật pháp là tự người đặt ra, công bằng lại là điều người không nghĩ nổi, lòng thị dục còn hun mờ tâm trí, luật pháp chẳng qua là lẽ phải của sức mạnh. Biết vậy đấy, biết rằng lẽ phải thường ở miệng sư tử chứ không ở sừng con dê, nhưng bổn phận làm dân là phải vâng theo luật pháp, vì luật pháp đặt ra cốt để cho... dân theo!

          Không nên nói cho dân biết rằng dân phải tin địa ngục là thực có. Pascal ý muốn ta yên trí rằng địa ngục hiện giàn bày ở dưới vùng đất đen, lúc nào cũng sùng sục vạc dầu, lố nhố những quỷ đầu trâu, -phải yên trí thế, thiện ác mới rõ rệt, người ta mới không ai bảo ai mà cùng nơm nớp sửa mình.

          Thầy Khổng cũng nói đấy: dân chỉ để cho theo, chứ không nên cho biết. Vì cho dân biết, dân sẽ thấy rằng các điều hay lẽ phải trên kia rút lại chỉ là những mưu mô đặt ra để chăn dắt đàn người cho thuận tiện, thấy rõ thế dân còn tin gì nữa: tôn giáo, luân lý, luật pháp, người ta sẽ không lẳng lặng mà nghe theo, xã hội bấy giờ còn yên sao được với năm giềng ba mối!


          Trò dối diễn trên sân kháu, người đóng trò tự dối mình để cho tin là thực, khách ngồi xem cũng tự dối mình để tin cho là thực. Rồi dối quá hóa thực, khách ngồi xem tưởng thực, người đóng trò cũng đặt hẳn mình vào cõi thực, sự thực rốt lại chỉ là ở trong chỗ dối.

          Người ta đã ví mãi cuộc đời như một tấn tuồng: đổi cảnh thay trò, bày bày xóa xóa, trước sau chỉ là biến hiện trong hai cõi thực dối, thực trong cõi dối, dối trong cõi thực.

          Thiết nghĩ cuộc đời sở dĩ giống như một tấn tuồng, là bởi trong tấn tuồng cũng như trong cuộc đời, cái nghệ thuật cốt ở chỗ biết rằng dối mà cứ tin là thực, đem sự dối điểm tô cho giống in như thực.

          Vị danh nhân được quốc dân tín nhiệm, đấng chân tu đứng làm hiện thân cho đạo đức, nhà biện sĩ đem vinh quang hứa với mọi người, bậc văn hào ngồi kể truyện mình trên mặt giấy, khách đa tình mài lệ chép thư, ấy phải chăng là những người đã luyện được nghệ thuật lên đến độ cao cường...


          Lãng Nhân
          (Trước đèn)



          ---------------------------------------
          (*) Hoàng Cao Khải: Vịnh Cổ Loa.


          Last edited by chieutim; 10-18-2021, 08:10 PM.

          Comment


          • #6

            Chữ tình


            Chữ tình là chữ chi chi
            (Câu hát cổ)



            Nói đến ái tình, nhà đạo đức chưa chi đã cho ngay là không đứng đắn. Đối với nhà đạo đức, ái tình là một điều khó nói, dường như không nên nói tới: các ngài cho là một thứ dây oan dắt ta xa lìa thiên lý, kéo ta vào một cuộc đời khổ não những tiếc cùng thương. Ái tình, các ngài coi là một lòng vật dục đáng khinh, nên gián hoặc có bao giờ phải đả động tới thì lấy làm một điều bất đắc dĩ lắm, và tưởng như phải tìm những nẻo quanh co trong luân lý, để bước tới một cách rụt rè.

            Thái độ ấy không hẳn là vô lý. Nhưng có khi nói ngỏ còn hơn nghĩ thầm: luật cấm rượu ở Hoa Kỳ há chẳng gây nên nhiều người nghiện rượu hơn bài ca Tương tiến tửu bên Tàu! Nay hãy tạm chia tay cùng nhà luân lý, tạm giã từ cả nhà tâm lý và nhà thi sĩ trên cõi cao siêu của tinh thần, ta hãy vào sâu trong đám bụi thế gian, chen vai thích cánh với xã hội đương thời, và thử định một nghĩa cho ái tình trong phạm vi thực tiễn.

            Thì có lẽ ta có thể tóm lại một câu rằng: ái tình là một lòng dục phải thỏa mãn một cách mỹ quan.

            Ái tình là một lòng dục: đứng vào phương diện sinh lý, ái tình không ngoài sự cần dùng của nhục thể. Đã là cần dùng, thế tất phải làm cho thỏa mãn.

            Nhưng thỏa mãn thế nào cho có vẻ mỹ quan, đấy là dầu loài người cao hơn muôn vật, cũng lại là cách làm cho ái tình ngoi lên đến cõi thơ mộng, vượt hẳn ra ngoài cái tục tằn của mọi loài.

            Bao nhiêu tình cảm rực rỡ, bao nhiêu tưởng tượng lộng lẫy, có thể coi là đều quy vào một mục đích: tô cho ái tình vẻ mỹ quan.

            Vì vẻ mỹ quan này, có khi người ta quên bẵng cả của ái tình cái tính cách thứ nhất: quên hẳn rằng ái tình là một lòng dục cần phải thỏa mãn. Có khi lại còn theo đuổi ái tình đến quên cả tính mạng nữa, chỉ vì một vẻ mỹ quan.

            Có lẽ chăng người ta xưa cũng như nay, chỉ chết vì cái đẹp...


            *

            Về mỹ quan của ái tình rất có ảnh hưởng đến nền kinh tế trong xã hội. Cho nên, không phải chỉ là bông đùa mà có người nói rằng: chữa được nạn kinh tế bằng liều thuốc ái tình.

            Nhà kinh tế nghiệm ra: người đời có tiêu dùng xa hoa, kỹ nghệ mới chóng khuếch trương, xã hội mới mau tiến bộ. Có thể nói thêm rằng: có vin vào ái tình mới làm cho nghĩ đến sự xa hoa, do đó, muốn mau tiến bộ, trước hết phải mượn sức ái tình.

            Người ta không thể như loài vật, lấy sự thỏa mãn làm cứu cánh. Phương tiện cần cho ta hơn. Cho nên gái cũng như trai, ai nấy đều nghĩ đường tô điểm cho ái tình một vẻ dễ coi.

            Nào thơ ca réo rắt, nào lý tưởng huy hoàng, đem ra điểm xuyết những nét thần tiên. Nào son phấn, nào hương hoa, trau chuốt cho vẻ trong ngọc trắng ngà, xông ướp trăm ngàn mùi hương ngây ngất. Những vẻ đẹp mà hằng ngày các nhà thợ cạo, thợ may, phát minh ra hay đổi mới lại, chỉ là để vẻ vời cho ái tình mỗi lúc một thêm mơ màng huyền ảo.

            Cửa hàng tơ lụa là nơi bù đắp cho nên vẻ phong gấm rủ là.

            Rạp hát, rạp chớp bóng, phòng khiêu vũ, ra ái tình bằng diễm sắc, bằng thanh âm, bằng điệu bộ khiêu gợi, bằng những phong cách thơ mộng.

            Ái tình nhờ nhà chụp hình sửa bớt những nét xấu của tạo hóa, ghi lấy những cảnh trí hữu tình, hòng giữ lại với thời gian cái kỷ niệm đẹp đẽ của một tình cảm không mấy khi lâu bền.

            Bao nhiêu công nghệ, coi vậy, hồ hết là để nâng đỡ giúp giập cho ái tình. Mà người đời càng sống lâu, tức là càng hom hem hốc hác, ái tình lại càng phải vỗ về cho khéo thêm lên mãi: ái tình lúc nào cũng cần phải như

            hải đường mơn mởn cành tơ

            thì mới mong

            ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng!


            *


            Vậy mà khốn thay không phải thiếu nữ nào cũng ngâm được câu thơ của Tchya:

            Bèo nổi nước trôi, em vẫn trẻ:
            Cái già như sợ cái hồng nhan! (1)


            Hồng nhan, trái lại, lại sợ cái già ghê gớm, cho nên lo rằng cái vẻ xuân kia ngày một vân vân xế chiều, người ta mỗi ngày tìm kiếm những phương sách thần diệu cho nó mỗi lúc phải trở lại mặn mà sắc sảo hơn xưa.

            Giai nhân bây giờ không còn như “Cô gái ế” của La Fontaine, mà phải băn khoăn:

            Nhà kia đổ còn tay thợ chữa
            Má này răn, biết sửa làm sao!


            Bây giờ, không những má răn đã có phương sửa được, mà cả gót đầu tấm thân mềm ấm cũng có muôn cách giữ gìn. Hằng ngày, bao nhiêu vị thông thái cặm cụi để lo phát minh ra thứ kem hay phấn lạ, có công dụng mầu nhiệm làm cho thớ da nhỏ lại, nước da tươi lên. Luôn luôn lại xuất hiện thêm những máy móc tối tân để sửa chữa, để uốn nắn, để hàn gắn, để vờn vẽ thêm hoặc thay đổi hẳn như mới những tấm hồng nhan đã phôi pha vì năm tháng.

            Kỹ nghệ dùng những cách biểu diễn mỗi lúc thêm rõ rệt, làm cho tăng sức phát điện của cái máy người ngày một suy mòn; thế dường như còn chưa đủ, lại còn nhờ đến cả văng chương nữa để bày ra những truyện, đặt ra những chữ, tả ra những hình dáng

            những nghe nói đã thẹn thùng:
            nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe!


            cốt sao cho người ta nảy ra cảm giác ngày một thêm mới lạ: cảm giác mới lạ là thứ mà loài người chóng chán cũ, lúc nào cũng hăm hở đi tìm cho được mới nghe!

            Ngày nay, chẳng còn ai ưa cái già, cái xấu, cái mộc mạc nữa rồi. Truyện Lương Hồng Mạnh Quang đã thành câu chuyện hoang đường, không ai muốn tin là có thực nữa: thực vậy ai còn tin được nữa rằng lại có con người lạ lùng đến nỗi nâng áng ngang mày với một bực giai nhân chỉ có cái đẹp... trong tinh thần!

            Vả chăng, cái đẹp tinh thần là như thế nào, còn ai biết đến nữa đâu...

            Đạo làm mẹ, làm bà, ngày nay là gì?

            Há chẳng phải là giữ mình còn son như con như cháu!

            Còn đạo làm chồng thì vẫn lại là cố công cùng sức, đầu tắt mặt tối, để ngoi tới cái mục đích không cao xa nhưng rất cần thiết: chùm lên thân liễu yếu những thứ lộng lẫy mà không bền chặt, mỏng mảnh nhưng thực đắt tiền.

            Lo ăn không bằng lo mặc, cái cần dùng không cần lắm bằng cái không cần dùng, ấy là hiện tượng của văn minh.

            Chung quy, tội vạ chỉ ở hai chữ ái tình.

            Người ta vì ái tình mà chuộng vẻ xuân, vì vẻ xuân mà thần phục những người có phương sách chế ra nó.

            Thế thì phụng sự cho ái tình là cổ võ cho xa hoa, cổ võ cho xa hoa là giúp công cho tiến bộ.

            Trên con đường tiến bộ này, phải nhận rằng xã hội ta đã đi được một bước khá gọi là dài.

            Quay mặt đi, ai người bi quan!



            Lãng Nhân
            (Trước đèn)


            --------------------

            (1) Tchya: Đầy Vơi



            Last edited by chieutim; 10-18-2021, 08:03 PM.

            Comment


            • #7
              Vô ơn


              Vốc hạt ném tung ra trước gió,
              phụ bạc thay nghề cầm bút,
              chỉ sẵn công gieo!
              (Hoàng Tích Chu)



              Việc đời khó dễ khác nhau, lẽ tất nhiên việc khó phải cần tay thợ giỏi mới làm nên. Thành ra rút cục càng khôn ngoan sắc sảo bao nhiêu, lại càng phải đảm đang những cái khó khăn cực nhọc, để cho ngu si hưởng thái bình!

              Thử hỏi những người khó nhọc rồi có được đền công chăng?

              Có thì kiếp sau họa thấy, kiếp này ít khi.

              Hoặc nữa, chẳng qua xã hội đền bằng chút danh hờ, luân lý đền bằng mấy lời vỗ về cao thượng: hy sinh là nghĩa lớn...

              Xưa nay, những kẻ hy sinh được người đời biết đến, hồ hết là vào lúc đã thành xương khô mả nát.

              Còn thì, trong thời gian còn ganh đua vật lộn để sinh tồn, dù hy sinh đến mấy, cũng chẳng mấy ai ơn. Vì sự hy sinh kia, ít ai chịu nhận ra cho: người ta hay có thói khái nhiên coi mọi việc ở đời sở dĩ làm ra là do hiếu danh hay cần sống chứ chẳng phải vì lòng tốt mà thành thực giúp cho ai. Thế rồi lòng tự ái xúi bẩy thêm vào nữa, ai chịu khen ai, ai chịu nhận ơn ai bao giờ!

              Trong vở kịch “Chuyến du hành của ông Perrichon”, Labiche tả một trạng thái tâm lý có thể coi là rất sát với nhân tình. Hai người tranh nhau cầu hôn con gái ông Perrichon. Mỗi người tấn công bằng một phương pháp: người thì gia công làm ơn cho ông, giúp việc này, hộ việc kia; người thì trái lại, chỉ để ông chạy vạy làm ơn cho mình.

              Perrichon rồi gả con cho ai?

              Ông dự tính gả cho người thứ hai này, tức là người chịu ơn của mình, vì trông thấy người làm ơn cho mình, lòng tự ái khiến cho ông ta khó chịu; chi bằng làm thêm một ơn nữa cho kẻ có nợ mình kia, ắt nó sẽ khúm núm với mình hơn!

              Nhưng sau ông lại đổi ý, vì kẻ chịu ơn lỡ miệng tiếc lộ mưu lược cho mọi người biết, khiến ông lại chạm lòng tự ái một lần nữa, lần này ngược lại, ông nhất quyết gọi gả con cho người thứ nhất.

              Lòng tự ái là một lý do của sự vô ơn.

              Nên làm ơn hay nên chịu ơn? Làm con nợ, nhiều khi sướng hơn là làm chủ nợ: được thăm hỏi luôn, được chiêu đãi hoài...



              Có nhiều cái ơn phải trả bằng sự vô ơn, ấy là câu Talleyrand đã nói trắng ra, để cãi xóa tội vô ơn của mình. Ấy cũng lại là một lời thú thực ăn khớp với bụng dạ phần đông.

              Đồ Chiểu nói:

              Khó thì hết thảo hết ngay
              Công cha không trả, nghĩa thầy cũng quên.


              Nhưng đấy chỉ là tội ở cái nghèo.

              Ở những người không nghèo, sự quên ơn cũng nghiệm thấy luôn, vì có nhiều cái ơn, dù có lòng biết ơn đến đâu, người ta cũng không làm cách nào trả được... cho khỏi thiệt tới riêng mình.

              Những sự báo đền, nhỏ nhoi hay to tát, đều do nơi kẻ biết chịu thiệt, biết quên mình, nghĩa là những người hiếm có. Còn đối với thường tình, hình như hễ cứ sống được là phải quên ơn đều đều...

              Công cha như núi Thái Sơn, ấy thế mà mặc dầu luân lý khuyên răn, kẻ làm con vẫn thấy phụ luôn... vì trong buổi cá nhân này, phải đủ ăn, đủ mặc cho mình trước đã: ơn trời biển kia, thôi thì để tính về sau!

              Ơn nào bằng ơn những bậc huân thần, nằm gai nếm mật để lập nên xã tắc? Một khi bình trị, huân thần sẽ bị rẻ rúng, bị giết hại trước tiên: công lao của họ quá to, có thể một ngày kia đấng chí tôn lấy làm e ngại. Cho nên chim muông hết rồi, chó săn phải chết!

              Nguyễn Công Trứ đã có lần phải lấy tấm phản ra mà tự ví, dùng lối lộng ngữ để mong cảnh giác nhà vua:

              Đem thân cho thế gian ngồi,
              Chẳng ơn thì chớ lại cười “bất trung”!


              Ai nặng ơn với ta hơn những người đã cứu giúp ta ra khỏi vòng nghèo đói tối tăm? Ấy vậy mà khi trở nên sang giàu danh tiếng, ta hay quên những ân nhân ấy: vì nếu ta nhắc đến họ, là nhắc luôn đến buổi hàn vi của ta, cái buổi âm thầm lam lũ mà bây giờ ta chỉ muốn quên đi, giấu đi để khỏi ai biết tới. Triết lý của họ như của Thúc Sinh: lấy câu vận mệnh khuây dần…



              Thù tướng Hòa Lan Nassau từng bao lần cứu nước ra khỏi cơn nguy biến, một hôm về chơi vùng quê Gorcum. Nhiều người đã nói đến tai ông rằng dân chúng đâi đa số gọi ông là “lãnh chúa”, nhưng ông không tin. Hôm ấy, vào lúc đang đông buổi chợ, ông lững thững dạo quanh, tươi cười chào hỏi người này người kia, thì thấy không một ai đáp lễ mình cả.

              Ra về, ông buồn rồi đâm ra ốm o gầy mòn, chẳng bao lâu tạ thế.

              Nếu ông sinh ở bên ta, có lẽ chẳng đi đến cái chết mau như thế, vì từ đời nào, chúng ta đã biết là “bạc thì dân”



              Có kẻ khi rủng rỉnh bạc tiền, đi đâu cũng có hàng trăm người theo sau… Đến khi thất cơ lỡ vận, cả trăm người đều lảng tránh. Cả trăm người này đâu phải là vô ơn! Họ sẽ cãi rằng: chẳng qua khi có tiền, ta cầu vui, thì họ đến giúp vui, ta muốn có tài đức, họ đem gán cho tài đức; đến khi ta hết tiền, có can chi tới họ nữa đâu! Nếu có kẻ mang ơn trong đó, thì kẻ ấy lại chính là ta, vì không nhờ vào họ, ta đâu được vui, ta đâu được tiếng khen tài đức!

              Cho nên, nói chuyện ơn huệ ở đời, là một sự chẳng nên, một điều không lịch thiệp.

              Có chăng chỉ làm rác tai những kẻ chịu ơn, mà không khiến được họ biết ơn thêm chút nào.

              Herriot kể chuyện một ngày kia ở thành Athènes, có anh hàng thịt đương giơ dao chặt khúc chân giò, vô ý suýt nữa chặt phải tay mình, may có người hàng xóm đứng bên đỡ được cho khỏi bị thương. Mấy hôm sau, hôm nào người này sang chơi cũng nói:

              - Bác nhỉ, lúc ấy không có tôi thì què rồi, cón làm ăn gì được!

              Người hàng xóm cứ nhai nhải thế mãi. Anh hàng thịt đến sau nhịn không nổi, chìa dao ra trả lời:

              - Đây, tay tôi đây, bác chặt đi cho rảnh, từ rầy đừng làm khổ tai tôi nữa!



              Dương Hổ, tướng nước Vệ, phải tội, trốn sang Tần, vào thăm Triệu Giản Tử, phàn nàn:

              - Từ nay, tôi quyết không gây dựng cho ai nữa!

              - Tại sao vậy?

              - Ngài tính: khi tôi tại chức, trong hàng các quan hầu cận, các quan trong triều, các quan biên thùy, tôi gầy dựng cho đến quá nửa. Thế mà bây giờ, hầu cận thì gièm pha, triều đình thì xử tội, biên thùy thì truy nã…

              - Ngài nói thế thì lầm lắm. Trồng đào mận, hè được bóng mát, thu ăn quả ngon. Trồng tật lê, hè không có bông, thu trổ chông gai. Ngài sở dĩ gặp bước này, là tại trước kia gầy dựng cho toàn những hạng không ra gì! (1)

              Nếu theo Triệu Giản Tử, chẳng hóa ra phải chọn người trước đã, rồi hãy làm ơn cho: nghĩa là thi ân còn nên phòng trước lấy sự báo đền.

              Lượng bao dong chẳng cũng hẹp hòi lắm sao?

              Có lẽ cũng nên nhận rằng đời ít kẻ vô ơn hơn người ta vẫn tưởng, vì những kẻ sẵn lòng làm ơn, đâu có nhiều nhặn gì!

              Ai muốn sống cách nào, tưởng cứ nên tùy cái thích của mình.

              Thích coi tiền bạc như bùn đất, tung nó ra mà xem lũ người tranh giành. Thích giùm giúp mọi người trong lúc khó khăn. Thích thế nào, nào ai ngăn cấm được mình! Nhưng nên nhận định rằng bất cứ trong trường hợp nào, cũng chỉ là làm theo ý mình, giúp người là tạo niềm vui cho chính mình, như thế họa chăng sau này mới khỏi than phiền gặp ai vô ơn vì người ta nợ mình thì mình biết rõ, mà mình nhiều khi lại rất lơ mơ về những gì mình nợ người khác.



              Đời Tam Quốc, Hứa Du, mưu sĩ của Viên Thiệu, bày mưu cho Tào Tháo hạ thành Ký Châu, khiến quân Tào tiến được vào cửa thành này: Hứa Du thúc ngựa lên trước, ngoảnh lại nói với Tháo:

              - A Man, không có tôi thì đời nào anh vào được tới đây!

              Tháo cười, không nói gì, vì biết trước rằng Du sẽ chết vì tật ngông nghênh vô ý thức ấy.

              Mấy hôm sau, Hứa Chữ đi tuần bên ngoài, chiều về gặp Hứa Du ở cửa thành. Du lại nói:

              - Không có ta thì thứ các ngươi vào được cửa này à?

              Hứa Chữ giận quá, tuốt ngay gươm chém Hứa Du toi mạng.



              Quốc Sách chép lời Đường Thư khuyên Tín Lăng Quân.

              Bấy giờ Tín Lăng Quân giết Tần Bỉ, cứu Hàm Đan, đem quân đắc thắng trở về: Triệu vương mừng rỡ, ra đón tận ngoài thành. Đường Thư bẩm riêng với Tín Lăng Quân:

              - Thần nghe: có việc không thể cho biết được, mà cũng có việc ta không thể không biết; có điều không quên được, mà cũng có điều không thể không quên. Người ghét ta, ta không thể không biết; ta ghét người, không thể để cho người biết. Người làm ơn cho ta, ta không thể quên; ta làm ơn cho người, ta không thể không quên. Nay ngài phá quân tần, cứu nước Triệu, Triệu vương ra nghênh ở ngoài cõi; vậy khi gặp Triệu vương, ngài nên quên cái công lớn ấy đi.

              Tín Lăng Quân nghe theo.

              Nhờ đó, Tín Lăng Quân không bị ngờ vực, ghen ghét, không đến nỗi phải tru di như Hàn Tín, Nguyễn Trãi.



              Làm ơn càng lớn bao nhiêu, lại càng phải quên đi. Dừng bắt chước những ai hay nói ra vẻ cao thượng:

              - Làm ơn không cầu báo!

              Có cầu, chưa chắc đã được phần nào…



              Lãng Nhân
              (Trước đèn)


              ---------------------------------------

              (1) Quốc sách


              Last edited by chieutim; 10-18-2021, 08:01 PM.

              Comment


              • #8
                Dại khôn


                Biết ai là dại biết ai khôn
                (Tú Xương)



                Đời gọi ai là ngu, ta có thể yên trí rằng đó là một người ăn chẳng biết mùi, thở chẳng ra hơi, đi không biết đường lại...

                Ngu có khi giống in như một cái khôn tuyệt đỉnh – khôn tuyệt đính trong nhiều trường hợp, là một cách giả dại làm ngu vì thật ra, tỏ mình khôn để làm gì? Ý nghĩ khác người, diễn xuất khác người để làm gì? chỉ tổ cho người ta chê và khinh bỉ là gàn dở.

                Huống chi thói thường, bảo ai ngu thì có người nghe ngay, còn nếu lại khen ai khôn, thiên hạ sẽ thấy như phân vân, không hình dung được như thế nào là khôn.

                Thế nào là khôn?

                Nếu hỏi thăm ra, loài người có lẽ chăng toàn một giống ngu.

                Vì ta sẽ thấy ông Tý coi ông Sửu là ngu, ông Sửu coi ông Dần cũng là ngu, cho đến ông Tuất vẫn coi ông Hợi là ngu. Ngược lại, từ ông Hợi trở lên, đến ông Dần, ông Sửu, đối với những người đã chê mình, không những các ông không cho họ là khôn, lại còn bỉ họ là ngu hơn ai hết.

                Không ai chịu cho người khác khôn hơn mình.

                Nói như Tây ngạn: Kẻ ngốc bao giờ cũng tìm ra kẻ ngốc hơn nó ca tụng mình, hình như không đúng lắm. Nhiều khi anh ngốc lại bị người ngốc hơn coi mình là xuẩn.

                Gặp kẻ ngốc coi mình là xuẩn, Courteline cho đó là cái thú kỳ diệu của con người lọc lõi!



                Ngu Công khi xưa nuôi một con bò, bò đẻ một con bê, bán bê đi để mua con ngựa non, đem về nuôi chung chuồng với bò. Có người đến bắt con ngựa, lấy lẽ rằng “bò không bao giờ đẻ ra ngựa”. Ngu Công chịu mất ngựa, không cãi nửa lời. Xa gần chê ông là ngu.

                Nhưng Quản Trọng nghe chuyện, cho là ông lão không cãi vì sẵn biết rằng luật pháp trong nước không ra gì, có đi kiện cũng vô ích nên im đi còn khôn hơn1.

                Nhiều nhà văn, khi đọc văn nào không phải của mình, hay dẩu môi lắc đầu, hạ một giọng khinh bỉ:

                -Rỗng tuếch!

                Rỗng tuếch, trong ý các ngài, là thứ văn ba hoa thiên địa, thứ văn học kêu vang vang mà rút lại chẳng có một tư tưởng nào đáng được các ngài cho là uẩn súc.

                Tuy vậy, tưởng các ngài cũng nên phân biệt mấy thứ rỗng.

                Rỗng như trống cà rùng, đánh lên tiếng hùng dũng; rỗng như chuông chùa, dóng lên tiếng thanh cao; rỗng như tỳ bà, gảy ra âm tao nhã. Rỗng như tù và, còn đủ kêu được trôm. Rỗng như mõ làng chỉ nheo nhéo như réo quan viên, rỗng như trống khẩu thì tong tong, đến như vỏ thùng đập cho lắm cũng chỉ kêu bồm bộp...

                Văn cũng có thứ vỏ thùng, thứ trống cà rùng, thứ trống khẩu.

                Nhưng làm cách nào mà biết cho rành?

                Tiếc thay, Chung Kỳ không còn ở lại, để lắng tai nghe rõ hộ nhau!



                Dương Chu đến trọ nhà kia, thấy chủ trọ có hai người thiếp, một đẹp một xấu, mà lạ thay, trong nhà ai cũng quý người xấu, khinh người đẹp. Hỏi thì ai cũng đều một luận điệu:

                -Người thiếp đẹp, tự phụ là đẹp, thành ra mất đẹp; người thiếp xấu tự biết mình là xấu, nên không ai để ý đến cái xấu của cô ta nữa.

                Dương Chu gọi học trò ra bảo:

                -Các con nhớ lấy: giỏi mà bỏ được cái tật tự cho mình là giỏi, thì đến đâu, ai chẳng trọng, chẳng yêu 2.



                Ngẫm ra, khôn dại, rỗng đặc, chẳng qua như nặng nhẹ, nhanh chậm, nóng lạnh... chênh lệch nhau là do sự so sánh.

                Do sự so sánh, nên đứng trên đỉnh núi, có người tưởng bàn tay mình là to, vì thấy nó che lấp được cả một vùng trời; mà ra đến đại dương, bao la những nước cùng trời, lại thấy cả tấm thân bảy thước của mình thu lại chỉ như một cái chấm nhỏ.

                Ví bỏ sự so sánh đi, bao nhiêu bất bình sẽ hết.

                Không có vật nào mình đối riệng mình lạnh hay nóng, nặng hay nhẹ, nhanh hay chậm. Không có ai mình đối riệng mình lại nhỏ hay lớn, rỗng hay đặc, dại hay khôn. Tiếc rằng khi ta biết nghĩ mình đối riêng mình, như cô thiếp xấu kia, lại là lúc phần nhiều đã gần kề miệng lỗ.
                Màn chót tấn kịch bây giờ từ từ hạ xuống, con hát nhìn lại ai cũng như ai, cái thời gian đóng trò ngắn ngủi chẳng cho phép ai có thể lên câu rằng mình đã từng đóng một vai quan trọng trên sân khấu đời...

                Còn thì ở vào lúc còn cạnh tranh, mình đối riêng mình, chỉ là tấm lòng tự ái.

                Đối với con, mẹ hát là hay; đối với vợ, chồng là ông tướng.

                Muốn làm vĩ nhân, không có gì là khó.

                Mỗi người chúng ta đều có thể làm vĩ nhân: vĩ nhân của mình ta, vĩ nhân của gia đình!



                Ngụy Hầu cùng quần thần bàn việc, việc gì vua bàn cũng phải, không ai giỏi bằng. Lúc lui chầu, Ngụy hầu vui vẻ lắm.

                Ngô Khởi tiến lên, tâu:

                -Bệ hạ đã nghe chuyện Sở Trang Vương chưa? Khi Trang Vương bàn việc giỏi hơn quần thần, lúc lui chầu lo lắm, thường nói: các vua chư hầu, ai có thầy giỏi thì làm được vương, có bạn giỏi thì làm được bá, có người quyết đoán cho những việc do dự thì còn nước; bàn việc mà không còn ai bằng mình thì mất nước; ta nghĩ ngu như ta đây mà quần thần cũng còn không ai tính việc được bằng ắt là nước ta nguy lắm rồi, nên ta lo. Ấy cũng một trường hợp, Trang Vương khi xưa lo là thế, mà bệ hạ nay lại hớn hở vui mừng.

                Ngụy Hầu vái tạ mà nói:

                -Trời sai nhà thầy đến sửa lỗi cho ta! 3


                Lãng Nhân
                (Trước đèn)

                -----------------------------
                1. Khổng Tử tập ngữ
                2. Cỏ Học Tinh Hoa
                3. Quốc sách

                Last edited by chieutim; 10-18-2021, 08:00 PM.

                Comment


                • #9
                  Khóc với cười


                  Lọt kiếp nhô ra đã khóc cười
                  (Tchya)



                  Một ông bạn ưa suy tư hỏi rằng việc hôn hay việc táng có nên bắt chước một nhà triết nhân kia chăng: khi đưa ma thì cười, thấy đám cưới thì khóc, khóc cho kẻ này tự dẫn thân vào vòng bó buộc, cười cho ai kia đã thoát nợ đời?

                  Đành rằng hôn sự là một dây xích mà luân lý dùng để ràng buộc người đời, khiến cho không thể hành động theo cái thích riêng của tính tình nữa. Hôn nhân là cái vòng bổn phận, những kẻ xưa nay vẫn thung dung trong đời phóng đãng, mặc dầu mây sớm mưa chiều, nay phải đeo cái vòng ấy, có thể vì nó mà nhụt mất chí tiến thủ, mà giảm mất cả tài nghệ, cái tài nghệ chỉ nảy nở ở trên đất tự do, ấy là một sự đáng buồn. Buồn nữa là khi sống một mình, ta ôm được hoài bão to, độ lượng cả, đến lúc bước vào phạm vi gia đình, lẽ sống còn sẽ bắt ta phải đem bụng kiêm ái thu vào một hai người mà ta có trách nhiệm dạy dỗ chăn nuôi. Đánh đổi lấy một cái vui hẹp hòi, ta bỏ mất cái vui rộng rãi...

                  Đành nữa rằng cuộc sống còn chỉ là một chuỗi vui buồn mà buồn nhiều hơn vui. “Mới lọt lòng ra đã khóc rồi” nhà thi sĩ cho tiếng khóc ấy là khóc bãi bể nương dâu, khóc tử sinh kinh cụ, khóc bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương. Nhà tâm lý hiểu tiếng khóc ấy là tiếng kêu đau đớn của đứa hài nhi, đương ở trong lòng ấm, bỗng phải ra ngoài khí lạnh, đau đớn vì cái thân nhỏ bé ở vào hoàn cảnh mới, co duỗi chưa quen, đau đớn vì không khí thốt nhiên thổi vào bộ hô hấp. Tiếng khóc đầu tiên ấy rồi có biết bao nhiêu tiếng khóc đi theo: khóc tình, khóc nghĩa, khóc tử biệt sinh ly, khóc điều mơ ước chẳng thành, khóc nỗi bạc đen đã trải, trăm năm thân thế, kể sao hết nỗi đau thương. Ra chốn sa trường, vào nhà phúc đường, đi thăm những nơi nghèo khổ, tù tội, rồi ngẫm lại cái thân mình, thì còn bao nhiêu vui cũng hóa ra buồn, chuỗi đời có lẽ toàn buồn chứ không vui. Thế thì người thoát ra ngoài đời, là người sung sướng, ta nên vui chứ chẳng nên buồn.

                  Đành thế rồi.

                  Nhưng vui buồn là cái tình cảm ở trong, cười khóc là cái hình dáng bên ngoài.

                  Khóc cười tuy là biểu hiện của buồn vui, song không phải là biểu hiệu nhất định.

                  Khóc như thiếu nữ ngày hôm cưới, cười tựa văn nhân lúc hỏng thi.

                  Hoặc lại cười khóc như người Nhật.

                  Người Nhật khi gặp sự đau đớn, thương xót, thì cười, cho người chung quanh khỏi buồn lây vì mình, khỏi vì mình mà giảm mất thú sinh hoạt. Đến lúc vắng vẻ, mới phó thân cho giọt lệ, tiếng than.

                  Kịch sĩ Molìère, một thân đa bệnh, lại gặp những nỗi sầu khổ suốt đời, vậy mà lại là một vai hề thiên cổ, đã từng làm cho nhân loại cười ngặt cười nghẽo, đến lúc chết cũng chết ngay ở sân khấu, giữa tiếng cười như phá của người xem. Ông từng nói: làm được cho thiên hạ cười, thật là một công trình kỳ ngộ.

                  Như vậy, thấy ai cười, đã chắc người ấy vui chưa?

                  Thấy ai khóc, đã chắc người ấy buồn chưa?

                  Còn những kẻ “nói cười trước mặt, rơi châu vắng người” nữa chứ!

                  Vì biết đâu kẻ hay nói hay cười lại không là người sầu khổ nhất thế gian, mà không muốn cho thế gian ngó tới! Biết đâu cái cười của người ta lại chẳng như nụ cười của gã Figaro: cười vội cười vàng kẻo sợ rồi phải khóc ngay sau đấy!

                  Cái cười của kẻ đau khổ, thật ra, còn thiểu não hơn cảnh nước mắt dầm dề, vì như La Bruyère nói: nên cười trước khi thấy vui trong lòng, những e rằng mình lỡ ra chết mất mà chưa kịp cười.

                  Kẻ hay suy tư thường cho đời là một hí kịch, song đời lại là một bi kịch cho những người đa cảm. Cho nên cái cười dễ thương và hữu lý nhất là cái cười nửa miệng, như mặt trăng, nửa treo dưới nước, nửa cài trên mây...


                  Xã hội nào, thời đại nào chẳng có những điều bất công, không ít thì nhiều. Chỉ trích những bất công ấy, rất hay gây ác cảm: thuốc có giã được tật đấy nhưng vẫn là thuốc đắng. Chữa bớt cái đắng ấy bằng một ít ngọt ngọt chua chua, con bệnh dễ uống hơn. Cho nên những sự thực đắng cay, đem tả oán để cho người ta khóc, không bằng pha trộn đôi lời trào phúng cho người ta cười.

                  Cái cười ấy là cười của Santeul: cười cợt để sửa lại phong hóa...


                  Lãng Nhân
                  (Trước đèn)


                  Last edited by chieutim; 10-18-2021, 07:59 PM.

                  Comment


                  • #10
                    Mộc mạc


                    Mộc mạc ưa nhìn, lọ điểm trang
                    (Thơ Cổ)



                    Giản dị là cỗi nguồn của mạnh và đẹp.

                    Đáng lẽ giản dị phải là tính tự nhiên của mọi người. Nhưng không. Mỗi lúc, ta lại thấy như cần phải bày vẽ thêm ra cho rườm mới nghe. Nhiều vật trông có vẻ tục tằn, kiểu cách, chỉ vì không giản dị cho nên.


                    Người tự nhiên, bao giờ cũng ưa đi thẳng từ ý nghĩ đến việc làm, nên vẫn có vẻ chân thành.


                    Kiểu cách là một sự xa xỉ. Phí thì giờ, phí cử động, phí lời nói.

                    Tiếc thay, thời đại lại không ưa giản dị. Phải chăng vì thế mà ta ưa đọc tiểu thuyết không tưởng và dễ tin những kẻ phô trương để lòe đời.


                    Bao giờ trừ bỏ được trong lời nói những tiếng thừa, những câu ba hoa vô ích, lời nói mới thực là để phô diễn tư tưởng, chứ không phải là vẽ vời để che đậy một thứ tư tưởng trống rỗng.


                    Nhiều người trải đời, học rộng mà không ai hiểu rõ cái từng trải, cái học thức ấy ra sao., chỉ vì không diễn được ra cho gọn gàng minh bạch.


                    Pascal viết một bức thư quá dài, dưới phải thêm một câu: Xin lỗi, tôi không kịp thời giờ viết ngắn đi được. Viết ngắn đi, nhưng lẽ tất nhiên là vẫn đủ ý nghĩa, coi vậy, không phải là không tốn nhiều công phu, thời giờ hơn là viết dài...


                    Bí quyết của cái đẹp là giản dị: Cái áo giản dị vẫn đẹp hơn, nhã hơn cái áo diêm dúa. (Giản dị chưa ắt đã là rẻ tiền).

                    Cái áo mặc đẹp, may khéo là ở chỗ không ai nhận thấy là nó vừa mới may xong.

                    Nếu cô em có một vẻ đẹp tự nhiên, thì đừng làm dáng thêm nữa, kẻo giảm mất vẻ đạp một kỳ công của tạo vật.


                    Trong muôn loài mà tạo vật sinh ra, dễ thường chỉ có mèo và đàn bà là mất nhiều thời giờ trong việc điểm trang.


                    Về mỹ thuật hễ xa giản dị là mất đẹp. Thời nào tài tử tìm tòi những lối diễn xuất cầy kỳ, lắt léo, thời ấy là suy bại.


                    Tư tưởng càng giản dị lại càng rõ ràng. Người viết tránh được lầm lẫn, nếu bỏ được lối nói văn hoa.

                    Anatole France cho lối hành văn hay nhất là viết giản dị sáng sủa như ánh mặt trời trắng xóa trong đó bảy màu hòa lẫn nhau thật tinh mật.


                    Cái họa lớn nhất của sự phú quý: phú quý sinh lễ nghĩa. Được phú quý rồi, ai cũng lần tưởng là phải tô điểm cho cuộc sống thên bệ vệ, đường hoàng.


                    Càng nhiều cần dùng, càng thêm bó buộc. Bỏ được cần dùng nào, là nhẹ mình đi một ít. Sung sướng phải tìm trong sự biết nhịn những cái không thực cần.


                    Kiêu hãnh, ai mà thương được! Thương được chăng, là kiệu hãnh bằng cách giản dị...


                    Lãng Nhân
                    (Trước đèn)

                    Comment



                    Hội Quán Phi Dũng ©
                    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                    website hit counter

                    Working...
                    X