Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đêm Không Trăng Đọc Thơ Lý Bạch

Collapse
X

Đêm Không Trăng Đọc Thơ Lý Bạch

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đêm Không Trăng Đọc Thơ Lý Bạch

    Đêm Không Trăng Đọc Thơ Lý Bạch

    Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

    Phi truờng quốc tế Arlanda ở Stockholm vào sáng chủ nhật khi chúng tôi tới có một khung cảnh nhộn nhịp khác thường. Ngày hôm sau, bắt đầu tuần lễ ngày 7 tháng Mười năm 1985 là mở đầu Hội Nghị Không Gian Quốc Tế họp lần thứ 36. Hội nghị này, mỗi năm họp vào mùa Thu và ở một nước khác nhau. Kể từ hội nghị lần thứ 11 vào năm 1960, đến nay vừa đúng một phần tư thế kỷ hội nghị mới họp trở lại ở Thụy Điển. Thêm vào đấy, chủ đề năm nay là "Hòa Bình Không Gian và Những Vấn Đề Chung của Loài Người" (Peaceful Space and Global Problems of Mankind) đã là động cơ để cho ba mươi lăm nước hội viên cử người đến tham dự đông đảo. Sau ngày đầu tiên khoáng đại hội nghị với sự chủ tọa của Quốc Vương Thụy Điển Carl XVI Gustaf, các nhà khoa học không gian quốc tế, trong suốt tuần lễ sẽ chia nhau họp ở sáu mươi ban để thuyết trình và hội thảo ở đủ mọi ngành liên hệ đến hoạt động trong không gian từ y khoa, luật pháp cho đến sự chế tạo hỏa tiễn, phi thuyền và cơ học phi hành. Ban tổ chức dự trù có hơn một ngàn người, kể cả gia đình đi theo tới dự.

    Tôi được mời thuyết trình một bài khảo cứu về qũy đạo học và đồøng chủ tọa với một khoa học gia người Pháp một khóa hội thảo về qũy đạo tối ưu (Optimal Trajectories). Đây cũng là dịp may để nhà tôi đi theo thăm gia đình một người anh đã lập cư ở Thụy Điển từ ba mươi năm nay. Vì đi một chuyến máy bay riêng qua một tổ chức du lịch từ New York tới nên chúng tôi đã qua được thủ tục nhập cảnh và quan thuế một cách dễ dàng. Vừa ra cửa chúng tôi đã thấy người anh đợi sẵn và, nhờ sự hướng dẫn thông thạo của anh, chúng tôi đã tới được khách sạn Royal Viking trước tất cả mọi người cùng đi chuyến tàu. Khách sạn này ở ngay trung tâm thành phố Stockholm, ở cạnh ga xe lửa và tàu điện ngầm, và là khách sạn tối tân nhất. Mỗi người khách được trao một tấm các nhựa có in mật mã để mở cửa buồng, một phát minh mới của kỹ nghệ khách sạn du lịch, nay đã được dùng một cách phổ thông.

    Đây là lần đầu tiên cả hai chúng tôi tới Stockholm, một thành phố vừa cổ kính lại thêm vào những xây dựng tối tân ở miền cực Bắc Âu châu. Tôi vì bận họp nên chỉ buổi tối mới có dịp đi thăm một vài nơi trong thành phố. Còn nhà tôi thì ngày nào cũng ríu rít đi chơi với gia đình người anh, với bà chị dâu hiền lành người Thụy Điển và hai đứa cháu, một trai một gái, trông khôi ngô xinh đẹp.

    Chiều ngày thứ tư là buổi nghỉ để khách phương xa về dự hội nghị có dịp đi thăm phong cảnh quanh vùng. Ban tổ chức đã dự trù một buổi đi du thuyền vòng quanh các đảo và ăn tối trên tàu. Vào dịp này, anh nhà tôi là anh Cung Đình Luyến đã tổ chức cho chúng tôi một chương trình riêng hấp dẫn hơn. Cùng với gia đình anh, chúng tôi lấy tàu bể đi sang Phần Lan. Tàu chạy suốt đêm thì tới Helsinki nhưng chúng tôi sẽ chỉ đi nửa đường, khi tàu ghé đảo Aland là đầu địa phận nước Phần Lan, thì chúng tôi sẽ đón chuyến quay trở về Stockholm. Như vậy chúng tôi sẽ được hưởng một đêm vui trên hai du thuyền với những ban nhạc và phòng ăn trang trí cùng đầu bếp khác nhau thay vì chỉ một buổi chiều chạy quanh bờ biển nếu đi theo chương trình của ban tổ chức Hội Nghị. Đi riêng, chúng tôi được hưởng không khí gia đình ấm cúng hơn và cũng vì vậy tôi đã được một đêm trong một khung cảnh khác thường, đọc mấy vần thơ của Lý Bạch. Mấy dòng tâm sự tôi ghi dưới đây.

    Đã có một lần, một vị túc nho hỏi một vị khác về tôi:"Ông Toàn Phong có tinh thông Hán học không?" Câu hỏi thực ra là chí tình vì cụ muốn viết mấy lời giới thiệu về học lực Anh, Pháp, Việt và có thể là ... Hán, về tôi cho trung thực. Tôi không có dịp trả lời, và nếu có thể nói thì tôi xin thưa là chữ Hán tôi biết chừng một ngàn chữ và qua những tháng năm trải bao biến đổi trong nghề nghiệp, cuộc đời lúc nào cũng nhiều áp lực trong cuộc mưu sinh, ít khi có thì giờ chau giồi văn bút, vốn chữ Hán của tôi có thể coi như là không nguyên vẹn, chữ hay chữ lỏng thu gọn lại gần thành như số không. Chữ đầu tiên tôi học không phải là chữ Nhân nghĩa là Người trong Tam Tự Kinh mà là chữ Nhẫn với ngụ ý kiên trì, chịu đựng do ông ngoại tôi viết ở trên tường xây sau hòn núi non bộ. Ông tôi là một nhà nho ở Nam Định, thi hương ngay trong tỉnh hai lần cùng lạc đệ. Lúc về già, ông tôi vui việc trồng cảnh, làm thơ, nếp sinh sống trong gia đình đã có bà ngoại tôi cùng các dì trông nom canh tác mươi mẫu ruộng hương hỏa. Có lần được ngồi trong lòng ông, tôi chỉ ra hòn núi non bộ hỏi chữ đại tự ông tôi viết và được cắt nghĩa là chữ nhẫn, có chữ nhận là mũi đao viết ở trên và chữ tâm viết ở dưới để tỏ tấm lòng. Lúc ấy tôi chừng lên năm tuổi. Hằng năm nghỉ hè tôi đều về quê ngọai, được học thêm ít chữ của ông đồ trong làng, hầu hết là tô chữ son như trẻ con học vẽ. Lên trung học ở Hà Nội mỗi tuần có học chữ nho do cụ cử Cung Đình Hoan là ông chú của nhà tôi dậy. Tôi chịu khó học, không phải là vì đặc biệt mến cụ mà chỉ vì muốn được nhất trong lớp. Tôi có người bạn rất thân nhưng lại là địch thủ đáng sợ trong lớp. Từ toán đại số đến hóa học, vật lý học cho đến Pháp văn môn nào anh ta cũng xuất sắc. Ngoài ra anh lại có hoa tay vẽ rất đẹp, chữ nho viết như rồng bay phượng múa, những môn này anh hơn hẳn tôi. Tôi gỡ lại được chút ít về toán với hệ số ba và chỉ có cách cầm cự tàm tạm những môn phụ họa thuộc phạm vi bên lề trong những mục hào hoa phong nhã mới không bị anh đè trên khi cuối tháng cộng điểm trong học bạ.

    Trong những năm tránh bom đạn, di tản về miền quê tôi được ông bác ruột dậy thêm cho ít chữ. Bác tôi là giáo sư Nguyễn Đức Huân, dậy môn sử địa bắt đầu ở trường Bưởi, lúc đó có tên là trường Bảo Hộ, sau đổi về trường Đỗ Hữu Vị, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bác đổi về trường trung học Thái Bình lúc đó di tản về làng Thượng Phú, phủ Thái Ninh. Bác có người con trai lớn, bỏ nhà từ sớm đi bộ đội, anh con út còn bé nên bác đưa tôi đi theo, vốn chữ Hán thâm thúy của bác định dành truyền lại cho tôi nối dòng Nho giáo của gia tộc. Nhưng lúc đó tôi bắt đầu mê toán học, nhất là môn hình học, tập sách bác trao tôi chỉ học cầm chừng, tuy đọc vanh vách nhưng nghĩa không thấu triệt. Nhưng nhờ bác mà tôi biết tới thơ Đường. Nhờ ảnh hưởng thú tiêu văn tao nhã bên ngoại, không có đàn nhạc tôi cũng thích ngâm nga đọc thơ người trước. Một buổi chiều, bác đọc cho tôi nghe một bài thơ cổ không có đề và tác giả tả cảnh một vị giải nguyên đi thi đình, văn chương lưu loát, khi về nhà trời còn sớm, được người vợ đẹp ra ân cần săn đón:

    "Đình thí quy lai ác vị tê,
    Mỹ nhân hàm tiếu xuất thâm khuê.
    Ân cần bả thủ, nghi tương vấn:
    Điện thí kim chiêu xuất thậm đề?"


    Bác cho tôi coi bài dịch:

    "Thi đình về lúc chưa chiều
    Miệng cười người đẹp buồng điều bước ra.
    Ân cần đón hỏi dò la:
    Đầu bài buổi sớm nghe qua với nào".


    Tôi tuy lễ phép nghe, nhưng trong bụng không hoàn toàn phục vì nghe những câu thơ dịch giống như những câu Kiều lẩy các dì tôi ngày xưa vẫn đọc cho nghe. Tôi ra đầu hè nghĩ được một bài khác rồi viết đưa bác coi:

    Thi đình về lúc ác chưa tà,
    Miệng cười người đẹp khỏi buồng ra.
    Ân cần tay nắm chàng thăm hỏi:
    Đầu bài buổi sớm, thiếp nghe qua.


    Bác đọc lên chỉ gật gù không nói gì. Nhưng từ đó bác cũng không hay cho tôi nghe thơ dịch nữa. Năm đó tôi vừa đúng mười sáu tuổi.

    Tuy thích nhìn trăng sáng, ngắm sao đêm, thấy lòng bâng khuâng rung cảm khi được nghe tiếng sáo vi vu trong đêm vắng nhưng tôi ít khi làm thơ. Tuy vậy nhờ duyên may đặc biệt tôi vẫn được các thi gia Hán học ân cần chiếu cố. Ở tuổi thanh niên tôi có lần được nữ sĩ Tương Phố viết tặng một bài thơ đăng trên báo Thế Kỷ. Bài thơ này sau được một điêu khắc gia Trung Hoa khắc trọn trên một tấm ngà bằng một đốt ngón tay phải soi kính mới đọc được. Có lần tới thăm bà ở Nha Trang được bà cho coi miếng ngà gắn trên tấm gỗ sơn mài đen treo trên tường và và đưa cho coi tập sách có bút ký các văn gia Âu Á bảo tôi viết mấy dòng lưu niệm. Tôi chỉ viết được hai câu:

    Người là danh sĩ đế đô,
    Còn tôi nặng kiếp sông hồ phải mang.

    Bà đọc xong cười mà bảo: Xuân Vinh phải là nhà thơ mới phải. Lúc đó tôi còn mang cấp bậc Trung úy Không quân.

    Tôi chỉ dịch được chừng mười bài thơ Đường, vài tháng mới đăng báo một lần. Vậy mà cũng được qúy cụ Đỗ Bằng Đoàn và Bùi Khánh Đản gửi tặng cho một bản quí cuốn Đường Thi Trích Dịch. Cuốn này in ra có một trăm bản nay thật khó tìm. Tôi may mắn khi sang Hoa Kỳ mang theo được, nhưng cách đây hai năm nghĩ rằng mình giữ phương cảo nhưng suốt ngày làm công việc toán học ít khi có dịp dùng nên một chiều đông tôi ngồi đóng lại lề sách cho gọn gàng, tự hẹn gác thi bút, rồi gửi cuốn sách tặng cụ Đào Hữu Dương là người anh bạn rể. Trước khi gửi sách, trông nét mặt tôi tần ngần, nhà tôi hỏi:"Sao anh không in lại một bản để giữ trong tủ sách?"Tôi chỉ lắc đầu vì nghĩ rằng nghiệp thi văn mình đã trả xong nợ tơ tầm.



    Rồi năm ngoái, cơ duyên lại bắt tôi cầm bút. Cụ Chi Điền Hoàng Duy Từ ở Nam Cali, sau nhiều tháng năm tra cứu, sáng tác đã hoàn thành bộ Đường Thi Tuyển Dịch gồm bốn quyển. Trước khi in quyển I gồm những bài thơ dịch thanh thoát, tứ hay lời đẹp của nhiều thi gia từ Sơ Đường tới Vãn Đường, cụ bảo tôi viết một bài thơ cảm đề để đăng ở phần đầu tập sách cùng với lời mở đầu của cụ Đào Đăng Vỹ và những bài thơ cảm hứng của nhiều Hán học gia khác. Đọc tập thơ nhiều lần mà suốt mùa hè tôi không viết được một dòng, nỗi khổ tâm chẳng khác chi Giả Đảo khi xưa, ba năm mới viết được hai dòng tuyệt tác:

    "Nhị cú tam niên đắc,
    Nhất ngâm song lệ lưu"
    "Ba năm mới được hai câu,
    Ngâm lên một tiếng, dòng châu khôn cầm".


    (Chi Điền dịch)
    Gần cuối hè được anh chị Lê Thanh Minh Châu và Thành Trai, nay anh là Phó Viện Trưởng và chị là giáo sư Luật khoa ở Đại học Notre Dame, mời chúng tôi cùng ra nghỉ mát ở nhà thuê bên bờ hồ Michigan, tôi mới có dịp quên được chút ưu tư về khoa học, ngắm cảnh mặt trời lặn bên hồ nhìn theo bóng cô phàm, gợi ra được chút thi hứng. Cũng tưởng rằng bài thơ cảm hứng viết trong lúc vội vàng được cụ Chi Điền in gượng vào Thi Tập I, để cho có sự đóng góp của kẻ hậu sinh, tôi có ngờ đâu nay cụ cho in tiếp Đường Thi Tuyển Dịch quyển II gồm trên một trăm bài thơ toàn là của Lý Bạch, cụ lại muốn tôi viết cho lời giới thiệu. Theo ý của cụ, giới cao niên sẽ đương nhiên là ham chuộng cổ thi. Tôi sẽ như là người nói lên ý kiến của giới trung niên và đại diện cho cả thế hệ tráng niên để tỏ tâm tư sự cần thiết bảo toàn và làm phong phú cho Việt học và Hán học đã đi liền và bồi bổ cho nhau từ mấy mươi thế kỷ. Lời bảo trọng của vị lão nho tôi đâu dám chối từ. Lên phi cơ đi Âu châu, trong cặp sách, kèm theo ấn trình khoa học để đọc tại hội nghị quốc tế, tôi có cả bản thảo buộc dây chỉ điều tập thơ Lý Bạch của cụ Chi Điền. Biết đâu trong tuần lễ tới trên bờ bể Baltic ở Thụy Điển, tôi chả có được một đêm trăng để thưởng thức mấy vần thơ Đường. Nhà tôi chỉ nhìn ranh mãnh như muốn nói rằng:"Em biết mà, anh đâu có bỏ được thú đọc thơ".

    Chúng tôi đi tàu của hãng Viking Line. Trên đường đi Phần Lan là tàu có tên là Sally, lúc trở về đón tàu Rosella toàn là những tên thiếu nữ Bắc Âu mỹ miều. Giá tàu đồng hạng cho những du khách không cần có buồng riêng để ngủ. Có nhiều phòng lớn có nhiều ghế dựa như những ghế hạng nhất trên phi cơ để ngồi. Ngoài ra tàu có nhiều từng như trong một khách sạn lớn có nhiều phòng ăn, phòng uống rượu sang trọng và nhiều cửa hàng bán đồ mỹ phẩm và đồ kỷ niệm. Suốt buổi chiều cho tới nửa đêm chúng tôi đã đóng vai du khách, gia đình ngươi anh vợ đã niềm nở tận tình. Đêm hoa đăng, trong phòng ăn sáng rực rỡ, có ban nhạc trầm hòa, chúng tôi ngồi ăn ở một bàn riêng, nhà tôi vui cười giữa hai đứa cháu lần đầu tiên mới được gặp. Tôi đã quên đi được mấy ngày hội thảo khoa học đấu trí với các bạn đồng nghiệp đến tự bốn phương trời. Tôi đã gần về được với Việt Nam, với kinh kỳ vàng son, với thi thư đèn sách, như được chào đón bởi nụ cười của người đẹp khi ở trường thi về ánh chiều còn chưa xế bóng. Khi gần nửa đêm, trên tàu Rosella trở về Thụy Điển, tôi đã tìm được một phòng rượu bên phải mạn tàu, có một chiếc bàn con và một ghế bành có một đèn riêng le lói, cầm tập thơ Chi Điền mang theo để ngồi đọc cổ thi. Nhà tôi và gia đình anh Luyến đã lên tầng trên để về phòng nghỉ.

    Nói đến thơ Lý Bạch là nói đến trăng và rượu, đến mỹ nhân và cung điện. Nhưng đêm nay chỉ có trăng non đã lặn từ lâu. Ly rượu trên bàn chỉ để có lệ tôi không còn sức uống. Mỹ nhân và cung điện tôi thấy trong lời thơ, những câu dịch dưới đây đều là của Chi Điền.

    Mở đầu tập thơ là bài "Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài" là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Lý Bạch. Bài này được người chú ý một phần vì hay, một phần vì được so sánh với bài "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu. Theo ký sự, khi Lý Bạch thăm Hoàng Hạc Lâu, đọc bài tuyệt tác của Thôi Hiệu tự cảm thấy rằng có viết thêm cũng không thể hay hơn được nên chỉ đọc lên hai câu:

    "Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
    Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu".

    Dịch:

    "Cảnh tiên trước mắt khôn vung bút,
    Thôi Hiệu đề thơ nặng mái đầu!"


    Sau đấy Lý Bạch đi Kim Lăng để viết thơ tại Phụng Hoàng Đài. Cả bài thơ là một luyến tiếc những gì đã mất hay không trông thấy, từ những câu mở đầu:

    Phượng Hoàng đài thượng, phượng hoàng du
    Phượng khứ đài không giang tự lưu.


    Dịch:


    Phượng hoàng đỗ nóc Phượng Hoàng đài
    Phượng đi, đài vắng nước sông trôi


    Cho đến hai câu kết:

    Tổng vị phù vân năng tế nhật,
    Trường An bất kiến, sử nhân sầu.


    Dịch:


    Buồn thay mây nỗi che vừng nhật,
    Khách nhớ Tràng An, lệ vắn dài!


    Lý Bạch có tài gợi sầu khi không thấy cảnh, thì tất nhiên làm người đọc rung động nhiều khi nhìn thấy cảnh mà gợi ra tình như bài đi chơi "Động Đình Hồ":

    Động Đình Hồ tây thu nguyệt huy,
    Tiêu Tương giang bắc tảo hồng phi.
    Tuý khách mãn thuyền ca Bạch trữ,
    Bất tri sương lộ nhập thu y.


    Dịch:

    Trăng thu soi sáng Động Đình
    Tiêu Tương một giải, chim hồng sớm bay.
    Đầy thuyền khách hát như say,
    Bẵng quên áo thấm sương đầy móc thu.


    Thi nhân nhìn và tả ra được vẻ đẹp như trong bài "Thanh Bình Điệu" với những câu mở đầu:

    Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
    Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng.


    Dịch:


    Nhìn mây tưởng áo xiêm nàng
    Trông hoa luống tưởng dung nhan nữ kiều!

    Nhưng chỉ nghe không mà gợi ra tình mới tuyệt diệu như bài nghe sáo trên Lầu Hoàng Hạc

    Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa,
    Tây vọng Trường An bất kiến gia.
    Hoàng Hạc lâu trung suy ngọc địch,
    Giang thành ngũ nguyệt Lạc Mai Hoa.


    Dịch:


    Từ làm thiên khách Trường Sa
    Mỏi mòn trông ngóng quê nhà Trường An.
    Tháng năm, vẳng sáo Hạc Hoàng
    Lạc Mai Hoa khúc Giang thành ...ngày xưa.


    Tương truyền suốt cuộc đời Lý Bạch làm hai mươi ngàn bài thơ. Người sau sưu tập chưa được hai ngàn bài. Tập thơ Chi Điền dịch được hơn một trăm bài đắc ý nhưng cũng đủ để cho người đọc thấy rằng Lý Bạch suốt đời đi tìm người mà không thấy, hay mới gặp bạn là đã chia ly. Đi tìm người như thăm Thiên Sơn đạo sĩ mà không gặp:

    Vô nhân tri sở vãng
    Sầu ỷ lưỡng tam tùng

    Dịch:

    Ông đi, ai biết nơi nào nhỉ.
    Buồn tựa tùng phong mấy khóm cây!


    Nằm ở Sa Khâu mà nhớ Đỗ Phủ:

    Tư quân nhược vấn thủy
    Hạo đãng ký nam chinh.


    Dịch:

    Nhớ anh sông Vấn chơi vơi
    Mênh mông dòng nước chảy dài về Nam.


    Rồi muốn gặp Hứa Sơn Nhân cũng không thành vì:

    Ưng hóa liêu thiên hạc
    Quy đương thiên tuế dư.


    Dịch:

    Người tiên hóa hạc rồi chăng?
    Trở về e cả ngàn năm có thừa.

    Những bài thơ tiễn bạn, Lý Bạch làm rất nhiều. Từ làm tặng những người có tiếng như tiễn Trưng Quân mời chén bạch ngọc, tiễn Trương Hàn đi Giang Đông mùa thu lá vàng rụng hay chỉ làm tiễn người bạn không đề tên như những bài "Tống Hữu Nhân" và "Tống Khách Quy Ngô", Lý Bạch viết rất gợi cảm và Chi Điền dịch ra cũng làm cho người đọc sầu muộn. Một bài nổi tiếng là bài tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng ở lầu Hoàng Hạc:

    Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu,
    Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu.
    Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
    Duy kiến Trường Giang thiên tuế lưu.


    Dịch:

    Hoàng Hạc từ đây vắng cố nhân,
    Bạn về hoa khói đất Châu Dương.
    Cánh buồm heo hút trong mây biếc,
    Chỉ thấy Trường Giang chảy ngút ngàn.


    Tạo dựng nên bộ Đường Thi Tuyển Dịch, nhà thơ Chi Điền đã làm một bộ Tổng Tuyển Hợp bàng cách in thêm những bài dịch của những thi gia trứ danh khác nữa cho thật đầy đủ. Riêng bài "Tống Hạo Nhiên..." cụ dự trù in sáu bài dịch và bảo tôi dịch thêm một bài để đăng cùng. Tôi có một người sinh viên Trung Hoa mới từ Quảng Tây sang theo học từ hai năm nay tên là Lữ Bình. Một hôm vui chuyện, tôi cho anh coi bài thơ và hỏi rằng mỗi câu có bảy chữ, mà nay đã có sáu người dịch thảo mã xoay đủ mọi vần thì còn đâu đến phần tôi nữa. Đọc xong anh lắc đầu rồi cả hai thầy trò cùng cười. Tôi viết bài thơ thứ bảy gửi đi nhưng cũng thầm mong bài thơ rồi lạc quyển, cụ Chi Điền để lại.

    Ai đi xa nước cũng có lần trạnh mối sầu cố quốc. Lý Bạch suốt một đời lãng tử, những bài thơ làm nhớ quê hương tất nhiên là nhiều. Lên lầu Tân Bình, nhà thơ cảm mộ:

    Khứ quốc đăng tư lâu,
    Hoài quy thương mộ thu.
    Thiên trường lạc nhật viễn,
    Thủy tĩnh hàn ba lưu.


    Dịch:

    Xa quê thơ thẩn lên lầu,
    Nhớ nhà lòng lại buồn thu chậm về.
    Chân trời ác lặn phương xa.
    Sông êm nước lạnh chảy ra cõi ngoài.


    Rồi có khi chia tay, xuống thuyền xa nước, trôi theo dòng, gửi lại quan Thị Ngự họ Thôi mấy lời tiễn biệt:

    Uyển Khê sương dạ thính viên sầu,
    Khứ quốc trường như bất hệ châu.


    Dịch:
    Uyển Khê sương xuống vượn phiền,
    Quê nhà lìa bỏ như thuyền không neo.


    Đêm nay ngồi trên du thuyền, từ Phần Lan trở về Thụy Điển, rời một nước để đi sang nước khác, tôi thấy đâu cũng là đất nước người. Đêm không trăng, bể Baltic lặng lờ, qua khung cửa tôi chờ một ánh hải đăng mà không thấy. Chỉ thấy ở lời thơ, trăng nhớ quê hương như trong bài "Tĩnh Dạ Từ" của Lý Bạch:

    Sàng tiền minh nguyệt quang,
    Nghi thị địa thượng sương.
    Cử đầu vọng minh nguyệt,
    Đê đầu tư cố hương.

    Dịch:

    Trước giường yên lặng nhìn trăng sáng,
    Lại tưởng chừng như đất phủ sương.
    Bất giác ngẩng đầu nhìn ánh nguyệt,
    Bâng khuâng khẽ cúi nhớ quê hương!


    Nhiều người hâm mộ thơ Lý Bạch vì đôi khi nhận được trong thơ ông ít nhiều hình ảnh của đời mình, nếu không phải là những cảnh hiện thực thì cũng là viễn mộng trong tâm khảm. Thơ Lý Bạch cũng đa diện như đời sống của ông, như có lúc phong lưu ở Trường An, thân cận quân vương, có lúc ngao du ở Tề, Lỗ rồi có lúc lưu đầy phát vãng đi Dạ Lang, lưu lạc ở Kim Lăng, Động Đình. Nhiều bài thơ được chọn trong tuyển dịch của Chi Điền đã gợi lại cho người đọc những hình ảnh vàng son của cung điện triều đại đã qua, những nét hào hùng của bao hiệp sĩ trong lịch sử. Trong bài "Phượng Hoàng Đài" ta thấy:

    Ngô cung hoa thảo mai u kính,
    Tấn đại y quan thành cố khâu.


    Dịch:


    Cung Ngô hoa cỏ tràn muôn lối,
    Triều Tấn y quan dập đất đai.


    Rồi theo với thi nhân ta nhớ những hình ảnh Tây Thi dâng yến Ngô Vương:

    Phong độ hà hoa thủy điện hương,
    Cô Tô đài thượng yến Ngô vương.
    Tây Thi túy vũ kiều vô lực,
    Tiếu ỷ đông song bạch ngọc sàng.

    Dịch:

    Mặt nước hoa lay gió ngát hương,
    Cô Tô yến tiệc ngự Ngô vương.
    ây Thi say múa, thân kiều diễm,
    Tựa cửa cười vang ngả xuống giường.


    Tôi say mê đọc những khúc ca ngợi người tráng sĩ dấu dao bụng cá ngày xưa coi thân nhẹ tựa lông hồng như bài "Kết Miệt Tử":

    Yên Nam tráng sĩ Ngô Môn hào.
    Trúc trung trí diên ngư ẩn đao.
    Cảm quân ân trọng hứa quân mệnh.
    Thái sơn nhất trịch khinh hồng mao.


    Dịch:


    Yên Nam tráng sĩ mấy người.
    Ngô môn hào kiệt anh tài là ai?
    Nhồi chì đàn trúc chờ thời,
    Dấu dao bụng cá, muôn đời lưu danh.
    Ơn vua thêm nặng nghĩa tình,
    Hy sinh tính mạng báo đền đức cao.
    Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao!


    Khi trời gần sáng thì tôi đọc tới những bài trường ca như Hiệp Khách Hành soạn dịch ở phần cuối thi tập. Tôi ước mong sao ngày nay có những người tráng sĩ như Châu Hợi, vung dùi sắt để tài trợ Tín Lăng Quân, có dịp giải nguy Hàm Đan cứu bạn là Bình Nguyên Quân. Có những thuở xa xưa tôi ôm mộng làm hiệp sĩ. Đó là những ngày tôi còn là hàn sĩ, làm bạn với bút nghiên giữa nơi kinh kỳ, mong có ngày được tròn sự nghiệp. Cái thời vàng son ấy, khi lòng chưa vương lụy nước mây, với hai bàn tay trắng, tôi bước chân vào trường đời như một tráng sĩ mang thanh gươm dài chưa đầy hai thước, đi đôi giầy cỏ chưa nhuốm phong yên bốn trời. Cho tới nay, tuổi đời đã già nửa thế kỷ, vào một đêm không trăng, ngồi trong du thuyền đọc lại thơ người xưa, lòng thấy nhiều ngậm ngùi, tôi cảm tiếc những ngày non nước thanh bình không biết bao giờ mới trở lại. Giờ đây ngồi trong phòng vắng, tiếng nhạc dập dìu từ phòng ăn đã tắt từ lâu, tàu chạy êm tiếng sóng vỗ mạn thuyền cũng không nghe thấy. Tôi trạnh lòng mà thấy thương cho Lý Bạch, một đời lưu lạc, sự nghiệp thi văn vĩ đại, nay truyền tụng lại chưa được hai ngàn bài. Hơn ngàn năm sau giờ còn lại nấm mồ hiu quạnh của thi gia bên bờ sông Thái Thạch. Tuy ông là người Trung Hoa, nhưng thơ ông đọc lên theo âm Việt cũng đã làm rung cảm nhiều thế hệ người phương Nam. Nhờ được những dịch giả tiền bối như Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố và Tản Đà, thế hệ đương thời chúng ta kém Hán học cũng đã được thưởng thức những lời thơ tao nhã tuy đượm nhiều ánh trăng, hơi rượu nhưng cũng giúp chúng ta vun trồng tình bạn giao du để sưởi ấm lòng, gợi nên những ý chí kiêu hùng xả thân vì đại nghĩa của những gương hiệp khách đời xưa. Đọc thơ dịch tôi thầøm cám ơn cụ Chi Điền họ Hoàng đã chuyển Hán văn làm thi phẩm phong phú cho thơ Việt. Dưới ánh đèn khuya tôi cũng đã viết cho cụ mấy Lời Giới Thiệu.

    Trời đã gần sáng, tàu Rosella đang quay mũi trong vịnh Stockholm, giảm tốùc độ để sửa soạn cặp bến. Nhà tôi cũng đã thức dậy, trang điểm xong, xuống phòng vịn vai tôi mà hỏi:"Anh viết xong bài chưa?". Thay vì trả lời, tôi đưa cho nhà tôi đọc trang cuối tôi viết bài thơ cảm đề kết luận. Bài thơ này, bốn câu đầu tôi mượn của cụ Đào Hữu Dương, còn những câu cuối tôi ghép thêm vần để viết thành trọn bài:

    Cảm thơ, cầm bút ngại ngùng,
    Hàng hàng hoa gấm nở tung trước đèn:
    Vẳng nghe lời Lý Trích tiên
    Đọc thơ Thôi Hiệu dưới đền Hạc xưa.
    Vu sơn trăng sáng mây mưa,
    Quảng Lăng rời bước, đề thơ Lạc Thành.
    Trường An say điệu Thanh Bình
    Việt trung ghé lại, nhớ tình cung Ngô.
    Tỉnh say trăng gió hải hồ,
    Ngàn nằm cô quạnh nấm mồ bên sông.
    Thiếu Khanh đề bạt thơ ông,
    Dịch thơ thanh thoát ghi công họ Hoàng.

    Tia nắng đầu tiên của sớm mai đã chiếu qua khung cửa tròn bên thân tàu rọi mấy sợi tóc đen sòa trên khuôn má bầu dục của người đàn bà phương Đông đang cúi đầu lẩm nhẩm đọc bài thơ đã viết trong môt đêm không trăng. Tôi đã biết trước được lời phê bình của nhà tôi là trọn đời tôi cũng không thể nào thành được một thi sĩ. Nhưng giờ đây tôi muốn biết được ý nghĩ thực của người vợ hiền.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X