Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Giờ Ti-Ô-Ti - Võ Ý

Collapse
X

Giờ Ti-Ô-Ti - Võ Ý

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Giờ Ti-Ô-Ti - Võ Ý

    Giờ Ti-Ô-Ti

    Võ Ý


    Ông Sáu Cà-nông gốc quân nhân Cộng hòa nên ông rất réc- lô vấn đề giờ giấc. Ngay sau khi nhận được thiệp cưới cháu Trung Quân, con của ông bà Trung Liên, là ông ghi ngay các chi tiết ngày giờ và địa điểm lên tờ lịch. Sự cẩn thận nầy rất bổ ích cho tuổi già.

    Đúng ngày hẹn, mới bốn giờ chiều mà ông đã chuẩn bị các cái đâu đó sẵn sàng. Ông không mất thì giờ chọn bộ đồ vét thích hợp cho mùa thu. Tứ thời bát tiết ông chỉ có trần mỗi một bộ vía mang từ quê nhà qua. Chả bù với bà Sáu xum xuê xí xọn, lựa tới lựa lui, thử ra thử vào cả chục bộ mà vẫn chưa vừa ý bộ nào. Ông Sáu sốt ruột:

    - Lè lẹ lên bà, người ta mời 6 giờ, bây giờ đã hơn 5 giờ rồi!

    Bà Sáu nguýt dài một cái, rất chơn chất và hồn nhiên:

    - Gì mà hối dzữ dzậy ông? Đi ăn cưới chứ có phải chạy giặc đâu mà lẹ với không lẹ?

    Hình như cảm thấy chưa diễn đạt hết ý, bà Sáu bồi thêm:

    - Xưa nay đám cưới đám tiệc nào cũng dzậy, thiệp mời ghi 6 giờ thì sớm nhất 8 giờ người ta mới khai mạc, bộ ông không hiểu điều sơ đẳng nầy sao mà thúc với hốỉ?

    Chiến sĩ Sáu Cà-nông rất bất bình với luận điệu hồn nhiên nầy, nhưng đành nín thở để được qua con sông dài...ấm ức:

    - Thì tôi sợ đường xa, kẹt xe nữa đó bà!

    Cuối cùng, ông bà Sáu rời nhà vào lúc 6:30 chiều. Hơn ba mươi phút bon bon trên xa lộ, ông bà đến nhà hàng lúc 7 giờ 5 phút. Khách khứa cũng chưa đông lắm. Ông bà dễ dàng tìm được chỗ ngồi cùng bàn với vợ chồng ông Hai Cà-cuống, bạn mới quen vài năm nay:

    - Ông bà đến lâu chưa? Bà Sáu hỏi.

    - Cũng vừa mới đến trước anh chị chừng mười phút. Và để tỏ mình là người thạo đời, bà Hai luận tiếp:

    - Người mình thiệt là kỳ, không bao giờ đi dự tiệc đúng giờ. Tôi phải bỏ dở bộ phim chưởng đang hồi gay cấn, cái ông Hai nầy cứ hối thúc hoài, biết thế giờ nầy đi cũng còn kịp!

    - Cái ông nhà tôi cũng dzậy - bà Sáu tiếp lời- chứ có khác gì, cứ dục hoài làm tôi xỏ đại đôi giày không vừa ý. Nói đến đây bà Sáu quay sang ông chồng:

    - Hay là ông đưa tôi về thay đôi giày khác, trể chút xíu chả sao!

    Ông Sáu Cà-nông dù nể vợ cách mấy ông cũng không thể chìu bà trong trường hợp nầy, vì ngay sau đó, lúc 8 giờ 10 phút, xướng ngôn viên đã trịnh trọng tuyên bố khai mạc tiệc cưới với các tiết mục hết sức rình rang.

    Sau thủ tục khai mạc là nhập tiệc. Trên mỗi bàn có bản thực đơn gồm 12 món, toàn sơn hào hải vị. Suốt buổi tiệc, các ông các bà trao đổi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Ông Hai Cà-cuống gốc Bắc 54, di cư vào Nam làm công chức. Ông có vẻ tâm đắc với Ông Sáu trong mọi chuyện lưu lạc xứ người, từ công ăn việc làm, sinh hoạt cộng đồng, đến cả vấn đề giờ giấc.

    Ông xướng ngôn buổi lễ, là họ hàng Nhà Gái đến từ Cali. Ông mở đầu buổi tiệc bằng đôi vần ví von ngộ nghĩnh:

    Không mập không lùn không phải Mễ
    Không đi trễ không phải Việt Nam!

    Ông giải thích ở Cali có khu vực toàn người Mễ ở, chuyên trồng đậu phụng (đậu lạc), chắc là do ăn nhiều đậu, nên người nào người nấy mập béo thù lù. Ông ví von như vậy, không hẵn đúng một trăm phần trăm, vì cũng có nhiều người Mễ gầy cao và thanh tú lắm chứ. Còn câu thứ hai thiệt hết chỗ chê, và cũng rất dễ ăn...đòn! Ông vơ đủa cả nắm như vậy, dù có cà rỡn một chút làm đụng chạm đến tự ái dân tộc, cũng coi như đúng phóc lề thói không mấy rạng rỡ của một thiểu số người mình.

    Ông Sáu tỏ ra khoái tỉ khi nghe câu ví von. Ông cương quyết không chấp nhận việc không tôn trọng giờ giấc. Ông nghĩ rằng, nếu mọi sinh hoạt trong đời thường đều giống như sinh hoạt trong quân ngủ thì mọi việc sẽ trôi chảy, ăn khớp với nhau. Ông phán một câu xanh rờn:

    - Tôn trọng giờ giấc cũng là...tự trọng!

    Ông đưa ra nhiều chứng minh ví dụ toàn là những điều bó buộc trong cuộc sống nhà...binh. Nếu không tôn trọng điều lệnh hành quân thì các đơn vị quân binh chủng nhiều khi bắn bừa vào nhau. Lệnh ghi giờ G ngày N tại tọa độ XYZ có oanh kích tự do, nếu không tôn trọng giờ quy định, loạng quạng xông vào đó thì chỉ có nước...thác!

    Ông Hai Cà-cuống rất tán dương lý luận của bạn, nhưng ông dè dặt hơn, chứ không cứng ngắc như ông Sáu:

    - Người ta đi trể chắc là có lý do sao đó...

    - Lý do cái con khỉ, người ta gởi Thiệp Mời trước cả tháng để sắp xếp chuẩn bị, chỉ có hai việc là đi hay không đi, thế thôi. Nếu đồng ý đi thì còn lý do lôi thôi gì nữa chứ?

    Thấy ông Hai chăm chú nghe, ông Sáu tưởng đề tài mình đưa ra hấp dẫn, ông khai hỏa tiếp:

    - Ở trong nhà binh có cụm từ giờ ti-ô-ti (TOT), tiếng Mỹ viết là Time On Target, mình dịch ra là giờ trên mục tiêu. Ông Hai biết không, pháo binh và không quân hay dùng từ nầy. Khi nói giờ TOT là các khẩu pháo ở các vị trí khác nhau, kể cả hải pháo ngoài khơi, đều đồng loạt nả vào mục tiêu. Như vậy, vào giờ TOT đó, đạn bốn phương tứ phía bay vào mục tiêu, nếu không biết giờ giấc và tọa độ để tránh, mà thản nhiên lao vào thì tiêu...tùng ngay! Còn bên không quân, có nhiều loại phi cơ, mỗi loại có tốc độ khác nhau, căn cứ đồn trú khác nhau, cùng tham dự hành quân phối hợp, đến giờ TOT, tất cả đều phải có mặt trên vùng thì mọi điều động mới ăn khớp. Chẳng hạn, phi cơ quan sát hướng dẫn khu trục oanh kích mục tiêu, oanh kích xong thì trực thăng đổ quân vào, tiếp theo là phi cơ vận tải thả dù quân lương quân dụng xuống, vân vân...Nếu không tôn trọng giờ TOT thì...hỏng việc là cái chắc, vì xăng nhớt có hạn, chứ có phải tiệc cưới đâu mà chờ mút mùa lệ thủy những vị đến trể ?!!

    Ông Hai thầm nghĩ, ông Sáu méo mó nghề nghiệp. Theo ông, giửa cuộc sống quân sự và dân sự vẫn có cái cách biệt trong sinh hoạt. Ông bảo vệ lý lẻ của mình một cách ôn tồn. Ông đưa ra những lý do đi trể có tính cá nhân như bận chầu nhậu, bận chơi bài, bận đám khác, bận sửa nhà sửa xe hoặc xe hư, có khi loay hoay không biết đường đi, hoặc bị bịnh bất ngờ, hoặc giả ngại...tốn kém! Ông Hai xuống giọng não nuột:

    - Ông thử nghĩ một tháng 4 đám thì còn gì là đời nhau! Hơn nữa, làm quần quật cả tuần, được ngày weekend còn lo giặt giũ chợ búa, viết thư thăm nhà và đủ các cái linh tinh lang tang nữa chứ?

    - Bởi thế, biết sống là cả một nghệ thuật, ông Sáu Cà-nông triết lý.

    Cả hai ông đều lão, nên ăn uống chừng mực, mới đến món thứ năm là đã...ứ rồi, bảy món kế tiếp đành thông qua thật phí phạm. Cảm thấy điểm ý nhị nầy, ông Hai gợi ý:

    -Nữa có làm đám cưới cho tụi nhỏ, ta thử làm nhà hàng Mỹ, vừa lịch sự, vừa gọn nhẹ, chứ không phải ăn uống lu bù như ở nhà hàng ta hay nhà hàng tàu. Ông bổ túc thêm:

    - Vả lại tổ chức ở nhà hàng Mỹ, chắc người mình sẽ không đi quá trể như ở nhà hàng ta. Người mình coi vậy mà sĩ diện lắm đó, nhất là sĩ diện với người ngoại quốc!

    Về điểm nầy, ông Sáu không mấy tâm đắc. Ông nhớ có lần dự đám cưới ở nhà hàng tây, bà con ta vẫn lai rai đến trể như thường, chứ có sĩ diện gì đâu. Có điều, đồ ăn tây không khoái khẩu mấy, nhưng đở cái là ít dầu mỡ bột ngọt, điểm nầy có thể hợp với bộ tiêu hóa của tuổi già.

    Trở về thực tai, ông Sáu buồn lòng một chuyện, ông tỉ tê với ông Hai:

    - Tôi thấy có mấy cặp người Mỹ trong tiệc cưới nầy, chắc hẵn họ đến đúng giờ như thiệp mời, không hiểu họ nghĩ sao về tập quán của người mình khi họ phải đợi cả tiếng đồng hồ mới được nhập tiệc?

    - Theo tôi- ông Hai Cà cuống góp ý- nếu Hai Họ muốn mời khách Mỹ dự tiệc cưới của ta thì trên thiệp mời nên ghi giờ khai tiệc lùi lại hai tiếng cho ăn chắc!

    Góp ý của ông Hai bị phản đối tức khắc. Bà Hai đang tâm sự với bà Sáu về tiệc cưới của trưởng nữ ông bà trong mùa xuân tới, bà dự trù mời mấy người bạn Mỹ cùng làm ở sở, nghe góp ý của ông chồng bà ngỡ là ổng nói kháy mình, nên xỉa xói:

    - Ai làm kỳ vậy? Bộ ông tính in hai loại thiệp mời hả? Bà Sáu thấy tình thế hơi căng nên đánh trống lãng:

    - Hãng chị có vẽ dễ thở phải hôn?

    - Dễ hay khó là tùy...mình, mới đuổi hai mạng đó!

    - Bộ đánh nhau hả?

    - Không phải, đi trể! Ông Sáu nghe vậy, bồi ngay:

    - Sở nào chả dzậy? Đi làm công chứ có phải đi dự tiệc đâu mà tùy với tiện?

    Gần đến giời cắt bánh, bà Sáu buồn ngủ nên đòi về. Lâu ngày được gặp đồng hương, ông Sáu nạp 3 lon bia liền tù tì, nên thấy phấn chấn yêu đời. Ông còn ham vui, chưa muốn về. Bà Sáu xuống nước:

    - Mai còn đi làm sớm ông à!

    - Mình còn cày cả đời, lo gì bà! Lâu lâu mới có một ngày vui, ráng ở lại chơi với ông bà Trung Liên chút nữa, mai đi trễ một bửa chả sao!

    - Đâu được! Đi trễ là...lôi thôi với supervisor lắm!

    Bà xuống nước và nhìn ông tình tứ:

    - Thôi được, cắt bánh xong là mình về nghe ông...

    Bị tửu nhập tâm nên ông Sáu Cà-nông ngôn xuất đến 35 phút trên đường về. Bà Sáu dành tay lái. Bà chăm chú lái nên không nghe rõ ông Sáu càm ràm cái gì. Bà rất đổi ngạc nhiên, gần 10 năm qua, đây là lần thứ hai ông Sáu đã đời lệ thủy, nên ông nói lung tung, nói thả cửa những điều ấm ức trong bụng bao lâu nay. Ông nói như trong mơ. Ông nói cho chính ông nghe...

    - Nghĩ cho cùng, ai cũng vì mình nhiều hơn vì người, đó là lẽ thường tình. Trong vấn đề giờ giấc, nếu việc gì liên quan đến mình thì mình quan tâm và tôn trọng, mà tôn trọng tuyệt đối. Nếu không tôn trọng tuyệt đối thì lôi thôi ngay, có thể dẫn tới mất niềm tin, mất thiện cảm, mất job, đôi khi mất cả người yêu mới chết người trai khói lửa. Những sự việc liên quan đến mình như:

    - Làm sở Mỹ
    - Hẹn interview job mới ngon lành hơn
    - Giờ lên phi cơ, tàu lửa
    - Hẹn với người yêu...

    Khi mình tổ chức tiệc cho gia đình mình, thì mình mong khách đến đông đủ và đến đúng giờ. Thế mới kỳ! Người sống chỉ biết có mình mà không quan tâm đến người khác, Tàu nó gọi là người ích kỷ!

    Người ích kỷ thường ít...bạn! Mà sống không có bạn thà chết sướng hơn. Người xưa dạy rằng, sống là sống với. Sống với cha mẹ mình, với bà con quyến thuộc mình. Sống với bạn bè, sống với nhân quần xã hội. Cuộc sống có tương quan, có qua có lại mới toại lòng nhau chứ!

    Người có chuyện, ta đến. Khi ta có chuyện, người đến. Điều nầy không ghi thành luật, không bắt buộc, nhưng cái lệ như vậy, cái lịch sự như vậy, cái biết điều đòi hỏi mình phải như vậy! Sơ đẳng quá mà không biết sao?

    Ông Sáu Cà-nông nổ tập trung một hơi, xong là thôi, im bặt. Chỉ còn nghe tiếng máy nổ rè rè. Cũng có thể là hơi thở của ông.

    Bà Sáu cho rằng ông xỉn, nên không để ý điều ông nói (ai thèm chấp nhứt lời kẻ say?), nhưng khi nghe câu cuối sơ đẳng quá mà không biết sao thì bà giật mình, thầm nghĩ:

    - Ủa, hay là ông nầy nói móc mình đây? Dám lắm đó! Dám giả vờ say. Dám giả dạng học sinh. Dám vờ vịt lắm đó!...

    Xe vào garage.

    Ông Sáu đáp chuyến tàu lửa xuyên suốt từ Saint Louis về tận Sàigòn. Tàu đêm năm củ nên ống khói bị rè. Bà Sáu gọi ông, day ông mấy lần, ông giật mình ú ớ:

    - Bộ tới giờ khai mạc rồi hả bà?

    - Khai mạc cái con khỉ! Sắp tới giờ TOT mà cà-nông của ông thì hết đạn, pháo thủ thì ngủ ngoài quan ải, hỏng hết cả kể hoạch hành quân đêm của người ta! Chỉ được cái nói dóc!!!

    Võ Ý
    St Louis, Thanksgiving 97


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X