Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tình yêu trong CA DAO

Collapse
X

Tình yêu trong CA DAO

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tình yêu trong CA DAO

    TÌNH YÊU TRONG CA DAO




    Bỏ nước ra đi tất-tưởi, không sửa-soạn, không từ-biệt. Ra đi đến khắp bốn phương trời. Song người Việt chúng ta mấy ai không cùng một nhịp-đập của con tim ? Mấy ai không rung-cảm khi nghe tiếng Mẹ? Tiêu-biểu cho tiếng Mẹ nhất:


    Đó là CA-DAO


    Đề-cập đến CA-DAO là đi vào phần văn-chương phong-phú nhất của dân-tộc Việt-Nam. Nhưng đó cũng là một đề-tài rất phưc-tạp: Vì CA-DAO chỉ được loan-truyền trong dân-chúng mà không ghi-chép. Một vài học-giả đã dầy-công sưu-tầm, hầu khỏi làm mất-mát kho-tàng quý-báu đó. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ, trong muôn-vàn câu hò, tiếng hát vang-dội khắp ba miền đất nước.
    Không ai có thể xác-định được CA-DAO xuất-hiện từ hồi nào. Có người nói: Từ khi có người Việt và tiếng Việt. Kẻ khác lại cho rằng: CA-DAO chỉ được cấu-tạo khi xã-hội Việt-Nam được thành-hình trong thể-chế quân-chủ... Dầu thế nào đi nữa, CA-DAO cũng đã có từ rất lâu, và mỗi ngày lại được thêm phong-phú theo dòng thời-gian và theo sự thay-đổi của xã-hội.
    CA-DAO Việt-Nam đề-cập đến tất cả mọi khía-cạnh của đời sống con người: Từ thể-chế xã-hội, qua nghĩa vua-tôi, đến tình thầy-trò, tiến sang thời-tiết, địa-dư và cuối cùng đi sâu vào đời sống tình-cảm qua những rung-động của con tim... Phần quan-trọng nhất của CA-DAO là phần tình-yêu, phần tình-cảm cá-nhân của mỗi người Việt.
    Trong khuôn-khổ bài này, chúng tôi không có tham-vọng trình-bầy hết mọi khía-cạnh của tình-yêu trong CA-DAO, mà chỉ muốn đề-cập đến tình-yêu đôi-lứa, tình vợ chồng. Chúng tôi tạm gác tình đồng-loại và tình quê-hương trong một loạt bài khác. Để thêm rõ-ràng, chúng tôi sẽ cố-gắng phân-chia ra từng tiết-mục nhỏ, dựa theo diễn-tiến của tình-yêu: Từ lúc làm quen, tỏ tình, tới khi nên nghĩa vợ chồng, đầu bạc răng long. Chúng tôi sẽ cố gạt-bỏ một số câu có vẻ quá “tục” (mặc dầu quan-niệm “thanh / tục” cũng rất tương-đối), và chỉ giữ lại những câu phản-ảnh trung-thực nhất tinh-thần dân-tộc.



    KHI MỚI CHỚM YÊU:

    Nhân một ngày hội, một ngày lễ chùa hay buổi chợ phiên, (hoặc những ngày sống trong trại tạm-cư!), chàng và nàng tình-cờ gặp nhau. Tiếng sét ái-tình làm cho hai người cảm-mến nhau ngay:
    Nếu là đôi trai gái miền Nam, mọi chuyện dễ-dàng hơn, khỏi cần rào-đón:


    Cô kia bới tóc đuôi gà,
    Nắm đuôi cô lại, hỏi nhà cô đâu.
    - Nhà tôi ở dưới xóm dâu,
    Bên kia đám dậu, đầu cầu ngó qua!..."




    nhưng với cô gái Bắc-kỳ nho-nhỏ thì:


    " Hỏi em, em chẳng nói,
    Nhìn em, em lại cười..."



    Thiệt là khó-xử vì còn cha mẹ, họ-hàng đi chung, hai người chưa nói với nhau được câu nào! Sau buổi lễ, mỗi người một ngả, mang theo mối tương-tư thầm-kín, khó có thể thổ-lộ cùng ai, để mà:



    “ Nhớ ai, nhớ mãi thế này?
    Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn!”


    hay là:


    “ Nhớ ai con mắt lim-dim,
    Chân đi thất-thểu như chim tha mồi,
    Nhớ ai hết đứng lại ngồi
    Ngày đêm tư-tưởng một người tình-nhân!”



    Tục-truyền rằng: Đời vua Thánh-tổ, có một chàng trai tên Phạm Quyên, gặp một thiếu-nữ đẹp tuyệt-vời nhân một buổi lễ chùa Hương-Tích. Khi ra về, hai người chia tay và ngầm hẹn-ước ngày này năm sau gặp lại. Ngày tháng trôi qua, Phạm Quyên y hẹn trở lại chốn cũ, trông-đợi ngày đêm mà người xưa vẫn biệt luôn tăm-tích. Không nản-lòng, chàng vẫn đều-đặn trở lại chốn hẹn, dòng-dã suốt 36 năm trường, cho đến khi nhắm mắt lìa đời... Về sau chàng hóa ra cây đa mọc cạnh hồ sen, nơi hai người trò-truyện năm xưa.
    Tình yêu có rất nhiều cái hay, cái đẹp, nhưng cũng làm nhiều người phải ” thất-điên, bát đảo” vì nó. Nhiều khi con người muốn thoát khỏi cái “yêu” thường-tình, để tìm một lối sống khác, cao-thượng hơn cũng không xong. Đã biết bao huyền-thoại về các bậc tu-hành, cao tăng, đại đức, không thoát khỏi lưới tình. Chẳng thế mà có câu:


    “ Ba cô đội gạo lên chùa,
    Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
    Sư về, sư ốm tương-tư,
    Ốm lăn, ốm lóc, nên sư trọc đầu!
    Ai làm cho dạ sư sầu,
    Cho ruột sư héo như bầu đứt dây...”

    Các cô mà bận yếm đỏ, đến ngay quỷ thần cũng còn phải mê-mệt, huống-hồ nhà sư chất-phát kia. Cũng có khi, không phải cái yếm làm cho sư tương-tư, mà là một
    cái gì khác, như:


    “ Sư đang tụng-niêm nam mô,
    Thấy cô xách giỏ, mò cua bên chùa.
    Lòng sư luống những mơ hồ!
    Bỏ cả kinh-kệ, tìm cô hỏi chào.
    Ai ngờ cô đi đàng nào,
    Tay cầm tràng-hạt, ra vào băn-khoăn...”


    TỎ TÌNH:


    Nhiều người may-mắn hơn chàng Phạm Quyên được gặp lại người mình thầm yêu, trộm nhớ. Nhưng rồi: Phải làm sao đây? Biết mở đầu bằng câu gì bây giờ? Nói thẳng ra thì không dám, sợ nàng giận, mà không nói ra thì nàng lại không hiểu. Thôi thì liều vậy. Nhưng phải nói loanh-quanh một hồi, đón trước, rào sau, e-dè từng chữ. Chính thế mà ông cha mình ngày xưa đã tán rất thần-tình:


    “ Gió đánh dò dưa, gió đập dò dưa,
    Sao cô mình lơ-lửng mà chưa lấy chồng ?
    Gió đánh cành hồng, gió đập cành hồng,
    Hỡi cô mình đã muốn lấy chồng hay chưa ?”



    hay một cách thâm-thúy hơn: vừa giới-thiệu mình là kẻ siêng-năng, lại ngầm hứa-hẹn đủ điều:


    “ Hôm qua tát nước đầu đình,
    Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen,
    Em được thì cho anh xin,
    Hay là anh để làm tin trong nhà ?
    Áo anh sứt chỉ đường tà,
    Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
    Áo anh sứt chỉ đã lâu,
    Mai mượn cô đó về khâu cho cùng.
    Khâu rồi anh sẽ trả công,
    Ít nữa lấy chồng, anh lại giúp cho
    Giúp em một thúng xôi vò,
    Một con lợn béo, một vò rượu tăm,
    Giúp em đôi chiếu em nằm,
    Đôi chăn em đắp, đôi trầm em đeo,
    Giúp em quam tám tiền cheo,
    Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau..”


    Có chàng trai dạn-dĩ hơn, tán thật hăng và vào thẳng vấn-đề:


    “ Trên đầu em đội khăn vuông,
    Trông xuống dưới ngực, cau buồng còn non,
    Cổ tay em: vừa trắng, vừa tròn!
    Mặt mũi vuông-vắn, chồng con thế nào ? “



    Nhưng lối tán trên coi bộ ít được các nàng hưởng-ứng, vì có lẽ không hợp tính-tình người Á-đông cho lắm. Có khi đã biết rõ “cô bé” chưa có chồng, chàng ‘tán’ cách khác:


    “ Đấy đông thì đây bên tây,
    Đây nay chưa vợ, đấy nay chưa chồng,
    Con trai chưa vợ đã xong,
    Con gái chưa chồng, buồn lắm em ơi!!!”



    Không hiểu các cô nghĩ thế nào về bốn câu thơ trên? Thực ra chỉ đúng một phần, nhất là các ông chỉ được cái tài lẻo-mép. Có chàng còn kêu cô nàng hãy nhìn trời để chàng chứng-minh tình của chàng:


    " Sao vua chín cái nằm kề,
    Thương em từ thủa mẹ về với cha.
    Sao vua chín cái nằm ngang
    Thương em từ thủa mẹ mang trong lòng.
    Sao vua chín cái nằm chồng
    Thương em từ thủa mẹ bồng trên tay! "


    Nhưng cũng có những chàng trai thiệt dễ thương, chỉ nói vói nàng:


    " Trời mưa ướt lá trầu vàng,
    Ướt anh: anh chịu, ướt nàng: anh thương! "


    Có chàng khôn-khéo hơn, làm mặt tỉnh-queo, nhờ cô nàng làm mối cho một cô:


    " Đường đi thì thiệt là xa,
    Muốn mình làm mối cho ta một người.
    Một người mười tám, đôi mươi,
    Một người vừa đẹp, vừa xinh như mình!..."



    Đến giờ phút này mà nàng còn chẳng nghe theo, có chàng liền đánh bạo:


    " Người về, ta chẳng cho về,
    Ta nắm vạt áo, ta đề câu thơ.
    Câu thơ ba chữ rành-rành:
    Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba.
    Chữ trung thì để phân cha,
    Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình!..."




    Nhưng các bạn đừng tưởng rằng chỉ có các ông mới có quyền và có bổn-phận phải tán, các nàng cũng tán như ai đó, đôi lúc còn “ngọt” hơn phái nam rất nhiều:

    “ Chàng về, thiếp cũng theo về,
    Chàng về Hồ Bắc, thiếp về Hồ Tây.
    Chàng bao nhiêu tuổi năm nay?
    Chàng rày mười tám, thiếp rày bốn ba.
    Mồm cha đứa nói thiếp già,
    Thiếp còn gánh nổi một vài trăm kim!
    Trăm chiếc kim đổi lấy lạng vàng,
    Mua gương Tư-Mã để thiếp với chàng soi chung!
    Chàng về sắm-sửa loan-phòng,
    Thiếp xin điểm phấn, tô hồng thiếp theo! “


    Nhiều khi các nàng lại đem cái lý ra để thu-phục lòng chàng: Trong xã-hội ta ngày xưa, còn gì quan-trọng hơn vấn-đề thừa-tự, nối-dõi tông-đường? Ai không con kế-tự thì bị ghép vào tội bất-hiếu nặng nhất đối với tổ-tiên, vì vậy mà các nàng đánh ngay nhược-điểm này:


    “ Trâu kia kéo cỏ bờ ao ,
    Anh kia không vợ đời nào có con!
    Người ta con trước con sau,
    Thân anh không vợ như cau không buồng!
    Cau không buồng như tuồng cau đực,
    Trai không vợ cực lắm anh ơi!
    Người ta đi đón về đôi,
    Thân anh đi lẻ về loi một mình! “


    Tán là một chuyện, còn người được tán có chịu hay không lại là chuyện khác. Nếu không chịu, nàng sẽ từ chối khéo. Cũng có nàng “đanh-đá” hơn, muốn trêu tức chàng trai, thấp cổ mà muốn chơi trèo, nàng sẽ không ngần-ngại trả lời:


    “ Thân chị như cánh hoa sen
    Chúng em như bọt như bèo, chẳng chen vào được! “



    Cũng có khi nàng giả-vờ xiêu-lòng, đang khi chàng sung-sướng ra mặt thì nàng thêm:

    “ Bao giờ cho chuối có cành,
    Cho sung có nụ, cho hành có hoa,
    Bao giờ trạch đẻ ngọn đa,
    Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình! ...”


    Điều này thì đợi đến đời cháu thứ bẩy mươi cũng chưa thể cưới nàng được. Cũng có khi thay vì từ-chối, nàng đòi thật nhiều lễ vật. Đó là một kiểu thách cưới rất thịnh-hành ở miền Bắc ngày xưa. Người ta quan-niệm: thách cưới càng cao, càng chứng-tỏ cô gái có giá-trị. Cha mẹ cô gái sẽ đòi một số lễ-vật tương-đương với giai-cấp xã-hội của mình. Nhà trai muốn cưới nàng thì phải nộp đủ số lễ vật đó. Vì vậy nên chỉ có những gia-đình giầu-có mới có thể dễ-dàng cưới vợ cho con. Còn những gia-đình nghèo-khó đành phải vay công, mượn nợ mà xin cưới. Nhưng thách cưới như sau đây thì dù giầu có cách mấy mặc lòng, cũng khó cho nhà trai thực-hiện nổi:


    “ Em là con gái nhà giầu,
    Mẹ cha thách cưới ra mầu xinh sao?
    Cưới em trăm tấm lụa đào,
    Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời.
    Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi,
    Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng,
    Sắm xe tứ mã đem sang,
    Để quan-viên họ nhà nàng đưa dâu.
    Ba trăm nón nghệ đội đầu,
    Mỗi người một cái quạt tầu thật xinh.
    Anh về sắm nhiễu Nghi-Đình,
    May chăn cho rộng, tôi mình đắp chung!
    Cưới em chín chĩnh mật ong,
    Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò.
    Cưới em tám vạn trâu bò,
    Bảy vạn dê lợn, nghìn vò rượu tăm,
    Lá đa, mặt nguyệt hôm rằm,
    Răng nanh thằng Cuội, râu cằm Thiên-Lôi,
    Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi,
    Xin chàng chín chục con dơi góa chồng.
    Thách thế mới thỏa trong lòng,
    Chàng mà lo được, thiếp cùng theo chân...”

    Cũng có khi không muốn bắt tội chàng phải tốn-phí và đợi chờ quá lâu, nàng ỡm-ờ:


    " Có trầu mà chẳng có cau,
    Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm!...



    nhưng nàng đưa ra lý-do của mình:


    “ Chẳng tham nhà ngói ba tầng,
    Tham vì một nỗi mẹ cha hiền-lành! “

    hay:
    “ Chẳng tham vựa lúa anh đầy,
    Tham năm ba chữ, cho tầy thế gian!..”



    Vì vậy, những bạn nào học-hành uyên-bác, thế nào rồi cũng có một nàng vừa “đẹp”, vừa “ngoan” lại vừa tính xa cho lọt mắt xanh. (Chưa chắc !).



    TÌNH YÊU TRONG NGHĨA VỢ CHỒNG:


    Không gì đẹp bằng, không gì hay hơn là mình có thể cưới được người mình yêu. Xã-hội Á-Đông ta quan-niệm việc vợ chồng là việc tối quan-trọng có ảnh-hưởng trực-tiếp trong suốt cả cuộc đời mỗi người. Vì vậy mà vấn-đề chồng con là một mối lo-âu cho biết bao cô gái, ngay từ khi chưa bước chân ra khỏi ngưỡng cửa nhà trường:


    “ Thân em như tấm lụa đào,
    Phất-phơ trước gió, biết vào tay ai...”



    Từ ngàn xưa, phái nam vẫn giữ độc-quyền cưới hỏi. Phái nữ chỉ được phép chấp-nhận hay từ-chối mà thôi, chứ không được đi hỏi phái nam, dù đó là người con trai mà nàng yêu trọn-vẹn. Nhưng nếu nàng không yêu kẻ tới hỏi nàng, nàng nên chấp- thuận hay từ chối ? Nếu chấp-thuận, có thể nàng sẽ không hạnh-phúc bởi vì nàng không yêu hay vì chàng không xứng-đáng làm chồng nàng. Nếu từ-chối để chờ ngưới khác khá hơn, biết đâu sẽ không còn ai tới hỏi, và nàng sẽ trở thành gái già, một viễn-ảnh ghê-rợn của người con gái! Vì vậy người xưa mới có câu:


    “ Đi đâu mà chẳng lấy chồng,
    Người ta lấy hết, chổng mông mà gào!
    Gào rằng: đất thấp, trời cao,
    Sao chẳng thí-bỏ cho tôi chút chồng!
    Ông trời ngoảnh lại mà rằng:
    Mày hay kén-chọn, ông không cho mày...”




    Cũng có cô đẵn-đo, lưỡng-lự: nửa muốn lấy chồng, nửa muốn ở không, vì đàng nào cũng khổ:


    “ Gái có chồng như gông đeo cổ,
    Gái không chồng như phản gỗ long đanh.
    Phản long đanh, anh còn chữa được.
    Gái không chồng chạy ngược, chạy xuôi! ..”


    Có người lại cho rằng:


    “ Chồng con là cái nợ-nần,
    Thà rằng ở vậy, nuôi thân béo tròn
    .


    Rồi khi đã nhất quyết lấy chồng, các nàng lại thêm một cái khổ nữa: Quan-niệm cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy của người xưa. Cũng vì muốn vâng lời cha mẹ, đã có biết bao nhiêu người phải khổ cả một đời. Có cô tội-nghiệp phải sống trong cảnh:


    " Lấy chồng, chẳng biết mặt chồng.
    Đêm nằm mơ tưởng đến ông láng-giềng!.."



    Có cô vâng lời cha mẹ, lên xe hoa về nhà chồng khi còn quá trẻ, nhưng rồi cô sẽ lớn:


    " Lấy chồng từ thủa mười lăm,
    Chồng chê tôi nhỏ chẳng nằm cùng tôi.
    Đến năm mười tám, đôi mươi,
    Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường.
    Một rằng thương, hai rằng thương!
    Có bốn chân giường: gẫy một còn ba!
    Ai về nhắn với mẹ cha:
    Chồng tôi nay đã giao-hòa cùng tôi!.."



    Có cô thiếu may-mắn hơn, lấy phải ông chồng già:


    “ Vô duyên, vô phúc,
    Múc phải ông chồng già!
    Ra đường, người hỏi:
    - Là cha hay chồng?
    Nói ra đau-đớn trong lòng:
    - Ấy cái nợ truyền-kiếp!
    Có phải chồng em đâu nào! ..”




    Có nàng lại bằng lòng với số phận ấy, chỉ hy-vọng tương-lai sẽ đổi thay:


    “ Trời mưa nước chảy qua sân,
    Em lấy ông lão qua lần thì thôi.
    Bao giờ ông lão chầu trời,
    Thì em lại kiếm một chàng trai tơ...”




    Những ông già nghe thấy thế chỉ tủm-tỉm cười như nói: - Hậu xét! và biện-luận:



    " Áo dài chớ nại quần thưa,
    Bẩy mươi có của, cũng vừa mười lăm!.."

    hay tệ hơn nữa:


    " Bẩy mươi, mười bẩy bao xa,
    Bẩy mươi có của, mười ba cũng vừa!..?




    Cũng có cô bằng lòng cưới một đứa bé. Ngày xưa, các nhà giầu thường muốn cưới vợ cho con thật sớm, hầu có thêm người làm trong gia-đình. Một phần cũng vì mấy cô tham tiền, nên sau mới than:



    “ Tham giầu, em lấy thàng bé tỉ tì ti !
    Làng trên, xóm dưới, thiếu gì trai to!
    Em đem thân cho thằng bé nó dầy-vò,
    Mùa đông, tháng giá: nằm co trong lòng!
    Cũng đa mang là gái có chồng,
    Chín đêm chực-tiết, nằm không cả mười !
    Nói ra sợ chị em cười,
    Má hồng bỏ quá, thiệt đời xuân xanh!
    Em cũng liều mình với thằng bé trẻ ranh,
    Đêm nằm rờ mó quẩn-quanh cho đỡ buồn.
    Buồn mình em lại bế thằng bé nó lên...
    Nó còn bé mọn đã nên cơm cháo gì!!!
    Nó ngủ, nó ngáy tỳ tỳ...
    Một giấc đến sáng, còn gì là xuân!
    Chị em ơi: hoa nở mấy lần ? “



    Có nàng tránh được cái khổ này, lại vướng vào cái cực khác. Cha mẹ tham của, gả con về làm bé cho người ta. Chế-độ đa-thê được khai-thác triệt-để dưới thời quân-chủ. Các ông viện cớ:


    " Tốt số lấy được chồng chung,
    Lương vua khỏi đóng, áo chồng khỏi may. "



    và:


    " Tốt số làm lẽ khỏi lo,
    Cơm nguội đầy rá, cá kho đầy nồi. "



    Khổ nỗi, người con gái lấy chồng chẳng vì ham cái rá cơm nguội hay cái nồi đầy cá. Mấy ai hiểu được hoàn-cảnh bi-đát của người vợ bé. Có qua cầu mới hay!


    “ Lấy chồng làm lẽ khổ thay!
    Đi cầy, đi cấy, chị chẳng kể công.
    Đến tối chị giữ lấy chồng,
    Chị cho manh chiếu, nằm không nhà ngoài.
    Đêm đêm chị gọi: Bớ hai!
    Trở dậy nấu cám, thái khoai, đâm bèo! “




    Người vợ bé bị thiệt-thòi đủ điều. Mang tiếng có chồng mà ngay cả khi muốn gần chồng, cũng phải vụng-trộm:



    “Thân em làm lẽ chẳng nề,
    Có như chính-thất mà lê giữa giường,
    Tối tối chị giữ mất buồng,
    Chị cho manh chiếu, nằm không nhà ngoài!
    Mong chồng, chồng chẳng xuống cho!
    Đến khi chồng xuống, gà o o gáy dồn.
    -Cha mẹ con gà kia sao mày vội gáy dồn,
    Mày làm cho tao mất vía, kinh hồn vì nỗi chồng con!!! “




    Về phía đàn ông: có người thích vợ trẻ, kẻ lại khoái vợ già. Ai cũng có lý của mình. Người có vợ già thì cho rằng:


    “ Có phúc lấy được vợ già,
    Sạch cửa, sạch nhà, lại ngọt cơm canh!
    Vô phúc lấy phải trẻ ranh,
    Nó ăn, nó bỏ tan-tành nó đi...”



    Những người ưa vợ trẻ thì lại nghĩ rằng:


    “ Chồng già vợ trẻ là tiên,
    Vợ già, chồng trẻ là duyên nợ-nần! “




    Ai cũng công-nhận là thương nhau trái ấu cũng tròn, nhưng phải công-nhận ông chồng này khỏi chê vì:


    " Mũi em những tám gánh lông,
    Chồng thương, chồng bảo: râu rồng trời cho!
    Đêm nằm thì gáy o o,
    Chồng thương, chồng bảo: gáy cho vui nhà!
    Đi chợ thì hay an quà,
    Chồng thương, chồng bảo: về nhà đỡ cơm!
    Trên đầu những rác cùng rơm,
    Chồng thương, chồng bảo: hoa thơm rắc đầu! "



    Giữa các đấng mày râu, ai lại không muốn sau này cưới được một người vợ thật đẹp để nở mày, nở mặt với thiên-hạ. Nhưng quý-vị hãy coi chừng:


    “ Vợ đẹp càng tổ đau lưng,
    Chè ngon: đắng miệng! Điếu thơm: quyện đờm!



    Biết vậy, song vẫn đám cưới, vẫn tiệc-tùng linh-đình, mà đôi khi còn cưới hai ba bà vợ nữa. Đời sống vợ chồng bắt đầu từ đây: có lúc vui thì cũng có khi buồn, có lúc phẳng-lặng như nước mặt hồ thu, nhưng cũng có khi chén đĩa bay như trong cuộc đại chiến. Các bậc cha mẹ thường dậy con:


    “ Chồng giận thì vợ bớt lời,
    Cơm sôi nhỏ lửa, một đời không khê! “




    Có người lại nghĩ rằng: muốn yên cửa, yên nhà, tốt nhất là theo chính-sách nhất vợ nhì trời:


    “ Làm trai rửa bát quét nhà,
    Vợ gọi thì: -Dạ ! Bẩm bà tôi đây!ï




    Trong xã-hội tân-tiến này, có nhiều người đàn ông lúc nào cũng tỏ ra ta đây: giầu có và quyền-quý. Nhưng biết đâu cái mặt trái lại khác xa:


    " Ra đường võng giá nghênh-ngang
    Về nhà, vợ hỏi: - Cám rang đâu mày?
    - Cám rang tôi để cố i xay. (Chồng trả lời)

    - Hễ chó ăn hết thì mày biết tao!..."
    (Vợ hăm)


    Có khi người vợ khôn-ngoan, pha trò cho chồng vui, rồi làm hòa, giả bộ ngây-thơ:


    “ Chồng giận thì vợ làm lành,
    Miệng cười chúm-chím: thưa anh giận gì?
    Thưa anh, anh giận em chi?
    Muốn lấy vợ bé em thì lấy cho! (? ) “



    Được người vợ như thế, còn gì hạnh-phúc hơn. Nhưng đàn ông nào lại chẳng có chút máu lang-bang, mỗi khi có dịp, nó bùng lên ngay:


    “ Đàn ông một trăm lá gan,
    Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người... “



    Người chồng thường tỏ ra biết lỗi, nhưng vẫn cố bào-chữa:


    “ Đố ai nằm võng không đưa,
    Ru con không hát, anh chừa nguyệt hoa! “



    Người vợ biết cái tật dễ ghét của các ông chồng, nên lúc nào cũng nhắc-nhở:


    " Ao nhà sạch lắm anh ơi.
    Đừng đi ao khác: nước hôi, lắm bèo!...



    Dù rằng chẳng nên chơi bời nguy-hiểm, nhưng các ông chồng cũng cần cân-nhắc, tính-toán thời-giờ chứ đừng để vợ than:


    " Đang khi lửa cháy, cơm sôi,
    Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm-tem...
    Bây giờ cơm đã chìn rồi,
    Lợn no, con ngủ, tòm-tem thì tòm!.."




    Thế rồi ngày tháng qua mau, đến khi con cái đầy nhà, nếu chẳng may, người chồng chết sớm, nhiều lúc người vợ cũng cảm thấy bơ-vơ, không nơi nương-tựa. Cũng có khi người đàn bà góa ấy lại muốn đi thêm bước nữa, vì ngày xuân chưa tàn. Bà gọi các con lại và nhắn-nhũ:


    “ Hỡi thằng con lớn, hỡi thằng con bé,
    Cu tí, cu ti, cu tỉ, cu tì ơi!
    Con dậy, con ăn, con ở với bà,
    Để mẹ đi kiếm một vài con thêm.
    Bố con chết đi, trong bụng mẹ đây nó hãy còn thèm,
    Mẹ xem quẻ bói: vẫn còn đàn em trong bụng này...”



    Có những người đàn bà phải thắt bụng chờ đợi. Chờ đến khi con gái lớn thỏ-thẻ:


    “ Mẹ ơi, con muốn lấy chồng! “


    lúc đó mới dám lấy hết nghị-lực thố-lộ cùng con:


    “ Con ơi, mẹ cũng một lòng như con ! “



    Trong vài trường-hợp, khi người mẹ muốn tái-giá, phải có sự ưng-thuận của đứa con: vì nó là trưởng-tộc, có quyền ăn nói. Vì vậy, bà mẹ mới dụ con:


    “ Ngày sau con tế ba bò,
    Sao bằng lúc sống con cho lấy chồng ...”




    Người thiếu-phụ đang xuân muốn tái-giá đã vậy, ngay cả những bà cụ đi đứng không muốn nổi, cũng hăm-he tìm lại hương-vị tuổi thanh-xuân. Tục truyền rằng: có một ông lão đã ngoài 60 muốn tục-huyền với một bà cũng xắp-xỉ bẩy mươi. Cụ bà chê ông già. Ông cụ bị chạm tự-ái, liền khẳng-định:


    “ Già thì già tóc, già tai,
    Già răng, già lợi, tình yêu không già ! “




    Bà già nghe cũng xuôi tai, nhưng còn lưỡng-lự, nên đi hỏi thầy bói:


    “ Bà già đi chợ cầu Đông,
    Bói xem một quẻ, lấy chồng, lợi chăng ?
    Ông thầy xem quẻ, nói rằng:
    - Lợi thì có lợi, nhưng răng không còn!! “



    bà già nghe vậy, nổi cơn lôi-đình, đập ông thầy mấy đập, rồi nhảy xuống sông tự-tử. Truyền-thuyết không thấy nói ông già có “xơi tái “ thầy bói hay không.







    TINH YÊU VỢ CHỒNG NGƯỜI LÍNH:


    Được lệnh tòng quân, người đi, kẻ ở lại: trăm tình ngổn ngang. Người thi-sĩ bình-dân đã dùng ca-dao nói lên sự can-đảm của người vợ:


    " Anh ơi! em ở lại nhà,
    Hai vai gánh-vác, mẹ già con thơ.
    Lầm than đừng quản nắng mưa,
    Anh đi, anh cố chen đua với đời.
    Anh ơi phải lính thì đi!
    Cửa nhà đơn chiếc, đã thì có em..."



    anh chồng nghe vợ nhắn-nhủ, chàng liền quả-quyết:


    " Đắng: khổ qua, chua: là chanh giấy,
    Dầu ngọt cho thế mấy, cũng cam sành.
    Giặc Lang-Sa (Pháp) đánh đến bên thành,
    Dẫu ai có ngăn qua, đón lại: dạ cũng không đành bỏ em! "


    chàng còn an-ủi vợ:


    " Chẻ tre, bện sáo cho dầy,
    Ngăn ngang sông Mỹ, có ngày gặp nhau!.."




    đứng trước cảnh:


    " Thùng thùng trống đánh ngũ liên,
    Bước chân xuống thuyền, nước mắt như mưa!..


    người vợ lính không khỏi than-trách:


    " Trời ơi, sanh giặc làm chi
    Cho chồng tôi phải ra đi chiền trường!.."




    người chồng cũng chẳng khá hơn, mặc dầu không nói ra nhưng cũng thở dài, tự an-ủi:


    " Lên xe, nghe tiếng thúc còi
    Thương con, nhớ vợ, lệnh đòi phải đi!.."


    Tiễn người yêu ra đi làm nghĩa-vụ người trai, nàng thơ-thẩn kéo gót về nhà, qua cây cầu cũ:


    " Qua cầu, ngả nón trông cầu,
    Cầu bao nhiêu nhịp, em sầu bấy nhiêu!..."




    Mặc dù hòa-cảnh đau-xót khi chồng phải xông-pha ngoài tiền-tuyến, người chinh-phụ, nơi hậu-phương vẫn phải một mình lo cho gia-đình: nuôi mẹ, nuôi con, nhưng vẫn không tránh khỏi cảnh nhiễu-nhương do kẻ có quyềøn hành:


    " Cậu Cai buông áo em ra,
    Để em đi chợ, kẻo mà chợ trưa.
    Chợ trưa: rau nó héo đi,
    Lấy gì nuôi mẹ, lấy gì nuôi con!!..."




    TINH YÊU NGOÀI VÒNG ĐẠO-LÝ:


    Tất cả những mối tình không đi vào khuôn-khổ vợ chồng, đều bị xã-hội lên án là vô-luân. Có nhiều người con gái được tiếng là đoan-trang, ngoan-ngùy, lúc nào cũng thỏ-thẻ với mẹ:


    “ Mẹ ơi! con mẹ đồng-trinh!

    nhưng biết đâu đó, vì:


    “ tối ngủ một mình thò bốn cái chân! “




    Có khi người con gái chưa muốn lấy chồng, chỉ muốn tìm lạc-thú, nên nàng không cần gìn-giữ gì cả: chữ trinh đối với nàng không quan-trọng, nên quyết-định:


    “ Chơi cho thủng trống, long bồng,
    Rồi ra ta sẽ lấy chồng, lập nghiêm.
    Chơi cho thủng trống, long chiêng,
    Rồi ra ta sẽ lập nghiêm, lấy chồng.... “,




    nàng lại còn tự biện-minh:


    “ Lẳng-lơ thì cũng chẳng mòn,
    Chính-chuyên cũng chẳng sơn son để thờ... “


    Cũng có khi, nàng đã trót yêu một người, nhưng vì cha mẹ ép-buộc hay vì một lý-do nào đó, nàng đã phải lấy một người khác làm chồng. Dù sao cũng không thể quên người yêu cũ:

    “ Hai tay cầm hai quả hồng,
    Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai.
    Đêm nằm vuốt bụng thở dài,
    Thương chồng thì ít, nhớ trai thì nhiếu... “




    Đôi khi người nàng yêu, lại là chồng một cô bạn, nên đành đánh liều dụ bạn:


    “ Của chua, ai thấy chẳng thèm,
    Em cho chị mượn chồng em vài ngày...”



    nhưng khổ nỗi, ở đời người ta cho mượn đồ, mượn đạc, mấy ai cho mượn chồng? Bạn nàng liền đáp:


    “ Chồng em đâu phải trâu cầy,
    mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm!... “



    Trong hoàn-cảnh loạn-ly, người chồng phải đi lính năm này qua năm khác. Người vợ chịu cảnh cô-đơn không thấu. Rồi vì một phút yếu lòng, đã ngã vào vòng tay kẻ khác. Tai-họa sẩy đến: nàng có thai! Song vì giết mèo, giết chó, ai nỡ giết con, mặc cho láng giềng bàn-tán:


    “ Hỡi cô mặc yếm quá tầm!
    Chồng cô đi lính, cô nằm với ai?
    Cô nằm, cô đẻ thằng bé con trai.
    Chồng về, chồng hỏi: Con ai thế này?


    Cô ta bèn nhanh miệng trả lời:


    “ Con tôi đi kiếm về đây!
    Có cho nó gọi bằng thầy thì cho...”




    Những mối tình vụng trộm, những mảnh tình vụn hoặc ngoài vòng lễ giáo như trên thường không được lâu bền! Làm sao có thể sống được khi mà cả xã-hội kết-án? Nền luân-lý đó có nhiều điều hay, nhưng cũng không khỏi có lắm điều oan-ức!

    KẾT LUẬN:

    Tình yêu đã chiếm một chỗ rất quan-trọng trong Ca-dao,Tục-ngữ Việt-Nam. Nó phản-ảnh tinh-thần đa-cảm của người Việt: Dùng câu thơ, nhịp-phách để bầy-tỏ nỗi-lòng mình, hoặc để dạy con, dậy cháu hay để châm-biếm xã-hội... Nó đã ăn sâu vào huyết-quản mọi người dân Việt. Bất cứ hoàn-cảnh nào cũng có một vài câu tương-ứng, làm như tất cả đời sống con người đã được thấy trước và đã xẩy ra như được hoạch-định. Lịch-sử vẫn luôn tái-diễn, nhất là trong vấn-đề tình-cảm. Như cảnh một gia-đình xum-họp đã được diễn-tả trong ca-dao, sẽ mãi-mãi còn giá-trị, dù thế-giới này có đổi-thay đi nữa, hay dù con người sống trong hoàn-cảnh nào cũng vậy.
    Còn gì hạnh-phúc hơn cảnh:


    “ Vợ chồng là nghĩa tào-khang,
    Chồng hòa, vợ thuận, nhà thường yên-vui,
    Sinh con, nuôi-nấng nên người,
    Làm ăn thinh-vượng, đời-đời ấm no...”



    Last edited by Binh La; 07-17-2009, 10:42 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X