Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bắt cá cạn -Làm hầm bắt cá -Câu cá

Collapse
X

Bắt cá cạn -Làm hầm bắt cá -Câu cá

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bắt cá cạn -Làm hầm bắt cá -Câu cá


    Bắt cá cạn

    Trời sinh những loại cá đồng có một giác quan thứ sáu, chúng nó biết khi nào mùa khô sắp đến phải tìm đường về những nơi có nước, ao đìa hoặc sông rạch. Ðìa là những ao lớn thật sâu nằm giữa ruộng, người ta vét đìa đấp đất cao hai bên bờ chừa hai đầu trống không đấp đất để đường cho cá xuống đìa vào mùa khô. Người ta còn đốn những chà cây bỏ xuống đầy khắp để cản trở kẻ gian câu cá trong đìa của mình. Giác quan thứ sáu của những loại cá đồng chỉ đường cho chúng đi một cách thật kỳ lạ. Giống như loài cá Salmon mỗi năm tới mùa đẻ trứng, từng bầy đen nghẹt bỏ biển vào sông, theo suối vượt đèo trở về nguồn gốc nơi chúng mới sinh ra ở Alaska để nhả trứng nối dòng.

    Một nhánh của sông Cửu Long chảy ngang làng tôi bên hướng Bắc thẳng ra cửa Ðại, nhập vào biển Ðông. Cập sát bờ sông, rộng chừng một cây số bề ngang, chạy dài qua nhiều làng xã ra tới cửa biển là những vườn dừa dầy đặc với mương rạch dẫn nước nuôi cây.

    Thẳng về hướng Nam độ ba cây số là đồng lúa mênh mông bị cắt ngay giữa bằng một con đường đá chưa tráng nhựa chạy dài tới quận Bình Dại nằm ngay cửa biển.

    Sống trong môi trường đó con cá nó biết hướng nào có nước phải tìm về, dù phải đi ngang qua lộ đá có khi phải bỏ xác. Tất cả sẽ di tản bằng mọi cách từ thửa ruộng nầy sang thửa ruộng khác dẫn ra sông qua các mương rạch nằm sát mí ruộng. Những con nào lốc không kịp, nhảy chưa tới mương đìa sông rạch thì đành chịu trận nằm phơi trong vũng nước cạn còn sót lại trong các thửa ruộng lúa chính vàng.

    Thời điểm đó tôi hay chui lội trong những đám lúa chín để bắt cá cạn. Ðó là điều cấm kỵ bởi vì có thể làm rụng lúa ít nhiều. Các chủ ruộng luôn dòm ngó kiểm soát, sợ trâu ăn lúa dựa bờ, sợ có người tước bông lúa nuôi gà và đại kỵ là có người chui vào đó mà bắt cá cạn. Em tôi và tôi thường lợi dụng cái thế con cháu của chủ điền nên các chú bác tá điền nể nang không làm khó dễ.

    Ðiều đó còn có thể giúp họ mượn cớ để xin ông nội tôi giảm bớt địa tô vì thất mùa và cũng vì chúng tôi phá phách. Ông nội tôi luôn luôn chế giảm rất nhiều để chuộc cái lỗi của con cháu ông đã phá làng phá xóm. Vả lại trong làng gần như tất cả đều xem nhau như là bà con xa gần dù không có chút liên hệ máu mủ gì cả. Từ thời ông cố tôi đến ông nội, năm nào cũng châm chế cho rất nhiều người, trừ những năm mưa thuận gió hòa lúa phơi đầy sân. Phần chúng tôi thì cứ ỷ lại làm bừa mỗi khi có cơ hội.

    Thằng Tôn và tôi chui vào ruộng lúa, nằm đại trên đất bùn, trườn lết từ từ kiếm những vũng nước còn đọng lại, không hơn một thước vuông, cá lóc nằm phơi cựa quậy khó khăn, cử động không được như thường vì ít nước, có con nằm ngay đơ phùng mang ngáp thở. Ít khi gặp cá rô hay cá trê vì hai loại cá nầy di chuyển dễ hơn cá lóc.

    Con cá rô di chuyển bằng cách nằm nghiêng, giương cái mang ra tạm cấm xuống đất hất mình tới, hoặc dựa trên cỏ mà lắc đi dù chậm nhưng chỗ nào cũng đi tới được. Còn cá trê thì dùng hai cái ngạnh bên trái và phải của nó tạm ghim vào đất hay cỏ mà lắc qua lắc lại đi đâu cũng tới. Chỉ có cá lóc là phải công mình chỏi nước chỏi đất mà phồng tới, đụng cây thì rớt lại tìm đường khác. Ðiều không may cho giống cá nầy là những bờ đê ngăn ruộng thường mộc cây lức cao thắp tùy nơi. Nhưng trời cũng cho chúng nó sức mạnh chỏi đuôi phóng khá cao. Cá di chuyển vào đêm lúc chạng vạng tối.

    Làm hầm bắt cá

    Thời điểm cá tìm đường ra sông, anh năm và tôi say mê việc làm hầm bắt cá. Muốn làm hầm phải quan sát và nghiên cứu con đường nước nào thuận tiện, ruộng lúa nào có nước sâu nằm gần các “ruộng gò” cao hơn. Ngoài việc đi quan sát còn phải hỏi thăm mấy chú bác trong làng đã từng làm hầm bắt cá mỗi năm lúc mùa khô bắt đầu.

    Xế chiều là anh em tôi vác tàu lá dừa, mang nốp ngũ, xách đục (nốp là hai lớp đệm đan bằng giây lát, lớp dưới dùng như chiếu trải trên cỏ hay đất để nằm, lớp trên đang dính liền nhau dùng như chiếu đắp che sương, đầu đuôi và bên hông nốp dính nhau chừa một bên trống để người chui vào và mí nốp có độ hai tất xếp vào trong để sau khi chui vào người ta nằm đè lên mí xếp đó cho muỗi mồng trùng dế không vào được, nốp đôi là để hai người dùng, nốp chiếc dùng cho một người. Ðục là vỏ đựng cá). Chúng tôi làm hầm sớm để kịp hoàn tất trước khi trời tối.

    Tới nơi chúng tôi đã quan sát và chọn trước, móc đất làm hầm. Chúng tôi lựa chỗ nước sâu của thửa ruộng nơi loài cá thích tập trung. Lội xuống móc đất đắp bờ thành một cái hầm bề dài độ 3 thước, bề ngang 5 tất, sâu 5 tất. Ðắp xong tát nước cạn, lấy bùn tô láng miệng hầm đắp lài xuống mí nước. Sau đó cấm những tàu lá dừa phía sát bờ ruộng lưa thưa đủ để chặn cá lóc phóng nhảy trúng vách lá rớt xuống hầm.

    Chúng tôi trải nốp nằm trên bờ ruộng chờ tối trời cá bắt đầu di chuyển. Ðèn chông để sẵn trong lòng đèn bằng cây nhưng không đốt sáng vì muốn tránh làm cho cá sợ. Khoảng một hai giờ sau khi mặt trời lặn cá bắt đầu đi. Chúng tôi ngồi im, hay nói chuyện rù rì nhỏ to chờ nghe những tiếng “sạch” như ai chọi vật gì vào các tàu lá. Chúng tôi đếm 1 rồi khều nhau đắc ý. Sạch, 2, sạch 3 cứ đếm như vậy đến mười thì bật quẹt đốt đèn tới hầm bắt cá. Những con cá lóc nằm cựa quay cùng với nhiều cá rô và cá trê đã giương mang giương ngạnh mượn bùn lắc lư trèo lên miệng hầm và rớt xuống lỗ.

    Cái thú vị làm cho say mê là những tiếng sạch lớn hay nhỏ mình có thể đoán được trọng lượng của con cá. Có khi mới đếm được 4, 5 tiếng “sạch” mà lòng nôn nóng, đứa nầy khều đứa kia muốn bật đèn đi bắt cá rồi. Nếu những tiếng “sạch” đó nối tiếp gần nhau thì chần chờ không nên vội vàng bắt sớm để tránh làm động những con cá gần đó vì sợ hãi phải đi tìm đường khác. Có khi tham lam chờ đợi thì cũng có lúc nghe tiếng “chũm” nghĩa là con cá nào đó phóng ngược ra ngoài ruộng nước, cũng có khi mình đếm mười mà chỉ bắt được 7 hay 8 là vì có con lọt vào hầm rồi mà còn tìm cách phóng đi trúng vách lá lần thứ hai, thứ ba làm mình đoán sai. Cá rô cá trê thì đa số chỉ nằm chờ đó bởi vì dù có tìm cách lắc lư gì thì vách đứng thân hình nó nặng đành phải rớt xuống hầm nằm chờ bắt về kho tộ hay nấu canh chua!

    Càng về khuya càng ít cá, cho đến khi gần sáng lại có một đợt lai rai nhưng không bằng đêm tối mới bắt đầu. Cái khổ của thân tôi là chui vô nốp anh năm lúc nào cũng giành nằm ngoài. Tôi phải nằm trong, bít miệng nốp lại ngột ngạt khó thở tôi đành phải dùng ngón tay xỏ lủng một lỗ khá lớn để thở, nhưng có khi muỗi chui vào anh năm cằn nhằn chửi đổng.
    Muỗi, cá, cũng giống như loài người, ăn uống có giờ giấc. Ðầu hôm muỗi vo ve châm chít liên miên rồi lại bớt đi tử khoản 10 giờ chờ đến gần sáng chúng lại đi kiếm mồi cũng như cá chỉ tìm mồi vào lúc chạng vạng tối và khi gần sáng. Ðó là lệ thường nhưng cũng có những con lai rai tìm mồi giữa đêm khuya.

    Câu cá

    Ông bà mình hay nói “Trời sanh voi thì Trời sanh cỏ” nghĩa là thiên nhiên cung cấp cho con người đủ vật chất để sống. Ở các nơi khác tôi không biết như thế nào chớ ở miền Nam dân làng tôi sống thoải mái bằng cách bắt cá, bắn chim, nuôi vài con gà thả chạy rong tự chúng kiếm mồi trùng dế mà sống, nuôi ít con vịt thả ngoài đồng mùa khô ăn mót lúa đổ, mùa mưa lặn lội kiếm tép mồng cá con ăn mập phì.

    Nắng thì bẫy chim, thổi chim, chấm chim, gài cu. Mưa thì soi ếch, câu rê, câu cắm, đặc lờ, hớt cá. Nhà nông thì cuốc dòng trồng rau cải, khoai bắp, làm ruộng gặt lúa, dù là tá điền phải trả địa tô xong vẫn còn đủ sống quanh năm. Một vài người được xem như “nghèo mạt” trong làng cũng có cơm no, áo ấm nhờ sức lao động của họ. Bối cảnh chung thời đó, dù còn bị Tây đô hộ nhưng cũng hưởng được thái bình, tự do tín ngưỡng. Cai tổng hà hiếp, thằng Tây bóc lột nhưng còn chừa đủ hay thừa thãi cho người dân sống an lành. So với ngày nay cán bộ tham nhũng, cướp đất đánh dân, bất kể người thân đã từng bao che cho bọn chúng tự gọi là “cách mạng” nhưng khi được ăn trên ngồi trước thì phản lại số người đã từng cưu mang “cái gọi là cách mạng đó”. Nói về câu cá thì tuổi thiếu thời của tôi chưa biết có dây câu bằng ny-long, chưa biết có cần câu với máy quay. Dây câu của chúng tôi làm bằng những sợi chỉ tháo ra từ những bao xi-măng hay mua một “cuồng nhợ” trong tiệm “hàng xén” đem về sắp đôi sắp tư, máng một đầu vào móc đinh trên cột nhà hay nhờ người cầm đầu dây đó rồi kê bắp vế lên mà se cho tới khi dây săn cứng thì mới cho hai sợi từ từ nhập lại thành dây câu dài ngắn tùy ý. Dây ngắn dễ se, dây dài khó thực hiện vì lúc nhập đôi phải cho giây “ăn” với nhau từ từ. Nếu không, dây bị so le vừa xấu vừa không bảo đảm rắn chắc.

    Cần câu làm bằng những cây trúc, dài ngắn tùy ý, câu cá rô, cá trê thì cành ngắn hai ba thước, dây câu một thước rưởi là đủ. Cần câu rê phải dài bốn năm thước tây. Những cây trúc ít khi ngay thẳng suông đuột, có chiều công đúng vọng như mình muốn. Vì vậy người ta phải hơ lửa uốn cho đầu cần cong đúng vọng. Thông thường sau khi hơ lửa uốn xong người ta để cây nằm xuống đất đống nhiều nọc nhỏ ép cây trúc theo trìu ngay và cong đẹp như ý của mình muốn. Cuối gốc cần câu rê còn phải vót một cây nạn gắn vào để chịu cây cần trên đùi khi quăng dây. Dây dài năm bảy thước tùy theo người câu thiện nghệ hay không.

    Cần câu cắm, làm bằng cây tre thật già, dài khoảng bẩy tất, ba tất đầu cần vót sạch ruột chỉ chừa vỏ cây dịu quặt rắn chắc, và một mắt nhỏ ở đầu để cột dây và lưỡi câu vào. Gốc cần vuốt nhọn để dễ cấm vào đất của bờ ruộng.

    Câu cá trê cá rô ở ao đìa hay ruộng sâu, câu cá chốt cá út thì ở mương rạch với mồi trùng mồi dế mồi dán. Thả câu ngầm, có phao hay không tùu ý. Nếu cột phao thì khỏi cầm giữ cần câu chỉ ngồi nhìn phao rung rinh, cá ăn kéo phao chìm xuống là giựt dính cá. Có khi cũng xẩy vì giựt quá mạnh tét mép cá hay tự con cá ngậm mồi chưa trọn vẹn, mới ngậm ngoài môi, lưỡi câu chưa vướng vào mép cá. Cái phao là một lá lúa, lá cỏ xếp làm đôi làm ba cột gúc trên dây câu, chừa khoản sâu vừa phải theo ước đoán của mình ở độ sâu nào có cá lững lờ chờ mồi. Cũng có thể thả hết dây, mồi chìm tận đái nơi mà cá trê thường lội kiếm mồi hôi thúi. Thời tôi còn nhỏ làm gì có những thứ phao làm sẵn, nhỏ lớn đủ cỡ đủ mầu bán trong các quầy hàng chuyên môn dành cho khách đam mê nghề câu như ngày nay.

    Câu rê là cả một sự khéo tay, tính toán nhịp nhàng. Thường câu cá lóc hay ếch ở ruộng. Nhiều tay câu nghề, bán cá mà sống. Riêng tôi thời đó còn nhỏ nên chỉ đeo theo mấy chú mấy bác xem cho thỏa mãn sự ham muốn thèm thuồng, và học hỏi cách thức với quyết tâm chính mình sẽ thực hiện khi đủ sức cầm cần và sử dụng dây nhợ dài thậm thược bằng ba bốn lần chiều cao của bản thân tôi.

    Trước hết là phải uống lưỡi câu bằng cây “kèo dù”, một loại thanh thép phế thải của cây dù hư. Mài thật nhọn, giũa hoặc khắc cho có ngạnh, uốn công, thắt chặt vào dây nhợ cột cứng trên đầu cần. Người câu thường sử dụng mồi nhái con, móc từ miệng nhái xuống tận đuôi hình thù tay chân con nhái còn giống y như nó còn sống. Khi kéo rê nhẹ cá lốc tưởng như con nhái đang nhảy bèn táp phập là hết đời.

    Muốn kéo rê giữa cỏ lúa mà không bị vướng mắc thì người ta xỏ trước vào sợi dây một ống bộng, ngắn, của long gà khá lớn để khi móc mồi xong, người ta ngắt một cọng rạ, cọng lúa, tốt nhứt là cọng cỏ ống, ghim một đầu vào lưỡi câu, đầu kia xỏ vào ống long gà, như vậy cục mồi suông đuột không thể bị vướng mắt vào cỏ lúa vì lưỡi câu bị dấu trong cọng cỏ ống rồi. Khi cá hay ếch táp vào, cọng cỏ bật ra lưỡi câu máng hàm là xong việc.

    Khó khăn nhứt trong việc câu rê là chỏi cần câu dài trên đùi. Tay cầm sợi dây có mồi khá nặng, để lòng thòng độ năm tất, quay vù vù vừa quan xa vừa hạ cần câu xuống cho mồi đi xa tối đa. Rồi mới từ từ rê nhẹ, con nhái chết hết leo trên lúa rớt xuồng nước lội qua cỏ nếu có cá thì đương nhiêu nó rượt theo mà táp mồi. Nếu có ếch nằm lú đầu với hai con mắt thồ lộ thì người câu thấy rõ nên cứ quăn mồi vào hướng ếch nằm thì chắc chắn bắt được nó. Mỗi thửa ruộng thường có vài ba con cá lóc đói chờ tử thần là thợ câu đi qua xóa sổ. Cũng có những thửa ruộng cá nhiều mấy chú mấy bác quần tới quần luôi bắt cả đục.

    Phần tôi đứng vựa mé ruộng nhắp lên nhắp xuống cũng có khi bắt được cá to vào gần bờ chờ nhái hay dế thất lạc. Và cũng có khi tôi bắt được ếch lớn ngồi vựa mé chờ cào cào bươm bướm hết thời bay bậy. Người biết câu rê chịu khó đi cả ngày thế nào cũng bắt được cá bán để mua gạo hay đổi thịt là chuyện thường.

    Ðầu mùa mưa người ta thường bắt được cá lớn vì chúng nó từ sông rạch vào ruộng sanh nở cho nên mới có chuyên hớt cá rồng rồng là những bầy hàng mấy ngàn cá lóc con. Thời pháp thuộc cấm tuyệt đối hớt cá rồng rồng với mục đích dưỡng ngư. Tuy nhiên vẫn có người phá lệ và những vị “Hương Quản” (cảnh sát làng) cũng dễ giải làm ngơ.

    Ngoài việc xúc cá rồng rồng khi ruộng còn trống chưa cầy bừa cấy lúa, người ta hay đi nôm bắt được cá lớn đầy trứng trong bụng. Cái nôm làm bằng những thanh tre vót nhọn một dầu, đang cứng vào nhau thành một vòng tròn đường kính độ năm bảy tất, trên đầu túm lại thành một khoanh tròn đủ rộng để cầm nôm và thò tay vào bắt khi nôm trúng cá.

    Ði nôm thì dễ mà bắt được cá rất khó vì vừa lội vừa chụp nôm xuống nước. Bước đi của mình động mạnh làm cá sợ lội tránh xa, con nào vô phước, dạn dĩ còn ở gần nôm trúng nó phóng đụng thành nôm lịch kịch, mình biết ngay, thò tay vào chận bắt. Khi gặp cá trê thì phải lừa thế mà bắt nó, thường phải tìm cách đè nhẹ, ép đầu nó vào thanh nôm, nắm cho bằng được cái đầu và hai ngón tay kẹp sau hai cái ngạnh của nó mà kéo ra. Sơ ý bị ngạnh nó đâm thì đau nhứt nhiêu hơn là sự vui mừng bắt được cá. Cá trê lét hay trê trắng có nọc độc hơn cá trê vàng. Nọc cá là nhớt của nó. Khi bị chạm trúng mình nó tiết ra liền một thứ nhớt trơn tru giúp nó thoát thân. Loại nhớt đó khi làm cá nếu bị trầy tay dính nhớt thì cũng đau nhứt như bị cá dâm. Loại cá ngác ở sông ở biển, cùng một giống với cá trê, tiết nọc càng độc, đau nhứt càng nhiều, hay là con cá ở sông có hình thù xấu xí người ta thường gọi là cá “mặt quỉ”, ai bị nó đâm trúng đau nhứt vô cùng có thể bị lên cơn sốt nằm đôi ba ngày mới hết đau.

    Ðầu mùa mưa ruộng đầy nước, cuối tháng nước sông dâng cao, gọi là nước rông, hay “con nước ba mươi”, tràn vào ruộng, cá lớn cá bé theo dòng nước mà vào, khi nước xuống người ta hay đặt “lờ”. Cái lờ có hình thù một cái đục lớn, có lỗ cho cá tép chui vô được mà ra không được, gọi là cái 'hôm”. Ðầu miệng hôm người ta gắn thêm một ống “trúm” tròn. Ðầu nhỏ nhét vào miệng hôm, đầu to có đường kính rộng chừng năm tất. Người ta đặt lờ chận nước ruộng chảy về sông bằng cách tháo bờ đất của ruộng chừng năm tất, nước tràn ào ra, đặt ông trúm vào đó, bồi đất kín chung quanh miệng trúm, cá tép chảy vào cái lờ được chỏi cứng bằng cây hai bên. Một con nước rông như vậy hay sau một cơn mưa to nước tràn, đổ lờ có thể được năm mười kí lô cá trắng tép mòng, loại cá tép nhỏ xíu nhưng béo thịt ngọt nước. Cũng có khi lọt vào một hai con cá trê cá lóc cá rô. Cá trắng, tép mồng rửa sạch bỏ vào nồi sắp thành một lớp cá tép một lớp thịt heo ba rọi, kho lạc cuốn rau sống bánh trang ăn ngon không biết ngừng hoặc ăn với cơm còn ngon hơn nhiều thứ cao lương mỹ vị.

    Cái thú vui của thời tôi còn thơ ấu bây giờ thế hệ con cháu tôi không còn cơ hội thưởng thức nữa. Cho dù chúng nó có nghe cha ông kể lại thì cũng mường tượng một cách mơ hồ không thể tận hưởng được mùi vị của đồng quê miền Nam nơi chôn nhau cắt rún của ông cha chúng nó.


    Võ Long Triều : Miền Nam Quê Hương tôi -Báo Người Việt

  • #2
    Thổi, chấm và gài

    -Thổi chim: Dùng 1 ống đồng nhỏ mà dài, để viên đạn vo bằng đất sét phơi khô vô ống rồi nhắm con chim mà thổi. Viên đạn bay ra cái vèo, rất mạnh.
    -Chấm chim: Dùng mủ mít phơi cho đặc sệt, quết lên đầu cây trúc. Ban đêm dùng đèn pin soi lên các cành cây, nếu thấy chim thì chấm vô cho dính rồi lôi nó xuống.
    -Gài cu còn gọi là gác cu: Dùng con cu mồi để trong lồng, nó gáy khiêu chiến thì chim rừng nhào vô đá, cái lưới rập bung ra là con chim bị rồi đời .

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X