Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Giấc mơ phi công và những chặng đường nghiệt ngã

Collapse
X

Giấc mơ phi công và những chặng đường nghiệt ngã

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Giấc mơ phi công và những chặng đường nghiệt ngã

    Giấc mơ phi công và những chặng đường nghiệt ngã
    Yên Sơn


    Thời ngồi trên ghế nhà trường tôi vẫn luôn “nhìn trời cao mà reo, mà mơ ước như diều để níu áo Hằng Nga, nằm bên dải Ngân Hà”. Những mẩu chuyện KQ làm tôi say sưa quên cả sách vở. Thấy các ngài phi công bên súng, bên dao xề xệ trong bộ áo liền quần phởn phơ dưới phố cho tôi mộng mị đêm dài. Nhất là bị ông nhà văn phi công Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh qua cuốn “Đời Phi Công” đưa mơ mộng của tôi vượt lên chín từng trời! Có lần bày tỏ với Mẹ tôi về ước muốn này bị Mẹ át giọng “học hành không xong Ba sẽ bắt về đi cày ruộng chứ ở đó mà mơ với mộng”! Mẹ biết tôi rất sợ sống ở ruộng vườn; rất sợ đời sống kham khổ với đất đai, nhất là đất đỏ cao nguyên dẻo quánh, nắng bụi, mưa… trời ơi là một nỗi cực hình! Tôi đã từng nói với Mẹ “bằng mọi cách con sẽ vượt ra khỏi nơi này”!

    Ba Mẹ và các anh em thấy tôi ham học (chẳng qua là trốn việc đồng áng) nên dồn tất cả sự hỗ trợ cho tôi đi học trên thành phố sau khi xong phần Trung học đệ nhất cấp ở quận lỵ. Tôi sung sướng được xa nhà, xa ruộng rẫy, bắt đầu “trắng da dài tóc” từ đó. Đợi khi vừa thấy tên trên bảng kết quả Tú Tài, tôi đã mơ màng làm phi công chiến đấu. Tôi lén cha mẹ nộp đơn xin làm phi công. Trước khi đi, tôi rất tự tin vì nghĩ rằng mình thừa sức nặng, dư chiều cao, mắt sáng như sao, tai thính như dơi, dũng lược con nhà võ… “nhưng ai có ngờ đâu, đời tôi là bể sầu, nay mộng xưa đã hết, ngày vui đã tàn, lòng tôi nát tan”. Trời không chìu lòng người. Nhóm thanh niên nộp đơn khám sức khỏe phi hành của chúng tôi gồm 20 người nhưng không có được một mống bước qua nổi ngưỡng cửa Phi Long, và tôi là người cuối cùng nghe ông nha sĩ ca bản “thôi anh đi về đi, Không Quân đành bái bai cùng anh, duyên không tròn lưu luyến càng thêm đau buồn!” Có lẽ thây nỗi buồn nặng trì nặng trịch trên mặt tôi, ông ta lại hát tiếp, (Thôi tiếc thương mà chi, trông mong gì anh đi về đi, anh đi về đi cho vui lòng mẹ cha”… chỉ vì vài chiếc răng trám! Mộng làm phi công tan tành theo mây gió, thất vọng não nề, tôi tiếp tục vùi đầu vào sách vở theo đuổi ngành y khoa như ước nguyện của Ba Mẹ tôi và gia đình.

    Chiến tranh càng lúc càng khốc liệt. Sân trường, sách vở trở thành món nợ nhàm chán, nặng nề. Đã vậy, mỗi lần ra phố nếu không Cảnh sát cũng bị Quân cảnh xét giấy tờ quân dịch lia chia… nhưng không có gì nung nấu bằng ước muốn trở thành phi công. Thấy KQ vẫn dồn dập tuyển mộ, tôi lại thắc thỏm muốn liều mình nộp đơn lần nữa. Dù Ba Mẹ tôi vẫn “răn đe” cố gắng học hành, không được xao lãng. Ba Mẹ tôi thường nói, sở dĩ gia đình dồn hết mọi nỗ lực cho tôi ăn học vì không muốn tôi gia nhập bất cứ loại lính nào, vì đã có hai anh lớn trong lính rồi! Nhưng trận Mậu Thân như một giọt nước làm tràn ly đầy, tôi quyết định thử thời vận lần nữa.

    Có lẽ vì nhu cầu bành trướng của KQ quá cao nên “hú thần hồn” tôi qua được chướng ngại vật cuối cùng “ba chiếc răng trám như cũ”! Chỉ có đậu được vào KQ mà chân tôi đã như đi trên mây, lòng bồi hồi sung sướng, chỉ còn một nỗi lo duy nhất là không biết ăn nói với Ba Mẹ tôi cách nào.

    Suy tính thiệt hơn, tôi quyết định giấu biến chuyện nhập ngũ, khăn gói đi thẳng vào Quang Trung học làm đời lính. Chính vì thế, suốt ba tháng quân trường tôi ngoan ngoãn làm con bà phước không một lời oán than. Hàng tháng tôi vẫn nhận tiền ở nhà gửi lên và vẫn tìm cách liên lạc đều đặn như không có gì.

    Ba tháng quân trường đã biến một gã thư sinh trắng trẻo thành một anh chàng mặt mày tay chân đen nám, mặt mũi đầy mụn với vai u thịt bắp gồ ghề làm Ba Mẹ và các em giật mình thảng thốt khi tôi đút đầu về quê… thú tội trong lần đi phép mãn khóa đầu tiên. Tôi nghĩ “gạo đã nấu thành cơm” nên hy vọng không bị rầy la quá độ, nhưng… Mẹ tôi vì thương con nên chỉ biết thở dài; các em sờ mó tỏ vẻ hãnh diện với làng xóm; còn Ba tôi nhất định không nhìn mặt trong suốt thời gian ngắn ngủi đó. Tôi ngậm ngùi trở lại đơn vị sau khi năn nỉ Mẹ tôi và những người thân khuyên giải Ba tôi.

    Vì nhu cầu huấn luyện khẩn cấp của KQ nên số đông khóa của tôi, thay vì được gửi đi Nha Trang để hoàn tất giai đoạn hai huấn luyện quân sự, lại được gửi vào Trường Sinh Ngữ Không Quân để học tiếng Anh sau khi quanh quẩn “đạp cỏ ở khu nhà ma” một thời gian ngắn. Khu nhà ma là một khu nhà khá lớn trong căn cứ TSN bỏ hoang, cỏ cao quá đầu gối. Cấp trên dùng nơi này để quản trị lũ chúng tôi, những thằng người có một phần lính nhiều phần học sinh. Mỗi sáng chúng tôi vào trình diện điểm danh chiều lại cho về. Không mấy chốc, bãi cỏ hoang chung quanh khu nhà đã tưa gốc chết tiệt!

    Rồi cũng đến lúc trình diện học sinh ngữ. Tôi nhớ lão Đại Úy “Quý heo” đã cho chúng tôi chào trại sinh ngữ bằng cách chạy mấy vòng sân, ở một buổi trưa nắng gắt, với xách Marin (loại bao tải xanh cứt ngựa của lính phát) trên vai làm bao nhiêu chàng công tử bột té lên té xuống trông thảm hại vô cùng! Rồi chuyện đâu cũng vào đó, chúng tôi được chỉ định chỗ ở và hôm sau nhập khóa học. Tôi không giỏi Anh ngữ như một vài bạn cùng khóa nhưng cũng không gặp nhiều khó khăn vì tiếng Mỹ đã là sinh ngữ phụ thời còn đi học. Thế nhưng, ngày thi mãn khóa tôi bị thiếu đúng một điểm chỉ vì nghe lời đường mật của các “sư phụ ma giáo” học tủ một bài thi được các sư phụ chuyền tay nhau trước ngày thi. Tôi phải mất một chầu café thuốc lá cung phụng cho các sư phụ. Các sư phụ bảo đảm bài thi hôm đó nhất định phải là “con chó nhảy hàng rào”! Ôi “trời bất dung gian”, con chó của tôi nhảy không qua nổi hàng rào 70 điểm! Âm thoại rất khó nghe, mà vừa nghe vừa cố so sánh với bùa nên không bắt kịp bài thi. Tôi vội vàng vất bùa và chú tâm hơn… nhưng vẫn không cứu vãn được tình thế. Tôi ngậm ngùi nhìn bạn bè tốt nghiệp làm thủ tục đi Mỹ.

    May mắn thay! Học lại đâu được vài tuần thì nhận được tin sét đánh ngang tai “làm thủ tục xuất trại để đi du học khóa fixed wing (fixed wing là tên gọi chung cho các loại phi cơ khu trục, A37, F5, vận tải tác chiến, vận tải để phân biệt với Helicopter). Như vậy ước mơ để trở thành phi công phản lực tác chiến của tôi có nhiều cơ hội thành tựu. Nếu nỗi vui mừng ngày xem kết quả đậu Tú Tài ra sao thì ngày nhận tin đi Mỹ học fixed wing làm tôi vui mừng hơn gấp bội.

    <img src="https://i2.wp.com/thovanyenson.com/wp-content/uploads/2013/08/mongphicong1-300x195.jpg" width="600" height="390">

    Trường sinh ngữ Lackland AFB ở San Antonio, Texas là trạm dừng đầu tiên cho tất cả khóa sinh phi hành ngoại quốc. Và dĩ nhiên Viêt Nam là một thành phần. Thường khi đã qua được tới Mỹ có nghĩa là vốn liếng Anh ngữ tạm đủ để có thể theo học các khóa huấn luyện. Tuy nhiên, ai cũng phải thi đậu sau ba tháng học tập ở trường sinh ngữ Lackland và làm quen với đời sống Mỹ trước khi nhập trường bay. Chính vì thế, Lackland cũng là chướng ngại vật cho các sư phụ mánh mung ở trường sinh ngữ quân đội bên nhà. Có một số người, sau ba tháng ăn chơi này đã phải khăn gói quả mướp lên đường về nước đi thẳng qua bộ binh.

    Xong phần huấn luyện sinh ngữ, khóa chúng tôi được nhập trường bay, loại Cessna T41, ở căn cứ Randolph AFB. Trường bay này tọa lạc ở thành phố ven đô, Universal City, cách 24 dặm về phía đông bắc của San Antonio. Thời gian huấn luyện ở đây dự trù 3 tháng gồm có huấn luyện thể lực, địa huấn (ground school), học bay, học nhảy dù, phòng cao độ. Riêng phần bay bổng, người giỏi nhất mất khoảng 9 giờ bay với Thầy, người yếu nhất cũng phải cần 18 tới 20 giờ huấn luyện trước khi được thả bay một mình trong vòng đai phi đạo. Ở giai đoạn này cũng lắm người bị về nước vì không thể bay một mình trong một thời gian nhất định nào đó. Bị đánh rớt trong giai đoạn này không đến nổi phải bị ra khỏi KQ mà cho cơ hội để phục vụ trong ngành Không Phi Hành hoặc các trách vụ phi hành khác như Điều Hành Viên (Navigator, NOS, IR).
    Chờ cho đến người cuối cùng hoàn tất giai đoạn bay T41, khóa chúng tôi lên đường qua Keesler AFB ở tiểu bang Mississippi (cách San Antonio 9 giờ lái xe) để học bay loại Khu trục T28. Khi lên đường đi Mỹ, khóa chúng tôi có hơn 40 khóa sinh, bây giờ còn lại 35 người sau hai trạm đầu tiên gồm luôn một vài người từ khóa trước dồn lại.

    <img src="https://i1.wp.com/thovanyenson.com/wp-content/uploads/2013/08/mongphicong2-300x118.jpg" width="600" height="236">

    Chương trình huấn luyện ở đây dự trù là 6 tháng gồm phần địa huấn, academic rất nặng nề (lý thuyết về không gian, kỹ thuật hàng không, và phi cơ, khí hậu…), học bay ngày, bay đêm, bay đường dài (cross country), không hành định vị (navigation), bay phi cụ, bay hợp đoàn… Trong giai đoạn này, khóa sinh được huấn luyện tổng số khoảng 150 đến 200 giờ bay; nhanh nhất để được bay một mình trong vòng phi đạo (touch and go) là 14 giờ huấn luyện với thầy cho tới 24 giờ tối đa. Nếu sau 24 giờ mà vẫn không thể bay được một mình vì bất cứ lý do gì cũng sẽ bị trả về nước.

    <img src="https://i2.wp.com/thovanyenson.com/wp-content/uploads/2013/08/mongphicong3-300x142.jpg" width="600" height="285">

    Giai đoạn này cũng là một gạn lọc đáng kể cho rất nhiều anh em. Sau khi bay solo ở vòng phi đạo (traffic pattern), khóa sinh được tiếp tục bay các phần hành khác gồm phần aerobatic ngoạn mục, solo vùng, rồi solo navigation, cuối cùng là phần bay hợp đoàn… Bay hợp đoàn rất dễ khi bay trước; bay theo là một ám ảnh tưởng không thể vượt qua chặng này… nhưng rồi cũng quen. Thời gian chỉ có 6 tháng mà như đi rất chậm vì ngày dài triền miên với sách vở, lý thuyết rồi ngồi đồng nghe thầy giảng moral về tài bay bổng của mỗi chàng. Có lắm niềm vui, cũng lắm nỗi buồn phiền; lắm điều trái ngang nghe như chuyện đùa… rồi cũng tới ngày mãn khóa. Khóa chúng tôi còn lại 33 người được gắn cánh bay. Ngày được gắn phải nói là một ngày huy hoàng nhất trong cuộc đời bay bổng. Thế là mộng làm cánh chim trời đã thành tựu, chỉ còn nỗi hồi hộp chờ ngày chọn máy bay và đi học tiếp loại phi cơ chuyên biệt.

    Không một khóa sinh nào có thể biết trước được mình sẽ được bay loại fixed wing nào cho đến ngày mãn khóa kể cả các Thầy. Cũng có thể cấp trên và các Thầy đã biết trước nhưng khóa sinh hoàn toàn không biết. Nếu được hỏi, thầy và các cấp chỉ huy Việt lẫn Mỹ đều nói tùy vào “tài khóa”, tùy vao khả năng bay bổng của mỗi người”; có nghĩa là tùy vào số tiền viện trợ được chi viện từ quân đội Mỹ và tùy vào nhu cầu huấn luyện của từng thời điểm.

    Sau ngày mãn khóa, chúng tôi mới biết tài khóa chúng tôi chỉ toàn các loại vận tải cơ gồm 16 chiếc C123K, 4 chiếc C7 Caribou, một số C47, và một số C119. Một số anh em vui mừng nhưng riêng tôi vô cùng thất vọng, tìm đủ mọi cách xin chờ tài khóa tới hoặc cho về huấn luyện khu trục ở VN. Rất đáng buồn đòi hỏi của tôi không được đáp ứng. Cấp chỉ huy bảo tôi “mầy (you) được ưu tiên chọn trước, cứ chọn bất cứ loại máy bay nào mầy thích trong tài khóa này, thế nào cũng sẽ có cơ hội chuyển ngành về sau”. Mặc dù tôi có ưu tiên số 5 (20 người đổ đầu khóa được ưu tiên thứ tự ưu tiên chọn trước) nhưng tôi buồn bã nói với thầy chọn giùm bất cứ loại nào ông nghĩ là tốt. Thầy tôi cho tôi biết ông ta cũng thất vọng không kém tôi vì ông ta đã là pilot khu trục trước khi nhận về trường huấn luyện. Thầy khuyên tôi nên chọn C123K vì loại vận tải cơ tân tiến nhất trong các loại của tài khóa này. Tôi đặt hoàn toàn tin tưởng nơi ông nên tôi đã gật đầu.

    <img src="https://i0.wp.com/thovanyenson.com/wp-content/uploads/2013/08/mongphicong4-300x97.jpg" width="600" height="200">

    Trạm dừng chân kế tiếp của 16 chàng phi công vận tải C123K là căn cứ Lockbourne AFB, Ohio để huấn luyện chuyên ngành. Máy bay C123K là loại phi cơ to nhất của KQVNCH thời đó. Ngày đầu tiên ngồi trên ghế huấn luyện trong phòng lái tôi thấy mình thật yếu đuối so với sức lực của loại phi cơ này, nó như con voi bất trị so với các loại T41 và T28A/B đã qua… nhất là lúc cất cánh. Dần dà cả tháng sau mới làm quen với nó được. Phi hành đoàn vận tải bay huấn luyện cũng đòi hỏi ít nhất có 4 người: phi công chính (thầy dạy), phi công phụ (khóa sinh), kỹ sư cơ khí, và nhân viên áp tải. Chương trình huấn luyện đề ra là 3 tháng nhưng khoảng hai tháng thì cả phòng huấn luyện C123K bị dời xuống England AFB (còn có tên Maxwell AFB) phía đông của tiểu bang Louisiana. Một tháng sau thì mãn khóa còn nguyên vẹn 16 trự khăn gói quả mướp lên đường hồi hương.



    Về nước được cho nghỉ phép vài tuần lễ xong là trình diện phi đoàn liên hệ để tiếp tục huấn luyện check out hành quân. C123K có 2 phi đoàn 421 và 423 và lũ 16 con nai vàng chúng tôi được chia đều cho hai phi đoàn. Sau thành lập thêm phi đoàn 425. Trước tiên tôi về phi đoàn 421 của Thiếu Tá Nguyễn Quế Sơn để huấn luyện check out hành quân, xong cho về phi đoàn tân lập 425 với Thiếu Tá Nguyễn Thế Thân. Vừa bay vừa học bổ túc giai đoạn hai quân sự tại căn cứ TSN trong 3 tháng trường để hợp lệ mang cấp bậc Thiếu úy.

    Khoảng hơn một năm sau, để đáp ứng nhu cầu chiến tranh, KQ VNCH được tiếp nhận vận tải cơ khổng lồ C130A, chia ra hai phi đoàn 435 và 437. Tôi được chọn đi phi đoàn 435 của Trung Tá Lâm Văn Phiếu.

    Phi cơ C130A là loại phi cơ tối tân hơn C123K rất nhiều, khả năng vận tải rất cao, kỹ thuật tân tiến nên lôi cuốn rất nhiều người muốn được về bay loại phi cơ này. Có nhiều phi công lão luyện ở các loại phi cơ khác được tuyển chọn về từ C47, C119 để học trưởng phi cơ và lũ nhí chúng tôi chờ khóa học làm phi công phụ. Vì số người chờ học quá đông nên lũ cắc ké của chúng tôi dù chưa được ngồi vào ghế lái nhưng vẫn bị chia phiên mang hia, đội mũ đi theo tàu xách thùng bản đồ vài ba lần một tuần. Tình trạng này kéo dài khá lâu làm tôi nản lòng quá sức! Trong khi đó ở vận tải người ta hay đì nhau chí mạng, hoàn toàn không phù hợp với tâm tánh và ý thích của riêng tôi nên tôi gặp không ít những rắc rối vụn vặt đối với cấp trên “bay thì dở nhưng rất thích ra oai”! Tôi cũng muốn lợi dụng hoàn cảnh để được cho qua tác chiến nhưng vẫn không hữu hiệu!

    Đã mấy lần tôi xin Không Đoàn trưởng, KĐ phó chuyển qua bay tác chiến nhưng vẫn không được. Khi mức độ nản lòng đã lên cao độ, tôi nhất định xin đổi qua bay loại vận tải tác chiến AC119K, vừa được KQ Hoa Kỳ chuyển giao, dù các cấp chỉ huy đều không muốn. Tôi nói nếu không cho tôi đi tôi sẽ nộp đơn xin ra bộ binh. Sự cương quyết của tôi đã làm phật lòng nhiều người nhưng cuối cùng cũng được thuyên chuyển về phi đoàn Tinh Long 821 (duy nhất) của Trung Tá Hoàng Nuôi. Ở đây vui hơn nhiều, được đi đánh trận hàng đêm. Không ở một chỗ như những loại vận tải khác. Lâu lâu biệt phái Phù Cát, Đà Nẵng. Và tôi xin đi biệt phái dài dài, xin biệt phái thế cho bạn.

    Chiến trường Miền Trung lúc bấy giờ rất sôi động nên cũng lắm chàng có gia đình hay “lạnh cẳng”. Ở Saigon hay đi biệt phái tôi cũng xin bay đều đều đến nổi cấp trên hỏi tôi có còn đầy đủ gia đình cha mẹ không, có bạn gái không (?!) Tôi chỉ mỉm cười, đơn giản nói “tôi thích đi bay, thích đi khỏi Saigon náo nhiệt”. Đi biệt phái Đà Nẵng tôi thích hơn nhiều vì ở đây chiến trường nóng bỏng lại có thằng bạn thân gan lì dạy tôi bay trực thăng, chiêu đãi tôi những bữa ăn ngon ngoài phố, cho tôi tháp tùng đi xung trận những ngày tôi được nghỉ bay. Nó thường cười nói như chơi, “nếu có mệnh hệ gì thì hai thằng mình bị dán giấy phạt trên quan tài thay vì ‘truy thăng’… Và tôi cứ thanh thản sống như thế, cứ vô tư như thế ngày qua ngày lại qua ngày cho tới lần sau cùng, trưa ngày 27 tháng 3 năm 1975, tôi theo biệt đội vội vã rời khỏi Đà Nẵng về lại Saigon trong cơn hỗn loạn bỏ rơi Miền Trung.

    Về lại Saigon, chiến sự leo thang đáng kể nhưng tôi vẫn sống bình thản, vẫn sinh hoạt như thường ngày, vẫn xin bay đêm dài dài để thấy “giữa lòng trời khuya muôn ánh sao huyền”… cho đến trưa ngày 29 tháng 4, năm 1975, khi tôi nhận ra là tôi phải cấp tốc rời khỏi Saigon sau khi chứng kiến chiếc Tinh Long 7 của Trang Văn Thành bị bắn rơi gần vòng đai phi trường lúc 7g sáng… Bạn bè mạnh ai nấy tự lo thân, kẻ chạy ngược người chạy xuôi tìm phương tiện ra đi và tôi cũng đội mưa pháo tìm kiếm phi cơ hữu dụng trong vô vọng. May mắn thay, đang lơ ngơ, lớ ngớ gần trạm Hàng Không Quân Sự thì thấy Thiếu Tá Phan Vũ Điện và một số anh em trên xe pick up chạy ngang vẫy tay bảo chạy theo tới chiếc C130 cuối cùng ở gần trạm Hàng Không Dân Sự. Sở dĩ chiếc phi cơ này còn nằm ụ ở đây vì một số phi cụ đã bị hư hỏng chưa có dịp thay đổi; thế nhưng đâu còn chọn lựa nào tốt hơn. Tôi ngồi vào ghế copilot phụ anh Điện phần hành của một phi công phụ để cố đưa chiếc máy bay không hoàn hão rời khỏi phi trường lúc 12g30 trưa, trong hỗn tạp, trong hoang tàn mang theo hơn 100 người khách bất đắc dĩ, bay thẳng qua Utapao, Thái Lan để bắt đầu cho những tháng năm dài ly hương.

    ***

    Từ một gã học trò mặt trắng tay trơn đến một phi công lỡ vận, lỡ thời chỉ có 7 năm dài qua bao nhiêu chặng đường. Mỗi chặng đường chứa đựng biết bao nhiêu hồi ức, bao nhiều kỹ niệm, có buồn có vui, lắm điều nhiều nỗi kể sao cho hết. Chỉ xin tóm lược qua những chặng đường cho một giấc mơ phi công của riêng tôi để chia sẻ với mọi người. Dù không cao sang như “Đường Minh Đế” nhưng tôi cũng đã được “nhàn du khắp tinh cầu”, cũng đã sống một thời hào hùng bên súng bên dao. Nhìn lại đời sống cũ đã một thời “sống giữa lưng trời, đôi khi nghĩ chuyện đời mỉm cười thôi”.

    Mùa Hạ 2013

    http://thovanyenson.com/?p=6140


    Nguồn:dongsongcu.wordpress.com/2016/08/22/giac-mo-phi-cong-va-nhung-chang-duong-nghiet-nga/


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X