Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Không Quân giả

Collapse
X

Không Quân giả

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Không Quân giả

    Không Quân giả
    Võ Ý


    Trước khi qua Mỹ năm 1992, chúng tôi khai thác một quán kem ở ngả tư Bình Thạnh. Quán kem nầy là một thành tựu tự hào của các SVSQ khóa 17 Đà Lạt. Chừng khoảng mười anh em cựu SVSQ nầy hùn hạp mở quán, vừa tạo công ăn việc làm cho một số người, vừa gây quỹ tương trợ anh em trong khóa.

    Vợ chồng chúng tôi được đề cử đứng ra khai thác quán. Hàng tháng đóng một số tiền lời ấn định cho khóa, tiền thuế và tiền thuê mặt bằng. Còn bao nhiêu lời ăn lỗ chịu. Kể ra chúng tôi cũng ngáp ngáp gần hai năm, từ cuối năm 1990 đến đầu năm 1992.

    Và quán cà rem Lâm Viên nầy đã trở thành tổ ấm cho hàng trăm cựu KQ ghé thăm, nhận chút ân tình của bạn bè ở Mỹ gửi về, cũng như nhờ chuyển tiếng kêu cứu nhắn gửi đến đồng đội bên kia bờ Đại dương.

    Ở Sài Gòn thời đó chưa thấy một tổ hợp kinh doanh thuộc dạng nầy. Và cũng nhờ quán cóc cà rem vầy lũ bạn ở góc phố Hàng Xanh bụi phủ đầy (thơ Duy Năng: Đã rộng đường bay một cánh chim) này, mà tôi được dịp gặp lại hầu hết cựu Không Quân khắp bốn Vùng Chiến Thuật.

    Người Dật Dờ, đại diện Nhóm Không Gian Thân Tình ở Cali bắt đầu gửi tiền giúp bạn bè cuối năm 1989. Mỗi lần gửi quà về đều có kèm theo danh sách người nhận. Chúng tôi cùng với bốn cựu KQ khác (N.K. Huề, N.N. Ấn, L.T. Hưng, K.V. Nghị) chia nhau đến từng nhà để trao quà. Tiếng lành đồn xa và đồn rất nhanh: quán kem Lâm Viên trở thành điểm hẹn của hầu hết cựu KQ lúc bấy giờ.

    Được gặp lại các bạn cùng quân chủng, chúng tôi rất vui mừng. Nhưng chúng tôi thật sự bắt đầu lo âu khi có những người ngoài quân chủng cũng đến tìm gặp chúng tôi để hỏi thăm danh sách nhận quà, có tên chồng con họ hay không. Thôi thì cũng đành nhắm mắt đưa chân và cầu xin Trời Phật che chở.

    Một trong những điều trái khoáy mà chúng tôi gặp ở quán kem, có một trường hợp Không Quân Giả!

    Tôi đang lui cui lau tủ bánh thì khách bước vào quán. Dáng người thấp, quần áo tương đối lành và sạch. Khách chào, giọng Huế:

    – Chào anh, anh mạnh giỏi?

    Tôi ngạc nhiên, e dè:

    – Xin lỗi, tôi quên mất tên anh rồi!

    – Em Không Quân ở Pleiku đây mà.

    Tôi cố moi trong tận cùng trí nhớ, nhưng trí nhớ tôi đặc sệt. Tôi vẫn còn e dè dò dẫm:

    – Dzậy hả, thế anh làm việc với ai?

    – Em làm việc với Thiếu tá Cảm Mạo.

    Khách biết ông Cảm Mạo, đích thực là Liên đoàn trưởng Phòng thủ, Không đoàn trưởng Yểm cứ Pleiku rồi. Nhưng tôi vẫn thấy là lạ trong cái nhìn, nên cũng rề rà thăm hỏi:

    – Thế anh có đi tù chớ?

    – Dạ, em đi hơn năm thì về. Hiện em ở Kinh tế mới Bình long, vợ bị lao phổi mấy năm nay, đứa con gái út bị té gãy chân còn băng bột.

    Khách xuống giọng xề não nùng, ngước nhìn tôi. Trên trán khách có ít mồi hôi toát ra. Tôi đi thẳng vào vấn đề:

    – Thế anh có biết ông Dật Dờ không?

    – Dạ em biết Thiếu tá Dật Dờ. Còn anh Lê Cảnh Lợi là chỗ bà con. Em cũng nghe Trung tá Võ Quế đã được tha

    Ái chà chà, khách tỏ ra quen biết hầu hết các mệ trong quân chủng. Tôi muốn mở một lối thoát cho khách và cho cả chính tôi:

    – Anh có biết chuyện ông Dật Dờ và bạn bè ở Mỹ gửi quà về giúp những cựu Không quân đang gặp khó khăn ở quê nhà không?

    – Dạ dạ

    – Quà đã phân phối hết từ lâu rồi. Nếu anh muốn, tôi sẽ cho anh địa chỉ ông Dật Dờ để anh biên thư kể cảnh khó khăn của mình, hy vọng đợt quà sau sẽ có tên anh.

    Khách tỏ vẻ thất vọng:

    – Dạ, em xin anh giúp đỡ

    – Hoàn cảnh của anh thật khổ, nhưng tôi chịu. Tôi mới ra tù, không có tiền bạc để biếu anh. Tôi mời anh dùng cơm trưa với tôi và nếu anh còn ở đây thì sáng mai ghé quán, tôi xin gửi vài bộ quần áo cũ của con gái tôi cho con gái anh dùng tạm.

    – Dạ, cám ơn anh. Em phải đi chuyến xe đầu về lại Bình Long sáng mai. Anh vui lòng cho em mượn chiếc xe đạp để em ghé lại thăm anh Lê Cảnh Lợi một chút.

    Trong bụng tôi nghĩ rằng, anh Lợi đã ra tù trước tôi, và đang làm chủ một quán cà phê ở đường Trần Quý Cáp, chắc là có chút đỉnh biếu người bà con nên tôi thuận cho khách mượn chiếc xe đạp quí hóa của tôi.

    Khi khách đã đi vài phút, bụng tôi cứ nóng ran lên. Âm vang những câu đối đáp lúc nầy như ngọn lửa hừng hực trong lòng. Khi khách cho biết có làm việc với Thiếu tá Cảm Mạo, là tôi đã thấy lạ. Khách cũng nghe nói Trung tá Võ Quế được tha, điều nầy như một xác minh hư thực, mà sao tôi lại quá nhẹ dạ? Tôi nhớ là tôi đã nhắc khéo: Ông Cảm Mạo lên Trung tá rồi mà thì khách trả lời nhậm lẹ, dạ em làm với ổng lúc còn Thiếu tá! Tôi nghĩ rằng tôi vẫn ngây thơ, nếu tôi muốn nhắc khéo khách, ông Võ Quế lên Đại tá từ lâu, sợ rằng khách cũng trả lời kiểu trên, nên không nhắc nữa.

    Trong lúc ruột gan cồn cào thì ông bạn thân xuất hiện. Tôi liền yêu cầu ông bạn đèo tôi phóng ngay đến quán cà phê anh Lê Cảnh Lợi để hỏi xem có người bà con đến thăm không. Sau khi nghe kể rõ đầu đuôi câu chuyện, ông Lê Cảnh Lợi phán ngay một câu xanh rờn:

    – Thôi ông ơi, ông bị lừa rồi. Tay nầy nguyên ở một cơ quan bán quân sự; chứ không quân cái con mẹ gì nó! Nó đến đây định lừa tôi, nhưng tôi đã vạch mặt và mời ra khỏi quán!

    Trên đường về, ông bạn tôi an ủi:

    – Thôi ông ơi, của đi thay người, một đời ta ba đời nó

    Tôi buồn thúi ruột. Một chiếc xe đạp cà tàng, là gia sản của một người tù xã hội chủ nghĩa, chứ phải ít ỏi gì đâu!!!

    Ôi! quả báo! Quả báo! Chắc kiếp trước ta cũng từng lường gạt người, nên kiếp nầy mới bị người lường gạt ta! Ôi! quả báo! Quả báo.

    Lý lịch dọc ngang của Thảo – Võ Ý

    Nguồn:dongsongcu.wordpress.com/2016/08/19/khong-quan-gia/

  • #2
    “Ông Cảm Mạo”

    Đọc bài “Hội ngộ Sư Đoàn 6 Không Quân” của đàn anh Võ Ý, thấy ghi “KQ Phạm Bá Mạo (nursing home)” tôi bỗng thấy bùi ngùi, nhớ lại những ngày sống ở CCKQ Pleiku với một cấp chỉ huy tận tụy, hiền lành, tốt bụng, mà vẫn bị Võ Ý đặt cho nickname “Cảm Mạo”!

    Trong danh sách những vị chỉ huy mà đàn anh Võ Ý ghi ra trong bài viết, ông Cảm Mạo có lẽ là người KQ Pleiku thâm niên nhất (khoảng năm 1968), từ thời ông Trung tá kiêm nhà văn KQ Phùng Ngọc Ẩn chưa bàn giao Căn Cứ KQ 92 bé nhỏ lại cho Trung tá Đỗ Trang Phúc, một vị chỉ huy nổi tiếng réc-lô.

    Ông Cảm Mạo ngày ấy mang cấp bậc Đại úy, cũng xuất thân dân phi hành như ông Dật Dờ, không biết có “lạnh cẳng” hay không, chỉ biết ông đã xuống đất và nắm giữ chức vụ Trưởng Đoàn Phòng Thủ.

    Đoàn Phòng Thủ là lực lượng nhân sự hùng hậu nhất của CCKQ 92 cho nên sau khi ông ĐTP về làm chỉ huy trưởng và ra lệnh tất cả các phần sở phải làm coọc-vê vào mỗi sáng Thứ Bảy, vị Trưởng Đoàn Phòng Thủ đã được kiêm nhiệm chức “Tư lệnh coọc-vê”, và sốt sắng thi hành nhiệm vụ.

    Tôi là người khá thân thiết, biết ông Cảm Mạo là người hiền lành, tận tụy, chứ không phải ông ngán Trung tá ĐTP, bởi đã ra Pleiku là “cùi không sợ lở” (ngày ấy KQVN chưa có căn cứ Phù Cát). Thế nhưng binh sĩ đâu có chịu hiểu cho như vậy, nên khi ông Cảm Mạo được thăng cấp Thiếu tá, họ gọi lén là “Thiếu tá coọc-vê”.

    Sau khi CCKQ 92 trở thành Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku vào năm 1970, ông Cảm Mạo trở thành Liên đoàn trưởng Liên Đoàn Phòng Thủ; tới cuối năm 1972, được thăng cấp Trung tá, thay thế Đại tá Võ Quế trong chức vụ Không đoàn trưởng Không Đoàn Yểm Cứ.

    Qua những chức vụ nói trên, ông Cảm Mạo mới có nhiều cơ hội chứng tỏ khả năng chỉ huy cũng như tinh thần phục vụ của mình. Để rồi cuối cùng bị quân cộng sản bắt tại Phan Rang cùng với vị Sư đoàn trưởng SĐ6KQ (Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang).

    Riêng cá nhân tôi – một tay bán trời không văn tự - cứ gặp mặt là bị ông Cảm Mạo mắng “chúng mày sĩ quan trẻ ba gai” nhưng tự trong lòng, tôi biết ông cũng thích nghe tôi tán phét.

    Sau khi tôi về Biên Hòa, khoảng năm 1973 gì đó, một tay đệ tử cũ của tôi (cũng ba gai có hạng) làm việc dưới quyền ông Cảm Mạo bị ông ký củ, bèn điện thoại về cầu cứu, nhờ can thiệp để ông đừng ghi hồ sơ.

    Mặc dù trong bụng cho rằng tay đàn em bị ký củ là đáng đời, tôi cũng giữ lời hứa điện thoại ra Pleiku năn nỉ ông Cảm Mạo; nhưng chưa kịp năn nỉ thì ông đã bảo “Tao chỉ nhốt cho nó sợ, để làm gương cho những thằng khác, chứ tao có bao giờ ghi hồ sơ phạt ai đâu”.

    Câu nói của ông Cảm Mạo, hơn 40 năm sau tôi vẫn còn nhớ nguyên văn. Đàn anh Võ Ý hoặc anh em KQ nào ở Pleiku năm xưa, nếu có dịp vào nursing home thăm ông, xin cho tôi kính gửi lời vấn an.

    Nhân đây cũng xin cầu chúc buổi họp mặt bàn thảo về dự định hội ngộ Sư Đoàn 6 KQ thành công tốt đẹp.

    NHT
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 08-27-2016, 11:08 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X