Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thần Phong Trong Nỗi Nhớ - Trinh Khải Hoàng

Collapse
X

Thần Phong Trong Nỗi Nhớ - Trinh Khải Hoàng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thần Phong Trong Nỗi Nhớ - Trinh Khải Hoàng


    .trịnhkhảihoàng

    Vạn hoá đại toàn ai khá biết ?
    Cổ lai muôn sự lý tuỳ trung.


    Bài Viết nầy như một ghi chép lại sinh hoạt Võ Đường Thần phong từ ngày 01- 12 - 1966 đến ngày 30 -04-1975. Từ sau đó vì hoàn cảnh chính trị tại Việt Nam đã không cho phép sinh hoạt…! Nên đại đa số những Võ Sư - Võ Sinh xuất thân từ Võ Đường Thần Phong đã viễn phố, thanh bần thôn dã với đời thường…rất thường là quên đi một thời quá khứ “Con Nhà Võ”, thứ dĩ vãng “Đạo Trường Tiên Cách” để ngang tàng, trịch trượng chỉ đời mà ngạo khí lãng du sinh tử giữa trời không du du như…như hề viễn mộng…!!!

    Án thượng hữu Thư
    Thư thượng hữu Sư
    Quẳng gậy trường giang,
    Ta lên rừng làm đạo sĩ.


    U mặc cộng nghiệp kham khổ hoà trong dòng đời trầm luân, thân cư trần mà chẳng muốn nhiễm uế trần …Khí tiết “con nhà Võ Đạo Đông Phương” làm sao và làm chi …?

    Nầy kiếm cung,
    Nầy anh hùng…
    Ta quẳng hết, trở về hoang dã…
    Để mắt ai buồn biêng biếc cả trời thu !


    Khi mà thời hôn ám:

    Bồ Tát cao xanh còn mắc cạn
    Huống chi thân cá chậu chim lồng !
    Thuỷ chung tương hoán hà phi xứ
    Lai khứ thường niên hà thị tâm.


    Yá…á…á.h…!!! Tiếng thét vang lanh lãnh đất trời YdanDapchagi tung cước pháp lung linh trong bóng đêm, “anh hùng vọng nguyệt” gọi hồn tiền nhân Nước Việt suốt 5000 năm từ đỉnh Thái Sơn đến Động Đình Hồ, mà núi Ngũ Lĩnh còn mây bạc đầu vần vũ bao phủ như tuyết giăng đầu núi, thách thức tráng sĩ chí Việt Thường huớng về Bắc phương tranh cuộc can qua đòi về đất cũ để tế Lễ Gia Tiên, giải niềm u uất của Anh Hồn Tổ Việt xưa kia đã lưu ngụ phảng phất trên 18 bình nguyên Trung Quốc ngày nay dưới sự thống trị của nòi Hán đương quyền…!
    Nầy Thư Cưu…!
    Nầy Kiếm Báu…!
    Ta ngẩng mặt nhìn trăng sáng đêm nay, tâm sự lênh đênh tận cùng với Anh-Em ta lưu lạc bốn phương… mà mơ:

    “Trống trường thành lung lay bóng nguyệt,
    Khói cam tuyền mờ mịt thức mây…”!
    (Chinh Phụ Ngâm – Đoàn Thị Điểm
    )

    Có ai không…? Cùng ta ngâm khề khà một khúc cổ phong…Dịch Lý hề:

    Thái Cực, Thái Hư Lý sinh Khí
    Vô Cực, Thái Hư Khí sinh Lý
    Thừa Khí động tĩnh sinh Âm-Dương
    Âm-Dương chi phần vi Thiên-Địa…
    (Dịch Lý Ca Quyết)


    Hay chếnh choáng men rượu nồng cay…cay… lực bạt sơn hề khí phách…! Lãng du muôn phương… ngày cuối năm gặp lại huynh - đệ nơi quê nhà, quê người…sau năm 1975:

    Ôi…trai trẻ một thời oanh liệt quá…!
    Kiếm trên vai vô địch mấy sông hồ
    Và ngạo khí tưởng chừng như sắt đá
    Giữa ngàn năm sinh tử chẳng nhấp nhô…


    Để rồi tiễn nhau nơi phi trường, Bạn vẫn cố hương, Tôi viễn xứ:

    Nếu cuộc đời là hữu phùng, hữu biệt
    Thì tôi xin mây trắng mãi ngàn phương…
    Nếu cuộc đời là sầu đa lạc thiểu
    Sao chân cầu còn lưu nước trường giang
    Ai đã qua sông còn ngoảnh vời cố quận ?
    Thiên lãng xa ải nhạn hướng đâu tìm…?
    (MĐTTA)


    …và vẫn còn cái bắt tay trong tay nắm chặc chưa nỡ chia ly với men rượu nồng còn chếnh choáng say… say…!

    Ôi đẹp làm sao trong giây phút phân kỳ
    Trông ánh mắt đã say mầu quên lãng…!


    Tuy vậy ở mọi hoàn cảnh…Những Võ Sư xuất thân từ Võ Đường Thần Phong với chân tài bởi công phu hàm dưỡng, cố gắng tôi luyện sao cho đạt sở học tinh tuyệt và noi theo tinh thần “Kẻ Sĩ Đông Phương” cũng đã được những giới chức có “mắt Xanh tinh Đời” đương quyền đắc dụng để huấn luyện, đào tạo cho lớp hậu duệ Võ Sư, Võ Sĩ, Tuyển Thủ đại diện cho Quốc Gia Việt Nam, France, Australia, Canada, Russia, Arab,… tham dự Tranh Giải Thái Cực Đạo Á Châu, Thế Vận Hội,… với những thành tích vẻ vang thắng lợi, đoạt huy chương vô địch làm rạng danh người Việt Nam !!! Một đôi khi bởi tính chất cùng là Việt Nam trên võ đài phân tranh cao thấp với những tuyển thủ khác chủng tộc…Sự tương thân, tương trợ đã tự vượt qua “Địa Lý Chính Trị” để giành phần thắng lợi cho Võ Sĩ Việt Nam và cũng vì chợt nhận ra được “Nó” là võ sinh học trò của Võ Sư Thần Phong…Võ Đường Thần Phong từ một quê nhà Việt Nam mà nay đã vượt biên giới lãnh thổ đem chuông đánh xứ người …Những Võ Sư của Võ Phái Thần Phong đã mở lớp huấn luyện Võ Thuật phổ biến Việt Nam Thái Cực Đạo đến nhiều quốc gia Âu Châu, Mỹ Châu, Trung Á… mà tổng kết sĩ số võ sinh đã nhiều đáng kể đến hơn 300 000… Những mong bài viết nầy sẽ được lưu tâm bởi những vị “Thượng Đại Nhân” không “cưỡi ngựa xem hoa” vì thực chất Võ Đạo Việt Nam đã được trân trọng trong Lịch Sử Việt Nam với bao cuộc chiến chống ngoại xâm để giữ nước và mở nước… và ngày nay, những đóng góp của những Võ Sư Thần Phong như một phần hữu ích lành mạnh hoá thế hệ thanh niên, trước những tệ trạng xã hội suy đồi đạo đức làm băng hoại luân thường, đạo lý … dẫn đến quốc phá, gia vong ! Mong lắm thay.

    Vào những ngày mùa Hè năm 1967, tôi đang là một thiếu sinh trong đoàn Thiếu Niên Thần Phong do trung tá Lưu Kim Cương tư lệnh Không Đoàn 33 Chiến Thuật (tiền thân Sư Đoàn 5 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà), ngoài những buổi sáng thường nhật tôi đi học Văn Hoá phổ thông, buổi chiều rảnh rỗi tôi và vài thằng bạn thân trong đoàn cỡi xe đạp đến Võ Đường Thần Phong ở ngay bên góc trái của Bộ Tư Lệnh Không Quân, rồi lấp ló chen nhau để được “chiêm ngưỡng” những võ sinh lớp Quân Nhân Khoá 1 là Khoá Huấn Luyện Thái Cực Đạo đầu tiên của Võ Đường Thần Phong và cũng là tiên khởi của Không Quân VNCH. Thời gian nầy Võ Đường chưa có mở khoá học cho Thiếu Niên Thần Phong. Nên mấy tên “nhô con” chúng tôi chỉ có thể giương đôi mắt thán phục nhìn những võ sinh Quân Nhân trong võ phục trắng như tinh khôi với thắt đai nâu và vẻ mặt cương nghị nhễ nhạy mồ hôi đang thao tác tập luyện từng thế võ nhất nhất rập khuôn theo tiếng hô lớn đầy uy nghi của Võ Sư Đại Hàn… Ôi…thật đẹp làm sao và chúng tôi mong chờ từng ngày, từng ngày qua để sẽ được mặc bộ võ phục và luyện tập môn võ Thái Cực Đạo với những cú đá thần tốc công phá bể ván gỗ và đôi bàn tay chặc, đấm bể nát gạch ngói như miếng đậu hủ …thật là một mơ ước rất diễm tuyệt sẽ đưọc hiện thực …! Mỗi cuối tuần, chúng tôi hợp đoàn vào sáng thứ bẩy và chủ nhật để học Thao Diễn Quân Sự - Thực Tập Vũ Khí ở bãi cỏ sân Khối Chiến Tranh Chính Trị (gần cổng Phi Long) và trường bắn, học Âm Nhạc và thực tập Công Tác Dân Sự Vụ, rồi những tuần lễ sau đó chúng tôi được các Sĩ Quan Không Quân phối hợp với những toán Bác Sĩ Quân Y Việt - Mỹ hướng dẫn đoàn xe GMC chở đầy nhu yếu phẩm: gạo, đưòng, sữa, dầu ăn, thuốc tây…, vật liệu xây cất nhà: tole, ximăng, ván ép, cây gỗ để phân phát cho những hộ gia đình cư ngụ ở những xã, ấp quanh vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất…
    Chúng tôi phụ trách phân phát thực phẩm và vật liệu xong thì săn tay áo lên với cuốc xẻng làm “vũ khí” cật lực ra sức đào mương, vét cống, đấp nền nhà cho dân chúng, trong khi các toán Y Tế đang khám bệnh và phát thuốc cho những bệnh nhân mãi cho tới xế trưa thì mới xong công tác Dân Sự Vụ, ra về với tâm tình thơi thới hân hoan …!!! Thỉnh thoảng Anh Cả (ông Lưu Kim Cương cho phép đoàn Thiếu Niên Thần Phong chúng tôi gọi Anh với ông) đến thăm đoàn và sinh hoạt với chúng tôi với những huấn từ chia xẻ hoài bảo tâm tình “nói với các em”… Ông thành lập đoàn thể Thiếu Niên Thần Phong và Võ Đường Thần Phong là nơi sẽ huấn luyện để đào tạo cho chúng tôi là những thế hệ hậu duệ có tinh thần Anh Hùng - Võ Sĩ Đạo như cái tên Thần Phong Kamikaze vốn là những Phi Công Ưu Tú của Không Lực Nhật Bản đã bay trên bầu trời Thái Bình Dương cảm tử lao xuống các chiến hạm của Mỹ, một khi đã bay đi không ai tìm xác rơi …Và tổ chức những lớp học tập Văn Hoá - Chính Trị để trang bị Tinh Thần và nung nấu cho chúng tôi biết yêu quí Quê Hương mà mai sau mạnh dạn dấn bước trên đầu sóng, ngọn gió đảm đương những đại sự Bảo Quốc – An Dân. Chúng tôi được đại uý Lý Ngọc An - Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị, trung uý Hoàng Như An, thiếu tá Lê Công Thìn, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy giảng dạy Xã Hội – Chính Trị, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Cung Tiến, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giảng dạy và sinh hoạt Văn Nghệ và sau khi huynh trưởng Lưu Kim Cương tử trận thì thỉnh thoảng đại tá Phan Phụng Tiên (sau là Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Không Quân) đến sinh hoạt văn nghệ lửa trại với Liên Đoàn Thiếu Niên Thần Phong chúng tôi.

    Sau 2 đợt tấn công của quân Việt Cộng trong Tết Mậu Thân 1968 bị thất bại, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã tiêu diệt gần như xoá sổ toàn bộ lực lượng quân Giải Phóng Miền Nam. Sinh hoạt dân chúng đã dần bình thường trở lại… Liên Đoàn Thiếu Niên Thần Phong chúng tôi cũng vất vả nhiều với những công tác đào mương, vét cống, đấp nền, gây dựng lều trại tạm cư và phân phát nhu yếu phẩm, thuốc men, quần áo …cho đồng bào nạn nhân chiến cuộc… Cho đến ngày 3 tháng 6 năm 1968 chúng tôi mới được nhập học Khoá 2 Thái Cực Đạo tại Võ Đường Thần Phong. Buổi sáng đầu tiên nhập học, chúng tôi với võ phục chỉnh tề đứng nghiêm trang chào kính trước song kỳ Việt – Hàn và vị Võ Sư đại uý Lee Sha Un (Lee Lớn) nói tiếng việt rất lưu loát ban huấn từ khai giảng lớp học. Về sau nầy cũng chính Ông đã giảng cho tôi nghe rất nhiều về vị thái tử Lý Long Tường của triều đại Nhà Lý đã cùng với đoàn thuyền đến Đại Hàn, sau giúp vua quan triều đình Đại Hàn chiến thắng quân Nguyên – Mông rồi được Vua Đại Hàn cấp đất phong ấp định cư, hậu duệ mang họ Lee sinh trưởng ở Bắc Hàn rất đông . Từ mốc điểm nầy, thời niên thiếu của tôi cũng biến theo dòng “giang hồ”, tôi tập luyện chuyên cần và lễ phép nên được quí Thầy Đại Hàn và Sư Huynh như: Trần Như Đẩu, Nguyễn Văn Lợi, Trương Văn Nhiều, Phan Văn Đức, Nguyễn Ngọc Diệp, Huỳnh Văn Phúc, Kim Phúc Nam,… thương mến… Đặc biệt là anh Nguyễn Văn Lợi , Trần Như Đẩu và chị Thiếu Anh xem tôi như đứa em nhỏ ruột thịt nên khi có dịp tụ hội, lễ lộc là có tôi tham dự không thiếu buổi nào. Sau đó tôi ở hẳn luôn tại Võ Đường Thần Phong và từ đấy về sau những thân hữu của Võ Đường và số đông cư dân (gia đình quân nhân sĩ quan và binh sĩ Không Quân tùng sự tại căn cứ phi trường Tân Sơn Nhất) biết tôi là “em của anh Lợi” ở Võ Đường Thần Phong và họ đặc cho tôi nickname là “Hoàng con” (có lẽ do ốm yếu)? Có những chiều cuối tuần tôi và anh Lợi đến nhà ông bà đại uý Lee Sha Un ở gần nhà anh chị Đẩu - Thiếu Anh để ăn những món ngon Đại Hàn do chính tay bà Lee nấu nướng. Ông bà không có con, nên bà thường ôm tôi hỏi han ân cần trìu mến như Mẹ hiền, bà ngõ ý muốn nhận tôi làm con nuôi và sẽ đưa tôi về Đại Hàn sau khi ông Lee mãn nhiệm kỳ phục vụ tại Việt Nam…

    Võ Đường có 2 phòng tập ở 2 cánh trái và phải, ở giữa có phòng vệ sinh, hồ chứa nước sinh hoạt tắm rửa, và 2 phòng trống dụng làm phòng ngủ riêng, phía bên trái anh Kim Phúc Nam và anh Trương Văn Nhiều ở, phòng phía bên phải cho tôi và anh Nguyễn Văn Lợi cư ngụ, thỉnh thoảng anh Lưu Kim Cương và anh Trần Như Đẩu cũng ở đây hoặc đến họp, thay y phục rồi “biến”… Sau khi anh Lưu Kim Cương đã nằm xuống “sau nhiều lần đã đến đây, đã vui chơi tại Võ Đường nầy”…với Anh – Em Thần Phong… và bây giờ tôi “chiếm” chiếc ghế bố của anh để nằm ngủ hằng đêm, mỗi khi ra vào cửa phòng tôi vẫn thường nhìn thấy bộ đồ bay (Phi Bào) mầu đen của anh với huy hiệu Thần Phong đầu rồng 5 ngôi sao và bảng tên LKCương còn máng trên cánh cửa tủ áo của anh Lợi, ở phía ngoài “phòng ngủ” của anh Cương, anh Lợi và tôi là Văn Phòng điều hành của Võ Đường. Nhớ tới huynh trưởng Lưu Kim Cương…Ôi !…còn đâu:

    Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới quyết chiến đấu,
    Đã chiếm chiến công ngang trời
    Giờ đoàn người còn vượt qua biên giới quyết chiến đấu,
    Đi không ai tìm xác rơi ?
    Lúc đất nước muốn bao người con thân yêu ra đi,
    Hối tiếc tấm thân làm chi ?
    Giờ thề một lòng vượt trên lưng gió quyết chiến thắng,
    Nhớ lấy phút giây từ ly…!
    Ta là đoàn chim bay trên cao xanh…
    Khi nhìn qua khói những kinh thành tan…!
    Đôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh…
    Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng.
    Đây đó hồn nước ơi!
    Không Quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió...
    Ù…u…u…u …u… ú…
    Ôi phi công danh tiếng muôn đời !
    Nhìn xa phi trường Việt Nam…
    Không Quân ra đi cánh bay rợp trời…!!!
    Ù … u… u… u… ú…
    Xa giang san ngắm nhìn về khắp nơi…
    Đàn chim dù bay ngàn phương, cũng về để rồi ngày ngày sống hòa nhịp đời cùng ngàn kiếp chim.
    Đoàn ta càng đi càng xa, quyết khi về đem lại đây,chiến công dù thân vùi quên lấp chìm.
    (Không Quân Hành Khúc – Văn Cao)


    Và Ôi !…còn đâu:

    Em là cô gái trong khung cửa
    Anh là mây bốn phương trời
    Anh theo cánh gió chơi vơi
    Em vẫn ngồi trên nhung lụa…
    (Một Mùa Đông – Lưu Trọng Lư)


    Và còn đâu nữa những buổi chiều mưa qua phi trường mờ mịt mà ánh điện vàng không soi tỏ được ven đường trước sân cỏ Bộ Tư Lệnh…Cũng với bộ đồ bay đen thưòng mặc quanh năm, tay Anh bấm phím đàn Guitar hợp âm C , hát trử tình nho nhỏ bản “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” đường trơn ướt lối về…với ánh mắt nghệ sĩ xa xôi vời vợi như mơ màng lãng đãng thả hồn về Hà Nội 36 phố phường với Hồ Gươm, Cầu Thê Húc của thời trước 1954 có “người em gái sầu mộng ngồi bên song cửa…” chờ đợi bước Anh qua thềm:

    Em đến thăm Anh một chiều đông
    Em đến thăm Anh một chiều mưa
    Mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều !
    Em đến thăm Anh người Em gái
    Tà áo hương nồng
    Mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng Anh
    Em đến thăm Anh chiều đông giá
    Đường xa lạnh lùng…
    (Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa – Tô Vũ)


    Và còn đâu nữa để khóc một “người Anh lớn Lưu Kim Cương” cưu mang ân tình nghĩa luỵ đông đầy… mà Trịnh Công Sơn với dòng nhạc cảm tác “Cho Một Người Nằm Xuống” và rồi Sơn cũng quay lưng xoay trở bỏ Anh, bỏ bạn bè “Miền Nam Cộng Hoà” để ôm “cây đàn đỏ” nối vòng tay lớn với ai… bằng hữu, nhân thế và cuộc đời hư vô lồng lộng có “không” được không tiếng người thị phi cho dù là một mảnh lông hồng phất phơ trước gió thế gian …?!

    Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
    Đã vui chơi trong cuộc đời nầy
    Đã bay cao trên vòm trời nầy
    Rồi nằm xuống không bạn bè, không có ai
    Không có ai từng ngày, không có ai đời đời…
    Ru Anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang nầy có loài chim thôi…
    (Cho Một Người Nằm Xuống - Trịnh Công Sơn)



    Cái mất mát nầy đã ghi đậm đấu ấn trong tâm tình của Võ Đường Thần Phong (Kamikaze) và Đoàn Thiếu Niên Thần Phong… Cho mãi đến hôm nay ghi chép lại những tâm tình của ngày xưa ấy và nhớ đến huynh trưởng Lưu Kim Cương… em biết nói sao cho vừa !
    Trong số Võ Sư Đại Hàn phụ trách huấn luyện cho võ sinh tại Võ Đường đương thời gồm có: Thiếu tá Kang Dong iL - Huyền Đai Đệ Tứ Đẳng là Hàn Lâm Học Sĩ của Hàn Lâm Viện Đại Hàn và là tuỳ viên Văn Hoá của Tổng Thống Pak Chung Hee, đại uý Lee Sha Un - Huyền Đai Đệ Tứ Đẳng, thượng sĩ Kang Tae Ho - Huyền Đai Đệ Tứ Đẳng, trung sĩ Lee Keun Tae - Huyền Đai Đệ Tứ Đẳng. Trong lớp học thì các sư huynh đai đen (lớp Quân Nhân Khoá I ) đứng lần lượt thứ tự ở hàng đầu, kế tiếp mới tới đám võ sinh Thiếu Niên Thần Phong chúng tôi ở những hàng sau, Thầy Đại Hàn nghiêm túc huấn luyện, trạng huống và không khí trong lớp “Võ Thuật Quân Sự Đại Hàn” căng thẳng rất ư là “quân phiệt” … Chúng tôi có thể nghe được nhịp tim đập trong lồng ngực của thằng bạn ở kế bên… Tôi còn nhớ huynh trưởng tên Ân bị võ sư Lee Keun Tae phạt lỗi, trong đám nhóc con chúng tôi có thằng “nhỡ” thích chí cười hinh híc chỉ khe khẽ thôi, nhưng quả thật là hậu hoạn vô cùng…! Vì sau đó Võ Sư Lee rời lớp, “Đường Sơn Đại Huynh” khạc ra lửa, mửa ra khói Kim Phúc Nam đứng lớp thế chỗ, Ông phạt chúng tôi te tua, tơi tả như cái mền rách…! Đám võ sinh Thiếu Niên Thần Phong chúng tôi hôm nào “trúng số” gặp phải “Ông Kim Phúc Nam” đứng lớp thì muốn ôm võ phục chuồn êm ! Nhưng với các sư huynh hiền hoà như: Nguyễn Văn Lợi, Phan Văn Đức, Trương Văn Nhiều, Nguyễn Ngọc Diệp, Huỳnh Văn Phúc thì “đài khí tượng xin thông báo trời hôm nay biển sóng lặn gió yên “…!!! Một lần đáng tiếc xảy ra võ sư Kang Tae Ho huấn luyện song đấu với sư huynh Nguyễn Ngọc Diệp và anh Diệp không tránh được một “cú” đòn tay cấm vào làm gẩy xương vai ! Thỉnh thoảng có dịp lễ hội lớn thì phái đoàn Võ Sư Đại Hàn biểu diễn Taekwondo cho quan khách xem, Thầy Lee Keun Tae (Lee Nhỏ) thường làm bị thịt cho Võ Sư Wak bậc Thầy - Huyền Đai Đệ Lục Đẳng đấm đá tung lên trên không rồi rớt xuống như bao cát thực tập…những ngày sau đó thì Thầy Lee quát tháo (ông hay quát tháo, nói lớn tiếng, cười đùa rất vui và cũng thường hay phạt lớp Quân Nhân Khoá I. Nhưng Thầy không phạt đám nhóc con chúng tôi) phải nằm bệnh xá dưỡng thương vài ba ngày rồi khập khiểng nhăn nhó đến lớp tiếp tục dạy chúng tôi. Khi chúng tôi được lên đến đai Xanh, quí Thầy Đại Hàn đưa đến Võ Đường mấy “ông” nhô con võ sinh chính hiệu “củ sâm Korean” cùng trang lứa và đồng đẳng cấp mầu đai với chúng tôi để đấu giao hữu. Thật là tội nghiệp cho mấy con em “hồng sâm Đại Hàn” da thịt đỏ thắm, má phính mũm mĩm hồng hào trong rất lành và hồn nhiên vô tư như mấy chú nai con hiền hoà, còn bọn võ sinh Giao Chỉ chúng tôi đã khổ luyện gần nửa năm trong “lò cừ bát quái” Thần Phong hung hăng như hổ báo có trang bị trong “bầu” nhiệt huyết tinh thần Việt Nam Kamikaze … Nên sau khi chào nhau ở thế Chuanbi xong dứt tiếng hô “Yáh” của Võ Sư Đại Hàn là chúng tôi xông vào “cuộc huyết chiến ” đấm đá con em chính hiệu Đại Hàn thân yêu của quí Thầy bịch…bịch…bịch…bốp…chát… có tiếng kêu đau như xé lòng của “sâm non” và máu mũi rơi rớt trên nền ciment trơn trợt… Thầy Đại Hàn há mồm kinh ngạc bèn lao vào can gián và chấm dứt cuộc “tỷ thí” để cứu con em “sâm non” mồm miệng đầy vết máu tươi lấm lem … ! Chúng tôi trở lại vị trí “bình thân” khoan khoái hả hê vui ra phết. Sau trận “tỷ thí” khốc liệt buổi chiều hôm đó, anh Lợi biết chính tôi là thủ phạm đốc xúi và khích bác đám bạn “tử chiến” với con em của quí Thầy, anh ôn tồn Moral cho tôi vài quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư bậc tiểu học phải khiêm nhường, khoan dung và hài hoà…!!!

    Đến năm 1969 trước khi Công Binh Đại Hàn xây dựng Võ Đường mới thì thường cứ mỗi buổi trưa xế chiều chuẩn tướng Võ Xuân Lành – Tư Lệnh Phó Không Quân (sau lên Thiếu Tướng) ra sân cỏ trước Bộ Tư Lệnh để đá banh, ông cứ hỏi và hối thúc chúng tôi “dọn nhà” để ông “tịch thu” Võ Đường làm “cơ quan đá banh” cho ông và hội tuyển Không Quân. Cũng may là do sự vận động đặc biệt của Võ Sư đại uý Lee Sha Un với Bộ Tư Lệnh Quân Lực Đại Hàn tại Việt Nam, nên đơn vị Công Binh Đại Hàn đã chở vật liệu tới xây dựng Võ Đưòng mới ở cạnh Hội Trưòng Phi Long (về sau Hội Trường nầy là trụ sở của Khối Chiến Tranh Chính Trị). Nếu không có sự hết lòng giúp đỡ của Quân Lực Đại Hàn thì có lẽ “gia đình Thần Phong” của chúng tôi không biết di dời nơi đâu và sẽ ra sao ngày sau… ? Đã thế khi Công Binh Đại Hàn vận chuyển vật liệu đến khu đất trống sẽ làm nền xây dựng Võ Đường, chỉ qua một đêm thôi thì số vật liệu xây cất bị những gia đình cư ngụ chung quanh “chôm” vơi mất đi quá nhiều…! Nên anh Lợi và tôi phải tới ngủ qua đêm để canh gát, phòng trộm vật liệu. Sau cùng thì ngôi Võ Đường mới khang trang cũng hoàn tất và từ sau đó mở thêm nhiều lớp mới thu nhận luôn cả con em, thân nhân của Không Quân theo học cho tới tháng 3 năm 1975. Tôi sống với anh Lợi, anh Nhiều tại Võ Đường Thần Phong mới nầy và sinh hoạt với đám bạn cùng trang lứa trong khu gia binh: Huỳnh Quanh Thanh (Thanh mập), Bùi Văn Tuyển (Tuyển đen), Đào Anh Tuấn (Tuấn heo), Niêu Văn Hải (Hải nồi), Trần Việt Hoàng (Hoàng CD), Minh đen, Bùi Văn Phú (Phú lùn), Trần Văn Lạc, Hoàng Thuỵ Thông, Huỳnh Văn Tâm, Ngô Thanh Vân, Nguyễn Thanh Cần, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Thanh Lân,… và đám “đàn em”: Huỳnh Phi Hùng, Phạm Phi Bằng, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Nhuận, Phạm Gia Ninh, Lê Văn Xuân, Hoàng Thượng, Lim Hô Choi, … cùng với những đệ tử đai đen: Nguyễn Hiền, Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Văn Hưng, Nguyễn Thanh Cẩn, … Có nhiều đêm mưa ướt sũng dai dẵng không dứt, Thanh mập đội áo mưa đến Võ Đường rủ tôi và anh Lợi đi tới khu gia binh ăn bánh cuốn nóng, hoặc những đêm không có “độ” thì lặng lẽ trùm chăn đọc tiểu thuyết, truyện kiếm hiệp Kim Dung và nghe tiếng mưa rơi đều trên mái tole cho tới khi trời gần sáng. Tôi nhớ buổi sáng trước giờ thi lên huyền đai nhị đẳng năm 1972, anh Lê Công Danh đến Võ Đường đãi tôi một chầu ăn sáng xong chở tôi tới Võ Đường Lê Lợi để dự thi. Trong cuộc thi nầy tôi đã đá thí sinh bắt cặp với tôi dập môi máu thấm võ phục, thi xong tôi ân hận bèn xin lỗi anh ta và cả hai cười đùa xề xoà “mình con nhà võ mà” nhầm giò gì ba cái lẻ tẻ nầy…!

    Thời gian vào khoảng buổi chiều nhá nhem tối cuối năm, thời tiết hơi se lạnh, Võ Đường im lìm chỉ có một mình tôi “thủ Chùa”, tôi bắc chiếc ghế dài và ngồi ở bên cạnh khung cửa chính nhìn mông lung ngoài hiên, bỗng thấy từ xa xa một dáng thiếu nữ thanh lịch mặc áo dài mầu tím thẫm đi về hướng Võ Đường, tôi có trực giác Chị sẽ ghé thăm và quả thật như vậy, Chị đi rẽ vào sân cỏ, đưa mắt dò tìm bên trong Võ Đường vắng hoe, như không tìm được người quen thân, Chị cất tiếng hỏi tôi:
    - Chị tên Thương, em cho Chị hỏi thăm có anh Lợi, Nguyễn Văn Lợi ở đây không em ?
    - Dạ, anh Lợi đi vắng từ hồi chiều rồi, có lẽ tới khuya mới về, Chị cần nhắn gì không, em sẽ nói lại với anh Lợi ?
    Chị lấy từ trong chiếc xách tay một bao giấy đựng 12 cái nem tré Huế và 2 bánh mè xững đưa cho tôi và nói:
    - Chị nhờ em đưa chút ít quà ở Huế nầy cho anh Lợi và nhắn với Anh có Chị Thương ở Huế vào Saigon ghé thăm. Nhưng rất tiếc không gặp Anh…!
    Sau khi chị chào từ giả rồi quay gót đi, tôi mở bao “chơi” liền 2 chiếc tré Huế, lòng thầm nhủ:” Ông thần Jango nầy có số đào hoa thật, quen Chị nào cũng đẹp dịu hiền…”, và tất cả “chuyện tình Lan và Điệp” của Jango “nhà mình” đều có nét đẹp như tiểu thuyết lãng mạn tình tứ nhưng không hồi kết cuộc để “người đi qua đời tôi không “ấy” gì sao người “ …! Và cũng ở nơi Võ Đường Thần Phong nầy vào buổi sáng mồng 1 Tết Nguyên Đán năm 1973, tất cả mọi ngưòi đã đi khỏi, chỉ còn lại một mình tôi “thủ Từ” đang tính chưa biết phải về thăm nhà hay đi đâu, thì có cô bé Lê Bích Thuỷ (con gái của đại uý Lê Quan nhà ở trong căn cứ TSN) học ở lớp AkiJutsu tay dắt chiếc xe đạp mini tới thăm và chúc Tết các võ sư và tôi. Nhưng rất tiếc chỉ còn một mình tôi, trước khi chào nhau ra về cô bé trao tặng tôi túi kẹo, tôi ăn một viên còn lại để trên tủ áo của anh Lợi. Nay đã qua đi 43 năm dài không biết người và kẹo ở phương trời nào…? Tôi có dò thăm hỏi những người quen biết xưa và đăng trên online để tìm cô bé có hai bím tóc dễ thương, lễ phép, ngoan hiền chan chứa tình nghĩa Thần Phong, nhưng biệt vô âm tín chỉ là bóng chim tâm cá mà thôi …! Ôi,…thật là cả một thời kỷ niệm in sâu trong ký ức của tôi đã sống ở Võ Đường từ 1968 – 1973 như “thủ Từ” con giữ Võ Đường với khoảng thời gian dài có biết bao nhiêu chuyện buồn vui hầu như tôi đều biết qua…Do vậy nay viết lại xem như “câu chuyện Võ Đường Thần Phong” để đóng góp chút “tư liệu” với quí Anh – Em đã có sinh hoạt với bộ Võ Phục ngày nào và sau cùng xin thành kính tưởng niệm những cánh chim Thần Phong đã bỏ đường bay miên viễn…!

    .Thành Kính Tưởng Niệm:

    Thành Kính Tưởng Niệm Những Võ Sư Thần Phong Đã Từ Biệt Thế Gian: Võ Sư Nguyễn Trúc Lân, Võ Sư Lê Văn Châu, Võ Sư Phan Văn Đức, Võ Sư Lâm Hal, Võ Sư Nguyễn Văn Vạn ! Quí Vị đã lưu lại cho Huynh - Đệ, Bằng Hữu, Đệ Tử,…Thần Phong những ân tình lưu luyến…Nghĩa Tử Nghĩa Tận:

    Nếu xưa là hạt là sương
    Thì nay như khói vô thường bay đi…
    Ta chưa luyến ái điều gì ?
    Ví như huyễn mộng trần gian xá gì…!


    Thôi hãy bay đi Cánh Thần Phong đã một thời lướt gió:

    “Đàn chim dù bay càng xa ngàn phương…cũng rồi vùi thân đời quên lấp chìm”…!

    Phất tay phủi nợ trần gian nhé !
    Dậm lý về mái tóc vẫn xanh…


    Vâng, thế hệ Hậu Duệ của võ sư niên trưởng Thần Phong đã và đang là võ sư, võ sinh vượt qua biên cương Quốc Gia Việt Nam, phát triển đến hải ngoại với hành trang Văn Hóa Võ Thuật tô điểm xứ người hy vọng sẽ làm rạng danh Việt Nam.


    Trọng Kính

    trịnhkhảihoàng
    .California, Tháng 8 – 2011



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X