Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Miền Nam Quê Hương Tôi

Collapse
X

Miền Nam Quê Hương Tôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Miền Nam Quê Hương Tôi

    VIỆT NAM MỘT THỜI ĐỂ NHỚ: MIỀN NAM QUÊ HƯƠNG TÔI
    Võ Long Triều - Người việt online


    Bắn chim

    Ai có sống qua cảnh náo nhiệt của thành phố, xe cộ đầy đường, rầm rộ khua động không ngừng, cho dù đã quen nhưng đôi khi họ cũng ước ao được sống những ngày yên tĩnh, đầu óc lắng dịu không bị căng thẳng vì sự ồn ào náo nhiệt luôn tác động vào tâm não con người.

    Và ai đã sống qua cảnh đồng quê êm ả, chiều nhìn mặt trời dần dần lặn mất dưới rặng cây, tối xem trăng sáng chói như đèn trời soi cảnh vật... về khuya thỉnh thoảng có tiếng chim vạt kêu đêm như nó chia sẻ nỗi buồn với những người có tâm sự.

    Ða số những ai đã sống qua cảnh êm đềm, giản dị của đồng quê, thế nào họ cũng ước mơ hưởng được cuộc sống an nhàn như vậy. Con nít thơ ngây như tôi sinh ra nơi nầy càng cảm thấy khắng khít dính liền với mùi ruộng lúa, mùi khét trâu, mùi khói rơm ung mũi, những thứ đó nó quyện vào tâm não con người tôi hễ xa thì nhớ, hễ gần thì không muốn bỏ đi.


    Những đứa trẻ quen ở thành thị, có đủ mọi thứ đồ chơi nào xe hơi, xe tăng đụng biết lui, trống đường biết tiến, nào súng bắn xẹt lửa y như thật, vân vân... Như thằng con tôi 11 tuổi được về làng thăm quê nội. Con của người láng giềng trạc tuổi của nó sang rủ đi gài bẫy “chim mắt thao”. Dĩ nhiên thằng con tôi tò mò, xin phép cho bằng được để đi theo xem điều mới lạ nầy như thế nào?

    Trong cái lồng nhỏ, phân nửa trên để trống có đầy đủ đồ ăn mà loại chim mắt thao ưa thích, phân nửa dưới nhốt con chim mồi. Cửa lồng trên mở rộng có sợi dây cột vào để kéo sập bất cứ lúc nào. Ngày hôm đó thằng con tôi đi chơi tới xế chiều mà không thấy đói vì nó mãi hồi hộp theo dõi chim rừng đáp trên lồng vô hay không vô ăn mồi?... Rồi cứ như thế làm cho nó say mê đến khi bắt được hai con mới chịu về. Từ đó mỗi khi nghỉ Hè là nó cứ nằng nặc xin về quê nội với mục đích tìm những thú vui lạ mà thành thị không thể cho nó hưởng được.


    Thuật chuyện con tôi để giải thích chuyện của bản thân mình, vốn sinh ra và lớn lên trong làng, dù có đi Mỹ Tho, Sài Gòn học nhưng mỗi khi bãi trường là lặn lội khắp nơi trong làng tìm những thú vui quen thuộc. Ðời người có những chuyện khó quên, thậm chí không thể quên được là thú vui mà mình cho rằng tuyệt vời hay chuyện đau thương buồn tủi để lại một dấu ấn trong lòng.

    Chuyện thích thú nhứt của tôi là “giựt chim” trên những đám mạ mới gieo. Sự mong chờ, sự ước ao chim về ăn mồi lúa vừa lú mầm, gieo đầy trên mảnh ruộng mới được tát cạn nước. Sự hồi hộp khi bầy chim đậu trên cành mà chưa chịu đáp xuống lưới, sự vui mừng khi giựt tay lưới sập bắt được vài ba chục con chim se sẻ, dòng dọc, áo già hay chim sắc... Chim sắc nhỏ con, lông màu nâu, mỏ sậm đen, chim áo già cũng nhỏ, lông đỏ, khoan cổ đen, mõ trắng ngà thật đẹp, chim dòng dọc to hơn một chút, còn gọi là dòng dọc nghệ, lông vàng có đệm ít lông đen trên mình hay trên cánh, mỏ vàng, chim sẻ lông nâu và đen pha lẫn, con trống có vành mắt đen chim mái không có.

    Ôi! Ðam mê nó ngấm thấu tận lòng, mãi cho đến lớn lên mang chức tước đầy người mà vẫn còn lặn lội tìm cách sống lại những ngày thơ ấu đó. Ðôi lúc tôi cũng thoát được ra khỏi vòng ràng buộc của xã hội trưởng giả quan quyền. Những giờ phút đó nó quí báu làm sao!

    Nói về kỷ niệm khó quên trong đời còn một chuyện thứ hai tôi ghi nhớ mãi là thời còn du học bên Pháp. Có một đêm trăng rằm sáng chói rọi xuống biển tuyết trắng xóa khắp nơi. Tôi cùng với ba người bạn đồng song cỡi ngựa giữa cảnh đẹp trời khuya, ngao du đi hết làng nầy sang làng khác ở khu ngoại ô thành phố Paris. Lúc đó tôi có cảm tưởng lạ lùng như mình đang lạc trong cõi thần tiên,


    Trở về cái thú bắn chim, trẻ con trong làng bắn chim toàn bằng ná thung, quê tôi gọi là giàng thung, gồm một cái “nạng” làm bằng nhánh cây có cháng hai, chặt về hơ lửa uống cho bầu cong thật tốt, xong cắt chừa năm phân làm gốc, bảy phân hai cây chia ra thành nạng. Ðầu hai cây nạng, mỗi bên cột một dây thun bằng ruột xe hơi, dài chừng hai tấc cuối đầu dây thun cột dính với một miếng da dùng kềm đạn nhắm mục tiêu mà bắn.

    Có người nhờ thợ mộc cưa lọng một cây nạng bằng gỗ, bào chuốt láng lẩy thật đẹp. Còn tôi thì lựa những thân cây cứng dẻo như cây duối, cây ổi, đốn những cháng hai đem về uốn cong đúng chiều dùng làm ná thung cũng tốt. Ðạn bắn chim thường bằng đất sét vò tròn phơi khô. Nhưng có khi lười biếng tìm những đống đá sỏi hốt cả nắm làm đạn cũng xong. Giàn thung chỉ bắn được những loại chim nhỏ như se sẻ, trao trảo, dòng dọc. Loại chim lớn hơn như cu đất, cu ngói, dù bắn trúng nó vẫn không ngã trừ khi đứng gần sát, hoặc trúng đầu hay trúng cánh gẫy, làm chinh gió nó bay không được phải té xuống đất mình rượt bắt. Có khi nó lủi vào bụi rậm, bụi gai thì cũng chịu thua.

    Thổi chim

    Thay vì bắn bằng giàn thung, làng tôi có vài người lớn họ dùng ống đồng dài chừng hai thước, lỗ nhỏ bằng ngón tay út, lấy đất sét mềm vò tròn nhét vào lỗ rồi nhấm vào con chim mà thổi thật mạnh. Viên đạn bắn ra xa nhưng không mạnh bằng giàn thung. Lợi thế của ống đồng thổi chim là dễ nhắm trúng đích. Nhưng con nít như tôi thời đó chỉ biết đi theo xem chơi thấy lạ nhưng không đủ hơi để thổi. Chú bảy Hồng cho thổi thử nhưng cục đất sét đi không xa có khi còn mắc kẹt giữa ống đồng vì yếu hơi.

    Chấm chim

    Chấm chim có phần rắc rối công phu hơn. Trước hết là phải có một cây trúc thật dài, uốn suông đuột ngay thẳng. Ðầu cây thoa đầy mủ, muốn chấm trúng chim mình phải rình rập tới gần những con chim thật dạn hoặc buổi chiều sắp tối, chim về ngủ cả bầy đầy trên cây. Chúng líu lo chí chóe giành nhau chỗ đậu ngủ qua đêm bất kể có người đang rình rập. Tôi thích chấm chim kiểu nầy nhưng khó tìm ra những cây có chim thường về ngủ. Hoặc có mà ở xa nhà hay gần những cụm cây um tùm, đi về đêm tối sẽ bị gia đình rầy la.

    Muốn chấm chim phải chặt cây lấy mủ. Loại mủ tốt là mủ cây mít, cây sa-kê, cây sa-pu-chê. Thông thường trộn ba thứ càng tốt. Lấy được mủ rồi về nhà phải nấu lại cho sôi làm mất chất nước lộn trong mủ. Trò chơi nầy chẳng những khó khăn mà còn dơ bẩn vì khi mủ dính tay phải lấy dầu dừa hay dầu lửa chùi mới sạch.

    Tuy nhiên nếu lấy mủ thoa đầy một nhánh cây, đem cấm giữa đồng ruộng, những nơi có chim thường đến như gần đống rơm cao nghệu, hay trên những đám mạ mới gieo, lúa mọc mầm, nằm phơi la liệt trên đám ruộng sạch cỏ, cạn nước, có khi cũng bắt được khá nhiều chim.

    Giựt chim


    Trò chơi nầy hơi rắc rối nhưng vô cùng thú vị. Trước hết phải làm một tay lưới. Chúng tôi không tự làm được mặc dù rất dễ nhưng cái khó là canh dây, cột dây như thế nào cho tay lưới nhẹ giựt và sập cho thật mau. Do đó chúng tôi phải nhờ bác ba Ninh làm giùm. Lưới giựt chim gồm có hai mảnh riêng rẽ, dài hai thước, ngang một thước. Bốn bề ngang cột dính vào một thanh tre nhỏ cũng ngắn một thước như nhau. Nếu để hai tấm lưới nằm trên mặt đất cách nhau đúng hai thước. Bốn góc bên trong có bốn khoen dây dùng để cấm nọc cho bốn đầu cây nầy dính cứng dưới đất nhưng có thể lung lay xoay đi xoay lại dễ dàng. Còn lại hai đầu cây trên mỗi bên cột một sợi dây dài chừng hai thước, đầu dây có khoen đề cấm nọc dính xuống đất. Hai đầu cây ở đoạn dưới tay lưới cột liền nhau dây lòng thòng dài độ bốn thước, giữa sợi dây nầy nối liền với một sợi khác thật dài chừng hai mươi thước có tay cầm.

    Vấn đề khéo léo của người “bắt tay lưới” là làm sao điều chỉnh dây nhợ cho cân bằng chính xác. Làm thế nào để khi nắm giựt nó úp hai miệng lưới vô đúng hai thước đất trống đã chừa bên trong. Còn người mang tay lưới đi vực chim phải cắm những cây nọc sao cho tay lưới không bị chỏi và xếp lại thật mau khi giựt sập để kịp úp bầy chim đang ăn trong khoảnh đất trống bốn thước vuông có chim mồi cột trong đó và có lúa rải đầy nhử chim rừng vào ăn.

    Mỗi khi trong làng có đám mạ nào mới gieo trên đất ruộng sạch cỏ, vừa tát cạn nước, để lộ ra những hột lúa vừa nẩy mầm phơi trần dầy đặc, sẽ mọc thành mạ non nếu không bị chim trời mổ nuốt. Biết được có đám mạ là em tôi quẩy lồng, tôi vác lưới đi giựt chim. Tới nơi chúng tôi tìm khoảnh đất gần bờ đê cắm lưới. Trải lưới xong cắm ba bốn con chim mồi dính chân trong dây, chớp chớp cánh muốn bay mà không bay được. Rải thêm lúa rồi đi tìm một nhánh cây khô trụi lá có nhiều cành, cắm ngay trên đầu lưới cách xa chừng vài thước để chim rừng có chỗ đậu trước khi đáp xuống vùng đất có chim mồi và đầy lúa.

    Ðặt để tay lưới xong, chúng tôi kéo sợi dây có tay cầm thẳng đường và giựt thử xem có nhậy sập không? Mọi thứ đều chuẩn bị chu đáo, xong chúng tôi đi tìm những cành cây đầy lá bẻ đem về cắm thành một cái chòi núp kín đáo không để chim rừng thấy bóng người. Ngồi trong cái chòi đó chờ lũ chim xấu số bay về.

    Khi thì chờ thật lâu mới thấy bóng chim về, khi thì còn đang làm chòi núp chưa kịp xong là chim đã kéo về cả đàn, thấy bóng người hoảng sợ bay mất, hoặc cũng có khi đàn chim vì đói mà đáp liều vào chỗ có lúa để kiếm ăn. Nhưng tôi vừa bén mảng đến cầm dây là chúng nó vội vàng bay mất. Những buổi sáng sớm hoặc xế chiều là thời điểm thuận lợi nhứt để giựt chim. Bởi vì sáng chim bay đi kiếm mồi, chiều tìm chỗ ăn no trước khi về nơi nghỉ ngủ qua đêm.

    Chúng tôi ngồi trong chòi nói toàn chuyện chim với cá. Ít khi nào nói chuyện học hành, có chăng là than phiền năm nay thầy cho quá nhiều bài phải làm trong dịp Hè. Và năm nào cũng đành chịu phạt đổi lấy sự vui chơi trong ba tháng nghỉ Ðang nói năng lăng xăng bỗng nhiên hai đứa đồng thanh suỵt nhỏ, mắt nhìn năm ba con chim sắp đáp trên cành. Thằng Tôn xì xào nói nhỏ:

    - Ít quá, tụi nó có xuống cũng đừng giựt. Thà bắt cho đáng mẻ lưới, trước sau gì cũng có chim mà lo gì?

    - Mầy quên rằng có bao nhiêu lần đi về chỉ có hơn chục con hay có lần tay không? Bây giờ có bao nhiêu là tao chụp lấy bấy nhiêu. Chờ chúng nó đáp xuống là tao giựt liền. Trong lúc anh em đang bất đồng, ba con chim sắt nhỏ đáp xuống, năm con khác vẫn đậu trên cành cây đầu lưới.

    Thằng Tôn bực mình nói hơi lớn tiếng:

    - Chúng nó phân vân cái gì mà không chịu xuống?

    Tôi lại suỵt bảo nó im rồi nói nhỏ:

    - Chim sắc và chim áo già nhát lắm, có thể nói được là chúng nó khôn hơn loài dòng dọc, chim sẻ háu ăn.

    Chờ không lâu cả đám sà xuống, tôi lanh tay giựt mạnh, lưới sập bắt trọn 8 con chim sắc, chúng nhảy cà dựng dưới mặt lưới. Hai đứa chúng tôi chạy ra gỡ mau bỏ vào lồng rồi căng lưới chạy vào chòi núp chờ nữa.

    Lâu thật lâu, nắng chiều dịu bớt, mặt trời ngã dần xuống cao khỏi ngọn trâm bầu chừng một sào. Chúng tôi quyết định sẽ cuốn lưới khi mặt trời xuống khoảng giữa thân cây. Thằng Tôn tiếc hùi hụi, than xuất hành nhằm giờ xui ngày rủi.

    Từ xa cách hai thửa ruộng trước mặt, tôi thấy một bầy chim bay nhưng không định hướng được chúng nó sẽ về đâu? Tôi khều thằng Tôn chỉ, nó sáng mắt, vẫy tay ngoắc bầy chim làm như nó muốn gọi chúng về đây. Thật vậy, bầy chim hướng mau về đám mạ chúng tôi đang ngồi, ngày càng rõ nét, thấy được là dòng dọc nghệ. Rồi một đám chim sắc từ đâu bay đến lại đậu thêm trên cành khô.


    Chúng nó đậu đầy nhánh cây trước lưới, không còn chỗ trống, một đám hơn chục con đáp ngay vào vòng lưới. Tim tôi đập liên hồi, tay cầm sợi dây nắm chặt. Thằng Tôn khều lưng tôi không ngừng. Hình như tôi run hay nó run vì sung sướng hồi hộp. Cái giây phút tuyệt vời, một sự ước mơ lâu dài bây giờ mới tới. Nhưng lại phải chờ. Thằng Tôn ghé tai tôi muốn nói nhỏ gì đây? Tôi vội xô nhẹ đầu nó ra, tay trái bịt miệng nó. Hai tay nó lại ngoắc ngoắc mời chim đáp xuống. Giây phút hồi hộp chờ đợi... Tại sao lâu qua mà chúng nó không đáp xuống, mặt tôi nóng ran, ruột gan bời rời mấy con chim sắc bị bắt nhốt trong lồng kêu inh ỏi, vài ba con chim sắc khác trong bầy chim trước mặt, bay về hướng chòi, đậu trên mấy nhánh trăm bầu phủ đầu chúng tôi. Hai anh em tôi thằng nào cũng bất động, gần như cứng người vì mừng, vì sợ chúng phát hiện có người sẽ hè nhau bay mất tất cả. Bầy chim trên cành chớp cánh hạ dần cả đám không biết bao nhiêu đã lọt vào, tôi vội lấy hết sức giựt mạnh, hai mảnh lưới ụp vào, lố nhố đám chim mắc lưới nhảy tung tăng. Thằng Tôn la hét vỗ tay mừng rỡ nó nói gì tôi cũng không nghe, tay tôi xách lồng chạy như bay ra ngồi gỡ từng con bỏ vào lồng. Tim vẫn còn đập nhưng đầu tôi lấy lại bình tĩnh dần.

    - Trúng mối rồi anh Sáu ơi!

    - Ðố mầy biết được bao nhiêu con?

    - Ít lắm phải năm sáu chục.

    - Có thể như vậy lắm.

    - Chim dòng dọc nghệ nhiều, quay chảo ăn mệt nghỉ.

    - Nhổ lông mổ ruột cũng mệt nghỉ!

    - Vậy thôi giở lưới thả cho tụi nó bay làm phước, mình khỏi nhổ lông mổ ruột anh chịu không?

    - Thằng khỉ mầy đừng dở hơi.

    Anh em chúng tôi vừa gỡ chim vừa đếm tất cả bảy mươi sáu con cộng với tám con chim sắc bắt được là 84, nhốt chặt lồng không còn chỗ bay, chúng giẫm lên nhau kêu inh ỏi.

    Thằng Tôn đề nghị cuốn lưới về, nhưng lòng tham và sự ham mê của tôi chưa chịu ngừng. Banh lưới ngồi chờ, thỉnh thoảng có chim về không đông, mỗi bầy chừng vài chục con nhưng đậu trên cành kêu hót, có lẽ chúng nghe đồng bọn kêu ré và hiểu rằng bọn chúng đã gặp cơn nguy. Vì vậy không có bầy nào chịu đáp xuống, Từ đó chúng tôi rút kinh nghiệm đi giựt chim đem theo hai lồng, có chỗ rộng nhốt chúng thoải mái không la inh ỏi có thể làm kinh động giống chim cùng loại.

    Chiều hôm đó nhà chúng tôi ăn cơm như bữa tiệc. Thằng Tôn và tôi mặc sức kể chuyện, mạnh miệng, hào hùng, nhưng không thể tả được tâm trạng vui mừng, cái cảm giác lo âu hồi hộp trong lúc chúng tôi chờ đợi bầy chim đông nghẹt đang quan sát mấy con chim mồi và thức ăn đầy dẫy mà chưa chịu đáp xuống.

    Cái thú vui của tuổi thơ là ở đó, sự đam mê buộc tôi nhớ mãi quê nhà, nhớ cảnh thiên nhiên hữu tình, nhớ đồng ruộng mênh mông, sông rạch trải dài, phải chăng những cái đó tạo cho tôi lòng yêu nước thương dân?


    29 Tháng Năm 09


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X