Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phi công Việt Nam không “chicken”!

Collapse
X

Phi công Việt Nam không “chicken”!

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phi công Việt Nam không “chicken”!



    Đại tá David Measels (1941-2014):

    Phi công Việt Nam không “chicken”!

    * Nguyễn Hữu Thiện


    Những ai từng bay trực thăng ở Pleiku từ Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 trở về sau, hẳn phải biết vị sĩ quan cố vấn trực thăng thuộc AFAT-6: David Measels, người mới qua đời tại Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2014 tại Florida, để lại bao tiếc thương nơi những người quen biết ông.

    Có thể nói binh nghiệp của cố Đại tá Lục Quân Hoa Kỳ David Measels gắn liền, trực tiếp hoặc gián tiếp, với chiến tranh Việt Nam.

    Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Khoa học tại University of Tampa và lấy bằng Cao học tại Florida Institute of Technology, ông gia nhập ngành phi hành của Lục Quân Hoa Kỳ, và trở thành hoa tiêu trực thăng.

    Tháng 6 năm 1966, Đại úy David Measels được đưa sang Việt Nam để bay trực thăng UH-1 tại Sư Đoàn 1 Không Kỵ (1st Air Calvary), nhưng ngay sau khi đáo nhậm đơn vị, ông lại được đưa tới Đại Đội Phi Hành 117 (117th Aviation Company) có nhiệm vụ yểm trợ cho Sư Đoàn 101 Nhảy Dù Hoa Kỳ ở vùng Tây Nguyên.

    [Lục Quân Hoa Kỳ sử dụng danh xưng “Đại Đội” (Company) và “Trung Đội” (Platoon) cho các đơn vị phi hành của họ. Cấp số phi cơ cũng tương đương cấp số của một “Phi Đoàn” (Squadron) hay “Phi Đội” (Flight) bên Không Quân]

    Mấy tháng sau, David Measels tình nguyện về Đại Đội Phi Hành 120 (120th Aviation Company) đồn trú ở Tân Sơn Nhất. Đây là đơn vị trực thăng độc đáo, đa năng, nổi tiếng “xịn” nhất trong ngành phi hành của Lục Quân Hoa Kỳ tại Việt Nam, được mệnh danh là “the Deans of Army Aviation”.


    Phù hiệu của 120th Aviation Company

    Nhiệm vụ của ĐĐPH 120 rất đa đoan, phức tạp: nào là chở các sếp lớn đi thị sát mặt trận và các phóng viên chiến trường, nào là chỉ điểm cho B-52, nào là thả người nhái (SEAL) vào Đặc Khu Rừng Sát, yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị VNCH (các gunships của ĐĐPH 120 có biệt danh “Razorbacks”), hay chở Lực Lượng Đặc Biệt của Mỹ thi hành những nhiệm vụ bí mật tại những vùng “oanh kích tự do”, v.v...


    Đại úy David Measels và Thiếu úy Roberto Lugo trước khi làm “tiền phi” (1967)

    “Các sếp lớn” nói tới ở đây là vị Tư lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Việt Nam (Đại tướng William Westmoreland, và người kế nhiệm là Đại tướng Creighton Abrams) và các tướng lãnh khác của MACV.

    Sau này, trong hồi ký của mình, David Measels đã gọi những chuyến chở sếp lớn là “những lúc sướng nhất trong thời gian tệ hại nhất”! (Best of Times in the Worst of Times).

    Lúc đó, hầu hết trực thăng UH-1 của ĐĐPH 120 còn là kiểu UH-1B cổ lỗ sĩ, chỉ có một hai chiếc UH-1D, không phải để ưu tiên cho các tướng lãnh mà ưu tiên cho đám phóng viên chiến trường (lấy điểm nhà báo?).

    Về phần các tướng lãnh của MACV, kể cả tướng Westmoreland và tướng Abrams, các vị này không sử dụng một tàu dành riêng mà đi bất cứ chiếc “slick” nào khả dụng, vì thế trên các chiếc UH-1 của ĐĐPH 120 không trang bị “ghế nệm” như thường thấy trên trực thăng dành cho các quan lớn.

    “Ưu đãi” duy nhất mà các hoa tiêu của ĐĐPH 120 được hưởng là không hiểu vì một nguyên nhân nào đó, thay vì ở trong cư xá của MACV hoặc trong căn cứ Tân Sơn Nhất, họ được dành riêng một ngôi biệt thự ở đường Cách Mạng (trước kia là đường Công Lý) với đầy đủ mọi tiện nghi, có cả một câu lạc bộ.

    Năm 1968, David Measels mãn hạn phục vụ (tour of duty), trở về Hoa Kỳ với ba huy chương cao quý trên ngực - Distinguished Flying Cross, Air Medal for Valor, Purple Heart - và một... cô vợ Việt trong vòng tay: cô Kim, nguyên là phụ tá quản lý câu lạc bộ nói trên (hai người kết hôn cuối năm 1967, sau này có được hai con trai, và chung sống hạnh phúc suốt hơn 46 năm cho tới khi ông qua đời vào năm 2014).


    Cô Kim với chiếc Velo Solex tại Sài Gòn ngày nào

    Sau khi trở về Hoa Kỳ, David Measels làm huấn huyện viên trực thăng tại Fort Wolters, Texas, nơi có rất nhiều khóa sinh là các hoa tiêu trực thăng tương lai trong Không Lực VNCH.

    Năm 1972, với cấp bậc Thiếu tá, David Measels trở lại Việt Nam, phục vụ tại AFAT-6, đặc trách cố vấn không vận cho lực lượng trực thăng của KQVN tại Pleiku.

    [AFAT: Air Force Advisory Team, gồm AFAT-1, 2, 3, 4, 5, 6 tại các Sư Đoàn Không Quân, trực thuộc AFAG (Air Force Advisory Group: Phái Bộ Cố Vấn Không Quân) tại Bộ tư lệnh Không Quân]


    Phù hiệu của AFAT-2

    Chính trong thời gian này, David Measels đã suýt đòi “chơi tay đôi” với một vị Đại tá Lục Quân Mỹ dám chê phi công của KQVN là “chicken”! Việc này đã được ông kể lại qua đoạn hồi ký ngắn sau đây.

    * * *

    Trong đợt phục vụ cuối cùng tại Việt Nam, tôi được đưa tới Toán cố vấn Không Quân AFAT-6, với nhiệm vụ cố vấn về không vận cho lực lượng trực thăng của KQVN ở Pleiku. Trong cương vị này, tôi đã được nghe nhiều lời chê bai, chỉ trích của các giới chức quân sự Mỹ, nhất là phía Lục Quân, dành cho các phi đoàn trực thăng của Không Quân Việt Nam. Thật tình mà nói, cũng có vài lời chê bai là đúng, nhưng đại đa số thì sai bét!

    Một trường hợp chê bai điển hình đã khiến tôi phải quan tâm xảy ra vào tháng 9 năm 1972. Lúc đó, trại Biệt Động Quân Biên Phòng ở Đức Cơ đang bị hai tiểu đoàn quân chính quy Bắc Việt công hãm trong suốt hơn 3 tuần lễ; lực lượng cố thủ xin được ưu tiên tiếp tế đạn đại bác 105 ly vì họ sắp cạn.

    Yêu cầu của họ được đáp ứng ngay, nhưng khi các trực thăng CH-47 Chinook của KQVN với sự yểm trợ của trực thăng võ trang tới gần mục tiêu thì đã bị dội lại bởi hỏa lực của địch, gồm cả súng cá nhân lẫn cao xạ.

    Trước sự việc này, vị Đại tá Lục Quân cố vấn bên Quân Đoàn II
    đã kêu tôi sang xài xể cho một trận. Theo ông ta, hỏa lực của địch không có gì đáng ngại, chẳng qua chỉ vì đám phi công Việt Nam “chicken”!

    Tôi liền thưa với ông Đại tá rằng xin ông cho phép viên Đại úy phụ tá dưới quyền tháp tùng tôi trên chuyến Chinook bay vào Đức Cơ ngày mai để mục kích tận mắt, và ông ta đồng ý.

    Ngày hôm sau trên đường vào Đức Cơ, khi còn cách trại khoảng một dặm, các trực thăng võ trang cho biết hỏa lực địch đang bắn lên, tuy nhiên chúng tôi không bị lãnh viên đạn nào cả. Nhưng tới khi còn khoảng nửa dặm thì chiếc Chinook bắt đầu lãnh vô số đạn, đạn súng nhỏ cũng như đạn phòng không 12 ly 7. Mỗi lần trúng một viên 12 ly 7, chúng tôi đều biết bởi tiếng rít của nó. Bỗng người xạ thủ ở cửa (door-gunner) bị trúng đạn vào đùi và ngã lăn ra sàn, cùng lúc hệ thống điện bị trúng đạn 12 ly 7 phát hỏa nhiều chỗ.

    Trong khi vị đại úy Biệt Động Quân Mỹ tháp tùng phi vụ lo chăm sóc người xạ thủ, và người cơ phi sử dụng bình cứu hỏa để dập tắt các đám cháy thì tôi nhào ra thay thế người xạ thủ, nhả đạn xuống đầu quân địch trong lúc chiếc Chinook bay vào. Cao độ lúc này chỉ còn chưa tới 100 bộ (khoảng 30 mét), và cho tới ngày nay, tôi vẫn còn nhớ rõ mặt mũi của những tên VC khi chúng bắn lên và tôi bắn xuống! Tiếng đạn rít qua hai bên tai tôi thật khủng khiếp và chiếc Chinook lãnh thêm vô số 12 ly 7.

    Sau khi thả “hàng” xuống căn cứ và bay lên, nhận ra những trục trặc nghiêm trọng, hai phi công Việt Nam dự tính cho phi cơ đáp khẩn cấp xuống vòng đai căn cứ, nhưng tôi đã ra sức ngăn cản, bởi tôi biết ở vòng đai gài đầy mìn, đáp xuống chắc chắn sẽ theo ông bà, thà cố gắng bay ra, dù có phải đáp xuống núi rừng thì cũng còn cơ may sống sót.

    Nhưng cuối cùng chiếc Chinook cũng lết về được tới Căn cứ Không quân Pleiku; sau khi đáp xuống phi đạo, dầu JP-4 từ phi cơ chảy ngập một khoảng đất lớn. Sau đó, chiếc Chinook này đã bị khai tử vĩnh viễn!

    Trước khi chia tay viên Đại úy Lục Quân, tôi bảo anh ta: “Anh làm ơn về kể lại cho ông Đại tá của anh những gì xảy ra hôm nay nhé, và – tôi nhấn mạnh từng chữ - nếu tôi còn nghe ông ấy nói phi công Việt Nam ‘chicken’ một lần nữa, tôi sẽ chơi tay đôi với ổng!”


    Sau đó, vị Đại tá đã điện thoại xin lỗi tôi.

    David Measels


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X