Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Viếng đảo Catalina ngoài khơi Quận Cam

Collapse
X

Viếng đảo Catalina ngoài khơi Quận Cam

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Viếng đảo Catalina ngoài khơi Quận Cam



    Ngôi nhà Casino trên thành phố Avalon thủ phủ đảo Catalina ngoài khơi Quận Cam California.


    Ngoài khơi Quận Cam California có nhiều đảo gọi là Channel Islands nhưng chỉ một đảo có người ở và trở thành nơi du lịch nghỉ mát đó là đảo Santa Catalina thường được gọi tắt là đảo Catalina. Ðảo Catalina có chiều dài 22 miles (35 km) và chiều ngang nơi rộng nhất là 8 miles (13 km) và cách bờ biển Long Beach khoảng 22 miles về hướng Nam. Tuy đứng ở bờ biển Quận Cam thấy dãy núi trên đảo rất rõ vào những ngày trời quang đãng nhưng đảo thuộc Quận Los Angeles và được điều hành bởi Catalina Island Conservancy là một tổ chức bất vụ lợi nhằm bảo tồn môi trường, phong cảnh thiên nhiên trên đảo.

    Ðảo Catalina cách bờ biển Quận Cam California 22 miles (35 km), muốn ra chơi đảo du khách phải đi tàu đò (ferry) mất một tiếng đồng hồ, giá vé $72 khứ hồi. Hãng tàu Catalina Express đang có chương trình miễn phí vé khứ hồi nếu đi trong ngày sinh nhật của mình. Muốn có vé tàu miễn phí vào trang mạng www.catalinaexpress.com để ghi danh và giữ chỗ trên tàu.

    Du khách ở xa đến California bằng phi trường Los Angeles (LAX), bến tàu ra đảo Catalina gần nhất là ở Marina Del Rey chỉ cách phi trường 4 miles. Du khách đến Calfornia cư ngụ ở Little Saigon thuộc Quận Cam, hãng Catalina Express có bến tàu ở Long Beach, San Pedro và Dana Point. Còn ở Newport Beach có hãng tàu Catalina Passenger Service cũng có tàu ra đảo và du khách cũng có thể dùng trực thăng viếng đảo khởi hành từ San Pedro và Long Beach.


    Thành phố Avalon, thủ phủ đảo Catalina

    Khởi hành từ bến tàu riêng của hãng ở Long Beach vào buổi sáng, một giờ sau tàu giảm vận tốc để cập vào cầu tàu thành phố Avalon là thị trấn lớn nhất trên đảo. Thị trấn kia là Two Harbors một làng nhỏ dân số chỉ có 298 người ở phía Bắc nơi eo thắt là chỗ hẹp nhất trên đảo nên có hai bờ biển gần gặp nhau. Thành phố Avalon theo thống kê năm 2010 có dân số là 3,728 người ở phía Nam gần cuối đảo, tọa lạc trong một thung lũng cây cối xanh tươi có bãi biển hình bán nguyệt là nơi nhiều du thuyền ca nô neo đậu. Phía Bắc bãi là tòa nhà hình tròn mái ngói đỏ theo kiến trúc kiểu Ý gọi là Casino, nhưng không có nghĩa thông thường là sòng bài mà theo người Ý “Casino” là nơi hội tụ, gặp gỡ. Phía Nam bãi biển là cầu tàu của hãng Catalina Express. Nhà cửa trong thành phố nho nhỏ sơn trắng với mái ngói đỏ theo kiểu Ðịa Trung Hải và xây cheo leo trên những dãy đồi núi bao quanh thành phố.

    Vừa lên bờ ngay tại bến tàu thấy quảng cáo những tour du ngoạn ngắm cảnh đảo Catalina, chúng tôi chọn mua tour xe buýt dạo quanh thành phố “Avalon Scenic Tour” trong 1 giờ 20 phút với giá $20 mỗi người. Trong lúc chờ giờ khởi hành chúng tôi đi vào trung tâm thành phố kiếm gì ăn trưa nhưng thấy các nhà hàng quá đông người, sợ không đủ giờ nên chúng tôi vào chợ Vons mua sandwich ăn đỡ và lon Coca Cola giá $2. So với trong đất liền cái gì nơi đây cũng mắc hơn và thuế mua bán là 9.25% giống như Los Angeles. Ðường sá trong thành phố nhỏ hẹp và ít xe hơi lưu thông vì chính quyền sợ ô nhiễm nên hạn chế người dân sử dụng xe hơi. Muốn đem một chiếc xe từ trong đất liền ra phải chờ đợi nhiều khi đến 10 năm! Dân chúng địa phương chỉ dùng xe điện loại dùng trong sân golf và đi xe đạp hay xe gắn máy loại nhỏ. Xe hơi chỉ có taxi, các xe shuttle của các khách sạn đưa đón du khách, bưu điện và các hãng tiện ích công cộng như ga, điện, nước. Xe rác thấy chỉ có loại nhỏ với người phu mang từng thùng đến đổ vào. An ninh, trật tự trên đảo do lực lượng cảnh sát Sheriff Los Angeles phụ trách và họ di chuyển bằng xe SUV. Không có đèn giao thông xanh đỏ trên đảo và không thấy một trạm xăng nào.


    Thị trấn Avalon từ trên núi nhìn xuống trong tour ngoạn cảnh.

    Catalina là đảo nhỏ, thủ phủ trên đảo thành phố Avalon cũng rất nhỏ diện tích chỉ có 1 dặm vuông (1 square mile), đi năm ba phút cũng về chốn cũ nên phương tiện giao thông công cộng trên đảo rất giới hạn và người ta chỉ cần đi bộ hoặc xe đạp. Du khách có thể mang xe đạp ra đảo hoặc mướn xe đạp nhưng sử dụng xe đạp ở đây phải có giấy phép lệ phí đến $50 USD/năm. Chính quyền đảo rất giới hạn xe hơi và dân chúng trên đảo thường dùng xe điện loại dùng trong sân golf (golf carts) để di chuyển. Du khách nếu ngại đi bộ có thể mướn xe golf cart với giá khoảng $40/một giờ, có loại 2 ghế, 4 ghế và hơn nữa nhưng cũng không đi xa được vì tất cả các nơi cần viếng chỉ quanh quẩn ở Avalon, bến tàu, bãi tắm, hàng quán, khách sạn đều ít phút đi bộ.

    Muốn ngoạn cảnh xa hơn như lên núi nhìn xuống thành phố, ngang qua những ngôi nhà nghỉ mát của tài tử màn bạc hay đi sâu vào đảo để khám phá cảnh đẹp thiên nhiên, gặp những con trâu rừng (American bison), du khách có thể tham gia những tour xe buýt. Có hai loại tour khám phá đảo: tour 2 tiếng đồng hồ đi sâu vào bên trong đảo có cơ hội thấy những con trâu rừng và tour đi gần quanh thành phố Avalon trong vòng khoảng 40 phút. Thật sự trâu rừng không có trên đảo nhưng vào năm 1924 khi quay phim “The Vanishing American” người ta đã mang ra 14 con trâu rừng, sau khi quay phim ngại đưa chúng trở về đất liền tốn tiền chuyên chở nên đã để chúng định cư luôn trên đảo. Ngày nay chúng sinh sôi phát triển thành một đàn trâu rừng khoảng 150 con.

    Chúng tôi mua tour “Ngắm cảnh Avalon” (Avalon Scenic Tour) tại quày ở bến tàu khi mới vừa lên bờ. Tour này đi bằng xe buýt trong khoảng 40 phút cộng với thời gian thăm nhà bảo tàng do vậy khi hỏi tour kéo dài bao lâu, người bán trả lời là 1 tiếng 20 phút. Chúng tôi lên một xe buýt kiểu xưa, một ông Mỹ vừa làm tài xế vừa là hướng dẫn viên. Ða số người trong tour là một nhóm du khách người da đen có lẽ đến từ tiểu bang Louisiana, thấy vậy ông Mỹ nói bằng giọng của người miền Nam Hoa Kỳ. Ông lái xe chạy qua vài con đường chính Avalon chỉ cho thấy nhà thờ Thiên Chúa Giáo ở đường Beacon St., nhà bưu điện ở gần đó, rồi ông lái xe lên núi ngang qua sân golf, công viên chim, đến một thung lũng sâu xem người ta chơi đu dây ngang qua vực sâu gọi là trò chơi “Zip Line” (trò chơi này thấy quảng cáo là “sẽ du hành 3/4 mile cao độ 300 feet trên thung lũng với vận tốc 45 mile/giờ, giá $109). Xe chạy ngang qua những căn nhà của những tài tử màn bạc ngày trước như Marilyn Moroe, những khách sạn nghỉ dưỡng (resorts) và cuối cùng dừng lại tại ngôi nhà Casino để cho chúng tôi xem nhà bảo tàng Marilyn Monroe ở tầng dưới của nhà Casino. Vé vào nhà bảo tàng là $5 đã bao gồm trong chuyến tour này nên chúng tôi khỏi phải mua vé. Tới đây coi như tour ngắm cảnh thành phố Avalon chấm dứt và sau khi xem nhà bảo tàng chúng tôi tự do về lại trung tâm thành phố.


    Bờ biển Avalon cheo leo nhà cửa và san sát du thuyền.


    Nhà bảo tàng Marilyn Monroe

    Trong nhà bảo tàng có chiếu đoạn phim về cuộc đời của cô đào điện ảnh Marilyn Monroe. Ðể thoát khỏi nhà nuôi trẻ mồ côi, cô gái Norma Jean Baker kết hôn vào năm 1942 lúc cô vừa tròn 16 tuổi. Chồng cô là người hàng xóm 20 tuổi tên James Dougherty, năm 1944, anh ta làm cho hãng thương thuyền và được đổi ra đảo Catalina. Tại đây người vợ trẻ hàng ngày chỉ biết làm công việc nội trợ trên hòn đảo du lịch được nhiều tài tử Hollywood chọn làm nơi ra vui chơi nghỉ mát. Khi ông chồng thuyên chuyển ra nước ngoài cũng là lúc Norma Jean trở về đất liền và bắt đầu dấn bước trên con đường để trở thành Marilyn Monroe sau này, cô đã ly dị chồng năm 1946. Ðó là nội dung của cuốn phim tài liệu “Before She Was Marilyn: Marilyn Monroe on Catalina Island” chúng tôi được xem, chiếu tại nhà bảo tàng. Nhà bảo tàng gồm những căn phòng trưng bày hình ảnh về cuộc đời của người mẫu, ca sĩ và minh tinh điện ảnh Marilyn Monroe. Cô có sắc đẹp quyến rũ, giọng ca nồng nàn và tài diễn xuất duyên dáng, cô tạo được tiền tài danh vọng nhưng cuộc đời cô đơn không hạnh phúc. Cô đã qua đời ở Hollywood ngày 5 Tháng Tám, 1962 vì sử dụng thuốc quá liều, thật là “hồng nhan đa truân” má hồng phận bạc!

    Một nữ tài tử xinh đẹp nổi tiếng khác cũng chết tại đảo Catalina là Natalie Wood. Sau lễ Tạ Ơn năm 1981, Natalie Wood cùng chồng là tài tử Robert Wagner lái chiếc du thuyền của mình ra chơi đảo và trong đêm tối ngày 29 Tháng Mười Mộ, 1981, sau khi uống nhiều rượu cô đã tử nạn vì rơi xuống biển gần làng Two Harbor ở về phía Bắc đảo. Năm ấy cô mới 43 tuổi và được an táng ở nghĩa trang Westwood Village Memorial Park gần Hollywood.

    Chỉ cách bờ 22 miles nhưng đảo Catalina như một thế giới khác, nơi đây biển nước trong xanh, nhà cửa tường trắng ngói đỏ cheo leo trên triền núi như ở Hy Lạp. Không tiếng xe cộ ồn ào mà chỉ nghe tiếng sóng vỗ, tiếng cười nói của du khách trong những nhà hàng, quán nước phong cách những ngày xa xưa, êm đềm tình tứ lãng mạn.


    Trịnh Hảo Tâm
    http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=224187&zoneid=22

  • #2
    Xin được hỏi Thiên Lôi 524:
    Tác giả "Trịnh Hảo Tâm" ở đây có phải "Đại cồ niên trưởng" Trịnh Hảo Tâm, vào năm 1955 mang cấp bậc Đại úy, làm Chỉ huy trưởng tiên khởi của Căn Cứ 3 Không Quân (Tân Sơn Nhất) không?
    NHT

    Comment


    • #3
      Nguyên văn bởi Nguyen Huu Thien View Post
      Xin được hỏi Thiên Lôi 524:
      Tác giả "Trịnh Hảo Tâm" ở đây có phải "Đại cồ niên trưởng" Trịnh Hảo Tâm, vào năm 1955 mang cấp bậc Đại úy, làm Chỉ huy trưởng tiên khởi của Căn Cứ 3 Không Quân (Tân Sơn Nhất) không?
      NHT

      Trả lời Nguyen Huu Thien:
      Chắc là không phải, bạn có thể xem tiểu sử tác giả ở chỗ này:
      http://www.cattien.us/author.aspx?sel=13
      TL524

      Comment


      • #4
        Viếng đảo Catalina ngoài khơi Quận Cam (tt)


        Ngôi nhà Casino là một kiến trúc to lớn nằm ở bờ biển Avalon thành phố duy nhất trên đảo Catalina. Tòa nhà màu trắng Catalina Casino được xây vào năm 1929 bởi ông vua sản xuất kẹo cao su (chewing gum) William Wrigley sau khi ông này đã mua nguyên đảo Catalina vào năm 1919. Ông xây ngôi nhà Casino không phải để mở sòng bài nhưng dùng như một rạp hát phía dưới và một vũ trường trên lầu, trong tiếng Ý “Casino” có nghĩa như là hội quán, một nơi gặp gỡ hội họp. Ngày nay nhà Casino là một danh thắng biểu tượng (landmark) cho hải đảo Catalina nằm ở ngoài khơi Quận Cam, California.


        Phong cảnh êm đềm trên đảo Catalina ngoài khơi Quận Cam.

        Sau khi xem xong nhà bảo tàng Marilyn Monroe tọa lạc trong một góc ở tầng phía dưới tòa nhà Casino, chúng tôi ra ngoài đi vòng quanh tòa nhà để tìm cửa chính vào Casino. Cho tới lúc đó tôi cứ tưởng rằng trong Casino chắc có sòng bài với những dàn máy kéo “Slot machines” nếu không rầm rộ như Las Vegas thì ít ra cũng cỡ như các sòng bài của người da đỏ ở Temecula phía Bắc San Diego (nói là của người da đỏ nhưng không biết họ có được chia chác nhiều không mà thấy chủ nhân là những tư bản da trắng?). Tôi hỏi một anh chàng nhân viên của Casino, anh ta có vẻ ngạc nhiên và trả lời là Casino không có sòng bài, máy kéo mà chỉ có rạp hát có show ca nhạc khi có người mướn và phía trên là vũ trường với sàn nhảy khi có tiếp tân hội họp. Hiện nay Casino như một di tích lịch sử, du khách muốn vào xem có thể mua vé tham dự tour “The Behind the Scenes” dài 50 phút, mỗi ngày chỉ có một tour.

        Những tour đi xem Casino ngắn hơn thì có suốt ngày. Chúng tôi không có tham dự tour này nên không biết có gì thích thú không mà chỉ đi vòng quanh bên ngoài quan sát, ngoạn cảnh, chụp hình. Ba bề của tòa nhà Casino đều là biển xanh, nước rất trong nhìn thấy rừng rong biển dưới đáy, trên bờ trồng những hàng dừa “majestic palms” phong cảnh thật thơ mộng hữu tình không khác gì những vùng biển Ðịa Trung Hải bên trời Âu. Ở đây có khu dành riêng cho những người chơi lặn ngắm san hô, bên ngoài biển họ bao bọc bằng lưới để ngăn cá mập. Tôi thấy có những cặp vợ chồng cùng nhau lặn, mang kính, mặc đồ lặn bằng cao su, mang bình dưỡng khí, đi giày như chân con vịt.


        Lịch sử đảo Catalina

        Trước khi tìm hiểu về lịch sử tòa nhà Casino biểu tượng của đảo Catalina, thiết tưởng chúng ta nên lướt sơ qua về lịch sử đảo Catalina vì hai phần này liên hệ gắn liền nhau, lịch sử nhà Casino nằm trong lịch sử đảo Catalina. Trước thời kỳ văn minh, khoảng 7,000 năm BC đã có người da đỏ bộ lạc Tongva sinh sống trên đảo và họ gọi là đảo Pimu hay Pimugna và thường xuyên trao đổi sản vật với đất liền là vùng biển California và Baja California của Mễ Tây Cơ ngày nay.


        Tiền diện tòa nhà Casino do ông vua kẹo cao su William Wrigley Jr. xây năm 1929.

        Người Âu Châu đầu tiên đặt chân trên đảo là nhà thám hiểm Bồ Ðào Nha tên Juan Rodriguez Cabrillo làm việc cho Tây Ban Nha. Ngày 7 tháng 10, 1542 ông tuyên bố chủ quyền đảo thuộc Tây Ban Nha và có thể đảo là nơi ông được chôn cất sau khi qua đời. Hơn nửa thế kỷ sau một nhà thám hiểm Tây Ban Nha khác tên Sebastian Vizcaino đổ bộ lên đảo vào ngày lễ bổn mạng nữ thánh Catherine (24 tháng 11) năm 1602 nên Vizcaino lấy tên thánh nữ đặt tên đảo là Santa Catalina. Suốt 300 năm sau đó, đảo Santa Catalina trở thành cứ điểm cho nhiều nhóm người kể cả người Nga đi săn hải cẩu, các nhóm buôn lậu và hải tặc người Mỹ có lần đưa di dân lậu người Trung Hoa lên đảo để chờ tàu đưa vào California nên ngày nay trên đảo có địa danh là China Point. Các tu sĩ dòng Franciscan từng thiết lập nhà truyền giáo trên đảo nhưng phải bỏ dở ý định vì thiếu nước ngọt. Vào thập niên 1830 số dân da đỏ chánh gốc trên đảo không còn một ai, có thể đã chết hay di dân vào đất liền theo các nhà truyền giáo.

        Sau đó Mễ Tây Cơ giành độc lập từ người Tây Ban Nha, cũng như các vùng đất miền Tây Nam Hoa Kỳ, California và đảo Catalina thuộc chủ quyền Mễ Tây Cơ. Ðến năm 1848 chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ kết thúc, nước Mễ bại trận phải ký hiệp ước nhường Texas và các vùng đất miền Tây cho Hoa Kỳ. Trong thời kỳ tìm vàng vào thập niên 1860 một số người cũng ra đảo tìm vàng nhưng không mấy kết qủa. Trong trận nội chiến Nam Bắc của Hoa Kỳ, e ngại tư nhân sẽ chiếm đảo nên chính quyền liên bang ra lệnh tất cả mọi người phải rời đảo vào đất liền và một đơn vị quân đội được gởi ra giữ đảo và đóng quân ở làng Two Harbors. Doanh trại của họ hiện là kiến trúc cổ xưa nhất trên đảo ngày nay là Hội Thuyền Buồm (Isthmus Yacht Club).


        Bờ biển nước trong xanh bên cạnh tòa nhà Casino.

        Vào cuối thế kỷ 19 đảo Catalina trở nên hoang địa không còn ai ở trong khi đó thành phố Los Angeles phát triển nhanh chóng dân số lên đến 50,000 vào năm 1890 và người ta dự định biến đảo Catalina thành nơi nghỉ mát. Nhà đầu tư địa ốc đầu tiên là George Shatto mua đảo với giá 200,000 USD và xây khách sạn Metropole là khách sạn đầu tiên ở Avalon. Ông là người có công xây dựng thành phố Avalon như làm đường sá, xây cầu tàu, mua một chiếc tàu chạy bằng hơi nước để hàng ngày chuyên chở hành khách hàng hóa từ đất liền ra đảo cũng như quảng bá đảo du lịch với dân chúng. Nhưng mộng ước của ông tan theo mây khói, chỉ vài năm sau ông không tiền trả nợ và đảo Catalina trở về chủ cũ là công ty địa ốc Lick. Người thứ nhì mua đảo là các con của ông Phineas Banning mua đảo vào năm 1891 và tiếp tục chương trình dang dở của ông Shatto, phát triển thêm các công trình trên đảo như tráng nhựa những con đường, xây nhà nghỉ cho thợ săn, xây khách sạn ở Two Harbors (hiện nay vẫn còn và là khách sạn duy nhất ở làng này). Không may cho anh em Banning vào ngày 29 tháng 11, 1915 một trận hỏa hoạn dữ dội thiêu rụi phân nửa thành phố Avalon trong đó có 6 khách sạn và một số câu lạc bộ. Anh em nan Bannings bị nợ ngập đầu thêm nữa trận Ðệ Nhất Thế Chiến khiến ngành du lịch trì trệ khiến họ phải bán các cổ phần cho vua sản xuất kẹo cao su (chewing gum) là William Wrigley Jr. vào năm 1919. Ông này nghĩ rằng muốn đảo có người ra chơi thì phương tiện vận chuyển phải hữu hiệu nên đã phát triển đội tàu tân tiến hơn, ông mua cả tàu chiến cũ như hai chiếc S.S. Cabrillo, S.S. Virginia mỗi chiếc có thể chở đến 1,500 hành khách. Tuy mang danh vua kẹo cao su nhưng ông rất hào phóng, ông còn đặt ra giải thưởng cho người bơi từ đất liền ra đảo và người thắng giải là tay bơi người Canada George Young bơi ra đảo mất 15 giờ 44 phút thắng giải được 25,000 USD, hai người phụ nữ về kế tiếp được 2,500 USD mỗi người. Nên nhớ tiền thời ấy rất có giá, vé tàu ra đảo lúc đó chỉ có 2.50 USD mỗi lượt! Vua kẹo cao su Wrigley cũng là người xây tòa nhà nổi tiếng Casino như chúng ta thấy ngày nay mỗi khi ra chơi đảo.

        Trịnh Hảo Tâm

        Comment


        • #5
          Viếng đảo Catalina ngoài khơi Quận Cam (tt)


          Du khách ra thăm đảo Catalina ở miền Nam California, sẽ bắt gặp một ngôi nhà trắng nằm ngay tại bờ biển. Ngôi nhà có tên là Casino nhưng không phải là sòng bài mà là một hộp đêm, một thời huy hoàng vang bóng với những minh tinh Hollywood thời trước Ðệ Nhị Thế Chiến. Ngày nay Casino xưa vẫn còn đó nhưng vắng bóng những giai nhân và không còn tiếng nhạc, ngôi nhà âm thầm lặng lẽ ngày đêm nghe tiếng sóng vỗ.


          Mặt tiền ngôi nhà Casino trên đảo Catalina.

          Catalina Casino ngôi nhà trắng hình tròn là trung tâm giải trí và sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của đảo Santa Catalina được mở cửa vào năm 1929 chỉ sau 14 tháng xây dựng bởi ông vua kẹo cao su William Wrigley Jr . Sau khi mua đảo Catalina vào năm 1919 ông bà Wrigley bắt tay vào việc biến đảo thành một địa điểm du lịch trong đó có việc xây dựng Casino làm nơi giải trí hội hè của giới du khách giàu có vùng Los Angeles-Hollywood thời ấy. Trước tiên ông cho xây nhà khiêu vũ Sugarloaf Casino ở ngay bãi biển, ban ngày cũng tại nơi đây là trường trung học đầu tiên trên đảo. Ngôi nhà hoạt động được vài năm, thấy quá nhỏ không đáp ứng được số du khách đến chơi ngày càng đông nên ông cho phá bỏ và xây ngôi nhà Casino mới với phí tổn 2 triệu Mỹ kim vào thời ấy là số tiền rất lớn. Số lượng sắt khung sườn của casino cũ hiện nay được chứa ở công viên chim (Bird Park) trên núi mà trong tour du ngoạn thành phố xe chúng tôi có đi ngang qua. Công viên chim thời ông Wrigley là vườn nuôi chim lớn nhất thế giới nhưng ngày nay là nơi săn sóc người già.

          Ngày 29 tháng 5, 1929 nhà Casino mới được khánh thành theo kiểu kiến trúc Art Deco phối hợp với kiểu vùng Ðịa Trung Hải. Ngôi nhà hình tròn phía dưới là rạp chiếu bóng 1,154 ghế, đầu tiên trên thế giới được thiết kế với tường cách âm và tầng trên là vũ trường (ballroom) mênh mông chứa được hơn 6,000 người khiêu vũ. Từ rạp hát tầng dưới lên vũ trường bên trên ông Wrigley không cho làm cầu thang từng bậc mà xây đường lên “walkway” để khách khiêu vũ cùng dìu nhau lên lầu trông thanh lịch hơn. Ngôi nhà Casino 3 mặt là bờ biển, tiền diện nhìn vào đất liền, kiến trúc chỉ có 2 tầng lầu nhưng chiều cao tương đương với ngôi nhà 12 tầng. Casino mới được tân trang lại cách nay vài năm, hiện rạp hát chỉ trình diễn khi có người thuê và vũ trường trên lầu hàng năm làm nơi dạ vũ chào đón năm mới hoặc cho thuê làm đám cưới hoặc làm nơi triển lãm, hội họp. Casino là một di tích lịch sử vang bóng một thời và là danh thắng, hình ảnh biểu tượng cho đảo du lịch Catalina của tiểu bang California.


          Gặp bà du khách Mỹ từ Little Saigon ra chơi đảo.

          Năm 1932, ông Wrigley qua đời, con trai là Philip tiếp tục sự nghiệp kinh doanh du lịch trên đảo như mở thêm các cửa hàng, xây đường sá và nhất là mở phi trường Sky trên núi về phía Bắc Avalon. Trong lúc phi trường được xây dựng thì trận Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng xảy ra mở đầu cho Hoa Kỳ tham gia Thế Chiến Thứ Hai và đảo Catalina được liệt vào vùng quân sự dưới sự kiểm soát của liên bang đề phòng quân Nhật tấn công đổ bộ lên California. Năm năm sau, 1946, chiến tranh kết thúc, đảo được quảng bá trở lại làm nơi du lịch như trước. Philip và gia đình Wrigley muốn đảo Catalina vẫn giữ vẻ thiên nhiên nguyên thủy nên năm 1972 thành lập hội bảo tồn Santa Catalina Island Conservancy và mua 88% diện tích đảo và hội hiện nay là cơ quan quản trị đảo. Ngày nay đảo không thay đổi gì mấy, vẫn giống như xưa, vẫn những con phố nhỏ êm đềm vắng tiếng xe cộ và không có một trụ đèn lưu thông nào!

          Rời Casino chúng tôi đi ngược lên hướng Bắc theo con đường dọc theo bờ biển với hàng cây cọ Majestic Palm thơ mộng là tới bãi tắm Descanso Cove. Bãi biển cát trắng không tảng đá nào và nước rất trong, trên bờ dưới bóng mát của rừng cây cọ là những chiếc ghế bố để du khách nằm thư giãn tạm quên nhịp sống tất bật ở những thành phố trong bờ. Chúng tôi trở lại khu trung tâm Avalon ghé quán cà phê ở khu thương xá khách sạn Metropole nhâm nhi cốc cà phê đen cho đỡ cơn buồn ngủ và ngồi nghỉ chân trong chốc lát. Sau đó tiếp tục nhàn tản về hướng cầu tàu, đi qua các cửa hàng bán đồ lưu niệm, thấy những vỏ ốc to mà dân hải đảo vùng Thái Bình Dương dùng làm kèn tù và để thổi. Giá 8 đồng một vỏ ốc dầy và nặng có lẽ Made in China làm giả bằng chất vôi xi măng nào đó chứ không phải ốc thật! Cả những con sao biển (star fish) cũng vậy, to và nặng lại không có mùi hải sản khô như những con thật!

          Ði một hồi gặp lại bà người Mỹ cùng chuyến tàu, bà cũng ra đảo trong ngày sinh nhật cũng như vợ tôi, nên đi tàu Catalina Express miễn phí. Chúng tôi ngồi trên băng ghế nói chuyện, vẫn biết là không nên hỏi tuổi phụ nữ nhưng thấy bà nói chuyện thân tình. Bà nói sinh năm 1946, bà ra Catalina lần này là lần thứ hai, lần trước cách nay khoảng 30 năm, bà cư ngụ ở thành phố Westminster (là nơi có cộng đồng người Việt Little Saigon), hôm nay chồng bà bận việc xây cất nhà cửa với người Việt Nam nên ông ta đi không được. Bà nói chồng bà gốc người Thổ Nhĩ Kỳ làm nghề thầu khoán xây cất, ông ta rất thích Việt Nam và đã từng đi Việt Nam nhiều lần để… đấu thầu các công trình xây dựng (không biết xây dựng thật hay bà bị lừa?). Bà hỏi tôi về du lịch, đi nơi nào thích nhất, giá rẻ, phục vụ chu đáo, tôi cho bà số điện thoại của những văn phòng du lịch ở Little Saigon mà tôi thường đi. Bà cũng hỏi tôi ăn trưa vừa rồi ở đâu, tôi nói chúng tôi vào chợ Vons mua sandwich, bà nói bà ăn ở một nhà hàng lớn nhưng không ngon, chắc chiều nay bắt chước tôi vào chợ mua sandwich cho tiện.


          Một quán ăn trên thị trấn Avalon.

          Chúng tôi từ giã bà và cũng định kiếm nhà hàng ăn trưa muộn vì lúc ấy cũng hơn 3 giờ chiều. Ði mãi qua các nhà hàng cũng không thấy món nào mình thích vì cũng chỉ là hamburger, steak, pizza, taco, burrito. Thấy một nhà hàng Thái, nhà hàng Tàu nhưng chắc là không khá, không tiệm phở nhà hàng Việt Nam nào, cũng không thấy một tiệm nail nào của người Việt. Thôi đành trở lại… chợ Vons đến quày “food to go” xem coi có món nào nhẹ nhàng (về lượng lẫn giá) không? Thấy có hộp mì “Macaroni and Cheese” nóng và hộp gà Rotisserie, lấy hai thứ này và hai lon Coke. Ra bờ biển tìm băng ghế dưới bóng cây để ăn trưa, ăn xong vợ tôi mới phát giác cái áo lạnh mỏng mang theo sao đâu mất? Trở lại con đường mình đi không thấy rớt đâu, cuối cùng vào lại chợ Vons tìm kiếm cũng không thấy. Trước khi ra khỏi chợ hỏi cô thu ngân tính tiền người Mỹ, cô này là cô mới thay ca, khác với cô lúc nãy. Cô mới chỉ chiếc áo gió để trong quầy, đúng là áo của vợ tôi, có lẽ rơi xuống đất lúc trả tiền thức ăn.

          Chúng tôi ra cầu tàu Avalon có những quán ăn sơn màu xanh nên gọi là Green Pier, ngồi ở đây xem người ta mướn thuyền để chèo, vừa thuyền mỏng Kayak vừa thuyền gỗ chèo bằng cây dầm. Có chiếc như tàu lặn nhỏ sơn màu vàng nhưng nó không lặn thật mà chìm phân nửa để du khách nhìn qua cửa kính dưới độ sâu 6 feet xem san hô và cá lội. Một loại tàu khác có đáy tàu bằng kính cũng xem cảnh dưới biển, giá rẻ hơn tàu “nửa chìm nửa nổi.” Vài người cho biết đi hai loại tàu này cũng rất thích thú.

          Sáu giờ 30 chiều chúng tôi sắp hàng xuống tàu Catalina Express để trở về Long Beach. Chúng tôi ngồi ngoài trời trên tầng cao phía trước mũi tàu nhưng khi tàu ra khơi sóng đánh nước tung lên và gió thổi bần bật khá lạnh, chúng tôi phải tìm xuống khoang hành khách phía dưới. Không còn hai ghế gần nhau nên phải ngồi mỗi người một nơi và mơ màng trong chốc lát. Sau một giờ lướt sóng ra khơi biết mặt trùng dương, 8 giờ tàu vào con kênh có chiếc Queen Mary đậu, chui qua dưới chiếc cầu và cập bến ở Long Beach nhẹ nhàng. Chúng tôi đi vào nhà đậu xe, lấy xe và tìm lối vào xa lộ 710 để trở về nhà.

          Một ngày đi tàu cao tốc lướt sóng ra thăm đảo Catalina chỉ cách bờ 22 miles nhưng cảnh trí trên đảo hoàn toàn khác với đất liền. Ngoài đó không có xe cộ, không đèn giao thông, không gian yên tịnh chỉ nghe tiếng sóng vỗ, tiếng chuông leng keng của xe đạp và tiếng cười nói của du khách. Chợt thấy tâm hồn thư thái nhẹ nhàng, chợt nghĩ một dịp nào đó sẽ ra ở đôi ba ngày để tâm tư lắng đọng hầu vơi đi mối sầu của người lữ thứ tha hương./.

          Trịnh Hảo Tâm

          Comment



          Hội Quán Phi Dũng ©
          Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




          website hit counter

          Working...
          X