Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tát Đìa Bắt Cá

Collapse
X

Tát Đìa Bắt Cá

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tát Đìa Bắt Cá

    Việt Nam Một Thời Để Nhớ "Võ Long Triều"TÁT ĐÌA



    Trong bài viết về bắt cá cạn tôi đã tả sơ cái đìa là một ao lớn thật sâu nằm giữa đồng ruộng, hai bên bờ trồng cây che mát, hai đầu để trống gọi là miệng đìa, người ta vét đất lài từ mí ruộng xuống ao sâu để cho cá dễ xuống đìa vào mùa khô. Gia đình tôi có ba cái đìa: Ðìa Sen dù không có cây sen nào nhưng vẫn gọi là đìa Sen, Ðìa Lá gần mương đầy cây dừa nước gọi là đìa lá. Ðìa Bầu có cây trâm bầu to lớn mọc quanh bờ che mát. Ðìa nhiều cá nhứt là đìa Sen nằm giữa ruộng sâu mênh mông, mùa khô cá rút về đó thấy sẵn có ao to đúng là nơi trú ẩn lý tưởng trong mùa khô.


    Mỗi năm khoản tháng chạp khi gió có mùi hương lạ, mùi rơm ra ẩm ước, mùi đồng lúa mới gặt xong, nhà tôi gọi đó là gió Tết; là thời gian phải chuẩn bị tát đìa vì cũng là lúc dân làng rảnh việc nên dễ huy động những tay lực lưỡng tham gia tát nước. Trước khi tát đìa nhiều việc cần phải chuẩn bị:

    1- Dọn sẵn chừng 20 cái lu bự còn gọi là máy lớn chứa đầy nước để rộng cá.

    2- Kiểm soát lại những giỏ có bề sâu dùng đựng hay gánh cá đi đường xa. Giây quay phải thật chắc, thường làm bằng lạc dừa.

    3- Ðường di chuyển cá từ đìa về đến nhà tôi khá xa. Tôi thấy có sẵn một đôi trâu kéo “cộ” trên sàng cộ có lót lá chầm và bốn bên dừng lá cao hơn một thước. Cộ là một loại xe bằng cây thấp, cao hơn mặt đất chừng 5 tất. Bề ngang một thước rưởi hoặc hai thước, dài ba thước. Bánh xe được thay thế bằng hai cây đà dọc thật to, đầu cong quớt cao để lướt qua những bờ đê của ruộng, mặt cộ lót những cây ngang kềm cứng. Người ta thường dùng cộ để kéo lúa, cộ rơm từ ruộng về nhà. Trâu kéo cộ đi trên ruộng đất khô nẻ lồi lõm cũng giống như chó kéo xe trợt tuyết đi chậm mà ta thường thấy trong TV hay Cinéma.

    4- Tuyển đủ nhân công để tát nước, ít nhứt từ 16 đến 20 người.

    5- Phải có sẵn hai “gàu sòng”, phòng khi một bị hư. Gào sòng làm bằng nang tre đương thật khít, sơn bít bằng dầu hắc hay dầu chay, múc nước vào không chảy. Ðầu trên miệng lớn, tròn bằng một ôm tay đường kính chừng 6 tất, dài sáu bảy tất, đít gàu tóp nhỏ dần cúi đáy chỉ còn chừng 3 tất. Miệng gàu kết một cây ngang thật cứng chắc, đích gàu cũng vậy. Người ta cột vào hai đầu cây ngang trên miệng và dưới đay mỗi bên hai sợi dây dài bện bằng lạc dừa thật rắn chắc, hoặc dây lượt xe đánh bằng xơ của vỏ dừa. Dù chắc mấy cũng phải có dây phòng hờ khi bị đứt. Bốn đầu dây cột vào một khúc cây ngắn chừng một tất dùng làm tay cầm.

    6- Dọn chỗ ngồi trên bờ ao thật trống trải thoải mái cho những cặp “tát sòng” rộng đường xoay trở và có chỗ để họ trải nóp ngủ đêm.

    7- Vét một cái giếng cạn có nước vừa đủ để giội rửa cá cho hết bùn khi gánh đi hay cộ về.

    8- Nhân công bắt cặp, tay đôi. Khi tát hai người ngồi xa nhau, tay mặt cầm dây cột miệng trên của gàu, tay trái cầm giây cột đít dưới của gàu. Hai người cầm dây căng thẳng cái gàu, rùng xuống hất gàu ra xa chạm mặt nước, tay trái kéo lên tay mặt hạ xuống, cái gàu ụp vào nước múc vô đầy, tay mặt kéo mạnh lên, tay trái hạ theo rồi hai người cùng một lượt đưa gàu nước ra khỏi miệng ao, tay trái căng thẳng dỡ hỏng đít gàu đổ nước ra hết, rồi cứ như thế mà múc đổ hằng trăm hàng ngàn gàu nước. Mỗi cặp tát sòng phải có động tác nhịp nhàng ăn ý với nhau. Năm nào cũng vậy họ quen biết từ lâu, tự họ tìm người hợp ý hợp tình với mình để cặp nhau tác sòng. Cặp này tát mệt, thay tay đổi cặp khác, họ thay phiên nhau tát từ chạn vạng tối cho tới sáng mặt trời vừa ló dạng thì đìa phải cạn nước vì bắt cá và cộ về nhà không thể để nắng trưa làm chết cá. Do đó trước khi tát, người thân tín của gia đình tôi là bác ba Ninh và bác ba Cử phải tới nơi ước lượng chừng bao nhiêu cặp tát nước và thời gian bao lâu mới cạn đìa lúc mặt trời vừa mọc, tùy theo năm đó có ít hay nhiều nước. Có khi phải khởi sự tát lúc xế chiều thì mới kịp bắt cá lúc sáng sớm. Sau nầy người ta dùng máy bom nước, tiện lợi hơn nhưng mất cái đặc thù của thôn quê Miền Nam lúc tôi còn thơ ấu.




    Mỗi khi tát đìa ông nội tôi bịt khăn đầu kiểu mấy ông nhà quê, tay xách ba-ton tới xem thật sớm. Chúng tôi cũng kéo theo hết bọn vì không thể bỏ qua cơ hội rất hứng thú mỗi năm chỉ thưởng thức được có ba lần. Chỉ có tát Ðìa Sen nhà tôi mới chuẩn bị kỹ càng như vậy chớ Ðìa Bầu thì cần ít người tát, cá không nhiều, gánh vài ba chục gánh là hết, không cần đến cộ. Ðìa Lá còn ít hơn nữa, gần sát vườn dừa mương rạch bên cạnh, cá di chuyển ra sông cần chi phải ở lại đìa.

    Sự sung sướng của ông nội tôi lúc tuổi già là nói chuyện khào với nhân công đang tát, nhắc chuyện năm ngoái năm xua, kể lại kỷ niệm ngày ông còn trẻ. Hoặc thúc hối họ lẹ tay chuyển gàu nếu thấy còn nước nhiều hay là khen thưởng vì thấy nước đã cạn và một hai người xách giỏ lội xuống bắt những con cá lớn trước. Họ có nhiệm vụ gánh về mau bỏ vào lu máy đày nước rộng cho chúng sống lâu. Cá lóc thật lớn bằng bắp chuối hay bắp vế thông thường ông nội tôi không cho phép giết ăn, ông buộc phải rộng chúng nó sống chờ đến mùa mưa sẽ thả lại trong đìa cho nó tiếp tục sinh sản.

    Nguyên tắc là phải bắt cá lớn trước nhưng trên đường rượt theo cá lớn nếu có cá nhỏ hơn thì cũng cho vào vỏ luôn. Ðứng trên bờ thấy cá lớn chạy lướt trên bùn rẻ sống, thiên hạ la ó chỉ trỏ, lớn họng nhứt là anh em chúng tôi, các chú dưới đìa hô to: Coi kìa, coi kìa, xe hơi chạy dưới nước đó! Cả đám cười vang dậy trong đó có đám đông dân nghèo kéo tới “bắt hôi”, nghĩa là bắt mót những con cá đã chui vô bùn mà nhóm người làm công bắt không hết. Nhân công bắt cá dàn hàng ngang và từ từ bắt, được nhiều cá họ xách giỏ đổ vào cộ, ông nội thấy khá nhiều liền ra lệnh cộ về nhà gắp. Cá lóc, cá trê, cá rô to bỏ vào lu rộng chờ ngày ngày Tết, đám giỗ hay giết ăn hàng ngày. Còn cá nhỏ để thành đống, chết sẽ làm mắm liền trong ngày. Năm nào trúng mùa cá nhiều phải cộ ba bốn cộ. Cá nhỏ đổ từng đống theo loại nhìn thấy tôi phát ớn luôn.

    Trong lúc bắt cá mạnh ai nấy la ó, phê bình, phát biểu. Nào là cá nhiều quá, nào là cá rô ít, năm nay trúng mùa, năm ngoái ít cá. Người nầy khen người kia bắt giỏi, hay tiếng kêu phải chờ nhau để theo cho kịp hàng. Lâu lâu có tiến kêu trời, ui da, hay chửi cha chửi mẹ con cá trê đâm nhứt quá. Có người bất cẩn bị đâm nhứt quá chịu không nổi phải ra về, người khác thay thế. Mấy chú tát xong nhào xuống bắt cá ít lắm cũng phải sáu bảy người.

    Bắt qua một lược bắt lại một lược rồi bắt sơ qua một lần nữa là đề cho “con hôi” tràn xuống mạnh ai nấy bắt. Thông thường họ bắt cá nhỏ, ai cũng có bởi vì những con chui xuống bùng lâu nó ngợp phải trồi lên là bị chụp liền. Khắp nơi dưới mặt đìa đều có người. Ðôi khi có người đạp trúng cá lốc thật to bắt được nó là người nhà tôi yêu cầu đổi lấy con cá đó bằng một đục đầy cá nhỏ họ mừng rỡ vô cùng. Do đó tôi thường nghe tiếng van vái “ông ngay ông địa làm ơn cho tôi mò trúng một con thật bự đổi lấy đục cá về nhà tôi sẽ cúng ông một nải chuối”. Những tiếng cầu xin ông Ðịa thật vui, buồn cười mà cũng thật tội nghiệp.

    Có những đứa bé gái nhỏ cũng xách đục bắt hôi nhưng mò không lợi người ta chỉ có vài ba con cá sặc nhỏ mặt buồn hiêu, anh năm và tôi gọi nó cho thật nhiều cá, mặt nó sáng rỡ miệng cười toe toét. Con nít nhà quê không biết nói tiếng cám ơn. Phải nhìn cặp mắt và gương mặt của nó mới cảm thông được sự cảm động ngây thơ của nó đáng thương vô cùng. Nhiều đứa thấy vậy phân bì cười đùa nói “phải biết trước hồi nãy tôi không thèm bắt chờ mấy cậu cho còn nhiều hơn tôi bắt nữa”.

    Ngoài cái vui và khoan khoái nhìn thấy cá, chúng tôi cũng lội bắt nhưng chỉ tìm cá lóc hay cá rô chớ không dám đụng tới cá trê. Bắt cá là một thú vui khá đặc biệt khi túm được nó giãy giụa trong tay, cho mình một cảm giác khoái lạc lạ thường.


    Mỗi lần đi xem tát đìa là chúng tôi lận theo một gói muối ớt và vài chục cây tre vót nhọn chừng 7 tất. Lội bùn phá đám, bắt cá, chai rong, xem đầu nầy hỏi đầu kia, tới khoảng 10 giờ là khởi sự đói rồi. Chúng tôi bắt những con cá lóc bằng cườm tay thọc cây vào miệng xóc tới đuôi, rửa sơ, cấm ngược đầu xuống đất, rải lên một lớp rơm dầy, xẹt diêm đốt rơm cháy tàn là cá chín, như vậy gọi là “nướng trui.” Tay cầm con cá tay cầm nắm rơm bẻ cong lại cạo sạch vẫy cháy đen. Cá còn nóng hổi gỡ từng miếng chấm muối ớt ăn ngon lạ kỳ, ăn đến no mới thôi, ruột cá vừa béo vừa ngon thật khó tìm nơi nào có được món ăn như vậy. Cá tươi mềm mụp còn ướt nước ngọt, không khô và lạc như cá nướng do các quán ăn ở chợ Cầu Ông Lãnh hay nơi khác bán cho khách hàng.



    Sưu tầm online


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X