Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phi Vụ Chuyển Quân & Yểm Trợ Bằng Trực Thăng Cho Trận Chiến Hạ Lào 71

Collapse
X

Phi Vụ Chuyển Quân & Yểm Trợ Bằng Trực Thăng Cho Trận Chiến Hạ Lào 71

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phi Vụ Chuyển Quân & Yểm Trợ Bằng Trực Thăng Cho Trận Chiến Hạ Lào 71

    Nói đến trận chiến hạ Lào thì không thể quên được những sự hy sinh của các chiến sĩ đã chiến đấu hết mình vì tổ quốc. Trận chiến hạ Lào là một minh chứng hào hùng cho lịch sử dân tộc.

  • #2
    Giờ Này Anh ở Đâu?

    Comment


    • #3
      Trận chiến hạ lào 1972 hy sinh nhiều chiến sĩ

      Nhớ trận Hạ Lào - Lam Sơn 719
      ( Cựu Cơ Phi P. Thông
      PĐ 239, KĐ51/SĐIKQ, Đà Nẵng )
      Cuối năm 1970, tôi tốt nghiệp từ Trung Tâm Huấn Luyện KQ Nha Trang ngành Cơ khí viên Phi hành trực thăng (gọi tắt là Cơ Phi) chỉ số 43.150PH và được cha mẹ "chạy piston" một phát ra ngay phi đoàn trực thăng mới thành lập là PĐ 233 phi trường Đà Nẵng -Xa xôi diệu vợi - Từ giã Sài Gòn mà lòng muốn khóc.
      Khi ra trình diện đơn vị thì mới biết Phi Đoàn của mình chưa có cơ sở hay văn phòng gì cả, nên tạm thời anh em Cơ phi chúng tôi được đặc phái cho một trong những phi đoàn trực thăng kỳ cựu của KQ là PĐ 213 Song Chuỳ. Mấy tháng đầu, chúng tôi được cắt đi bay vùng nam Đà Nẵng, quận Đại Lộc và tham dự các trận đổ quân chung quanh đồi 55 của Trung Đoàn 51 Biệt Lập.
      Hai tháng đi bay này là kinh nghiệm rất quí báu đối với chúng tôi để học hỏi trong khi mặt trận chưa có gì sôi động. Vùng I chiến thuật vẫn còn yên tĩnh một phần cũng nhờ các căn cứ hoả lực của BB và TQLC Hoa Kỳ giữ an ninh, Sư Đoàn Americal trấn thủ vùng Chu Lai, Quảng Ngãi cùng với SĐ2BB. Quanh Đà Nẵng thì TQLC Hoa Kỳ. Vùng Huế, Thừa Thiên là SĐ 101 Airborne và SĐ1BB của VN.
      Khoảng đầu tháng hai năm 1971, sau khi ăn một cái Tết đầu tiên ở miền Trung thì thời tiết Đà Nẵng bắt đầu lạnh giá đối với những người trong Nam mới ra, chúng tôi được tin từ phi đoàn là sẽ có một cuộc hành quân rất lớn gần vùng Phi Quân Sự hay là Khe Sanh gì đó và PĐ213 sẽ được biệt phái ra Đồng Hà để yểm trợ cho quân bạn.
      Chiều ngày 10 tháng 2, tôi nghe được tin từ PĐ là cơ phi Nguyễn Hoàng Ánh (cùng khoá với tôi) và Đệ (nhân viên của PĐ213) đã mất tích và coi như là tử trận, vì hai chiếc trực thăng đó đã bị phòng không bắn nổ trên vùng trời Hạ Lào, trong một phi vụ chở bộ tham mưu QĐI và bốn phóng viên ngoại quốc đi căn cứ hoả lực BĐQ Bắc và BĐQ Nam. Nếu quí vị muốn biết thêm chi tiết về phi vụ đinh mệnh này xin tìm đọc cuốn "Lost Over Laos", của tác giả Richard Pyle (cựu phóng viên AP ở Sài Gòn). Cơ phi Ánh và Đệ cùng cư ngụ chung cư xá với tôi, cả hai còn rất trẻ và dễ thương như những cậu học trò, thường kể chuyện tiếu lâm và cười đùa với anh em. Anh Đệ người hơi nhỏ con và hay mặc bộ đồ bay Nomex của US Army, vì đã ra trường lâu hơn và có nhiều kinh nghiệm nên thường chỉ bảo những gì anh biết.
      *
      Hai tuần sau thì tới phiên tôi được biệt phái ra Đông Hà để tham dự Lam Sơn 719 bên Hạ Lào. Vì mới ra trường nên tôi chưa biết lạnh cẳng là gì, đã không lấy làm sợ mà còn thấy kích thích, còn muốn đi hành quân nguy hiểm. Tôi sinh trưởng ở Sài Gòn nên chưa bao giờ biết mùi lạnh lẽo là gì, nhưng sau khi ngủ một đêm đầu tiên ở Đông Hà, thì trời ơi, lạnh gì mà ghê gớm đến teo cả chim đi!
      Ngày 26 tháng hai, sáng sớm ra tàu để làm tiền phi tôi thấy hơi thở của mình phun ra như khói thuốc thì mới hay độ lạnh đã dưới 5 độ C. Anh xạ thủ răng đánh lạch cạch vì lạnh đang coi lại hai cây M60 và nạp đạn sẵn sàng. Còn tôi và ông hoa tiêu phó làm tiền phi (pre-flight check) chiếc tàu. Chúng tôi nghe phong thanh là tình hình gần biên giới Lào rất nóng bỏng vì các phi vụ ngày hôm trước đều bị bắn tơi bời cả. Mấy phút sau, ông trưởng phi cơ Cao Mạnh Hùng đã ra tới. Anh hỏi vài câu về máy bay và vũ khí rồi kêu anh em chuẩn bị để quay máy, bay vào Khe Sanh túc trực cho QĐI tiền phương hay gọi là Hàm Nghi.
      Trên đường vào Khe Sanh, cả hợp đoàn bay thấp dọc theo QL số 9, qua Cam Lộ, Mai Lộc với những trảng tranh và đồi sim bạt ngàn, thì rừng núi bắt đầu cao chớn chở, những vạt mây giăng ngang sườn núi và gió rất lạnh thổi lồng lộng trong con tàu không đóng cửa. Ngoại trừ anh Hùng mặc áo blouson da anh mang từ Mỹ về dầy cộp rất ấm, ai nấy cũng đều phải khoác thêm một áo lạnh của bộ binh vì cái jacket của KQ cung cấp, không đủ sức để chống cái lạnh tàn khốc của miền đèo heo hút gió này. Để có thêm hơi ấm, thuốc lá được thay phiên phì phèo liên miên trong tàu. Khoảng 30 phút sau thì cả hợp đoàn đáp ở phi trường Khe Sanh, đổ đầy xăng rồi bay tới Hàm Nghi để đợi lệnh hành quân từ Quân Đoàn I Tiền Phương.
      Hồi Tết Mậu Thân 1968, tôi còn đi học ở trường TH Lê Bảo Tịnh, thì đã từng nghe nói về Khe Sanh hầu như mỗi ngày trên TV và báo chí, vì TQLC Mỹ bị quân Bắc Việt bao vây cả tháng trời, cho tới nay tôi mới đựơc hân hạnh nhìn thấy và đặt chân đến một vùng mà chỉ nghe nói cũng đủ nổi da gà. Thật ra vùng Khe Sanh rất đẹp và hơi giống Đà Lạt về rừng rậm và cây cối, nhưng Đà Lạt không có nhiều hố bom B52 như Khe Sanh. Những đồn điền cà phê có từ thời Pháp thuộc nay bị bỏ hoang, thân cây cao lớn, trái chín đỏ đầy cành cũng không có người lính nào thèm hái xuống rang uống chơi, khi mà chiến trận còn đang khói lửa mịt mù. Ở đây còn những vạt chuối rừng mọc dài theo ven suối, trái chín vàng nhưng ăn tệ lắm, đã lạt nhách mà ở trong còn đầy hột như chuối chát ở dưới miền xuôi.
      *
      Khi đang chờ đợi ở Hàm Nghi, tôi và anh xạ thủ check lại tàu và vũ khí lần nữa cho chắc ăn, đâu đó cũng có những Phi Hành Đoàn móc bài ra binh xập xám "chay" cho qua thời giờ. Chẳng bao lâu thì thấy anh SQKQ liên lạc của QĐI gọi tất cả trưởng phi cơ vào họp trong trung tâm hành quân TOC (Tactical Operating Center). Vài phút trôi qua thì anh Hùng trở ra cho biết phi vụ này sẽ chở các phóng viên ngoại quốc. Nghe vậy tôi khoái quá vì nghĩ là phi vụ này cũng nhẹ nhàng. Chốc lát sau có khoảng 4 hay 5 phóng viên đeo máy lỉnh kỉnh, đồ đạc lùm đùm chạy lúp xúp ra tàu, trong số đó có một bà phóng viên Mỹ làm cho tuần báo Time ngồi kề bên tôi. Di chiến trường Khe Sanh chắc lâu ngày không tắm rửa gì nên bà hôi nách thấy mồ tổ, gió trực thăng mạnh như thế mà tôi còn muốn ngạt thở !!! Bà thấy tôi nhăn nhó như con khỉ ăn mắm tôm nên móc ra gói Salem mời cả Phi Hành Đoàn hút (cũng đỡ vã).
      Hầu hết phóng viên chiến trường đều mặc đồ nguỵ trang nhìn giống như biệt kích. Phi vụ này được hai chiếc Gunship Cobra của Lục quân Mỹ hộ tống. Hợp đoàn ba chiếc giữ cao độ chừng 5 tới 6 ngàn bộ bay về hướng Tchepone dọc theo QL9 và sông Tchepone.
      Tôi vốn thích cảnh núi đồi hùng vĩ, thì được ngay dịp này mà ngắm cho bằng thích. Chưa vào tới nơi, mọi người nhìn về phía nam thì thấy từng cây số, khói lửa bừng lên trên màu xanh thẫm của núi rừng-B52 đang trải thảm - Được gãi trúng chỗ ngứa, các phóng viên click camera lia lịa. Thế nhưng chúng tôi nhận được lệnh phải quay 180 độ trở lại Hàm Nghi vì đại bác phòng không chào đón, nổ đầy trời như những cục bông gòn. Thứ này là khắc tinh của Trực Thăng vì tốc độ chậm như vậy sẽ làm mồi ngon cho các đồng chí.
      *
      Về tới Khe Sanh bỏ các phóng viên xuống, vừa bay đi đổ đầy xăng thì tàu tôi nhận được lệnh đi tải thương cho SĐ Dù ở gần đồi 31. Anh Hùng dặn dò anh em cẩn thận trong phi vụ này, bởi vì nguyên một Lữ Đoàn Dù ở đồi 31 đã bị tràn ngập đêm vừa qua và họ đang chạy về hướng đồi 30. Tôi nghe thấy cũng hơi sợ, vì biết rằng trực thăng của Ánh và Đệ cũng bị bắn nổ tung trong vùng đồi 31 này, và L19 còn cho biết là quân Bắc Việt keo này chơi toàn là súng lớn từ 12 ly trở lên tới 57 ly, điều chỉnh bằng radar.
      Phi vụ này có hai gunship của PĐ213 bay hộ tống cho chắc ăn hơn các anh Cobra của Mỹ. Vô gần tới địa điểm thì anh Hùng và hai gunship bay thật thấp để tránh phòng không nên rất khó tìm thấy LZ.
      Quân Dù ở dưới đất gọi máy cho biết họ bị địch bám rất sát, nên không thể sử dụng được khói màu, nên phải trải panel vải màu cam để nhận diện bãi đáp.
      *
      Bay hai ba vòng chung quanh các ngọn đồi cây cao dầy đặc, như phơi bụng phệ cho chúng bắn thì tôi mới thấy tấm vải màu cam, trải ra trên một sườn đồi mà cây rừng mới được đốn hạ. LandingZone nhỏ quá lại trên thế đất slope, gốc cây chĩa lên như một bãi chông coi ghê quá ! Tôi nói với anh Hùng trên intercom "Tôi thấy Panel màu cam ở hướng 3 giờ". Anh Hùng liền bay đảo lại và gọi: "Song Chuỳ 2 thấy bạn rồi, xin cho mật mã". Dù: "Song Chuỳ 2 nhận 5 trên 5. Đây là Quang Trung 1, mặt trời mọc".
      Biết là đúng đơn vị bạn (ngay cả phi công Mỹ cũng đôi khi bị VC lừa, bởi vì địch cũng nói được tiếng Anh để dụ trực thăng Mỹ đáp rồi phóng B40). Anh Hùng nói trên intercom: "Cơ Phi và Xạ Thủ coi chừng hai bên, clear bãi đáp".
      Cả hai nhận lệnh và tôi đã sẵn sàng chong cây M60 lên, Vẹm mà có ào ra là sẽ "Sinh Bắc tử Nam" ngay. Tàu vừa xuống thấp và tốc lực khoảng 30 knots rồi chậm dần để vào final approach thì tôi nhận thấy bãi đáp trước mặt rất ngặt nghèo, nó nhỏ có chút xíu và bao bọc xung quanh là cây rừng cao lớn.
      Thường thì Trực Thăng của VNAF mình, trưởng phi cơ sẽ ngồi ghế phải và Cơ phi cũng ngồi bên phải, nhưng vì chiều gió và sườn đồi không thuận nên anh Hùng phải cho tàu đáp về bên trái. Vì lý do đó cho nên anh không thấy bãi đáp trọn vẹn như phía bên hoa tiêu phó. Một phần nữa là anh em Dù di tản và chiến đấu cả đêm qua, đã quá mệt mỏi cho nên đâu còn sức mà đốn cây cho rộng, trong khi VC cứ nghe tiếng động đốn cây là pháo kích liền.
      Anh Hùng, một tay hoa tiêu từng tốt nghiệp khoá Mèo Đen (BlackCats) của Mỹ ở Non Nước, Đà Nẵng nên tay lái rất vững vàng, nhưng vì sức gió trên đồi rất mạnh, "hover" rất khó khăn, anh đặt được một skid trên bãi đáp lởm chởm, giọng của anh xạ thủ nói lớn trên intercom: "Clear Left".
      Anh Hùng mặc dù trở ngại vì không thấy phía bên trái nhiều, nhưng ráng giữ hover cho các anh em Dù đẩy được một số thương binh và hai poncho xác chết lên sàn tàu. Tôi nghe tiếng AK lóc cóc từ triền cây phía dưới và bên phải bắn vào tàu. Tôi nói trên intercom: "Có AK bắn hướng bên phải", rồi nhoài người ra bắn trả được hai tràng dài thì kẹt đạn. Mẹ cha nó, lúc này mà kẹt đạn thì có tức không? Nhưng có lẽ cũng không cần thiết phải bắn nữa, vì lúc đó tôi thấy địch quân lô nhô dưới chân đồi bắt đầu chạy tán loạn, hai ông nội Gunship nhào xuống bắn minigun như bò rống và rocket phụt ra từ hai bên xối xả.
      Trong lúc tàu vừa nhổm lên cất cánh, sức nặng của thương binh cùng với sức gió đã làm con tàu chao nghiêng về phía trái, trong tích tắc cánh quạt lớn đã chém vào ngọn cây rừng kêu một tiếng "đùng" rất lớn như đạn pháo kích. Hoa tiêu phó la lên "Tàu chém cây rồi!", thân tàu rung lên bần bật, tôi suýt té đái trong quần . Anh Hùng báo cáo cho Gunship: "Tao chém cây, có thể thiệt hại, nhưng ráng cất cánh". Vừa nói xong anh nhấc tàu lên cao, quẹo về hướng phải, chúi mũi để lấy tốc độ, rồi lên cao dần. Lúc đạt được khoảng 60 knots thì tàu bị rung và nhảy nhổm kỳ cục như là cưỡi ngựa.
      Anh Hùng gọi: "Lead Guns, Song Chuỳ 2 bị thiệt hại phải bay chậm, yêu cầu cover cho về tới Kilo Siera". Lead Gunship: "Okay, an tâm, tao đang đi sau mày đây".
      Chúng tôi về đến Khe Sanh lúc trời đã về chiều, từng làn bụi đỏ bay lên ào ạt theo gió cánh quạt. Đã qua một ngày khói lửa, tiếng đề ba của dàn trọng pháo 175 ì ầm bắn về hướng núi. Đài Tiếng Nói Tự Do đang phát ra trên tần số FM radio của máy bay, bản nhạc Bên Cầu Biên Giới qua giọng hát Lệ Thu. Ngồi đây nhìn xuống giòng sông chảy ngoằn ngoèo xuyên qua chân núi phía dưới xa kia, cũng có chiếc cầu nơi vùng biên giới thơ mộng, nhưng đâu còn vẻ yên bình như trong bài hát tiền chiến đó.
      Ở miền xuôi nơi phố chợ hay đô thành, người ta vẫn ăn, vẫn chơi, vẫn đêm đêm nhảy nhót trong ánh đèn màu. Cha mẹ, anh em tôi, người em gái bé nhỏ còn áo trắng đến trường vẫn thản nhiên trong cuộc sống, họ đâu biết chúng tôi vừa thoát chết trở về.
      Last edited by SVSQKQ; 12-28-2016, 01:08 AM.

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X