Thông báo

Collapse
No announcement yet.

TẠI CHÚNG NÓ! (Phương Toàn)

Collapse
X

TẠI CHÚNG NÓ! (Phương Toàn)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • TẠI CHÚNG NÓ! (Phương Toàn)

    Tại Chúng Nó

    Phương Toàn

    MỘT:
    Sau nhiều lần biên chế, già Vân được chuyển về vùng nước mặn, điệp trùng rừng đước. Già không biết địa danh nơi mình đang ở, chỉ biết rằng quanh đây chừng 30 cây số, không thấy dấu chân người. Nhìn xuống đất chẳng có gì khác hơn là sình lầy và cây đước, nhìn lên cao, xa xa, trong những đêm tối trời, già có thể nhìn thấy ánh điện toả sáng một vùng nào đó, và xa hơn nữa, trăm ngàn cây số trên cao, giải ngân hà trắng đục lấp lánh ánh sao..
    Già Vân vào trại cải tạo không phải lỗi tại ông, nó cũng chẳng phải tại ai mà chính là "Tại Trời", già thường nói thế để an ủi cái hiện tại không mấy may mắn của mình.
    Già có mặt trong đám "Sĩ quan tội ác tầy trời" này là sự ngẫu nhiên. Toàn đội là Sĩ quan "Nguỵ trước 75" duy chỉ có già là Sĩ quan sau ngày "Giải phóng". Cấp bực này là do Uỷ ban Quân quản Thành phố phong cho ông.
    Thực ra già Vân chỉ là một công chức làm việc tại Tổng Nha Cảnh Sát, khi toàn dân hồ hởi chào mừng cách mạng, già cũng hồ hởi vào đơn vị cũ xin đăng ký học tập "ba ngày" để học cái hay của đỉnh cao trí tuệ loài người.
    Tại bàn đăng ký, Cán bộ hỏi:
    -Ông cấp bực gì?
    -Tôi là công chức, không có cấp bực.
    -Lương tháng bao nhiêu?
    -Hai mươi lăm ngàn, nếu kể cả phụ cấp vợ và năm con.
    -Hai mươi năm ngàn, bằng nương Trung uý Nguỵ. Thế ông "nà" Trung uý đấy.
    Cán bộ tươi cười thăng cho ông cấp Trung uý, hồ sơ được ghi là Trung uý Cảnh sát thuộc Tổng nha Cảnh Sát Quốc gia!
    Từ đó, mọi nơi, mọi lúc già Vân nghiễm nhiên trở thành một Trung uý, bình đẳng với mọi Trung uý khác. Già hoan hỉ hưởng qui chế lao động như mọi người: Đào ba thước đất mỗi ngày, ăn lưng chén cơm mỗi bữa và hằng năm được gửi về ba lá thư nhắn rằng: "Được Cách mạng lo cho đầy đủ, ở nhà cứ yên tâm, và hứa với vợ là khi nào học tập tốt mới chịu về xum họp với gia đình.

    HAI:
    Kết quả do sự vinh quang của lao động, cộng với sự bồi dưỡng của những món ăn mới lạ, làm khuôn mặt ngũ tuần của già Vân có thêm những đường nhăn ngang dọc, nhìn qua tựa một bức tranh sơn dầu.
    Mấy hôm nay già Vân bị đau răng. Hồi nhỏ vào lứa tuổi của ông làm gì có kem, có kẹo để ăn, nên già biết bệnh đau răng này không phải lỗi tại mình, chắc là nó phải "Tại Trời".
    Dạo này ta và Trung Quốc hết tình "môi hở răng lạnh", đang đánh nhau bươu đầu sứt trán ở biên giới, nên già được phát một cốc bo bo luộc thay cho lưng chén cơm mỗi bữa. Cái hàm răng trời phú cho ông chưa bị gãy cái nào, nhưng được cái tật, cứ vài tháng nướu lại sưng vù lên, đau tận mạng.
    Nay đúng cữ, hàm răng đau hợp đồng với cốc bo bo hành hạ ông chí tử!
    Già Vân không chịu nổi cảnh ngày lao động, đêm ôm cằm mà xoa, nên bàn với Đức, một bạn đồng tù, tìm cách nhổ cái răng hư.
    -Già quyết định nhổ thiệt sao?
    -Nhổ, chết cũng phải nhổ.
    -Đau lắm, không có thuốc tê.
    -Đau một ngày còn hơn đau lai rai cả đời.
    Thế là hai người nhất trí lên phương án.
    Sau hai tuần chuẩn bị trong sự hồi hộp của hơn trăm tên tù, già Vân được đè ngửa trên chiếc sạp để nạy chiếc răng sâu ra khỏi miệng.
    Một cựu Trung úy Nha sĩ sau 3 năm đào đất nay rất hân hoan được Già Vân tin tưởng như một Hoa Đà tái thế....
    -Đau! Nhẹ tay chứ!
    Già Vân lắc nhẹ chiếc đầu hói, năn nỉ tên Nha sĩ.
    -Đau một ngày còn hơn lai rai cả năm.
    Đức lập lại câu nói của Già Vân, hai tay ghì chặt đầu của già xuống cái sạp làm bằng cây đước cong queo, thuận tiện cho tên Nha sĩ biểu diễn tay nghề.
    Đứng chực bên cạnh là hai bạn đồng tù. Một tên cầm cây kềm sửa xe đã rỉ sét, tên kia cầm cây đinh khá lớn đã được đập bẹt một đầu, quà tặng của một bạn làm bên toán thợ rèn. Đó là những dụng cụ tân tiến nhất mà toàn đội tìm được để giúp già Vân trục chiếc răng sâu ra khỏi miệng vào một ngày ở cuối thế kỷ thứ 20.

    BA:

    Già Vân ngồi bên bờ rạch để chờ Đức dìu qua phía bên kia. Từ ngày biên chế về đây Già đã nhờ anh em nhiều trong công tác lao động, Già cũng còn nhờ thêm một chyện khác, đó là vấn đề băng ngang sông rạch.
    Từ chỗ ở đến chỗ làm thường phải đi qua năm sáu con rạch lớn nhỏ. Lúc nước ròng thì nước chỉ sâu tới đầu gối, nhưng khi nước lớn muốn băng qua bên kia chỉ có cách là bơi. Già Vân không biết bơi, đó không phải là tại ông mà bởi vì Tại Trời! Trời bắt ông sinh ra giữa lòng Sài Gòn nơi ông không thể tập bơi hàng ngày được.
    Hôm nay nước lớn quá, Già Vân không thể lội qua mà Đức lại bận lãnh dụng cụ lao động chưa đến. Lợi dụng chút thời gian này, Già ngồi bên bờ rạch, thả hồn theo giòng nước trôi vô định.
    -Làm gì đây?
    Hai tên Vệ binh phát hiện ông bên bờ rạch, quát hỏi.
    -Dạ, chờ qua sông.
    -Sao không qua?
    -Tôi không biết bơi.
    -Không biết bơi thì qua ngầm.
    Già Vân run run đứng lên nhưng khựng lại nhìn giòng nước chảy xiết:
    -Dạ, qua ngầm sợ chết đuối mất.
    -Chết cũng phải qua.
    Tên Vệ binh đưa mũi súng về phía ông, lên đạn.
    Già Vân rươm rướm nước mắt, bước xuống con rạch.
    Chết, phen này chết chắc. Già lội dần ra giữa giòng. Nước mặn chảy xiết làm gai ốc già nổi lên. Nước ngập ngang bụng rồi ngang cổ, lên dần đến mũi.
    -Đứng lại.
    Tên Vệ binh quát lớn rồi đưa tay ngoắc ông trở lên.
    Già Vân hoan hỉ nhích từng bước trở lại trong chuỗi cười vang của hai tên Vệ binh.
    Đức dìu Già Vân qua rạch bằng phương pháp mới. Già không còn được ung dung nằm ngửa vì có hai người xốc hai bên nách như mọi lần, vì bây giờ chỉ có một mình Đức, mà hắn còn phải cầm theo hai cái xẻng nặng chịch.
    Đức bảo:
    -Bố già, đã bao lần qua rạch rồi, bố không bơi được được chút nào sao?
    -Không.
    -Lần này có một mình, con lại còn cầm xẻng, bố phải giúp mới qua được.
    -Giúp cách nào?
    Đức giải thích là tuy không biết bơi, nhưng già cũng phải quẫy đạp hai chân như cái chân vịt của máy đuôi tôm, còn Đức thì nắm tóc già mà kéo tựa như chiếc tàu giòng kéo xà lan.
    Kỹ thuật này phải phối hợp nhịp nhàng: Cứ 10 giây đồng hồ là Đức lại nâng đầu già Vân khỏi mặt nước cho già thở một lần, vì thế già phải chuẩn bị để thở trước đó vài giây. Theo kế hoạch thì chỉ cần 5 lần là một già một trẻ sẽ tới bờ bên kia an toàn.

    Già Vân được dìu về trại sau chuyến vượt sông cải tiến. Đức thì được phát cho xấp giấy để làm tự kiểm. Lỗi này đúng là tại Ông Trời, vì đâu phải tại Già Vân mà cũng chẳng phải tại Đức.
    Nói nào ngay ý kiến của Đức thật là hay khi phải đưa già qua sông một mình, duy chỉ có điều là nhịp đếm của hai người không ăn khớp, thế nên mỗi lần già Vân chuẩn bị thở thì bị Đức dìm đầu xuống mà kéo, lúc già uống xong ngụm nước mặn chát và nghẹt thở thì lại được Đức nâng đầu lên khỏi mặt nước. Kết quả là sau dăm lần như thế thì chiếc chân vịt của già Vân thôi đập, chiếc xà lan để mặc cho Đức lôi vào bờ rồi kêu cứu ầm cả khu vực rừng đước mênh mông.

    BỐN:
    Việc già Vân suýt chết đuối được loan truyền cả đội, Quản giáo nghe chuyện nên điều già vào tổ chăn nuôi.
    Nhân kỷ niệm ngày nước nhà thống nhất hôm 30 tháng tư, toàn trại phát động phong trào thi đua, già Vân được giao cho một con heo sữa mới đưa về trại.
    Mọi người trong Ban Quản Huấn bắt đầu gọi già bằng một tên mới là "Anh Quản Nợn".
    Sáng hôm sau, tù cải tạo được tập họp lại để nghe Quản Nợn Đoàn Vân thách đó các đội khác về năng xuất chăn nuôi. Do sự mớm lời của Quản giáo, già Vân hạ quyết tâm nuôi heo mỗi ngày lớn nửa cân, cho dù chính ông cũng không biết nửa cân ngoài bắc nó nặng là bao nhiêu.
    Sau khi tan hàng về lều, già Vân cảm thấy mình hơi ngu khi hạ quyết tâm vừa rồi, nhất là khi nghe bạn tù xầm xì to nhỏ:
    -Lấy cứt cho nó ăn để mỗi ngày lớn nửa cân hay sao.
    -Họa chăng hàng ngày thổi heo bằng ống đu đủ.
    Đã phóng lao thì phải theo lao, già Vân chỉ còn cách lo chăm sóc cho con heo, còn nó có lớn lên hay không là... Tại Trời.
    Thấm thoát mà đã hai tháng trôi qua, già đã làm hết sức để cho heo lớn thêm nhưng hình như nó cứ ì ra như ngày mới đến, khổ sở hơn khi già nghe các bạn bông đùa:
    -Hình như nó nhỏ hơn ngày mới nuôi.
    -Già Vân hạ quyết tâm nuôi con heo ngày sụt nửa cân.
    Đúng ra theo quyết tâm đã hứa, thì sau hai tháng con heo phải lớn thêm ít nhất là 30 ký, mộng ước này bây giờ đã tan theo mây khói, già Vân chỉ ước ao sao cho con heo bằng ngày mới nuôi , đừng như cái xác của già teo lại so với ngày mới nhập trại.
    Một phái đoàn gồm Chính ủy, Quản giáo, Đội trưởng, tháp tùng bằng nửa tá Vệ binh xuống chuồng để đánh giá mức thi đua của đội.
    Sau khi ra về, cả bọn tươi cười, có vẻ hài lòng, già Vân đoán không ra vụ việc vì ngoài cái thân ốm yếu của già, chỉ còn cái xác nhăn nheo của con heo thi đua, thì có gì đáng hồ hởi.
    Nhưng việc của Đảng, thì chỉ có Trời biết mà thôi.

    NĂM:
    Quản giáo thay mặt Chính ủy đọc "Kết Quả Thi Đua Nuôi Nợn":
    -Nợn đội Ba đã chết tuần trước; nợn đội Hai thì khúc đuôi teo như đít sư tử đực; nợn đội Một nhìn chung thì tuy không nhớn, nhưng không bị sụt ký, vậy nà về nhất. Biểu dương tinh thần chăn luôi toàn đội, nhất nà Quản Nợn Đoàn Vân.
    Quản giáo vỗ tay bôm bốp, cải tạo đồng vỗ tay nghe bèm bẹp. Quản giáo cũng hết lời khen ngợi Đội Một với kết quả về nhất. Anh cũng không quên chỉ ra điểm yếu về khâu chăn nuôi của Đội Một, trong đó "cơ bản" là thiếu dinh dưỡng cho con nợn.
    -Hướng đề ra cho cho con nợn nớn kịp vào ngày sinh nhật Bác, hầu có thịt nợn mà "chén" nà tăng khẩu phần nợn nên gấp đôi. Phải động viên tinh thần anh em cải tạo...
    Anh nhấn mạnh:
    -Từ nay đến ngày sinh nhật Bác chẳng còn nà bao, nhưng nếu anh em bớt lại chút ít trong khẩu phần hàng ngày cho nợn gấp đôi, biết đâu ta nại chả về nhất trong đợt chấm điểm kỳ tới của toàn E (cấp Trung đoàn).
    Quay sang già Vân, anh ra lệnh:
    -Quản Nợn, anh em đã nhất chí, thế từ nay mỗi bữa xuống bếp nấy cơm cho nợn gấp đôi nhé. Nhớ tắm cho nó ngày hai nần.
    Đức thở dài vào tai già Vân:
    -Già dịch! Thế là từ này cho đến ngày sinh nhật già Hồ tụi mình sẽ đói lả cò bợ.

    SÁU:

    Bệnh đau ruột của già Vân âm ỉ đã lâu, giờ bộc phát trầm trọng. Hôm qua cơn đau đã vật ngã già trong lúc đang tắm cho con heo. Già Vân được khiêng về lều chờ y tá đến khám bệnh.
    Sau nửa ngày ôm bụng nằm chờ, già nhăn nhó khi y tá bước vào hỏi:
    -Thế lào? Đau thế lào?
    -Dạ, đau bụng.
    -Biết dồi, nhưng đau thế lào?
    -Dạ đau lắm, ở ngay chỗ này này...
    Không biết y tá không hiểu bệnh trạng của già Vân, hay già Vân không hiểu y tá cần biết cái gì, mà cả hai cùng chau mày suy nghĩ.
    Sau cùng anh Y tá móc túi lấy ra hộp dầu cù là đã gần hết, cho già Vân quệt ngón tay vào rồi ân cần dặn:
    -Gắng khắc phục nhé, khi nào có điều kiện ta sẽ làm tốt hơn!
    Già Vân không thể nào bôi dầu vào khúc ruột dư đang sưng được, nhưng chùi đi thì phí quá, nên quệt lên mũi. Mùi dầu sau mấy năm vắng bóng, ngửi lại cũng thấy hay hay.
    Anh Y tá "hồng hơn chuyên" vốn được Đảng huấn luyện xử lý tốt trong mọi trường hợp, làm xong nhiệm vụ, hài lòng bước ra khỏi lều. Già Vân cũng hài lòng khi thấy anh ta bước đi, cả hai đều nhếch mép cười.

    BẢY
    Một loạt đạn nổ dòn phía bờ sông. Những ánh đèn pin chiếu sáng ngang dọc. Già Vân được khiêng về hội trường chờ sáng giải quết trong hơi thở thoi thóp.
    Cả đội biết già đau bụng nên men ra bờ sông. Cả đội cũng biết già Vân không biết bơi nên không thể trốn trại, nhưng Vệ binh quả quyết anh ngoan cố trốn trại nên phải nổ súng.
    Lần này đương nhiên Tại Trời vì không ai chịu nhận.
    Đức được gọi sang để canh chừng già Vân. Cả trại không một ánh đèn ngoại trừ đống lửa leo heo nhúm vội ngoài hiên hội trường.
    -Già Vân.
    Đức lay nhẹ, cái xác già Vân không nhúc nhích.
    Đức gọi thêm nhiều lần nữa nhưng vô ích. Nước mắt chợt chảy dài trên khoé mắt người bạn tù trẻ tuổi, anh nghẹn ngào thấy thân phận con người thật quá bất hạnh.
    Già Vân nằm đây xa thân nhân. Bạn bè bên cạnh nhưng không có một phương tiện nào để cứu giúp. Thảm cảnh này do đâu gây nên? Phải chăng tạo hóa đã an bài như thế? Phải chăng đây là quả báo của kiếp luân hồi?
    Trong sự não nề của thất vọng, Đức buột miệng:
    -Tại Trời. Tất cả Tại Trời!
    Môi già Vân chợt mấp máy, thân mình rung rung. Đức cúi sát xuống mới nghe từ cặp môi khô nẻ:
    -Không! Không phải Tại Trời... Tại chúng nó!
    Xác già Vân bật lên rồi im bặt. Khu rừng đước mênh mông thét gào trong gió lộng. Tiếng vạc ăn sương kêu rời rạc trong không gian như tiếng giã từ của một linh hồn bất hạnh.
    Già Vân vĩnh viễn ra đi mang theo cái danh của một người Quản Nợn bất đắc dĩ, một Trung úy lầm thời và một Lương dân sinh lầm thế hệ.

    Cầm cành củi cháy trên tay, Đức lững thững tiến về vọng gác để báo cáo. Giọt nước mắt lăn dài trên má, Đức lẩm bẩm:
    -ĐÚNG! TẠI CHÚNG NÓ, TẤT CẢ TẠI CHÚNG NÓ!.


    Phương Toàn


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X