Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ngành Hỏa Lực KQVN

Collapse
X

Ngành Hỏa Lực KQVN

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngành Hỏa Lực KQVN

    NGÀNH HỎA LỰC KQVN
    Xám Một



    Trong KQVN, có thể kể thuộc ngành hỏa lực thì rất nhiều, vì chúng ta có rất nhiều loại phi cơ trang bị vũ khí có thể gây thiệt hại cho địch, dưới đất hay trên không. Ngoài lực lượng khu trục chiến thuật của chúng ta có lúc lên quá 300 chiếc, còn có trực thăng võ trang yểm trợ hành quân trực thăng vận, phi cơ vận tải võ trang mà thường biết với biệt hiệu Hỏa Long. Vì chiến tranh tại Việt Nam không giống chiến tranh nào khác trước kia, nên ngành hỏa lực của KQVN có phần đa dạng, như một sự kết hợp các Không Binh Hoa Kỳ vào một tổ chức duy nhất là Không Quân. Cuộc chiến tranh đặc biệt này lại xảy ra trên đất nước chúng ta chứ không phải giữa nước chúng ta và nước của phe địch nên vấn đề nắm vững chủ quyền không gian chưa được coi trọng. Cũng vì thế mà KQVN chỉ đóng một vai trò thụ động, lệ thuộc vào sự chỉ huy trực tiếp của lực lượng diện địa trên khắp chiến trường.


    Trong suốt thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam 1959-1975, KQVN đóng vai trò chủ yếu là yểm trợ cho lực lượng diện địa trên lãnh thổ của mình. Không có giới tuyến hay chiến tuyến! Nhưng vào năm 1964, chúng ta đã tung một số lực lượng đánh trên đất Bắc ngoài vĩ tuyến 17. Tuy không thể so sánh với Do Thái khi bất thần đánh bại Không Quân các nước Á Rập lân bang như Ai Cập, Syrie và Liban chỉ trong vòng sáu ngày hồi năm 1967, nhưng vượt Bến Hải tự do oanh kích các mục tiêu quân sự địch trên đất địch là một cuộc hành quân riêng biệt của Không Quân chúng ta. Lẽ dĩ nhiên, vì chưa đủ lớn mạnh để làm việc đó, chúng ta đã phải nhờ đến Mỹ bao cho các nguồn yểm trợ khác như tình báo, kiểm báo, cứu cấp, và nhất là phản không (counter air) khi có phi cơ phòng không của địch lên truy cản. Và ta chỉ đánh một đòn rồi về chứ không có quy mô từ nhỏ tới lớn hay từ điểm tới diện gì cả. Trong khi đó, phi cơ Hoa Kỳ tham gia đánh Bắc được tổ chức thành nhiều đợt tấn công trong một ngày. Trước hết là một đoàn khu trục có nhiệm vụ đặc biệt tiêu diệt các hệ thống dò tìm của địch gồm hai hệ thống radar khác nhau VHF và UHF, các hệ thống radar hướng dẫn truy cản (GCI=Ground Control Intercept), các radar xạ kích hoả tiển địa/không SAM-2, và hệ thống truyền tin chỉ huy của hệ thống phòng không Bắc Việt. Một số phi cơ khác chuyên về phá rối hệ thống vô tuyến, radar của địch. Một số khu trục cơ khác chiếm lãnh các phi trường của địch không cho phép máy bay địch cất cánh. Và sau cùng mới tiến hành các đợt tấn công từ nhiều phía, Thái Lan, Hạm Đội 7, từ Guam và từ Nam Việt Nam. Máy bay của Đồng Minh bay từng đoàn đông và dài như một hành lang, trong các hành lang tấn công đó có phi cơ thả bom và phi cơ hộ tống, có phi cơ điện tử để đánh lạc hướng bằng những decoy bắn ra từ các B-52, có phi cơ điện tử để hướng tuyến LASER vào các mục tiêu khó đánh và nguy hiểm để tới gần hầu có thể sử dụng Smart Bomb. Máy bay bay vào không phận Bắc Việt nhiều đến độ bảo hòa các màn ảnh radar nếu có radar nào còn khả dụng, trên đó địch chỉ thấy một vệt sáng choang chứ không thể nào đếm được loại hay số lượng máy bay xâm nhập. Một AWACS (Aircraft Warning Airborne Control System)làm Bộ Chỉ Huy Chiến Dịch trên không để điều khiển phi cơ phản không khi cần thiết, và điều động cứu cấp khi có phi cơ lâm nạn. Nói sơ lược về tổ chức tấn công ngoài lãnh thổ để cho thấy tầm vóc của KQVN ta có đủ khả năng làm việc đó một mình không.


    Trở về với nhiệm vụ chính là yểm trợ hỏa lực cho chiến trường miền Nam. Trước hết phải nói về chiếc Skyraider A-1H. Hùng hậu về hỏa lực - có thể mang tối đa đến 8,000 lbs với sức công phá dữ dội của 4 đại bác 20 mm--, bao vùng được lâu - - tối đa 8 giờ bay (khả năng giới hạn của tiêu thụ dầu) nếu có đủ xăng (5 giờ rưỡi nếu không mang bình xăng phụ), phi cơ này có mặt đều đều trên không phận hành quân làm cho địch khiếp sợ và cho bạn yên lòng. Với ba dàn trong và 12 dàn ngoài, A-1H/G có thể mang nhiều loại vũ khí khác nhau (từ 3,000 lbs ở dàn trong, và tối đa 8 dàn ngoài có sức mang đến 500lbs). Trong việc sử dụng, chúng ta đã gặp phải nhiều khó khăn như sau: không biết lúc nào cần trang bị vũ khí gì, vì khi điều động tổng quát thì có gì sẵn sàng là ta dùng để cất cánh ngay; tiếp liệu không đáp ứng nỗi nhu cầu từng lúc, cần bom chùm, CBU, hay bom nổ chậm hay nổ chụp (VT fuse) thì không có sẵn, mà thiếu sót đó không vì ngành tiếp vận mà vì không ai dự đoán được, hay không biết mà dự trù; người ấn định mục tiêu không rõ về mục tiêu cần đến loại vũ khí gì, và cũng không có người cố vấn họ hay là họ không thèm nghe lời cố vấn của chuyên viên, chỉ biết khu trục đồng nghĩa với phi xuất hành quân là đủ. Và thậm chí khi nói đến phi xuất, họ cũng không biết được thời gian trang bị cho một phi cơ là bao nhiêu. Đó là thời gian “xoay vòng” mà người Mỹ thường gọi là “turn around time”. Trong cuộc “chiến tranh sáu ngày” của Do Thái năm 1967, một chiếc oanh tạc cơ nhẹ Vautour (do Pháp chế tạo) bay sáu phi xuất một ngày, thời gian xoay vòng là 30 phút. Thời gian xoay vòng trên A-1H là 90 phút cho một phi tuần nhẹ (hai phi cơ). Và nếu ta có được máy nâng bom (vì A-1H/G rất cao) thì đỡ hơn nhiều, vì chúng ta không có mấy người được như “Kính Voi”, một chuyên viên vũ khí khỏe mạnh. Cở bom 100lbs thì anh chỉ một mình là đủ rồi, còn cở lớn hơn mới dùng đến hai người. Đó là những yếu điểm trong hệ thống điều hành hành quân chung của chúng ta làm chúng ta không phát huy được tiềm năng chiến đấu của mình.


    Điểm kế tiếp càng quan trọng hơn khi KQVN bắt đầu sử dụng phản lực cơ. Trước hết phải nói về hai loại khu trục của chúng ta là F-5 và A-37. Hai chiếc này xuất thân từ hai chiếc máy bay huấn luyện T-38 và T-37 cải bổ lại. Mục đích chính là người Mỹ sẽ bán được hai loại máy bay này cho các quốc gia nhược tiểu muốn vươn lên, để họ có thể tự hào nắm trong tay một chiến cụ tiên tiến, nhất là F-5 là một máy bay siêu thanh. Trên chiến trường Việt Nam, hai chiếc này hoàn toàn không thích hợp. Nếu ta có được chiếc A-4E Skyhawk thì hoàn toàn khác hẵn, vì A-4E có khả năng mang 4 dàn bom, mỗi dàn mang đến 6 quả 500lbs bằng một đòn gánh gắn vào dàn bom chính. A-4E cất cánh được từ hàng không mẫu hạm nên chỉ cần phi trường có đường bay rất ngắn, không cần phải có dù đuôi khi đáp. Cũng vì sự tự hào của Không Quân Hoa Kỳ mà KQVN không thể dùng A-4E của US NAVY, và chắc cũng có nhiều lý do khác mà US NAVY không chịu cho KQVN sử dụng máy bay mà họ đang dùng. Trở lại hai chiếc F-5 và A-37 của chúng ta thì thấy rõ sức chở bom rất kém, súng lại không bằng nhất là trên A-37 coi như không có súng. Tốc độ lại nhanh hơn A-1H/G nên bay cao và không thấy rõ được mục tiêu bằng A-1H/G khi oanh kích cần chính xác. Là phản lực cơ nên dễ bị bắn rơi khi trúng vào nhược điểm mà chuyên viên thường gọi là “aircraft density”, nghĩa là tỷ lệ nhược điểm trên khắp phi cơ cao hơn trên A-1H/G rất nhiều. Khi Phạm Phú Quốc đáp xuống sông Saigon vì máy bay bốc cháy, xem kỹ chiếc A-1H đó đã lãnh 72 viên đại liên 12,7 ly của dinh độc lập, nhưng chỉ có một viên kẹt vào “valve’ nhập xăng vào “xy lanh”, nên xăng phun ra ngoài và làm cháy. Điều đó cho thấy A-1H chịu đựng rất tốt. Bất cứ phản lực cơ nào khi bị trúng đạn vào máy nén (compressor) thì nổ tung ngay.


    Điểm quan trọng kế tiếp là thời gian trên vùng. Phản lực cơ không thể bay lâu trên vùng để trấn an bạn và làm cho địch lo âu. Nhưng phản lực cơ có thể đến trên vùng nhanh chóng. Nói cách khác, hoặc là làm như Mỹ, hoặc là làm theo Pháp, theo ai cũng nên biết tại sao.

    Nếu làm theo Mỹ thì chỉ tính làm sao số phi xuất của một đơn vị một ngày được ấn định theo khả năng của đơn vị, và cứ theo chương lịch hằng ngày mà phóng lên quỷ đạo, không cần biết đâu là mục tiêu. Muốn sản xuất tối đa phi xuất trong ngày thì người Mỹ áp dụng “smooth flow operation”. Ví dụ mỗi 30 phút cho lên một phi tuần nhẹ. Tại sao 30 phút như ví dụ đã nêu, vì họ căn cứ vào thời gian xoay vòng. Nếu ta có 10 chiếc khả dụng trong ngày mà cho lên một lần 10 chiếc, xong sau khi 10 chiếc đó đáp lại, ta cho xăng dầu và bom đạn trang bị lại thì tốn nhiều thời gian vì các giới hạn nhân vật lực của từng đơn vị như xe bồn, xe nâng bom chẳng hạn, và nhất là chuyên viên trực ngày hôm đó. Trái lại, nếu mỗi lần trang bị lại chỉ có hai phi cơ, xong rồi cho lên, và nối tiếp trang bị lại cho hai phi cơ khác thì sẽ không trở ngại về nhân vật lực của đơn vị. Lúc nào ta cũng có được máy bay sẵn sàng trên không để ta điều vào mục tiêu tức thời nào ta muốn. Sau khi thi hành phi vụ, máy bay tự động trang bị lại, và cứ như thế từ đầu cho đến cuối ngày. Làm cách này sẽ đạt được số lượng phi xuất tối đa, mà đối với Mỹ là một thành tích đo lường khả năng một đơn vị. Đối với cơ quan điều kiểm thì mệt nhọc hơn nhiều, vì bất cứ lúc nào mình cũng phải biết mình cần yểm trợ hỏa lực ở đâu. Nếu không có mục tiêu yểm trợ quân bạn thì phải sẵn sàng mục tiêu “oanh kích tự do” hay “quấy rối’ trên vùng hậu cứ của địch (H&I=Harassment&Interdiction) để giải tỏa bom đạn trước khi đáp. Áp dụng mô thức của Mỹ rất tốn kém, nhưng đáp ứng được nhu cầu sẵn sàng chiến đấu (readiness).

    Theo mô thức của Pháp, hay đúng hơn là cách quản lý tài nguyên tiết kiệm của thời xưa, thì chúng ta phải đặt túc trực dưới đất để chờ khi hữu sự là cho cất cánh ngay. Cũng giống như mô thức trên, phi cơ xuất trận không khi nào có trang bị thích hợp cho chiến trường. Nhiều khi đơn vị trang bị tổng quát sao cho tiện việc của đơn vị. Chỉ có khi nào biết rõ nhu cầu mục tiêu mới có đầy đủ lệnh trang bị thích hợp.


    Bù lại với thời gian trên vùng rất ngắn, F-5 và A-37 đều có tầm hoạt động xa căn cứ xuất phát hơn, nhờ tốc độ cao hơn A-1H/G. Do đó, nếu khéo sử dụng thì bất cứ lúc nào, ta cũng có thể tập trung một hỏa lực yểm trợ hùng hậu. Ví dụ muốn tấn công một mục tiêu ở trong Vùng 3 Chiến Thuật, ta có thể điều động máy bay từ Phan Rang, Bình Thủy và Biên Hòa.

    Vấn đề phòng không của địch gia tăng trong thời gian sau cùng gây trở ngại rất lớn cho các loại máy bay chậm chạp như A-1H/G, nhất là súng phòng không nặng 37 ly và SA-7. Để dành lại không gian, phải tiêu diệt các ổ súng phòng không 37 ly. Điều này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Ta có thể đưa các toán của Lực Lượng Đặc Biệt đột kích phá hủy nòng súng và tiêu diệt nhân viên chuyên môn sử dụng súng vì đây là loại súng cộng đồng. Có thể đặt pháo binh bất thần tập trung hỏa lực vào các ổ súng phòng không địch, chắc chắn cũng có pháo binh địch yểm trợ bảo vệ. KQVN có thể dùng các loại bom như Napalm thả ngay trên súng để lấy sức nóng làm cong nòng súng. Có thể thả bom chùm để tiêu diệt nhân viên chuyên môn sử dụng súng. Những phi vụ như vậy đều rất nguy hiểm và khó khăn, vì phải bay chính xác ở cao độ thấp và giữ cao độ thấp để rời vùng mục tiêu. Do đó, tin tức tình báo phải chính xác, tốt nhất là có không ảnh và hành động kịp lúc trước khi súng được di chuyển nơi khác. Có rất nhiều loại CBU có dù cho ta thả ở cao độ thấp để bom chỉ nổ sau khi máy bay bay ra khỏi tầm mãnh bom. Dùng cao độ thấp mới có thể tạo được bất ngờ, vì các súng phòng không đều có radar yểm trợ tin tức về hoạt động của ta trên không. Bay thấp còn hóa giải được SA-7 thường yểm trợ hổ tương cho súng 37 ly, vì bay ngang quá nhanh và thấp với nhiều trục khác nhau thì người xạ thủ không biết đâu mà chận trước đường bay mà bắn. SA-7 là hỏa tiễn tầm nhiệt nên chỉ bắn ở 6 giờ của ta. Giống như hỏa tiễn không/không AIM-9 mà ta dùng trên F-5E, hay chính xác hơn là Red Eye mà Lục Quân Mỹ dùng, SA-7 không thể quẹo gắt trên 3G. Vì vậy, khi rời vùng mục tiêu, vẫn giữ cao độ thấp và làm nhiều vòng quẹo gắt ít nhất 3G.... Trong phi tuần có thể giúp đỡ quan sát cho nhau để phản ứng thích hợp. Nếu ta tấn công từ cao độ cao, thứ nhất ta không gây được yếu tố bất ngờ. Thứ đến, ta phải xuyên qua một rào phòng không bắn chận (tir de barage) mà ngoài Bắc đã hạ được nhiều nhất phi cơ Mỹ nhờ súng chứ không phải nhờ thứ khác như SA-2 hay MIG-21. Thứ ba là không tấn công chính xác vào mục tiêu như khi bay thấp. Đó là lợi điểm của phi cơ bay nhanh, nhưng cũng là kỹ thuật phải tôi luyện cho thuần thục, vì bay thấp rất khó điều hành. Tại Trường Khu Trục ở Maroc, người ta tập bay hợp đoàn trên các loại máy bay T-33 và Vampire V , bay thấp đến độ chim cò vụt bay lên từ dưới đất đập vào cánh phi cơ thịt nát xương tan đỏ khắp cánh. Khó hơn hết là những hợp đòan bốn chiếc theo đội hình diamond quẹo gắt 3G, nếu lỡ bị rớt ra ngoài thì vô phương tập họp lại được. Điều đó cho thấy không có cái gì không luyện mà thành, và cũng chứng minh rằng một hỏa tiển SA-7 sau khi được phóng đi tăng nhanh tốc độ không thể nào tập họp với ta được nếu ta quẹo gắt với 3G.


    Ngành hỏa lực của chúng ta đã có lúc thay thế B-52 trong các phi vụ trải thảm bom theo sự hướng dẫn của hệ thống BOBS (Beacon Only Bombing System). Có điều hệ thống này kết hộp hoạt động của Range Beacon nên không có độ chính xác đáng tin cậy. Biết đâu đánh trật mà địch có tình báo để chạy ra khỏi vùng nguy hiểm lại bị ta đánh trúng. Range là một loại beacon cho ta các trục từ beacon tỏa ra ngoài. Nếu dùng radio range làm phương tiện homing, thì ta bay từ vùng rộng đến vùng hẹp và chính xác dần đến beacon. Càng xa beacon chừng nào, độ tỏa ra của trục liên hệ càng lớn. Nói cách khác, trục đó quá rộng khi đã quá xa beacon, và chỉ chính xác hơn khi gần beacon. Những điểm cắt nhau của các trục ấy cho ta một điểm nào đó trên tọa độ, nhưng vì sống tỏa ra nên chổ hai trục cắt nhau là một vệt dài thay vì là một điểm. Mỹ cũng đã thí nghiệm dùng hệ thống Loran để thả bom. Nhớ có kỳ ngay sân bay Đà Nẵng, kho xăng bị nổ tung. Ai cũng ghi thành thích cho đặc công Việt Cộng, ai ngờ đó là A-6 của USNAVY trắc nghiệm hệ thống Loran, lấy các điểm giao của nhiều Hyberbol từ xa chuyển đến. Hệ thống Loran có cái lợi là beacon Loran dùng HF nên phát đi rất xa. Nhưng chính xác thì như các bạn thấy, vì họ phải thử trong tình trang thời tiết xấu nên không thấy gì dưới đất mới thả bom như vậy, chứ nếu hoa tiêu đã thấy thì tất nhiên không dại gì mà thả. Đó là nói sống điện tử rất trung thực đối với địa dư đồi núi xung quanh vùng. Còn nếu sống bị dội cong hay méo mó thì chỉ có Trời biết mà thôi. Vì vậy, dùng BOBS chỉ là giai đoạn thí nghiệm. Điều mà người viết bài này thích nhất là có sự điều khiển ngay dưới đất gần mục tiêu lớn cở cấp trung đoàn hay sư đoàn. Lực Lượng Đặc Biệt đã nhiều lần kết hợp hoạt động của họ với Không Quân chúng ta. Vì nhiệm vụ, họ phải theo sát các đại đơn vị địch. Các toán LLDB này chỉ cần mang theo một máy phát sống UHF mà ta biết tầng số, và theo qui ước nào đó, như họ chỉ ở một cây số phía Nam mục tiêu, ta có thể dùng máy phát sống nhẹ nhàng đó để nhắm hướng bay đến mục tiêu ở cao độ thấp và tấn công bất thần. Nếu họ phối hợp thường xuyên được với ngành hỏa lực KQVN thì họ có thể hướng dẫn chính xác cho máy bay hơn là qua hệ thống điều kiểm chiến thuật để lộ rõ mục tiêu cho gián điệp.


    Trong các cuộc hành quân thông thường yểm trợ hỏa lực, phải nói thành công hay thất bại đều nhờ một phần lớn nơi sự hướng dẫn khéo léo, nhanh chóng và chính xác của các phi cơ O-1A, O-2, U-17A trong nhiệm vụ điều không tiền tuyến. Từ sự phối hợp chặt chẽ với pháo binh trong việc tiền kích dọn bãi đáp cho trực thăng đổ bộ cho đến khi đụng trân với địch, từ sự chọn lựa trục đánh thích hợp để không nguy hiểm cho quân bạn còn phải chọn thuận gió cho khu trục cơ đạt độ chính xác cao, vai trò của sĩ quan điều không tiền tuyến là một vai trò phức tạp, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm chiến trường và dầy công tu luyện. Ngoài ra, SQĐKTT là giới chức thẩm quyền xin không trợ hỏa lực nhanh chóng khi cần, chuyển thẳng từ cánh quân đang đụng trận đến cơ quan thẩm quyền cao nhất là Trung Tâm Hành Quân Không Trợ thay vì phải xuyên qua hệ thống đến tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn rồi mới đến quân đoàn liên hệ mới được cứu xét chấp thuận. Theo kế hoạch phối trí sau cùng các toán Sĩ Quan Liên Lạc Không Quân/Sĩ Quan Điều Không Tiền Tuyến đều được đặt cạnh các tiểu khu trong mỗi vùng chiến thuật. Nhờ vậy, đâu đâu cũng đều có phương tiện máy bay quan sát lên vùng hành quân, và từ đó hướng dẫn khu trục cơ khi cần. Chính những người bạn này am hiểu tình hình địa phương, có thể nói là ở đâu có một cây chuối vừa mọc lên bất thần, họ cũng biết được, và nhờ đó đóng góp trực tiếp vào hiểu quả của ngành hỏa lực chúng ta.

    Ngành hỏa lực KQVN còn có liên quan đến trực thăng võ trang và vận tải võ trang mới đầy đủ được. Tiếc rằng những ngành ấy không trong vòng hiểu biết của chúng tôi, nên nhờ các bạn bổ túc cho. Những điều đã viết ở trên chỉ nhằm mục đích gợi lại một hành trình gian khổ của bao nhiêu người từng đi mây về gió, những người đã hy sinh cho tổ quốc thân yêu và những người may mắn sống còn.

    Xám Một




Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X