Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mùa đông buốt giá cùng nhạc sĩ Schubert

Collapse
X

Mùa đông buốt giá cùng nhạc sĩ Schubert

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mùa đông buốt giá cùng nhạc sĩ Schubert

    Mùa đông buốt giá cùng nhạc sĩ Schubert
    ~~~






    Bị chế nhạo là « nấm lùn », Franz Schubert (1797-1828) cả đời phải đối mặt với đói rét-bệnh tật và cô đơn. Trong 19 năm sáng tác, người nhạc sĩ đoản mệnh này để lại cho đời gần một ngàn tác phẩm : những hạt kim cương sáng ngời được chắt lọc vội vàng từ cuộc đời tối đen như mực. Tác giả Oliver Bellamy vừa cho ra mắt độc giả Un Hiver avec Schubert-Trải qua mùa đông cùng nhạc sĩ Schubert, NXB Buchet Chastel.

    « Tôi đến với Schubert vào một ngày đông. Cha tôi qua đời ít ngày sau lễ Giáng sinh năm tôi 13 tuổi. Ông là người từng đưa tôi đến với thế giới của Beethoven qua bản Symphonie Pastotale. Giai đoạn khó khăn của những đứa trẻ mới lớn mở ra trước mắt với cô đơn và ưu buồn. Thế rồi tôi khám phá bản Symphonie còn dang dở của Schubert, một viên kim cương lung linh trong bầu trời đen tối (…) Schubert đưa tôi thoát khỏi mùa đông. Bốn mươi năm sau, tôi muốn được cùng nhạc sĩ Schubert trở lại với mùa đông, tác giả của Die Winterreise- Hành trình mùa đông đã đến và vĩnh viễn từ bỏ thành Vienne vào một ngày đông buốt giá»

    Thưa quý thính giả và các bạn, vừa rồi là lời tựa mở đầu cuốn Un Hiver avec Schubert- Trải qua mùa đông cùng nhạc sĩ Schubert, nhà xuất bản Buchet Chastel. Tác giả là nhà báo chuyên về dòng nhạc cổ điển, Olivier Bellamy. Trong cuốn sách hơn 270 trang này, Olivier Bellamy đưa độc giả ngược dòng thời gian trở lại với những ngày đông dài vô tận của nhạc sĩ người Áo, Franz Schubert.



    Bắt đầu sáng tác từ năm 13 tuổi và cho tới hơi thở cuối cùng, khi ông qua đời năm 31 tuổi, Schubert quan niệm nhạc và thơ phải là một đôi bạn đồng hành. Cả cuộc đời, Schubert trăn trở với «dòng thời gian» và đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt gần một ngàn nhạc phẩm mang dấu ấn của Franz Schubert. Nhạc của ông như một chiếc đồng hồ cát, đều đặn nhả ra nhỏ từng hạt, để rồi một ngày kia, theo chân Schubert xuống tận đáy mồ.


    Không nơi nương tựa

    Qua rất nhiều những tài liệu, thư từ giữa Schubert và những người bạn - hầu hết là giới văn nghệ sĩ của thành Vienne ở vào đầu thế kỷ thứ 19, Franz là một chàng trai có diện mao xấu xí : trán gồ, cầm quá nở so với cái mũi quá bé. Schubert cận thị, may lại được trời ban cho đôi mắt rất có hồn, gương mặt linh động.

    Về tính tình, Franz Schubert ít nói, rất khiêm tốn, không thích biểu diễn trước công chúng, không thích phô trương. Schubert chỉ thích chơi đàn cho những người bạn nghệ sĩ của mình. Cũng chính vì vậy mà Schubert không hề soạn một bản Concerto nào trong suốt gần một ngàn bản sáng tác.

    Franz dửng dưng trước những lời phỉnh nịnh, thờ ơ với những cạm bẫy của danh vọng. Khác với những nhạc sĩ cùng thời, Schubert không màng giàu sang phú quý. Ông đã không lọt vào mắt xanh của một nhà mạnh thường quân nào đó trong giới quý tộc của Áo hay châu Âu thời bấy giờ. Cả sự nghiệp đồ sộ với trên dưới một ngàn tác phẩm, nhưng vì không có phương tiện, sinh thời chỉ có khoảng 10% những sáng tác của ông được in ấn. Phần còn lại ngủ yên trong căn hộ của người anh trai Franz là nhạc sĩ Ferdinand Schubert.

    Về đời sống xã hội, Franz Schubert gần như là một kẻ vô gia cư, dựa vào một vài người bạn nghệ sĩ để có được một mái nhà. Nay đây mai đó. Schubert không có việc làm chắc chắn, thu nhập khi có, khi không. Franz chắt chiu những đồng lương ít ỏi để mua giấy, mực và sáng táng.

    Gần như cả cuộc đời, tác giả của bản Symphonie Inachevée không có được một mái nhà, lại cũng chẳng có được chiếc dương cầm để bầu bạn. Vì vậy có nhiều sáng tác của chính mình, Franz chưa bao giờ được nghe qua.

    Thường xuyên trong cảnh bữa đói, bữa no, sáng tác trong giá rét, Schubert có thói quen soạn nhạc vào buổi sáng, thích đi xem kịch, uống bia với bạn bè. Thế giới của Franz gần như không có bóng hình của đàn bà. Theresa Grob và Caroline Esterhazy là những ngoại lệ hiếm hoi.

    Schubert «là cô em gái của những người anh trai, là vị hôn thê của những người bạn văn Franz lui tới, là con gái của nữ thần Âm nhạc, là người mẹ mang nặng đẻ đau ra để cho ra đời mỗi tác phẩm của mình» (trang 164).

    Le trio n°2, op. 100 Renaud Capuçon, Gautier Capuçon et Frank Braley




    Nhạc- thơ, Goethe và Schubert

    Là một nhạc sĩ dương cầm không tài hoa như Mozart hay Beethoven, nhưng Franz còn là một nhạc sĩ vĩ cầm, là người chơi đàn orgue khá tốt và cũng là một trong những nhà soạn nhạc hiếm hoi có được giọng ca thiên phú. Chẳng vậy mà ngay từ khi mới sáng tác, Schubert đã hướng về thể loại Lied để phổ nhạc cho những bài thơ ông yêu thích.

    Trong số gần 150 nhà thơ đem lại nguồn cảm hứng cho Franz Schubert, tác giả người Đức Johann Wolfgang von Goethe chiếm một chỗ đứng riêng biệt. 70 bài thơ của Goethe được Schubert phổ nhạc. Bài thơ Suleika được nhạc sĩ người Đức Johannes Brahms khen tặng « đây là bản lied hay nhất trên thế giới ».

    Nhiều bài thơ của Goethe mà sau này, khi nói đến, ai cũng liên tưởng ngay đến những giai điệu nhịp nhàng, dồn dập được Schubert gieo vào lòng người. Điển hình là tác phẩm Erlkonig/Le Roi des Aulnes. Với những nốt nhạc của Schubert (1815), mỗi vần thơ của Goethe đã chắp cánh bay ngàn trùng. Huyền thoại Chúa tể rừng xanh bắt cóc con nít trong văn hóa dân gian của Đức không còn biên giới.

    Ấy vậy mà như tiết lộ của tác giả cuốn Un Hiver avec Schubert, Goethe đã xem thường những đóng góp của Schubert. Năm 1815 Franz Schubert trân trọng gửi sáng tác của mình đến cây đại thụ của nền văn học Đức, như một món quà tặng để tỏ lòng biết ơn đối với người đã cho ông chất liệu sáng tác. Cha đẻ của Faust đã chẳng màng đáp lại.

    Ở chương 15, về mối liên hệ giữa Goethe với Schubert, Olivier Bellamy viết: Phải chi Goethe chịu mất một chút thì giờ viết vài dòng cảm ơn, thì chắc chắn sự nghiệp của chàng nhạc sĩ nghèo và còn vô danh như Schubert sẽ tươi sáng hơn hẳn. Một câu cảm ơn của Goethe, cũng đủ để các nhà xuất bản đua nhau đến gõ cửa nhà Schubert để đưa những tập nhạc của ông đến với công chúng. Đó sẽ là một món quà vô giá đối với một chàng nghệ không có điểm tựa như Franz Schubert.

    Là một người nhút nhát, lại không một chút tính toán theo kiển « cơ hội chủ nghĩa », Schubert không cầu cạnh gì ở bất kỳ một ai, kể cả Goethe.

    Mãi đến năm 1830, tức hai năm sau khi Schubert qua đời, lần đầu tiên Goethe mới thưởng thức bản lied Erlkonig/Chúa tể rừng xanh được Franz phổ nhạc. Goethe đã bật khóc vì những nốt nhạc của Schubert được thể hiện qua tiếng hát của nữ ca sĩ Wilhelmine Schroider –Devrient.

    Có thể hiểu những giọt lệ muộn màng đó như một chút ân hận mà tác giả Die Leiden des jungen Werthers-Nỗi đau của chàng Werther muốn gửi đến một thiên tài đã âm thầm đem lại phép màu để văn thơ của Goethe tỏa sáng?


    Beethoven, ngọn đuốc dẫn đường

    Hai chương trong cuốn sách viết về chàng nhạc sĩ nghèo của thành Vienne rất đáng chú ý : Ở chương 29, tác giả Un Hiver avec Schubert kể lại một nhạc sĩ lừng danh khác của thế kỷ thứ 19 là Robert Schumann (1810-1856) mệnh danh Franz Schubert là «thiên tài của Vienne, một nhà sáng tác có chỗ đứng ngang hàng với Beethoven».

    Schubert bạc phúc, không trực tiếp nhận được lời khen tặng đó. Nhưng có lẽ nhận xét này của Schumann là phần thưởng mà để có được, Franz đã trả giá bằng suốt cuộc đời.

    Chương 31 nhà báo chuyên về dòng nhạc cổ điển, Olivier Bellamy, nhắc lại quan điểm của Schumann về ảnh hưởng của Beethoven đối với Schubert như sau : không có Beethoven, Schubert không thể chắp canh bay xa như vậy trên con đường nghệ thuật. «Beethoven vừa là một đấng thiêng liêng, vừa là một người cha dù chưa một lần gặp mặt, vừa là một người dẫn đường» cho Franz Schubert.

    Sinh thời hai nhạc sĩ cùng sống ở Vienna này chưa từng có dịp hội ngộ, nhưng Schubert tôn thờ nhạc của Beethoven trên hết tất cả. Tình cảm ông dành cho tác giả của bản Symphonie số 5 vô bờ bến và gần như tuyệt đối. Chỉ cần biết mình được sống dưới một khung trời cùng với Beethoven là cũng đủ để thôi thúc Schubert sáng tác.

    Thua cha đẻ của bản Symphonie Pastorale đến 27 tuổi, Franz đã hơn một lần thốt lên rằng « Có thể làm gì khi ta đến sau Beethoven ? ». Có người kể lại rằng, Beethoven cũng trọng tài,đức của Schubert. Trong một lần tâm sự, nhạc sĩ người Đức này thổ lộ : tài nghệ của « Chàng trai này, một ngày sẽ vượt xa ta».

    Khi Beethoven qua đời vào tháng 3/1827, Schubert là một trong những nghệ sĩ được vinh dự rước đuốc trong tang lễ của người nhạc sĩ nhận nước Áo là quê hương thứ hai. Hơn một năm sau, vào một ngày mùa đông năm 1828 đến lượt Schubert từ giã cõi trần. Franz Schubert trút hơi thở cuối cùng trên nền nhạc bản Quatuor 14 của Beethoven.

    Trở về với cát bụi, Schubert yên nghỉ tại nghĩa trang Währing, cách không xa ngôi mộ của Beethoven. Năm 1888 mộ phần của ông được đưa về nghĩa trung tâm của thành Vienne, trong khu vực dành cho các nhạc sĩ nổi tiếng của nước Áo hay đã chọn đây là quê hương thứ hai. Chung quanh Schubert là những tên tuổi đã đi vào huyền thoại của dòng nhạc cổ điển như Gluck, Beethoven, Johannes Brahms hay Hugo Wolf. Trong số những ngôi mộ đó, chỉ có Franz Schubert là người con thực sự chào đời ở ngay giữa lòng Vienne, nơi âm nhạc là vua.

    Lang Lang and Marc Yu - Schubert Fantasia D940, Part 01




    Thanh Hà
    http://vi.rfi.fr/
    Last edited by chieutim; 11-23-2020, 06:35 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X