Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cọng Thông Lãng Mạn / Pham Quoc Bảo

Collapse
X

Cọng Thông Lãng Mạn / Pham Quoc Bảo

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cọng Thông Lãng Mạn / Pham Quoc Bảo

    Cọng Thông Lãng Mạn
    Phạm Quốc Bảo
    Nguồn: Người Việt Tây Bắc
    ooOoo
    Gửi tặng những người lãng mạn cuối cùng còn sót lại ở cõi đời này



    Giữ Đời Cho Nhau - Từ Công Phụng
    .
    Giữa tháng 10 năm 1987, có việc trở lại Seattle tôi tình cờ gặp Từ Công Phụng, một nhạc sĩ tình ca những năm thập niên 1960 tại quê nhà.

    Phụng và tôi cũng đến trên dưới 14 năm cách mặt nhau. Sau năm 1971 mặc dù hàng tuần ở SàiGòn nhưng chả có cơ hội cho hai đứa tìm đến nhau. Sau 1975 lại càng không có dịp hơn bao giờ.

    Năm 1981 sang đến Mỹ, tôi nghe nói Phụng đang ở miền Trung Tây; rồi năm 1983 cũng nghe nói Phụng tạt qua California và lên sống tại miền Tây Bắc … Tới bây giờ chỉ có hai ngày cuối tuần tại Seattle cùng với Báo Người Việt Tây Bắc để lo việc của sở, tôi mới bất ngờ gặp mặt Từ Công Phụng.

    Từ dưới Portland tiểu bang Oregon, Phụng đi gần ba giờ xe hơi lên đây để phát hành báo. Qua thố lộ, Phụng gia đình tất cả đến mười đứa con. Vợ phải bao giàn một tiệm Hot Dog. Còn Phụng trưng dụng nhà để xe làm nhà in. Với một máy nhỏ Hamada, chiết máy chữ quả cầu IBM, thêm cái máy cắt điều khiển bằng tay, Phụng nhận in thiệp, flyers .. và ra báo, nguyệt san Hoa Mơ.

    Sao lại Hoa Mơ? Chạy gạo nuôi con hằng ngày thế mà trong Phụng vẫn còn nguyên nét vẻ bay bướm của mười mấy năm về trước. Thực ra gặp lại, tôi thấy tâm hồn Phụng vẫn đầy ắp thơ mộng hoa niên thì đúng hơn. Cho nên tôi phải nói là Phụng vẫn còn Hoa Mơ mới trọn ý nghĩa.

    Mười giờ đêm tại Portland, Phụng dẫn cả bọn chúng tôi với Phạm Kim và bạn học khác trường Luật với Phụng từ Seattle xuống dự một buổi sinh hoạt văn nghệ vừa bỏ túi vừa gia đình đang diễn ra dở dang. Chị Ngọc Oanh dạo đàn tranh vài bài dân ca khá ngọt. Anh Mai Anh Việt và chị Phan Liên Trinh hát một bản nhạc du ca, một bản nhạc tình. Rồi anh Mai Long sẵn hứng hát lại bản lãng mạn thơ mộng thời kháng chiến, bài “Cô Hàng Cà Phê” của Canh Thân:

    “Ở chợ Dầu có hàng cà phê … Cô hay cười, lòng xuân phơi phới … Cứ xem dáng người, tuổi vừa đôi mươi …”

    Hiện diện trong buổi sinh hoạt có một niên trưởng nghệ sĩ – lúc bấy giờ tuổi ngoại 70 là anh Đoàn Châu Mậu. Mái đầu bạc trắng như những sợi cước trong nắng hè, anh Mậu ghếch đầu sang một bên. Đôi mắt vốn sẵn long lanh của anh bấy giờ nhỏ lại mơ màng, nhìn vu vơ lên trần nhà.

    Anh Mai Long hát hết bản “Cô Hàng Cà Phê”, những tiếng vỗ tay thân hữu vang lên và vài tiếng thì thầm chuẩn bị các tiết mục kế tiếp. Anh Đoàn Châu Mậu vẫn ngồi im lắng như chìm đắm trong kỷ niệm …. rồi trong bất chợt của bầu không khí thân mật, giọng anh Mậu cất lên trầm trầm, như tâm sự với chính mình về một kỷ niệm sâu kín bằng máu thịt của anh vậy, mặc dù nó đã cách xa cả bốn chục năm rồi.

    “Ở chợ Dầu” .. Dầu đây không phải là giầu có, có lẽ là Dầu Cau. Ngoài Bắc phát âm trầu cau thành dầu cau. Bởi lẽ chợ này dân thường đem trầu cau ra bán mua tại đấy đã thành thông lệ.

    Chợ Dầu đó ở trong vùng kháng chiến cũng như Cống Thần, Chợ ại … Và cô hàng cà phê đó tên Ngọc quê quán Hà Nam. Cô Ngọc không phải là thiếu nữ đài các quý phái Hà Nội mà cũng chẳng sắc nước hương trời gì. Nhưng hiện diện ở nơi chợ búa vùng quê kháng chiến thì một cô gái con nhà gia giáo, có duyên thầm và thơ mộng như cô Ngọc này đương nhiên phải nổi bật hẳn lên giữa bao cô gái quê mùa địa phương. Cho nên cô Ngọc khi mở quán cà phê đã trở thành đối tượng của hầu hết các chàng trai bốn phương nặng lòng yêu nước theo kháng chiến nào đã một lần tới chợ Dầu.

    Và Canh Thân là một trong bao chàng trai nước Việt thuở đó. Vẫn theo lời kể của anh Mậu, dung mạo Canh Thân không có gì đặc biệt, mắt anh còn hơi lé người ta gọi là lé kim nữa. Nhưng tâm hồn nghệ sĩ của Canh Thân đã đưa những rung cảm chân thật trước hình bóng cô hàng cà phê ở chợ Dầu tên Ngọc kia đi vào bất hủ bằng bản nhạc tình ca. Bản nhạc đó bây giờ vẫn còn được hát, vẫn còn làm rung động những tâm hồn của người Việt tị nạn sống rải rác ở hải ngoại, sau bốn chục năm biết bao đổi dời của đất nước lẫn con người Việt Nam: Cô hàng cà phê …

    Ngồi nghe anh Đoàn Châu Mậu tâm sự về một kỷ niệm của anh, tôi nhìn anh Mậu cứ như anh là Canh Thân vậy. Rất có thể lắm chứ. Với bản nhạc Cô Hàng Cà Phê, cái tâm sự Canh Thân phổ vào đó chắc không phải của riêng gì Canh Thân mà của chung bao nhiêu chàng trai thuở ấy, trong đó có cả anh Mậu nữa.

    “… Làn thu ba cô liếc nghiêng thành, mùi hương lan thơm ngát vương bên mình, làm cho bao khách thiếu niên đa tình, mấy anh nhỏ nhỏ thường hay đến ngồi cười với cô …”

    Và tôi liên tưởng đến chàng Ngọc, cô Thanh … đến những mối tình thanh cao được đề cập trong tác phẩm cuối đời của nhà văn Nhất Linh: Giòng Sông Thanh Thủy. Trong tác phẩm này, chàng Ngọc (cán bộ Việt Quốc) và cô Thanh (cán bộ Việt Minh) trá hình làm cô hàng cà phê, cả hai đều hoạt động “cách mạng” bên Trung Hoa. Họ vừa tranh đấu chống Pháp vừa tìm cách trừ diệt nhau, nhưng mối tình giữa họ đã đưa họ vượt lên trên (hay ít ra là tâm tình của họ đứng bên ngoài) cuộc tranh chấp Quốc - Cộng.

    Nội dung cuốn Giòng Sông Thanh Thủy diễn tả về thời kỳ kháng chiến giữa thập niên 1940. Nhưng bộ trường thiên này đã được nhà văn Nhất Linh viết vào đầu thập niên 1960. Theo cuốn Chân Dung Nhất Linh của Nhật Thịnh, Nhất Linh đã viết Ba Người Bộ Hành năm 1960, Chi Bộ Hai Người (1960-1961) và Vong Quốc năm 1961. Và sau đó được xuất bản, bộ trường thiên tiểu thuyết Giòng Sông Thanh Thủy đã không được độc giả đón tiếp như ý muốn.

    Người ta cho rằng cuốn tiểu thuyết lớn cuối đời này của nhà văn Nhất Linh được xuất bản đúng lúc danh tiếng chính trị của ông trùm lấp mất ngôi vị trong văn chương. Có người lại nghĩ âm vang của cuốn Giòng Sông Thanh Thủy đã bị chìm lỉm đi trong bầu không khí văn chương náo nhiệt thời thượng của khuynh hướng tiểu thuyết mới (nouveau roman) và hiện sinh. Cái văn chương về dục tình mỗi lúc một thô tục hóa đến nhầy nhụa của thời kỳ 1965 trở đi ở miền Nam Việt Nam đã đẩy lùi cái lãng mạn trong sáng và thanh cao của văn chương cũ sớm vào dĩ vãng, sớm ngơ ngác và xa lạ. Bơ vơ, lạc lõng đến độ như chưa từng có trong văn chương Việt Nam.

    Mười hai giờ rưỡi khuya hôm đó, khi đứng nói vài lời từ giã từ bên lề xa lộ 5 dẫn xe chúng tôi trở lên lại Seattle, Từ Công Phụng miệng cười tươi và hát nho nhỏ. Hơi ấm trong người Phụng toát ra trong bầu không khí lạnh của Portland. Giữa chùm tia sáng đèn xe, những giọt sương đã long lanh trên tàn lá thông cạnh con đường chơ vơ với mấy mái nhà xa xa thấp thoáng giữa mù sương.

    Ba giờ sáng về đến Seattle, ra khỏi xe và trước khi bước vào nhà, Quốc Ngọc đã nhặt một cọng thông vướng trên vai áo sau đưa cho tôi. Cọng thông còn lạnh như đã được ướp sương từ Portland. Nhớ đến tập san Hoa Mơ cầm trong tay, tôi nghĩ tôi sẽ không cần đọc nó làm gì. Trong trí tôi hiện ra khuôn mặt Từ Công Phụng và tai tôi văng vẳng nghe đâu đây vài đoạn của bản nhạc “Mắt Lệ Cho Người”, “Trên Ngọn Tình Sầu” “Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên”:

    “Đem mặt trời tô mắt dại tuổi mơ … Xin đỉnh yên bình … Một mùa Xuân ôm kín khung trời … Của tuổi thơ thôi rã thôi rời .. Xin đừng làm bão tuổi đôi mươi .. Để vòng tay khắc khoải buông xuôi … Từng niềm vui bay theo biển gió … Hãy ôm trọn , ôm trọn tuổi Xuân … Một mùa xuân giữ kín trong tôi.”
    ***
    Tôi nhớ lại mồn một:… một khuya về sáng nào cuối năm 1968, ngoài bãi cát Vũng Tàu, gió biển thổi tạt vào nhưng vẫn không cuốn mất được giọng hát trầm ấm tâm sự của Từ Công Phụng. Tiếng tây ban cầm đệm len lỏi mềm mại và quẫy lộn giữa giọng hát của anh.

    Mùa xuân cũ và mới. Mùa xuân lãng mạn của hoa mơ.

    Phạm Quốc Bảo
    Nguồn: Người Việt Tây Bắc


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X