Thông báo

Collapse
No announcement yet.

CÂU cá

Collapse
X

CÂU cá

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • CÂU cá

    Câu Sông


    Câu cá cũng nhiều kiểu cách, câu sông, câu rạch, câu ruộng, câu đìa tùy theo loại cá mình muốn câu tùy thời gian ngày hay đêm. Câu sông theo con nước, muốn bắt cá lớn có hai loại thông thường là cá lăng, cá bông lau. Phải có dây dài và chắc, quấn trên một miếng ván dài ba tấc, hai đầu khuyết sâu để cuốn chỉ vào đó. Lưỡi câu lớn, mồi to, cột thêm cục chì nặng, nhà quê không có chì thường lượm sắt vụn, thậm chí cột một chùm đinh nặng chừng 5 hoặc 10 gờ-ram. Khác với ngày nay cần câu có máy quay, có chỉ nylon rắn chắc đủ cỡ lớn nhỏ, có chì nặng nhẹ hình tròn hình dài, có lưỡi dành cho đủ loại cá.

    Thời tôi còn nhỏ người câu cầm dây có chì nặng quay vòng vòng để lấy trớn quăng mồi thật xa ra sông chìm ngấm tận đáy. Thời đó tôi chưa có sức cũng chưa biết quay chì để lấy trớn nên mồi không đi xa, tôi chỉ bắt được cá út bằng cườm tay là thường, nhưng cũng có đôi ba lần may mắn bắt được cá bông lau nặng một hai ký. Những lần đó cả nhà và anh em chúng tôi xúm nhau bàn tán. Người thì nói con cá đó nó đui nên lội ngang vướng câu, người thì nói số mạng tôi lớn nên Hà Bá sợ mới bắt cá móc vào câu tặng tôi, người thì nói chó dắt gặp may! Sự thật có lẽ cá đói vào bờ kiếm ăn hay vì nước chảy mạnh giữa dòng sông cá nhỏ trốn vào bờ nước yếu dễ bơi, cũng có thể nó đi tìm những trái bần chín mùi từ trên cây rụng xuống, nổi lình bình trên mặt nước hay chúng nó đi tìm những con vật chết trôi chết nổi ven bờ.

    Có một lần tôi thấy ông Hương Lễ, tên Tự, câu một con cá bông lau nó lôi quá mạnh ông cầm dây tuốt rát tay rướm máu, ông phải cởi áo quấn vào tay để chịu trận. Vừa cầm dây ông vừa la bài hãi có lúc ông quýnh quáng la: bớ làng xóm ơi! Nhưng kịp thấy mình hố nên sửa lại bớ “bà con” ơi. Bởi vì câu bớ làng xóm là chỉ để kêu cấp cứu hay báo động mà thôi.

    Thiên hạ ở gần xóm nghe la xúm nhau bu quanh ông Tự. Chừng đó ông lấy lại bình tĩnh huênh hoang tự hào: “Con cá quá bự bà con ơi, quá bự, tôi gặp vận may rồi, quá bự, con heo con hay con bò con đây? Bán con cá nầy gia đình tôi mua gạo ăn cả tháng vân vân và vân vân. “Bà con”, trong đó có tôi nôn nóng chờ xem con gì mà to dữ vậy? Giằng co mãi gần nửa giờ con cá mệt đừ ông Tự mới lôi được nó vào bờ. Không cân nhưng ai cũng đoán mò con cá nầy phải trên mười kí, dài hơn một thước. Ông Tự phải chạy về nhà lấy giây cột đầu và đuôi mượn người cầm đầu cây phụ khiêng cá về nhà vì ông không muốn lôi nó lết bết trên đất làm trầy da con cá khó bán. Tôi về nhà thuật chưa hết chuyện ông Tự câu được cá bông lau trên mười kí thì bà Hương Lễ Tự đầu đội khăn vằn tay bưng rổ cá khứa sẵn từng khứa đem vào nhà tôi bán. Ông nội tôi nghe nói bước ra sân chắt lưỡi mỉm cười nói với bà nội: Bà biểu sắp nhỏ mua giùm cho thím Hương Lễ ba khứa đi, lựa khứa bụng có mỡ ngon chiều nấu canh chua.

    Câu cắm

    Câu cắm là một thú vui khác, nó khá nhộn nhịp, hồi hộp, hấp dẫn, có khi cũng mệt nếu khi nào có cá nhiều. Cần câu cắm ngắn, làm bằng tre thật già chẻ ra từng cọng bằng ngón tay út. Vót bỏ ruột tre của phân nữa thân trên, chỉ chừa vỏ tre cứng diệu, quặt lên quặt xuống dễ dàng, đầu cần chừa một mắt nhỏ để thắt dây câu vào không bị tuột. Phân nửa thân dưới người ta vót nhọn gốc cây câu để dễ cắm vào đất mềm của bờ ruộng. Dây câu ngắn có tra lưỡi vào, ngay một phần ba đầu dưới cần câu có một vòng dây cột ngang dùng để móc lưỡi câu vào trong tư thế nghỉ câu. Tư thế nầy giống như một cây cung nhỏ bị bẻ công một phần ba đầu trên.
    Anh em chúng tôi không đứa nào biết chuốt cần câu cắm. Mấy chú giúp việc trong nhà chỉ vót giùm vài ba cần để cắm quanh nhà chơi mà thôi. Vì thế kỳ nghỉ hè năm đó anh Năm và tôi quyết định đặt mua một trăm cần. Chúng tôi lựa đêm tối trời, cá dạn ăn hơn là khi có trăng sáng. Anh Năm quẩy đục lớn chờ đựng cá, đục nhỏ đựng nhái con, gáo dừa đựng trùng nằm dưới một lớp đất. Tôi mang nóp đi theo vào sở ruộng Ðìa Sen, ruộng sâu của nhà, tá điền là ông sáu Mọi.


    Cắm câu người ta móc mồi trùng hay mồi nhái, sau đó cắm chặt gốc cần vào bờ đê ruộng, lưỡi câu và mồi chìm xấp xỉ dưới mặt nước. Nếu là mồi nhái thì chỉ móc vào đùi nó để cho con nhái nhảy vọt tới vọt lui khêu gợi cá lóc vồ nó cho sớm.
    Mỗi lần cắm câu người ta thường mang theo năm bảy chục hay một trăm cần, có người cắm tới hai trăm cần trên một bờ đê dài mấy trăm thước. Chúng tôi cắm mỗi cần dang xa gần hai thước, cắm xong một trăm cần trời mới chạng vạng tối. Vậy mà giữa lúc đang cắm nghe đầu kia cá mắc câu giãy lủm chủm phải bỏ chạy tới đó gỡ bỏ vào đục, đậy nắp kỹ, thả xuống nước ngâm cho nó sống. Thế rồi anh Năm và tôi thay phiên nhau chạy nhanh hết đầu nầy đến đầu khác, có khi hai đứa đang gỡ cá mà nghe có chỗ nào đó giãy lủm chủm gỡ không kịp. Nhưng cũng trong một thời gian ngắn thôi, rồi chúng tôi lại trải nóp ngồi vui sướng kiểm điểm sự thắng lợi.

    - Ðêm nay coi bộ khai trương có nhiều khách hàng đó mầy.
    - Nhiều cá thì ham thiệt mà sao thấy hồi hộp tim đập thình thình. Nhứt là khi nó giãy một lượt hai ba con sợ gỡ không kịp nó sút.
    Lại lủm chủm nữa, tiếng giãy khá mạnh, có lẽ cá lớn, anh Năm chạy gỡ, tiếng anh vọng từ xa, đúng rồi cá lóc lớn hơn cườm tay.

    Cái khoái lạc của sự thành công nó lâng lâng trong người, cái hồi hộp chờ đợi còn làm tăng thêm niềm vui sướng. Tôi không biết những người cắm câu bắt cá bán để nuôi gia đình có cảm giác như thế nào? Có lẽ ngoài cái sung sướng nắm được con cá trong tay còn cái vui, cái an ủi là sẽ có được thêm ít tiền. Ngoài cái hồi hộp chờ cá cắn câu giãy lủm chủm họ còn ước mơ nghe được nghe tiếng giãy thường hơn nữa. Họ tưởng tượng vợ con sẽ vui mừng. Chắc sự thưởng thức của họ nhiều hơn và sâu đậm hơn sự vui mừng của tôi.
    Hay là cũng có thể giống nhau, vì khi đứng nhìn một “chiến lợi phẩm” cường độ vui mừng chắc cũng giống nhau trong khoảnh khắc đó.

    Riêng tôi, ngoài những con cá bắt được, còn có mùi thơm cỏ lúa của đồng quê mà tôi đã từng hít thở từ lúc mới lên năm lên mười, cảnh vật buổi hoàng hôn chiều xuống tối dần, gió thoảng sương lạnh, muôn ngàn sao lấp lánh trên nền trời tối đen. Tất cả những thứ đó nó in sâu trong đầu tôi, nó gợi nhớ gợi thương những lúc xa quê hương tôi cảm thấy chạnh lòng.



    Ruộng sâu, lúa cao, muỗi nhiều. Chúng tôi đứa nào cũng mặc quần đùi áo tay ngắn, cả hai đập xành xạch nhưng chưa đứa nào chịu chung vô nóp vì còn muống nghe tiếng cá giãy dù là đã thưa dần. Trời về khuya sương càng lạnh hai anh em tôi đành chui vào nóp. Nằm yên, cơn ngủ ru tôi vào giấc lúc nào không hay biết. Hừng sáng anh Năm đánh thức tôi dậy.
    - Mầy ngủ như chết, đêm hồi hôm tao còn đi gỡ thêm hai con nữa, toàn cá trê.

    Chúng tôi quảy cá về nhà, phân chia cho đầu nầy vài con đầu kia vài con, hãnh diện khoe rằng chúng tôi cũng thuộc vào thợ câu chớ có phải là công tử bột đâu. Kỳ thật câu là một thú vui đặt biệt, một sự đam mê mà những lúc bãi trường chúng tôi bỏ mặc những “bài làm hè”, phải góp khi vào lớp lúc tựu trường. Năm nào tôi cũng bị phạt quì gối vì có làm bài đâu mà góp. Nhưng lúc quì gối tôi sung sướng hồi tưởng lại những thú vui hưởng được trong kỳ nghỉ hè. Bây giờ nhớ lại thời thơ ấu, tôi cảm thấy lâng lâng buồn muốn sống lại những ngày đã qua nhưng vĩnh viễn không bao giờ đi ngược thời gian được!
    Những trái nhãn lồng, chùm giuộc, trứng cá là niềm vui của tuổi trẻ ở nhà quê

    Con nhà giàu hay con nhà nghèo ở thôn quê chỉ khác nhau khi tối về nhà cha mẹ, đứa được nuông chìu ăn ngon ngủ kỹ, đứa chỉ có đủ cơm no bụng, chăn gối mùng mền tả tơi rách rưới. Nhưng ban ngày khi chúng chạy rong trong làng tìm bạn vui chơi với nhau thì thằng nào cũng như thằng nấy. Mấy đứa con nhà giàu thường lâm vào thế hạ phong bởi vì chúng nó không thuộc đường đi nước bước, không biết hang cùng ngõ hẻm, nơi nào có cây có trái, chỗ nào có thể hái trộm, trái nào ăn được, trái nào không. Thời còn thơ ấu tôi thích nhứt là đi chơi với thằng Có, nó chăn bầy trâu của ông Hương Quản, tên Họa, ở gần nhà tôi.


    Thằng Có nó biết rành nhà của ai có cây chùm giuộc ở sát mí rào, nhà của ông bà nào có cây trứng cá, de nhánh ra đường, mồ mả của ông Bái Ba có nhiều cây trứng cá che mát toàn khu mộ, trái chín đầy, chim trao trảo ăn không hết. Những tháng nghỉ hè từ trường Saint Joseph ở Mỹ Tho về làng, sáng hôm sau là tôi đi kiếm thằng Có. Chúng tôi hẹn nhau vào những buổi chiều nắng nhẹ khi thì ngoài ruộng gần Mỏ Neo, khi thì trên giồng cỏ gần nhà bác Hai Châu. Bởi vì buổi trưa trời nắng chan chan, ra khỏi nhà là bị rầy, có khi còn bị hăm sẽ ăn đòn nếu người nhà thấy tôi dang nắng đầu trần.

    Việc trước tiên và hấp dẫn nhứt đối với tôi là cỡi trâu. Bởi vì khi tôi còn học trường làng, thầy tư Nhơn bắt phải học thuộc lòng bài:
    Ai bảo chăn trâu là khổ?
    Không, chăn trâu sướng lắm chớ!
    Ðầu đội nón mê như che lọng
    Tay cầm cành tre như roi ngựa
    Ngất nghểu trên mình trâu
    Hai câu trên nó in sâu trong đầu và có những lúc ngán học, lười biếng tôi tự nhủ: Thà đi chăn trâu tôi cũng bằng lòng, còn hơn phải học nhọc nhằn với chữ nghĩa, cộng trừ nhơn chia.


    Thằng Có đỡ tôi ngồi trên lưng trâu rồi nó thót lên ngồi sau vịn sợ tôi té. Con trâu đi chậm rãi nhưng cái lưng của nó lớn quá, hai chân tôi thì ngắn nhỏ không kẹp được vào đâu, không đạp vào chỗ nào để giữ được thăng bằng. Vậy mà sao thằng Có nó ngồi vắt võng vững vàng như không. Tin vào bàn tay của nó vịn trên vai, tôi yên lòng ngắm cảnh đẹp của nắng chiều bao trùm cánh đồng rộng mênh mông trước mắt, tôi khoan khoái hưởng cái mát dịu của gió nhẹ lay động mấy ngọn trâm bầu hay cây me keo, tôi hít thở mùi rơm rạ, mùi bông bắp, mùi mạ non, xen lẫn mùi hôi trâu mà bây giờ nhớ lại tôi hình dung rõ, phân biệt được mùi hương của từng thứ như tôi đang sống trong cảnh vật đó dù là tưởng tượng.
    Thằng Có và tôi thường hái trứng cá ở khu mộ ông Hương Bái, thường gọi là Bái Ba. Nó thích ăn thứ trái đó còn tôi thì ưa những trái nhãn lồng chín vàng, ruột chua chua ngọt ngọt thắm mát miệng. Cũng có khi tính con nít muốn phá làng phá xóm thằng Có rủ tôi đi hái trộm chùm giuộc. Nhà ông Hương Cả tên Hộ, con của ông Bái Ba, có cây chùm giuộc chua ở gần mé rào nó có thể chui qua hàng rào cây dúi vào hái được. Ăn chua lè chua lét mà nó nhai luôn cả hột nghe giòn rụm, ngốn ngáo thấy phát thèm, bây giờ nghĩ lại vị chua tôi còn nhỏ giãi rùng mình.

    Sâu tuốt phía trong gần nhà có cây chùm giuộc ngọt, thằng Có nói khó ăn cắp lắm vì nhà nầy có chó. Nó nói lâu lâu mầy về chơi tao cũng liều hái cho mầy vài trái thử coi được không. Nó bỏ trâu ăn trên mé giồng xa, hai đứa đi hái trộm trái cây của người ta, một trò nghịch ngợm lý thú nhưng tôi hồi hộp lo sợ quá. Còn thằng Có tỉnh bơ cười chúm chím lộ vẻ anh hùng coi chuyện nguy hiểm “như pha”. Vừa nghe nó nói vào sâu trong sân nhà có chó là tôi tản đi xa, trở về phía bầy trâu 5 con đang ăn trên mé đồng. Ði chưa được bao xa là tôi nghe tiếng chó sủa, nhìn lại thấy thằng Có chạy trối chết tay cầm một nắm vật gì trắng có đất có lá tôi đoán là chùm giuộc. Thì ra anh ta bị chó phát hiện hoảng hồn, hốt đại một nắm trái cây rụng dưới đất chạy ù ra, chui càn qua hàng rào dúi, bị cây cào tét tay áo, sướt thịt rướm máu, nhưng miệng nó cười toe tét đưa tôi mấy trái cát bụi dính đầy: Cho mầy nè, mầy ăn chua không được thì có trái ngọt đây. Ba trái còn nguyên, hai ba trái khác thúi dập bỏ đi, tôi chùi hai trái bỏ vào miệng một trái còn một trái nhét vào mồm nó, trái kia tôi bỏ túi để dành.

    Gặp lại bầy trâu, chúng nó đang liếm sang đầu hai hàng bắp non của người ta, thằng Có thất thanh chạy lại cầm roi tre quất bừa hết con nầy đến con khác, rượt chúng nó chạy thật xa ra giồng bỏ tôi lại một mình lủi thủi theo sau. Tới nơi nó nói không ra lời: Chết mẹ tao rồi, nếu ai biết được trâu tao ăn bắp của họ thì tao sẽ bị đòn nát đít.

    Tội nghiệp thằng Có quá, chiều hôm đó đi chơi mất vui, nhưng cũng chiều hôm đó lòng tôi biết rung động vì tình bạn mặn nồng thắm thiết qua sự liều lĩnh hy sinh của thằng Có. Nó muốn tìm trái cây ngọt cho tôi nên chấp nhận rủi ro, có thể bị đòn. Bị đòn là cái chắc, vì ở miệt Giòng Lớn nầy có trâu ai ngoài trâu của ông Hương Quản Họa? Về nhà, tối ngủ tôi nhớ thằng Có và thương nó quá, nó nghèo phải đi ở đợ chăn trâu, mấy thằng con nít trong làng có đứa nào dám chơi với nó đâu? Con nhà khá giả đi chơi với chăn trâu là điều cấm kỵ. Mỗi khi đi chơi với thằng Có tôi phải lén trốn nhà vì khoái cỡi trâu. Cũng có lần anh Năm kiếm tôi không được, bắt gặp tôi đi chơi với thằng Có, anh mét cô Bảy tôi bị đòn, và nhiều lần bà gì ghẻ hửi thấy mùi trâu, biết tôi đi chơi với thằng Có bà mét cha, khi thì ông rầy la hăm he dữ dội, khi thì ông đánh cho mấy roi, khóc nhưng cũng không chừa. Bạn thân của thằng Có là 5 con trâu của ông Quản Họa. Cái bánh ngon nhứt nó được ăn là “bánh ít” mỗi khi có đám giỗ trong nhà ông chủ.

    Ðôi khi trong nhà làm bánh, tôi bỏ túi vài cái bánh men bánh gai đem cho nó. Thằng Có mừng rỡ sáng mắt cười toe tét. Nó không nói cám ơn mà chỉ nói: Mầy giàu sướng quá có bánh ăn hoài. Nó ăn hai cái để dành mấy cái, nói là để dành chớ một hồi sau dằn cơn thèm không được, nó lấy ra nuốt hết. Nghĩ như vậy tôi thấy buồn, cái buồn của thằng con nít, không sâu sắc có lý có ý nghĩa, mà do tính ngây thơ nhẹ dạ, đã là con nít hễ vui thì cười, buồn thì khóc. Tôi không khóc nhưng nước mắt tràn ra khóe, quẹt đôi ba lần tay áo ẩm ướt.

    Trích trong Kỷ niệm một thời để nhớ, VÕ LONG TRIẾU"Báo Người Việt"

  • #2
    Lưới chim, câu cua

    Wow... con cá nầy mà tặng cho quán nhậu Phi Dũng thì chắc anh em có thêm một ngày "oắc cần câu". Cám ơn anh PS cho xem những hình ảnh quê hương tuyệt đep.
    Đọc qua loạt bài những món ăn chơi của Nam Kỳ lục tỉnh của quý anh Diemtan và PS, Saurom, ninhgia tui thiệt thấy đã và nhớ nhà quá chời. Tử cách trộm vịt "cao cấp" của anh Diemtan (trước đây tôi cũng đã từng giữ vịt cho ông Nội tôi mỗi dịp nghĩ hè về quê, đàn vịt ta vài ba trăm con trắng muốt chuyên cung cấp trứng có cồ cho các lò ấp vịt, nhưng chổ tôi có lẽ chưa ai biết được ngón nghề độc đáo nầy, cũng may, nếu không chắc là tui bị ông tôi "dũa" thê thảm lá cái chắc), rồi tát đìa, mò sò, dở chà bắt cá, bất rắn và chuột đồng, câu cá "gô" non (con cá "gô" bỏ trong "gổ" nhảy nghe "gồ gồ")... đã đưa đọc giả trở về quê hương miền Tây thời nguyên thủy sung túc. Có lẽ cũng còn chút thiếu sót nếu chưa kể thêm về thú đi lưới chim vào ban đêm (chim là đặc sản miền Tây) hay đi câu cua biển (câu cua chứ không phải rập cua). Bác nào có chút kinh nghiệm về các món nầy xin cho chúng tôi được thưởng thức với cho đủ bộ. Chân thành cám ơn quý anh.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X