Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Vĩnh biệt Phượng - Dương Hùng Cường

Collapse
X

Vĩnh biệt Phượng - Dương Hùng Cường

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Vĩnh biệt Phượng - Dương Hùng Cường

    Vĩnh biệt Phượng

    Dương hùng Cường



    Trước khi vào truyện:

    Đã từ lâu, tôi muốn viết về truyện tình của hai người. Tôi cứ hẹn với mình mãi. Truyện tình của Phượng và Dương là một truyện tình đẹp, có thể sống mãi với muôn đời.Cuộc đời của tôi mới đi hết nửa quãng đường, thành ra tôi nhiều khi tự nhủ thầm, ngày còn rộng, tháng còn dài, vội gì.

    Nhiều lúc, tôi đã ngồi vào bàn viết, viết lên vài trang khởi đầu. Khi chấm dứt vài trang ấy, tôi xếp lại định ngày mai lại tiếp tục. Nhưng cái ngày mai ấy không bao giờ đến. Cái nhất định, ít khi nằm bất di dịch trong tôi. Chỉ một thời gian ngắn nào đó, cái nhất định lại biến thành, nhị rồi tam tứ định ... Có lẽ tôi phải thú nhận một điều. Tính tôi vốn lười. Những người thân thiết với tôi, thường trách tôi nhiều về tật xấu này. Hồi còn làm việc ở Biên Hòa, tôi làm việc ở đài kiểm soát Biên Hòa, làm việc hai mươi bốn giờ rồi nghỉ bốn mươi tám giờ. Trong cái thời gian bốn mươi tám giờ ấy, tôi làm thiên hạ khiếp sợ về tài ngủ.

    Tôi ngủ liên miên, giờ này qua giờ khác, trừ những lúc bị những cần thiết của cơ thể thúc bách, tôi chỉ thức dậy vào những giờ ăn, rồi lại tiếp tục nằm dài, như Gia Cát Lượng ngày xưa nằm gối đầu cao, chờ đỉnh công danh trên Ngọa Long Cương. Nhưng Gia Cát Lượng mang tật ngủ ngày, còn được đặt tên là con rồng nằm. Chứ tôi chỉ là một thằng lười, lười chảy ra, lười đến nỗi không thấy ai lười hơn nó nữa.

    Đó là lời phê bình của Dương, mỗi buổi chiều nó đến rủ tôi đi đến quán À la Plague, uống cà phê, ngồi đấu tiếng Tây với ông chủ quán Tây già, sống lủi thủi như một thứ anh hùng thấm mệt. Tôi đã hẹn nhiều lần với mình ngồi viết truyện về Dương mà chưa viết. Hôm nay tôi bắt đầu đây.

    Sài Gòn năm ấy mùa mưa đên sớm, những buổi chiều, lạc lõng trên bầu trời mây xám đã trôi đi chầm chậm. Những đám mây chưa sũng nước mong manh quá, cố gắng lắm cũng chỉ rơi được xuống hè phố, lác đác vài giọt nước mắt vô duyên, lá cây nằm im bất động. Trong những lúc giao mùa, vỉa hè vắng khách nhàn du, cái sung sướng nhất là được ngồi trong một phòng lạnh, áp ly nước đá lên mặt, nhìn qua cửa kính để thấy màu nắng úa vàng.

    Chiều nay tôi nhìn thấy Phượng đi trong màu nắng úa ấy. Màu áo đen nổi bật trên hè phố vốn rực rỡ nhiều màu, bước chân thẫn thờ như kéo lê đôi dép thấp. Phượng dừng lại bên kia đường khi đèn xanh bật lên. Giòng xe cộ ào ạt chạy qua, che khuất Phượng, rồi lại để lộ ra hình Phượng. Trong một giây tôi tưởng Phượng đã biến đi, nhưng khi giòng xe cuồng lũ qua đi, tôi vẫn thấy Phượng đứng sừng sững, vẫn với một dáng im lìm, bất động. Sau một giây ngơ ngác Phượng đặt chân xuống đường và từng bước, từng bước, chậm chạp qua đường. Tôi mở cửa đi ra để gặp Phượng.

    Tuy rằng, đã lâu lắm rồi mới gặp nhau, nhưng tôi không bắt gặp một nét ngạc nhiên nào trên mặt Phượng. Hình như từ lâu, Phượng đã giữ một khuôn mặt nước đá, mà hồi xưa, tôi và Dương thường chế diễu, mỗi khi Phượng có điều gì giận dỗi, là một khuôn mặt tủ lạnh. Bây giờ thì khuôn mặt tủ lạnh ấy thường trực đóng khung. Chuyện của Dương và Phượng thật buồn. Tôi như một chứng nhân, có mặt từ lúc đầu, cho tới lúc hạ màn, vở bi hài kịch, có tiếng cười, đôi khi có nước mắt. Sân khấu trường đời thật phũ phàng, có những lúc diễn viên không được học vở kịch từ trước, nhưng đã bị những diễn biến của vở kịch lôi cuốn đi, rồi cứ như thế, sân khấu đã bắt diễn viên phải khóc, phải cười, Phượng là một diễn viên trên cái sân khấu ma quái ấy.

    Tiếng hát từ nhà thâu băng Tiếng Hát Đôi Mươi bên kia đường bắt đầu một bản nhạc nức nở "Như giòng đời đó, cuốn người theo ...", cưỡng lại làm sao được hở Phượng, tôi mời Phượng vào quán, quán này tụ họp nhiều nhà báo, nhà văn, và nhất là nhiều nhạc sĩ và ca sĩ.

    Thói quen buổi chiều của tôi là phải tới quán này, uống vài ly rượu, đấu láo vài chuyện nhảm. Khi gặp đông bạn bè, thì chỉ về nhà khi quán đóng cửa, hôm nào mệt, tôi về sớm, nhưng cái sớm ấy cũng chỉ là lúc thành phố đã lên đèn. Tôi mời Phượng ngồi xuống ghế, ở đây Phượng khác hẳn những nàng ca sĩ, vẫn thường ghé ngồi đây chờ giờ đi trình diễn, Phượng vẫn đẹp như ngày xưa, nhưng cái đẹp nhí nhảnh, học trò đã nhường chỗ cho một cái đẹp liêu trai, rất buồn, buồn đến não nùng. Cặp mắt hay chớp ngày xưa, bây giờ mở lớn bất động, làm cho chiếc trán thanh tú ẩn hiện một vài nếp hằn suy tư. Tôi hỏi Phượng:

    - Hôm nay đi đâu mà chỉ có một mình?

    Phượng cười buồn:

    - Có còn ai nữa mà hai mình? Hay là anh đi chơi với Phượng để chúng mình có hai đứa. Bằng lòng không?

    Phượng vẫn còn nhớ được những cái thẳng băng của lối nói chuyện ngày xưa. Ồ, tại sao tôi hay nhắc đến chuyện ngày xưa, hai tiếng mà nói lên cứ như kể chuyện cổ tích? Ngày xưa, những ngày ấy đẹp lắm, ngày có tôi, có Dương, có Phượng, có Tâm và có Thư Hương.

    Tới bây giờ tôi cũng không hiểu Thư Hương đáng yêu hay đáng trách. Tất cả chúng tôi coi Thư Hương như một người em gái. Thật ra thì Thư Hương chính là em gái của chúng tôi ... Thư Hương là em gái của Tâm.

    Bây giờ Tâm đã nằm yên dưới ba thước đất. Nấm mộ Tâm cỏ đã mọc xanh rì. Ngày còn sống Tâm đã rất hãnh diện về cái tên của mình bằng một câu trong truyện Kiều "Một vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời". Ba ngôi sao thêm một vầng trăng là tên của Tâm, căn cứ vào đó, Tâm cho rằng cuộc đời binh nghiệp của Tâm sẽ sáng lắm ... Rồi đây Tâm sẽ làm tướng ba sao mà! ....nhưng cố gắng lắm thì Tâm cũng chỉ thành cố Đại Úy với ba hoa mai đặt lên bàn thờ, một đán tang với nhiều tiếng nức nở, và để lại trên cõi đời này ba cuộc đời oan nghiệt, cuộc đời của Dương, của Phượng và của Thư Hương.

    Vầng trăng khuyết đó là Tâm chăng? Và ba ngôi sao nằm cạnh là Dương, là Phượng, là Thư Hương đó chăng? Sao không thấy ai trả lời? Tâm nằm im lìm ngoài đó, nơi nghĩa trang Bắc Việt với lối đi đầy xác lá, với tiếng thông reo vi vu, như ngàn tiếng thì thầm và thở dài của những người nằm dưới mộ.

    Mỗi buổi chiều, nơi nghĩa trang này đều có vài ba bóng dáng của những nàng quả phụ trẻ, thầm lặng thắp lên vài ba nấm mồ những nén hương tưởng nhớ. Không khí nghĩa trang thật yên lặng, dù chỉ cách đại lộ một con đường, mà lúc nào xe cộ cũng chạy một cách nhộn nhịp không ngừng. Nhìn tấm bia của từng nấm mộ, ít ai có được một cái chết già.

    Làm một cái tính trừ của năm mà người sống đưa người chết ra tới nghĩa trang, với năm mà người đó được đẩy ra dưới ánh mặt trời, sao thấy con số đó nhỏ quá, nhiều nhất là từ hai mươi cho tới ba mươi. Tâm cũng vậy, chàng đã chết lúc vừa hai mươi tám tuổi.

    Những ngày buồn tôi lại tới nghĩa trang Bắc Việt ... nhiều người bạn của tôi đang nằm ở đây. Nơi đây ngoài những tiếng động âm thầm của nghĩa trang, còn vang vọng tiếng động cơ từ phi trường Tân Sơn Nhứt. Từng chuyến phi cơ vận tải phản lực cất cánh và hạ cánh, đôi cánh che rợp trời, loáng thoáng lướt qua từng nấm mộ.

    Những phi cơ ấy không phải của bạn tôi, của Dương, của Tâm, vì dưới cánh không mang theo bom đạn, để gợi cho người ta cái chiến tranh đang kéo dài mấy chục năm trên đất nước này. Tôi nhìn vào mắt Phượng, đôi mắt thẳm chứa đầy u buồn hơn cả bao nghĩa trang. Ly nước để trước mặt lấm tấm vài giọt nước đọng. Phượng thẩn thơ đặt lên môi uống một hơi hết nửa ly, rồi như bàng hoàng tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài. Lần đầu tiên từ lúc găp, tôi được nhìn một nụ cười thoải mái nở trên môi Phượng.

    - Thế nào anh? Cuộc đời tình ái, sự nghiệp của anh hồi này ra sao? ... Chuyện cơm áo vất vả lắm không? ... Làm nhiều nghề như anh thì giầu là cái chắc rồi ...

    Như cất đi được những tảng đá nặng chĩu xuống đôi vai, tôi cười theo Phượng:

    - Cũng đều đều, ngày hai bữa ăn và một giấc ngủ. Làm sao mà giầu được? Phượng còn lạ gì tính nết tôi, có tiền thì phải xài cho hết, chỉ sợ tiền thành rắn thành rết bò ra cắn chết. Bởi vậy chẳng bao giờ giầu.

    Phượng hỏi tới vợ tôi và con tôi và những người mà cả hai cùng quen biết. Cuộc gặp gỡ Phượng chỉ ngắn ngủi có thế đủ để tôi bắt đầu chuyện của Phượng và Dương.

    Và bây giờ bắt đầu vào truyện:



    Chương một.


    - Lần nào phát thư, cũng chẳng có thư của hai ông.

    Dương và Tâm ngồi ngoài đầu hè trước phòng hành quân, nghe câu nói ấy đều giật mình quay lại. Người Trung sĩ bưu tín viên nhìn hai chàng cười, lấp lánh vài chiếc răng vàng. Người Trung sĩ này rất chịu khó. Mỗi buổi sáng chừng hơn tám giờ, khi nắng đã trải dài trên phi đạo, tràn lan khắp sân đậu, soi rõ những hạt sương đọng trên cockpit của phi cơ, là người bưu tín viên xuất hiện đúng giờ, cứ y như một đồng hồ loại tốt.

    Trước phòng hành quân của phi đoàn X, có treo một hàng dài hộp thư, bên trên đề tên từng phi công của phi đoàn. Hộp thư nào cũng có khóa cẩn thận. Riêng chỉ có hai hộp thư của Trung úy Dương và Trung úy Tâm là bỏ ngỏ, cánh cửa mở toang hoác. Ai đi qua buồn tay cũng đập một phát. Cánh cửa đập mạnh bên trong, bật ra một tiếng động nhẹ, rồi lại bật trở ra như một cánh cửa tự động.

    Chẳng bao giờ người bưu tín viên bỏ vào đấy một phong thư. Lâu lắm rồi ở đấy cũng có một phong thư màu xanh được dán cẩn thận, nhưng buồn thay ở đấy không có một lời âu yếm, mà chỉ thấy đầy những con số. Đó là thư của sở thuế đòi thuế lương bổng, mà mỗi tháng phát lương, sở Tài Chánh đã quên khấu trừ thẳng vào lương.

    Tâm cũng cười:

    - Không phát được thư cho chúng tôi, bạn có buồn không? Nhưng xét ra bạn mỗi lần đi từng phần sở, với cái cặp da đầy nhóc tâm tình kia, mang phân phát tâm tình cho mọi người, thì kể cũng mệt. Bởi vì thương cái thân thể ốm yếu của bạn, nên chúng tôi không thèm viết thư và cũng không thèm nhận thư.

    Người Trung sĩ bưu tín viên thấy Tâm nói thế thì có vẻ không bằng lòng ra mặt. Như vậy là nghi ngờ thiện chí của hắn ta. Đáng lẽ ra hắn chỉ cần ngồi một chỗ, nhắc cái "tô lô phôn" lên , gọi về phòng văn thư từng phần sở, cho biết là có giấy tờ thư tín. Phòng văn thư phải có bổn phận cho người lên lấy về phân phát lại. Nhưng hắn muốn được làm công việc mang niềm vui cho mọi người mỗi buổi sáng. Cái sung sướng của hắn thật giản dị. Một lời nói cám ơn rất xuông tình. Một khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên, khi run run bóc lá thư của người yêu. Nét mặt sầu thảm khi nhận tin xấu của gia đình. Với những kẻ nhận được thư tình, hắn thường nói đùa một câu:

    - Đọc thư đứng cười một mình thế kia, đến chó nó cũng biết là nhận được thư của ai rồi.

    Với những người nhận được thư rồi sau khi đọc, biểu diễn một khuôn mặt táo bón, hắn cũng nói lén một vài câu an ủi, hắn cũng buồn vui theo người bạn và nhiều khi cũng có một ít nước mắt, nếu người bạn ấy nhận được tin nhà, báo tin trong nhà có người vừa nằm xuống.

    Từ ngày làm phận sự làm bưu tín viên, một điều ngạc nhiên đến khó chịu, là hắn chẳng bao giờ được hân hạnh phát thư cho hai ông Trung úy trẻ và cũng đẹp trai không kém gì ai. Theo ý nghĩ cuả hằn thì hai anh chàng này ít ra cũng phải có hàng tá người yêu, lâu lâu cũng phải biểu diễn vài đường bay bướm, viết thư tán nhảm về trăng sao hoa bướm, kể lể vài phát về không gian trời xanh mây trắng.

    Nhưng không hiểu thư đi đã không có mà thư về cũng lại không có nốt. Hắn đã định một ngày đẹp trời nào đó, hắn sẽ mời hai anh chàng "đầy bí mật" này, nhậu một bữa, rồi sau khi trà dư tửu hậu này, hắn sẽ hỏi rõ nguyên nhân. Cái gì rồi có bí mật đến đâu, nhưng chỉ cần vài phát la-de là bao nhiêu tâm sự sẽ phọt ra hết. Hắn đã hăm dọa như thế nhiều lần. Hắn hỏi thêm:

    - Còn Trung úy Dương? Đẹp trai như ông mà không có đến một người viết cho "vài hàng gởi anh trìu mến", thì kể như hạ màn mất rồi.

    Dương nháy một bên mắt:

    - Tôi tên là Dương, nhưng bị ... liệt dương, cứ em nào gần tôi một ít lâu, là "còn tình đâu nữa mà thù đấy thôi". Lý do chính là không thỏa mãn được những gì mà em đòi hỏi, cứ tới chợ là hết quà, hay nói nôm na là cứ lên lưng ngựa là bị tuột xích.

    Tiếng cười vang lên trong nắng sớm, nhưng người bưu tín viên vẫn lắc đầu:

    - Tôi không tin như vậy!

    - Tin hay không là tùy bạn.

    Người Trung sĩ bưu tín viên cũng ngồi xuống bậc thềm. Ở cái binh chủng này, người ta sống rất thân mật, ít có chất kỳ thị cấp bậc. Thắc mắc của chàng Trung sĩ vẫn chưa được giải đáp. Hai chàng Trung úy này vẫn còn đầy bí mật, dù rằng cái bí mật ấy, chẳng đến nỗi quan trọng như bí mật quốc phòng ...

    Ba người ngồi trên bậc thềm, lúc này thì sinh hoạt ngoài phi đạo đã tấp nập, một vài chuyên viên leo lên nổ máy để kiểm soát. Cánh quạt quay chầm chậm, rồi một làn khói xanh biếc tỏa về phía sau phi cơ, cánh quạt được trớn quay tít, thổi làn khói xanh bay tỏa lên không gian rồi tan biến ...

    Cảnh vật đó quen thuộc mỗi buổi sáng. Người bưu tín viên vẫn còn thắc mắc thật nhiều, Tâm và Dương là hai kẻ tính tình gần như trái ngược, ấy vậy mà thân nhau như hai vợ chồng, có thể vì vậy hai chàng phi công này ít có những mối tình lẩm cẩm?

    Nhưng chẳng lẽ xảy ra ... những chuyện vớ vẩn như những chuyện đọc được trên báo Tây, báo Mỹ. Anh chàng bưu tín viên này không tin như vậy, nên hỏi lại:

    - Các ông không có người yêu nào để viết thư sao?

    Câu chuyện lại trở về như lúc đầu, Dương thản nhiên:

    - Túi rỗng, chẳng có đồng xu mẹ nào, thì sao có được người yêu. Bạn hỏi câu đó thì hơi ... bết đấy nhé.

    Người Trung sĩ bực tức:

    - Nếu như vậy thì mấy ông làm xấu mặt lính tàu bay rồi. Các ông không thấy nhiều tên lính của mình? ... Tiền không có, đến lon lá cũng không có, ngay đến bộ quần áo mặc trên người cũng phải đi mượn, ấy vậy mà ái tình cũng ùa đến chật phòng. Các ông thì dù sao cũng cao ráo, sáng sủa, lái tàu bay, lại có tí lon lá ... Thiên hạ bì sao được với mấy ông. Tôi thấy hễ cứ buổi chiều, là đã có nhiều người đứng ngoài cổng để đón "bóng người phi công" rồi.

    - Rất may là trong đó không có chúng tôi ...

    Dương cười vang nói tiếp:

    - Nhiều người đang chờ bạn đấy. Tiếp tục làm việc ban phát tâm tình đi chứ.

    Người Trung sĩ bưu tín viên chợt nhớ nhiệm vụ đứng lên, chào hai người rồi đứng lên đi về phia ban kiểm kỳ. Bóng dáng lủi thủi, câm nín đã quen mắt trong mỗi buổi sáng. Trời hôm nay thật đẹp, chỉ lảng vãng vài ba đợt mây mỏng và lặng gió. Dương ngước nhìn lên trời ... Hai chiếc phi cơ khu trục nghiêng cánh, đưa bụng về phía mặt trời làm thủ tục hạ cánh. Tâm ngước mắt nhìn theo, rồi hỏi:

    - Chúng nó cất cánh từ hồi nào vậy?

    - Từ sáu giờ sáng.

    Chiếc phi cơ thứ hai nghiêng cánh vòng theo, hai bên cánh vẫn còn bom đạn chưa thả hết. Hai làn khói trắng tỏa ra từ hai đầu cánh rồi loãng tan dần.

    - Gió yếu thế này mà cho nó hạ cánh hướng về phía mặt trời làm chi cho chói mắt.

    - À! vùng bên kia sông, nơi đầu phi đạo ấy vẫn còn đang trong thời gian xạ kích của pháo binh.

    Chiếc xe của đoàn vũ khí chạy ngang qua trước mặt. Người lính bám vào cửa, cạnh người tài xế, nhìn Tâm và Dương toét miệng ra cười. Hai chiếc phi cơ ngừng lại bên đầu phi đạo, gỡ hạt nổ rồi đi vào bến đậu. tiếng rồ máy thật mạnh rồi tắt hẳn. Hai người phi công tiến dần về phòng hành quân.

    - Bay sớm nhìn mặt trời mọc chắc khoái lắm. thằng An thi sĩ, chắc thế nào cũng làm thơ?

    Người phi công trả lời Dương:

    - Đừng xúi dại tao chứ mày! ... Đạn nó đan lên như pháo bông, làm thơ để mà chết mất xác. Tao phải tới thùng thư, coi xem hôm nay có thư của em không? Cứ hai ngày mà không có thư, cuộc đời sao là buồn ...

    Nghe câu than cải lương ấy, Tâm và Dương cũng thấy vui lây. Khi yêu con người trở thành con nít và pha một chút xíu cải lương trong lối nói chuyện. Câu nói "anh yêu em, em yêu anh" nghe trên màn bạc bằng tiếng Tây, tiếng Mỹ thì không sao, nhưng nghe phát ngôn bằng tiếng Mít thì buồn nôn hết chỗ nói.

    Có nhiều lúc Dương không hiểu rằng, các cụ ngày xưa có biết nói gì đến tiếng yêu không? Chắc là phải có, vì đọc cả một rừng ca dao, tục ngữ, đều thấy có nhắc nhở đến chữ yêu "Yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay". Cũng thắm thiết lắm đấy chứ! Nhưng chữ yêu của các cụ bàng bạc mà đằm thắm, không sống sượng và nhiều tính chất tống tình như bây giờ.

    Nhìn thấy bạn mình, vừa làm một chuyến bay trở về, chạy vội lại thùng thư, thấy lá thư là mắt sáng lên, Tâm và Dương cũng thèm có một lá thư. Chàng phi công tên An, hấp tấp xé bao thư, moi ra một tập giấy màu xanh, chữ viết dầy đặc, Dương hỏi:

    - Bao nhiêu lâu chúng mày không gặp nhau rồi?

    - Hai ngày!

    - Trời, mới có hai ngày mà chị đã gởi thư cho anh, mà đã viết ngần ấy chữ. Chắc mở đầu bằng câu " anh hãy đếm lá thư này có bao nhiêu chữ, thì tình của em, yêu anh là ... ngần đó".

    An nhìn Dương kính phục:

    - Mày tài quá! Đúng thật! Câu mở đầu của em đúng y như ... dzậy. Không biết cái tư tưởng đó, em thuổng của mày, hay mày thuổng của em.

    An cầm lá thư đi vào phòng nghỉ. Hành lang lại chỉ còn có Tâm và Dương. Hai người ngồi đây chờ phi vụ, lúc nào cũng sẵn sàng sửa soạn lên đường. Một vài chiếc xe chạy vụt qua. Trên trời dưới đất vang tiếng động cơ ồn ào. Một vài cơn gió thoảng nhẹ vừa đủ bay bay mái tóc và làm rung động chiếc ống gió. Tâm hỏi:

    - Mày đã viết thư cho người yêu bao giờ chưa?

    - Nhiều lần ...

    - Tại sao không viết nữa?

    Dương cau mặt:

    - Vì bây giờ không còn yêu nhau nữa.

    Tuy rằng nói không còn yêu nhau nữa, nhưng khi nói câu này Dương bỗng chợt thấy bâng khuâng, như một cái gì chợt mất mát. Như ngày xưa thời còn mơ mộng, đọc mấy câu thơ Tản Đà "cái hạc bay lên vút tận trời". Cái bâng khuâng hiện nay, cũng mơ hồ như thế. Chàng thấy như người câm lặng hẳn đi, quên rằng mình đang ngồi đây, chỉ chợt giật mình khi nghe Tâm hỏi:

    - Sao không thấy bao giờ mày nói chuyện này cả?

    - Tại vì tao yêu Phượng từ trước khi đi lính.

    - À, thì ra cô nàng tên Phượng.

    Dương muốn nhắc nhiều lần tên Phượng, tên của em, muốn gọi cứ phải mím chặt môi lại, khi cái tên thoát được ra ngoài, có thể là một tiếng reo vui, có thể là một tiếng thở dài.

    Anh còn nhớ ngày xưa, em hay mặc áo đỏ, màu của hoa phượng nở thắm sân trường, mà anh hay gọi màu áo đỏ mà em hay mặc, là màu xe chữa lửa. Anh hay nói đùa với em là nếu em cứ hay mặc áo đỏ, thế nào cũng bị bò húc cho mà coi, bò vốn ghét màu đỏ mà, rồi em hỏi anh rằng anh có phải là bò không.

    Chỉ vì anh không phải là bò nên anh mới yêu em, yêu một người con gái mặc áo đỏ, để mỗi lần đi đâu với em là mỗi lần làm nhức mắt thiên hạ. Dương cười một mình ... Chiếc phi cơ cất cánh từ đầu phi đạo, tiếng máy nổ làm rung cửa kính. Tâm đưa hai tay bịt chặt lấy hai tai:

    - Mấy thằng mọi da đỏ này ồn ào quá.

    Buổi sáng nay Tâm và Dương không có một phi vụ nào để lên đường, Ngồi nhìn phi đạo thì ngày nào cũng thế. Chi lâu lâu đổi khác một chút, khi nào có phi cơ gặp trục trặc, phi trường nhốn nháo hẳn lên vì xe chữa lửa, cứu thương chạy tấp nập. Rồi tới khi phi cơ chạm bánh về được tới sân đậu, sinh hoạt lại trỏ nên bình thường như mọi ngày.

    Hai người rủ nhau xuống câu lạc bộ, mới hơn mười giờ mà hơi nóng mặt nhựa đã bốc lên rát mặt. Mỗi khi một cơn gió nổi lên là hơi nóng lùa vào người, làm mồ hôi chảy ra, ướt đẫm lưng. Đang đi tự nhiên Dương ngừng lại. Chàng nhìn thấy trên mặt nhựa, để trơ ra màu xám đất lẫn lộn vài viên đá nhỏ. Rồi ở giữa khoảng đất ấy, một thân cây bé nhỏ, èo uột mọc lên, chiếc lá xanh dầy đóng đầy bụi, trên ngọn, một bông hoa màu tím với những cánh mỏng manh. Chàng nói với Tâm:

    - Không ngờ khoảng đất như thế này mà cũng nở được một bông hoa. Mày có biết bông hoa này tên gọi là gì không?

    Tâm cười:

    - Làm sao mà biết được, nhưng khi những bông hoa mà không biết được tên, cách gọi tiện nhất, gọi nó là bông hoa dại.

    Dương ngồi hẳn xuống vuốt ve từng cánh hoa. Chắc chỉ một ngày, vói cái nắng này, với sức nóng hun đốt mặt nhựa, bông hoa này cũng úa tàn. Ai đã gieo một hạt giống nơi đây, để cho cây có được một bông hoa? Chỉ có trời mới làm được công việc ấy. Nhưng trời đã để cho cây ra đời, rồi lại tước đoạt đi sự sống, để cho sự sống mong manh quá. Dương thấy thương cho bông hoa lạc lõng.

    Chàng cúi xuống hái bông hoa gài lên túi áo, thân cây nhỏ, mất đi bông hoa màu tím lại trở thành một kiếp cỏ hoang, rồi sẽ nát đi dưới vết bánh xe, gót giầy.

    Giờ này câu lạc bộ vắng người ... Anh chủ giải trí bằng cách đạp ruồi. Cô bé trông quầy hàng, ngồi đọc một tờ báo phụ nữ, mà tờ bìa ngoài in hình một cặp tài tử cải lương đang áp má vào nhau âu yếm, cười toe toét. Dương gõ lên mặt quầy:

    - Cô Thu đang đọc chuyện gì vậy?

    - Bức thư tình.

    Dương nháy mắt:

    - Trong đó có bức thư nào tôi viết cho cô không? Nếu có làm ơn đọc lớn cho thiên hạ nghe chơi.

    Ngồi bán hàng ở những câu lạc bộ của lính, hình như cô em gái đã nghe những lời tán tỉnh cũng đã hơi nhiều, nên ít khi xảy ra một vụ cảm động. Cô nàng bĩu môi một cách rất điệu:

    - Đừng có nham nhở. Uống gì đây mấy cha nội.

    Tâm không có tật tán gái. Đối với chàng đàn bà chỉ là một phương tiện để giải quyết những gì ứa đọng trong người. Những đứa con gái dễ dãi ở nơi trà đình tửu quán, thì chàng củng chỉ làm như một thủ tục cho phi cơ hạ cánh "xin phép vào vòng phi đạo". Khi được chấp thuận, chàng làm đủ mọi thủ tục, buông hai cái cẳng lớn, rồi thò cẳng giữa ra, hỏi lại lần cuối: "xin phép được hạ cánh". Khi được phép hạ cánh, hai cẳng trên và cẳng giữa ôm chầm lấy cái phi đạo, để rồi cứ lăn đi, từ từ cho tới khi ngừng chạy. Ấy thế là xong một phi vụ. Chỉ có như vậy thôi. Làm chi những thứ khác cho rườm rà lôi thôi, rắc rối.

    Ý nghĩ về đàn bà của Tâm chỉ đơn giản có thế. Ừ, tại sao không coi một lần gần đàn bà, là một lần cho phi cơ hạ cánh? Cũng chỉ ngần đó thủ tục, làm theo thói quen. Lúc tắt máy, cũng như lúc xong công việc, đều thấy nhẹ nhàng, thanh thản, dù rằng người nhớp nháp một chút mồ hôi.

    Tâm và Dương ngồi vào một cái bàn gần cửa sổ. Người chủ quán hỏi mà tay không ngừng đạp ruồi:

    - Cái ghế đó chắc Trung úy Tâm mua đứt rồi, lần nào tới câu lạc bộ này cũng thấy ông ngồi cái ghế đó.

    Tâm không trả lời, nhìn qua khung cửa, đằng sau khung cửa hẹp, còn sót lại vài cây cao su xanh mướt lá. Cả một rừng cao su, ngày xưa nổi tiếng là miền Biên Hòa đất đỏ này, chỉ còn lại có thế. Những ngày còn nhỏ ở ngoài Bắc, đã một dạo, Tâm nghe thấy người ta tuyển mộ phu vào làm đồn điền cao su ở mãi tận trong tuốt xứ Nam kỳ. Rồi bao nhiêu chuyện thê thảm được viết thành sách, tả kiếp con người khổ ải, đầy đọa trong những nơi mà người ta đặt tên là đồn điền.

    Ở làng Tâm, cũng có mấy người ra đi, mà người ra đi thì có, người về thì không. Khi mới đổi về Biên Hòa, Tâm mới biết rằng căn cứ này, được tạo dựng trên một đồn điền cũ cuả Tây. Di tích còn sót lại cũng nhiều. Những dãy nhà thấp, trần nhà nám đen đầy bụi và màng nhện, ngày trước là nơi cư ngụ của phu đồn điền, nay đã biến thành trại gia binh Huỳnh Hữu Bạc, với những gia đình lính, vợ con lính sống lúc nhúc.

    Trước cửa và sau lưng cư xá độc thân, trong đó có phòng của Tâm và Dương, là những bóng cây cao su cổ thụ, xanh mướt lá. Những cây cao su trông thật hiền hòa, giống như tất cả những cây khác, chỉ khác một điều là chưa bao giờ Tâm thấy những cây này có lấy một bông hoa.

    Tâm thích ngồi chỗ này trong câu lạc bộ nhìn ra khoảng sân sau. Trời thu hẹp trong một khung vuông vắn. Thỉnh thoảng một chiếc là bay vèo trong khung cửa, nằm tênh hênh trên sàn xi măng phẳng bóng.

    Dương nhìn Tâm:

    - Mày đang nghĩ gì vậy?

    Tâm lơ đãng, chớp mắt:

    - Tao đang thắc mắc, những cây cao su này đã sống bao lâu, ít ra tuổi thọ của nó phải cao hơn tuổi tao, tuổi mày là cái chắc.

    Dương gật gù cái đầu:

    - Cái đó chắc phải hỏi cô Thu đang ngồi trong quầy hàng kia thì mới biết đưọc, cô ta là một quãng cáo rất ăn khách cho nghề trồng cao su.

    Tiếng cười của hai người bạn vang lên, cô bán hàng trong câu lạc bộ, thấy vậy bỏ tập báo xuống, cũng cười. Thế ngồi của cô ta bây giờ rất hớ hênh, lưng tựa vào thành ghế, ngực ưỡn ra, hai chân gác lên một chiếc ghế khác. Trên đầu một chiếc quạt máy quay tít làm nhấp nhô, phập phồng làn vải mỏng. Dưới chân còn để thêm một chiếc quạt nữa để làn gió vô tình thổi lùa vào ống quần rộng. Biên Hòa, bây giờ đang lúc giao mùa. Những lúc gần buổi trưa, trời thật nắng.

    Dù có hai cái quạt, trên đầu dưới chân, Dương và Tâm vẫn thấy cô hàng đổ mồ hôi, những giọt mồ hôi lấm tấm trên cổ, làm thành một khoang ở hai bên nách. Lâu lâu cô hàng lại dùng tờ báo quạt phành phạch.

    - Tao đang có một dự định ...

    Dương ngạc nhiên nhìn Tâm:

    - Dự định gì vậy? Lấy vợ chăng? ...

    - Còn lâu ... Tao đang phác họa một chương trình giải trí lành mạnh. Muốn giải trí thì phải có tiền mà tao với mày đều không có tiền. Tao nghĩ rằng mình chỉ có một cách giải trí là ghi tên học thêm. Đó cũng là một cách giải trí, một cách giết thì giờ rất linh nghiệm.

    - Nhưng thời giờ đâu có tội tình gì mà mày định giết nó ? ... Mày không sợ nó báo thù sao? ...

    Khi mà thời giờ nó đã báo thù, thì thật kinh khủng. Ban ngày có việc làm thì có thể quên đi, nhưng mà ban đêm, sao nó dài lê thê. Bao nhiêu tiếng thằn lằn tắc lưỡi trên trần nhà, là phải đếm hết. Mỗi chiếc lá rơi ngoài sân, là một sự khắc khoải, hành hạ người những đêm khó ngủ.

    (Còn tiếp)

  • #2
    Chương hai.


    Dương sợ nhất là những đêm khó ngủ ... Thường thì thời gian khó ngủ ấy thường xảy ra vào mùa nóng như mùa này. Những đêm đó, chàng hay lăn lộn trên giường. Chiếc nệm trũng xuống, hai bên nệm nhô cao, như muốn ôm chặt lấy Dương, và cái nóng âm ỉ từ chiều, chưa được hơi lạnh ban đêm xua đuổi đi hết, cứ như còn lăng vãng trong căn phòng nhỏ và hẹp.

    Mỗi lần trở mình, chiếc giường sắt lại phát ra những tiếng kêu nghe ghê tai, như tiếng nghiến răng. Tâm nằm ở giường bên kia, rất khổ sở vì những tiếng động ấy, nên đã nhiều lần van nài:

    - Tao lạy mày, mày đừng trở mình nữa. Thà mày hét vào tai tao, tiếng la hét đó vẫn còn dễ chịu hơn tiếng giường sắt nghiến vào nhau.

    Dương thở dài:

    - Nhưng tao khó ngủ quá.

    - Mày không ngủ được rồi mày cũng bắt tao cũng phải thức như mày hay sao? Biết như vậy sao mày không xin một chút dầu cho vào khe giường sắt, có phải đỡ làm khổ lỗ tai thiên hạ biết mấy?

    Dương biết lỗi của mình, nằm yên mà trong lòng như có một bó lửa âm ỷ cháy. Cái cháy ấy, để con người thành cây đuốc, chắc còn sung sướng hơn là sự cồn cào rỗng tuếch của chiếc đầu đeo đá, chàng nằm yên một lát, rồi thèm một cái trở mình, để cho lồng ngực dễ thở hơn. Chàng cố cựa nhẹ mình, mong chiếc giường đừng phát ra tiếng kêu, để Tâm có thể dễ được chìm vào giấc ngủ. Không ngờ lại nghe tiếng Tâm hỏi:

    - Mày vẫn không ngủ sao?

    - Ừ, ngủ không được.

    Ngoài phi đạo, tiếng động cơ nổ mạnh. Một chiếc động cơ đang thử máy. Khu nhà sĩ quan độc thân, cách xa sân đậu phi cơ và phi đạo, nhưng buổi tối, không gian thật yên tĩnh, nên những tiếng động phi trường vẫn văng vẳng vọng âm. Lâu dần những tiếng động ấy trở thành quen thuộc. Tiếng lá rơi trên mái ngói, nghe rõ rệt hơn tiếng động cơ. Những cơn gió làm sào xạc lá và khua động thân cành.

    Phi Trường Biên Hòa ngày đó còn rất nhiều âm u, cây cao bóng cả che lấp mái ngói rêu phong. Dương cố dỗ giấc ngủ, từ một trăm, chàng cố đếm liên miên, rồi đến khi chợt bừng tỉnh hẳn, chàng mới thấy mình đếm gần con số một ngàn.

    Con tắc kè còn sót lại nơi vườn cao su, chợt tắc lưỡi kêu lên vài tiếng: "Bắc kỳ, Bắc kỳ, Bắc kỳ ...". Từng tiếng một mang theo một sự may rủi. Cũng đã có nhiều đêm, Dương đã đếm theo từng tiếng may, tiếng rủi cho đến khi con tắc kè tắt tiếng, chỉ còn tiếng ọc ạch đoạn chót. Và cũng lo sợ vẩn vơ, khi Tắc kè ngừng tiếng khi tiếng rủi ... Và ngày hôm sau, cứ thấy lo lắng khi phải leo lên phi cơ làm những cuộc dấn thân lửa đạn. Những người phi công như Dương, như Tâm ai cũng có một tí mê tín, vừa đủ để cho mình không biến thành một thứ ... dị đoan như đàn bà.

    Sau khi một người bạn chết, những người bạn bè còn lại thường ngồi nói chuyện với nhau, nhắc lại những câu nói chuyện sau cùng của người đã chết, để rồi ai cũng phải nhận rằng, đấy là những lời nói gở, lời nói của những người biết rằng mình sắp từ bỏ cuộc sống.

    Một con đường nhựa chưa được đặt tên trong căn cứ, thằng nào đi qua buột miệng nói ra câu "con đường này sẽ mang tên tao" thì thằng đó đã có điềm báo trước là sắp sửa "về quê". Còn nhiều, nhiều nữa. Một anh chàng Trung úy khoe rằng kỳ thăng thưởng đặc cách này, mình sẽ lên Đại úy. Nếu có kẻ đùa giỡn, nói một câu:

    - Ừ, thì mày lên Đại úy, nhưng mà là cố Đại úy ....

    Thì sự đùa dỡn ấy, được kể như một lối đùa vô ý thức. Người nhận được câu nói đó, cảm thấy như bị một ám ảnh khó quên. Văn minh cơ giới chưa đuổi được đi hết những bóng đen huyền bí. Sợ rằng khi nền văn minh cơ giới phát triển tới cùng cực, thì sự tôn sùng và nghiên cứu khoa học huyền bí cũng theo đà ấy và tiến đến những mức cao hơn.

    Không phải chỉ có mình Dương là có tật sợ ma, mà hầu hết những anh chàng phi công khu trục, đều có cái tật đáng yêu đó. Họ đưa những lý luận thật vững để bào chữa cho sự "có ma" mà bao nhiêu người phủ nhận. Cái gì mà ngôn ngữ loài người đã có tên để gọi, thì cái đó chắc chắn phải có. Mà không phải chỉ có ngôn ngữ Giao Chỉ, mới có để gọi những người chết mà chưa siêu thoát, mà tiếng Tây, tiếng Mẽo cũng có những danh từ để gọi hồn ma. Như thế thì ma có thật là cái chắc.

    Dương cứ trằn trọc trong căn phòng hẹp, trong cái tối đen của đêm khuya cư xá, ý nghĩ vẩn vơ đuổi theo liên tiếp, để cho giấc ngủ không chịu đến. Về khuya cơn nóng đã dịu bớt, Dương nghĩ tới những căn nhà phía bên kia, nơi các những sĩ quan có gia đình trú ngụ. Một buổi tối, trong căn nhà Đại úy Hoàng phát ra những tiếng khóc nỉ non đến rợn người. Vợ của Đại úy vừa chết, những ngày sau đó, chàng được nghe thật nhiều chuyện ly kỳ, do bạn bè phịa ra quanh cái chết ấy.

    - Mày có biết không? ... tháng trước tao nghe chị Hoàng kể chuyện, tối nào đi ngủ, mới vừa chợp mắt là thấy một ông cụ già ... tới nắm chân kéo, đòi lại nhà ... Chị kể lại với anh Hoàng, nhưng anh Hoàng không tin. Thế rồi chị bị chết đấy. Tao chắc là ngôi nhà ấy thế nào cũng có ma ...

    - Tao lại còn nghe kể, mấy đứa con cuả anh Hoàng nằm ngủ ở trên giường đàng hoàng, mà sáng nào cũng tìm thấy ngủ ngoài vườn. Ngôi nhà đáng sợ thật.

    Dương đã co rúm người lại khi nghe kể chuyện đó. Thì đã nói rằng căn cứ này vốn là một đồn điền cao su. Không thiếu gì những người đã chết oan vì chính sách dã man của Tây à cặp rằng. Những căn nhà của sĩ quan có gia đình trú ngụ, đều xây theo lối cổ, với những chiếc cột to lớn, nền nhà được xây trên những cái hầm, mà người ta không hiểu rằng, trong đó có còn sót lại bộ xương khô nào không? Chính căn nhà mà Dương và Tâm đang ở, cũng là di sản của Tây.

    Tất nhiên là cũng có những căn phòng của một chàng phi công Tây nào đó, nằm ngủ một giấc, sáng dậy đi làm một phi vụ rồi bay luôn, không trở về. Chẳng cần nói đâu xa, cạnh ngay căn phòng của Dương là phòng của Bạc và Xuân ở cũ.. Đã một thời kỳ để trống, không ai dám ở vì sợ "thằng Bạc".

    Ngày Bạc chết ở Nha Trang, lúc thâu lượm xác, bạn bè kiếm mãi không ra miếng xương đầu gối. Muốn cho bạn bè không dám đi tiểu ban đêm, Dương chỉ cần chờ cho đêm khuya một chút, gõ lạch cạch vào từng chiếc cửa sổ rồi làm ra giọng rên rỉ:

    - Trải lại cái đầu gối cho tao ... Tao là Bạc đây! ...

    Nhưng có một đêm vừa diễn xuất xong màn đó, Dương bỗng sợ tái người, vì nghe thấy trong phòng có tiếng lên đạn lách cách. Tâm đã trách Dương nhiều lần, vì tính thích nghịch dại, chúng nó sợ quá, phơ cho một cái thì toi mạng. Rồi Tâm nhắc lại cho Dương nghe chuyện của Đăng.

    Một ngày đẹp trời Đăng thi hành một phi vụ huấn luyện. Hồi đó chiếc phi cơ khu trục F8F được mệnh danh là chiếc quan tài bay, tính tình bất thường cứ như là một cô gái đẹp con nhà giầu, quay máy đậu ở sân bốn chiếc, thì lúc di chuyển còn có hai. Ra đến đầu phi đạo thử máy lần chót, thì chỉ còn lại một chiếc. Anh chàng cô đơn ấy, bay một mình thì buồn và cũng chẳng làm được trò gì, cũng quay đầu lại về luôn. Ngày nào cũng xảy ra vài ba vụ bay hụt. Leo lên tàu bay rồi lại leo xuống, cứ như anh chàng thích lấy le, nặng về phần trình diễn.

    Chiếc phi cơ ấy, với cánh đuôi thật thấp, đầu ngước lên thật cao, nên lúc di chuyển, chẳng nhìn thấy được gì phía đằng trước. Không hiểu tại sao mà cũng gây được bão táp trong thời đệ nhị thế chiến. Hôm đó Đăng bay huấn luyện để thử máy, chiếc phi cơ tự nhiên mất cao độ, lúc đang bay trên bầu trời Vĩnh Bình. Cánh quạt bay như nghẹn thở, như có ai bóp chặt cuống họng, rồi cuối cùng, Đăng đành làm một phát cho phi cơ tắm mát dưới giòng sông Vĩnh Bình. Mở được cửa, thoát được ra ngoài, Đăng đứng trên bờ nhìn nước lên, che khuất dần chiếc phi cơ thân yêu, cho đến lúc mặt nước trở lại phẳng lỳ.

    Đăng đã nhìn giòng nước lấp con tàu đi. Người phi công coi chiếc phi cơ như một người yêu, khi thì ngoan ngoãn, cúi đầu lễ phép vâng lời trước tay ga, cần lái. Khi thì bướng bỉnh, phẫn nộ và ương ngạnh "cùng với em làm phát ngao du sơn thủy, từ trên cao nhìn xuống non sông cẩm tú, anh cảm thấy yêu nước mình hơn".

    Bây giờ thì chiếc phi cơ đã nằm tắm mát dưới giòng sông, nước đã phủ lên, xóa hết không còn dấu tích. Đăng biết rằng nếu những người bạn đi tìm kiếm, chắc cũng chẳng thể thấy được. Bay thử máy và huấn luyện cho phi cơ khu trục, bao giờ cũng phải thực hiện trên vùng không phận phi trường, với một độ cao được xin phép trước. Nhưng một phút yêu đời, Đăng đã mang phi cơ quá xa, tuy rằng mới có mười lăm phút bay, nhưng vùng trời này đã là Vĩnh Bình. Đăng móc túi lấy ra bản đồ đã ướt nhẹp, ngón tay đưa theo đường bộ, con đường này dùng xe đò, ít ra củng phải mất nửa ngày.

    Bây giờ là mười giờ, Đăng nằm dưới gốc cây, gối đầu lên chiếc dù đẫm nước, chờ nghe một tiếng động cơ, chờ nhìn một chấm đen trên bầu trời. Ngày đó một chiếc trực thăng, quý và hiếm, nên có nhìn thấy Đăng, thì Đăng cũng phải về đường bộ. Đồng quê thật yên tĩnh. Đăng nghe thấy cả tiếng xè xè của một con chim đang đập cánh để đuổi bắt cào cào, lâu lâu mới nghe được tiếng động cơ từ xa, thật xa vẳng lại rồi tất cả lại chìm vào một sự yên lặng mênh mông.

    - Không hiểu tụi nó ở nhà có nóng lòng hay không?

    Đăng thầm hỏi như vậy ... Quả thật tại phi đoàn này, đang mở cuộc tìm kiếm quy mô. Chiếc F8F với thời gian bay chừng một tiếng rưỡi, nếu quá giờ đó mà không thấy trở về, thì cuộc đời anh chàng phi công kể như đã hạ màn rồi. Hàng chục chiếc phi cơ quan sát, bay như đan đi, đan lại trên vùng trời. Phòng hành quân, điện thoại lên đài kiểm soát, để hỏi câu nói cuối cùng của Đăng, vẫn chỉ là thủ tục vô tuyến đàm thoại thông thường, điện thoại về Sài Gòn, cũng chẳng có gì mới lạ.

    Tới buổi chiều, cuộc tìm kiếm chấm dứt, và người ta đã kết luận rằng Đăng đã đi một đường tàu suốt rồi. Nhiều sự thương tiếc, không biểu diễn ầm ỹ, nhưng cũng tạo ra trên khuôn mặt những người bạn, thật nhiều nét buồn.

    Nằm chung phòng với Đăng là An, anh chàng phi công thi sĩ, tối hôm đó An đi ngủ nhờ, tới phòng nào cũng đầy người. Sang tới phòng của Tâm và Dương, An chỉ xin được trải một tấm vải xuống nền nhà để ngáo một giấc cho đỡ sợ. Một cuộc điều đình xảy ra ngay tức khắc. Bằng lòng cho ngủ nhờ, nhưng sáng mai An có quyền mời Dương và Tâm đi ăn sáng. An đau khổ:

    - Lâu lâu mới nhờ tới chúng mày một lần. Hai thằng chúng mày mà xúm lại ăn sáng, cuộc đời tao sắp tàn trong ngõ hẹp ... thôi thì dù sợ, tao cũng vẫn về phòng ngủ, thà rằng vì sợ mà thành đau tim, còn hơn đau tim vì nhìn chúng mày ăn sáng bằng tiền của tao ...

    Chừng mười một giờ đêm, một tiếng hét thất thanh, rồi một tiếng súng nổ chát chúa. Cả cái cư xá đọc thân hoảng hốt, vùng dậy, chạy ra ngoài, thấy Đăng đứng trước cửa phòng, mặt tái mét, không còn một giọt máu. Tất cả bọn reo lên:

    - A! Thằng Đăng về ....

    - Mày làm sao vậy?

    Lúc đó Đăng mới nói được:

    - Thằng An nó bắn tao. Tao vừa gõ cửa phòng, nó run run hỏi ai đó, tao trả lời, ấy thế là nó hét lên một tiếng và bắn ra cửa một phát. May mà không trúng, chứ trúng thì đời tao hết rồi.

    Lúc đó An mới mở cửa ra ôm chầm lấy Đăng:

    - Tao xin lỗi. Tao tưởng mày chết rồi, mày là ma về dọa tao chơi, cũng may tao không ngủ phòng thằng khác, lúc nửa đêm thức giấc, chợt nhớ rằng chưa khóa nước hay quên cái gì, trở về phòng lấy, thấy mày nằm chình ình trên giường chắc tao té xỉu ... Tao xin lỗi mày ... Mày có sao không? Đã ăn uống gì chưa?

    Dương mỉm cười trong bóng tối, chàng nhớ khuôn mặt hốt hoảng và hối hận của An ngày đó, chỉ một tí tẹo nữa, là làm cho thằng bạn mình hóa thành ma. Rồi Dương bùi ngùi nhớ lại những thằng bạn đã chết, lúc còn sống rất sợ ma, nhưng không ngờ bây giờ đã là ma cả rồi.

    Đăng may mắn hơn, thoát được sự vùi xác dưới lòng sông, đi hai ba chuyến xe đò, về đến nhà, tới cửa phòng, tưởng rằng sẽ được nằm dài, nhớ lại những giây phút nguy hiểm đã trải qua, không ngờ chút xíu nữa thì được nằm yên nghỉ luôn. Lúc bạn bè xúm quanh, hỏi về tất cả những chi tiết của vụ thoát nạn, Đăng kể xong rồi dặn dò:

    - Nếu vô phước có lần nào chúng mày phải hạ cánh ép buộc xuống nước thì nhớ phải đóng chặt "cockpit" lại, đầu máy nóng, lại thêm có dầu chảy ra, trong vài giây, đầu máy chạm nước, nước sẽ sôi ào qua người chúng mày. Lúc đó chúng mày sẽ bị luộc chín như con heo. Vậy tao dặn thêm một lần nữa. Nhớ đóng kín cửa lại ...

    Từ ngày gặp tai nạn ấy Đăng bị ngưng bay. Những lần Dương muốn dọa ma đám bạn bè, Tâm lại nhắc tới chuyện Đăng, là để nhắc lại viên đạn ghim vào nền nhà. Dương nói thầm:

    - Ấy thế mà đã bốn năm.

    Bốn năm trời đi qua thật mau, Dương nhận thấy những ngày trong quân ngũ, chỉ những năm đầu là trôi qua thật chậm, chiếc kim đồng hồ chỉ như nhích đi từng giây từng phút, tấm lịch treo trên tường cứ nằm ì ra đó, chẳng ai thèm bóc đi tờ nào. Rồi sau vài ba năm, những năm sau đó, trôi qua thật mau, đúng với câu "bóng ngựa qua cửa sổ". Vừa mới hôm nào là tết, nhưng sao đêm nay, đêm sao khó ngủ của Dương, thời gian sao mà quá dài ...

    Đèn ngoài đường vụt tắt, Dương nhìn vào chiếc đồng hồ dạ quang, thấy kim chỉ năm giờ sáng, trời tối đen hẳn lại, một cái xẩm tối khi trời trở sang ban ngày. Tự nhiên Dương cảm thấy mệt mỏi ghê gớm, ngoài đường đã có tiếng xe chạy của những người đi làm sớm. Đằng sau lưng cư xá, những người trong câu lạc bộ đã lục đục thức dậy, sửa soạn để bán hàng buổi sáng.

    Anh chàng chủ câu lạc bộ bước đi những bước nặng nề và ngáp một phát rất ồn ào, tiếng nước chảy ồn ào trong phòng tắm và có tiếng cô Thu, bán hàng ở câu lạc bộ, ca một bản cải lương rất mùi. Dương thiếp đi trong những tiếng động đó. Bên tai chàng còn nghe tiếng động cơ thử máy ở sân đậu và bắt đầu tiếng xe chạy qua đầu nhà rầm rập.

    Ông trời hình như có một luật lệ riêng biệt, không cho ai được ngủ vào những giấc chín, mười giờ sáng. Bởi thế thức dậy, chàng vào nhà tắm, mở nước cho chảy thật mạnh. Nước mát tỉnh táo hẳn người, tự nhiên Dương bật ra tiếng hát. "Tại sao mình bết quá vậy nhỉ, chẳng thuộc được một bản nhạc nào cho trọn bài". Chàng hát lên mấy câu hát, bài hát này cứ chạy qua bài hát kia một cách rất ư là mất trật tự.

    Ông chủ câu lạc bộ mở mạnh cửa sổ:

    - Hôm nay Trung úy Dương có vẻ yêu đời đấy nhé. Lại còn hành hạ thiên hạ bằng cái giọng hát nhà "chay" nữa, thì nhất ông rồi.

    Dương nói vọng sang:

    - Một tô phở, một ly cà phê. Làm sẵn đặt lên bàn, tôi sẽ sang ngay bây giờ, Nhớ bỏ thêm vài ba con ruồi vào phở để đớp cho ngọt.

    Tiếng ông chủ quán:

    - Có ngay tức khắc!

    Dương mặc quần áo trong có một phút. Uống xong ly cà phê, chàng không biết phải làm gì cho tới mười hai giờ. Bây giờ mà mò lên phi đoàn thì "chuế" quá. Chắc thằng Tâm nó đã phịa ra một căn bệnh cho mình, chắc là ghê gớm lắm, để xin phép cho mình nghỉ hôm nay. Thế nào cũng được vài ba câu hỏi thăm. Thế rồi lại thấy mình vác cái bản mặt lù lù dẫn xác tới, khỏe mạnh như thường lệ, chắc thằng Tâm sẽ uất ức lắm. Lần sau, chắc chẳng bao giờ xảy ra một sự xin phép nữa, chẳng nên chơi dại và Dương lại có ý định đi khám bệnh để thử coi mấy anh tu bíp có thứ thuốc gì chữa được bệnh mất ngủ của mình hay không ...

    Lâu lâu, không nhìn thấy mặt con heo của anh chàng "tu bíp", Dương cũng thấy nhớ. Anh chàng thầy thuốc mang tên con heo ấy, heo từ bộ mặt đến bộ đồ lòng. Khám bệnh cho vợ lính, không cần biết là khai bệnh gì, đau ở đâu, cái lệnh đầu tiên, bao giờ cũng là bắt vợ lính cởi áo ra.

    Có một lần ngồi ở nhà một người bạn có gia đình trong căn cứ, Dương và vài ba người bạn nữa, xúm lại nói về đốc tờ Heo. Khi nói về cái màn bắt vợ lính cởi áo, thì người vợ bạn ở trong nhà tình cờ đi ra, nghe được câu chuyện vội phản đối ngay:

    - Chẳng bao giờ ông ta bắt tôi cởi áo.

    Tâm vốn tàn nhẫn với đàn bà, dù là vợ bạn, phang ngay một câu:

    - Chỉ tại bà chị của tôi ... "via" quá đấy! Bà thử trẻ lại khoảng chục tuổi nữa coi.

    Vợ của người bạn vừa già lại vừa xấu, nên quan đốc Heo tha cho sự cởi áo khi khám bệnh. Hình như cặp vợ chồng này đã kết duyên với nhau từ lâu lắm vì Dương thấy con họ đã lớn, đứa con đầu lòng đã biết giúp mẹ làm bếp. Dương nhiều lúc nghĩ thầm, chắc chỉ cần vài bao gạo nữa, là con bé có quyền làm điên đảo nhiều người, mà biết đâu trong đó có cả mình.

    Tưởng tượng trong lúc đang chơi với bạn lại thành con rể của bạn, chắc hẳn tình cảnh phải éo le lắm. Lần đầu tiên Tâm và Dương được bạn mời tới nhà chơi, gặp người đàn bà này lại cứ tưởng là mẹ bạn, nên ăn nói rất mực lễ phép. người đàn bà thản nhiên trả lời:

    - Nhà tôi mới chạy qua nhà hàng xóm ... Mời hai anh vào chơi ... Nhà tôi cũng cho biết là hôm nay có mời hai anh lại dùng cơm ... Con Lan đâu rồi, rót nước mời hai bác đi con!

    Dương và Tâm mỉm cười ngượng ngập, từ tiếng bác đổi được sang tiếng chị, lối xưng hô đã thấy khó khăn. Rồi chừng ít lâu thì quen đi. Trên đường đi tới bệnh xá, Dương bỗng đổi ý, chàng lại chẳng muốn đi khám bệnh, quanh đi quẩn lại, chỉ có ngần ấy thuốc. Anh đốc tờ Heo lại chẳng có cảm tình gì với dân "pilot", lỡ một cái, anh lại đè ra. lụi cho một phát xưng mông thì thật dại, mà chuyện ấy rất dễ xảy ra. Cứ ngồi mà nhìn anh ta lựa cái kim nào lớn nhất, dài nhất ra để xài, cũng đã lạnh xương sống rồi.

    Ngoài cái tật sợ ma, Dương còn sợ chích thuốc, cứ nhìn thấy cái kim đâm vào thịt, là Dương đã thấy ghê ghê. Bệnh viện của lính hơi hiếm nữ y tá, chỉ toàn đực rựa nên bàn tay chẳng thấy mềm mại chút nào. Nhân đi qua một trại gia binh, chàng rẽ vào, đi thơ thẩn dọc theo mấy dẫy nhà thấp và cũ.

    Trại gia binh mang tên Huỳnh Hữu Bạc, tên người bạn chàng được đặt cho chỗ này. Bạc là người phi công khu trục đầu tiên gẫy cánh, nên có nhiều nơi dành lấy tên người phi công bạc mệnh. từ một câu lạc bộ lộng lẫy đầy chất xa hoa, cho tới một trại gia binh nghèo nàn. Mỗi lần vào trại gia binh, chàng lại thấy nguội lạnh ý định lất vợ.

    Những gia đình sống trong trại gia binh phần lớn đều nghèo. Ngày đó người Mỹ chưa sang nhiều, nên chưa xảy ra những vụ kiếm ăn dễ dãi. Nhiều gia đình kiếm ăn thêm bằng cách nấu cơm tháng, bán hàng và giặt đồ. Những đứa trẻ không người trông nom, đi chơi lủi thủi với nhau, như một lũ gà con kiếm ăn nơi vườn rộng. Không ngày nào là không xảy ra những vụ cãi lộn, phần nhiều là tại lũ trẻ con.

    Chơi với nhau thân thiết đấy, nhưng chỉ vì một cục kẹo, một đồng bạc, là bắt đầu đấm đá nhau đến sưng mặt. Vác cái mặt sung u lên về nhà, được bố mẹ hỏi tới, bao giờ đứa trẻ con cũng phải thuật chuyện bằng cách đổ hết lỗi cho bạn. Ấy thề là những người lớn, vì bênh con mình lại quay ra gây lộn với nhau, nhiều khi còn xảy ra những vụ đáng tiếc. Nói về những chuyện đáng tiếc xảy ra trong trại gia binh thì nhiều lắm, để nước chảy qua nhà nhau, rút trộm của nhau vài thanh củi, để chó ị bậy trước cửa hàng xóm, là cũng đủ gây ra những vụ ẩu đả ác liệt.

    Con người vốn ích kỷ, ít khi có thể nhường nhịn được nhau. Trại gia binh nào thì cũng thế thôi, dù rằng trại dành cho sĩ quan hay binh sĩ. Trên một tấm ván để ngoài hàng hiên chật hẹp. Dương thấy bốn bà vợ lính đang sát phạt nhau bằng bài tứ sắc, những ông tướng xanh tướng đỏ nằm tênh hênh trên chiếu.

    Đằng sau lưng một bà có một đứa trẻ vừa biết bò đang ngoạc mồm ra khóc, người mẹ đang dí mắt vào tận những quân bài, mặt không có vẻ gì động tâm đến đứa con đang khóc, vài ba quân bài lại được quật xuống chiếu. Rồi có lẽ không chịu nổi với tiếng khóc xa xả ấy, chị nắm lấy cánh tay đứa con, lôi thốc nó lên, thản nhiên vạch ngực ra. Đứa nhỏ ôm lấy ngực mẹ, bú một cách tham lam. Người đàn bà lại tiếp tục đánh bài. Dương nhìn một người đàn bà trong đám ấy, thấy có nhiều nét quen thuộc.

    Chừng vài giây sau, chàng chợt nhớ tới một người con gái, nổi tiếng là một hoa khôi của một trường nữ trung học, nằm trên một con đường đầy xác lá vàng. Trường của chàng gần trường nữ trung học ấy, và ít ra thì trong lớp chàng, cũng có hàng chục anh mê người con gái này.

    Ấy vậy người con gái ấy bây giờ đã thành một người đàn bà, đang ngồi đây đánh tứ sắc còm, năm cắc một lệnh. Người đàn bà cũng cảm thấy có người nhìn, vừa ngửng mặt lên thì gặp đôi mắt của Dương.

    - Xin lỗi Trung úy muốn tìm ai?

    Dương cười buồn:

    - Chị ... Chị ... Hằng phải không?

    Người đàn bà sững sờ vì thấy có người gọi tới cái tên của mình thời con gái. Cái tên Hằng, đã có một dĩ vãng oanh liệt, đã từng gây điên đảo cho đám học trò con trai.

    Từ trường Trưng Vương quay một vòng tròn, đường bán kính không rộng lắm, đã có tới ít nhất là ba trường con trai. Gần trường lại có khu Đại học nằm cạnh viện Bác cổ phía bờ sông, tấp nập ra vào những chàng sinh viên đạo mạo. Từ mấy năm nay cái tên Hằng gần như chết rồi, chỉ còn lại bà Hậu, bà Trung sĩ nhất Hậu, với một ngôi nhà nhỏ trong trại gia binh và với những người bạn gái mới, thuộc đủ thành phần xã hội, sau vài giây sững sờ chị chớp mắt:

    - Dạ tôi là Hằng ... Trung úy cần hỏi việc chi?

    - Chị Hằng không nhớ tôi sao? Dương đây mà!

    Người đàn bà thốt lên một tiếng reo vui. Khi mà người con gái còn là hoa khôi của trường nữ trung học, thì Dương là anh họ của một người bạn gái mà Hằng thường lui tới, học chung với nhau mỗi kỳ thi lục cá nguyệt. Nhiều lúc Hằng cũng để ý tới anh chàng con trai lừng khừng, lúc nào cũng có vẻ như chán đời

    Rồì những năm mới di cư, còn nằm ở nhà hát Tây, Hằng gặp lại Dương, lúc đó thì Dương với Phượng đã gắn bó với nhau. Hằng lại là bạn thân của Phượng. Không ngờ lại gặp nhau ở đây, đã năm năm rồi còn gì. Chị Hậu, bây giờ phải gọi bằng chị Hậu. Chị Hậu niềm nở:

    - Mời anh vào nhà tôi chơi, nhà tôi ở ngay bên cạnh đây. Mời anh, mời anh vào chơi.

    Dương đi theo chị Hậu vào nhà, vào đến trong nhà rồi, chàng lại thấy thuơng những gia đình phải sống trong trại gia binh. Căn nhà hẹp kê ngang một cái giường là chỉ còn một lối đi chật hẹp. Trong nhà chỉ có một cái giường là đẹp nhất, có lẽ là kỷ niệm của ngày cưới. Hậu với chàng cũng là hai người bạn khá thân. Hồi trước khi xuất ngoại, Dương chọn nghề lái máy bay, còn Hậu đi học nghề thợ máy. Một chuyên viên ở bên Tây về, mà cuộc sống khốn khổ như thế này sao?

    Chàng nhìn tấm ảnh của Hằng và Hậu treo trên tường, vẫn còn giữ được nhiều nét yêu đời của thời mới cưới. Chị Hậu đặt con luôn xuống nền nhà, rồi cười nói với Dương:

    - Nhà chỉ có nước lọc ... anh uống gì để tôi chạy đi lấy ... Mới dọn vào trong này được một tháng nay, nên nhà còn bề bộn quá.

    Dương từ chối:

    - Thôi chị đừng mua gì cả. Nhà Hậu ở đây mà hôm nay tôi mới biết. Có lẽ tôi sẽ tới chơi luôn.

    Chị Hậu trợn mắt:

    - Anh cũng quen biết nhà tôi?

    Rồi chị thở dài:

    - Tính gàn quá, anh Dương ạ! Nếu mà anh ấy chịu khó sống như người ta, thì đâu có đến nỗi nghèo quá như thế này. Nhiều lúc quá chán đời chỉ muốn tự tử, nếu không có thằng bé này.

    Dương nhìn theo ngón tay của chị chỉ vào thằng bé đang lê la dưới đất. Chú nhỏ thản nhiên bĩnh ra một đống giữa nhà. Một chú khuyển không biết nấp ở đâu từ trước, nhảy xổ ra, đớp liền, vừa đớp vừa gừ gừ, nhu sợ bị ai dành mất phần ăn quý báu. Tới lúc liếm cái nền nhà nhẵn bóng, chú khuyển lại rút lui về vị trí cũ, như một tay đánh du kích thiện nghệ. chị Hậu bế thốc thằng nhỏ ra sau rửa ráy, rồi xin lỗi Dương:

    - Anh coi ...Tụi này sống bê bối quá.

    Trong lúc đó thì Hậu về, bóng dáng chịu đựng, cúi gò lưng trên chiếc xe đạp. Hậu dựng xe ngoài cửa, thấy Dương thì reo ầm lên:

    - Trận gió nào thổi mày tới nhà tao như thế này? A, hôm nay quan hai lại đi có một mình. Thằng Tâm đâu rồi? Mọi khi đi đâu, hai đứa mày dính với nhau như hai vợ chồng. Hôm nay, phải ở lại đây ăn cơm với tao.

    Ở quân chủng này, ít khi xảy ra vụ kỳ thị cấp bậc. Đã là bạn bè với nhau, thì dù ở bất cứ cấp bậc nào, địa vị nào, cũng vẫn xưng hô như thường lệ. Thằng nào muốn biểu diễn oai quyền, thì thằng đó nên xin thuyên chuyển ra khỏi quân chủng. Chị Hậu thấy chồng mời Dương ở lại ăn cơm thì vội kéo tay chồng, thì thầm:

    - Ăn uống có gì đâu, mà mời anh Dương ở lại ăn cơm.

    Hậu gắt nhặng lên:

    - Muốn nói cái gì thì nói lớn lên. Cos khách tới nhà không có lối nói thì thầm. Cần phải có một tí teo lịch sự. Giấy rách phải giữ lấy lề ...

    Anh chàng Trung sĩ nhất này, vẫn còn nhớ được những phép lịch sự, học được từ ở bên Tây. Khi có khách lạ trong nhà, không nên nói thì thầm, sợ khách cho là nói xấu. Gởi thư ngỏ nhờ ai chuyển tay, không bao giờ được dán kín. thì ở bên Tây về, chỉ hơn người ta được có thế. Dương hỏi lại:

    - Nhưng mà "ma đàm" của mày nói gì vậy?

    - Em trách tao đã mời mày ở lại ăn cơm với tao một bữa cơm thanh đạm. Mà thanh đạm thật đấy Dương ạ! Đã từ mấy tháng nay, chúng tao tập làm phù thủy Ấn Độ. Chỉ sợ với "rề dim" này, chẳng mấy lúc, tao sẽ hơn chúng mày, là sẽ biết bay mà không cần phi cơ.

    Câu nói khôi hài của Hậu nhuốm đầy vẻ cay đắng. Không cần phải hỏi, Dương cũng hiểu được chuyện tình duyên của Hậu và Hằng. Người con gái hoa khôi của trường Trưng Vương, liệu có chịu đựng mãi cuộc sống nàỳ không? Hay là rồi đây sẽ bỏ cái trại gia binh này, chạy theo nếp sống xa hoa? Dương không tin rằng Hằng sẽ như thế và chàng cũng không mong như thế. Chàng từ chối:

    - Thôi để tao về. Bữa cơm nào tao cũng ăn với thằng Tâm. Không có tao, nó nhớ không ăn được.

    - Thì gọi nó tới đây. Lâu lâu họp mặt một bữa. Để tao nhờ một thằng nhỏ đi gọi dùm ... Còn cô, chạy sang nhà thằng Luận, kêu nó sang đây, mang cả cơm nhà nó sang đây, ăn cùng một thể luôn. Còn bao nhiêu tiền, mua la de, rồi coi xem có thứ gì đớp được thì mua mang về đây ...

    Hậu ra lệnh như một ông tướng chỉ huy ba quân. Chị Hậu tuân lời, khong có một tí tẹo gì phản đối. Khi nghe hết lệnh mới cười:

    - Cuối tháng thì nhớ chạy tiền đấy nhé.

    Hậu không trả lời, đi ra ngoài cửa đưa tay vẫy thằng nhỏ để nhờ đi gọi Tâm. Chang đưa nó lên cao, hướng về căn nhà ba tầng lầu, lẫn trong đám lá cây cao su xanh mướt:

    - Thấy cái phòng thứ ba kia không? Đếm lại cho bác coi. Một, hai, ba. Đúng rồi. Leo lên phòng đó, hỏi Trung úy Tâm, nói rằng bác Hậu con mời bác tới nhà, có cả bác Dương ở đây rồi. Nếu thấy bác Tâm chưa về, thì cứ ngồi ngoài cửa mà đợi ... Nhắc lại cho bác nghe. À, được rồi, thằng này cũng khá thông minh đấy. Nếu dẫn được ông Trung úy Tâm về đây là có quyền bắt năm tì.

    Thằng bé được thả xuống chạy đi. Con nít xóm này cứ có năm tì, mười tì, là sai được hết. Sống ở trong trại gia binh, mới đầu thì nhức đầu và khổ tâm vì những chuyện eo sèo, nhưng rồi dần dần cũng quen đi. Thằng nhỏ được việc thật, chỉ năm phút sau nó đã ngồi sau xe của Tâm để được chở về. Việc đầu tiên là đòi tiền. Hậu trả cho nó năm đồng, nhưng lại bị đòi thêm:

    - Bác còn nợ con năm đồng, sai con lên hái tầm ruộc ...

    - Tao đâu có ăn tầm ruộc?

    - Bác gái sai con mà ...

    Hậu phải xùy ra năm đồng nữa mà mặt buồn xo. Không phải vì mất thêm năm đồng nữa, mà buồn vì vợ ăn tầm ruộc. Chắc là có chuyện rồi. Tối nay phải hỏi cho ra lẽ. Mụ ta mà mang thêm một cái bầu nữa, thì "thật là đại bất hạnh".

    Tâm vào nhà đã thấy Dương ngồi đó thì mắng yêu:

    - Bố mày! Bắt tao xin nghỉ phép, tưởng là đau ốm gì ghê gớm lắm, không ngờ lỉnh đi chơi. Biết vậy thì lần sau, đừng hòng ... Quả thực, buổi sáng, nhìn thấy cái mặt đỏ bừng của mày, tao cũng lo lắm, nên về sớm thăm mày xem ra sao ... Hôm nay có chuyện gì vậy Hậu?

    Hậu đưa chân lên chiếc ghế ọp ẹp, rung đùi:

    - Cữ hễ ăn là có chuyện gì hay sao? ... Tại hôm nay thằng Dương lạc đến nhà tao, tao bắt nó ở lại thế thôi.

    Luận cũng đã sang, mang theo một chai rượu thuốc và một lọ cà

    Uống rượu với cà là một thú vui của dân nhà nghèo. Cà với Dương, Tâm, Hậu và Luận được đặt tên là "Ô liu Giao Chỉ", vừa nhìn những trái cà trắng phau, Hậu mừng rỡ:

    - Nếu để tao chọn lựa giữa cà và ô liu, tao nhất định chọn lọ cà. Nhưng này Luận, chai rượu thuốc của mà được ngâm theo toa thuốc nào vậy:

    Luận lừng khừng:

    - "Nhất dạ lục giao, sinh ngũ tử".

    Tâm và Dương cùng cười vang, chỉ có Hậu là không cười, có lẽ Hậu bị ám ảnh bởi những trái tầm ruộc và cái bầu của vợ, nếu quả thực Hằng thèm ăn chua, vì đã mang bầu ...

    Hậu và Luận cũng là đôi bạn thân cũng như Tâm và Dương, chỉ khác là cả hai người đều đã có gia đình, còn hai chàng phi công thì độc thân. Vợ con Hậu và Luận đều đẹp, đã từng là hoa khôi củ những trường nữ trung học. Một điều đáng ngạc nhiên của cái quân chủng này, không phải vợ sĩ quan, mà là vợ của hạ sĩ quan.Đó cũng là một mối hoài nghi khó giải.

    Hậu tự nhiên buồn, vì sợ rằng vợ mang mình bầu thêm một lần nữa, cuộc sống hồi này rất chật vật. Số tiền mượn để làm đám cưới, đã gần bốn năm rồi, mà vẫn trả không xong. Tiền lương mỗi tháng mang về, chỉ được tiêu xài có một nửa, còn một nửa phải trang trải nợ nần. Những ngày mới cưới, Hậu chê nhiều nhất cái trại gia binh, coi trại gia binh như một thứ nhà tù.

    Theo Hậu, thì căn nhà cũng như con người. Trong một xóm, một dãy phố, những căn nhà phải khác nhau, cũng như đi trên đường, phải có nhưng khuôn mặt khác nhau. Trại gia binh thì không thế, căn nhà nào cũng giống như căn nhà nào nếu trông ở bề ngoài, chỉ có trong nhà là trưng dọn khác nhau, tùy theo tình hình tài chánh của chủ nhân.

    Khi phải dời căn nhà ngoài phố để vào ở trong trậu rất khổ sở nhưng vì tình thế bắt buộc. Ở trong này, mỗi tháng tiết kiệm được ngàn đồng tiền nhà và với tình trạng kiệt quệ như hiện nay, thì ngàn đồng cũng là một con số đáng kể.

    Lúc đó thì vợ Hậu trở về, tay ôm một mớ đồ làm món nhậu cho lũ đàn ông, Hậu tò mò nhin xuống bụng vợ, thì thấy vẫn không khác gì, chàng yên chí phần nào và vui vẻ trở lại:

    - Cô mua được gì thế?

    - Mua được cái lưỡi heo và một cái đầu heo. Chờ đó, em đặt nồi nước lên bếp, chỉ chừng nửa giờ, là có quyền ... đớp.

    Dương nhìn điệu bộ lếch thếch của vợ Hậu, bồng con đi mua bán, rồi bồng con đi xuống bếp, Dương nghĩ thầm, chắc Hằng phải yêu Hậu ghê lắm, mới chịu đựng được cái cảnh này. Chàng lảng xuống bếp, bồng lấy thằng bé:

    - Ra bác bồng một chút, để cho mẹ làm bếp mau lên, bác đói rồi.

    Thằng bé được theo mẹ đi chợ, có lẽ được ăn một cái gì no nê rồi, nên dễ tính. Dương bồng nó lên tay mà nó không khóc, đòi mẹ. Vợ Hậu cười:

    - Anh yêu con nít như vậy, sao không lấy vợ đi. Tưởng rằng anh vói Phượng lấy nhau từ lâu rồi, trước cả tụi này ... Anh với Phượng thì đẹp đôi quá rồi, còn ngần ngại gì nữa?

    Vì là căn nhà nhỏ, nên những câu chuyện dưới bếp vẫn vang vọng lên được tới trên nhà. Hậu nói vọng xuống:

    - Nó lấy vợ rồi, cô không biết sao?

    - Có thật không, nếu thế thì hôm nào phải giới thiệu cho em biết mới được.

    - Cần gì phải giới thiệu ... Vợ nó là thằng Tâm đang ngồi chình ình một đống đây này.

    Tiếng cười vang lên trong căn phòng hẹp. Không phải tới bây giờ thiên hạ mới gọi Tâm và Dương là hai vợ chồng. Hai anh chàng này , đi đâu cũng dính với nhau, nên nhiều kh, bạn bè thường đùa dỡn gọi là đoi uyên ương. Nhung ai là vợ ai là chồng, cả hai thằng đều không trả lời được. Hậu gọi:

    - Dương à, lên uống hết ly của mày đi!

    Dương bồng đứa cháu nhỏ lên nhà, chàng ực một hơi, hết một ly rượu thuốc và thấy cổ họng nóng ran lên, phải à một tiếng, như đệ tử lưu linh chính hiệu. Chàng đưa ly cho Luận rót thêm. Vợ Hậu từ dưới bếp, bưng lên theo một tô lớn thịt heo, khói bốc lên nghi ngút. Vợ Hậu vẫn còn thắc mắc về câu chuyện chồng vợ của Dương:

    - Tại sao anh với Phượng lại xa nhau vậy?

    Dương trả lời buông xuôi:

    - Tôi cũng không biết nữa.

    - Chủ nhật này về Sài Gòn, tôi sẽ lại nhà Phượng hỏi chuyện về anh. Để câu chuyện chẳng có đầu có đuôi thế này, tức muốn chết. Nếu cần tôi sẽ tác hợp lại cho hai ông bà.

    Dương nói đùa:

    - Dạ, xin nhờ chị ... Rồi sau này vợ chồng sinh năm đẻ bảy được, cũng là nhờ cái ... mồm của chị.

    Tiếng cười tiếng nói như muốn vỡ tan căn nhà, phá vỡ những trái tim con người, thực sự thương yêu nhau, dù rằng gặp nhau, chỉ với những ly rượu.


    (Còn tiếp)

    Comment


    • #3
      Chương ba.


      Những người quen biết với Phượng và Dương từ trước, rồi thấy hai người xa nhau, ai cũng nhắc tới Phượng. Thì Phượng đang nằm đây, coi lại những bức hình cũ, những kỷ niệm ngày tháng đã qua đi rồi. Phượng nằm trên chiếc ghế sa lông dài, kéo một tấm nệm để tựa lưng xuống để làm gối. Mẹ là chúa ghét những đứa con gái nào trong nhà nằm trên ghế. Cái ghế là để ngồi. Những chỗ nào đã đặt cái mông lên rồi thì không được đặt cái đầu lên đó. Nhất là lại nằm ngoài phòng khách, trong một cái thế rất hớ hênh, lỡ có khách vào thì tha hồ mà đẹp mặt. Tiếng đồn ra ngoài thì ế chồng là cái chắc, lại chỉ ... ở nhà với mẹ. Phượng cũng muốn ngồi để coi mấy tấm ảnh ngày xưa, nhưng mỏi lưng quá, đành nằm nghiêng xuống, rồi thân mình cứ đè mãi, cho đến lúc phải nằm dài ra cho thoải mái.

      Hôm nay mẹ đi thu họ, chắc phải tới chiều mới về, nhưng biết đâu, mẹ lại không về sớm. Nghĩ tới chuyện bị mẹ mắng, Phượng chợt thấy rùng mình, bà cụ có một lối mắng đặc biệt. Khi phạm một lỗi gì, bà cụ không mắng một tội đó, mà lôi những chuyện từ tám mươi kiếp trước ra mà kể. Vừa dọn dẹp vừa nói ... từ nhà trong ra tới nhà ngoài.

      Cũng may là thời gian này bà cụ bận chuyện buôn bán, nên không có thời giờ để mắng, nên Phượng nhiều khi cũng nhớ cái điệp khúc được nhắc đi nhắc lại nhiều lần ấy.

      Phượng có đông anh em, những người anh trai đều có gia đình cả rồi, nên sống riêng biệt, nhà chỉ còn ba chị em gái và một đứa em trai nhỏ. Bố Phượng mất khi em Vinh mới lên ba và Phượng tám tuổi. Năm nay Phượng hăm hai, em Vinh mười bảy tuổi. Còn chị Yến, chị Loan, thì ba chị em có vẻ xung khắc. Loan học thật chăm, cứ thi là y như đậu. Còn chị Yến và Phượng thì vì làm bài hay quá, nên thi bốn lần cái tú tài, mà các ông giám khảo chấm bài đều chê, không muốn cho đậu, cho hai nàng cứ phải thi hoài, để các ông có việc làm.

      Tức mình Yến và Phượng không thèm thi nữa, tới Hội Việt Mỹ, học tiếng Anh chơi. Loan lên Đại Học, thấy mình là sinh viên, có lẽ mình lớn quá rồi, nên dần dần xa cách. Đã vậy, mẹ lại bên Loan. Anh Thịnh, anh cả của Phượng thường hay chê em gái:

      - Hai cô là quan Tư, hơn hẳn anh một lon rồi. Anh mới là Đại Úy.

      Phượng hỏi:

      - Tại sao em là quan Tư?

      - Chỉ vì hai cô thi đến bốn lần mà không đậu....

      Bị chế như vậy, Phượng tức lắm, định làm thêm vài chức nữa, cho lên tới quan Năm, quan Sáu, nhưng rồi thấy Loan gầy gộc, xanh xao mỗi kỳ thi, nên Phượng nản. Chẳng ăn một cái gì, mà phải đi vào con đường tàn phá dung nhan.

      Phượng tự bảo thầm mình như vậy. Chị Yến dừng lại thì đúng quá rồi. Đã gần ba mươi tuổi, ở nhà lo cơm nước, rồi còn chờ một ông nào đến rước đi ... Nhưng ba chị em cứ sống với mẹ, năm này qua năm khác và cái ngõ ấy, chẳng thấy bao giờ hân hạnh được đón chiếc xe hoa. Chỉ có một thước sáu mươi, mà trông Phượng lênh khênh, như một cây tre dựng lên ở đầu miếu. Cũng chỉ vì cái thân hình khác người ấy mà Phượng phải chịu nhiều thua thiệt. Trong lúc Yến và Loan có thể mặc chung áo của nhau, dùng chung với nhau cả những một thứ đồ lót, thì Phượng được kể như người cô đơn.

      Những thứ mà Phượng dùng, không ai dám mượn. Phượng nhớ có một lần, chị Yên mượn Phượng cái xú chiêng, mặc mà phải gài phía sau lại mấy nấc ... Lúc đi vào chợ, chen lấn làm sao mà một phía ngực đằng trước bị lõm vào, rồi nhất định không thèm phồng ra nữa. Thiên hạ thấy vậy, nhìn chị Yến cười ... Mãi một hồi sau Yến mới biết, đi về nhà, tức đến khóc mất nửa ngày.

      Phượng kéo cái bàn nước gần sát vào ghế, để những tấm hình lên trên đó, rồi lần lượt coi lại. Phượng cũng bùi ngùi, nhìn những tấm ảnh vàng khè, chụp đã từ lâu lắm, Phượng đứng trước cửa nhà thờ, miệng còn mút ngón tay. Tấm hình này anh Thịnh chụp lén đây. Quê Phượng ở mãi tận Bùi Chu, nơi có tháp chuông cao vút. Mỗi buổi sáng buổi chiều, tiếng chuông vang tận mãi xa. Con gái ở xứ này, phần nhiều có đôi mắt đẹp, đôi mắt mở lớn như mắt nai màu biếc. Cũng có nhiều người khen mắt Phượng đẹp. Nhà thờ của xứ Phượng thật cổ kính, với những cửa sổ ở trên cao, lắp toàn cửa kính màu xanh, màu đỏ, để giữ bên trong có được không khí nghiêm trang.

      Thuở nhỏ, Phượng được mẹ dạy, mỗi lần đi qua cửa chính nhà thờ phải quỳ một chân xuống làm lễ, rồi mới được tiếp tục đi. Làng Phượng có được một giọng nói đặc biệt địa phương mà Phượng cứ tiếc mãi mình không sao giữ đưọc. Tiếng nói đặc biệt của địa phương Phượng, còn sót lại trong vùng xóm đạo Hố Nai. Lâu lâu một bà cô, bà thím lên thăm, Phượng cũng phải ngớ ngẩn đến vài giây mới hiểu rõ được câu nói. Nhưng Phượng thấy được người nói thứ tiếng đó, khuôn mặt tỏ rõ sự vô tư, chất phác, làm cho Phượng phát thèm.

      Nếu mình cứ sống mãi vùng Bùi Chu, Phát Diệm, rồi đây chắc mình cũng trở thành một thứ bà cô, bà thím, mỗi lần đi Sài Gòn trở về nhà, mua quà cho con cháu, chỉ mua toàn là bánh mì. Còn như ở đây Phượng sợ bánh mì quá. Việc làm bếp được chia phần, một ngày của Phượng, một ngày của Yến, còn Loan được miễn vì bận học thi. Yến và Phượng uất ức vì sự miễn trừ này lắm, nhưng khi mẹ đã bênh Loan, cho Loan được hưởng quyền lợi đặc biệt như vậy, thì còn ai dám cãi. Nhưng Yến và Phượng lại dành cho Loan một cái hân hạnh, là được thu dọn chiến trường. Sau khi ăn, Loan có nhiệm vụ lau bàn, rửa bát đĩa nồi niêu, công việc cũng chẳng nhẹ nhàng gì nên được coi như huề cả làng.

      Còn về chuyện làm bếp được phân chia, thì cũng xảy ra lắm chuyện. Phượng đề nghị dùng lối xe hơi đậu ngoài đường, theo ngày chẵn ngày lẻ để làm tiêu chuẩn:

      - Phượng sẽ làm bếp vào ngày chẵn, còn chị Yến làm bếp vào ngày lẻ, thế là công bằng quá rồi còn gì ...

      Mới nghe thì công bằng lắm nên Yến bằng lòng ngay. Được vài ngày thì mới thấy Phượng khôn như con mẹ ranh. "Khôn như con mẹ ranh" đó là lời Yến kết tội Phượng.

      - Mày khôn quá Phượng ạ!

      - Tại sao chị Yến lại nói Phượng khôn, mỗi đứa một ngày, đã được phân chia ra chẵn lẻ. Chẵn với lẻ riêng biệt như đen với trắng, như ngày với đêm ...

      Yến nổi giận:

      - Ai mà mói lại cái mồm của mày. Những tháng ba mươi mốt ngày, như tháng này tao phải làm bếp hai ngày liền, trong lúc đó thì mày phây phây, thật khỏe cái thân xác. Khôn như con mẹ ranh!

      Yến nói như vậy nhưng cũng không hiểu hình dáng con mẹ ranh nó như thế nào. Cả Phượng cũng vậy. Bị Yến khám phá ra cái khôn của mình, luật lệ trên đành phải bãi bỏ. Thay vào đó là cứ làm việc theo tuần tự. Ngày hôm nay Yến thì ngày mai tới lượt Phượng. Chẳng ai được hưởng ân huệ nào. Nhưng cứ hôm nào Phượng biết mẹ không ăn cơm nhà, chỉ có bốn chị em, mà lại đến phiên Phượng làm bếp là Phượng đi một đường đóng kịch:

      - Hôm nay Phượng thấy trong người ngây ngất khó chịu, chẳng muốn ăn cơm ...

      - Lại dở trò rồi! Ốm đau ra làm sao? Chê cơm thì chắc là ốm nghén rồi ...

      Phượng biểu diễn một bộ mặt đau khổ:

      - Chị Yến chỉ nói bậy, Phượng đau thật mà, không tin chị Yến cứ rờ trán Phượng thử coi, thật nóng hơn cái lò lửa.

      Yến cũng đưa tay lên sờ trán Phượng, chẳng thấy nóng một tí tẹo nào, dù rằng Phượng đã quệt một khối dầu cù là. Nhưng khi thấy Yến đã để tay lên trán Phượng la om sòm:

      - Đấy chị Yến coi! Coi chừng không chị Yến phỏng tay. Thôi chị Yến sai Vinh đi mua bánh mì ăn một bữa. Lâu lâu chúng mình ăn bánh mì một bữa cho đổi khác đi. Ăn cơm hoài chán quá ...

      Ấy thế là cứ lâu lâu một lần, tới phiên Phượng làm bếp, là Phượng bắt cả nhà bánh mì cùng với Phượng. Nhà Phượng ở ngay gần chợ nên việc mua bánh mì cũng chẳng nặng nhọc gì ... Bà bán bánh mì đã quen mặt Vinh và quen thân với gia đình Phượng, đến nỗi cứ buổi trưa nào mà Vinh mua bánh mì thì bà ta tủm tỉm cười, hỏi một câu:

      - Hôm nay tới phiên chị Phượng làm bếp phải không?

      Nhiều lúc Yến cũng tức lắm, nhưng tự an ủi rằng, thà ăn bánh mì, còn hơn cứ phải ăn cơm nấu buổi sáng, dùng luôn cho cả buổi chiều. Bữa cơm chỉ thấy có giò, chả. Món canh chỉ là tô nước phở mua của chú Xích. Vinh đã phải phàn nàn:

      - Chị Phượng cứ cho ăn chả, giò với vịt quay, chẳng mấy lúc em thành cậu ấm con quan. Chị cho ăn cái gì bốc hơi đi chị Phượng.

      Thấy Vinh phàn nàn là không được ăn những thứ bốc hơi. Phượng cũng thấy thương hại. Thằng bé đang tuổi lớn, cần phải đớp kỹ để nhổ giò nhổ cẳng. Nhưng đã nói nhiều lần, Phượng rất ngại xuống bếp, bày vẽ ra nhiều món ăn. Nói vậy không phải Phượng vụng về trong việc chế tạo ra những món ăn cầu kỳ. Phượng rất khéo, nhưng phải cái tội lười.

      Mới đầu Phượng làm bếp vì thấy thích, nhất là khi ăn xong một món gì do Phượng làm, cả nhà xúm lại khen ngon. Về sau này thấy chăm chỉ là thiệt vào thân, nên Phượng tới phiên làm bếp thì phóng xe "sô lếch" ra ngoài phố, bắt vài chục chả giò và thịt quay. Chỉ còn phải nấu nồi cơm, thì Phượng nấu một bữa thật nhiều, để ăn được cả ngày. Ấy thế là một ngày của Phượng qua đi một cách nhàn hạ.

      Phượng lơ đãng cầm từng tấm hình lên coi, hình như tất cả con gái của đất Sài Gòn đều tốn rất nhiều thì giờ trong công việc chụp hình. Riêng Phượng thì có cả đống, Phượng đã định rằng hôm nào mua dăm ba cuốn "anbum", bỏ ra hẳn một ngày để lựa chọn và dán ảnh vào tập ảnh. Nhưng cứ qua tiệm sách lại quên, về đến nhà thì lại mới nhớ tới, thật không ai lú lẩn như Phượng.

      Yến từ trong bếp đi lên, tay còn cầm đôi đũa, thấy Phượng nằm dài trên ghế "sa lông". Yến kêu lên:

      - Ngồi dậy, mày nằm trên ghế, mà lại nằm ngoài phòng khách, mẹ về bắt gặp là lại ầm nhà, ầm cửa, con gái gì cứ như không có xương sống.

      - Thôi mà chị Yến! Phượng mỏi lưng quá ...

      Yến vẫn lắc đầu:

      - Làm gì mà mỏi lưng? Cứ như bà lão tám mươi. Mày thử nhìn thân xác mày coi. Dài thườn thượt ra mà còn nằm chình ình ở đó thì ai mà coi được, hai cái cẳng dài như cây tre ...

      Phượng nhìn xuống chân mình, cố tạo bộ mặt vui vẻ để có thể "sống chung hòa bình" với chị Yến:

      - Ừ mà hai cái cẳng của Phượng dài thật, chị Yến cũng thấy nó dài chứ? "Trường túc bất chi lao"...

      Yến bật cười:

      - Cái con nhỏ này ăn nói bậy quá ...

      Nói xong Yến lại vào bếp, Phượng lại vẫn nằm dài, lật từng tấm ảnh, rồi cầm tấm ảnh chụp toàn gia đình. Trong hình mẹ cười thật tươi, anh Thịnh, anh Vượng, anh Đạt, đứng hai bên mẹ, còn ở hàng dưới, Yến, Loan, Phượng và chú Vinh, lúc đó còn là nhóc tì. Phượng thấy nhớ lúc gia đình còn đoàn tụ, các anh chưa lấy vợ đi ở riêng, có các anh ở nhà, lâu lâu Phượng lại được nghe kể về bố. Theo lời anh Thịnh kể, khi mới sinh Yến thì bố mừng lắm, vì là con gái đầu lòng.

      Lúc đó bố lại bắt đầu đam mê vào một thú chơi nguy hiểm là hút thuốc phiện, bởi thế bố mới đặt tên cô con gái đầu lòng là Phi Yến. Nơi bàn đèn bố hay lui tới, có treo một bức tranh, vẽ một con chim yến bay trên một khu rừng mùa thu, bên cạnh có bốn chữ nho Phi yến thu lâm, có nghĩa là yến bay rừng thu. Nhưng bốn chữ nho ấy, nếu phát âm theo giọng các ông Tây, không bỏ dấu thì lại có nghĩa là "phiện thú lắm". Anh Thịnh kể chuyện đó làm Phượng và cả nhà cùng cười, nhưng rồi sau khi cười, lại bâng khuâng nhớ bố.

      Anh Thịnh còn kể thêm:

      - Về sau này, mẹ lại liên tiếp phát thêm ba cái "hĩm", bố cũng chán nản trong việc đặt tên, tên của Loan và Phượng là do mẹ đặt tên. Đáng lẽ tên của Phượng là Phụng cơ đấy. Nhưng mà anh thấy cái tên Phụng có vẻ nhà quê quá, bèn nói với mẹ đổi lại là Phượng. Phượng có nghĩa là một loài chim, cũng có nghĩa là hoa mùa hè. Vậy Phượng phải cảm ơn anh.

      Lúc đó Phượng cũng chẳng nghĩ ngợi gì, tên là Phượng hay Phụng thì cũng vậy, nhưng rồi về sau này, khi đi học, Phượng thấy mấy đứa bạn gái mang tên Phụng, mặt mũi có vẻ đần độn, ít tìm được chất trong sáng nào trong đôi mắt, Phượng thấy cần phải cám ơn anh Thịnh bằng cách một buổi chiều, Phượng đi chợ làm một bữa cơm tuyệt hảo.

      Tiếng Yến gọi vọng từ trong nhà bếp:

      - Phượng ơi, vào đây chị nhờ một chút!

      Phượng nghĩ thầm:

      - Ăn nói mà dịu dàng như vậy, thì chém chết, cũng sắp sửa nhờ vả chuyện gì đây.

      Nghĩ vậy Phượng cứ tảng lờ như chưa nghe thấy gì, cái gì chứ giả điếc, thì đó là nghề của Phượng. Lại có tiếng Yến:

      - Phượng vào kho dùm nồi cá đi, chị biết là món cá kho với tương, thì không ai qua mặt được Phượng. Có đầy đủ dụng cụ, đã sắp sẵn rồi, chỉ ccòn chờ Phượng ra tay nữa thôi ... Phượng mà để chị kho thì phí mớ cá này đi.

      Một chuyến tàu ầm ầm chạy qua ... tiếng động cơ xe gắn máy ồn ào một lát, rồi khu phố đó lại trở về với sinh hoạt và tiếng động bình thường. Chuyến tàu mười một giờ đã đi qua. Nhiều lúc, tới giờ xe lửa đi qua, Phượng cũng náo nức chờ một tiếng còi tàu hú tận đằng xa và tiếng bánh xe nghiến trên đường sắt làm rung rinh nhà cửa. Những gia đình ở đây phần nhiều đông con. Khi đọc một chuyện vui cười ngoại quốc, Phượng mới hiểu lý do mẩu đối thoại về chuyến tàu năm giờ sáng.

      - Tại sao làng này đông con nít quá vậy?

      - Vì có chuyến xe lửa chạy qua làng lúc năm giờ sáng.

      - Xe lửa đâu có dính dáng gì đến con nít?

      - Tại sao lại không, chuyến xe lửa ấy chạy qua rầm rầm, hú còi ầm ỹ, đánh thức cả làng dậy. Năm giờ sáng thức dậy quá sớm, mà ngủ lại dễ xảy ra một sự dậy trễ, vậy thì chỉ có cách làm cho mau qua thì giờ là làm chuyện vợ chồng. Bởi vậy con nít làng này mới đông như thế ...

      Phượng đã cười nhiều với câu chuyện ấy. Xóm này cũng có chuyến Sài Gòn - Biên Hòa chạy qua lúc năm giờ sáng. Có lẽ vì vậy con nít ở xóm này mới đông ghê gớm. Phương chưa có chồng nên vào giờ ấy, chợt giật mình thức dậy, muốn ngủ lại mà ngủ không được, cảm thấy cô đơn và trống lạnh mênh mông. Ba cô gái nằm trên căn lầu đó, trở mình thở dài, mà nghe rõ tâm sự của nhau, nặng nề như đeo từng phiến đá.

      Căn phòng ba cô gái nằm trên lầu, có thêm một cái ban công. Mẹ nằm ở phòng ngoài, còn Vinh thì nằm ở nhà dưới, vì Vinh vẫn tự phụ, cả nhà chỉ có Vinh là đàn ông, tuy rằng chỉ là thứ đàn ông nhóc tì. Vinh nằm ở dưới nhà để trông nhà, nhưng hôm nào buổi tối được nghe chuyện ma, thì Vinh lại nhảy lên gác, nằm ở phòng ngoài. Nhiều đêm ba người con gái thức rất khuya, nói chuyện rì rầm, đến nỗi mẹ phải mắng:

      - Mấy đứa này làm sao mà có nhiều chuyện nói thế? Đi ngủ đi, nói chuyện cả ngày rồi không chán hay sao, mà còn để dành tới tận khuya lơ, khuya lắc ....

      Mẹ chẳng bao giờ hiểu được tâm sự con gái. Chuyện nói về ban ngày, khác xa với những câu chuyện ban đêm, nhất là cả ba cô gái đều chưa có chồng và có đến hàng đống chuyện yêu đương. Loan thì ít chuyện hơn Phượng và Yến, vì năm nào cũng phải thi, học đến độn cả người. Tuy cũng ghi tên học hội Việt Mỹ, nhưng mỗi tuần Phượng và Yến chỉ học có hai buổi tối. Tối học cũng chỉ ngồi chơi đấu láo, để thoát một chút ra khỏi không khí quá quen thuộc của gia đình.

      Phượng xếp lại những tấm ảnh để bừa bãi trên bàn, rồi đi vào nhà bếp, làm lành với chị Yến:

      - Chị Yến cần Phượng làm gì, để Phượng làm giúp.

      Yến biết rằng khi Phượng đã nhận lời làm, thì dù có mắng hay đuổi, thì Phượng vẫn cứ xông vào làm, nên Yến mát mẻ:

      - Thôi, tôi chẳng dám nhờ đến bàn tay ngà ngọc của cô. Mời cô cứ lên nhà trên ngồi chơi, khi nào cơm xong, tôi sẽ lên mời cô ăn.

      Phượng tươi cười:

      - Chị Yến giận Phượng đấy à? Vậy tối nay chị Yến đi học bằng xích lô nhé ...

      Câu nói của Phượng thật công hiệu, đi đâu Yến cũng phải dính với Phượng, vì phải nhờ Phượng chở đi bằng xe "sô lếch". Chiếc xe "sô lếch" là gia tài của Phượng, là quà sinh nhật của anh Thịnh tặng cô em gái út, sau một chuyến đi Mỹ học, để dành được một ít đô la.

      Nhưng anh Thịnh đặt ra nhiều điều kiện, phải cho Vinh mượn, phải chở Yến, Loan nếu Yến, Loan cần đi đâu, nếu mẹ muốn phải chở luôn cả mẹ nữa.. Phượng trong lúc cần xe để chạy vung vít, đã bằng lòng. Từ lâu Phượng vẫn ao ước có được một chiếc xe "sô lếch" mới, để có thể "cho tà áo tung bay khắp các nẻo đường" thì điều kiện gì Phượng lại không chịu. Nhưng rồi khi lấy xe ở hãng ra, Phượng mới dở trò yêu sách. Hóa đơn để tên Phượng, nên Phượng có toàn quyền muốn làm gì cũng được.. Cần đến Phượng đi đâu, Phượng chỉ cần biểu diễn một màn nhức đầu, chóng mặt là xong xuôi hết. Cả nhà đều biết vậy, nên phải xuống nước với Phượng.

      Phượng thận trọng đặt từng con cá vào nồi, rồi rắc một lớp muối lên mỗi lớp cá, những lớp khế thái thật mỏng, Phượng cho thêm một ít riềng, vài miếng thịt mỡ, đổ thêm một ít nước, rồi đặt lên bếp. Cái bí quyết kho cá, Phượng vẫn giữ kín. Vinh đi học về, vừa vào đến nhà, dựng xe, hô hoán rất ồn ào:

      - Cơm xong chưa chị Yến, chị Phượng? Đói quá, đói gần chết rồi ...

      Yến dịu dàng:

      - Làm cái gì mà la lối dữ vậy? Từ từ một chút nào! Sao mặt chú đầy mồ hôi mà tái mét thế kia?

      Vinh mở máy nước đưa cả đầu vào:

      - Tại cái xe của chị Phượng, máy nhất định không chịu nổ, em phải đạp bằng chân hoài, mệt quá.

      Nghe Vinh nói, Phượng thấy hối hận, Phượng đã cho giấy vào chỗ cắm "bu gi" để máy không nổ, cho Vinh phải đạp hộc xì dầu ra. Thằng bé cũng kém thông minh thật, thấy máy không nổ thì phải biết chứ. Nhưng ai có thể ngờ được, người làm hại mình, chính là bà chị thân yêu của mình.

      Cậu con trai út của gia đình, vì sống chung với đàn bà con gái, từ nhỏ tới lớn, nên không có cái tháo vát hăng tiết vịt của một anh con trai mới lớn. Ngày Vinh còn nhỏ, chị Yến, chị Loan và Phượng, thường tinh nghịch, may áo đầm mặc cho Vinh, rồi dắt Vinh đi chơi tới nhà bạn gái. Vinh là trò chơi của các cô gái, bộ mặt xinh xắn của Vinh, được trang bị thêm mớ tóc để dài cắt "bom bê", lại được chị Phượng đánh móng tay móng chân màu đỏ, chẳng khác gì một cô bé xinh đẹp, dễ thương, thế mới đau chứ.

      Chị Yến, chị Phượng thường dẫn Vinh đến những chỗ toàn tụ họp những cô con gái, làm cho Vinh quen với mùi son phấn, mùi tóc ngai ngái, và lâu lâu bị những phát ôm thật chặt đến nghẹt thở. Nếu có một cô gái nào lạ, Vinh thế nào cũng biến thành một trò đố vui ... để chơi. Vinh thường được chị Yến hay chị Phượng dẫn đến trước mặt cô gái này rồi hỏi:

      - Tao đố mày, em tao là con trai hay con gái?

      Người con gái lạ ngắm nhìn Vinh, làm cho Vinh thẹn, phải dụi mặt vào lòng chị. Cử chỉ đúng là em bé gái, nên cô gái lạ không ngần ngại trả lời:

      - Là con gái chứ trai sao được.

      Ấy thế là cả bọn cười vang lên, chị Phượng kéo cái "xì lip" của Vinh tuột đến chân, để lòi "con chim" của Vinh ra. Thì con trai, con gái khác nhau chỉ có chỗ đó. Ảnh hưởng của các chị và bà mẹ, tính của Vinh cũng có phần nào giống đàn bà. Thuở nhỏ Vinh thích chơi búp bê, chơi những trò khâu vá, trong lúc những người cùng lứa tuổi thích đánh bi, đánh đáo, trèo cây, bắt chim ... Có một thời Vinh còn bắt chước các chị, khi đi tiểu thì ngồi xuống, không đứng thẳng để làm cầu vồng như những đứa con trai khác. Vì đi theo các chị nhiều lần, nên Vinh có thói quen, gặp đàn bà con gái, Vinh đều gọi bằng chị.

      Ở trong lớp học Vinh cũng có mười cô con gái ngồi hai đầu, Vinh gọi bằng chị hết, trong lúc những người bạn cùng lớp quấy phá, chọc ghẹo những cô bạn học cùng lớp, thì Vinh lại lễ phép với các cô, một thứ lễ phép làm các cô bực mình. Con gái thời nay còn ngổ ngáo hơn Vinh nhiều lắm. Đến sự nghịch ngợm trong nhà Vinh vẫn còn thua xa chị Phượng, hay bị chị Phượng đùa cho nhiều vố rất cay.

      Có lần Vinh ngủ trưa, Vinh bị chị Phượng vẽ râu, rồi đánh thức dậy, nhờ đi mua tuần báo điện ảnh, với lời hứa là sẽ cho Vinh đọc trước. Mừng quá Vinh cầm tiền, chạy ra nhà ngoài, phóng lên xe: "sô lếch" chạy ra tiệm sách. Bị thiên hạ cười, nhìn vào tấm gương, Vinh mới biết và lúc về đến nhà cũng biểu diễn một màn giận dỗi, y như một nàng con gái chính hiệu. Hôm đó mẹ đã mắng chị Phượng:

      - Mày nghịch dại thế, vẽ râu lúc nó ngủ, lỡ hồn nó về thấy mặt khác, không nhập vào xác, lỡ nó ngủ luôn thì sao?

      Phượng dài lưỡi ra đến cả tấc vì sợ. Nàng vẫn nhí nhảnh hỏi mẹ:

      - Thế cứ thấy mặt khác, thì hồn không nhập xác nữa hả mẹ?

      Mẹ Phượng lại kể ra vài ba chuyện, mà chắc là cũng chỉ nghe người ta kể lại. Gia đình này tuy theo đạo Thiên Chúa giáo, nhưng vẫn tin những chuyện hồn ma bóng quế. Nhà có mấy mẹ con, phần đông đàn bà con gái, mà buổi tôi được nghe chuyện ma thì rùng rợn hết chỗ nói. Tối hôm đó ba chị Yến, Loan, Phượng nằm ngủ ôm chặt tay nhau.

      Phượng được coi là nghịch ngợm nhất nhà. Buổi chiều, người bỏ báo tháng cho nhà, thường đứng ngoài, đút tờ báo qua khe cửa. Cả bốn chị em đều bỏ hết công việc, chạy thi ra cửa cố chiếm lấy tờ báo để đọc trước, Phượng nhờ cái chân dài, nên thường chiếm được độc quyền đọc báo trước. Bởi vậy cứ tới giờ đưa báo là Vinh, vì nhàn rỗi nhất nhà, thường ngồi chờ trong phòng khách. Tờ báo chỉ ló ra khe cửa, là Vinh đã vồ ngay lấy. Biết được chuyện này, Vinh lại bị Phượng lừa, đợi tới gần giờ đó, Phượng lấy tờ báo cũ giấu trong người rồi ra đứng ngoài cửa. Đoán là Vinh đang chờ báo, Phượng đút tờ báo qua khe cửa, Vinh vồ ngay lấy, nhưng lúc dở ra, thì lại là tờ báo cũ. Lúc đó Phượng mới mở cửa vào nhà, nhìn khuôn mặt ngẩn ngơ của Vinh, rồi ôm bụng cười đến gần ngạt thở. Tuy bị đùa dai nhiều lần nhưng Vinh vẫn yêu quý chị Phượng nhất nhà.

      Vinh vừa lau mặt cho tỉnh táo, vừa nói:

      - Chị Phượng à, em mới gặp chị Hằng ...

      - Hằng nào?

      - Chị Hằng có ông chồng lính tàu bay ấy mà.

      Phượng reo lên:

      - À! Con Hằng Tí Nai! Vinh gặp nó ở đâu? Trông mặt nó giờ này có khá không? Sao Vinh không mời nó về nhà chơi?

      Phượng hỏi dồn dập mấy câu nữa, tính Phượng vốn ồn ào như vậy, cả nhà ai cũng biết rõ. Chờ Phượng hỏi đến câu chót, Vinh mới tà tà hỏi lại:

      - Chị Phượng nói đã hết chưa, em sẽ trả lời từng câu. Chị gọi chị Hằng bằng cái tên Tí Nai ngày xưa e rằng không đúng nữa rồi. Nai vàng ngơ ngác ấy bây giờ gần như một thứ nai đồng quê, nhưng vẫn còn giữ được đôi mắt tinh nghịch, chẳng kém gì chị Phượng đâu. Còn việc mời chị Hằng về nhà chơi, thì em chẳng cần mời, chị Hằng cũng về, nhưng xe sô lếch phải đạp, chị Hằng lại bồng thêm một cháu nhỏ. Em mà để chị Hằng ngồi về đến nhà thì chắc đôi chân của mình phải xin phép đi chỗ khác chơi.

      Vinh ngó đầu xuống bếp, nhìn các món ăn mà hai bà chị đang sửa soạn, hít vài ba cái, rồi lên nhà trên, vừa đi vừa nói:

      - Em còn nghỉ mệt, để chút nữa được thưởng thức món cá kho của chị Phượng.

      Mọi khi được nịnh một câu, Phượng đã vui cười hả hể, nhưng hôm nay, nghe Vinh nói mà Phượng cứ như hồn để mãi tận đâu. Nhắc tới Hằng là nhắc dến cả một thời xa xôi, mấy năm về trước, hồi mới di cư vào Nam. Bước chân từ một con tàu bồng bềnh, ngả nghiêng, xuống tới đất liền, đoàn người ấy trông thật tả tơi hoa lá, vì bị mấy ngày sóng biển hành hạ. Ngày đầu tiên còn lạ với cảnh trời, mây, nước, đám con gái còn ríu rít, nói với nhau bằng những lời hót sơn ca. Qua ngày thứ hai đã có vài ba nàng "kềnh", qua ngày thứ ba, thì những người con gái đẹp của thủ đô ngàn năm văn vật, được phủ lên người đống quần áo bèo nhèo, sau khi đã cho chó ăn chè những trận rất lịch liệt. Nghĩ tới đó Phượng lại thấy ghê ghê.

      Khi con tàu vào tới cửa sông, cảnh vật hai bên bờ lướt chậm trước mắt, đám người ấy hít thở được không khí đất liền, đã như dần hồi tỉnh, rồi rời con tàu xuống bến, bước đi dưới đất sao mà cứ thấy chông chênh, cảm thấy đất dưới chân mình như không được vững. Đoàn người đứng tụ tập dưới đất, gia đình nào đứng vào gia đình đó, kiểm soát lại người, đồ đạc, rồi lếch thếch xếp hàng lãnh tiền như một đám hành khất chính hiệu. Trong đám đó có gia đình Phượng, gia đình Hằng và còn nhiều, nhiều lắm. Thỉnh thoảng gặp nhau, nhắc lại vài ba kỷ niệm, rồi lại thấy bâng khuâng ...

      Bây giờ thì mỗi người con gái có một nếp sống riêng, có người đã chết như Diệu, nàng con gái thơm ngát như trái xoài tượng miền Nam. Diệu yêu một ca sĩ lớn tuổi, chàng ca sĩ này đã một thời là thần tượng của nhũng người con gái học trò thuộc cỡ tuổi của Phượng, của Hằng của Diệu. Khi Diệu cũng đã trở thành ca sĩ, được gần thần tượng của mình, thì nhất định tình ái bắt buộc phải xảy ra. Người đàn ông vốn tham lam, có được một người con gái thơm như thế, ngã vào vòng tay, ai mà ngu dại từ chối. Chàng ca sĩ đã phát cho Diệu một bụng, lại còn bị vợ chàng ta, một nghệ sĩ của đài phát thanh, tới đánh ghen, nên sau một phút chán đời, Diệu tự tử ... Ngày đó bạn bè di cư, sống chung nơi nhà hát Tây, đã tụ họp đông đủ nhất để đưa đám Diệu. Nước mắt đã thấm ướt hết khăn mùi xoa, ướt hết những vạt áo dài.

      Nhớ lại những ngày sống ở nhà hát Tây, là nhớ lại quãng đời nghèo mà vui. Buổi chiều lũ con gái mượn được chiếc xe đạp, bèn đưa nhau ra đường giữ cho nhau tập đi xe, cô nào cũng biểu diễn màn té xe đến vài ba phát, đầu gối khuỷu tay vẫn còn lờ mờ vết sẹo, là kỷ niệm những ngày mới di cư, tập đi xe đạp.. Đám con trai buổi chiều nào cũng đứng vỉa hè, bên đường, phì phèo điếu thuốc lá tập làm người lớn. Mỗi lần có cô nào tập xe ngang qua chỗ chúng đứng nói chuyện, thì lại có một tên la lên:

      - Đạp khỏe nữa đi, ngồi thẳng lên, đừng nhích qua nhích lại kẻo rụng hết.

      Có tên khác nham nhở hơn:

      - Tháo cái yên ra mà đạp, thì dễ tập hơn.

      Nhều lần Phượng ngừng xe xuống, chửi nhau với chúng nó một trận, Phượng vẫn có tính ngổ ngáo, may mà Phượng đẹp, nên dù có mắng chửi chúng nó thậm tệ tới đâu, dùng những danh từ nặng nề chăng nữa, chúng cũng chỉ cưòi. Phượng hay gọi lũ con trai đứng đầu hè chọc gái, là lũ mất dạy. Không ngờ rằng trong số này cũng có những đứa thi đậu phăng phăng, lúc ra đời, được làm những chức lớn. Người con trai ở vào cái tuổi nào đó, thấy con gái đẹp nào đó, nói trêu vài câu, chọc giận một tí, nhưng không phải là có tính tình xấu, chỉ có Phượng là khắt khe như vậy thôi, chứ Yến, Loan, Hằng hay Diệu, thì có bao giờ để ý đến sự trêu chọc ấy đâu.

      Hằng nhiều khi còn đối đáp lại vài ba câu cho vui câu chuyện, bởi thế Phượng được lũ con trai di cư, ngụ chung tại nhà hát Tây, đặt tên Phượng là quả ớt. Đặt tên là ớt vì có lẽ Phượng cay quá, mà có lẽ cũng vì cái áo màu đỏ mà Phượng hay mặc. Phượng hỏi vọng lên trên nhà:

      - Chị Hằng có nói chuyện gì nữa không Vinh?

      Vinh trả lời mà vẫn nằm trên giường:

      - Chỉ Hằng hỏi thăm chị Yến, chị Loan và chị Phượng. Em có cho biết số nhà. Chị Hằng hứa là chiều nay sẽ tới chơi. Nếu xe sô lếch mà không phải đạp, thì em đã đưa chị Hằng về nhà rồi. Cái xe khốn nạn quá ...

      Phượng lại hối hận vì đã nhét giấy vào đầu "bu gi" xe, để cho Vinh phải đạp. Nếu xe cứ chạy phom phom như mọi khi, thì bây giờ Phượng đã gặp Hằng. Lâu quá không gặp bạn, Phượng lại thấy nhớ chúng nó quá. Nhất là gặp Hằng coi xem người con gái sau mấy năm lấy chồng, có khác đi cái gì không?

      Tính của Phượng vốn tò mò. Đi dự đám cưới của người bạn, Phượng hay hỏi thăm những chuyện vớ vẩn. Sau đêm tân hôn của vợ chồng người ta, Phượng hay kiếm cớ quên một cái gì ở nhà bạn để sáng hôm sau trở lại thật sớm, lúc đó người bạn phải ra tiếp khách. Phượng nhìn ngắm người bạn gái đó rất kỹ. Mà lần nào cũng vậy, Phượng thấy những người bạn gái ấy, từ thời kỳ con gái, bước sang đến thời kỳ đàn bà, đều như khác ngày hôm qua. Phượng đem chuyện này nói với chị Yến, chị Loan cũng bị mắng " muốn biết từ lúc còn con gái đến lúc làm đàn bà, sự khác nhau như thế nào, sao không mang thân ra mà tự thí nghiệm thử xem".

      Chị Yến mắng Phượng câu này làm Phượng đỏ mặt, nhưng cũng thì thầm hỏi lại:

      - Thế chị Yến đã thành đàn bà chưa?

      Chị Yến hét lên một tiếng, tưởng xập đổ cả căn nhà, vớ lấy cái chổi lông gà, định phang Phượng vài cái cho hả tức, nhưng mà khi Phượng đã chạy thì đố ai mà đuổi nổi. Mà cũng chẳng cần chạy đâu xa. Cứ chạy ra ngoài cửa thì cho kẹo, chị Yến cũng không dám vác chổi lông gà đánh em ngoài đường. Sau khi thấy chị Yến đã hết giận, treo cái chổi lông gà lên cái đinh trên tường, Phượng mới lại tà tà đi vào, cười rất tươi và nói vài câu chuyện trời mưa, trời nắng.

      Cái gì chứ câu chuyện làm quà, thì của Phượng có quá nhiều. Chỉ cần kể câu chuyện tai nạn thật rùng rợn của chuyến xe lửa vừa chạy qua, chiếc xe hơi đụng xe gắn máy, hay chuyện mấy bà bán hàng đánh xé nhau ngoài chợ, cũng đủ để chị Yến, hai tay ôm chặt lấy ngực, mắt thao láo nhìn Phượng, rồi dục kể cho hết câu chuyện. Nhưng chuyện của Phượng bao giờ đoạn kết cũng vui vẻ, nghĩa là chẳng chết thằng Tây đen nào cả. Chị Yến thở một hơi thật dài, như trút được một gánh nặng:

      - Thế mà làm tao hết cả hồn.

      Tới lúc đó, thì Phượng biết là câu chuyện đã êm, Phượng chọc tức người ta đã giỏi, mà giàn hòa lại còn giỏi hơn. Chị Yến, chị Loan còn hay bị mẹ mắng, chứ còn Phượng thì mẹ ít khi mắng được, vì chỉ mới mắng được có hai câu, thì Phượng làm cho mẹ phì cười, thì còn làm sao mà mắng được nữa.

      Vinh lại gọi:

      - Chị Phượng à, chị Hằng có nhắn một tin rất vui cho chị.

      - Tin gì vậy?

      Vinh đã bước ra ngoài, tới gần Phượng thì thầm:

      - Chị Hằng nói là đã túm được anh Dương cho chị Phượng rồi. Anh Dương đang làm tài xế tàu bay, cũng ở cùng đơn vị với anh Hậu, chồng của chị Hằng. Mấy hôm trước đã tụ họp ở nhà chị Hằng, hứa là chiều nay tới chơi, sẽ ngủ lại để nói chuyện với chị Phượng về anh Dương. Chị Phượng chiều nay ở nhà nhé, đừng có đi đâu cả. Chị Hằng dặn thế.

      Nghe Vinh nói đến tên Dương, Phượng thấy choáng váng cả người. Tự nhiên tim đập mau hơn, lúc cầm đôi đũa để gắp một con cá, Phượng mới thấy tay mình run run. Chuyện yêu đương đã qua đi lâu quá rồi, mà sao lần này nhắc lại , vẫn thấy xốn xang trong lòng. Tình yêu thuở mười bảy mãnh liệt như thế đó. Cả một câu chuyện ngày xưa, hiện ra trước mắt Phượng. Hình ảnh của Dương hiện ra lừng lững, nụ cười ngạo nghễ, nhưng rất trẻ thơ, mái tóc buông xuống trán, ánh mắt tinh nghịch nhưng hơi dữ. Dương là loại con trai bất cần đời, chẳng coi chuyện gì là quan trọng. Ngày di cư, sống nơi nhà hát Tây, Dương là người của tất cả mọi gia đình. Ai mời ăn cơm, cũng ngồi ăn, uống rất kỹ, rất tận tình. Một lần Phượng hỏi Dương:

      - Gia đình của anh đâu?

      Dương thản nhiên trả lời:

      - Ở ngoài Bắc.

      - Thế anh vào đây một mình?

      - Ừ! Tôi xuống Hải Phòng chơi với một thằng bạn, rồi thấy thiên hạ kéo nhau lên tàu, tôi cũng lên theo, đến lúc hỏi, mới biết, té ra là mình di cư. Đi làm một chuyến đi chơi xa thế này, cũng vui.

      Mới đầu, Phượng tưởng Dương là anh chàng vô gia cư, sống bê bối như những anh chàng con trai mà mỗi chiều tập xe đạp, Phượng vẫn thấy đứng ở vỉa hè, đứng đối diện với một nhà hàng lớn, thấy con gái đi qua là chọc. Mãi về sau Phượng mới biết Dương là một sinh viên, đi dạy học ở một trường trung học tư thục lớn. Số tiền mà Dương kiếm được không nhiều lắm, nhưng cũng đủ để Dương sống một mình thật huy hoàng. Nhưng đã nói, đối với Dương, chẳng có gì là quan trọng. Chàng thường than với Phượng về nghề dạy học:

      - Cái nghề day học chỉ hợp với đàn bà, con gái. Là đàn ông, làm cái nghề dạy học, không hiểu sao cứ thấy yếu xìu, nhất là không được sống theo đúng ý mình. Thấy một món ăn ngon bày bán ngoài chợ, nếu được ngồi xuống ăn thì thú vị biết mấy. Nhưng đã làm cái nghề này phải giữ gìn, ngồi xuống ăn thì khoái khẩu, nhưng lại lo ngại học trò, nếu gặp học trò con gái, thì mất đi hương vị nhiều lắm.

      Hình như dưới mắt Phượng, thì Dương có coi có một việc quan trọng nhất là ăn, khi nào thấy Dương vui vẻ, cười luôn miệng, lâu lâu lại còn đi một đường ca hát, thì thế nào Phượng cũng hỏi:

      - Anh Dương chắc lại khám phá ra một chỗ nào ăn ngon rồi?

      Được người hỏi như vậy thì Dương sẽ tâm sự hết mình, kể cả những câu chuyện nhỏ nhất như buổi đi ăn mì đầu tiên của Dương, ngày mới vào đây, Dương vào một tiệm mì, gọi một tô mì, được một chú Ba tới hỏi:

      - Ông ăn mấy "dắc"?

      Vì chưa nghe quen tiếng địa phương nên Dương tưởng "dắc" là tiếng Tây được gọi khác đi một chút, ở chữ một đồng bạc, nên Dương thản nhiên:

      - Cho năm "dắc" đi!

      Chú Ba ngạc nhiên tưởng rằng tên này nhịn đói đã đôi ba ngày ở đâu mới mò về, chú chẳng cần hỏi lại, vì chiều khách vẫn là nghề của chú Ba, chú bình tĩnh gọi vào nhà bếp:

      - Một tô mì năm "dắc".

      Chú nhấn mạnh con số năm, lát sau chú mang ra một tô mì khổng lồ mà Dương tưởng rằng mấy người ăn mới hết. Hôm đó không muốn tỏ lộ cái nhà quê của mình, Dương đã hì hục đớp hết một tô mì năm "dắc" để rồi no cả ngày. Khi nào Dương có tiền, thường rủ cả bọn, bất kể đàn ông, con trai, con gái hay con nít đi ăn một bữa. Có những kẻ hẹp hòi thì cho rằng Dương định trả nợ những bữa cơm ăn ở nhà họ. Nhưng thật ra Dương không nghĩ thế bao giờ, Dương chỉ nghĩ rằng ăn uống càng đông thì càng vui, nhất là giữa những người bạn đã chia sẻ với nhau những ngày say sóng lênh đênh trên biển cả, đi về một phương trời xa lạ.

      Tình yêu giữa Phượng và Dương đến lúc nào, Phượng cũng không nhớ rõ được thời gian. Chỉ nhớ một ngày đi ăn chỉ có Phượng và Dương, rồi chẳng cần tỏ tình, họ ôm lấy nhau thật chặt, bỡ ngỡ hôn nhau, trên băng sau một chiếc xe taxi dập dềnh lắc lư, chòng chành như con thuyền tình ái. Cái hôn đầu đời của Phượng đấy.

      Buổi tối hôm ấy trời mưa ào ạt, bầu trời mù mù giăng mây xám và những cây nước từ trên cao đổ ập xuống, đổ vào mái tôn, trên mặt đường, lên nóc mui xe làm thành một thứ âm thanh hỗn độn, chập chùng, Phượng và Dương, hai đứa chỉ có một cái áo mưa, đứng nơi hàng hiên, cố tránh những hạt mưa làm ướt lạnh người.

      Dương đưa hai ngón tay lên miệng thổi lên một tiếng còi, vẫy được một chiếc xe taxi, hai đứa đội mưa, khoác chung một chiếc áo, đội mưa chạy ra. Cửa xe mở ra đóng lại thật vội vã. Xe lăn trên đường ướt át, đầy những vì sao vỡ tung và phản chiếu ánh đèn xe mờ ảo, nhìn xuống dưới nệm xe, hai bàn tay vẫn nắm chặt lấy nhau, chưa kịp buông ra. Trong cái bóng tối mờ mờ, Phượng nhìn thấy đôi mắt Dương sáng long lanh, Phượng cảm thấy như đôi mắt dã thú nhìn người thợ săn mà Phượng được đọc trong những chuyện tả về đường rừng. Rồi như có tiếng mời gọi văng vẳng vọng lại từ xa xôi, dục dã hai kẻ tìm lại với nhau, động tác tới với hai người cùng một lúc, hai bàn tay nắm lấy nhau thật chặt, họ dính với nhau bằng một cử chỉ thật mạnh bạo.

      Hai cái mặt đã kề sát gần nhau, hai ánh mắt bây giờ thật mênh mông sâu thẳm, cơn mưa lạnh ngoài trời như không còn đủ lạnh để thấm vào người Phượng. Tóc Phượng phủ xòa xuống mặt và Dương để làn môi của mình phiêu lưu trên từng thớ thịt, từ đôi môi, cặp mắt, ngậm từng sợi tóc. Phượng nhìn qua vai Dương, chỉ thấy ánh đèn đường loang loáng và từng lá me ướt át, buông rủ lướt thướt. Bàn tay của Phượng bấu chặt lấy lưng Dương và nghe thấy cả tiếng đập của trái tim mình, Phượng lại nhắm mắt, mà tưởng tượng trong cái xe ngột ngạt mùi xăng ấy, có nhiều hương thơm của vườn hoa tình ái. Tiếng hỏi của ông tài xế làm Phượng và Dương choàng tỉnh:

      - Cô cậu về đâu?

      Dương thở một hơi dài:

      - Cho tôi về đường Ca-ti-na.

      Rồi Dương thò tay lên túi áo ngực:

      - Em làm nát hết gói thuốc của anh rồi ...

      Chàng lấy ra một điếu thuốc cong queo, vuốt cho thẳng lại, bật ngọn lửa đốt thuốc. Trong ánh lửa yếu ớt vừa bùng lên ấy, Phượng nhìn thấy khuôn mặt Dương như rạng rỡ hẳn lên. Khi ánh lửa lịm tắt, Phượng thấy mùi thuốc lá ngái ngái luồn vào da thịt, tẩm vào từng mảng tóc, làm Phượng thấy say say, từ đó về đến nhà, hai người không nói với nhau một lời nào và từ hôm đó, họ yêu nhau.

      Nồi cá kho sủi bọt, tràn ra ngoài, chảy xuống đụng vào lửa, thành tiếng kêu xèo xèo, Phượng như vừa thoát khỏi cơn mê êm dịu. Những âm thanh ấy, như điếu thuốc hút đến hơi cuối, được Dương ném vào vũng nước. Cửa ở nhà trên vừa được mở ra, chắc Loan cũng đã về, nhưng hình như theo chân Loan còn có những bước chân khác nữa. Phượng chưa kịp hỏi thì đã thấy Hằng hiện ra từ khung cửa nhìn xuống nhà bếp, Yến vừa nhìn thấy Hằng đã la lên:

      - Ối kìa! Cái con trời đánh, mày hẹn tới chiều mà bây giờ đã vác mặt tới.

      Hằng là bạn của cả ba chị em Yến, Loan và Phượng, vì Hằng ở vào cái tuổi khoảng giữa, hơn Loan một tuổi, hơn Phượng bốn tuổi và thua Yến hai tuổi, bỏi vậy Hằng xưng hô mày tao với cả ba chị em.

      - Tao cũng định buổi chiều tới chơi với chị em tụi mày. Nhưng sau khi gặp chú Vinh, tình cờ tao gặp con Loan, nó nói rằng buổi chiều đến thì ít khi gặp chúng mày lắm, tao nhớ chúng mày quá...

      Gặp được bạn cũ, Hằng ríu rít nói luôn miệng, bây giờ thì cái trại gia bình đầy bóng cây cao su cổ thụ, đầy những đứa trẻ hỗn và bẩn, đã lùi xa trong trí của Hằng, thằng bé được Vinh bồng đi chơi, vì là con út, không có em nên Vinh rất khoái con nít, mà không hiểu sao thằng bé lại thích Vinh, được Vinh bồng đi chơi mà không một chút phản đối. Phượng để nồi cá kho thật nhỏ lửa, giữ cho nồi cá kho được nóng, rồi bảo Hằng:

      - Lên nhà trên chơi đi mày.

      Hằng từ chối:

      - Tao ở dưới này làm bếp cho vui, lát nữa tao ăn cơm mà không giúp được gì, ngồi ăn cứ áy náy, mất ngon ...

      Phượng tươi cười:

      - Hôm nay là phận sự của bà Yến, số của bà ấy thật đỏ. Tao đã làm giúp, bây giờ lại thêm có mày. Nhưng mọi chuyện đã ... an bài cả rồi, chỉ còn có việc đợi nồi cơm chín.

      Yến trở lại giọng mát mẻ:

      - Làm có một chút mà khoe hơi nhiều đấy nhé, thôi thì mời các cô lên hết trên nhà, để dưới bếp này một mình tôi.

      Tính của Yến vẫn khó chịu nhất nhà. Mẹ đã nhiều lần mắng Yến, mà Yến vẫn chịu, không bỏ được cái tính hay nói mát mẻ như một bà cô già. Loan từ trên lầu đi xuống, tay vừa cài mấy khuy áo trên ngực, vừa hỏi:

      - Hôm nay mẹ không ăn cơm nhà sao chị Yến? Không có mẹ ở nhà thì chị Yến cho ăn bánh mì cũng được rồi.

      Loan và Phượng rất đồng ý ở mục ăn bánh mì, Phượng thì làm biếng nấu bếp, còn Loan thì lười rửa bát, đĩa, chùi nồi. Ai cũng chỉ muốn được nghỉ ngơi. Nếu không vì những người trong gia đình thì Loan và Phượng có thể ăn bánh mì cả tháng cũng được.

      Bữa cơm qua đi thật vui vẻ vì có thêm Hằng, chẳng bù với những bữa cơm khác, chỉ có mình chú Vinh nói chuyện. Vinh thì nhiều chuyện để nói lắm, chuyện ở trường, chuyện ngoài đường, chuyện về những cô gái trong lớp. Nhưng hôm nay xướng ngôn viên của đài phát thanh là Hằng, vì xa vắng đã bao lâu rồi, có nhiều chuyện phải nói. Nhìn thằng bé bò lê dưới sàn gạch đá hoa, Phượng hỏi Hằng:

      - Đi đâu mày cũng phải mang theo con đi à? Không mang theo con đi thì có phải khoái hơn không?

      Hằng cười buồn:

      - Nhưng để ở nhà thì ai coi sóc nó? Bố nó thì đi làm cả ngày, mà nếu có coi con thì chỉ được mười lăm phút là nổi giận tưng bừng, hàng xóm lại phải điếc tai vì tiếng la hét với tiếng khóc, tao đã thử để con ở nhà một ngày rồi, nhưng về đến nhà, nghe "ráp po" của hàng xóm, thật khổ hết chỗ nói.

      - Mày không có người làm?

      - Sức mấy mà có tiền mướn người làm ...

      Hằng nói chuyện và trong khi nói chuyện, thêm rất nhiều ngôn ngữ của lính tàu bay, làm Yến, Loan và Phượng mất thêm vài giây phút ngẩn ngơ, nhưng vẫn thích thú như thường. Hằng tuy than thở về cái tính gàn dở của chồng, nhưng nhìn ánh mắt âu yếm mỗi khi nhắc đến tên Hậu, Phượng biết rằng Hằng rất yêu chồng

      Phượng nôn nóng chờ Phượng nói chuyện về Dương, chẳng lẽ lại mang ra hỏi trước. Anh nắng đã nghiêng chênh chếch, chiếu ngang qua khung cửa sổ. bò dần vào trong nhà. Chiếc sân hẹp này chỉ cho một tí nắng, vào buổi xế trưa. Hằng bắt đầu nói chuyện về Dương:

      - Phượng còn yêu Dương không?

      Phượng cười:

      - Yêu chứ! Yêu bỏ mẹ đi. Mày nói với chú Vinh rằng nói chuyện về Dương, làm tao choáng váng cả người.

      Hằng nghiêm hẳn mặt lại:

      - Tao nói chuyện đứng đắn thì mày cũng chẳng nên đùa cợt. Nếu hai người còn yêu nhau, tao sẽ đóng vai bà mai, làm một phát giảng hòa. Nhưng ngày xưa sao hai đứa lại bỏ nhau?

      Nhìn bộ mặt nghiêm nghị của Hằng, Phượng buồn cười quá, nhưng chợt nghe Hằng hỏi lý do của sự xa nhau, thì khuôn mặt Phượng như tối hẳn lại. Phượng nhớ câu thơ của Xuân Diệu:

      "Tình yêu tới tình yêu đi ai biết
      "Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt ...

      Một cuộc giận dỗi giả vờ, tự dưng biến thành giận dỗi thiệt, rồi mỗi kẻ một đường...

      Vinh hằn học:

      - Em không hiểu tại sao chị Phượng lại bỏ anh Dương?.... Với em anh Dương là nhất rồi. Em chẳng thấy một người bạn trai nào của chị Phượng ra hồn cả ....

      Phượng quát lên:

      - Thằng chó, im ngay! Chỗ đàn bà con gái người ta nói chuyện, mà là con trai sao cũng leo vào. Ai cho phép mày phê bình bạn tao?

      Vinh hậm hực bỏ chén cơm xuống, chuyện của Phượng và Dương vẫn hấp dẫn Vinh, Phượng nói với Hằng:

      - Ngày đó con Diệu đi hát ở "đăng-xinh", phòng trà, tao đi theo nó cho có bạn, nó cứ rủ rê tao đi, nói rằng hát xong về khuya một mình buồn lắm. Tao đi theo nó một phần vì thương nó, một phần vì thích không khí mờ mờ ảo ảo của đăng xinh phòng trà. Mẹ tao cũng mắng nhiều lần, nhưng con Diệu đến tận nhà xin phép, cứ ngồi dài người chờ nó cũng buồn, nên gặp người quen, tao cũng ra nhảy một vài bản để giết thời giờ. Dương gặp tao trong lúc đang nhảy nhót tưng bừng. Anh chàng không hỏi gì tao, không nói gì với tao, chỉ ngồi ở một góc tối, uống rượu liên miên. Tao thì vì tự ái, cũng chẳng muốn giải thích. Với lại, ngày đó tao còn con nít quá, cứ tưởng rằng ngày mai gặp lại nhau, cười với nhau là hòa cả làng. Ai ngờ ...

      Phải rồi, những chuyện xảy ra ở trên đời, nào ai có thể ngờ. Nói đến câu này Phượng nghẹn ngào. Ô kìa! ... Phượng khóc đấy à? Một người con gái nghịch ngợm, láu lỉnh như Phượng mà cũng khóc sao? Thì ra người con gái nào cũng vậy, khi đụng chạm đến tình ái, thì cũng vẫn chỉ là một người con gái, dù người con gái ấy là Phượng, đứa con gái mà mẹ thường mắng "chỉ thiếu có cái ấy là thành con trai". Cái cười vui, đùa giỡn chỉ là bề ngoài, con tim đang đập trong bộ ngực xinh xắn kia, cũng có những sợi tơ mong manh, chỉ khẽ đụng vào là bật lên những tiếng tơ chùng. Hằng hỏi:

      - Hình như có một thời, mày tàn phá thân thể ghê gớm lắm? Có một thời tao đã nghe nổi tiếng Phượng đuôi ngựa.

      - Tại Dương cả ... Có một thời tao la cà khắp các quán rượu, khắp các "bum" với mục đich để gặp Dương, nhưng không gặp đâu cả. Người con gái có lẽ chỉ yêu được có một lần, những đứa con trai đến với tao sau này, có đứa làm tao khinh bỉ. Rất may là thời kỳ lang thang ấy không kéo dài, chỉ có sáu tháng, rồi tao giật mình nhìn lại quá khứ, rồi sau một đêm không ngủ, tao quyết trở lại nếp sống cũ. Thắc mắc lớn trong tao là không biết Dương đã đi đâu, mà vắng mặt quá lâu ở Sài Gòn.

      - À! Theo Dương kể thì lúc đó Dương đi lính, học lái máy bay ở bên Tây.

      Phượng thở dài:

      - Thì ra thế!

      Về cuối bữa cơm, không khí như trầm hẳn lại, chuyển tàu bữa trưa xình xịch chạy qua, rồi văng vẳng đâu đây có tiếng gà gáy. Vùng Phú Nhuận này là biên giới giữa thành phố và thôn quê. Những buổi trưa mùa hè, phượng nghe thấy cả sự êm ả của tiếng gió rì rào luồn vào lùm cây và lạc lõng bay chập chờn ngoài khung cửa sổ. Từ chiếc giường của Phượng nhìn thấy nóc chuông nhà thờ. Nơi đây đã gần trở thành một xóm đạo, với tiếng cầu kinh rì rầm mỗi buổi chiều.

      Tiếng của Loan cắt đứt câu chuyện:

      - Các bà đã ăn xong chưa để tôi làm phận sự? Chiều nay tôi còn mấy giờ học nữa đấy.

      Hàng vui vẻ:

      - Thôi để tao làm cho. Mày cứ đi nghỉ, lấy sức, đến chiều còn đi học.

      Yến và Vinh nhao nhao phản đối:

      - Không được, Hằng là khách mà.

      Hằng gắt yêu:

      - Yêu cầu chúng mày cất dùm tao chữ "khách" đi, nếu như chúng mày muốn lần sau tao tới chơi với chúng mày. Biết được nhà rồi, tao sẽ tới chơi luôn. Chúng mày dùng tiếng khách, có vẻ đuổi tao rồi đấy.

      - Nhưng dù sao thì cũng là ngày đầu.

      - Ngày đầu hay ngày cuối cũng thế.

      Không ai nhẫn tâm bắt Hằng phải rửa bát, đũa. Loan làm việc dọn bàn và rửa bát, đĩa thật mau. Yến và Vinh đã bỏ lên lầu. Phượng vẫn còn ngồi trầm ngâm trên ghế và Hằng vẫn còn ngồi bên cạnh Phượng. Mọi buổi trưa Phượng vẫn ngủ trưa rất kỹ, nhưng hôm nay, tự nhiên không buồn ngủ chút nào. Phượng hỏi Hằng:

      - Mày có hạnh phúc không?

      - Biết thế nào là hạnh phúc. Vì hạnh phúc không phải là thứ có thể sờ được, nắm được. Chỉ biết rằng sống thiếu thốn rất nhiều, nhưng vui, Hậu là người tốt. Nhưng nếu có thêm tiền một chút nữa thì chắc là vui hơn.

      Nghe Hằng nói, Phượng mới nghĩ đến những chuyện thực tế chua cay. Những người yêu nhau, ít khi nào để ý đến chuyện tiền, nhưng khi lấy nhau, cuộc đời lại đổi khác. Sống khổ sở, nhưng yêu nhau thì sự chịu đựng vẫn dễ dàng hơn. Hằng nói tiếp:

      - Nếu tao biết như thế này thì ngày cưới chẳng làm linh đình làm chi cho tốn tiền, để đến bây giờ è cổ ra mà trả nợ. Nhưng ngày đó lại nghĩ khác, đời một người con gái, chỉ có một lần đi lấy chồng. Hậu cũng nói đến chuyện đó, chuyện tổ chức một đám cưới đơn giản, nhưng rồi bị đòn "nước mắt" của tao, đành chịu thua. Nếu ngày đó tao thua thì bây giờ sống sung sướng và đỡ lo hơn nhiều.
      Trong chuyện tình ái, nhiều khi sự thua, lại làm cho con người thoải mái hơn nhiều, chỉ có mặt trận tình yêu, là không thể bàn chuyện thắng hay bại, vì thắng hay bại cũng chẳng vinh dự gì.

      Không hiểu Hằng nói chuyện thắng và thua với Phượng để làm gì? Chắc là Hằng muốn khuyên Phượng nên thua, nên dẹp tự ái lại. Với những người yêu nhau, tự ái chẳng giúp được gì, nhiều khi chỉ đưa tới sự chóng tan vỡ. Trong phòng, hai người ngồi yên lặng, để chợt nghe hai tiếng chuông đổ ngân rè của đồng hồ treo tường. Đã hai giờ trưa ...

      Phượng hỏi:

      - Hằng có cần ngủ trưa không?

      Hằng đưa mắt quanh phòng kiếm đứa con nhỏ, nhưng đứa con đã được Loan hay Yến đưa lên gác dỗ cho ngủ rồi. Trong một giây phút cảm động đến rưng rưng, Hằng muốn bế con về đây sống mãi với bạn bè ngày xưa. Nhưng còn Hậu thì sao? Hai đứa không thể sống thiếu nhau, trông khuôn mặt khắc khổ của Hậu, nhiều khi Hằng cũng ái ngại, nếu bỏ đi mấy ngày không về nhà. Được hàng xóm cho biết là những ngày Hằng đi vắng, tối nào Hậu cũng uống say. Hằng cũng trách Hậu về chuyện đó, nhưng Hậu nói rằng, nếu không uống say thì không ngủ được. Nhớ đến câu Phượng vừa hỏi, Hằng trả lời:

      - Có bao giờ tao ngủ trưa đâu, ngồi đây một lát, nói chuyện với mày cho đỡ nhớ.

      Tuy Hằng nói ngồi đây nói chuyện, nhưng cả hai đều nghĩ tới Dương. Hằng hỏi tiếp:

      - Tại sao ngày đó mày không viết thư cho Dương?

      - Biết gởi tới đâu mà viết, tao và Dương đều ghét những trò viết thư lẩm cẩm, với lại hồi đó tao nghĩ, nếu Dương đã muốn bỏ mình, thì mình có viết thư van xin cũng vô ích. Tao chưa tập được tính "chịu thua". Nhưng lần này tao sẽ chịu thua. Mày cho tao địa chỉ ...

      - Sao mày không gởi tao để tao đưa tay cho Dương?

      - Thôi, không dám phiền đến mày. Có lẽ tao viết thật vắn tắt và gởi bằng bưu điện, để có thời gian trả lời lâu hơn một chút. Nếu Dương trả lời còn yêu tao, có lẽ tao hối thúc Dương làm đám cưới trong năm nay. Chúng mày cứ sửa soạn trước mà ăn cưới ...

      Tiếng trẻ con khóc vang ở trên lầu, có tiếng dỗ dành, tiếng ru con bằng bài ca tân nhạc, rồi còn có tiếng dọa dẫm. Tiếng khóc mỗi lúc một lớn hơn. Hằng mỉm cười, chắc thằng bé chợt giật mình thức giấc, nhìn quanh không có mẹ, rồi chỉ nhìn chung quanh toàn người lạ, nên biểu diễn một mà khóc la rất kỹ. Tiếng chân chạy thình thịch xuống thang lầu, rồi thấy Yến hiện ra ở cửa sổ, vừa thở vừa nói:

      - Hằng, lên mà dỗ con mày. Nó khóc khiếp quá, chẳng làm sao mà cho nó nín được cả.

      Hằng nháy mắt:

      - Mày mà không dỗ được cho con nít nó nín hay sao? Cứ cho nó bú là nó nín ngay ấy mà. Mày cũng có cái để cho con nít bú, sao mày không dùng nó để dỗ con nít?

      - Lại mày nữa. Một mình con Phượng ưa đùa nham nhở, thêm mày nữa, chắc là loạn nhà lên mất. Thôi đi lên gác, ở đó tâm sự gì mà lòng vòng quá vậy.

      Hằng uể oải, theo Yến lên gác. Tiếng trẻ con nín khóc liền, khi nhìn thấy mẹ nó. Có gì đâu cu cậu đói quá mà, lại thèm hơi mẹ nữa. Nhà dưới chỉ còn lại mình Phượng, chung quanh thật vắng lặng và cô đơn Phượng, một mình Phượng.

      Phượng lại viết tên Dương, một nỗi buồn mênh mang, len vào Phượng thật nhẹ, để thành một tiếng thở dài, Phượng nghĩ tới những giòng thơ sẽ viết cho Dương. Có lẽ chẳng cần viết dài, Phượng sẽ viết thật ngắn, chỉ vài hàng:

      "Phượng vẫn nghĩ đến anh, yêu anh lắm. Phượng thua anh thật rồi. Nếu những giòng chữ này tới được tay anh, Phượng sẽ chờ anh trong ba tháng. Nếu thời gian trong ba tháng, Phượng không được anh trả lời, Phượng sẽ coi như anh đã chết. Anh sẽ chỉ còn là một kỷ niệm, một kỷ niệm đau đớn khó quên. Nhưng Phượng chắc rằng anh sẽ trả lời, vì theo như Hằng nói, thì anh vẫn còn yêu Phượng.

      Trời không nỡ chia rẽ những người yêu nhau như anh với Phượng đâu. Phượng xin với anh là không nhắc lại những chuyện cũ, chúng mình trở lại yêu nhau, hãy xem như mới bắt đầu yêu nhau, như thủa ban đầu yêu nhau. Từ hôm nay, Phượng sẽ bắt đầu bóc từng tờ lịch, để biết là buổi sáng hôm nay, đã mất đi một ngày trong ba tháng chờ mong".


      (Còn tiếp)

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X