Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Rượu Prosecco của Ý soán ngôi Champagne Pháp

Collapse
X

Rượu Prosecco của Ý soán ngôi Champagne Pháp

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Rượu Prosecco của Ý soán ngôi Champagne Pháp

    Rượu Prosecco của Ý soán ngôi Champagne Pháp
    ~~~






    Theo truyền thống, mùa thu là mùa hái nho ở Pháp. Ngành sản xuất rượu vang đã tuyển dụng thêm nhiều nhân viên để chuẩn bị cho kịp vụ mùa thu hoạch. Nhưng nhiều nhà sản xuất năm nay đang ở trong tâm trạng nửa vui nửa buồn.

    Vui là vì các địa danh Bourgogne và Champagne gần đây đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Buồn là vì thời tiết năm nay không mấy thuận lợi, thêm vào đó là sự cạnh tranh khá dữ dội của các hiệu rượu nho nước ngoài, điển hình nhất là rượu Prosecco, một loại vang trắng có sủi bọt của Ý.

    Nhờ vào mức giá hấp dẫn, một vị ngọt dễ uống hợp với khẩu vị của đa số khách hàng, rượu vang sủi bọt Prosecco đã tăng 35% mức doanh thu tại Hoa Kỳ trong năm qua. Còn tại Anh, rượu Prosecco của Ý đã tăng vọt doanh số bán hàng một cách ngoạn mục, thêm 72% chỉ trong vòng một năm. Không những thành công trên thị trường Anh Mỹ, Prosecco giờ đây cũng bắt đầu trở nên hấp dẫn trong mắt thực khách châu Á, đặc biệt là khách Trung Quốc.

    Theo một cuộc khảo sát gần đây của công ty Mỹ IRI chuyên thăm dò thị trường, vừa được công bố hồi trung tuần tháng Tám năm 2015, riêng tại Anh, rượu vang Ý Prosecco đã qua mặt rượu Champagne của Pháp về mặt doanh thu cũng như khối lượng. So với năm trước, doanh thu của Prosecco đã tăng hơn 70%, lên tới gần 480 triệu € (338 triệu £ tương đương với 37 triệu lít). Còn doanh thu tại Anh của rượu Champagne thì vẫn nguyên vị trí, dao động ở mức 353 triệu € (250 triệu £ tương đương với gần 10 triệu lít).

    Theo ông Toby Magill, chuyên viên phân tích thị trường rượu, làm việc cho công ty Mỹ IRI, hiện giờ các nước Âu Mỹ đang có cái mốt uống rượu prosecco, và sở dĩ loại rượu này trở nên thịnh hành, trước hết là vì rượu ngon mà giá vẫn mềm. Các quán bar chuyên dọn Prosecco vì rượu có thể pha với nhiều thức khác : chẳng hạn như là loại cocktail có tên là Spritz, pha trộn rượu trắng Prosecco, với một chút nước suối sủi bọt Seltz cộng thêm với rượu khai vị có mùi hương vỏ cam như Aperol hay là Campari (Spritz Bitter),

    Theo lời ông Giancarlo Vettorello, chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất rượu vang vùng Asolo, phía tây bắc Veneto (cách thủ phủ Venezia / Venise khoảng 70 cây số) Prosecco là một loại rượu vang dễ uống, có thể dùng bất cứ lúc nào, uống thay thế cho bia, uống để khai vị hay trong suốt bữa ăn, đơn giản chứ không cầu kỳ, không nhất thiết phải có tiệc tùng, lễ hội mới uống ….


    Vùng đất màu mỡ phì nhiêu (nằm giữa hai ngọn đồi "Valdobbiadene" và "Conegliano") sản xuất hàng năm 300 triệu trên tổng số 380 triệu chai Prosecco, loại có mang nhãn hiệu kiểm định nguồn gốc DOC (tương đương với AOC ở Pháp). Trong đó có tới 70%, tức là cứ trên 10 chai là có tới 7 chai được dành để bán ra nước ngoài, đặc biệt là cho thị trường Anh Mỹ.

    Việc xuất khẩu thương hiệu Prosecco là một hiện tượng mới xuất hiện trong những năm gần đây. Cách đây một thập niên, rượu Prosecco chỉ được bày bán tại Ý, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên thị trường quốc nội. Mãi tới năm 2010, nước Ý mới xuất khẩu mạnh Prosecco ban đầu là sang các nước láng giềng là Đức và Thụy Sĩ, và sau đó mới chinh phục hai thị trường Anh quốc và Hoa Kỳ.

    Ông Luca Giavi, giám đốc nghiệp đoàn các nhà sản xuất Prosecco DOC không ngớt lời quảng cáo rượu vang sủi bọt Prosecco của Ý có vị ngòn ngọt, thơm ngon và tươi mát như ‘’trái cây vừa hái’’, vì thế mà hợp gu của nhiều đối tượng khách hàng. Thế nhưng, theo lời bà Angela Lynas, giám đốc một công ty ở Scotland chuyên nhập khẩu rượu vang nước ngoài, thì Prosecco thành công là nhờ vào một yếu tố hết sức đơn giản: thời buổi càng khó khăn thì người tiêu dùng càng cân nhắc tính toán.

    Cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm giảm sức mua của người dân châu Âu. Giá trung bình của một chai Prosecco là từ 10€ đến 15€ (chai đắt nhất là 22€, hiệu Cartizze, chủ yếu vì khối lượng sản xuất hạn chế trên khoảng 105 hécta, cho nên khan hiếm hơn). Trong khi đó, rượu Champagne (gam trung bình) thì đắt hơn gấp đôi. Các nhãn hiệu Champagne nổi tiếng là thượng hạng (gam cao cấp) có thể cao hơn đến gấp ba lần. Bài toán vì thế càng trở nên đơn giản, nhất là dân châu Âu có xu hướng tiết kiệm khâu ăn uống, hầu để dành tiền đi du lịch.


    Sau thị trường Anh Mỹ, Prosecco của Ý cũng bắt đầu cạnh tranh với rượu sâm banh của Pháp trên thị trường Trung Quốc. Nhân kỳ hội chợ rượu VinItaly, tổ chức tại thành phố Verona cuối tháng Tư vừa qua, các công ty nhập khẩu của châu Á, trong đó có Trung Quốc thật sự quan tâm tới rượu Prosecco của Ý.

    Người tiêu dùng Trung Quốc vốn không có truyền thống uống rượu nho, cho nên mỗi lần dùng rượu vang, họ có xu hướng chọn những loại rượu rất dễ uống, có vị ngọt và thơm, có giá thật mềm thì càng tốt. Tại Hoa lục, giới trung lưu bắt đầu uống rượu vang đỏ, còn hình ảnh sang trọng của Champagne thì vẫn được gắn liền với giới thượng lưu, giàu sang có tiền.

    Theo anh Clinton Ang, làm việc cho công ty Corner Stone, trụ sở đặt tại Singapore và chuyên nhập khẩu rượu vang để phục vụ thị trường Trung Quốc, công ty này vừa ký hợp đồng liên doanh với một nhà sản xuất Prosecco, để chế biến ra một loại rượu ngọt hơn và thơm hơn, sao cho vừa với khẩu vị của đại đa số khách hàng châu Á.

    Rõ ràng là rượu sâm banh của Pháp đang bị cạnh tranh dữ dội, trên cả hai phương diện : doanh thu sản xuất và đối tượng khách hàng. Trong năm qua, ngành Champagne của Pháp đã sản xuất 337 triệu chai, trong đó có gần 45% (tương đương với 145 triệu chai) dành cho xuất khẩu trên toàn thế giới. Trong khi ngành Prosecco của Ý sản xuất 300 triệu chai Prosecco DO, trong đó có tới 70% (tương đương với 210 triệu chai) được bán ra nước ngoài.

    Trước những thành quả ngoạn mục như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu Prosecco sẽ trở thành một thương hiệu lâu đời, hay do bối cảnh kinh tế chỉ là một thức uống ‘’thịnh hành’’ nhất thời? Về điểm này, cô Delysia Grewal chuyên nghiên cứu thị trường xuất nhập khẩu rượu vang ở Anh, tin chắc rằng Prosecco của Ý có rất nhiều khả năng đứng vững và bám trụ trên thị trường quốc tế trong một thời gian dài. Cho dù giá prosecco của Ý có thể tăng thêm, nhưng vẫn chưa đắt bằng Champagne của Pháp.

    Bà Angela Lynas, giám đốc công ty chuyên nhập khẩu rượu vang ở Scotland thì cân nhắc chừng mực hơn. Theo bà, nếu muốn thành công lâu dài, Prosecco phải đảm bảo chất lượng, từ năm này qua năm nọ. Những năm trước đây, người Anh có cái mốt yêu chuộng rượu vang Cava đến từ Tây Ban Nha. Thế nhưng do chất lượng không đồng đều, cho nên sau một thời gian bán chạy, rượu cava không còn được dân Anh yêu thích vì họ cho là loại rượu này có chất lượng quá đỗi thất thường, lúc ngon lúc dở, thực khách không cảm thấy hợp gu hay khoái khẩu.

    Theo lời cô Sarah Serena, giám đốc điều hành công ty Montelvini, chuyên sản xuất Prosecco ở vùng Asolo, giới sản xuất Ý hy vọng duy trì xuất khẩu ở mức hơn 200 triệu chai trong năm tới, cho dù giá thành sẽ đăt hơn mọi khi, phần lớn cũng vì vụ mùa thu hoạch không mấy khả quan, trong hai năm liên tiếp (2014 & 2015), do thời tiết trở xấu, khí hậu thất thường.

    Dù gì đi nữa, Prosecco đang soán ngôi bá chủ của Champagne trên thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia ẩm thực lưu ý rằng hai loại rượu này tuy có thể phục vụ cho cùng một đối tượng khách hàng, nhưng theo phong tục tập quán, cách thưởng thức thường diễn ra trong những tình huống khác nhau. Chẳng hạn như bạn ngồi một mình ở quán cà phê, bạn có thể gọi một ly prosecco để nhâm nhi thưởng thức, chuyện đó chẳng có gì lạ. Nhưng uống sâm banh thì ít có ai mà lại đi uống một mình, bởi vì tiếng động của nút chai, khi ta khui sâm banh là một cách để ăn mừng, để chia sẻ và chung vui với nhau.

    Loại Prosecco, hay bất cứ loại rượu vang trắng có sủi bọt nào bạn có thể uống nguyên chất hay dưới dạng pha cocktail. Nhưng champagne thì nên tránh pha chế hay hòa trộn với thứ khác. Champagne loại ngon (loại millésimé thì phải cất trong vòng ba năm) cũng giống như là whisky thượng hạng (loại từ 12 năm trở lên). Thời gian cất rượu chính là cái yếu tố giúp cho hương vị càng thêm tinh tế, phức hợp, vì thế mà giới sành điệu không khỏi thở dài nếu như ta đi pha rượu champagne thượng hạng với một chút cassiss (loại kir royal), hay pha whisky với soda, và thậm chí cũng tránh cho thêm vào whisky một chút nước đá ….

    Về mặt khẩu vị, thì ngon hay dở là còn tùy theo cảm quan của thực khách, nhưng khó thể chối cãi là cách chế biến Champagne công phu và cầu kỳ hơn so với Prosecco. Loại Prosecco của Ý cũng như đa số các loại rượu vang trắng có sủi bọt của Pháp (theo dạng mousseux hay pétillant) trong suốt quá trình lên men, thường được trữ trong thùng. Đến khi cho Prosecco vào chai, thì có thể được dùng khoảng hai tuần sau.

    Còn Champagne (cũng như các loại rượu vang trắng chế biến theo công thức gọi là méthode champenoisie) thì phải qua hai lần lên men, lần thứ nhất trong thùng gỗ, lần thứ nhì trong chai thủy tinh một khi lớp rượu đầu tiên được cho vào chai. Cái công thức ấy khiến cho việc cất rượu Champagne tốn nhiều thời gian hơn so với Prosecco, trong trường hợp của các loại thượng hạng millésimé, thời gian cất rượu phải nhân lên gấp ba lần.

    Công thức chế biến công phu cầu kỳ giải thích phần nào vì sao Champagne của Pháp có giá thành cao hơn Prosecco của Ý hay là rượu Cava của Tây Ban Nha. Lẽ dĩ nhiên ở dòng gản phẩm giá thấp, giữa một chai Prosecco có vị ngòn ngọt và một chai Champagne có vị chua hơn thì nên nên chọn cái đầu tiên. Nhưng khi lên gam trung bình, hay là dòng sản phẩm thượng hạng thì Champagne lúc nào cũng có hương vị tinh tế hơn.

    Trường hợp này cũng như hai trường phái rượu vang đỏ của hai vùng Bordeaux và Bourgogne. Ở gam đầu Bordeaux thường dễ uống hơn, vì thế mà hợp gu khoái khẩu đối với đa số thực khách. Nhưng càng lên hạng cao, Bourgogne do khối lượng sản xuất rất hạn chế, loại rượu này nổi tiếng có hương vị thanh tao hơn nhiều.

    Sự kiện Prosecco soán ngôi bá chủ của Champagne có lẽ là do thời thế và bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế. Nhà phê bình ẩm thực Richard Juhlin, nổi tiếng là chuyên gia số một trên thế giới về Champagne, người đã từng nếm thử và chấm điểm hàng ngàn loại rượu sủi bọt khác nhau để viết thành quyển: Mùi hương của Champagne ‘‘A Scent of Champagne’’ từng nhận xét rằng, thế giới có thể khao khát nếm thử mọi thức uống trên đời, nhưng đố ai mà có thể định nghĩa chính xác hương vị của Champagne.

    Mùi hương của Champagne không chỉ khơi gợi giác quan, mời gọi tính hiếu kỳ, mà còn đánh vào tiềm thức, nơi cất giữ kỷ niệm cuộc sống con người. Có lẽ cũng vì thế mà người xưa từng nói rằng Champagne là một chút thi vị hữu tình cất giấu trong bình thủy tinh. Nói như vậy, thì phải chăng chuyện uống Prosecco hay Champagne là còn tùy theo nhu cầu cá nhân. Đó cũng là sự chọn lựa giữa một bên là ‘’bài toán’’ và bên kia là ‘’bài thơ’’.

    Tuấn Thảo
    (http://vi.rfi.fr)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X