Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Paris có gì lạ không em

Collapse
X

Paris có gì lạ không em

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Paris có gì lạ không em

    Nguyễn thị Cỏ May : Paris có gì lạ không em?


    Paris đẹp muôn thuở. Paris cổ kính nhưng tình tứ và lãng mạn. Hằng năm, có nhiều chục triệu du khách tới thăm viếng Paris cho thỏa lòng ngưỡng mộ.

    Thường có khi người ngoại quốc lại biết Paris nhiều hơn người dân Paris . Điều này đúng bởi có không ít người Pháp ở trong lòng Paris hay ngay sát Paris đã hơn năm mươi năm mà vẫn chưa biết tháp Eiffel! Cỏ May có lẽ là một trong số những người sống cạnh Paris từ khá lâu mà vẫn còn lắm ngỡ ngàng với Paris. Những người có kinh nghiệm giao thiệp thường khuyên khi hỏi tìm tên đường của một thành phố mình vừa tới, nên tìm hỏi thăm người ngoại quốc. Hay nhứt là tìm hỏi thăm người da đen là ăn chắc.

    Một hôm ngồi trên xe điện Paris, cầm tờ báo ngày loại phát không như báo Việt Nam ở Mỹ để ở tiệm phở dành cho khách ăn phở, do một hành khách đọc xong bỏ lại, liếc mắt qua. Bỗng Cỏ May dừng lại ở một bài phóng sự ngắn tựa bằng anh ngữ “Wall of Love “với nhiều hình ảnh minh họa. Vội đọc qua để biết bức tường ấy ở đâu?

    Biết rõ chỗ có Bức tường Tình yêu đó, hôm sau, Cỏ May bèn tới để xem cho biết thực tế như thế nào.

    Café “Chào Bà “

    Tiệm Café “Chào Bà ” tọa lạc tại số 22 trên Đại lộ Clichy, trước Métro Pigalle, thuộc Paris XVIII. Cơ sở này có từ lâu lắm. Khi tới Paris vào cuối thập niên 70, Cỏ May đã nghe nói và có vài lần đi ngang qua nhưng chưa vào. Bởi dáng vẻ rất bề thế của một nhà hàng café sang trọng. Mặt tiền màu đỏ vua chúa. Bên trong bàn ghế sang trọng, cách xếp đặt cổ kính và trưởng giả. Không dám bước chân vào tuy bị thu hút bởi tên Việt Nam vì Cỏ May mặc cảm mặt mày còn dính phèn của đồng ruộng miền nước mặn.

    Sau đó, nghe nói, trên quầy (comptoir), có chưng một pho tượng Hồ Chí Minh rất lớn. Lúc này, tính hiếu kỳ nồi dậy, muốn tới xem qua cho biết. Rủ bạn cùng đi cho có bạn vì đây là khu phố đầy rẫy sex shop, bài ba lá, móc túi, dập dìu dân đen, á-rập, …sẵn sàng đao búa. Chưa kịp đi thì lại nghe nói bức tượng Hồ Chí Minh bị ngã bể tan tành do một bà “chị em ” lớn tuổi của thế hệ ái mộ bác theo xu hướng thời thượng tả khuynh của Pháp như phong trào “Mao-ít, Hồchíminh-ít”, thường lui tới uống café. Mỗi khi tới, bà đứng cạnh tượng bác, đưa tay rờ rẫm bác. Một buổi trưa năm 1990, bà “chị em ” khách hàng quen thuộc, như thường lệ, tới uống café vừa xem TV theo dõi biến cố Đông âu, tay vẫn mân mê bức tượng bác. Bỗng bác ngã xuống bể nát. Không biết phải vì cử chỉ vụng về của bà “chị em” hay vì bác cảm động, chịu không nổi, mà ngã xuống? Từ đó, nhà hàng không thay bức tượng khác. Có lẽ vì cái thời thượng không còn nữa. Cả Liên Xô và Đông âu còn bỗng chốc sụp đổ sạch trơn. Lớp người chạy theo thới thượng cũng đã già nua cả và nhứt là đã biết mình đã từng ngu muội một thời.

    Hôm rồi, mục tiêu chủ yếu của Cỏ May là đi xem bức tường “Anh yêu em ” ( Le mur des Je t’aime ) ở Métro Abbesse, trên đồi Montmartre. Vô tình xuống Métro Pigalle, chợt nhớ lại café ” Chào Bà “, Cỏ May muốn vào một lần cho biết. Không phải vì hôm nay, mặt hết phèn nước mặn, mà thật lòng muốn ghi lại vài chi tiết về nơi đây để giới thiệu bạn đọc “Paris có gì lạ không em?”.

    Nhớ vị trí của café “Chào Bà” phải ở đây, nhưng không thấy hai chữ “Chào Bà” thật lớn, nổi bật trước mặt tiền cửa hàng . Đi dọc theo Đại lộ, qua lại vài ba lượt để tìm. Sau cùng, đành tìm người lớn tuổi ở khu phố hỏi thăm. Cỏ May bèn chặn một bà đầm đang dẫn chó đi dạo giửa Đại lộ là lối đi dành cho người đi bộ và ghế đá ngồi nghỉ chân, hỏi nhờ chỉ giúp café “Chào Bà ” . Bà đầm chỉ đúng café trước Métro Pigalle như Cỏ May nhớ.

    Cảm ơn bà đầm, Cỏ May bước thẳng vào tiệm, tiến tới quầy hàng, gọi một cái expresso . Cô chiêu đãi trẻ, người gốc dân đảo, đem tới tách café đen. Cỏ May hỏi cô có phải trước kia nơi đây đúng là tiệm café“Chào Bà”? Cô đầm trẻ xác nhận đúng nhưng từ tháng 10/2013, tiệm đã đổi chủ nên chủ mới gở bỏ tên cũ. Cô hàng mời Cỏ May lên lầu xem “bảo tàng của Chào Bà”. Quả thật, trên lầu, chủ nhân giữ lại những kỷ niệm của cửa hàng. Ghế mây chân thấp bọc nệm, xếp đặt rộng rãi. Chung quanh tường lót gương với nhiều hình ảnh tài tử, ca sĩ, vũ nữ một thời vang bóng.

    Tại sao giữa Paris lại có một tiệm café nhà hàng ăn (Café Restaurant) mang tên hoàn toàn Việt Nam như vậy? Chính đó là lý do thu hút sự chú ý của không ít người Việt Nam khi tới Paris và cả du khách ngoại quốc bởi khu Montmartre vốn là khu du hí . Đi xa qua khỏi “Chào Bà ” vài mươi thước là “Moulin Rouge ” nổi tiếng từ thập niên 50 với điệu vũ tưng bừng “Frenk Cancan “.. .

    Café ” Chào Bà ” do 4 người bạn say mê Á châu lập ra. Chọn danh hiệu “Chào Bà” vì cả 4 người đều mê Việt Nam . Và nghe nói bác Hồ thời hoạt động cách mạng ở Paris thường lui tới khu này vì nơi đây là khu nhân dân lao động, bác sống với nhân dân lao động để giáo dục họ sớm giác ngộ thân phận bị bốc lột của mình.

    Bên trong tiệm thật sự là một nơi ấm cúng, xa cách cái ồn ào, xô bồ bên ngoài đường.

    Ngày nay, vẫn còn một ít khách hàng quen thuộc lớn tuổi thường lui tới hoặc ăn trưa, ăn tối , hoặc chỉ uống tách café, ngồi trầm lặng hằng giờ đọc sách, báo. Ngăn cách những dãy bàn là những kệ sách báo dành cho khách hàng. Trên tường cũng đầy kệ sách. Lúc trời lạnh, người ta có thể vào đây ngồi đọc sách từ sáng cho tới tối về ngủ, tiết kiệm sưởi ở nhà.

    Đồi Montmartre và Bức tường “Anh yêu em”

    Đồi Montmartre là một danh lam thắng cảnh của phía bắc Paris. Trên đồi có ngôi nhà thờ Sacré-Coeur cổ kính. Từ đây, người ta có thể nhìn bao quát Paris. Bên cạnh là “chợ nghệ thuật”. Nói “chợ nghệ thuật” vì đây là một diện tích trống khá rộng lộ thiên, họa sĩ , nhiếp ảnh, cằt hình, nặn tượng tập trung, mỗi người chiếm một khoảnh nhỏ vừa đủ để đồ nghề như giá vẻ, kệ hàng,…Khách nhờ vẻ, năn tượng chân dung, chụp ảnh nghệ thuật, … Những nghệ sĩ này phần lớn là sinh viên, sau vài năm học ở trường, ra đây tập sự. Rồi theo thời gian và cuộc sống khó khăn, một số người không trở lại trường nữa. Trong những nghệ sĩ này, có vài người Việt Nam. Cỏ May có quen một người đã tốt nghiệp Trường Beaux-Arts Paris (Mỹ Nghệ Paris) cũng ra đây vẽ chân dung. Anh để tóc dài thắt cái bím sau lưng. Vẽ là để kiếm sống qua ngày. Cái ưu tư” hay “đam mê ” của anh là Triết lý Đông phương. Mỗi khi gặp anh, cả lúc đang vẻ, đều muốn bạn lắng nghe anh nói Triết lý …” Nhất Âm, nhất Dương chi vị đạo”. Cỏ May chỉ còn nhớ mấy chữ đó để nhớ lại anh. Ngày nay nghe tin anh về Sài Gòn sống tiếp tuổi già.



    Đồi Montmartre thât sự là khung cảnh của đời sống nghệ thuật. Nhưng ít người biết phía sau nhà thờ Sacré-Coeur có một vườn nho 1700m2 trồng nho làm rượu từ năm 1935. Hằng năm sản xuất lối 2000 chai rượu nho loại 50cl, bán vào dịp lễ hội Mùa gặt, còn gọi với một cái tên nên thơ hơn là “Lễ Hội Gặt hái Tình yêu” do Thị xã Paris XVIII tổ chức. Đây là biến cố thứ ba của Paris tổ chức được đông đảo người tham dự (400 000 người), sau “Đêm Trắng Paris” và “Paris bải biển mùa hè ” . Tiền bán rượu chuyển vào Quỉ Văn hóa Xã hội của Quận XVIII Paris.

    Biết mình đã đi lạc, Cỏ May vội tìm tới Bức Tường “Anh yêu em – Le Mur des Je t’aime”. Ra khỏi Métro Abbesse, trước mặt, phía bên kia đường là Công viên Jehan Ristuc. Thấy du khách tấp nập đang vào Công viên, Cỏ May nghĩ chắc bức tường ở trong đó nên Cỏ May vội băng qua đường, đi theo đoàn du khách ngoại quốc . Quả thật vừa tới cổng Công viên thì có một đoàn du khách khác tập họp trước một tấm bảng đá xanh đậm rất lớn gắn trên tường của hông tòa nhà. Họ đang đưa mắt cùng nhìn chắm chú vào bức tường.



    Đúng đó là Bức tường “Anh yêu em ”, một tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Frédéric Baron thực hiện năm 2000, nay đã thật sự trở thành một chứng tích vinh danh tình yêu toàn thế giới. Còn gì đẹp hơn, xứng đáng hơn cho Paris, Thủ đô của Tình yêu, của Văn chưong và của Nghệ thuật lãng mạn?

    Chẳng những Bức tường «Anh yêu em ” là một tác phẩm nghệ thuật, mà nó còn là một kết tinh nỗ lực của Frédéric Baron đi suốt thời gian dài tìm gặp những sắc dân khác nhau để thu lượm 1500 câu “Anh yêu em ”, sàng lọc và đối chiếu để còn lại 311 câu, do nghệ sĩ Claire Kito viết lại bằng 280 loại chữ viết khác nhau, cả thổ ngữ, lên bức tường đá mài nhẳng thính, diện tích 40 m2 . Mỗi câu thề “ Anh yêu em ” nằm gọn trong một ô chữ nhựt 21 x 27, 9 cm .Trên mặt phẳng xanh đậm của bức tường, người xem thấy hiện ra rải rác những vết đỏ thắm như những chiếc lá úa mùa thu . Theo sự tưởng tượng của nghệ sĩ, đó là những mảnh vở của những con tim đau khổ vì tình yêu sụp đổ!

    Cỏ May đứng gần lại bức tường để tìm cho được câu “Anh yêu em ” bằng tiếng việt . Không ngờ câu ấy lại chiếm ô thứ nhứt, trên cùng, bên trái bức tường. Đứng đầu bảng vì mẫu tự A hay vì người đàn ông (Anh) Việt nam đa tình hơn những dân tộc khác?

    Mà xưa nay, có người học trò trai nào không khắc lên bàn viết bằng mủi dao tên của người yêu đầu đời của mình? Một cậu trai trẻ khác lại không khắc lên tường gạch của khu phố câu “Anh yêu em”? Chẳng những khắc tên người yêu hay câu “Anh yêu em ” lên tường, lên bàn viết hay thân cây trong công viên, những người yêu nhau ngày nay khắc tên nhau lên ông khóa đem khóa vào hàng rào kẽm của cầu Pont des Arts ở Paris rồi ôm nhau hôn, cùng liệng chìa khòa xuống sông Seine để thề nguyền tình yêu không bao giờ tan vỡ!

    Mỗi năm, những người yêu nhau chỉ có một Ngày Tình yêu . Nay mọi người có Bức tường “Anh yêu em” để hẹn nhau suốt năm dài.

    Để Paris vẫn là Thủ đô Tình yêu của cả thế giới!



    Paris đẹp, một phần quan trọng là nhờ có dòng sông Seine uốn khúc chảy qua 37 cây cầu. Cây cầu thứ 37 được chánh phủ Pháp khánh thánh vào tháng 7 năm 2006. Đó là cầu Simone de Beauvoir. Phải chăng vì cây cầu này quá yểu điệu như thục nữ mà mang tên nữ triết gia và nhà tranh đấu cho nữ quyền?

    Thật ra cầu Simone de Beauvoir chỉ là một lối đi bằng sắt bắt ngang qua sông Seine dành cho người đi bộ nhưng nó biều hiện kỹ thuật mới đầy vẻ mỹ thuật kiêu kỳ của Pháp. Cầu nối liền Thư viện Quốc gia (Paris XIII) và khu Bercy (Paris XII). Trong số 37 cây cầu trên sông Seine, còn có một cây cầu bằng gỗ, cũ kỹ, năm 1975, được xếp vào danh sách di sản lịch sử quốc gia, cũng dành cho người đi bộ, nối liền Bảo tàng viện Louvre và Hàn Lâm viện Quốc gia (Institut de France), ngày nay mang trên mình nó một điều mà ít người biết rõ chi tiết , đó là 700 000 ống khóa tình yêu của những người yêu nhau trên khắp cả thế giới . Số ống khóa đó nếu đem qui ra sức nặng là 55 tấn kim loại móc vào mạng lưới kẽm của hai bên thành cầu. Mỗi ổ khóa mang tên họ hai người yêu nhau hay một câu thề yêu nhau cho tới chết!

    Cầu Nghệ thuật (Pont des Arts)


    Đầu năm 1800, do sáng kiến của Nả-phá-luân Đệ I ( Napoléon I), tiếp theo bước chân kỹ thuật của Anh, một cây cầu đầu tiên bằng sắt thép của Pháp, có chín nhịp bắt qua sông Seine dành cho người đi bộ, tại vị trí của Cầu Nghệ thuật ngày nay. Hai kỹ sư Louis-Alexandre de Cessart và Jacques Vincent de Lacroix Dillon muốn làm cây Cầu Nghệ thuật giống như cây cầu treo trên đó có trồng cây kiểng, trang trí những chậu bông, đặt những chiếc băng dài cho khách bộ hành ngồi lại nghỉ chân hoặc ngắm cảnh sông Seine .



    Đến giữa thế kỷ XIX, vì Bến Conti nới rộng nên chơn cầu phía này bị rút ngắn mất hai nhịp . Và lúc bấy giờ, người đi qua cầu phải “nạp tiền mãi lộ”. Ngày nay, “nạp tiền mãi lộ “ vẫn còn hiện hành trên khắp xa lộ nước pháp trong lúc đó xa lộ ở Bỉ, Đức, Hòa-lan lại hoàn toàn miễn phí.

    Năm 1976, Sở Cầu Đường của Paris báo cáo Cầu Nghệ thuật quá yếu có thể sập do ảnh hưởng sức ép của những trận bom hồi Đê II Thế chiến. Tiếp theo, những năm sau, ghe tàu qua lại va chạm vào chân cầu làm suy sụp thêm . Đến những năm 1981-1984, cầu được tu bổ toàn diện và được Ông Jacques Chirac, lúc đó là Đốc lý Paris, khánh thành để sử dụng cho tới ngày nay, thu hút du khách, nghệ sĩ, nhiếp ảnh, họa sĩ, … vì đứng nơi đây, người ta sẽ có cái nhìn Paris tuyệt đẹp. Mùa hè, dân chúng Paris, cả phe ta, thường kéo nhau tới tổ chức pic-nique và ca hát, nhảy múa.

    Cuối năm 1990, Nhật bắt chước kiểủ đem về xây một cây cầu tương tợ nối liền hai thành phố Kamogowa và Kyoto .

    Cầu được sửa chữa chắc chắn nhưng ngày nay, chánh quyền Paris lo sợ sẽ khó tránh khỏi bị sập do khối lượng ống khóa tình yêu chồng chất lên ngày càng thêm nhiều không thể ngăn cản được. Không phải dân Paris hay dân Pháp mà phần lớn là dân ngoại quốc tới.



    Chuyện rủi ro đã xảy ra do áp lực của ống khóa. Một đoạn lưới kẻm của thành cầu bị sụp. Nhân viên kỹ thuật đã tháo gỡ mảng lưới ấy, lấy ống khóa đem cất vào kho Sở Công chánh. Hôm đầu tháng 2/2014, nhân viên Sở Công chánh đã tháo gỡ một đoạn lưói kẽm cũ để thay bằng một đoạn mời. Ống khóa lại đem để vào kho cất giữ cẩn thận. Chỉ trong vòng vài giờ sau đó, đoạn lưới kẽm mới lại bị tràn ngập bởi những ống khóa mới đủ kiểu với đủ thứ những lời yêu nhau, “lời thề với Pont des Arts, lời hẹn với sông Seine” .”Thề hải, minh sơn ” kiểu Paris với đủ thứ tiếng!

    Nghi lễ thề yêu nhau tới chết” là lấy ống khóa làm chứng, khóa vào mắt cáo của lưới kẽm, hai người ôm nhau hôn rồi cùng cầm chìa khóa ném xuống dòng sông Sein. Văn hóa thề yêu nhau này khởi đầu ở đây từ năm 2008 . Tới năm 2010, trên cầu chỉ mới có 20.000 ống khóa . Hiện tượng này là nối tiếp truyền thống của Đông âu đã có trước, sau khi cộng sản sụp đổ, người dân được quyền yêu nhau tự do, không qua sơ yếu lý lịch để xác định tương quan giai cấp và sự can thiệp của đảng cộng sản nữa.

    Tới Ngày Tình yêu ( Lễ Saint Valentin ), trên cầu dập dìu tài tử giai nhân. Hai hàng rào kẽm của thành cầu đón nhận thêm nhiều ống khóa nữa đến nổi không còn mắt cáo để móc ống khóa, mà phải móc chồng lên những ống khóa đã chiếm chỗ từ trước . Chủ nhân của ống khóa giờ đây muốn tìm lại ống khóa của mình không còn là điều đơn giản.

    Vậy mà hôm tuần rồi, Cỏ May đang đi chầm chậm trên cầu để xem hai người hóa trang đứng im phăng phắc, không cử động, làm như họ là hai pho tượng thật sự vậy để giúp vui du khách và xin tiền, bỗng chú ý tới một thiếu nữ khá xinh đẹp, dáng vẻ người Âu châu, đang xăm xăm đi tới có mục tiêu. Cỏ May theo dõi. Cô ta tiến lại một nơi, đứng lại đưa mắt nhìn kỹ vào những ổ khóa chồng chất lên nhau. Trong vòng năm phút, cô bé đưa tay vạch ra một chỗ trống nhỏ, lấy từng ổ khóa nâng lên xem. Sau cùng, cô bé giữ trong tay một ổ khóa, tay kia lấy chìa khóa ra mở ổ khóa. Lấy được ổ khóa, cầm trong tay, mặt cô bé hiện ra nét như đanh lại. Bỏ ổ khóa với chìa khóa vào giỏ rồi đi khỏi cầu.

    Người chung quanh nhìn thấy nhưng không mấy ai quan tâm lắm . Có lẽ tuổi trẻ ngày nay yêu nhau, thôi nhau, là chuyện bình thướng như ăn cơm bữa . Chỉ có Cỏ May thắc mắc chuyện của người ta là không biết cô bé đó sẽ xử lý cái ống khóa kia thế nào đây? Số phận cái ống khóa đó sẽ ra sao? Tốt hay xấu? Được cất giữ như vật kỷ niệm hay sẽ bị ăn búa tan xác?

    Một cặp thanh niên nam nữ đứng im đưa mắt nhìn xa xa như để ngắm kỹ thành phố đẹp nhứt thế giới, tình tứ nhứt và lãng mạn nhứt thế giới. Đối với hai người yêu nhau, thật sự là một khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng. Xong họ móc ổ khóa vào mắt lưới kẽm, cùng ném chìa khóa xuống dòng nước sông Seine. Hai người đến từ San Francisco. Có ghi trên ổ khóa tên hai người. Với mấy chữ “Take my hand, I will show you the whole world “. Hôm sau, họ trở về San Francisco để làm lễ cưới nhau. Còn gì đẹp hơn?

    Lịch sử những ống khóa tình yêu

    Thật ra những chiêc khóa này có nguồn gốc khá mơ hồ. Ngoài sự tích xuất phát từ các nước Đông âu sau khi chế độ cộng sản tan rã, còn có một nguồn gốc khác nữa . Theo ký giả Flore Olive (trên tuần báo Le Nouvel Observateur, số tháng 02/2014), từ sau năm 1970, người ta đã thấy những ống khóa bắt đầu xuất hiện, móc vào mắt cáo của lưới kẻm trên cầu Hohenzollern của thành phố Kohl ở Đức. Những ngưòi yêu nhau tới móc ống khóa vào thành cầu rồi ném chìa khóa xuống dòng sông Rhin. Sau đó, người ta để ý cũng thấy trên cầu Ponte Vecchio ở thành phố Florence hoặc cầu Ponte dell Academia ở thành phố Venise cũng xuất hiện những ống khóa tình yêu. Tại Rome, trên cột đèn thứ ba của cầu Milvio, người ta cũng bắt gặp ống khóa trên mặt khắc tên hai người yêu nhau. Chắc chìa khóa đã liệng xuống sông Tibre . Từ năm 2007, Thị trưởng Rome ra lệnh cấm mắc ống khóa vào bất cứ nơi nào của thành phố, vi phạm sẽ bị phạt 50 €.

    Nhưng ở Paris thì việc cấm hành động này lại không thể làm được. Để bảo vệ an ninh, chánh quyền Paris chỉ có thường xuyên thay những mảng lưới sắp bể vì sức nặng của ống khóa bằng khung lưới mới chắc chắn. Vì Paris xưa nay là thành phố của những người yêu nhau, thành phố lãng mạn của thế giới.

    Tháng 5/2010, Sở kỹ thuật của Paris bị lưu ý vì trong một đêm bị mất hết 1500 chiếc ống khóa trên cầu . Ai lấy trộm?

    Một tháng sau, sự thật được khám phá. Một sinh viên Trường Mỹ Nghệ lấy. Anh dùng những chiếc ống khóa này làm tác phẩm nghệ thuật của anh triển lãm nhân lễ giới thiệu trường. Những ống khóa treo dài từ trần nhà xuống chấm đất rồi tỏa rộng ra . Và một nghệ sĩ tạo hình cũng thú nhận đã chôm 130 kg ống khóa và đã nấu chảy ra nước để thực hiện tác phẩm nghệ thuật.

    Những ống khóa tình yêu nay đã vượt Đại dương qua tận Singapour. Tại một Trung tâm thương mải nằm dọc theo con sông Singapura,, nhiều chủ cửa hàng kêu gọi khách hàng, những người yêu nhau, hảy mắc ống khóa vào lưới kẻm bên ngoài cửa hàng của họ . “Lock of love ” .

    Ở Đài-loan, nhiều ống khóa xuất hiện trên lưới sắt của cây cầu dành cho người đi bộ bắc ngang qua đường rầy xe lửa của nhà ga Fengya. Người tàu giải thích đây là những biểu tượng khẳng định sự thành đạt hoặc ước mơ tình yêu, tiền bạc.

    Ở Mạc-tư-khoa (Moscou), nhà cầm quyền lại muốn mời gọi những người yêu nhau tới mắc những ổ khóa tình yêu lên cầu để du khách thấy Moscou cũng là nới chứa chang tình yêu của tuổi trẻ nên đã cho thiết lập trên cầu Loujkov những thân cây bằng kim loại với nhiều nhánh nhô ra khêu gợi.

    Có bao nhiêu mối tình tan vỡ?

    Những gian hàng (ki-ốt – kiosques) bán sách củ, tranh ảnh cũ, dọc theo bờ sông Seine nay bán thêm ống khóa vì sách vở, tranh ảnh, băng nhạc, … bắt đầu vắng khách . Lớp người đoc sách ngày ít thêm. Người ta nghe Radio, TV nhiều hơn hoặc đọc vội tin trên internet . Không mất tiền . Mì ăn liền hay Hamburger lúc nào cũng đông khách hơn phở. Mỗi ổ khóa bán 5 €. Có thể mua trên internet, nhờ khắc tên hoặc thêm họa tiết theo ý riêng. Ngày nay, tình yêu cũng phải được vật thể hóa cho nó cụ thể. Vậy mà nó vẫn có thể tan vỡ thành những mảnh vụn!

    Những ổ khóa giữ chặt tình yêu còn đó. Có thể đếm được. Nhưng đã có bao nhiêu mối tình đã sụp đổ, thì không ai biết được. Có người nhìn vấn đề cụ thể hơn. Tình mất . Bình thường. Nhưng ổ khóa vẫn còn đó. Ít ra nó nhắc cho mình đã có một lần yêu!
    Paris là thành phố của tình yêu. Đúng hơn Paris là chiếc tủ sắt khóa chặt tinh yêu của những người yêu nhau trên thế giới.

    Mấy ông Việt Nam già có bồ nhí, bồ nhỏ, tại sao không dẫn tới Paris, mua ổ khóa, khóa chặt tình yêu bồ nhí, bồ nhỏ, liệng chìa khóa xuống sông Seine để không còn lo sợ bị bỏ rơi nửa chừng? Nhưng cũng đừng quên giữ lại cho mình một chìa và mang theo mình luôn!

    © Nguyễn thị Cỏ May
    @TuVan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X