Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Làm giàu

Collapse
X

Làm giàu

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Làm giàu

    LÀM GIÀU

    Thằng cháu rể hỏi tôi:
    -Chú biết tại sao, ba cháu hồi trước 75, ruộng nương không có mà ổng giàu không?
    -Dỡn chơi mậy. Ổng có nhà máy làm đường, lại có cơ sở làm men thì giàu là phải.
    -Không phải do hai cơ sở đó đâu, dĩ nhiên nó có dính líu tới, nhưng chuyện này hồi đó gia đình cháu dấu, bây giờ qua đây hết rồi để cháu kể chú nghe.
    -Khoan đã, để tao đi pha hai ly cà phê rồi mày hãy kể.

    Vừa pha cà phê, tôi vừa ngẫm nghĩ: Làm giàu thì ai mà không muốn, tại sao mình không tìm hiểu để bắt chước làm giàu như người ta? Cho dù Chúa có phán: "Người giàu vào được nước thiên đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim". Nghe theo lời Chúa cái gì thì được, chứ cái vụ giàu thì tôi nghĩ khác. Mình giàu mà dùng tiền bạc làm điều phải, giúp đỡ kẻ khốn cùng thì được quá đi chớ.

    Sáng chủ nhật mùa thu có chút sương mù, gây gây lạnh. Chú cháu tôi ra vườn phì phà điếu thuốc bên ly cà phê nóng. Thằng cháu rể thong thả kể chuyện làm giàu của ông già nó.

    Ông Hai Sáng, sui gia của anh chị tôi, có hai cơ hội làm giàu.
    Trước hết nói về lò đường. Ông nhận ép miá cho nông dân theo tấn, họ đem mật miá về tự làm ra đường. Ông cũng còn mua mía về ép rồi nấu đường.

    Hồi khởi đầu, ép miá bằng "che" đó là hai trục làm bằng cây gỗ căm xe dựng đứng bên nhau, dùng sức bò hay trâu kéo một cái cần như cái dàng xay lúa đi vòng tròn quanh trục. Một người ngồi cho "ông che ăn", nghĩa là đút miá vào ép. Mật miá được hứng dưới đáy và chảy vào thùng.
    Tại sao lại gọi là "ông che"? Vì ông hay ăn cả cánh tay người đang ép miá khi người này mỏi mệt quá mà ngủ gục, trong khi tay vẫn đều đều thọc miá vào máy ép, mà mắt thì ngủ.
    Tai nạn càng xảy ra nhiều thì ông che lại càng được nể sợ và cúng kiến nhiều hơn. Ở miền quê, con gì, cái gì làm người ta sợ thì đều được tôn lên là ông cả. Ông cọp; ông sấu; ông lò; ông che v v...

    Mật miá được nấu và đổ ra muỗng có lót bùn non. Khi đang nấu, bọn con nít thường hái lá chanh hay lá mít, loại lá già vừa phải, nhúng vào nồi đường đang nóng rồi xỏ dây treo lên phơi. Khi khô rồi, lớp đường trong như kiếng phủ bên ngoài, có thể nhìn thấy màu xanh và từng gân lá phía trong. Cắn một miếng kẹo lá này thì hết biết, nó dòn, ngọt, mang mùi mật lại có vị thơm mùi lá cây.

    Hồi xưa chỉ làm được đường thẻ và đường tán, sau này máy ép miá chạy bằng máy dầu, sạch sẽ mà công xuất mạnh hơn nhiều. Mật miá cũng nhờ máy li tâm làm ra đường cát, nhưng làm sao trắng bằng đường Hiệp Hòa, nói chi đến đường nhập cảng, bởi vậy giá bán rất hạ. Tóm lại nghề lò đường chỉ đủ ăn chứ không làm giàu được.

    Tới đây xin ngưng lại một chút nói về con đuông, một món ăn lừng danh mà nghe nói ngày trước, mỗi lần ông Kỳ hay ông Thiệu về miền Tây thường được đãi ăn. Món này chỉ họa hoằn mới thấy xuất hiện trên thực đơn nhà hàng Đồng khánh Chợ Lớn. Đuông là một loại sâu trắng to bằng ngón tay cái, nhà hàng bỏ con còn sống vào chén nước mắm hay xì dầu cho nó uống no, rồi chiên trong chảo dầu, nó sẽ phồng lên vàng rộm. Con đuông đục lỗ để ăn ngọn cây dừa (cổ hủ) và cây chà là, nó đùn xác dừa ra ngoài lỗ thì người ta mới biết, họ đục lỗ to ra để bắt, đôi khi đuông còn non quá, có lúc lại quá già gần biến thành con rầy to hơn con cánh cam hay con bọ hung. Non quá hoặc già quá đều không có giá trị.

    Cây dừa phải trồng bao nhiêu năm, đục ra bắt được mấy con đuông là cây chết ngắc. Cây chà là thì nhiều hơn, nó mọc chen chúc nhưng gai nhọn lểu. Như vậy mới biết rằng bắt được con đuông là một kỳ công nên giá trị của nó phải lớn. Ở đời, cứ cái gì hiếm thì trở nên quí, chứ không chắc gì con đuông ăn ngon như lời người ta thường đồn đãi, người nhát trông thấy hình thù nó giống con sâu, chưa chắc đã dám ăn.

    Ông Hai Sáng một hôm cầm mỏ sảy hất tung đám xác miá lâu ngày đã dồn đống ở phiá sau lò đường, ông nhìn thấy nhiều con đuông mà khởi đầu ông tưởng là con sâu đất, cho đến khi thấy một con sắp biến thành rầy, ông mới biết mình vừa đào trúng mỏ vàng. Ông âm thầm bắt xếp vào hộp đưa lên nhà hàng trên Chợ Lớn bán. Dĩ nhiên ông đã khôn ngoan bắt những con vừa lứa, lại còn để lại một số lớn lên, bay đi rồi trở lại đẻ trứng trong tương lai. Tuy miá đã ép rồi, nhưng vẫn còn sót lại một ít đường, con đuông ăn xác miá này thay thế cho đọt dừa.

    Đống xác miá vô tích sự không ai thèm để ý lại là một mỏ vàng bí mật.

    Bây giờ kể đến việc làm men.
    Bột gạo lứt xay ra phải trộn nhiều vị thuốc Bắc như: Hồng khấu làm cho men rượu có vị nồng; đại hồi gây ra vị ngọt và thơm; nang mực làm men nở xốp, nhưng căn bản vẫn là củ riềng, loại củ hay được dùng để ướp thịt chó đó. Men được vo viên to bằng quả trứng gà rồi phơi khô, bán cho người nấu rượu.

    Ở Rạch Giá có quận Giồng Riềng, ở đó riềng mọc như rừng. Miền Nam có nhiều giồng lắm: Giồng Trôm, Giồng Ông Tố v v.. Đó là những vồng đất cao, có lẽ mấy ngàn năm về trước nó là một dẫy núi. Về sau đất bồi lên mãi nên bây giờ nó chỉ còn cao hơn vùng chung quanh một ít. Đất ở đó không phải đất phù sa, nó là đất cát pha sỏi.

    Ông bà Hai Sáng thường xuống mua riềng về để xài, rồi còn bán cho người Tàu Chợ Lớn xuất đi mọi nơi, kể cả ngoại quốc. Người Tàu là chúa dìm giá, khi thấy mầm non nhú ra, họ chê riềng phơi chưa khô. Mà ở miền Nam mưa hoài, chỉ cần trúng ít nước mưa là củ riềng mọc mầm ngay.

    Ông Hai nghĩ ra được một cách, mà trước nay không ai ngờ: ông đem luộc sơ lên rồi mới phơi, như thế dù có đem ngâm nước, bố nó cũng không mọc nổi mầm. Mà vì mới luộc sơ sơ nên vị thuốc ở trong củ không thay đổi gì mấy.

    Một lần hai ông bà đưa riềng lên Chợ Lớn bán, ông về trước nhưng bà phải ở lại vì phải chờ chuyến tàu từ Hồng Kông qua mới có một vị thuốc quan trọng. Bà chủ tiệm lại là một ngưòi Việt, nên bà Hai trọ ở đó luôn. Bà chủ hỏi:

    - Ở dưới đó không có riềng già hay sao?
    - Trời ơi, nó mọc thâm căn cú đế từ hồi nào ở trong rừng mà sao chị nói hổng già.
    - Nếu già sao không có trái?
    - Tui không có theo người ta vô rừng nên không chắc, nhưng tui nghĩ rằng nó có trái.
    - Nếu có trái thì chị đi mua làm chi?
    - Tui mua hồi nào ở đâu?
    - Chớ chị đang đợi thứ gì đó?
    - Hồng Khấu.
    - Thì Hồng Khấu chính là trái riềng.

    Rồi bà Hai lúc đó mới nghĩ ra nên vỗ đùi kêu lên:
    - Trời ơi, tui đâu có biết Hồng Khấu là trái riềng, nếu vậy để chuyến này tui về dưới đó mà có, thì tui khỏi thất công lên đây mua.
    - Nếu đúng vậy thì chị phải chở lên đây bán cho tui, chớ trái đó nhập cảng mắc quá trời. Nếu có nhiều, tui còn xuất cảng ngược qua Hồng Kông và Singapore nữa chớ dỡn chơi sao? Nè nếu ông trời mà thương, thì tui với chị phen này khá lên cấp kỳ.

    Từ đó, bà Hai cứ đều đều đi mua thứ trái riềng mà người ta vất đi đó, với giá rẻ rề, chở lên Sài Gòn bán, rồi mua vàng lá hiệu ba trái núi đem về chôn dấu ở dưới đống xác miá.

    Nghe chuyện, tôi hỏi thằng cháu rể:

    - Bây giờ còn chôn đó không mậy?
    Nó đáp:
    - Đào lên để đóng vàng đi vượt biên hết rồi chú!

    Tân Nguyễn
    Last edited by Phòng Trực; 01-28-2013, 09:44 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X