Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cháo vịt miền Tây mùa con nước

Collapse
X

Cháo vịt miền Tây mùa con nước

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cháo vịt miền Tây mùa con nước

    Cháo vịt miền Tây mùa con nước
    Anh Phương

    Đến miền Tây vào mùa con nước, chuyện trò rôm rả với người dân địa phương và thưởng thức cháo vịt sóng sánh, béo ngậy là một trải nghiệm thú vị dành cho lữ khách.

    Với người miền Tây Nam Bộ, vào mùa nước tháng 9 âm lịch, những cánh đồng chỗ nào cũng trắng xóa. Mùa nước về cũng là lúc nơi đây bước vào vụ thu hoạch lúa, nguồn thức ăn dồi dào, hàng trăm đàn vịt tràn xuống ruộng. Những con vịt xiêm béo tròn, kêu quang quác cả một vùng rộng lớn.

    Người dân sau vụ lúa cũng rảnh rang và thường đãi nhau những món ngon từ vịt. Cứ chiều chiều, sau khi vịt về chuồng, họ bắt lại và làm món nướng, luộc, nấu chao... Nhưng dễ làm và dễ ăn hơn cả là món cháo vịt, lai rai làm mồi nhậu ấm bụng mỗi buổi tối.

    Vịt được chọn là những con nhỏ, khoảng hơn một kg vừa chắc thịt lại thơm ngon. Để khử bớt mùi hôi, vịt sau khi làm sạch lông sẽ dùng gừng hoặc rượu trắng sát nhẹ.


    Vịt được chặt thành miếng, rắc thêm chút hành phi thơm vàng óng, chấm với nước mắm tỏi là món ăn dân dã ở miền Tây Nam Bộ. Ảnh: giamua

    Thịt vịt được cho vào nồi nước luộc cùng chút gừng, muối, và hành củ đã được nướng chín và đập dập. Khi nước sôi phải giảm nhỏ lửa và hớt hết bọt để nước luộc vịt được trong.

    Muốn cháo vịt ngon phải chọn loại gạo thơm, thêm một nắm gạo nếp cho dẻo, vo sạch rồi cho vào chảo rang lên đến khi ngả sang màu vàng nhạt. Khi luộc vịt chín vớt ra cho gạo vào nồi đun trên bếp để hạt gạo nở bung, tỏa ra mùi thơm nức.

    Thịt vịt luộc được chặt ra thành từng miếng nhỏ, chấm với nước mắm pha chua ngọt, cùng tỏi, ớt giã nhuyễn, thêm vài sợi gừng thái nhỏ, gia giảm cho vừa miệng.

    Cháo nóng được rắc thêm hành lá, tía tô hay rau mùi thái nhỏ, thêm chút tiêu xay cho dậy vị, ăn kèm với thịt vịt luộc chấm mắm tỏi. Bạn sẽ cảm nhận những miếng thịt ngọt, béo mà không ngấy, lẫn trong bát cháo sóng sánh.

    Anh Phương

  • #2
    Cháo tống nổi danh ở vùng đất Mũi
    Anh Phương

    Vị ngọt của cá lóc vừa tới chín, vị đậm đà của nước mắm ngon, hương thơm của gạo lẫn trong vị đắng của rau khiến món cháo tống trở thành đặc sản hấp dẫn du khách khi đến Cà Mau.

    Ghé thăm vùng đất tận cùng của Tổ quốc, nhiều du khách tìm ăn món cháo tống không chỉ bởi cái tên nghe lạ tai mà còn vì là đặc sản nổi tiếng.

    Đây là món ăn mang đậm chất vùng miền được chế biến từ gạo, cá lóc và rau đắng đất - thứ gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn của người dân Nam Bộ như lẩu cá, lẩu mắm.

    Khi ăn cháo rau đắng sẽ thấy vị đắng ở đầu lưỡi, nhưng khi nuốt qua cổ họng, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt đọng lại. Thường vào mùa khô, rau đắng mới sẵn có và được coi là tinh hoa của đất, mọc lên từ những gốc rạ, thân mảnh mai, màu trắng muốt có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt.


    Cháo tống miền Tây với vị ngọt tới chín của cá, vị đắng của rau hòa quyện, tạo nên món ăn hấp dẫn, quyến luyến thực khách. Ảnh: dacsanthonque

    Cá lóc ở miền Tây ngon nổi tiếng, thịt cá thơm ngon và béo ngậy. Những con cá đánh bắt được làm sạch, lọc hết thịt, còn lại đầu xương và lòng cho vào nồi luộc chín lấy nước dùng để nấu cháo cho đến khi gạo sóng sánh nhựa.

    Thịt cá lóc được thái mỏng tang, thêm chút gia vị, hạt tiêu, bột ngọt, ớt tươi, nước mắm ngon. Khi ăn, người chế biến mới cho rau đắng lót dưới đáy bát, trên bày thịt cá rồi múc cháo đang sôi lục bục trên bếp đổ vào, thêm chút hạt tiêu, nước mắm, ớt tươi, vậy là có một bát cháo tống ngon đậm đà.

    Lớp cá ở dưới với nhiệt độ nóng của cháo mà tới chín, không bị bở, nát và vẫn giữ được độ ngọt. Lấy đũa lật miếng cá ở phía dưới, ăn cùng với cọng rau đắng, chút rau thơm, cảm giác vị ngọt, đắng hòa quyện cứ tan ở đầu lưỡi, khiến du khách muốn ăn mãi không thôi.

    Về miền Tây, món cháo tống rất thích hợp ăn khuya, bạn có thể dễ dàng tìm trong các quán nhậu. Những người đàn ông miệt sông nước sau một ngày lao động cực nhọc, ngồi lai rai cùng nhau thường ăn một bát cháo, giá khoảng 30.000 đồng, vừa ấm bụng, vừa giải rượu rất tốt.

    Anh Phương

    Comment


    • #3
      Món bánh đập hến xào lạ miệng ở Hội An
      Tường Ý

      Sự kết hợp giữa chút mềm của bánh ướt, giòn của bánh tráng nướng và mùi thơm hấp dẫn của hến xào... tạo nên món ăn địa phương làm thực khách mê mẩn.

      Nhắc đến món bánh đập (gồm bánh ướt và bánh tráng nướng) ở Hội An, Đà Nẵng, chắc hẳn nhiều người đều biết đến. Thậm chí một số du khách từng ghé đến đây lúc chập choạng tối còn có thể kể chính xác hương vị món này khi ngồi ăn ở gánh hàng rong dưới chân cầu. Bánh đập Hội An là món khá phổ biến, nhưng kết hợp cùng với hến xào thì vẫn còn mới mẻ đối với nhiều thực khách.

      Khi đặt chân đến Hội An và trò chuyện với dân địa phương để khám phá ẩm thực, bạn sẽ nghe nhắc đến Cồn Hến nổi tiếng ở khu vực Cẩm Nam thuộc phố cổ. Hến ở đây rất ngon, chắc thịt dù kích thước nhỏ xíu. Mỗi lần bắt được hến là nhiều người nghĩ đến việc chế biến xào sơ để ăn cùng bánh đập. Cứ như vậy rồi món này trở nên quen thuộc và là đặc sản khó lòng bỏ qua của bất kỳ ai đặt chân đến.

      Bánh đập hến xào có cách chế biến đơn giản, không cầu kỳ nhưng lại tạo nên nét đặc sắc ẩm thực ở Hội An. Thông thường, khi ăn xong món này, người dân còn kết hợp với món chè bắp sau cùng. Ảnh: Nguyễn Tú

      Để chế biến món này, hến được xào một cách đơn giản để giữ được độ ngọt. Người đầu bếp sẽ cho chút dầu ăn vào chảo, đổ hến vào đảo qua đảo lại và nêm nếm chút gia vị vừa phải. Tiếp đó, họ sẽ đổ thêm các nguyên liệu như đậu phộng, hành phi, sa tế, thêm chút vừng và rau răm. Cuối cùng đổ ra đĩa nhỏ và dùng cùng với bánh đập.

      Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm được vị thơm ngọt nhè nhẹ của bánh đập, vị mặn của hến xào và gật gù vì độ đơn giản nhưng vẫn ngon miệng của món này.

      Du khách đến Hội An muốn thưởng thức món dân dã này, có thể đi qua cầu Cẩm Nam chừng 100 mét, hỏi người dân về khu bán. Họ sẽ chỉ bạn đến một nơi tập trung trên dưới 10 quán chỉ chuyên bán bánh đập hến xào. Giá một phần ăn từ 15.000 đến 20.000 đồng.

      Tường Ý

      Comment


      • #4
        Cá lóc nướng ống tre, món ngon gợi nỗi nhớ Nha Trang
        Kiều Như

        Đến với làng Phú Vinh, ngoài việc thưởng ngoạn khung cảnh đồng quê thanh bình, bạn còn được ăn thử món cá lóc nướng ống tre nổi tiếng thơm ngon nơi đây.

        Làng Phú Vinh thuộc xã Vĩnh Thạnh, cách trung tâm thành phố Nha Trang chừng 7 km. Dù nằm khá gần biển, người dân nơi đây lại sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và quanh năm gắn bó với ruộng đồng như các vùng đồng bằng khác. Bạn có thể đến đây bằng cả đường bộ hoặc ngồi thuyền ngược dòng sông Cái. Đến thăm làng cổ Phú Vinh, du khách sẽ được thưởng thức món cá lóc nướng ống tre vô cùng đặc sắc cùng người dân địa phương.

        Cá lóc, còn gọi là cá quả, cá chuối là loài cá hiền nhất trong các loài cá đồng, thịt thơm và chắc. Tuy nhiên mình cá trơn nhẫy và nhanh nhẹn rất khó bắt. Ảnh: Nguyễn Nhật Cường
        Cá lóc ngon nhất là vào mùa mưa, cũng là mùa sinh sản nên bụng cá đầy trứng, hoặc khoảng ra giêng là lúc cá trưởng thành, dầy mình, thịt béo. Ngoài nướng, người dân địa phương còn chế biến loại cá này thành nhiều món hấp dẫn như rang muối, chiên bột, kho rim nước dừa...


        Nếu như người miền Tây có món cá lóc nướng trui nổi danh khắp nơi thì người Nha Trang lại có cách chế biến món cá nướng tài tình của riêng mình. Ảnh: Cỏ May
        Trước hết phải chọn những con cá lóc mập ú rồi đánh vảy, rửa sạch, để ráo. Ướp cá với hành khô, tỏi, đường, tiêu, mắm, để ngấm khoảng 30 phút. Sau đó chọn ống tre vừa vặn cho cá vào, dùng giấy bạc hoặc lá mía bịt hai đầu, nướng trên bếp than hoa, càng nhỏ lửa, cá càng chín kỹ và thơm dậy mùi của tre tươi. Đến khi ống tre chuyển màu xám, mùi cá nướng thơm ngây ngất tỏa ra, xăm đũa vào thấy cá mềm là có thể dùng được.

        Sau khi tách đôi ống tre, cá lấy ra bày ra mâm sẽ được cuốn cùng các loại như khế chua, dứa, chuối xanh, rau sống, bún… tất cả cuộn trong miếng bánh tráng để thưởng thức. Ảnh: Du lịch làng Tre
        Sức hấp dẫn và độ ngon của món ăn được đánh giá nhiều ở phần nước chấm. Tùy sở thích từng người có thể chấm mắm nêm hoặc nước mắm me. Nếu là bát mắm me, người ta chọn những trái me non đem nướng chín, bóc vỏ bỏ hột, xong hòa chung vào bát nước mắm, thêm tỏi, ớt, đường sao cho sền sệt vừa ăn, tạo nên một hương vị nồng đậm nhưng không quá mặn.

        Cá lóc nướng ống tre vừa dân dã, vừa bổ dưỡng, rất thích hợp trong bữa cơm hằng ngày và những dịp đãi khách quý đến chơi nhà. Món ăn cũng là niềm tự hào trong ẩm thực của người dân miền biển Nha Trang giới thiệu đến du khách thập phương.

        Kiều Như

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X