Thông báo

Collapse
No announcement yet.

đi tát đìa

Collapse
X

đi tát đìa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • đi tát đìa

    ĐI TÁT ĐÌA

    Cứ mỗi năm đến gần Tết là chúng tôi sửa soạn đi tát đìa bắt cá, vì ngoài vụ "đánh đụng" một con heo với chòm xóm, nhà nào cũng cần có một ít cá để làm món khác: như cá lóc hấp cuốn bánh tráng, cá trê chiên, nấu canh chua v v... cho đỡ ngán thịt trong ba ngày tết.
    Nhà tôi cũng có một cái đìa dài gần 100m chung với hai nhà hàng xóm, đìa này rất nhiều cá, tát cũng lâu mà không tiện bằng cách bán luôn cho người ta tát, rồi chia tiền cho ba nhà.
    Chúng tôi thường vô nhà ông anh rể tát cái đìa nhỏ hơn ở giữa cánh đồng và nằm giữa cái lung rau đắng xanh mát mọc dầy cả gang tay, nằm lên rất mát, rất đã.
    Cái đìa nhà tôi sâu lắm, trên bờ đìa trồng hai cây mít, mấy bụi tre mỡ, còn một bờ bên kia thì chỉ trồng ổi và mía. Nó cũng cách xa nhà đến năm bảy chục thước nên ít khi được chăm sóc, cỏ hoang cỏ ống đế sậy chen nhau dày bịt. Ngoài ra còn bèo lục bình, rau muống, bông súng mọc đầy nên coi càng hườm hờ, hoang vu, nhất là lâu lâu lại thấy một con rắn cỡ cườm tay trườn từ bờ này qua bờ kia đuổi nhái.
    Mỗi năm có nhiều người vô dạm hỏi mua đìa, họ nằm dài theo bờ lấy tay rờ phía dưới mép nước coi bờ có thiệt láng thì mới nhiều cá, chớ nhiều khi cá ăn móng đầy mặt nước như thế mà lại bị thất. Có người còn ngủ đêm tại bờ đìa để canh coi cá lóc táp mồi nhiều không, mà con cá lớn táp mồi nghe nhẹ lắm, "cụp" một cái thôi chứ nhiều anh lóc chỉ lớn bằng cổ tay mà táp nghe oàm oạp thấy ghê.
    Ngày tôi còn nhỏ thì đìa này tát ba sòng gầu dai, mà mỗi sòng hai gầu bốn người tát. Coi họ giựt gầu nhịp nhàng thật tài tình, vì nếu không thì gầu sẽ đụng nhau ngay. Sau này có máy đuôi tôm thì họ chế ra máy bơm, quay ngược chưn vịt lại mà bơm trong ống bọng, khi nước tát gần cạn mới chuyển qua xài tu-huýt.
    Nhà anh rể tôi ở bên trong sông Đòn Giông, ảnh có một cái đìa lớn nằm ở giữa lung, mà cái lung này chạy dài cả mấy cây số nên tới mùa nước rút, bao nhiêu cá dồn hết xuống đìa. Đến hồi tháng ba tháng tư ruộng đồng khô khốc, nước trong đìa cạn khô ảnh thường dùng leng tròn mà nạo vét cho đìa thêm sâu, cắm chà rồi thả rau muống đồng hay lục bình, nên năm nào cũng nhiều cá, nhứt là cá lóc và sặt rằn.
    Chúng tôi sửa soạn đồ lề máy bơm từ sớm mà cũng phải hơn 10g sáng mới khiêng hết ra đến đìa.
    Tuy mùa Xuân có sương mù và mát mẻ, nhưng khi dùng phảng chặt cho từng mảng cỏ đứt rời để lôi lên khỏi bờ đìa rất mệt, nên ai cũng đổ mồ hôi hột. Cá rô, cá sặt chui vào rễ cỏ, rễ lục bình bị lôi theo nên rớt ra nhảy lạch bạch trên mặt đất.
    Chừng 4g chiều thì đìa đã dọn sạch cỏ và máy bơm đã đặt xong xuôi, nhưng chúng tôi không tát ngay được, vì nếu làm như thế thì đìa sẽ cạn lúc nửa đêm làm sao bắt cá.
    Chị tôi mang cơm chiều ra và còn thêm một thúng đồ đặc biệt gồm rượu đế; nước mắm tỏi ớt, cải bẹ xanh, xà lách, dưa leo, rau thơm hái trong vườn, có khi là đọt xoài non, lá điều, cây cù nèo v v.. để nhậu với cá trong đêm...
    Chúng tôi đã mang ra mấy gốc tre già để làm củi, bẻ thêm cây điên điển quanh đó và rơm rạ sẵn sàng để đốt một đống lửa đêm cho ấm và để nướng cá.
    Màn đêm vừa buông xuống là hơi sương đã bốc lên mờ mờ trên cánh đồng, chúng tôi đốt lửa trại gần chỗ đặt máy ở một đầu đìa, đầu đìa kia có giăng một cái vó lớn trên bờ.
    Khi máy bơm bắt đầu nổ thì phía đầu đìa đằng kia, bắt đầu nghe đùi đụi, đó là mấy con cá lóc tìm đường thoát đi, tính dựa theo đêm tối mà trốn, ai dè rớt hết vô cái vó đã giăng sẵn chờ đón. Nó cứ nhảy chừng hai con một lần, nhưng mình không nên xách đèn tới soi, hay chạy tới chạy lui làm ồn ào, chúng sẽ sợ mà không nhảy nữa.
    Những con cá nhảy lúc này còn khoẻ mạnh nên sẽ sống dai hơn loại cá bắt khi đã tát cạn vùi trong bùn.
    Đợi chúng ngưng nhảy chúng tôi mới đem đèn lại bắt bỏ vô giỏ mà rộng trong nước. Loại này chỉ lớn cỡ cổ chân mà thôi, còn mấy con lóc cối rất lì lợm thường vùi thật sâu dưới bùn làm cho chủ đìa đôi khi không bắt được, mà lại lọt vô tay thằng nhỏ đi hôi tuốt phía đằng sau, vì lúc đó nó ngộp thở quá phải trồi đầu lên.
    Chúng tôi lựa mấy con cá lóc mập mạp đập đầu, lấy cây trúc cắm vô họng nó rồi vùi trong tro than, chớ nếu nướng trên lửa sẽ không ngon vì tuy cháy đen phía ngoài mà bên trong có khi chưa chín.
    Một lát sau, cá được bày ra trên mấy tấm lá chuối, dùng đũa vẽ thịt ra, cuốn với sau sống mà chấm với nước mắm chanh tỏi ớt. Từng ly rượu đế được rót ra làm cho đêm trường trở nên ấm áp.
    Chừng chín mười giờ tối là ai cũng no say, chị tôi còn tiếp tế cà phê, nước trà, thuốc lá thuốc lào để người nào còn thức canh máy đỡ buồn ngủ.
    Thực ra máy chạy đều đều, nếu nó có trục trặc gì mà tắt thì cũng biết ngay thôi, cần gì phải canh máy, nhưng chúng tôi tát đìa vì muốn thưởng thức cái cảnh như hồi nhỏ đi cắm trại, nên ngồi quanh đống lửa hát hò, nói chuyện râm ran phải quá 12g đêm mới chui vô đệm.
    Những ngôi sao nhấp nháy mờ mờ trong màn sương đưa chúng tôi vào giấc ngủ.
    Trời chưa sáng mà máy đã tự động tắt vì đìa không còn nước, từng chú cá rô chạy rẹt rẹt trên bùn non. Ngay chỗ sòng thì cá thác lác, cá sặt, cá chốt quến lại trước cái rổ xảo. Nếu không có cái rổ này chặn lại thì mấy loại cá trắng sẽ bị chưn vịt xoáy chết và thổi lên theo giòng nước mất rồi.
    Cá trê ngơ chùm râu lên mà thở. Riêng cá lóc thì bây giờ đã vùi rất sâu trong bùn. Có năm trong một lần tát đìa cũng có mấy con tôm càng đi lạc từ sông vào trú ngụ ở đây, chúng giơ râu càng lên bơi lội giữa đám cua ốc tép đang xao xác giữa lòng đìa.
    Chủ đìa chưa bắt cá mà con nít đi hôi ngồi dọc bờ đìa đã có đứa thò chân xuống chọt chẹt con cá núp dưới bùn, nhô cái mũi lên mà thở, chủ nhà vội la: "Ê ! Ê, chưa có được xuống nghe chưa! Đứa nào thò cẳng xuống tao bẻ lọi giò"
    Chúng tôi dàn hàng ngang , ngồi hẳn xuống bùn mà bắt cá, giỏ đẩy ra phía trước. Dù bắt kỹ thế nào cá cũng còn sót tuốt dưới mấy lốt chân, hay chuồi trong bùn mà lọt ra phía sau, nên tụi nhỏ đi hôi đứa nào cũng được lưng giỏ.
    Sau khi bắt cá rồi lại đi xâm lươn ở bên bờ. Cái xâm có hai chĩa nên khi dính con lươn hay rắn thì nó khựng lại và xoắn cái xâm rất mạnh nên mình mới biết. Lươn với rắn xâm được thường để nấu cháo ăn ngay bữa trưa đó.
    Chúng tôi rửa cá cho sạch bùn, rồi chia cá đem về nhốt trong lu khạp, hoặc rộng trong giỏ ngâm nơi cầu ao để ăn dần cho tới qua Tết.

    Hơn 20 năm qua rồi, mỗi năm Tết đến ở đây buồn quá, muốn đi tát đìa mà quê nhà xa vời vợi, biết làm sao được chỉ viết ít giòng mà nhớ đến những mùa Tết xa xưa.



    Tân Nguyễn
    Last edited by chieutim; 01-27-2013, 10:36 PM.

  • #2
    Tát Đìa

    Thiệt 100 câu nói không bằng nhìn một tấm hình .
    Cám ơn Chopper 1 nhiều nhiều .

    Comment


    • #3
      Thiệt tình mà nói chỉ nhìn , chỉ hồi tưởng lại sao mà nó đã thấu trời !! Cho SR trở lại cái thời quê hương nơi nào có nước thì có cá , tôi sẽ bỏ tất cả ...kể cả vợ con , để được đi câu mùa nước nổi , tát đìa mùa nước khô .

      Comment


      • #4
        Cảm nhận " Đi Tác Đìa"

        .....Rât cảm động khi đọc qua những bài viêt của anh DiemTan. Xem qua bài trên đây lòng minh thật tê tái, những hình ảnh thân yêu mây chục năm hiện về trong trí tưởng, qua sự "gãi vào đúng vào chổ ngứa" của bạn hiền Chopper 1, (chơi vào mấy tấm hình đang tác đìa nửa ....) Ôi! món ăn tinh thân rất bổ ích cho chúng ta, những anh em từng sống với cảnh quê hương đồng nội, vì hoàn cảnh mà phải xa lìa quê hương Việt Nam yêu dấu, rât đổi thắm thiết thay.
        ..... Hồi còn thiếu niên, thuở học trò lúc phải xa quê ở trọ nơi thành phố, môi khi đọc đoạn văn sau đây, lòng mình buồn vì nổi nhớ quê muốn chêt đi được: " Hôm nay trời trong và mát, tôi chợt nhớ đến đồng quê mà đã từ lâu tôi chưa về thăm.... " Tác giả Lê văn Trương

        ....... Màn đêm vừa buông xuống là hơi sương đã bốc lên mờ mờ trên cánh đồng, chúng tôi đốt lửa trại gần chỗ đặt máy ở một đầu đìa, đầu đìa kia có giăng một cái vó lớn trên bờ.
        Khi máy bơm bắt đầu nổ thì phía đầu đìa đằng kia, bắt đầu nghe đùi đụi, đó là mấy con cá lóc tìm đường thoát đi, tính dựa theo đêm tối mà trốn, ai dè rớt hết vô cái vó đã giăng sẵn chờ đón. Nó cứ nhảy chừng hai con một lần, nhưng mình không nên xách đèn tới soi, hay chạy tới chạy lui làm ồn ào, chúng sẽ sợ mà không nhảy nữa.

        ...Ôi thôi, lúc này binh tôm tướng cá xao xác. Những con cá lóc, cá bông lớn chừng nửa ký trở lên, những con cá mè vinh lớn bằng bàn tay phóng vọt lên trời như pháo thăng thiên ...để đụng vào lưới mà rớt xuống. Con nào phóng vượt qua được thì cũng rớt ngay vào lòng thuyền, xuồng ba lá đang vây chung quanh phía ngoài lưới.

        .....Ngâm nước cả buổi, ngón tay móp hết, người lạnh run, các tay phụ giúp bắt cá, ngoại trừ tiền công, còn được chủ nhân đãi nhậu rượu đế với bún tôm càng, cá lóc nướng cuốn bánh tráng, hoặc cháo cá cho ấm lòng.
        Lúc về, say rượu, chân nam đá chân xiêu, vừa hát vừa xách toòng teng một xâu cá thác lác đem về cho Wợ.

        .... Khói hương nghi ngút, ông nhạc tôi ngồi trong hình mặc áo dài khăn đống coi trịnh trọng lắm, ông nhìn con tôm, nhìn ly rượu Remy mà tôi mới rót ra, ánh mắt long lanh như muốn noi....
        .

        Cám ơn Các anh và Bạn hiền, đã cho PS dip may sống lại vơi con người miên tây nam bộ thật sự chất phác đơn sơ của minh.
        Sự trù phú thiên nhiên hậu đải, thêm cây nhà lá vườn cũa dư ăn, lòng dạ con người rât đổi hiêu khách, không hề tinh toán lôi thôi:
        " Tư ơi..... Mây làm ơn sang nhà phụ tao khiêng dùm bộ ngựa"
        Đa tạ ... PS.

        Comment


        • #5
          Cám ơn anh Diemtan đã mô tả một cảnh tát đìa hết sức chi tiết cùng với sự minh họa của anh Chopper1 đã đưa người đọc trở về những ngày xưa của vùng quê miền Nam trù phú.
          Nhà tôi nghèo không có đìa để tát nên phải đi "bắt hôi" tức là chờ cho anh Diemtan cùng chủ đìa lướt qua xong rồi hô "thả hôi" là tui nhào xuống kiếm chút cá sót lại. Coi vậy chứ mấy anh đừng thấy cảnh trong hình "của ngàn vàng đem ngâm dưới nước" mà tưởng ở đâu tát dìa cũng thơ mộng và vui như vậy nha. Sáng sớm sau khi nước đìa đã cạn, gia đình chủ đìa bắt đầu xuống bắt cá, quần một hồi thì đìa lên bùn tới đầu gối, ai nấy mình mẩy từ trên đầu trở xuống đều toàn là bùn, không biết đám bồ mắt (nhỏ bằng đầu tăm xỉa răng nhưng chích vào người thì ngứa động trời, mấy con muổi chả thấm vào đâu cả) từ đâu tới cứ đè từ cần cổ trở lên mà chít, ngứa thấu trời xanh, không gãi không được, mà càng gãi thì càng ngứa. Mấy bà chị đứng chung quanh đìa cầm mấy cái "ông cuối" (cây đuốc quấn bằng rơm) quơ tới quơ lui khói mịt trời nhưng cũng không giả tán được đám bồ mắt. Sau khi thu dọn xong thì tới màn tát bùn để vét đìa cho sâu thêm vì qua một năm dài bị đất xung quanh chùi xuống làm đáy đìa cạn đi. Đây là công việc nặng nhất trong toàn cảnh, từ đuôi đìa người ta dùng cái trang (một dụng cụ cào lúa phơi nhưng cũng có thể dùng để cào đẩy bùn) bắt đầu cào và đẩy lớp bùn dưới đáy đìa về phía sòng đìa để mấy người đứng trên dùng gào sòng tát bùn lên (máy đuôi tôm không còn dùng được vì bùn nặng kéo lên không nổi. Đẩy bùn một hồi thì ai nấy lè lưỡi, mệt ứ hơi, cộng thêm hồi hôm thức khuya canh đìa nhâm nhi hết mấy chai rượu nếp Cái Bè, sáng thức dậy còn hơi "oải", mấy ông lê lết dưới ao càm dài ra hết, lại bị đám bù mắt xẻ thịt, ôi thôi, chỉ mong sao có thêm người vô phụ. Đến lúc nầy thì tui phóng xuống tiếp sức, mấy ổng thương hết sức nên sau khi xong việc thì cầm chắc vài ký cá rồi hihi. Còn thêm cảnh hậu tát đì nửa, chà, cái nầy mới ngặt à nghen. Thường đìa nằm cheo leo ngoài ruộng, tát xong thì nước chảy lên ruộng hết, đến chừng xong việc thì tìm một chỗ tắm rửa , kỳ cọ và rửa dụng cụ cũng mệt ứ hơi. Còn chút tàn hơi chỉ mong sao cho về đến nhà để nhâm nhi mớ tôm hùm kho và nồi canh chua cá lóc...
          Nói chung đó là một sự kiện khá lớn của một gia đình miền Nam, gắn liền với nhiều hoạt cảnh gia đình, hàng xóm mà trải qua một lần thì nhớ mãi dù cho lưu lạc góc bể chân trời.

          Comment



          Hội Quán Phi Dũng ©
          Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




          website hit counter

          Working...
          X