Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ông già nhạc sĩ 'nghiện yêu ': Phạm duy

Collapse
X

Ông già nhạc sĩ 'nghiện yêu ': Phạm duy

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ông già nhạc sĩ 'nghiện yêu ': Phạm duy

    "Mối tình thơ nhạc” kéo dài 10 năm của nhạc sĩ Phạm Duy
    lequangchac


    Mối tình của nhạc sỹ Phạm Duy và người phụ nữ tên là Lệ Lan khởi đầu khá trớ trêu. Lệ Lan chính là con gái của người phụ nữ mà khi còn trai trẻ, nhạc sỹ Phạm Duy đã thầm thương trộm nhớ.

    Những nghệ sỹ tài danh thường có chuyện tình rất lãng mạn. Những câu chuyện tình ấy, dù có kết thúc như thế nào thì cũng trở thành nguồn cảm hứng để họ thăng hoa hơn trong nghệ thuật. Chuỗi bài Chuyện tình đẹp của 4 cây đại thụ trong nền nhạc Việt sẽ hé mở những câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn của những nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam.

    Những cuộc tình chớp nhoáng

    Khi còn sống, nhạc sỹ Phạm Duy từng thừa nhận ông là người “nghiện yêu” và “mỗi bài hát là một cuộc tình”. Ông nói rằng, trên đời này, “chưa ai sướng bằng tôi. Sướng ở cái nghĩa người ta lao tới và không bao giờ quên được nhau. Đôi mắt bao giờ cũng còn đuôi, không bao giờ hận tình”. Với Phạm Duy “tình yêu đẹp lắm. Người nam và người nữ yêu nhau mới có cuộc đời, còn nếu không yêu, tuyệt giống từ lâu rồi”.

    Cùng nổi tiếng là đa tình nhưng nếu như tình yêu trong cuộc sống của Trịnh Công Sơn giống như ảo ảnh, mơ mộng, thì tình yêu của Phạm Duy lại rất thật. Ông đã từng so sánh: “Giữa lúc khó khăn, Trịnh tìm tình ru đời vào cõi mộng mị, tôi vẫn phá ra vách tường sương mù để tìm về thực tại”


    Cố nhạc sĩ Phạm Duy

    Phạm Duy thường có những cuộc tình chớp nhoáng, đầy nhục dục và nồng cháy. Trong cuốn hồi ký của mình, ông cũng không ngại nhắc lại những cuộc tình đó.

    Theo như Phạm Duy chia sẻ, trong thời gian còn đi hát tại Hà Nội, ông cùng lúc có quan hệ với 2 người phụ nữ. Người thứ nhất là ca sỹ phòng trà Thương Huyền – người “có nụ cười và hàm răng như hoa nở. Tính tình thuộc loại bạt mạng, bất cần đời. Trong buổi họp mặt các văn nghệ sĩ tại nhà của họa sĩ Phạm Văn Đôn trên đường Halais, ở dưới nhà, người ta ngâm thơ và ca hát, ở trên lầu, bất cần mọi người, tôi và Thương Huyền yêu nhau thắm thiết”

    Người thứ 2 là vũ nữ Định. Theo Phạm Duy người này là một trong 2 vũ nữ nổi tiếng nhất Hà Nội lúc bấy giờ: “Vũ nữ Định đẹp một cách lộng lẫy, trông như con gái nhà lành. Hơn thế nữa, trông như con nhà quyền quý. Cô vũ nữ có đôi bàn tay rất mọng này lại là con người có tính đồng bóng. Vừa mới ngủ với người tình trong đêm, sáng ra lại trợn mắt hỏi: “Anh là ai?” Tôi soạn cho cô vũ nữ tàng tàng này một bài hát lấy tên là Tình kỹ nữ: “Đêm nay đôi người khách giang hồ. Gặp nhau tình trăng nước…”.

    Cũng theo hồi ký của Phạm Duy, khi lên Yên Thế làm nghề trông coi đồn điền, ông cùng lúc có cuộc tình với 2 nàng thôn nữ, một trong số đó đã khiến ông có ý định lấy làm vợ. Tuy nhiên, có lẽ số kiếp không cho ông được hưởng cuộc sống an phận của một người nông dân nên cuộc tình đó cũng nhanh chóng tan vỡ. Sau này, có lần tác giả của Tình ca có quay trở lại tìm người con gái ông muốn lấy làm vợ: “Gặp lại cô gái quê, thấy nàng vẫn chưa lấy chồng, vẫn còn đẹp, vẫn quần quật lao động… Trong mấy ngày ở lại đây, tôi được hưởng những đêm ân ái nồng cháy trên ổ rơm thơm phưng phức bên người đẹp nhà nông có thân hình cứng như… gỗ lim này.

    Mối tình thơ nhạc kéo dài 10 năm

    Nổi tiếng với hàng loạt mối tình thoáng qua và đầy sự đam mê xác thịt nhưng Phạm Duy cũng có một mối tình rất trong sáng với người con gái tên là Lệ Lan. Ông gọi đó là “mối tình thơ nhạc”. Mối tình này dù kéo dài suốt 10 năm. Vợ ông – ca sỹ Thái Hằng – cũng biết tới nhưng có lẽ vì sự trong sáng của mối tình ấy nên bà cũng không ghen.

    Mối tình của Phạm Duy với Lệ Lan được mở đầu một cách khá trớ trêu. Khi còn ở độ tuổi 20, chàng thanh niên Phạm Duy đã đem lòng yêu một người con gái Hà Thành. Tuy nhiên, tình cảm của ông không được đáp lại. Người con gái này đã lấy chồng và sau năm 1954 thì vào Nam sinh sống.

    Sau này, Phạm Duy có tìm đến thăm. Người phụ nữ này dù rất trân trọng tình cảm của ông nhưng vẫn giữ khoảng cách nhất định. Điều không ai ngờ đã xảy ra khi con gái của người phụ nữ này lại rung động với nhạc sỹ Phạm Duy. Vì sự chênh lệch tuổi tác và hoàn cảnh trớ trêu, tác giả của Kiếp nào có yêu nhau ban đầu cũng có ý định lẩn tránh cô gái trẻ. Tuy nhiên, về sau ông đã xiêu lòng. Mối tình giữa Phạm Duy và Lệ Lan đã kéo dài trong suốt 10 năm. Trong suốt khoảng thời gian đó, bà đã sáng tác 300 bài thơ tình gửi Phạm Duy, một số bài trong đó đã được ông phổ nhạc.


    Tấm ảnh hiếm hoi của Phạm Duy và Lệ Lan (Thời kỳ đang mơ giấc mộng dài)

    Mặc dù yêu nhau tha thiết nhưng mối tình giữa Phạm Duy và Lệ Lan đã không thành. Trước khi đi lấy chồng, Lệ Lan đã gửi cho nhạc sỹ Phạm Duy một bức thư. Trong đó bà viết: “Mười năm, quá đủ cho một mối tình đẹp và một đời người ngắn ngủi…(…)…Từ đây đến ngày cưới có thể L. sẽ xin gặp chú một, hai lần nữa. Chẳng để làm gì cả. L. chắc chú cũng nghĩ như L. Chẳng có gì bi thảm. Chẳng có gì tiếc hận. Một mối tình đẹp kết thúc một cách êm ái. L. chỉ xin giữ lại một chút dư hương để truyền lại cho các con của L. sau này cho chúng nó cũng có một tâm hồn biết yêu thương đằm thắm”.

    Sau nay, khi đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhớ lại một thời đã qua, nhạc sỹ Phạm Duy vẫn dành những lời lẽ rất yêu thương cho “mối tình thơ nhạc”: “Tôi yêu người phụ nữ ấy lắm. Trong gia tài các nhạc phẩm của tôi, tôi dành tặng bà ấy 40 bài hát là Phạm Duy lúc còn trẻ. Với tôi, có 3 bài hát đánh đấu thời điểm tôi yêu, tôi xa và tôi quên bà ấy như Ngày ấy chúng mình, Ngàn trùng xa cách Chỉ từng đấy thôi”.

    Chỉ từng đấy thôi




    “Mối tình thơ nhạc 10 năm” của Phạm Duy – Lệ Lan
    Nguyễn Đắc Xuân




    Chuyện này đã đến với tôi rất sớm và từ nhiều mối. Có thể từ những năm cuối của thập niên 50 của thế kỷ trước. Thông tin về chuyện tình này tôi ghi lại từ nhạc sĩ Phạm Duy trong những trường hợp rất tình cờ. Rồi thỉnh thoảng tôi hỏi ông một câu để check lại một sự việc đã đến với tôi từ các nguồn đáng tin cậy khác.
    Tôi biết rõ chuyện tình ấy nên sau khi đọc Hồi ký của ông, từ Pháp (1996), qua điện thoại vệ tinh, tôi hỏi ông: “Chuyện tình thơ nhạc của anh với Lệ Lan sâu đậm và ảnh hưởng đến nhiều nhạc phẩm của anh như thế, đã in ấn, tái bản nhiều lần “nhạc Phạm Duy-thơ Lệ Lan” như thế, sao không thấy anh viết gì trong Hồi ký của anh cả vậy?”. Phạm Duy trả lời: “Bà ấy bây giờ sống rất hạnh phúc với một ông chồng biết thương yêu vợ và mấy đứa con ngoan.Tôi không nhắc lại mối tình thơ nhạc với bà làm gì, sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc của người mình từng yêu mến suốt mười năm”. Tôi hơi bị sốc nên nói ngay: “Một chuyện có ảnh hưởng đến âm nhạc của anh như thế mà anh không viết thì em sẽ viết”. Phạm Duy biết tính tôi “nói là làm” nên bảo tôi: “Em là người cầm bút ở trong nước, tùy em!”.

    Vào khoảng cuối những năm 50 của thế kỷ 20, trên báo Công Dân ở Huế có đăng chuyện một người đi tắm biển Thuận An vô tình nhặt được một tập thơ viết tay, nét chữ con gái mềm mại ký tên Hàn Lệ Lan hay Lâm Lệ Lan gì đó mà tôi không còn nhớ rõ. Bài báo trích đăng mấy bài thơ mới, nói lên một mối tình thơ kín đáo nhưng cũng cháy bỏng. Bài báo làm xôn xao dư luận những người làm thơ ở Huế lúc ấy. Phải chăng vừa xuất hiện thêm một nàng T.T.Kh. nữa? Sau đó một thời gian, tôi mua được mấy nhạc phẩm của Phạm Duy, trong đó có bài ghi: nhạc Phạm Duy – thơ Lệ Lan. Tôi lại nghĩ: Chắc nhạc sĩ Phạm Duy đọc báo thấy thích thơ của Lệ Lan nên phổ nhạc thế thôi. Không ngờ, đây là một “chiêu” để hợp thức hóa chuyện quan hệ tình cảm giữa nhạc sĩ Phạm Duy và nàng thơ bé nhỏ Lệ Lan, mở đầu cho một câu chuyện tình thơ nhạc kéo dài đến 10 năm.

    Tác giả Nguyễn Đắc Xuân (trái) và ông Lê Ngộ Châu.


    Khoảng cuối tháng 7.1965, Phạm Duy định đưa tôi về tại nhà một người yêu của anh ở Lái Thiêu. Tôi hỏi người ấy là ai? Anh đáp: “Lệ Lan”. “Trời ơi, Lệ Lan? Người có thơ nhà ông trên đường Đoàn Thị Điểm. Tôi chưa kịp về Lái Thiêu, bỏ mất một cơ hội nói chuyện thơ nhạc với Lệ Lan. Gần một năm sau, trong một buổi hát Tâm Ca tại một cơ sở Phật giáo, tôi gặp Lệ Lan. Một người con gái trên hai mươi tuổi, không phấn son mà đẹp như một tài tử xi-nê. Cô có đôi mắt thăm thẳm, đôi môi mọng như lúc nào cũng có thể khóc được. Nhưng gặp người đẹp giữa mùa tranh đấu mất còn nên tôi không chuyện trò gì được ngoài mấy câu thăm hỏi.

    Sau đó không lâu, tôi về Huế; Chuyện tình của Phạm Duy và Lệ Lan nhạt dần trong tâm trí tôi. Mãi đến cuối năm 1987, nhân có nhà báo Lê Quý Biên về nước, Phạm Duy viết thư nhờ tôi “lấy dùm anh một bó thư tình và 3 cuốn thơ tình anh gửi nơi anh Lê Ngộ Châu. Về già, ai cũng muốn ngó vào dĩ vãng. Em giúp cho Biên trả lại cho César nhé!” (Thư tay viết ngày 14.12.1987). Nhưng than ôi, tôi vào TP.HCM gặp ông Lê Ngộ Châu tại nhà riêng ở số 160 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) thì được biết hồi cuối những năm 70, có một họa sĩ thế hệ đàn anh của nhạc sĩ Phạm Duy đến thăm và bảo đã được sự đồng ý của Phạm Duy, hãy cho ông ta mượn đọc “bó thư tình và 3 cuốn thơ tình” nặng đến 5 ký của Phạm Duy. Lê Ngộ Châu là một người rất tin người, nhất là các bậc trưởng thượng từ Hà Nội vào. Tưởng thật, ông mở tủ lấy bó kỷ vật của Phạm Duy – Lệ Lan đưa cho người họa sĩ già. Và từ đó không còn biết người đó ở đâu để đòi lại nữa. Khi nhận được tin Phạm Duy xin nhận lại bó ảnh màu-thư-thơ tình, Lê Ngộ Châu ân hận vô cùng. Phạm Duy biết Lê Ngộ Châu đã bị lừa, nên chỉ trách ông nhẹ dạ chứ không giận.

    Nhiều lần ông nhờ tôi ra Hà Nội tìm giúp cho ông. Nhưng tôi cũng bó tay. Từ đó, mỗi lần ghé thăm ông Lê Ngộ Châu, hai chúng tôi lại nói chuyện về mối tình 10 năm của Phạm Duy với Lệ Lan. Lê Ngộ Châu đã đọc hết bó thư và thơ của Phạm Duy và Lệ Lan. Ông kể cho tôi nghe và bảo tôi: “Nếu có dịp, có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết. Người yêu âm nhạc Việt Nam sẽ rất thú vị khi biết được từ những động thái tình cảm nào giữa đôi tình nhân này mà Phạm Duy phổ thơ hay sáng tác nên những bản nhạc tình trong vòng 10 năm (1959-1969) ấy.”

    Rất tiếc, bó thư chưa tìm được và Lê Ngộ Châu cũng đã từ giã cõi trần vào ngày 24.9.2006. Tôi viết bài “Mối tình thơ nhạc…” này một phần để ghi lại chuyện tình hiếm có trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam, một phần để hiểu sâu sắc hơn âm nhạc của Phạm Duy và một phần cũng để chia sẻ bớt nỗi bận tâm vì làm mất kỷ vật của bạn ông chủ báo Bách Khoa Lê Ngộ Châu – người mà thế hệ của tôi ở miền Nam rất quý trọng.

    Tình mẹ từ chối lại rơi vào…
    Sống ở Hà Nội trong độ tuổi đôi mươi, chàng nhạc sĩ “hát rong” Phạm Duy có yêu một người con gái Hà thành. Người đẹp, lại xuất thân trong một gia đình khá giả, nên Phạm Duy chỉ được yêu thôi chứ chẳng được gì. Về sau, người đẹp lập gia đình, có con, hạnh phúc. Đến sau năm 1954, Phạm Duy được biết người đẹp đã di cư vào Sài Gòn; vắng bóng chồng, người đẹp chỉ sống với con. Nhớ người xưa, Phạm Duy tìm đến thăm rồi đàn hát thổ lộ tâm sự về những điều ngày xưa không bày tỏ với nhau được. Người đẹp rất quý trọng người bạn có chút tình cũ, nhưng luôn luôn giữ một khoảng cách. Nhiều lần Phạm Duy muốn lấp cái khoảng cách đó bằng âm nhạc, bằng tâm sự, bằng những lá thư tình, nhưng vô hiệu.

    Không ngờ, tất cả những tình cảm của Phạm Duy dành cho người đẹp đã làm rung động trái tim của cô con gái còn rất nhỏ của nàng. Không ai ngờ tình yêu dành cho mẹ, bị mẹ từ chối lại rơi vào con – cô bé Lan. Lan đang tập tễnh làm thơ, bắt được nguồn cảm hứng yêu người bạn của mẹ, cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Lan thể hiện sự khát khao yêu thương vào thơ và kín đáo gởi đến người bạn của mẹ. Nhận được tình yêu của cô bé – con gái của bạn mình – qua thơ, Phạm Duy vô cùng xúc động và bất ngờ.

    Cho đến năm 1959, đã có hàng chục người đẹp “lao tới” và không bao giờ quên nhau, nhưng chưa từng có người nào trẻ và xuất hiện trong một hoàn cảnh “trớ trêu” đến như thế. Phạm Duy rất đắn đo, nhưng rồi ông bị cô bé “tấn công” bằng thơ liên tục. Dần dần, hình ảnh cô bé – con của người yêu cũ mờ dần và hiện lên trong tâm trí ông hình ảnh tác giả của những bài thơ tình. Yêu Lệ Lan làm cho tâm hồn ông trẻ lại, thăng hoa; ông được sống với một mối tình thơ nhạc vô cùng lý tưởng như ông viết trong Hồi ký tập 3, tr. 247: “… cuối tuần lái xe đi đón người tình rồi chúng tôi ngồi trong xe hơi hay trên một bãi cỏ hoang ở vùng ngoại ô, nói với nhau những chuyện cao xa, thơ mộng”. Ông ghi lại sự trong sáng, hạnh phúc êm đềm đó trong bài Ngày đó chúng mình:

    Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
    Và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối
    Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời
    Và xe tơ kết tóc – giam em vào lòng thôi
    Ngày đôi ta ca vui tiếng hát với đường dài
    Ngâm khẽ tiếng thơ, khơi mạch sầu lơi
    Ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời người
    Ôi những cánh tay đan vòng tình ái
    Ngày đó có ta mơ được trọn đời
    Tình vươn vai lên khơi – tới chín trời mây khói
    Ngày đó có say duyên vượt bển ngoài
    Trùng dương ơi! Giữ kín cho lâu đài tình đôi […]


    Được Phạm Duy yêu, được trân quý, Lệ Lan vô cùng hạnh phúc. Lệ Lan là nguồn cảm hứng cho âm nhạc Phạm Duy. Ngược lại, tình yêu của Phạm Duy cũng là nguồn cảm hứng cho thơ Lệ Lan. Lệ Lan năn nỉ cuộc đời đừng có “lay” động cô, đừng làm gián đoạn giấc mơ hạnh phúc tuyệt vời mà cô đang trải qua:


    Tôi đang mơ giấc mộng dài
    Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh
    Tôi đang nhìn thấy màu xanh
    Ở trên cây cỏ rất lành rất thơm
    Tôi đang nhìn thấy màu hồng
    Của tôi thay đổi luôn luôn theo trời
    Hoàng hôn màu đỏ mây tươi
    Bình minh nắng trắng ấm trôi vào lòng
    Những vì sao tím rất trong
    Mảnh trăng vàng rỡ chờ mong tôi nhìn
    Tôi đang nhìn thấy trong tim
    Tình yêu bay những con chim tuyệt vời
    Đừng lay tôi nhé cuộc đời
    Tôi còn trẻ lắm cho tôi mơ mòng.


    Nhận được bài Năn nỉ, Phạm Duy phổ nhạc ngay, lấy câu thơ mở đầu làm tựa đề ca khúc Tôi đang mơ giấc mộng dài. Lời thơ rất đẹp, Phạm Duy chỉ sửa và thêm bớt một vài từ, âm nhạc dạt dào, thanh thoát, mê ly. Thật là một bài ca hạnh phúc! Đây là ca khúc phổ thơ Lệ Lan được nhạc sĩ Phạm Duy ưng ý nhất.
    Tôi đang mơ giấc mộng dài
    Đừng lay tôi nhé, cuộc đờng quanh
    Tôi đang nhìn thấy màu xanh ở trên cây cành trôi xuống thân mình
    Tôi đang nhìn thấy màu hồng ở khắp nẻo đường nhẹ thấm vào hồn
    Từ bình minh tươi mát, về hoàng hôn thơm ngát
    Làn gió đưa hương đời vào chứa chan lòng tôi
    Tôi nghe từ cõi đời vui vượt qua đêm dài lên tới sao trời
    Tôi nghe từ cõi lòng người lời nói bồi hồi tìm kiếm ngọt bùi
    Và nhìn thấy trong tim, tình yêu nở những con chim
    Nở những con chim tuyệt vời
    Đừng lay tôi nhé cuộc đời
    Tôi còn trẻ dại cho tôi mơ mòng.

    Bài thơ của Lệ Lan rất dễ thương, thơ ngây, hồn nhiên. Được Phạm Duy phổ nhạc, biến nó thành một tác phẩm hay, thoang thoảng một chút triết lý của một chuyện tình đẹp. Một cô bé mới tập tễnh làm thơ bỗng dưng trở thành một tác giả đứng ngang hàng với một nhạc sĩ hàng đầu trong xã hội lúc đó, Lệ Lan không khỏi mê mẩn tinh thần. Lệ Lan mê nhạc Phạm Duy, mê chuyện tình giữa bà mẹ và người nhạc sĩ tài hoa và mê Phạm Duy là người đã thực sự tung Lệ Lan bay bổng lên giữa “chín trời mây khói”. Với một tâm hồn lãng mạn, yêu thơ và được yêu như thế, Lệ Lan có thể hy sinh tất cả, bất chấp tuổi tác, bất chấp chuyện san sẻ tình cảm của mẹ để lấy cuộc tình này. Và mối tình thơ nhạc ấy tiếp tục như thế nào và có bao nhiêu tác phẩm âm nhạc nữa ra đời?

    Nguyễn Đắc Xuân

  • #2
    Duy Trác - Nhạc trước 1975 - Ngày đó chúng mình

    Comment


    • #3
      Trước năm 1975, NP đã đọc Phạm Duy Nỗi Buồn Còn Đó của Tạ Tỵ, có biết qua cuộc tình rất lâu, biết nhạc phổ thơ rất nhiều của người ấy, nhưng không biết được tên.
      Cám ơn về bài viết trên
      NP

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X