Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cái Giường Ðôi Quân Trường

Collapse
X

Cái Giường Ðôi Quân Trường

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cái Giường Ðôi Quân Trường

    Ngày 22 tháng 5 năm 2015 đến Chùa Quan Âm Kansas City để xem anh em chuẩn bị ngày Ðại Lễ Phật Ðản với một đêm trình diễn văn nghệ, thấy cái giường đôi bằng sắt sơn đen mới toanh, tôi lại nhớ ngay mấy cái giường một thời kỷ niệm nơi quân trường cách nay cả nửa thế kỷ.


    Cái giường đôi nơi Chùa Quang Âm Kansas City

    Chắc chắn quân trường nào, trung tâm huấn luyện nào, học viện nào muôn thuở muôn nơi người ta cũng dùng những cái giường đôi như vậy. Những quân trường, những học viện, những trung tâm huấn luyện tôi đã đi qua từng tháng ngày quân ngũ hầu hết đều xử dụng hằng trăm, hằng ngàn cái giường đôi bằng sắt sơn đen màu hắc ín. Ở đó, vì đông người và chật chỗ mà một người phải nằm trên, một người phải nằm dưới trên một cái giường đôi dính chặt. Cái giường đôi dính chặt nơi các quân trường đó đã để lại biết bao kỷ niệm buồn vui cho đời những chàng trai Sinh Viên Sĩ Quan “xếp bút nghiên theo việc đao cung” để đi vào nơi gió cát như chúng tôi. Trước khi nói về những ngày tháng đời xưa của mình một thời gắn bó với những cái giường đôi bằng sắt sơn đen màu hắc ín nơi Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, nơi Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, nơi Trường Bộ Binh Thủ Ðức…mình đã sống qua, tôi xin nói sơ lược một chút về ngôi Chùa Quan Âm chỗ tôi đang ở Kansas City, Missouri.


    Ðại đức Thích Hải Ðàm

    Trên hai bờ hợp lưu của hai con sông Kansas và Missouri có hai thành phố mang cùng một tên Kansas nằm trên hai tiểu bang Kansas và Missouri. Chùa Quan Âm Kansas City nằm trong thành phố Kansas của Missouri cùng với Chùa Phổ Hiền, Chùa Từ Bi, Chùa Pháp Hoa và Tu Viện Từ Quang. Người Việt Nam ở hai nơi thành phố Kansas nầy đông khoảng 10 ngàn người, đa số ở bên Missouri. Nhiều chùa cũng hay, cũng tốt phải không? Chúng ta không nghe Victor Hugo nói “Qui ouvre une l’école, ferme une prison”, “mở cửa một trường học, đóng cửa một nhà tù”, huống gì lập ra một ngôi chùa? Chùa Quan Âm do một số thiện nam tín nữ Phật tử địa phương khởi nguyện xây dựng từ những ngày đầu năm 2007 muốn có một ngôi chùa không phải là một căn nhà cũ người ta đã ở; một giáo đường nhà thờ Tin Lành bị phá sản muốn bán đi; mà một ngôi chùa mới toanh trên mảnh đất trống phản ảnh văn hóa dân tộc, và truyền thống Phật Giáo ngàn năm như ở quê nhà ngày xưa. Qua bao năm tháng vô cùng khó khăn, ngày 15 tháng 5 năm 2010 hậu liêu được xây dựng và hoàn tất sau đó. Nhưng vì nhiều lý do, mà lý do chính là phép tắc của chính quyền thành phố đã gây bế tắc cho tiến trình xây dựng chùa. Sự đình trệ đã làm những người đứng ra vận động xây dựng chùa bị tiếng tăm, lòng đôi khi chùn chân chùng bước, tưởng chừng phải bỏ cuộc. Người chịu thị phi đủ lời cay nghiệt dốc ra biết bao tiền bạc, biết bao công sức, biết bao mồ hôi trộn lẫn nước mắt là ông bà Nguyễn Thanh Thiện, pháp danh Tịnh Ðạt, mà ở đây ai cũng biết tấm lòng sùng đạo của hai ông bà. Với hậu liêu đã hoàn tất nhiều năm nay cộng với tấm lòng ngưỡng mộ đạo pháp, Phật tử Chùa Quan Âm Kansas City đã thỉnh mời Ðại đức Thích Hải Ðàm về trụ trì. Từ đấy, thầy trò thành tâm cầu nguyện ngày đêm cho sự hoàn thành ngôi chùa như tấm lòng ao ước đã gần chục năm nay. May phép lạ, như phép lạ Chùa Quan Âm Kansas City nầy đã từng có nhiều lần trước đây, chùa được thành phố cho tiếp tục xây dựng. Một buổi Lễ Khởi Công Xây Dựng Chánh Ðiện Chùa Quan Âm Kansas City ngày 5 tháng 5 năm 2015 đã được tổ chức long trọng để thành phố Kansas City sau nầy sẽ có một ngôi chùa Việt Nam uy nghi, tôn kính như thể một ngôi chùa ở Việt Nam chúng ta. Ngôi chùa nầy cũng sẽ là một nét đặc trưng Phật Giáo Việt Nam trên xứ người, mà hy vọng sẽ là điểm đến chiêm bái, hành hương cho những thiện nam, tín nữ và đồng bào chúng ta ở hải ngoại. Thầy Hải Ðàm, một Ðại đức chân tu năng động, chí tình, trẻ trung, vui tính… mà ai ai đã gặp một lần đều có thiện cảm, quý trọng, và vợ chồng tôi cũng không ngoại lệ. Ðối với thầy, điểm tôi trân trọng nhất và có lẻ chúng ta, những Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại trân trọng nhất là thầy không bao giờ quên treo cờ Việt Nam Cộng Hòa mà thầy gọi là cờ Quốc Gia bên cạnh cờ Hoa Kỳ trong những ngày lễ lược. Một điểm nữa mà tôi hiếm thấy, nói rõ hơn là chưa từng thấy một Hòa thượng, một Thượng tọa, một Ðại đức nào đã từ chối nhận tiền “cúng dường” từ tay bá tánh. Ngày 22 tháng 5 năm 2015, tôi thấy thầy đã nhất định không nhận cái bì thơ cúng dường của anh Thành, chủ nhân một garage sửa xe nổi tiếng ở thành phố nầy. Cái bì thơ đó chắc chắn đựng từ 100 đô la trở lên vài trăm, không phải ít ỏi năm ba chục.


    Cuối năm 1966 đang học Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn, được Bộ Quốc Gia Giáo Dục bổ dạy Anh văn dưới tỉnh Vĩnh Bình không đi, tôi vào Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia đầu năm 1967 cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ “bán kiên cung kiếm bằng thiên túng. Nhất trạo giang sơn tận địa duy”. Vào Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia là đời bắt đầu gắn bó 10 tháng trời với cái giường đôi bằng sắt màu đen hắc ín. Những cái giường nầy được sắp xếp ngay hàng thẳng lối dọc, ngang thường có hai thằng đực rựa, đứa trên đứa dưới bò, trườn, nằm, ngồi… Làm sao tôi quên cho được cái ông Huỳnh Hồng Quang to con, lớn xác, đẹp trai, thông minh nằm cùng giường với tôi. Ổng trên, tôi dưới bị tôi gắn cho một cái bí danh là Quang 3 Ca để đời. Có điều, ổng hơi vụng về mỗi lần leo lên, tuột xuống không đụng chưn thì cũng đụng đầu tôi khi tôi đang nằm. Lại nữa, ổng mà ngồi ở trên một khi hai cái chưn của ổng đã tuột đôi vớ nhà binh ra rồi mà thòng xuống, có khi ngay bản mặt mình, tôi làm sao chịu nổi cái mùi “thúi quá trời Quang 3 Ca ơi”. Nói gì con người to như voi sở thú Sài Gòn của ổng, một khi ổng giận cá chém thớt thì ôi thôi, cái giường đôi rung rinh, gập ghềnh như xe chạy phải ổ gà vùng vằng muốn quăng tôi xuống đất như chơi. Hồi đó, có vài anh bạn Sinh viên Sĩ quan của tôi bày đặt khoái uống nước nóng, sữa, cà phê, nước trà vào những chiều đi bãi về hay giảng đường ra, không phải đi tìm “yến sĩ phi lý thuần” mà tìm một chút thảnh thơi thì giờ hắc ám quân trường hành hạ tuổi hoa niên. Mấy ảnh bỏ một cái dây lò xo điện trở gọi là “resistance” vào một cái ca nhựa đựng đầy nước lạnh, cắm điện vào, chừng 5, 3 phút là nước lạnh thành nước nóng dễ ợt.


    SVSQ Khóa 2 Học Viện CSQG

    Nhiều lần, tôi nghe ơi ới “thằng quỷ, lột da tao rồi mầy” một khi anh ở trên nấu nước nóng vô tình để cả ca nước sôi đổ xuống anh nằm dưới. Lại nữa, một ông già nhất, mập nhất, khó tính nhất trong số những anh em có một ổ lác to tổ bố nằm chình ình sau gáy, gây biết bao “đàm tiếu”. Một khi mà “lác khô đi trước. Lác ướt đi sau. Mầy cùng tao, hè gãi!” thì ôi thôi tại họa. Mấy anh thường nằm trên, có khi bị nằm dưới cùng giường với cái anh bạn Sinh viên Sĩ quan nầy phải tránh, né, lách, lượn…muôn phương ngàn kế kèm theo lời cầu nguyện “xin đừng lây lan qua tao nghen mậy” cũng đủ hụt hơi. Cuối tháng 12 năm 1970 tôi phải trở lại quân trường là Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung học 3 tháng. Ðại đội của tôi thuộc Tiểu đoàn Ðinh Tiên Hoàng gồm những anh chàng thư sinh Chiến tranh Chính trị mới rời ghế nhà trường, những anh lính Nghĩa quân, Ðịa phương quân, những anh bạn dân Cảnh sát Quốc gia và lẻ tẻ vài anh hải hồ sóng nước, mây trời Hải quân, Không quân…Ðại đội trưởng là Trung úy Ấn. Vào đây, cũng lại những cái giường sắt đôi sơn đen màu hắc ín như hơn 3 năm trước ở Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia tôi đã đi qua, có khác là khác sự việc xảy ra. Ngày đó, một anh bạn trẻ Chiến tranh Chính trị nằm dưới, cùng giường với tôi vì chăn mền không căng phẳng; giày, dép không ngay hàng, mà bị Ðại đội trưởng Ấn phạt “ 30 cái hít đất ngay tại giường” của mình, khi tôi còn ngồi đờ ra bên trên. Anh ta nằm dài, hai tay chống lên thành giường, mấy ngón chân chống dưới đất mà “thi hành trước khiếu nại sau” cho đủ “30 cái hít đất ngay tại giường”. Mỗi lần thân hình anh ta lên, xuống là mỗi lần cái giường rung rinh như động đất 5 độ Richter, làm tôi như muốn bắn xuống đất cả trái tim và con người. Ở đây, mỗi sáng ăn điểm tâm là 1 ổ bánh mì với Sữa Ông Thọ hoặc với đường cát trắng hay với 1 trái chuối già.


    Một lần, anh bạn gốc Nghĩa quân tên Nguyễn Văn Phú nằm trên tôi, vì vội vàng mà sơ ý đã làm cho một cái nón sắt đầy đường cát trắng đổ hết lên giường tôi nằm và trắng đầy dưới nền xi măng. Hai đứa toát mồ hôi hột, ráng làm cho sạch đến hụt hơi mới kịp giờ đi bãi. Có một lần, một anh bạn nằm trên, một tay cầm ổ bánh bì, một tay cầm lon sữa đã khui lỗ chúc xuống, mà tai thì nghe và mắt cứ ngó chăm chăm cái anh bạn tiếu ngạo giang hồ kể chuyện cười đằng kia. Cái gì xảy ra, cả lon sữa đặc rót hết lên đầu anh bạn nằm dưới kêu trời không thấu. Hai anh bạn Chiến tranh Chính trị, một anh tên Hòa, hơi thấp nằm trên ăn ở không được sạch sẽ cho lắm, được anh em gán cho một cái tên là Hoà Dơ; một anh hơi cao một chút tên Kháng nằm dưới ăn ở sạch sẽ quá là sạch sẽ, khoái chải chuốt, xức dầu thơm, có biệt danh là Kháng Ðĩ Ngựa. Hòa Dơ mỗi lần leo lên leo xuống thì y như rằng phải la lên “cái thằng đĩ ngựa, nồng nặc quá, tao không chịu nổi”. Còn Kháng Ðĩ Ngựa, gần như “một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm” kêu trời không thấu “thúi không chịu nổi cái thằng ở dơ”, nhất là đêm bò hỏa lực ai cũng dơ, ai cũng tắm mà Hòa Dơ không thèm tắm! Có lẻ là tình “huynh đệ chi binh” chăng, mà tất cả những anh em đó thường nhìn nhau cười hô hố hơn là “oánh” nhau sưng đầu sứt trán trong những tiếng reo hò “dzô, dzô, dzô” của bạn bè chung quanh.


    Thượng tuần tháng 4 năm 1971, tôi lại được chở vào quân trường Trường Bộ Binh Thủ Ðức, nơi tôi đã có 3 tháng học quân sự năm 1967 thời Sinh viên Sĩ quan Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Ở đây, thông thường các khóa khác chỉ học thêm 6 tháng nữa là ra trường lấy chứng chỉ Tốt Nghiệp Sĩ Quan Căn Bản Bộ Binh và đeo lon Chuẩn úy mới tinh, nhưng khóa 6/70 của chúng tôi phải học gần 2 tháng nữa vì làm hồ sơ cho Bộ Cựu Chiến Binh của tướng Phạm Văn Ðỗng, tăng cường an ninh và diễn hành Ngày Quân Lực 19-6-1071.


    Vũ đình trường Trường Bộ Binh Thủ Ðức

    Hơn 7 tháng ở Ðại Ðội 37 của Ðại úy Khoa, chúng tôi là những Sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia, Kỷ sư Nông Lâm Súc, Phó đốc sự Hành Chánh, Giáo sư Ðệ nhị cấp, Luật sư…nằm trên, nằm dưới cái giường đôi làm sao không có nhiều điều đáng nhớ, đáng nói? Cái anh chàng Luật sư Thọ, người Huế, nhỏ con, ốm yếu “chạy chọt” làm trưởng phòng. Chức trưởng phòng của Thọ là chức có nhiệm vụ coi ngó phòng ốc cho tươm tất sau khi anh em đi bải hay giảng đường. Trưởng phòng được một cái là “tà tà” buổi sáng trong khi các bạn Sinh viên Sĩ quan của mình chạy trối chết còn không kịp thì giờ. Trưa, Thọ thủng thỉnh theo xe cơm ra bãi, học trể. Nói vậy, chớ quân trường ai không đổ mồ hôi? Thọ cũng mệt chết cha việc sửa cái nầy, dọn cái kia nơi giường nầy, giường nọ của mấy tay tổ làm ăn luộm thuộm mà còn bị “uống cà phê đắng” hoài. Có lần, dọn dẹp cái giường dưới thì mền, chăn cái giường trên ào xuống cái đầu thằng Sinh viên Sĩ quan tóc hớt cao chưa tới nửa lóng tay đau chết điếng. Cùng một tiểu đội với tôi có anh chàng cũng tên là Thọ, Thọ Phó Ðốc sự Hành chánh, cao to dềnh dàng, thích kể và nghe chuyện tiếu lâm, có biệt danh là Thọ Dâm Dục. Thọ Dâm Dục, tôi chưa thấy nằm giường trên bao giờ, chắc leo trèo khó khăn, một khi mà ngồi bịch hay nằm bịch xuống giường một cái thì y như rằng, cái anh chàng Giáo sư người miền Trung nhỏ con nhất, nhẹ ký lô nhất của đại đội muốn văng rớt xuống đất. Mỗi khi có chuyện gì vui quá, Thọ thường chạy quanh phòng, đu cái giường nầy, kéo cái giường kia làm mấy ông bạn hú hồn phải la hét “Thọ, mầy động cỡn chắc?” Ðại đội có anh bạn gốc Nghĩa quân tên Trí bị bệnh trĩ rất nặng “bon chen” làm chức thư ký đại đội để đỡ “quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Ảnh nằm dưới, mỗi khi “đau khổ vì bệnh trĩ” của ảnh nổi lên thì người nằm trên cũng “đau khổ vì bệnh trĩ” như ảnh luôn. Dễ hiểu, vì ảnh than thở, cựa quậy, nói năng, chửi rủa…suốt đêm, ai mà ngủ yên để mai còn leo thang cao, đi đoạn đường chiến binh, bò hỏa lực, vượt sông, đu dây tử thần…nữa chớ! Tôi lại liên tưởng đến những cái còng số 8 còng 2 người tù chúng tôi lại với nhau trong những ngày gọi là “học tập cải tạo” của Việt cộng từ trong Nam ra tới ngoài Bắc rồi trở lại trong Nam 9 năm trời. Một người nầy đi đại tiện, đi tiểu tiện…thì người kia cũng phải đi theo ngồi, đứng và lãnh hết mùi xú uế không chịu nổi từ bạn của mình. Ðại Ðội 37, tôi lại nhớ đến anh bạn Sơn người Biên Hòa có nước da đen cái đen lam lũ miệt vườn miền Nam, tôi gọi là Sơn Rhadé. Sơn nằm trên, tôi nằm dưới, rất thân. Sau “huấn nhục” và Lễ Gắn Alpha, chúng tôi thường xuống Câu lạc bộ mới mở sát bên đại đội, uống beer, cà phê, hút thuốc, tâm sự…sau một ngày “da chan mồ hôi pha máu hồng viết thành sử xanh”. Với cái giường sắt đôi, hai đứa nằm hơn bảy tháng trời mà không có chuyện gì mầy, tao, mi, tớ. Sơn ít nói, ý tứ, cho nên có khi tôi chẳng hay ảnh leo lên giường, tuột xuống đất hồi nào. Chúng tôi thân thiết với nhau tình bè bạn tứ hải, tình đồng khóa đồng môn, tình chiến hữu đồng đội….Vậy mà, tôi nhớ, nhớ rất rõ vào trưa ngày 21 tháng 4 năm 1971, khi khám súng và bóp cò chết, Sơn Rhadé đã bắn một tràng đạn M.16 bên màng tang của tôi, may đang nghiêng về phía bên kia, không thì bể đầu, nát óc. Có gì đâu, tại ổng không nạp băng đạn mã tử khi học bài Trung đội Tấn công, mà nạp vào một băng đạn thật. Ðúng vào ngày giờ đó, ở Phan thiết vợ tôi sinh đứa con trai đầu lòng. Ðứa con trai mà vợ chồng lấy nhau đến 3 năm mới đẻ. Sơn Rhadé bị “phạt dã chiến” 30 ngày vác đại liên M.60; “30 giây” lảy cho được 100 cái gai bã đậu; “30 giây” lấy cho được chữ ký của 9 ông đại đội trưởng; trình diện tiểu đoàn trưởng khi thì quân phục đại lễ, khi thì bộ đồ đi phép, lúc thì treillis đi bải với đầy đủ quân trang, quân dụng…làm Sơn hết máu, không còn đen cái đen Rhadé nữa, mà trắng bệch, dật dờ như hồn ma bóng quế. Nói đến đây mà không nhắc đến cái giường 2 ông Nguyễn Văn Trắng nằm trên, Ðại đội trưởng CSDC và ông Nguyễn Hoàng Trúc nằm dưới, Kỹ sư Súc khoa sẽ là một thiếu sót. Thiếu sót vì một ông Trắng, Cảnh sát Dã chiến chuyên đi dẹp biểu tình với dùi cui, trái khói, lựu đạn cay; một ông Trúc, Tổng thư ký Tổng hội Sinh viên Sài gòn chuyên bày ra biểu tình với gạch, đá, bom xăng. Hai ông ở ngoài đời có khi sống chết với nhau qua từng cơn “tao ngộ chiến”, bây giờ kẻ trên, người dưới cùng một giường đề huề, thân thiết như tình thủ túc. Mới hay, quân trường dễ cho ta tình chiến hữu, tình đồng đội thênh thang nỗi đời mênh mông, heo hút “Túy ngọa xa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?” mà keo sơn một lòng “huynh đệ chi binh” sống, chết có nhau không hề suy suyển.


    Những “láng” nhốt tù “học tập cải tạo” của Việt cộng

    Ðã nói những cái giường đôi ở các quân trường, các học viện, các trung tâm huấn luyện của Việt Nam Cộng Hòa tôi đã ngủ qua với bạn bè đời quân ngũ, mà không nói đến những dãy giường ọp ẹp dài thường thược hai hàng trên, dưới làm bằng tre, giang, nứa những năm lưu đày “học tập cải tạo” của bọn vô thần Cộng sản Việt Nam thì nhất định cũng là một thiếu sót. Những dãy nhà tù trong hang hẽm núi rừng thâm sơn cùng cốc của bọn Việt cộng nhốt chúng tôi, những người chúng cho là “ngụy quân, ngụy quyền” gọi là “láng” khi nào cũng nắng giọi, mưa sa, gió lùa nằm chênh vênh nơi đèo heo hút gió. Sự leo lên, tuột xuống không phải dễ cho những người tù còm cõi vì đói khát triền miên, bệnh hoạn với mấy viên thuốc “xuyên tâm liên” và lao động như thể vắt kiệt xương thịt, máu mủ, nước mắt, đau khổ. Năm 1981 ở trại tù Thanh lâm, Thanh hóa, ông “ký già đi ăn mày”, chúng tôi thường gọi thay tên thật của bác là Nguyễn Kiên Giang, Chủ tịch Nghiệp Ðoàn Ký Giả Nam Việt nằm cuối “láng” đã lớn tuổi làm sao trèo lên cho được, trượt xuống cho được? Một lần bác té ngã ra đằng sau tưởng không còn đời nào gặp mặt con cháu được nữa, may nhờ anh em đỡ kịp, chỉ bị đi cà nhắc mấy ngày là may. Ông bạn khác lớn hơn tôi vài tuổi tên Tĩnh, có phải là chủ tiệm may Cao Minh, Tân định, ngồi theo meo dãy trên, hút thuốc lào ban sáng trước khi đi lao động đã té nhào xuống đất gãy chân, làm phế nhân suốt đời. Ðời tù thời Việt cộng, những người tù chết có, cưa tay có, gãy chân có, bể đầu chảy máu có cũng vì ba cái thứ thuốc lào “đã chôn điếu xuống lại đào điều lên” rất nhiều, đếm không hết! Loại giường ăn ở tập thể nầy, mấy người nằm dưới hứng đủ mối, mọt, bụi bặm được xả ra mịt mùng từ giường trên xuống, chưa nói, nó sập xuống hồi nào không hay, thì ôi thôi rồi đời thằng tù mạt phước!


    SVSQ Khóa 2 Học Viện CSQG 46 năm hội ngộ


    Thời những năm 1961, 1962 chúng tôi những thằng học sinh Trung học không ai không thuộc lòng câu nói để đời của Tổng thống John F. Kennedy “Ask not what your country can do for you; ask what you can do for your country”. Phải rồi, “đừng đòi hỏi tổ quốc làm gì cho bạn; hãy hỏi là bạn làm gì cho tổ quốc” mà chúng tôi “gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao”, hăng hái túa vào các quân trường nhiều biết chừng nào, dẫu biết “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”! Từ đó, những “chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt” khắp bốn Vùng chiến thuật quen nhau bên những cái giường đôi trong các quân trường mà kết tình chiến hữu và bây giờ gặp nhau tuổi già, ngâm nga câu thơ Âu Dương Tu “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” có khi rưng rưng những giọt nước mắt nhớ thuở hồng hoang một thời chinh chiến “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Tuổi trẻ, nhìn thẳng trước mặt mà đi tìm tương lai. Tuổi già ngoái về dĩ vãng tìm về quá khứ mà tiếc thương. Nhìn thấy cái giường đôi bằng sắt sơn đen nơi Chùa Quan Âm Kansas City, tôi lại nhớ đến bạn đến bè những năm tháng miệt mài gian khổ “quân lệnh như sơn” nơi quân trường ngày xưa mà lòng không khỏi bùi ngùi ngày nay kẻ còn, người mất qua bao cuộc bể dâu!
    NGUYỄN THỪA BÌNH
    Tháng 5 năm 2015


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X