Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cơn bão

Collapse
X

Cơn bão

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cơn bão

    CƠN BÃO
    NguyễnThị Thanh


    Những ngày cuối cùng của miền Nam !

    Lúc đó tôi đang ở Đà lạt, nghe tin mất Banmethuot ! Dân Dalat bắt đầu di tản, ngày nào cũng có người đến chào cha tôi ra đi, một dãy phố, xa xa mới thấy anh đèn le lói, trong những căn nhà còn ở lại, gà, heo, dâu tươi, ai trả bao nhiêu, miễn có người mua là chủ hàng bán. Những quân trường: CSDC, VB, ĐH/CTCT bắt đầu cho khóa sinh hoặc SVSQ di tàn.

    Tôi có 2 người chị họ bán vé máy bay cho Hàng Không Việt nam, nhanh chóng tôi mua được 2 vé về Saigon. Ngày 22 tháng 4, tôi và đứa con trai nhỏ có mặt tại phi trường Liên Khương, lúc 8 giờ sang ! Người người chen chúc nhau, đến 1 giờ trưa, số ngưới càng đông, chuyến bay rất ít ! Đứa con nhỏ,cháu đói và khát nước, bắt đầu khóc, tôi nhìn quanh, không có một quán, không ai bán một thứ gì ! Chịu đựng một vài giờ nữa, đối với trẻ nhỏ,là điều không thể nào chúng chịu nổi.

    Tôi bước đến chỗ nộp vé buổi sáng, hỏi người hạ sỹ quan; bao giờ mẹ con tôi mới có chuyến bay? Lúc này tôi mới biết vé phải chờ, một vị thiếu tá đứng ở quầy, có lẽ ông ta có cấp bực cao nhất ở đây, tôi bước đến trình bầy:

    -Tôi có con nhỏ, xin ông có thể giải quyết cho mẹ con tôi chuyến bay sớm không ? Có lẽ vị thiếu tá này cũng mệt, ông to tiếng vối tôi:

    -Bà phải chờ, không thể giải quyết ưu tiên cho ai cả.

    Lúc này tôi không thể nhịn được, có lẽ xót con thơ, bản năng của người mẹ ... Tôi cũng bắt đầu to tiếng:

    -Chồng tôi cũng là sỹ quan như ông, giờ này không biết chồng tôi đang chiến đấu, chết hay sống và đang ở đâu? Ông không có quyền to tiếng với tôi, ông nghĩ sao? Vợ và con ông cũng đói và khát như mẹ con tôi, ông hãy nhìn cháu bé, con tôi đang khóc vì đói và khát!

    Người thiếu tá, cầm lon Cocacola đưa cho tôi, ông không nói gì nữa.

    6 giờ chiều tôi và đứa con nhỏ về đến phi trường Tân Sơn Nhất.

    Ngày 23-24 tôi nghe đạn bắn liên tục, hướng Bộ Tổng tham mưu, dân ở quanh vùng Phú Nhuận bỏ nhà ra chùa Vỉnh Ngiêm, với hy vọng Việt Cộng không pháo vào chùa, mẹ chồng tôi cũng khuyên tôi theo đoàn người ra chùa, nhưng tôi không đi. Tôi thưa với bố chồng:

    -Cho con bế cháu bé đi Kiên Lương (chỗ chồng tôi đang đóng quân).

    Ông bảo:

    -Con đi làm sao được, Long An đang giao chiến, vả lại trong tình thế này, chồng con có chắc còn ở đó không? Hay lại phải hành quân đâu đó ! Vướng con vướng vợ, khó soay sở!

    Trong cuộc đời có chữ Nếu, thì mọi việc lai khác đi ......

    NGƯỜI SVSQ/ĐH/CTCT

    Người SQ ấy, anh thường gởi thư cho tôi từ đơn vị, khi anh trở về sau chuyến hành quân.

    “Bọn anh 10 người SVSQ của trường, chọn đơn vị Kiên Giang, sư đoàn 9 bộ binh, với chức vụ Đại đội trưởng đại Đội trinh sát, thuộc trung đoàn 16, anh cảm thấy mình có trách nhiệm với bao nhiêu anh em binh sỹ. Mỗi lần nhìn đại đội đi hành quân, là có trực thăng tải thương,vợ con lính, khóc than, anh không chịu được!

    Sự sống và chết, với người lính thật mong manh! Nghe kể không bằng thấy, để có thể thông cảm và yêu thương họ.

    1972, ăn cơm chiều xong, chồng tôi bảo:

    -Tối nay anh trực, phải vào chi khu sớm. Nhìn anh áo mặc bỏ ngoài quân, chân đi dép, anh vẫn mặc như vậy khi đi trực, khi nào phải đi giải vây cho các đồn nghĩa quân, anh mới nai nịt gọn gàng. Tôi cũng không hỏi gì thêm.

    Nửa đêm, bắt đầu nghe tiếng đạn pháo binh, tôi thức giấc lắng nghe. Bật đèn, tôi bước ra hàng hiên, nghe tiếng bước chân trong đêm tối, tôi quay lại, thấy chị Tuyến (vợ một sỹ quan trưởng ban tư), chị thì thầm:

    - Đụng trận rồi cô Thịnh ơi, bây giờ làm sao?

    - Anh Tuyến cũng không có nhà phải không chị?

    Chị gật đầu, tôi nhìn chị, thoáng thấy vẻ lo lắng nên bảo chị:

    -Chị vào nhà đi, mấy đứa nhỏ thức giấc, không có chị, chúng sẽ khóc. Đợi sáng hãy tính.

    Còn một mình tôi bâng khuâng nhìn những hỏa châu được bắn lên, tiếng đạn bắn đi đều hơn...

    Gần 4 giờ sáng, tiếng kêu khóc, tiếng ghe máy chạy trên sông, tôi bước ra phía sau nhà, những chiếc ghe treo 2 đèn lồng, cờ Việt nam, dấu hiệu chở người bệnh ! Dân di tản, chở người bị thương! Khi sáng hẳn, trên trục giao thông chính, tôi chỉ còn thấy xe quân sự. Nghe tiếng súng nổ đều, tôi không phân biệt được súng của bên cộng sản hay của chúng ta! Nhìn thấy, mẹ con chị Tuyến mặc quần áo sẵn sàng .. Tôi bảo:

    -Chị à, tôi mới xuống đây không quen ai! Chị có ba cháu bé, có di tản cũng không được đâu! Vả lại giờ này chị em mình ngoắc ghe, họ cũng không đừng lại đâu! Nếu chị vẫn có ý di tản theo dân, nhà tôi còn hộp thịt gà, tôi vào làm chà bông, chị mang theo với ít cơm xấy, có gì cho mấy đứa bé ăn.

    Chúng tôi đang nói chuyện, có chiếc xe jeep ngừng trước cửa,tôi nhân ra đại úy Danh Lol, trưởng ban 2 chi khu. Ông nói lớn:

    -Bà Thịnh, bà Tuyến, nếu cộng sản tràn được qua sông, cứ khai rằng chồng tôi làm công nhân ở nhà máy xi măng Hà Tiên nhé, nhà có lựu đạn, hay giấy tờ gì của lính, vất hết đi ....

    Nói xong xe của ông chạy ngay.

    Tôi bước vào nhà, nhìn giầy của chồng, quần áo giấy tờ v..v thầm nghĩ, lúc anh đi trực chỉ đi đôi dép, người anh nhỏ nhắn, không dễ mua giầy. Tôi ôm toàn bộ gói trong một cái poncho, đem ra bờ sông, rồi lăn cái chum úp lại, không phải ở trong nhà có thể chối được!

    1 giờ trưa, anh Tuyến cho xe jeep về đón vợ và con, tôi cũng đi theo, xe chở chúng tôi vào chi khu ở tạm trong nhà dành cho sỹ quan độc thân!

    Tôi thấy chồng mình đang điều khiển 2 khẫu sung cối 81 ly, 2 người lính bóc đạn cho anh bắn! Ăn và uống tại chỗ, không một sỹ quan nào biết sử dụng để thay thế cho anh cả, chân vẫn đi dép.

    Anh Phúc (chuẩn úy Nguyên Đình Phúc trưởng ban truyền tin) đang lái xe dừng lại. Tôi hỏi:

    -Anh ra ngoài đấy ư, cho tôi quá giang về nhà, tôi lấy ít đồ, giầy và quần áo cho anh Thịnh.

    -Được, lẹ lên xe đi ngay bây giờ xuống cư xá rồi về ngay, chị lấy gì phải lẹ!

    Tôi đang hoay hoay lật cái chum, chợt nghe tiếng đạn .... Quay lại chỉ thấy... mình tôi còn đứng trên bờ sông ...

    Năm đó, 2 liên đoàn (41 và 42 biên phòng) Biệt động quân tăng viện, những người lính trẻ, họ thật trẻ ...Lát sau tôi đã thấy xác họ được chở về, xếp dưới cột cờ của chi khu, tôi cũng gặp anh Phạm Hữu Lý (cùng khóa với anh Thinh) đến từ chi khu Kiên Lương tăng viện ...

    Ngoài hai liên đoàn Biệt Động Quân nói trên, còn có một thiết đoàn kỵ binh, một Liên Đoàn Địa Phương Quân tăng phái từ Long Xuyên xuống, và một pháo đội pháo binh (155 ly) Tổng trừ bị Quân đoàn 4 tăng viện.

    Tôi ở đấy hai tuần, gạn từng chút nước còn sót lại từ những thùng phi để nấu cơm sấy, không có nước tắm rửa! (không có một chút gì ngoài mấy bọc cơm sấy, vài hộp thịt hộp còn sót lại)

    Khi chiến cuộc đã tạm thời vãn hồi vì quân cộng sản đã bị đẫy lùi cách 15 cây số, không khí sinh hoạt bớt năng nề ...

    Thình lình đến 1 giờ khuya, tôi nghe nổ hàng ngàn tiếng, mặt đất rung chuyển, như đang động đất, tôi bước ra coi, những đốm lửa sáng lóa, như quả pháo bông đang nổ trên bầu trời ... Chồng tôi bước lại. Anh bảo:

    -B 52 đang trải thảm, trận chiến này tạm chấm dứt.

    Sáng hôm sau tôi trở về lại nhà; dọn dẹp, tắm rửa, tôi như không còn một chút sức lực nào!

    Khoảng 4 giờ sáng, tôi nghe cháy ..cháy bùng, tỉnh dậy, lửa đang lan trên bờ sông ... Không ai còn có thể dập tắt được, trong ánh sáng mờ mờ của ban mai, có thể nhìn thấy những vệt dầu tràn trên sông, 2 bồn dầu của nhà máy xi măng Hà Tiên bị vỡ.

    Tôi đang lúi húi tìm đồ đạc mang ra, nghe tiếng lựu đạn nổ, tiếng một người sỹ quan la lớn ... Chạy ra ngay lựu đạn nổ ... Tôi chạy ra ngoài nhìn lửa cháy căn nhà mình, những gì có được ban đầu đều mất hết!

    Sau đó tôi về lại Sài gòn.

    Những người lính họ đã chiến đấu như thế, thật hào hùng, thế mà khi mất miền Nam, họ đã phải chịu cảnh tù tội như vậy sao !!

    Khi lệnh chính thức đầu hàng, dân trong xóm người người đổ ra đường Công Lý, Trương Tấn Bửu, nhìn xe tăng của cộng sản, cờ đỏ đang tiến vào thành phố! Quay lại nhìn đống quân phục vất bỏ bên lề, người lớn tuổi ai ai cũng rơi lệ! Tôi cũng nhận thấy mình cũng đang khóc lúc nào!

    Chồng tôi, anh đang ở đâu? Còn hay mất? Tôi không có tin tức gì!

    Ngày mùng 3-5-1975 anh mới về đến nhà, anh cho biết,đã đi bộ từ Kiên Giang, có những đoạn quá giang xe đò đươc vài trăm thước phải xuống, cùng đi với anh có một anh thiếu úy Biệt động quân, ăn bánh mì, lúc trốn tai mắt của Việt cộng phải lội ruộng!

    Lương tháng cuối cùng chưa lãnh, chúng tôi nhìn nhau...

    Ngày 26-5 cấp úy đi trình điện, tôi ra chợ mua cho anh một ít đồ dùng, thực phầm khô v.v

    Tôi còn lại 26.000 đồng, lặng lẽ chia cho anh một nửa, anh không nói gì, lấy một ít, còn đưa lại cho tôi và dặn:

    - Em giữ lấy mà lo cho con, anh chẳng có gì để lại cho em, hãy thay anh, nuôi con ăn học, đừng đế cho chúng thất học, nếu mai đây kể từ ngày anh đi, em không còn nhận được tin tức gì của anh, thì hãy nhớ lấy ngày này ... Nhìn chồng tôi hỏi:

    -Nếu em sanh con trai thì anh đặt tên là gì? Và là con gái thì anh đặt tên gì?

    -Con trai thì em đặt nó tên Vũ, con gái thì em nó là Uyên.

    Nói xong anh cầm nón bước ra cửa! Tôi không đủ can đảm tiễn anh đi ...

    Bế đứa con trai nhỏ, lặng nhìn theo bóng dáng anh nhỏ nhắn, khuất dần ...

    Ngày 20 tết năm 1975, anh Nguyễn Văn Út, NT2, đến nhà tôi trao cho tôi bức thư của chồng tôi, tôi hỏi anh Út:

    -Hiện tại anh Thịnh đang ở đâu? Anh Út trả lời không biết!

    Anh và chồng tôi bạn cùng khóa, nay anh may mắn được về trước. Tôi nói với anh Út:

    -Hãy chỉ cho tôi chỗ anh Thịnh đang bị giữ, tôi chỉ muốn nhìn anh ấy một chút thôi mà!

    Ngần ngừ một lúc, anh Út bảo:

    -Chị đến hỏi cô bồ cũ của anh Thịnh, cô ta mới đi thăm chồng cô tuần qua, cô ấy sẽ chỉ cho chị.

    Tôi nói điều đó với người chị chồng, chị bảo:

    -Thôi để chị hỏi cho, em hỏi nó không chỉ đâu!

    Cuối cùng tôi biết anh Thịnh đang ở thành Ông Năm, Hóc Môn. Tôi và người chị chồng hẹn nhau, ngày 23 Tết sẽ đi Hóc Môn hỏi thăm.

    Ngày 23 tết, đứa con trai nhỏ không được khỏe, vì thế tôi lên nhà chị chồng trễ giờ hẹn, chị đã đi từ sớm.

    Tôi đến thành ông Năm chỉ thấy một số người bệnh, hỏi thăm dân quanh vùng, họ cho biết, có một số đã bị chuyển trại trước ngày 23, tuy nhiên không phải nhốt ở đây, phải đi sâu vào trong, giả dạng dân địa phương, rồi chờ các anh cải tạo đi lao động thì may ra sẽ gặp! Họ nhìn tôi ai ngại:

    -Cô sắp sanh rồi, cô không đi được đâu!

    Tôi biết họ nói đúng!

    Năm ấy tôi mới 23 tuổi, tay bế đứa bé trai độ 9 tháng bước xuống xích lô, tôi đặt cái giỏ cói xuống đất, rồi bế đứa bé trai 4 tuổi xuống, tôi quay lại dặn đứa bé con:

    -Mẹ không thể bế hoặc dắt con, hãy nắm lấy quần mẹ kẻo lạc...

    3 mẹ con tiến về phía bưu điện chính gần nhà thờ Đức Bà. Mới 8 giờ sáng bưu điện đã đông người, tôi và con xếp hàng lẫn vào đám đông.

    Nắng đã lên cao, bưu điện mỗi lúc một đông thêm, ai cũng đến đây để gởi một gói quà cho thân nhân. Đang học tập, họ đang ở đâu đó trong những trại tù, trên khắp miền đất nước Việt Nam!

    Nhân viên bưu điện thì ít, giải quyết không được bao nhiêu! Tôi bế đứa bé, đảo mắt quan sát tình hình.

    -Gói quà của bà dư trọng lượng. Tiếng người đàn bà năn nỉ .

    -Xin anh thông cảm giúp, lâu lâu mới có 1 phiếu gởi quà, vả lại chúng tôi không có cân cho nên dư chút ít, gần tết rồi...

    Tiếng người nhân viên bưu điện, giọng thật khô khan:

    - Đây là chính sách của nhà nước đã khoan hồng cho các chị gởi quà thì phải chấp hành nghiêm túc, chị muốn gởi phải bốc bớt ra.

    Biết không năn nỉ được, người đàn bà cầm gói quà bước ra khỏi quẩy. Tôi nhìn theo tò mò muốn biết bà ta sẽ lấy gì ra.

    Bà bắt đầu tháo dây buộc gói quà, chẳng có gì ngoài 2 bánh thuốc lào, một gói cám hay bột gạo, gói muối ớt rang, tương xào xả, một vài viên thuốc cảm hay sốt rét, cuốn chỉ cây kim. Ngần ngừ rồi bà lấy bớt bánh thuốc lào, rồi quay nhìn quanh, tôi hiểu ý, bước lại giỏ của mình, lấy ra con dao ,cuộn dây, băng keo, đưa cho người đàn bà, nhìn nhau ánh mắt thông cảm, tôi nghĩ, với trị giá món quà ở trong, làm sao có thể chờ đợi nhân viên bưu điên nọ thông cảm cho bà!

    Đứa con trai lớn ngồi gần cái giỏ cói, gọi mẹ, đứa bé tôi bế trên tay cũng bắt đầu khóc! Tôi chạy lại gần con, dỗ dành chịu khó chút nữa mình gởi xong gói quà cho bố con, mẹ con mình về. Nhìn người bên cạnh tôi nói:

    -Ông bà cho tôi gởi cháu một lát, tôi bế đứa con nhỏ bước vội ra cửa rồi trở lại với gói xôi và ly nước mía, trong khi đứa lớn ngồi bệt xuống đất để ăn, tôi tìm chỗ khuất cho đừa bé trên tay bú. Một vài đôi mắt quay lại ái ngại nhìn, nhưng họ cũng vội vàng quay đi, bởi họ cũng không hơn gì!

    Biết bao nhiêu món quà đã được gởi đi trong những năm tháng đó.

    Trong thương nhớ trong nỗi khó khăn. Họ cứ gởi, nhưng chăng biết món quà của mình có đến tay thân nhân? Cuộc sống thật khó khăn! Huống chi những người tù?

    Bao đêm thời chiến tranh, nhìn người lính ba lô, súng đạn lên đường hành quân! Tiếng đạn, hỏa châu sáng rực trới! Người lính đó, người sĩ quan đó, họ ra đi có còn về nữa không?

    Giờ đây trong thân phận tù tội đói khát, họ còn có thể trở về nữa hay không? Nỗi âu lo, nỗi buồn bực hằn trên khuôn mặt những người đân miền Nam.

    Những đứa trẻ thiếu vắng ngưới cha hiền. Người phụ nữ,cô khẽ thở dài,nhìn 2 đứa con.

    -Em hãy thay anh nuôi dạy các con, đừng để chúng thất học ! Lời dặn dò đó vẫn như mới ngày hôm qua,tôi hiểu, đã nhận lời gánh trách nhiệm trên vai. Thật quá sức của một người phụ nữ, tuổi mới ngoài 20.

    10 năm sau, anh đã về với nỗi mệt mỏi của những năm tháng tù tội.

    Đùm bọc, dắt díu nhau qua Mỹ theo diện HO, chúng tôi chẳng có gì mang theo, tại đây chúng tôi đã cùng nhau thổi lên một ngọn lửa tin yêu.

    Chúng tôi vượt qua những đoạn đường sỏi đá chông gai. .

    Tuy ngày hôm nay không còn khói chiều vương vấn trên những mái tranh, nhưng cuối tuần nhìn cháu, những đứa trẻ hồn nhiên,tươi vui, tôi thấy ấm lòng:

    Xin tạ ơn Thượng đế, con xin cám ơn ngài.

    CÙNG CHUNG SỨC VƯỢT CƠN BÃO LỚN

    THỔI QUA ĐỜI NHƯ MỘT GIẤC MƠ!

    QUA CƠN BÃO, QUA CƠN NƯỚC LŨ !

    VƯỢT ĐẠI DƯƠNG, BỂ KHỔ MÊNH MÔNG!

    KHI TỈNH THỨC, MẶT TRỜI ĐÃ LẶN

    ĐỐT ĐÈN LÊN SOI LẠI BÓNG MÌNH

    RỒI LẶNG LẼ QUÌ BÊN CHÂN PHẬT

    TẠ ƠN NGÀI, NGÀI ĐÃ GIA ÂN

    ƯỚC NGUYỆN CUỐI, CHO CON Y NGUYỆN

    RỒI CON XIN TÌNH NGUYỆN QUAY VỀ

    TRĂNG CUỐI ĐỜI, XIN CHO AN LẠC

    RỒI CUỘC ĐỜI, NHƯ TUYẾT SƯƠNG TAN



    Colorado 2014

    NguyễnThị Thanh
    (nàng dâu NT2 Phạm Đức Thịnh)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X