Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Có một quãng đời

Collapse
X

Có một quãng đời

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Có một quãng đời

    Vĩnh Khanh

    Thương tặng các con Sang-Yến, Tâm-Thúy


    Mấy hôm trước, trên đường đi dự lễ ra trường của con gái tôi ở Dallas. Ngồi trên xe tự dưng đầu óc suy nghĩ miên man, tôi nhớ lại những ngày tháng xa xưa khi chúng tôi còn làm rẫy ở ấp Hưng Bình, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Giai đoạn này là một trong những giai đoạn vất vả nhất của gia đình tôi. Con gái tôi khi sinh ra, không đủ sữa cho nó bú. Nhà lại không có tiền, vợ tôi phải cho nó bú nước cháo pha với đường… tương lai của gia đình tôi lúc đó chỉ là một khoảng trời đen tối... Đứa bé sơ sinh còm cõi, thiếu dinh dưỡng lúc trước, nay đã thành tài nơi xứ người... Khi nghĩ tới điều này, tôi xúc động không cầm được nước mắt. Hôm đó, ngồi trên xe tôi kể lại cho vợ chồng con trai tôi nghe về khoảng thời gian lận đận này. Con trai tôi cũng xúc động không kém, nó yêu cầu tôi:"Ba viết lại điều này đi Ba". Và tôi đã hứa với nó…

    *******

    Sau khi ra khỏi tù cải tạo, chính quyền Cộng Sản không cho tôi sống ở thành phố Saigon dù đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên cùng gia đình biết bao năm về trước. Gia đình tôi đã nghĩ tới điều này và sợ bị bắt đi kinh tế mới, nên mua sẵn một miếng đất ở khoảng giữa Ngã Ba Dầu Giây và Hố Nai. Địa phương này ở ấp Hưng Bình, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Dân chúng ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề làm rẫy, trồng trọt hoa màu như lúa, đậu, mía, khoai mì… xen kẽ trên những vườn chuối, mít. Thật tình mà nói, dù nghề nương rẫy có vất vả, nhưng nếu được quyền tự do làm ăn thì tôi nghĩ dân chúng vẫn sống thoải mái. Bằng chứng là những người dân kỳ cựu ở đây đã sinh sống bằng nghề này từ nhiều đời trước và nhiều gia đình rất khá giả.

    Đến khi chính quyền Công Sản nắm quyền, mọi việc thay đổi hoàn toàn. Với chính sách quản lý thu mua ngu muội tất cả sản phẩm người dân thu hoạch được và sự chèn ép của chính quyền địa phương, cuộc sống nương rẫy trở thành ngày càng khó khăn, dân làm cực hơn xưa nhưng vẫn không đủ ăn. Đa số người dân lúc bấy giờ đều phải ăn độn với khoai mì, bắp… Cuối cùng ngoài việc trồng trọt, người dân phải nghĩ cách mua bán để kiếm thêm thu nhập. Ở rẫy thì mua đi bán lại nông sản là tiện lợi nhất. Do thế nảy sinh ra cảnh đi buôn chuối, mít, đậu, thuốc rê… ngày càng đông. Nói riêng về chuyện kiếm thêm bằng nghề đi buôn bán dưới chính quyền Công Sản thời bấy giờ là cả một bi kịch. Mười người đi thì có thể nói hết 7,8 người từ từ trắng tay hết.

    Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Đất của nhà tôi mua ở đây có cả vườn chuối, mít và đất thổ cư khá rộng. Nhưng nhà tôi đông người quá. Ba tôi thì lúc bấy giờ còn bị tù và sau đó chết luôn trong tù. Ở nhà chỉ còn Má tôi và một bầy em còn nhỏ. Cộng thêm vợ chồng tôi và đứa con trai nữa tổng cộng 10 người. Mỗi ngày tất cả mọi người đều phải vác cuốc, rựa ra rẫy, kể cả đứa em út và con trai tôi lúc đó còn rất nhỏ nhưng cũng phải ra phụ gieo hạt giống... Chỉ có vợ tôi ở nhà lo cơm nước cho mọi người ngoài rẫy và lảy bắp hoặc mang lúa, đậu, khoai mì ra sân phơi… là không phải ra đồng. Nói chung mọi người đều làm cật lực, tuy nhiên thu hoạch vẫn không đủ ăn. Bao nhiêu đồ đạc có giá trị đều bán từ từ hết. Đến ngay cả những món đồ kỷ niệm của gia đình, món nào bán được tiền trước sau cũng phải đi hết. Chúng tôi nhìn đất đai thu hẹp dần và rơi vào tay các chủ khác mà không khỏi buồn phiền lẩn lo âu.

    Đi buôn thuốc rê

    Tôi bắt đầu vào việc đi buôn thuốc rê khi thấy càng ngày càng có nhiều người tham gia vào chuyện này, nhất là khi thấy rõ việc bám vào nương rẫy trở nên bế tắc. Chính sánh cưỡng bức vào hợp tác xã và việc thu mua nông sản của chính quyền địa phương đã bóc lột người dân đến tận xương tủy làm cho cuộc sống bằng nghề trồng trọt hoa màu vốn đã khó sống lại càng khó sống hơn nữa. Tất cả các việc mua bán nông sản từ chuối, mít, lúa, đậu… cho đến thuốc rê… đều phải qua tay nhà nước quản lý. Những ai mua bán những mặt hàng này nếu bị bắt gặp thì sẽ bị tịch thu hoặc thu mua với giá quy định của nhà nước. Một hình thức ăn cướp công khai của chính quyền cộng sản. Nếu chẳng may rơi vào một trong hai trường hợp này thì người đi buôn sẽ mất hết vốn. Tuy bị kiểm soát gắt gao như thế nhưng nếu người dân không liều đi buôn thì lấy gì mà sống. Thà là phiêu lưu đi mua bán kiếm thêm đồng lời, bao giờ bị bắt mất hết vốn thì tính sau. Thế là tôi quyết định thử thời vận vào nghề đi buôn thuốc rê. Không có vốn, tôi năn nỉ xin bà Dì giúp vốn cho. Sau đó đi theo cô Hợp, là con gái của một bà bạn của Má tôi, hướng dẫn cách vào Bàu Hàm mua thuốc, thử thuốc…và dẫn đường đi xuyên qua các nương rẫy, suối đồi…tránh những nút chặng của du kích. Có thể tóm tắt việc đi buôn thuốc rê của tôi qua những giai đoạn như sau :

    - Vào Bàu Hàm mua thuốc.

    Dân ở Bàu Hàm hầu hết là người Tàu Nùng, từ miền Bắc vào Nam trong những đợt di cư năm 1954 và được sắp xếp về đây lập nghiệp theo kế hoạch của chính phủ Ngô Đình Diệm. Đa số người dân ở đây sống bằng nghề ruộng rẫy. Người Tàu Nùng rất siêng năng và cần cù trong việc đồng áng. Đất đai ở vùng này lại rất màu mỡ, do đó hoa màu họ trồng đa số có thu hoạch khá cao. Đặc biệt đất ở đây rất thích hợp cho việc trồng thuốc lá và mang lại lợi tức cao hơn so với các nông sản khác. Vì thế từ từ dân chúng vùng này nhà nào nhà nấy ít nhiều gì cũng có một miếng đất canh tác thuốc lá. Những cây thuốc trồng ở đây đến mùa thu hoạch cho ra lá thật to và bóng mướt. Sau khi phơi và xắc thành sợi ép lại thành sản phẩm thuốc rê nổi tiếng. Thuốc ở đây khi hút, tàn cháy trắng phau chứng tỏ thuốc ngon. Những hơi thuốc đậm đà khi hút vào làm ghiền những người biết hút thuốc rê, nhất là giới tiêu thụ ở miền Tây. Trước năm 1975, con buôn miền Tây vào tận Bàu Hàm mua thuốc sau mỗi mùa thu hoạch. Nhưng từ sau năm 1975, chính quyền địa phương kiểm soát luôn việc trồng và thu mua loại thuốc lá nổi tiếng này. Vì thế sau nhiều lần bị bắt mất hết vốn liếng, con buôn miền Tây không còn dám về đây mua thuốc trực tiếp nữa. Thay vào đó, dân đia phương ở bên ngoài các xã, ấp lân cận bắt đầu hành nghề buôn thuốc rê mang lên bến xe Chợ Lớn, nơi lái buôn mua về bán lại cho người tiêu thụ ở các tỉnh miền Tây.

    Mỗi chiều khoảng 4 giờ, con buôn từ bên ngoài ấp Hưng Bình đón xe lam vào Bàu Hàm cách khoảng 5,6 cây số. Đến nơi đám con buôn tản ra vào các nhà dân lựa mua thuốc. Việc lựa mua thuốc này cũng rất công phu, Ngoài việc tìm và mặc cả để mua được giá rẽ, còn phải biết thử thuốc. Phải biết phân biệt thuốc hạng nhất, hạng nhì, hạng ba… như thế nào. Có bị pha hay không? Hoặc pha nhiều hay ít… Điều này chỉ có thể phân biệt được trong việc hút thử thuốc. Khi đốt điếu thuốc, nhìn tàn cháy ở đầu điếu thuốc, dân chuyên nghiệp có thể biết được thuốc ngon hay dỡ. Rít hơi thuốc vào người kinh nghiệm có thể nói đó là loại thuốc hạng nhất, không bị pha hoặc bị pha bao nhiêu phần trăm với thuốc hạng nhì hạng ba… Nếu không nắm vững chuyện thử thuốc này thì mua bị hố giá ngay và như thế bán sẽ không có lời hoặc rất khó bán…

    Tôi còn nhớ lần đầu tiên theo mấy người đi trước mua thuốc. Mới quấn một điếu rít thử đã sặc ngay, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Vì thuốc rê nguyên chất rất nặng! Phải sau nhiều lần thử và được mấy người đi trước chỉ dẫn, tôi mới bắt đầu quen và phân biệt được thuốc ngon hay thuốc dỡ… Tuy nhiên cứ đi hết nhà này sang nhà kia thử thuốc và kỳ kèo giá cả như vậy… khi mua được thuốc thì miệng đã đắng nghét còn đầu óc thì cũng lừ đừ vì say thuốc!

    Người dân ở đây sau khi thu hoạch lá thuốc từ rẫy về, họ trải ra trên sân phơi cho khô. Những lá thuốc mỏng này sau khi phơi khô xong sẽ được xắc thành những sợi nhỏ, sau đó được ép lại với nhau thành một "cục" thuốc lớn nặng khoảng 12, 13 kí lô một "cục". Thông thường mỗi người đi buôn mua một lần 4 cục thuốc như vậy, gói lại cẩn thận thành hai gói trong bao nylon để lỡ khi đi trên đường gặp mưa hoặc qua suối không bị ướt. Có người vác 4 "cục" thuốc sau vai như lính vác ba lô. Tuy nhiên với 4 "cục" thuốc vác sau lưng như vậy khá cồng kềnh khi di chuyển vì quá to, nên đa số dùng đòn gánh để gánh hai bao thuốc, mỗi bao hai "cục" ở hai đầu đòn gánh. Tôi cũng chọn phương pháp này.

    -Gánh thuốc từ Bàu Hàm về.

    Khi trời vừa sụp tối là con buôn bắt đầu gánh thuốc từ Bàu Hàm đi về. Đoạn đường này là đoạn đường khó khăn nhất vì phải đi qua nhiều nương rẫy, leo đồi, lội suối… vòng vèo qua các đường mòn cũng cở hơn 10 cây số trong đêm khuya. Ngoài ra còn sợ bị du kích phục kích chận bắt. Những người đi buôn thường chia ra từng nhóm nhỏ đi bằng nhiều ngã khác nhau, nếu về đến nhà thông suốt thì trời cũng khoảng 2,3 giờ sáng rồi. Nhiều bữa xui bị du kích phục kích bắt được thì bị thu mua hoặc tịch thu hết vốn. Hoặc có những lần lội qua suối bị té ngã. Hai bao nylon thuốc rê trôi theo giòng nước, cả đám phải xúm lại chạy ngược theo giòng suối đến đón vớt lên lại. Khi vớt được thì ít nhiều gì thì thuốc cũng bị nước thấm ướt. Bữa nào bị như vậy thì sau khi về đến nhà phải trải thuốc ra ngay trên sàn nhà, phần nào bị ướt thì sấy hoặc hơ trên lửa và quạt liên tục cho kịp khô để mai đem đi bán. Trong đêm khuya, nhóm người gánh thuốc cứ lầm lủi đi như ma trơi, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng. Khi về gần đến nhà cũng chưa hết hồi hộp, vì gần khu nhà ở thì bị chó trong xóm sủa dữ dội. Đoạn gần nhà này cũng dễ bị du kích bắt vì tiếng chó sủa. Khi gánh về đến nơi, tôi gởi hai bao thuốc ở nhà cô Hợp vì nhà cô gần đường Quốc Lộ dễ đón xe, xong xuôi đi bộ về nhà rửa ráy và nằm nghỉ ngơi khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ. Sau đó đi trở ra nhà cô Hợp vác hai bao thuốc ra Quốc Lộ 1 đón xe đò đi lên bến xe Chợ Lớn bán.

    Giai đoạn chuyển thuốc từ chỗ mua về nhà không những vất vả vì phải đi ban đêm, lội suối, leo đồi… như kể trên mà còn nguy hiểm nữa, vì có thể bị du kích bắn bất tử! Tôi phải mở ngoặc ở đây để nói về đám du kích ở xã Hưng Lộc này một chút.

    Đám du kích này cũng là con em ở trong xã Hưng Lộc và trong gia đình chúng đa số cũng có người đi buôn thuốc. Chúng bắt thuốc, chuối mít… hoa màu của người đi buôn một phần nộp cho xã lập công, nhưng phần chính là chúng đưa người nhà đem bán lấy tiền riêng. Du kích xã trên nguyên tắc là những người giữ an ninh cho dân chúng trong xã, ấp… Nhưng giữ an ninh cho dân ở đâu không thấy, người dân chỉ thấy chúng chuyên môn đi chận bắt những người đi buôn để kiếm chác. Đám du kích này lúc bấy giờ có thể xem là hình ảnh của một bọn ỷ lại quyền thế hà hiếp bá tánh địa phương, ai nấy đều căm ghét.

    Tôi còn nhớ trưởng toán của đám du kích này nổi tiếng là một tên hống hách, ngang tàn vô cùng. Không biết ai đã đặt cho nó biệt danh là "Ba Chỉa". Nó là một tên thật tàn nhẫn. Mọi đường đi nẻo bước của đám con buôn chúng tôi nó rành sáu câu. Trước đó vợ nó lại là một con buôn chuyên nghiệp. Nhưng kể từ khi nó cai quản đám du kích xã thì vợ nó không đi buôn nữa, mà chỉ ở nhà liên lạc với các lái buôn ở các nơi khác đến mua hàng. Hàng ở đây là chuối, mít, hoa màu, thuốc rê… mà tên Ba Chỉa này bắt của các con buôn như chúng tôi và đem về dấu ở nhà một người bà con bên vợ ở một xã khác. Xong vợ nó chỉ việc hướng dẫn các lái buôn đến nhà người bà con này lấy hàng. Chẳng mấy chốc gia đình tên này trở nên giàu có. Càng giàu Ba Chỉa càng dẫn quân đi lùng bắt chúng tôi gắt gao hơn. Vợ chồng tôi bị tên Ba Chỉa này bắt một lần mất hết vốn. Những người đi buôn ở chung quanh xã Hưng Lộc lúc bấy giờ không ai là không oán hận tên Ba Chỉa và đám du kích này vì không biết bao nhiêu người đã phải trắng tay vì chúng. Đám du kích lại còn nổ súng bừa bãi vào những con buôn nào thấy chúng bỏ chạy, bất kể sinh mạng của người dân. Bằng chứng đã có một người đi buôn thuốc ở ấp phía trên chúng tôi bị bắn chết khi gặp chúng sợ quá bỏ chạy.

    Mấy năm sau khi tôi bỏ địa phương ấp Hưng Bình về Saigon sinh sống, tôi có nghe nói tên Ba Chỉa này bị dân đi buôn chận đánh chết ở một đoạn đường vắng khi nó trên đường đi nhậu về. Sau đó, nửa đêm họ còn kéo xác tên này ra để ngay giữa đường Quốc Lộ 1. Ban đêm xe đò chạy qua không tránh được nên cán lên xác tên Ba Chỉa, máu thịt bầy nhầy khắp cả. Ban đầu, tôi nghe tin này với thái độ bán tín bán nghi, nhưng sau đó những người quen với gia đình tôi ở ấp Hưng Bình ai nấy đều xác nhận chuyện này. Nghe tin Ba Chỉa chết thê thảm như vậy thấy cũng thương tâm, nhưng điều này đủ nói lên sự căm phẩn, thù hận của dân chúng đối với tên ác ôn này như thế nào rồi.

    -Mang thuốc từ nhà lên bến xe Chợ Lớn bán

    Khoảng 4 giờ sáng lúc trời còn tối, chúng tôi mang thuốc ra dấu vào một nơi kín bên vệ đường và đón xe đò lên bến xe chợ Lớn. Đa số những lơ xe đò đều rành đám con buôn như tụi tôi và cố dấu hàng dùm khi qua những trạm xét. Đoạn đường từ ấp Hưng Bình lên bến xe Chợ Lớn thông thường yên ổn vì trời lúc đó còn tối, chỉ có một trạm kiểm soát gần Biên Hoà, nhưng đa số xe đò đã ăn chịu với trạm kiểm soát này nên cũng đỡ. Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn bị các trạm kiểm soát "đột xuất" chận xét thì đành phải chịu. Bữa nào có trạm đột xuất thì Trời kêu ai nấy dạ!! Bữa đó coi như mất vốn! Còn nếu không có gì xảy ra thì xe đò đến bến Chợ Lớn khoảng hơn 5 giờ sáng.

    Khi chúng tôi đến bến xe Chợ Lớn, thông thường còn khá sớm. Các lái buôn từ miền Tây chưa lên tới. Chúng tôi tìm chỗ trống đặt thuốc trên đường ngay trong bến xe và mua cà phê nhâm nhi chờ đợi. Khoảng 7:00 sáng thì lái buôn thuốc theo những chiếc xe đò từ miền Tây lên đến bến. Họ sẽ đi đến thử thuốc và trả giá. Thông thường giá thuốc không thay đổi nhiều, chỉ xê xích chút đỉnh nên việc mua bán cũng rất nhanh nếu là thuốc ngon. Còn gặp thuốc dỡ rất khó bán, hoặc bán ít có lời. Đó là nếu không có chuyện gì xảy ra. Còn bình thường mỗi ngày sau khi đến được bến xe Chợ Lớn chưa phải là hết chuyện lo. Mấy Công An bảo vệ bến xe đâu có để yên cho chúng tôi buôn bán dễ dàng như vậy. Khi để thuốc xuống là con mắt chúng tôi bắt đầu ngó láo liên. Hể người nào thấy công an từ xa thì sẽ báo động cho cả đám biết để ôm thuốc di chuyển đi nơi khác. Cứ ôm thuốc chạy tới chạy lui như vậy, các lái buôn đôi khi cũng chạy theo chúng tôi đến khi nào bán được thuốc mới xong. Đôi khi bị Công An bến xe dí quá chúng tôi phải cho tiền mấy lơ xe đò dấu thuốc dùm trên xe cho đến lúc êm, mới bày ra bán lại.

    *******

    Có những kỷ niệm bây giờ mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn còn cảm thấy chua xót trong lòng. Vợ tôi thấy tôi đi mua thuốc trong Bàu Hàm, rồi suốt đêm phải gánh về tới nhà đã 2,3 giờ sáng. Chỉ ngả lưng xuống nghỉ ngơi chừng hơn 1 tiếng đồng hồ tôi lại phải thức dậy mang thuốc lên bến xe Chợ Lớn bán... Thiếu ngủ quá riết người tôi sa sút, hai tròng mắt quầng thâm đen hết. Vợ tôi lúc bấy giờ người rất ốm yếu, sức khoẻ không được tốt nhưng thấy tôi vất vả quá nên đề nghị thay tôi mang thuốc lên bến xe bán để tôi có thể ngủ thêm. Thấy như vậy cũng tốt nên tôi dẫn vợ theo lên bến xe Chợ Lớn hai ba lần, chỉ cho cách mua bán, giá cả… trước khi giao hẳn việc này cho vợ. Thế là từ đó vợ tôi mang thuốc đi bán để tôi có thì giờ ngủ thêm lấy sức chiều lại vào Bàu Hàm mua thuốc tiếp. Nhưng mọi việc đâu bao giờ thông suốt hết như chúng tôi mong đợi. Có hai kỷ niệm mà tôi khó bao giờ có thể quên được:

    Một lần chỉ mới khoảng 7 giờ sáng khi tôi còn đang ngủ thì vợ tôi đã trở về, khóc mếu máo. Tôi giật mình thức dậy hỏi có chuyện gì? Vợ tôi cho biết là thuốc đã bị bắt và bị tịch thu ở một trạm kiểm soát "đột xuất" gần Hố Nai… vợ tôi năn nỉ hết lời cũng không thả. Nên đành chịu mất vốn trở về! Nghe xong trong bụng tôi cũng buồn lắm, nhưng cũng chỉ còn biết an ủi vợ chứ còn biết làm gì hơn!

    Một lần khác, vợ tôi trở về nhà khoảng gần 10 giờ sáng, hí ha hí hửng nói với tôi rằng:
    -" Bữa nay hên quá anh ơi. Anh biết không? Bữa nay ở bến xe ai nấy đều bị Công An bảo vệ rượt chạy có cờ. Mới vừa chạy tới chỗ khác đặt thuốc xuống, chưa kịp gì hết thì lại bị rượt chạy nữa. Mình em ôm 4 cục thuốc đâu có nỗi. Em phải vác 2 cục sau lưng, ôm hai cục phía trước chạy. Tướng em nhỏ con, ôm hai cục thuốc che cả mặt em đâu thấy đường. Chạy đụng luôn vào một tên bảo vệ đang chận ở phía trước mà em đâu có biết. Nó nạt em:"Chạy đi đâu dzữ dzậy, bà nội." Khi thấy nó em hết hồn làm rớt hai cục thuốc xuống đất. Có lẽ thấy em như vậy tức cười quá, nên tha cho em chạy luôn, nếu không bữa nay mất vốn nữa rồi."

    Nhìn vẻ mặt hớn hở của vợ đang kể cho nghe tôi nghe chuyện thoát nạn không bị bắt, tôi thật xúc động. Cái cảm giác của tôi lúc đó thật khó tả. Niềm vui "thoát nạn" mà vợ tôi kể, đối với tôi có một nét bi hài đầy kịch tính mà mãi cho tới bây giờ khi ngồi viết lại, tôi vẫn cảm thấy có một điều gì đó chua xót trong lòng.

    Đi buôn chuối

    Chuyện đi mua bán thuốc rê cuối cùng không thành công như tôi đã hy vọng. Đi trót lọt 3,4 chuyến bị bắt một chuyến là lỗ cả vốn lẩn lời. Cứ như vậy riết vợ chồng cạn vốn luôn. Không còn đủ tiền để mua thuốc rê, tôi nhảy qua đi buôn chuối. Tôi phải vào những rẩy thật xa mới mua được chuối ngon. Mỗi lần tôi mua là hai quày chuối thật lớn. Khi để lên vai gánh đi, quày chuối nhiều nải gần như chạm mặt đất, như vậy mới có lời. Đi buôn chuối thì chỉ cần ra tới chợ Bàu Cá là bán được ngay cho con buôn rồi. Tuy nhiên từ những rẩy xa gánh hai quầy chuối đến nơi bán xong cũng mệt ngất ngư chứ không phải đùa vì hai quầy chuối tốt như vậy rất nặng, nhất là phải đi len lõi qua các rẫy cũng khó đi lắm chứ không phải chuyện đùa. Đã mệt như vậy lại còn mệt hơn nếu bị du kích bắt gặp thu mua. Cũng giống như đi buôn thuốc rê mà tôi kể ở trên hay buôn các loại nông sản nào khác, cứ đi trót lọt 3,4 chuyến mà bị bắt một chuyến thì lỗ cả vốn lẩn lời và từ từ thì hết vốn… Tôi bị như vậy riết hết tiền phải đành bỏ cuộc.

    Làm lò đường.

    Đi buôn bị mất hết vốn, tôi đành phải tiếp tục làm rẫy sống lây lất qua ngày. Thành thật mà nói, lúc này tôi đã quá nãn rồi. Tôi bàn với Má tôi bỏ hết tất cả về Saigon tìm cách khác sinh sống, không luyến tiếc gì nữa hết. Ở thành phố lớn hoạ may tôi còn tìm cách mua bán hoặc làm việc nào khác kiếm tiền được. Cùng lắm là ra đứng chợ trời như mấy đứa bạn của tôi. Má tôi cũng thấy sự bế tắc ở địa phương này, nhưng khi nhìn lại mấy đứa em tôi còn nhỏ quá, Bà không dám mạo hiểm. Bà lo sợ cũng đúng. Cả nhà 10 người không tiền bạc, nhà cửa dắt díu nhau về Saigon đâu phải là một chuyện dễ dàng. Cứ dùng dằng như vậy hoài cuối cùng Má tôi không dám bỏ đi mà tôi cũng không thể dẫn vợ con đi trong khi Má và mấy đứa em như thế. Khoảng thời gian này mỗi bữa cơm, gia đình tôi phải ăn độn với khoai, bắp và ngay cả độn với chuối nữa. Nhớ lại giai đoạn này thật thê thảm! Lúc bấy giờ ở ấp Hưng Bình, có một lò đường mới mở và chủ lò đang cần người đứng "che" ép mía. Công việc này cần đến 3 người. Tôi rũ cậu tôi và anh bạn ở địa phương xin làm việc đứng "che" ở lò đường này. Thế là mỗi chiều khi mặt trời vừa lặn, tôi và cậu tôi cùng anh bạn đến lò đường làm việc.

    Nói về công việc ở lò đường thì có thể tóm tắt như sau:

    Sau khi thu hoạch, mía được chở về chất thành từng đống ở khoảng sân rộng trước lò đường. Mía đem về phải ép ra nước nấu ngay, nếu để trể mía nằm phơi nắng trên sân 2,3 ngày sẽ bị mất đường nhiều lắm. Không biết ở những nơi khác việc nấu đường làm vào ban ngày hay ban đêm? Còn ở địa phương này việc nấu đường chỉ làm vào ban đêm.

    Nhóm thợ nấu đường thông thường đi chung với nhau một nhóm gồm một thợ chính, một thợ phụ và mấy thợ đổ khuôn. Thợ chính và thợ phụ nấu đường thường là đàn ông, còn thợ đổ khuôn là đàn bà. Thợ chính và thợ phụ chịu trách nhiệm nấu nước mía thành đường. Thợ giỏi hay dỡ là ở chỗ này. Phải biết nhìn khi nào đường vừa chín, nếu không thì đường hoặc còn non hoặc lại quá chín, đường sẽ mất giá. Sau đó thợ chính sẽ múc ra một cái chảo thật to và dùng một cái dầm giống như dầm chèo ghe đánh đều tay đến khi đường thật "tới". Nhìn tay thợ chính đánh đường tôi không khỏi khâm phục, vì đường lúc đó rất nóng, chỉ cần một giọt văng vào người là tuột da ngay. Vậy mà anh ta đánh không cần nhìn vào chảo cũng không văng ra ngoài một chút nào cả. Trong đêm khuya tiếng đường đánh vổ vào thành chảo nghe lớn như tiếng trống. Sau đó thợ đổ khuôn mới đổ vào những khuôn nhỏ để cho nguội cho ra những tán đường xinh xắn chờ trời sáng lái buôn tới mua.

    Những người ép mía ra thành nước mía để thợ nấu gọi là "thợ che". Đây là nhiệm vụ của chúng tôi. Máy ép mía gọi là "che", một lần có thể đút cả bó mía với cả chục cây mía lớn vào miệng "che". Đứng đút mía vào máy gọi là "cho che ăn". Công việc này là công việc "cu li" hoàn toàn không cần kỷ thuật gì hết, ai cũng có thể làm được và là một công việc rất vất vả, nhất là phải làm suốt đêm. Ba người "thợ che" chúng tôi thay phiên nhau làm những công việc như sau:

    Một người đứng "cho che ăn" để ép ra nước mía cho thợ nấu, một lần ôm cả bó mía đút vào miệng "che"như đã nói ở trên. Công việc khá nặng nhọc và khá nguy hiểm vì làm suốt đêm. Buồn ngủ hay không cẩn thận thì dễ đút luôn bàn tay vào họng "che" bị máy nghiền nát nguyên bàn tay như chơi. Đã có người bị tai nạn này rồi.

    Người thứ hai vác mía từ ngoài vào để người đứng máy "cho che ăn". Che ăn rất lẹ và liên tục như vậy nên vác mía từ ngoài sân vào muốn đủ cho che ăn là một việc rất nặng nhọc, nếu không thì sẽ không đủ nước mía ép ra cho thợ nấu… làm trở ngại việc nấu đường. Công việc của người thứ hai này nặng nhọc nhất vì muốn bảo đảm đủ mía cho "che ăn" thì thông thường phải vác 2,3 bó mía một lần. Đôi khi từ đống mía ngoài sân vào máy "che" khá xa. Cứ phải đi ra đi vào vác mía liên tục như vậy cho đến khi hết phiên của mình. Khi đến phiên tôi vác mía, tôi đã tập được thói quen vừa ngủ vừa vác mía. Từ đống mía trước lò đường đến máy "che", tôi vác 2,3 bó mía trên vai vừa đi vừa nhắm mắt ngủ trong khoảng mấy giây, mở mắt ra là đến ngay chóc chỗ máy "che". Bỏ mía xuống, tôi đi trở ra đống mía cũng với tư thế vừa đi vừa nhắm mắt cho đến khi tới đống mía. Cúi xuống vác 2, 3 bó mía lên vai, lại vừa đi vừa nhắm mắt đi trở vào máy "che"… Nghe ra thì thấy lạ, nhưng làm ở đây một thời gian, cả 3 người chúng tôi ai cũng làm được điều này cả. Chứ làm việc nặng nhọc như vậy suốt đêm ai mà chẳng buồn ngủ và không mệt cho được.

    Người thứ ba ngồi ở sau máy "che", tay liên tục cào bả mía tuôn ra từ họng "che" xuống một cần xé. Khi đầy thì thay vào một cần xé khác vào, sau đó vác cần xé đầy bả mía đi ra đổ vào một đống riêng biệt. ( Bả mía này phơi trên sân 1,2 ngày để cho thợ dùng thế củi đốt nấu đường. ) Công việc của người thứ ba này tương đối nhẹ hơn hai người kia vì được ngồi, tuy nhiên cũng phải làm liên tục không ngừng, vì chỉ ngưng tay một chút là bả mía phía trước sẽ tuôn ra đầy dưới đất hết.

    Đơn vị nấu đường người ta tính bằng "thí". Một thí đường có thể cho ra từ 19, 20 …hoặc 23, 24 kí lô đường tán tuỳ theo độ ngọt của mía và mía có nhiều nước hay không? Cả ba người chúng tôi thay phiên nhau đứng cho "che" ăn liên tục đến khi nước mía ép ra đủ một "thí" đựng trong một cái chảo lớn ( loại chảo trong quân đội dùng nấu cơm cho lính ăn) sẵn sàng cho thợ nấu "thí" đường kế tiếp. Nếu chúng tôi ép ra nước mía đầy chảo mà thợ vẫn nấu chưa xong thí đường trước đó, thì chúng tôi được nghỉ ngơi một lúc. Khoảng thời gian này rất quí đối với ba người thợ che chúng tôi và chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội này… ngả lăn ra sát máy che ngủ một giấc ngắn ngay. Tôi còn nhớ lúc đó mỗi một "thí" nước mía ép ra như vậy, chúng tôi mỗi người được trả 1 đồng. Mỗi đêm chúng tôi lãnh được khoảng 23, 24 đồng và một lon gugoz nước đường non chủ mía cho đem về nhà. Thời điểm đó vào khoảng cuối năm 1979.

    Làm lái mía

    Làm lò đường được một thời gian thấy vất vả quá, tôi lại năn nỉ xin bà Dì giúp vốn một lần nữa, rồi rủ anh bạn làm cùng đi mua mía về mướn thợ nấu ra đường bán. Nghĩ rằng người ta làm được thì mình sẽ làm được thôi. Vả lại sau một thời gian làm lò đường, ít nhiều gì chúng tôi cũng hiểu được cách thức bằng cách học lóm kinh nghiệm từ những tay lái mía chuyên nghiệp… nên hai đứa chúng tôi quyết định bắt tay nhau làm lái mía. Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy cũng không đơn giản và cũng không kém phần vất vả. Chúng tôi đâu có nhiều tiền nên chỉ có thể mua những đám mía nhỏ mà thôi. Những đám mía ở gần chung quanh xã, các lái mía có máu mặt trong xã đã bỏ tiền mua trước từ lâu. Chúng tôi phải lội đi tìm mua mía ở các rẫy thật xa. Đôi khi lội đi cả 2,3 ngày cũng không mua được mía. Đến khi tìm được đám mía vừa túi tiền thì chủ mía lại không đồng ý giá cả nên cũng như không.

    Tôi còn nhớ kinh nghiệm học lóm được của các lái mía kỳ cựu khi còn làm ở lò đường như cách phân biệt những độ ngọt khác nhau của mía. Độ ngọt nào sẽ cho ra nhiều đường… và cách tính một đám mía sẽ cho ra bao nhiêu thí đường… Có thể tóm tắt như sau: Khi tôi tìm được đám mía vừa ý, trong khi vừa đi chung quanh đám mía ngắm ngía vừa nói chuyện giá cả với chủ mía, tôi bẻ một cây mía ăn. Thật ra ăn mía ở đây là để thử xem độ ngọt của mía. Dĩ nhiên mía càng ngọt thì mới cho ra nhiều đường được, tuy nhiên nếu ngọt gắt quá thì lại mất nước... Nếu ăn mía vị ngọt lịm và để lại cảm giác rít rít ở miệng và cây mía to, tròn trịa, da bóng và thân cây mía dài thì tốt nhất. Vừa cho ra nhiều đường, vừa được nhiều nước. Trong khi đi như vậy, tôi đã âm thầm đếm bước đi chung quanh đám mía, quan sát xem những bụi mía bên trong dầy hay thưa, một bụi mía khoảng bao nhiêu cây… để có thể tính được đám mía này cho ra khoảng bao nhiêu thí nước mía. Những ai đã từng trồng mía trước đây đều biết rằng mùa đầu tiên mía không nhảy ra nhiều cây, vì gốc mía sau khi gieo xuống mỗi "mắt" chỉ lên một cây mà thôi. Đến mùa thứ 2, thứ 3 mỗi gốc mía mới nhảy thêm ra nhiều cây khác, đám mía mới dầy và nếu đất tốt cây mía cũng vẫn lên cao, mập mạp, to tròn. Tuy nhiên đến mùa thứ 4, thứ 5 mặc dù mía nhảy thêm nhiều cây, nhưng cây mía sẽ ốm, còm cõi hơn cũng không cho nhiều nước nữa. Đại khái là như vậy.

    Sau khi ngã giá mua được mía rồi, chúng tôi liên lạc với chủ lò đường để hẹn ngày nào nấu ra đường. Những lò đường vào mùa thu hoạch này thông thường rất bận rộn nên phải lên danh sách thứ tự để chủ mía biết ngày mà thu hoạch mang mía về lò. Điều này rất quan trọng, vì nếu mía thu hoạch về sớm quá nằm phơi trên sân chừng 2,3 ngày sẽ bị mất nước và như vậy số lượng đường sau khi nấu ra sẽ giảm nhiều lắm. Trong khi chờ đợi tới phiên mình, chúng tôi trả hết tiền cho chủ mía và gởi mía lại trên rẫy cho đến ngày lò đường dành riêng cho chúng tôi mới dám đốn mía để tránh việc mía bị mất nước. Đến ngày hẹn với lò đường, chúng tôi mướn thêm người chặt mía phụ và mướn máy cày có rờ mọt kéo mía về đổ đống trước lò đường để đêm đến thợ sẽ nấu ra đường. Sau đó lái buôn tới tận lò mua ngay. Qua nhiều giai đoạn vất vả như đã kể, công việc làm lái mía của chúng tôi nói chung cũng có lời dù không nhiều, nhưng cũng đỡ hơn lúc còn làm công việc đứng cho "che ăn" lúc trước.

    Tuy nhiên nếu mọi việc cứ suông sẻ như vậy thì đâu còn gì phải nói. Chúng tôi làm được mấy chuyến có lời, nhưng những chuyến sau thì lỗ te tua. Lý do lỗ không phải vì chúng tôi không biết cách mua mía hoặc mua giá mắc… mà vì bị đám chính quyền địa phương chèn ép. Trong các đám lái mía máu mặt ở xã Hưng Lộc lúc bấy giờ, có mấy tên trong đám chính quyền địa phương thấy hai đứa tôi mua mía về làm ăn được nên chúng sợ bị cạnh tranh phá giá của chúng. Đồng thời trong khi đi mua mía, chúng chèn ép giá với chủ mía nên chủ mía không bán và quay qua bán cho chúng tôi, vì thế chúng tức nên tìm cách chơi. Khi tôi và anh bạn mướn máy cày chở mía mua được mang về đổ trước sân lò đường, lẽ ra ngay đêm đó thợ sẽ nấu ra đường cho chúng tôi như đã hẹn. Mấy tên địa phương dùng quyền lực ép chủ lò đường phải chạy máy ép mấy đám mía của bọn chúng trước. Khi chúng tôi phác giác ra điều này có đến gặp chủ lò đường khiếu nại thì ông ta cũng không làm gì khác hơn ngoài việc xin lỗi chúng tôi và hứa sẽ làm ngay cho chúng tôi sau khi xong đám mía của mấy tay chính quyền địa phương đó. Khổ nỗi mấy đám mía của mấy tay này rất nhiều! Khi làm xong cho bọn chúng cũng mất hết 5, 6 ngày, đôi khi hơn cả tuần. Khoảng thời gian này đủ cho mía của chúng tôi phơi trên sân thất thoát rất nhiều đường. Lỗ là vì vậy! Bị mấy tay chính quyền này chơi mấy cú như thế, không đợi ai bảo chúng tôi cũng tự bỏ nghề!

    *******

    Khi tôi còn ở địa phương ấp Hưng Bình ngoài những chuyện kể trên ra, vì tôi là thành phần chế độ cũ, nên thỉnh thoảng chính quyền địa phương còn gởi giấy yêu cầu tôi nay đi khai quang trên xã, bữa khác vác cuốc đi làm cỏ cho "gia đình neo đơn" có công với Cách Mạng…. Mỗi năm ở xã lại còn bắt buộc đi lao động xã hội chủ nghĩa 15 ngày "Góp phần xây dựng đất nước"…v…v… Dĩ nhiên đi lao động như vậy phải tự túc mang cơm nhà theo ăn! Cứ như vậy hoài trong khi nhà thì thiếu ăn, con gái tôi sinh ra thì thiếu sữa… thử hỏi làm sao gia đình tôi có thể tiếp tục sống ở địa phương này cho được.

    Giữa năm 1980, gia đình tôi quyết định bỏ ấp Hưng Bình về Saigon tá túc nhà bà Dì sống lây lất không hộ khẩu, sau khi không còn chịu đựng nỗi cuộc sống ruộng rẫy và sự bất công chèn ép của chính quyền địa phương… Chúng tôi còn trãi qua nhiều biến chuyển khác… cho đến nay đã 29 năm. Nhanh thật! Đôi lúc nhớ lại giai đoạn khổ cực tủi nhục này, lòng tôi vẫn còn pha trộn nhiều cảm xúc. Thời gian trôi qua tuy có làm nguôi ngoai niềm uất hận, nhưng sự chua xót thì vẫn còn đó mỗi khi để hồn mình tìm vể những kỷ niệm xưa. Tôi đã nhiều lần so sánh và suy gẩm: Một con sông dù đẹp đến đâu đi nữa, trước khi đến được khúc sông bằng phẳng êm đềm, chẳng phải có lúc nó đã trôi qua nhiều đoạn gập ghềnh giống như những thăng trầm của một đời người đó sao? Tôi đã có dịp ngồi hàng giờ bên giòng sông Yarra lúc đi qua Úc. Con sông mà tôi từng khen ngợi và lưu lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp đẽ. Vẻ đẹp của đoạn sông Yarra mà tôi chiêm ngưởng bên thành phố Melbourne thơ mộng lúc đó có lẽ là khoảng đẹp nhất của cả con sông này. Tuy nhiên mấy ai bận tâm tìm hiểu trong suốt chiều dài 242 cây số quanh co uốn khúc của nó, sông Yarra đã từng đi qua biết bao đoạn lên thác xuống ghềnh, quanh co chật hẹp… trước khi chảy ngang qua thành phố Melbourne tạo thành một cảnh quan tuyệt vời để cho người đời và tôi ngồi chiêm ngưởng!

    Có lẽ tôi đã không viết lại những kỷ niệm kể trên nếu như không có lời yêu cầu của con trai tôi ngày hôm đó. Tất cả giờ đã qua rồi, những chuyện ở ấp Hưng Bình, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Nếu có nhớ lại, chẳng qua chỉ để ôn lại một quãng đời vốn nhiều "trầm " hơn "thăng" của tôi. Thế thôi! Tuy nhiên cảm xúc của con trai tôi khi nghe tôi kể, khiến tôi suy nghĩ và thấy viết lại chuyện cũ cũng là một điều hay. Ít ra để thế hệ con, cháu tôi sau này biết được một quãng đời của Ba Mẹ, Ông Bà chúng. Đã có lúc cũng giống như một giòng sông, phải trải qua những quanh co gập ghềnh, trước khi đến được khoảng sông êm đềm đẹp đẽ cho chúng có dịp ngắm thưởng…
    Và hy vọng từ đó con, cháu tôi biết trân quý những gì đang có được.



    Vĩnh Khanh

    Phố Đá Tròn, Tháng Tư Đen 2009


    Trích từ : www.phodatron.net
    Last edited by Phòng Trực; 01-25-2013, 10:11 AM.

  • #2
    Cám ơn anh Khanh đã nhắc lại một quãng đời kham khổ , anh viết rất thật , thật cho anh và cũng thật cho chính tôi . Sau khi ra tù năm 1981 tôi cũng bỏ Sài Gòn lập nghiệp ở Lộc Ninh Hớn Quảng . Trồng cây gì hay nuôi con gì cũng đều bị sạt nghiệp , khi bắt đầu trồng trọt thì giá cả cao , nhưng đến khi đến lượt mình thu hoạch thì không biết bán cho ai ...anh buôn thuốc rê còn tôi thì buôn thuốc Jét , cứ 3 chuyến lọt thì kiếm được 300.000 , chuyến thứ tư bị du kích chận giữa rừng cướp trắng thì vốn lời 3 hôm đều mất trắng ...đó là kiếp nạn chung cho toàn dân không ai tránh khỏi dưới ách bao tàn cộng sản anh ạ .

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X