Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Còn đó niềm đau

Collapse
X

Còn đó niềm đau

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Còn đó niềm đau

    CÒN ĐÓ NIỀM ĐAU
    Vi Vân

    Tôi vừa xem một đoạn trong phim “Last Day In Việt Nam”. Những hình ảnh di tản hãi hùng, hỗn loạn của Sàigòn vào ngày 29 tháng 3-1975 và sáng ngày 30-4-75, cảnh dân Việt Nam chen lấn, giành giựt nhau để được lên máy bay, lên tàu Mỹ hầu chạy trốn Cộng Sản, cảnh la hét, níu kéo, kêu réo, đạp lên nhau để đi tìm sự sống thật đau lòng. Có những người bị bỏ lại sau cánh cổng của Toà Đại Sứ Mỹ, có những người bị rơi xuống biển khi sắp sửa bước lên tàu Hoa Kỳ… Một hình ảnh khác xúc động không kém là hình ảnh của một số sĩ quan, binh lính Việt Nam theo lệnh của Đại Tá Hải Quân Đỗ Kiểm đã kéo cờ Việt Nam “cờ vàng ba sọc đỏ” lên và hát Quốc Ca Việt Nam lần cuối trước khi hạ cờ xuống để kéo cờ Hoa Kỳ lên. Những tiếng hát hùng hồn xen lẫn đau xót và nước mắt của những người vừa mất nước, mất quê hương đang sắp sửa bước vào đời lưu vong chưa định hướng đã làm tôi rơi nước mắt:

    “ Nầy công dân ơi, Quốc Gia đến ngày giải phóng.
    Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống…”

    Ôi! Dù các anh không tiếc gì thân sống, sẵn sàng hy sinh, chiến đấu cho quê hương nhưng các anh cũng không giữ được mảnh giang sơn yêu dấu của các anh. Một chánh thể, một chế độ, một quân lực hùng hậu dũng cảm như QLVNCH mà phải bị bức tử, tan nát trong ngỡ ngàng, đau đớn.

    Đã 40 năm rồi, niềm đau mất nước chưa phai nhạt. Cứ mỗi lần hoa đào rụng rơi lả tả trong gió cuối Xuân, nắng vàng trãi đầy khắp nẻo để bước vào tháng Tư là lòng tôi chợt ngậm ngùi, xót xa nhớ về những ngày tháng đó….

    Khoảng thời gian trước năm 1975, tôi đang sống ở Cần Thơ với đứa con gái hai tuổi còn chồng tôi thì phục vụ cho Sư Đoàn 21 Bộ Binh thường ở Bạc Liêu - Cà Mau, anh đi hành quân liên miên rất ít về thăm nhà. Thương chồng tôi chấp nhận cuộc sống làm vợ một chiến binh như bao thiếu phụ khác, luôn dõi mắt về phía trời xa để mong đợi một người, lo lắng hồi hộp ngày đêm khi nghe tiếng súng vọng về, khi những ánh hỏa châu sáng rực ở một góc trời, khi những chiếc trực thăng hạ cánh tải thương về…

    Vào những ngày đầu năm 1975 tình hình chiến sự căng thẳng, sôi sục khắp nơi, những cuộc di tản từ miền Trung về Nam làm lòng mọi người hoang mang hoảng sợ. Tin mất Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuột… liên tiếp bay về, hình ảnh xác người ngập đầy trên quốc lộ 1, trên đường số 7, trên đường 13… làm chấn động tim tôi. Tôi lo lắng không biết miền Nam sẽ ra sao, chồng tôi sẽ ra thế nào? Không có tin tức gì về anh cả. Tôi cầu nguyện cho anh, cho bạn bè anh, cho đất nước đừng rơi vào tay Cộng Sản.

    Chiều ngày 28 thángTư, mấy người bạn tôi có chồng là Hải Quân, Không Quân bảo tôi hãy chuẩn bị sẵn sàng để chạy loạn. Tôi hỏi họ:

    - Chạy đi đâu bây giờ?

    - Chạy ra tàu Mỹ đang ở ngoài khơi để sang Mỹ hoặc lên máy bay, bay sang Thái Lan…

    Không, tôi không thể đi đâu được, tôi phải đợi chồng tôi về. Rồi ngày 29 tháng Tư trôi qua trong bầu không khí vô cùng căng thẳng. Sáng ngày 30 tháng Tư khi tôi đang pha ly sữa cho con tôi thì tin tức phát ra từ radio, lời của ông Dương Văn Minh ra lệnh cho binh sĩ VNCH buông súng để bàn giao với bên kia. Tôi buông ly sữa rơi xuống đất, sững sờ, chết lặng. Tôi không biết mình có nghe lầm chăng? Vậy là sao? Chúng ta thua rồi sao? Dù tình thế không cho phép tôi lạc quan nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng VNCH sẽ thua cho VC. Rồi đây chúng ta sẽ ra sao? Làm thế nào?

    Tôi vội chạy ra cửa nhìn ra đường. Quang cảnh lúc bấy giờ thật hỗn loạn xe hơi, xe gắn máy, người đi bộ chạy rầm rập, ai cũng lo mau về nhà. Có vài chiếc xe hơi, xe jeep đang chạy đột nhiên ngừng lại, những người trên xe nhảy xuống chờ… và trực thăng đang bay trên cao bỗng xà, đáp xuống bốc những người đó rồi bay đi… tôi đứng như khúc gỗ nhìn theo không còn cảm giác, không biết phải làm gì, không tính toán được gì. Tôi chợt nghĩ đến chồng tôi, anh ơi! Giờ nầy anh đang ở đâu? Em phải làm sao đây?

    Bác hàng xóm kế nhà tôi nói:

    - Cô ơi, lo kiếm đường chạy đi. Ông Minh đầu hàng rồi, sống với VC không nổi đâu.

    - Không được bác ơi! Cháu phải chờ chồng cháu về.

    - Cô cứ lo đem con đi trước, chú về sẽ đi sau mà.

    Nhưng tôi không thể đi và cũng không biết phải đi đâu vì không có anh bên cạnh, tôi như kẻ không có tay chân, đầu óc. Thôi thì mặc cho số phận, tôi sẽ đợi anh về, sẽ cùng anh chia xẻ khổ đau, nhục nhằn sắp sửa đổ xuống đầu chúng ta.

    Rồi ngày 30 tháng Tư đã qua, hai ngày, ba ngày, bốn năm ngày… một tuần lễ sau anh vẫn chưa về. Hằng ngày loa phóng thanh của VC cứ kêu gọi anh em binh sĩ chế độ cũ đi “học tập” làm tôi xốn xang trong dạ, càng lo lắng hơn khi có tin một số sĩ quan, binh sĩ ta không chịu quy hàng đã trốn vào trong rừng chờ phản kháng… Tôi không ăn, quên ngủ, khóc suốt ngày đêm, tìm đủ cách mà không thể biết một chút tin tức gì về chồng mình. Đến ngày thứ mười, một anh lính của chồng tôi đến báo tin:

    - Cô ơi! Ông thầy đã chết rồi, không tìm thấy xác. Em bị thương trốn tránh được nên mới thoát nạn, em cố hỏi thăm, tìm kiếm nhà cô may mà gặp được cô để báo tin buồn nầy.

    Tôi ngã qụy xuống trong nỗi đớn đau cùng cực, trước mắt tôi mọi vật bỗng trở nên đen tối, âm u, quay cuồng gần như muốn sụp đổ. Chú lính đỡ tôi lên, chờ cho tôi hồi tỉnh chú mới bắt đầu kể về trận đánh cuối cùng của đơn vị anh gần sông Ông Đốc ở Cà Mau. Khi ấy chú đã bị thương, đau đớn nằm trong một lùm cây chịu đựng vì không còn chạy được. May mắn là VC đã bỏ đi không khám xét kỹ nên chú mới còn sống sót. Chính chú đã nhìn thấy chồng tôi gục ngã và rơi xuống dòng sông mà không làm gì giúp cho anh được. Tôi vô cùng đớn đau, tuyệt vọng chỉ muốn chết theo chồng thôi nhưng bỗng nghĩ đến con còn nhỏ dại, nếu tôi chết rồi thì con tôi sẽ ra sao? Tôi không thể bỏ con, tôi phải sống dù sống trong đau khổ triền miên.

    Tôi đã xuống tận Cà Mau nơi chú lính kể đã xảy ra trận đánh lần đó để dò thăm tin tức may ra có ai thấy được xác chàng chăng, nhưng không có kết quả gì cả. Tôi về nhà lập bàn thờ, để tang cho chồng và bắt đầu sống với những ngày tháng buồn đầy nước mắt.

    Ba tháng sau, vào một đêm có người gõ cửa nhà. Tôi ra mở cửa, còn nỗi sung sướng bất ngờ nào hơn khi thấy chồng tôi đứng sừng sững trước mắt, hai đứa ôm nhau mà đầm đìa ngấn lệ. Anh theo tôi vào nhà, nhìn bàn thờ mà lắc đầu thương cảm:

    - Tội nghiệp em quá, người vợ đáng thương của anh.

    Anh kể lại khi anh bị thương và rơi xuống sông, anh còn chút sức lực cố bơi đến một khúc sông có nhiều cây cối, anh đã núp vào một gốc cây to và mặc cho định mệnh đưa đẩy. Số anh chưa tận tuyệt nên anh đã được hai vợ chồng người bán ghe củi cứu vớt. Khi nghe tin ông tướng Minh đã đầu hàng họ âm thầm lo thuốc men và giấu anh dưới ghe củi. Ông bà cũng có hai người con trai, gái 13 và 15 tuổi cùng ở chung trên ghe. Anh dần dần khỏe lại và đã trở thành người bán củi cùng gia đình ân nhân. Anh dặn tôi cứ để mọi người chung quanh (trừ gia đình) nghĩ rằng anh đã chết, anh sẽ tìm cách đưa hai mẹ con tôi trốn ra nước ngoài. Thỉnh thoảng anh sẽ ghé qua thăm mẹ con tôi cho đến lúc đi được. Dặn dò xong mọi thứ anh hôn vợ con rồi trở về ghe củi để không ai nhìn thấy anh.

    Từ đó tôi bắt đầu cuộc đời gian nan, thống khổ dù chồng không bị đi tù nhưng tôi cũng như những chị em có chồng đi tù vậy. Tôi là một giáo chức cũng bị CS bắt đi “học tập chính trị”. Thật sự khi vào phòng học chỉ ngồi nghe tên cán bộ giáo dục chửi “bọn Mỹ Nguỵ”, sau đó hắn bắt chúng tôi cho ý kiến và ý kiến đó chỉ là lặp lại những lời của hắn và phải nguyền rủa Mỹ Ngụy thêm mới gọi là học tập tốt. Thật ngán ngẫm tình đời có những người bạn rất thân thiết, đầy tình nghĩa với mình ngày nào mà giờ cũng quay lưng, trở mặt tố khổ, chà đạp mình không chút xót thương. Mỗi lần phát biểu ý kiến tôi ngồi lặng thinh cho đến khi bị tên VC kêu đích danh tôi mới đứng lên ấp úng:

    - Tôi… không có ý kiến gì cả.

    Tên cán bộ vỗ bàn:

    - Tại sao không có? Chị đừng tưởng tôi không biết gì nhá. Chị là vợ ngụy, chị không biết cải thiện, không học tập tốt, không biết hối cải để theo về với cách mạng thì đừng hòng chồng chị được thả về sớm.

    Ngày nào tôi cũng bị hắn xài xể, mắng nhiếc thậm tệ như thế. Tôi cảm thấy nhục nhã, tủi thân vô cùng nên tôi đã quyết định trốn về nhà dù chưa xong khóa học. Cũng may mắn là không ai truy cứu, tra xét gì về việc nầy. Đến hai năm sau khi cô em gái tôi lên Ty Học Chánh lãnh lương cô mới thấy tên tôi vẫn còn trên bảng danh sách lương hằng tháng. Riêng tôi, tôi theo các chị em cùng cảnh ngộ ra chợ trời chạy xuôi ngược để kiếm tiền sinh sống và chờ đợi…

    Mãi đến năm 1980 chồng tôi mới thực hiện được ý nguyện. Chàng đã đổi chiếc ghe củi nhỏ thành chiếc ghe lớn hơn và khi thời cơ đến chàng về đón mẹ con tôi cùng đi. Chúng tôi không đi theo đường từ Cà Mau ra biển vì nếu đi đường đó sẽ gặp hải tặc Thái Lan, đôi khi họ thủ tiêu tất cả người Việt Nam sau khi cướp của. Chúng tôi len lỏi sang đến Vĩnh Long bán củi và ra biển từ sông Tiền Giang nên đã đến hải phận của Indonésia.

    Nhưng khi ghe của chúng tôi đến được hải phận của Indonésia thì bị sóng gió vùi dập tưởng đã vùi thân dưới lòng đại dương rồi. Thật may mắn, chúng tôi đã tấp được vào một hòn đảo nhỏ. Thoạt đầu tưởng là hoang đảo nhưng ngay khi chúng tôi dìu dắt nhau lên bờ thì có một người Indonesian bơi ghe đến nói chuyện với chúng tôi. Anh ta nói đảo nầy tên là Paulaulaut, tuy tiếng Anh của anh ta không được lưu loát nhưng chúng tôi cố gắng nghe, nhìn dấu tay cũng đoán được anh ta muốn gì. Anh ta nói ở cuối đảo có một cái chợ và dân chúng ở rất đông, muốn tới đó phải đi xuyên qua đường rừng mà chỉ có người địa phương mới biết con đường độc nhứt đó thôi và anh bảo chúng tôi cho anh một ounce vàng anh sẽ dẫn đường đi.

    Chúng tôi bàn bạc với các người cùng đi trên tàu, tuy số tiền có thể chấp nhận nhưng ai cũng ngại phải lấy vàng ra vì họ giữ rất kín đáo. Chị bạn tôi lấy trong túi ra một chiếc lắc vàng khoảng 8 chỉ và đồng ý đưa cho anh ta và các người trên tàu hứa sẽ cùng chia xẻ với chị khi đến chợ. Khi chúng tôi đến nơi có chánh quyền địa phương tiếp đón và cho chúng tôi được trú ngụ trong một ngôi nhà tôn rộng, không có cửa chánh. Cùng lúc ấy cũng có một chiếc tàu khác vừa cặp bến như chúng tôi nên họ cho tất cả bơn tôi được ở chung. Có một điều đặc biệt là trên vách của ngôi nhà có viết nhiều chữ Việt Nam của những người đi trước đã từng ở đây nhắn lại với những kẻ đến sau. Những lời nhắn đó là “các bạn nên lưu ý, cẩn thận. Người Indo sẽ đốt đèn măng xông thật sáng, bảo rằng cho sáng suốt đêm nhưng đúng 12 giờ đêm hết dầu, đèn tắt và chúng tràn vào giựt đồ”. Nghe xong tôi kêu một cô bạn cùng tôi ra tiệm tạp hóa gần đó mua ít thức ăn và hai cây đèn dầu với đầy dầu lửa. Chúng tôi phân công từng tốp người thay phiên nhau ngủ và canh gác. Quả đúng như vậy, đúng 12 giờ đèn tự nhiên phụt tắt, chúng tôi nhanh nhẹn đốt ngay hai cây đèn dầu lên và lúc đó nghe nhiều tiếng cười hô hố bên ngoài rồi chúng tràn vào cửa chánh. Trong nầy đã được sắp xếp sẵn nên khi chúng vừa bước vào các thanh niên VN dùng cây nện vào đầu chúng liên tục, bọn chúng ôm đầu chạy ra hết. Kể ra người Indonesian cũng hiền chớ nếu gặp Thái Lan chắc có lẽ họ thủ tiêu chúng tôi mà chẳng ai hay biết.

    Qua đêm hãi hùng đó chúng tôi theo tàu chở dừa khô của người bản xứ đến được đảo Sedanau, nơi đây đã có đại diện của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc. Ở đó khoảng mười ngày nhưng rất vất vả vì thiếu thốn, chúng tôi chỉ được phát gạo thôi thức ăn tự mua lấy, ai không có mang đô la và vàng theo thì chỉ có cơm và muối thôi. Khoảng 10 ngày sau chúng tôi được chuyển sang đảo KuKu, nơi đây chúng tôi được đại diện Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đối xử khá hơn. Chúng tôi được phát gạo, thịt hộp, đường, đậu, trứng và có văn phòng bác sĩ, có nhà thờ và chùa do những người dân tị nạn cùng lập ra, dù thật đơn sơ nhưng cũng có chỗ để những thuyền nhân được có chỗ nương tựa tâm linh.

    Một tháng sau chúng tôi được chuyển từ đảo KuKu sang đảo Galang. Ở đây hoàn cảnh khá hơn nhiều vì có mặt trực tiếp của đại diện các quốc gia tự do như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp… Tại đây chờ theo tuần tự, chúng tôi được phái đoàn Hoa Kỳ trực tiếp phỏng vấn vì chồng tôi là Sĩ Quan của Việt Nam Cộng Hoà với đầy đủ giấy tờ chứng minh, còn tôi cũng là công chức nên chúng tôi đã được chấp nhận cho vào nước Mỹ không khó khăn gì.

    Cuối năm 1980 chúng tôi được đến nước Mỹ và định cư tại miền Nam California. Cuộc sống đã tạm yên, chúng tôi cũng gặp lại một số bạn bè cũ. Rồi chúng tôi quay cuồng theo cuộc sống trên đất Mỹ, ngày tháng trôi qua thật nhanh, phút chốc mà đã mấy mươi năm rồi, tóc xanh ngày xưa đã bạc màu theo năm tháng nhưng tôi cứ nghĩ như mới hôm nào…

    Mỗi lần tháng Tư về chợt nhớ lại những ngày tang thương, thống hận đó lòng tôi dâng lên một niềm xót xa đau đớn. Những người thân, những bạn bè cũ của tôi ra sao, còn hay mất? Giờ đây ngồi nhìn đoạn phim chiếu lại những ngày tháng đó tôi bỗng rưng rưng nước mắt. Bài Quốc Ca hùng hồn của các anh chiến sĩ trong phim như thấm vào từng đường gân, mạch máu của tôi:

    “ …Dù cho hy sinh trên gươm giáo, thề quyết lấy máu đào đem báo…”

    Ôi! Hồn thiêng sông núi như còn văng vẳng đâu đây, anh linh của những người đã nằm xuống vì quê hương, tổ quốc như còn dật dờ trong mây gió. Ôi Việt Nam! một giống nòi luôn ngẩng cao đầu ngạo nghễ với những giòng lịch sử oai hùng: Một Bạch Đằng Giang tiêu diệt quân Nguyên khiến Thoát Hoan tả tơi chạy về nước, một Thăng Long thành đại phá quân Thanh làm Tôn Sĩ Nghị hồn phi phách tán, một Bình Long, An Lộc anh hùng kiêu dũng, một cổ thành Quảng Trị với cờ vàng tung bay phất phới đã chiếm lại bằng xương máu của chiến sĩ… và còn biết bao nhiêu trận chiến oai hùng lừng lẫy của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã nói lên chí kiên cường, lòng bất khuất của quân dân ta từ ngàn xưa tới nay.

    Nhưng rồi dãy giang sơn gấm vóc dấu yêu đó đã xa chúng ta muôn trùng dịu vợi, Thượng Đế hỡi! Tại sao? Vì sao?.

    “ Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt Nam nầy nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài, từng chiến đấu tiêu diệt quân thù bạo tàn…
    ….Quê hương non nước tôi ai gây hận thù tội tình? Nhà Việt Nam yêu dấu ơi, bao giờ thanh bình?”

    Cho mãi tới bây giờ, dù thời gian dài đăng đẵng mà nỗi đau ngày đó còn hằn sâu trong tâm tư tôi, nó như một vết chém, một vết thương không bao giờ thôi rỉ máu. Ôi! Quê hương tôi, niềm đau và nỗi nhớ khôn nguôi! Tôi hy vọng, tôi mong mỏi, tôi chờ đợi… một ngày được trở về trong vinh quang, trong nắng ấm chan hòa, một ngày quê hương thật sự thanh bình. Tôi sẽ về thăm quê Mẹ, qua dòng sông xưa, đi qua con phố cũ, tìm lại dư hương ngày ấy…

    Vi Vân
    Cali tháng Tư- 2015


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X