Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Gia Đình 81 Biệt Kích Dù Houston, Texas,Tiễn Đưa Thiếu Tá Nguyễn Sơn....

Collapse
X

Gia Đình 81 Biệt Kích Dù Houston, Texas,Tiễn Đưa Thiếu Tá Nguyễn Sơn....

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Gia Đình 81 Biệt Kích Dù Houston, Texas,Tiễn Đưa Thiếu Tá Nguyễn Sơn....

    Gia Đình 81 Biệt Kích Dù Houston, Texas, Tiễn Đưa Thiếu Tá Nguyễn Sơn - Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 2 Chiến Thuật LÐ 81 BCND Về Miền Vĩnh Cửu

    Hoàng Minh Thúy



    (The old soldiers never die, they just fade away – Douglas McArthur)..
    (Người lính già không bao giờ chết, họ chỉ mờ nhạt đi)


    Trong không khí tưng bừng bắt đầu bước vào mùa đại lễ, thì nghe tin Thiếu Tá Biệt Cách Dù Nguyễn Sơn nhập tn (2)viện. Chứng bệnh Trầm Cảm (Depression) đã tấn công nhiều năm, khiến ông bị suy tim trầm trọng, cuối cùng sau khi di chuyển 2, 3 nhà thương quanh vùng North-45, sau gần một tháng khi mê, khi tỉnh, BS quyết định phải mổ - may ra mới cứu mạng - vì tình trạng sức khỏe rất tồi tệ (tỉnh mạch bên trái của tim bị nghẹt 90%).

    Sau cuộc giải phẫu 3 tiếng đồng hồ, trong tình yêu của người vợ chắp nối và tình cảm sâu đậm của anh em Gia đình BCD, người nổi danh của binh chủng - Thiếu Tá Nguyễn Sơn - đã trút hơi thở cuối cùng lúc 11 giờ 45- đêm 27 tháng 11, 2014 (lễ Tạ Ơn) - hưởng thọ 74 tuổi.

    Nguyễn Sơn (tên thánh Micae) về nước trời, giữa cái lạnh nhè nhẹ của mùa Thu khởi đầu khi hoàng hôn vừa xuống.

    27 tháng 11 là ngày Thứ Năm, lúc mọi người đang chộn rộn đi mua sắm trong ngày lễ Black Friday, hưởng những ngày vui khi năm cũ sắp đi qua. Chúa đã đưa anh về trong tiếng nhạc Giáng Sinh reo vang trên các đài truyền hình và trong nỗi ngậm ngùi của bằng hữu.

    Biết gia đình Nguyễn Sơn neo đơn, không thân nhân cận kề, nên những anh em trong Gia Đình 81 Biệt Cách Dù Lực Lượng Đặc Biệt Houston, Texas, là nơi anh sinh họat gắn bó, đã dang rộng vòng tay, nhận lãnh trách nhiệm tổ chức, lo cho anh với tất cả ân tình huynh đệ..

    Tang lễ của người lính cô đơn này không đông đảo các đại diện hội đoàn tham dự, nhưng một lễ Phủ Kỳ trang trọng tổ chức tại nhà quàn Vĩnh Phước vào 10 giờ sáng Thứ Sáu 5 tháng 12, 2014, do Hội Trưởng Nguyễn văn Đại điều hợp.

    Tất cả BC/ GĐ81/BCD/LLĐB/Houston đều có mặt: Đoàn Đình Nga (Hội phó Nội vụ), Nguyễn văn Thọ (Hội phó Ngoại vụ), Nguyễn Trọng Hiếu (Thư ký ), Nguyễn Phàn ( Phụ trách Liên Lạc ), và các thành viên : Trần Hà, Trương văn Út, Bùi Ngọc Tuyền, Cao Sơn . . .và nhiều người trong cùng binh chủng, rất tiếc chúng tôi không rõ tên; có anh đổ đường về từ Dallas và các tiểu bang lân cận.

    Trong cái lạnh cuối năm 2014, khung cảnh nhà quàn đã buồn, lại càng buồn thêm, vì đây là một “đám ma nhỏ” của một người lính tác chiến nghèo – đã mất hết tất cả sau 13 năm tù tội - (vợ kèo, con cột) - bởi chế độ trả thù tàn độc của bạo quyền CS VN.

    ***

    Chúng tôi quen với Thiếu Tá Nguyễn Sơn qua một người rất thân là Đại Uý Biệt Cách Dù - Trương văn Út (danh hiệu truyền tin Út Bạch Lan). Anh Trương văn Út, là một trong các vị Đại Đội Trưởng nổi danh trong quân đội với các trận đánh để đời.

    Thời gian này (2012), tôi và Hải Lăng bắt đầu thực hiện một show mạn đàm, có tên “Chân Dung Ngươì Lính” phổ biến trên đài SGN. 51.3 theo lời mời của Ban Giám Đốc. Tên của show do chúng tôi nghĩ ra và nội dung của chương trình, chúng tôi tự do thực hiện.

    Bằng trái tim “yêu lính” chúng tôi đã mất nhiều thì giờ để mời các người lính thuộc mọi quân bình chủng, viết lời dẫn, kiếm thêm hình ảnh phụ đề, nhạc đệm cho phần mở đầu và kết thúc. Tựu chung, chúng tôi muốn “vẽ” lại cho con cháu sau này, biết đến sự hào hùng và hy sinh của những người Lính trong suốt chiều dài của cuộc chiến. May mắn cho tôi, đài SGN-51.3 có một chuyên viên Thu hình và Edit (Tài Nguyễn), còn trẻ, chưa đi lính ngày nào, nhưng rất rành về nhạc và các hình ảnh trong quân sử của QL/VNCH. Chúng tôi cộng tác chặt chẽ, để hoàn thành những đứa con tinh thần của mình.

    Sau 9 show phát hình với nhiều quân nhân của các binh chủng, chương trình “Chân Dung Người Lính” đã thu hút sự chú ý của khán giả trong vùng, bởi vì đây là những sự kiện có thật, được kể lại qua những nhân chứng sống mà mảnh đạn hãy còn trong da thịt, mà kỷ niệm vẫn nằm trong hồi ức, mặc dù đã gần 40 năm trôi qua kể từ ngày nhận lệnh tan hàng.

    Thời gian đang chiếu show của Đại Uý Trinh Sát Biệt Kích Dù Trương văn Út (Út Bạch Lan) thì biết anh Nguyễn Sơn đang bị bệnh Trầm Uất rất nặng. Anh Út cho biết, Nguyễn Sơn có một đời sống nghỉ hưu rất buồn tẻ, anh không lái xe được nên quanh quẩn trong nhà, cô đơn với con chó nhỏ, ngồi suốt ngày trên bàn phím máy vi tính, viết bài cho Bản Tin của Gia Đình 81Biệt Cách Dù, hoặc chìm đắm trong hồi ức đau buồn trong khi chờ đợi vợ đi làm về (Nail). Anh cũng viết Hồi Ký kể lại các trận đánh anh đã tham dự, chan chứa nỗi hận lòng của một người lính bỏ súng quy hàng, phổ biến trên các diễn đàn.

    Bài viết của anh đã “chạm” trái tim tôi.

    Tôi cũng như Hải Lăng nhiều lần gọi địên thoại trò chuyện với anh, khẩn khoản mời anh tham gia show (thứ 1), với chủ đề “Đời Binh Nghiệp 10 Năm Đi Lính”.

    Hải Lăng và tôi nài nỉ mãi, Nguyễn Sơn mới nhận lời sau nhiều ngày thuyết phục. Tôi nghĩ rằng, với tâm bệnh đang mang, chúng tôi phải giúp anh giải toả những ẩn ức trong nội tâm, may ra anh có thể hồi phục.

    Lúc đó trời vào Hè. Ngồi trong phòng thu hình để thực hiện show đầu tiên, anh có vẻ rất mệt mỏi. Hai đầu gối của anh được băng chặt để giữ vững bước đi. Anh cho biết, không lái xe được, phải nhờ bà xã, (được nghỉ mỗi Thứ Ba), vì mắt đã kém, tâm tư khi tỉnh, khi lơ mơ!

    Khi show này hoàn tất, tôi in cho anh 1 disk và tiếp tục giữ mối giao tình, nói chuỵên với anh, vì có lần, anh tâm sự:

    -Niềm vui nhất của tôi bây giờ là ngày Thứ Ba. Hôm đó bà xã sẽ ở nhà, tuy không đi chơi xa, nhưng sẽ lái xe đưa tôi đi lòng vòng, có được chút khuây khoả khi ra ngoài.

    Tháng sau đó, anh Trương văn Út nói rằng, tâm trạng của Nguyễn Sơn không khá hơn, ngày càng lẩn thẩn. Chứng Trầm Uất ngày càng nặng thêm. Ai nầy đều biết rằng, chứng tâm bệnh này sẽ lần mòn giết bệnh nhân, vì niềm vui là yếu tố chính sẽ giúp con người thoải mái, yêu đời, nhất là với một người lính đã trải qua bao nhiêu biến cố đau buồn.

    Tôi đem chuyện trình bày với Luật Sư Tom Hoàng, giám đốc đài SGN, đề nghị gửi chuyên viên thu hình (Tài Nguyễn) đến nhà Nguyễn Sơn (một ngày) và với sự “tiếp tay” của anh Trương Út, sẽ thực hiện show đặc biệt.

    Tôi nghĩ rằng, sau khi thổ lộ hết những điều ẩn ức, ôm ấp từ mấy chục năm qua trong quá khứ, sẽ giúp đầu óc anh phục hồi, tinh thần thư giãn, may ra tìm được niềm vui trong cuộc sống.

    LS Tom Hoàng vui vẻ chấp thuận. Sau đó tôi nhờ anh Trương văn Út thuyết phục, cuối cùng Nguyễn Sơn vui lòng. Thế là, Tài Nguyễn thực hiện với sự điều hợp của anh Trương Út. Thu hình xong, Tài Nguyễn edit, tôi viết Lời Dẫn Nhập..

    Show thứ 2 của Nguyễn Sơn là một show đặc biệt, nên tôi đặt tên “Thân Phận Người Lính Sau Cuộc Chiến”.

    Sau khi trình chiếu, chúng tôi gặp lại anh (2013). Tôi và Hải Lăng mừng thầm khi thấy vợ chồng anh sánh vai tham dự sinh hoạt của gia đình 81/BCDLLĐ. Nguyễn Sơn có nét yêu đời, linh hoạt. Lòng tôi rất vui.

    ***

    Hôm nay, ngày anh Nguyễn Sơn chia tay về miền vĩnh cửu; bài viết này, như một lời ai điếu, tặng cho chị Ngọc Anh và kính dâng hương hồn Thiếu Tá Nguyễn Sơn, mong ước những ai đang sống thảnh thơi ở hải ngoại, hãy nhớ đến sự hy sinh của người lính QL/VNCH trong cuộc chiến vừa qua, mà rộng lòng chia xẻ cho họ một chút tình người.

    Trong show “Thân Phận Người Lính Sau Cuộc Chiến”, qua lời kể trầm buồn, đôi mắt đầy sương mù, người ta biết cựu SVSQ Thủ Đức Khoá 19 - Thiếu Tá Nguyễn Sơn đến Hoa Kỳ theo diện HO 19 (năm 1993), với Vợ (đầu tiên- gốc Hoàng tộc) và 3 con trai, định cư tại Chicago .

    Sau khi thu xếp gia đình ổn định, anh bay về Houston sống với anh em cùng binh chủng, làm đủ mọi ngành nghề tuy cơ cực, để kiếm tiền, tiến hành thủ tục, để năm 2001 đón người vợ (thứ 2). Chị Nguyễn Ngọc Anh, người phụ nữ thua anh hơn 20 tuổi, gọi anh bằng “chú” khi mới quen và sau này thành vợ chồng.
    Năm 1991, chị Nguyễn Ngọc Anh, lúc ấy tròn 30 tuổi, đã chia sẻ buồn vui, đắng cay với anh trong căn lều tranh bên cạnh giòng sông (Giồng Ông Tố, Thủ Đức).

    Chị Ngọc Anh đã cùng anh chung lưng đấu cật, làm thuê, gánh mướn để có được miếng cơm, manh áo sống qua ngày và an ủi anh trong giai đọan khó khăn nhất của cảnh sống cơ hàn của một người lính thua cuộc, sau khi anh ra khỏi trại tù (vợ đuổi, con không nhìn) (1991).

    Trong lễ Phủ Cờ trang trọng của Gia Đình 81 Biệt Cách Dủ Lực Lượng Đặc Biệt tổ chức, những ai tham dự hiểu câu chuyện đời về người anh hùng quân đội - cố Thiếu Tá Nguyễn Sơn - đều chảy nước mắt. May quá, hôm nay thấy 3 người con trai từ xa bay về, có thêm 2, 3 người em nữa.. khiến cho tang lễ ấm áp đôi phần.

    Nguyễn Sơn yên nghỉ trong áo quan như người đang ngủ. Bên cạnh anh, là chiếc mũ binh chủng..Chiếc mũ xanh anh từng nâng niu trang trọng, giọng nghẹn ngào khi nhắc tới từng thằng em đã gục ngã trên chiến trường trước mắt anh, trong các cuộc chiến khốc liệt trên 10 năm anh đã trải qua.

    *Từ năm 1966 đến năm 1972: Hành quân thám sát trong các cuộc Hành quân Delta, Lôi Vũ

    *Từ năm 1972-1974: Các trận đánh nổi danh quân sử: Bến Thế Bình Dương, Tân Phú Trung, Chiến trường Tam Biên, gỉai toả An Lộc, tái chiếm Qủang Trị, trận Phước Long...

    Qua nguồn tin từ anh Đỗ Thịnh (người em rất thân thương) và BCD Nguyễn văn Thọ đọc trước giờ hành lễ, người ta được biết Nguyễn Sơn quả là một anh hùng quân đội, khi anh chọn binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt, lần lượt trải qua các chức vụ sau đây từ khi ra trường:

    -Toán Trưởng Delta

    -Liên toán Trưởng Thám Sát

    -Liên Toán Trưởng Thám Kích Tiền Phương

    -Đại đội trưởng Đại Đội 2 BCNDLiên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù

    -Đại Đội Trưởng Đại Đội 2 Xung Kích

    -Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 2 Chiến Thuật/ Liên Đoàm 81 Biệt Cách Nhảy Dù.

    Qua những nhiệm vụ kể trên, Nguyễn Sơn đã được ban thưởng đủ lọai huy chương cao quí của Quân lực VNCH, theo thứ tự như sau:

    -Đệ Ngũ Đẳng BQ Huân Chương với ngành Dương Liễu.

    -Lục Quân Huân Chương

    -Biệt Công Bội Tinh Đệ Nhị

    -Ưu dũng Bội Tinh

    -Anh Dũng Bội Tinh Vàng, Bạc, Đồng

    -Chiến thương Bội Tinh

    -Anh Hùng Diệt Giặc
    Với thành tích lẫy lừng cuả 10 năm đi lính và tháng 4, năm 1975, với chức vụ đang kiêm nhiệm: Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 2 Chiến Thuật của Liên Đoàn 81 BD Dù. Thử hỏi: người lính này làm sao bỏ lại hơn một ngàn quân dưới quyền đang còn chiến đấu, nghe theo lời vợ (nhân viên của cơ quan DAO – Defense Attaché Office) để lên phi cơ (ngày 20 tháng 4) trong chương trình Di Tản của chánh phủ Hoa Kỳ mở ra cho nhân viên của họ?

    30 tháng 4. Những người lính bàng hoàng nghe lệnh buông súng và từ đó, là những chuỗi ngày căng thẳng chờ đợi sự phán xét của Kẻ Thắng Cuộc.

    Kết qủa: Những thành tích nổi bật trong hồ sơ Quân bạ của một người lính tác chiến trong binh chủng vang danh quân sử, khiến cho Thiếu Tá Nguyễn Sơn (lúc đó 35 tuổi) đã lãnh nhận đòn thù của 13 năm khổ sai từ Nam ra Bắc.

    Khi anh đi tù, thằng con trai lớn nhất mới 6 tuổi, đứa con trai nhỏ nhất mới lên 1.

    Khi anh đi tù, vợ con anh bị đuổi ra khỏi Trại Gia Binh, bắt đầu cho chuỗi ngày đói khổ, vì chánh sách khắc nghiệt “trả thù vợ con lính Ngụy”.

    Không bao lâu, (1978), giữa sự thiếu thốn mọi bề, đứa con gái duy nhất giữa 3 thằng con trai, đã lâm bệnh (Đau Màng óc) rồi qua đời..

    Đây cũng là nỗi đau lớn nhất của người mẹ...

    -”Giá như mà năm xưa, ông nghe lời tôi lên phi cơ, thì.... con gái tôi không chết bệnh, mấy đứa kia không đi mò cua, bắt ốc mà sống qua ngày!”

    -“Giá mà ông nghe lời tôi, thì mẹ con tôi đâu phải sống thê thảm như bây giờ!”.

    Người trong binh chủng cũng biết rằng: năm 1973, ông được thuyên chuyển về ngành Cảnh Sát Dã Chiến. Với nhiệm vụ mới, Nguyễn Sơn có thể sống gần gia đình, không nguy hiểm, đôi khi có thêm bổng lộc. Nhưng 6 tháng sau, anh xin trở về đơn vị, cũng vì “hổ đã nhớ rừng” và anh cảm thấy mình không thích hợp với khung cảnh nhiều ràng buộc của một đơn vị quyền thế, đầy tinh thần phe nhóm.

    Những sự kiện kể trên sau 13 năm anh ở tù, khiến người vợ con-nhà-giàu gốc Hoàng phái (Công tằng tôn nữ...) phẫn hận. Cho nên, bà đã không giữ lại cho anh chút gì của tình yêu vợ chồng, mà trong quá khứ bà đã phải tranh đấu với song thân mới nên nghĩa phu thê, không môn đăng hộ đối, không muốn gã con cho một người lính tác chiến, không có tương lai.

    Là con nhà giàu, thảnh thơi từ trong trứng nước, giỏi ngâm thơ Kiều, nay sống trong chế độ cai trị tàn độc của CS, bà Công tằng tôn nữ ....không thể nào “lao động” để sống qua ngày.

    Sau năm 1975, như bao người vợ lính khác, đời sống ngày một khó khăn, phần thì phải nuôi con thơ dại, lo tiếp tế cho chồng trong cảnh tù tội không thấy ngày về, rồi phải đối đầu với cơ quan công quyền gây khó dễ, làm sao bà có thể chịu đựng được hoàn cảnh khắc nghiệt của chế độ dành cho “Kẻ Thua Cuộc”?

    Nguyên nhân chính của sự xích mích mà bà đã giận anh cho đến cạn tình, vì anh không thuận lời khuyên “lên phi cơ di tản ngày 20 tháng 4, 1975”, để cho đứa con gái duy nhất phải lâm bệnh, vắn số và mấy thằng con trai phải đi bắt ốc, mò cua, nuôi thân.

    Bà nào thấu hiểu tâm sự của một cấp chỉ huy của một đơn vị tác chiến, không thể bỏ Lính mà... đào ngũ, vì giờ phút đó, đất nước đang lâm nguy...

    “Nợ nước trước tình nhà”, đó là câu châm ngôn của người Lính!

    Sau 13 năm dài tù tội, người lính kia trở về, không được bàn tay của vợ vỗ về, xoa dịu vết thương lòng đang ứa máu, không có bờ vai ấm áp của nàng để được dựa kề nâng đở ủi an, mà chỉ có những lời trách móc, đay nghiến nặng nề. Bà đâu biết, tâm trạng anh còn não nề chua xót hơn bà, nhất là khi nằm trong trại tù cải tạo khổ sai nơi núi rừng Việt Bắc:

    Xưa sao phong gấm rũ là
    Giờ sao tan nát như hoa giữa đường
    (Kiều)


    Ngày người tù được tự do, thì rơi vào trong một trại tù khổng lồ của đất nước. Sống trên đe dưới búa trong cái nhìn đe nẹt của du kích, cán bộ CS, ngày ngày thức dậy, thấy vợ (vì mình không thức thời ra đi ngày 20 tháng 4, 1975?) phải đi vay gạo nấu cháo cầm hơi, nhìn con ra sông lộp cua, lưới cá, còn mình thì đi cuốc thuê, làm mướn! Không dám thở than, anh âm thầm gặm nhắm nỗi đau.

    Để tránh mặt bà, cố nhịn nhục, anh che một miếng tôn sau nhà, làm cái chái, đủ kê một cái giường, mong được gần con. Đau buồn nhất là các con bây giờ đã lớn, đứa lớn nhất sau 13 năm, tù ông trở về, nó đã 19 tuổi, đứa kế 18, thằng út 13. Không bao lâu, Bà thẳng thắn lên tiếng đuổi xua:

    -Tôi thấy ông không thích hợp trong ngôi nhà này nữa. Ông đi đi!

    Trong câu chuyện anh tâm sự, vợ thì đuổi xua, còn con cái thì chúng đã “không còn nhớ tôi là ai, đầu óc chúng tắm đẫm đen ngòm chủ thuyết của CS”, cuộc sống thì bữa đói, bữa no, cuốc thuê, làm mướn, không đủ ăn, thì cách gì mà nuôi vợ, con? Vị thế của một người trưởng gia đình không có, mà bây giờ, người vợ chính là người quản chế, chỉ cần bà lên Phường báo cáo đôi điều là người chồng phải vào tù trở lại. Đến đường cùng, khi bà lên tiếng, anh đành phải ra đi - nếu không muốn vào tù lần nữa!!!

    Nguyễn Sơn đến xin phép bà Dì dựng chòi che mưa nắng trong một miếng đất sát bờ sông.. Cùng lúc, nhờ sự giúp đỡ tài chánh của những lính cũ thuộc quyền, anh mua năm bảy con gà, chục con chim cút, bán trứng, tiếp tục làm thuê, cuốc mướn, sống qua ngày.

    Nhưng, du kích trong vùng (Thủ Đức) thi nhau rình rập, kiếm chuyện, khi thấy một ông tù cải tạo Thiếu Tá gốc Biệt Kích, tại sao bỏ nhà, ra dựng lều sống cô độc nơi hẻo lánh cạnh một giòng sông? Ông đang mưu định điều gì?

    Ngày lễ, tết, để tránh sự dòm ngó, anh mua vài bao thuốc lá, ra chợ xã ngồi bán, cho chúng nhìn thấy mặt.

    Đang lúc nản lòng trước cảnh tình đời đen bạc, cùng lúc gà, cúm bị bệnh dịch chết hàng lọat, Nguyễn Sơn may mắn gặp được một người câu tôm; họ thương tình, hướng dẫn vào nghề.

    Từ đó, Nguyễn Sơn bỏ lều, mua chiếc xuồng ba lá, thả rong trên giòng sông, câu tôm, câu cá sinh nhai. Đời sống kéo dài bữa đói, bữa no tùy theo con nước và thời tiết. Chiếc xuồng nhỏ chỉ đủ chỗ một thân người. Đêm đêm anh co ro trên mạn xuồng, quấn thân thể trong bao nylong để tránh mưa, tránh gió, vắt tay nằm nghĩ chuyện đời. Anh kể rằng, có đêm phải dong thuyền ra giữa sông, vì ở gần bờ có qúa nhiều muỗi!

    Trong cuộc sống sông hồ lênh đênh, tình cờ gặp cô Nguyễn Ngọc Ánh (vợ thứ 2), đang nấu bếp cho công trường. Hằng ngày, cô bơi xuồng đi chợ, thường đón mua cá, mua tôm của “chú Sơn”. Thời gian qua dần, từ tình “chú cháu” trong cảnh cô đơn, trở nên duyên mặn nồng, Cả hai rủ nhau vào bờ sông của Giồng Ông Tố, dựng lều, chung lưng đấu cật, an ủi cho nhau trong cảnh cơ hàn.

    Năm 1992, nghe tin chánh phủ Hoa Kỳ mở ra chương trình đưa người tù CS qua Mỹ, Thiếu Tá Nguyễn Sơn trở về nhà, để làm giấy tờ đưa vợ và 3 con đi Mỹ, anh nói: Đây là ước nguyện của vợ anh từ lâu, anh phải thực hiện.

    Đến Chicago năm 1993, anh lo cho gia đình riêng ổn định, rồi làm thủ tục ly dị. Sau đó lái xe bay về Houston tìm hơi ấm của tình đồng đội – Gia Đình 81 Biệt Cách Dù Lực Lượng Đặc Biệt. Cũng thời gian này, anh liên lạc về VN, vì khi chia tay, anh có nói với Nguyễn Ngọc Ánh (lúc đó 30 tuổi) rằng:

    -Nếu 10 năm sau, bà vẫn còn chờ đợi, tôi sẽ về, đưa bà qua.

    Tuổi tác tuy có cách biệt nhưng duyên nợ buộc ràng. Nguyễn Sơn đã thực hiện lời hứa, mặc dù sau 13 năm tù và 3 năm bị quản chế của chánh quyền CSVN, sức khỏe của anh coi như bị vắt kiệt. Qua đến Houston , anh đã tận lực làm đủ ngành nghề: bán tiệm tạp hoá, lái xe đi lấy tiền cho ngân hàng, quét dọn cho nhà quàn, để mưu sinh và tiến hành thủ tục bảo lãnh cho Nguyễn Ngọc Anh.

    Năm 2000, anh bay về VN. Năm 2001, theo thủ tục bảo lãnh cho vị hôn thê, anh đã đưa người vợ trẻ qua Mỹ. Thiếu Tá Nguyễn Sơn ra khỏi cuộc sống cu ky. Anh có một bàn tay ấm áp lo cho những bữa ăn, có một người bạn đời để dựa lưng khi trái gió trở mùa, có một ngôi nhà với những nụ hồng do anh chăm sóc, đáp trả ân tình của chị và để chị thưởng ngọan sau giờ lao động.

    Nhưng, cũng từ đó, anh vướng chứng Trầm Uất (Depression), sau này dẫn tới căn bệnh Suy Tim. Thân xác mang đầy bệnh tật - hội chứng của 13 năm tù - khiến anh không đủ sức khỏe để đi làm được nữa (chân tay yếu, mắt mờ). Chị kể rằng: anh thường suy tư, tìm quên trong khói thuốc (mỗi ngày 1 gói) cho đỡ...buồn! Thức dậy nửa đêm cũng hút!

    ***

    Thứ Sáu ngày 5 tháng 12: Tang lễ của Thiếu Tá Nguyễn Sơn tại nhà quàn Vĩnh Phước được Gia Đình 81Biệt Cách Dù Lực Lượng Đặc Biệt lo khá chu đáo. Các anh em trong Ban Chấp Hành luôn hiện diện bên cạnh chị Nguyễn Ngọc Anh từ khi anh bạo bệnh, cho đến khi đưa anh vào lò hoả táng, vì biết chị mới đến Hoa Kỳ, tài chính chưa ổn định, ngôn ngữ vẫn chưa quen.

    Trong tang lễ, nghe những giọng nói sủng nước mắt của anh Hội Trưởng (Đại Nguyễn), hai vị Hội Phó (Đoàn Đình Nga, Nguyễn văn Thọ), của người MC (Trần Hà) cho người ta thấy sự trân quí của họ dành cho Thiếu Tá Nguyễn Sơn. Nhìn chung, trong màu áo trận, ai ai cũng có bước đi nghiêng ngã, vì tuổi đời oằn nặng, biểu hiện qua từng nếp nhăn. Những người lính năm xưa bây giờ đã già! Họ cố giữ khuôn mặt tỉnh táo khi đứng trước quan tài của đồng đội, nhưng thực sự nước mắt họ đầm đìa trong lòng như mấy câu thơ của BKD Nguyễn văn Thọ đọc trước áo quan:

    Người hùng diệt giặc vang danh
    Nghĩa tình huynh đệ nhớ anh muôn đời
    Giờ đây thanh thản nước trời
    Mang theo kỷ niệm bao lời thân thương.


    Mùi nhang quyện trong phòng khiến tôi ngộp thở.

    Tôi quay đầu, nhìn quanh, thấy có Phóng viên Michael Hoà và chuyên viên thu hình của đài truyền hình SGN 51.3. Thấy có chuyên viên Video và Edit là Tài Nguyễn (bây giờ làm cho đài ABTV) cũng tham dự lễ tang.

    Trước đây 2 năm (2012), Tài Nguyễn là người đến tận tư gia của NS để thu hình, cho nên nghe tin NS qua đời, Tài Nguyễn vội vàng vác máy tham dự. Cạnh quan tài, anh Tùng Nguyễn cắm cúi điều chỉnh máy, để mang hình ảnh lễ tang phổ biến trên Youtube toàn cầu.

    Ngoài các vị cùng binh chủng, số người có mặt đếm trên đầu ngón tay, chúng tôi thấy có ông bà Trần Ngọc Quế (CSQG), HQ Hồ Quang Minh, có KQ Hồ Tấn Đạt, vợ chồng KQ Hoàng Giao, Võ Bị Trần văn Bường, cựu Chủ tịch CĐ Nguyễn văn Nam, ông Nguyễn Tuân, ông Nguyễn Thăng - chủ nhân Vison Outlet. Hai người này là những vị rất gắn bó với sinh hoạt của người Lính trong vùng.

    Mũ Đỏ BS Trần văn Tính không tham dự nhưng 2 ngày trước, ông gửi chi phiếu nhờ trao lại..Hội Gia Binh của chúng tôi, có chị Lệ Thanh và phu quân (Thiếu tá Bửu Điền), chị Gia binh Nguyệt Thanh cũng gửi phúng điếu, Gia binh Đỗ thị Mai-Khôi Phạm, gia đình Kỹ sư Hoàng Hùng-Hoà và gia đình LS Tom Hoàng (Giám đốc đài SGN) cũng gửi chút tình...Những người này đều không quen biết, nhưng xem show “Thân Phận Người Lính Sau Cuộc Chiến”, chiếu nhiều lần trên đài truyền hình SGN 51.3, đều cảm thương Nguyễn Sơn và muốn chia xẻ với chị Nguyễn Ngọc Anh.

    Khi tiếng kèn truy điệu áo não vọng lên, lá cờ vàng được các thành viên trong Gia đình BK81-LLDB nhẹ nhàng phủ kín áo quan, tôi nghe tiếng anh đều đều vọng lên trong tiềm thức trong một đêm khuya:

    - Thưa chị, tôi không bao giờ ân hận về việc tôi đã làm. Chống CS là công tác tôi phải theo đuổi. Cha tôi chết vì chúng, em tôi bị chúng giết. Sở dĩ tôi chọn về binh chủng LLĐB, vì phương châm của binh chủng LLĐB dưới thời đệ I Cộng Hoà là: những chiến sĩ du kích lãnh sứ mệnh tiên phong giải phóng triệu triệu người đau khổ.

    Kết quả, những đứa em của anh, những người lính có khuôn mặt trẻ thơ, có mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ, đã bỏ xác trong rừng, không có lá cờ phủ mặt, không tiếng khóc tiễn đưa.. như có lần anh nghẹn ngào kể cho khán giả nghe trong chương trình “Chân Dung Người Lính”.

    Lá cờ vàng này đã tắm đẫm bao nhiêu máu xương của tuổi trẻ VN, hôm nay được đồng đội của anh trang trọng phủ lên nắp quan tài.

    Anh nằm xuống tức tủi vì ước mơ chưa thực hiện, vì lá cờ vàng vẫn còn lưu lạc xứ người.

    Bây giờ anh sẽ gặp những đồng đội mà anh từng vuốt mắt họ trong chiến trường còn vương khói súng. Ở cõi u minh anh có nghe tiếng khóc tiếc thương anh?

    Khi lá cờ đã phủ kín áo quan, những người lính dong tay chào tiễn biệt. Họ hẹn gặp nhau ngày mai để tiễn đưa anh vào lò hoả táng.

    * * *

    11 giờ trưa. Nắng lên vàng một góc sân, yếu ớt trải lên hàng cây. Sương sớm tan dần. Trời đầy mây với vài giọt mưa lất phất. Bãi đậu xe vắng vẽ, tỉnh lặng, như người đang ngủ giấc ngàn thu. Tôi quay lưng nghĩ thầm:

    -Giá mà anh nghe lời chị, lên phi cơ đi Mỹ ngày 20 tháng 4, anh không phải chịu đựng 13 năm tù khổ sai. Con cái của anh, chắc chắn có một tuổi thơ sung túc, nay chúng có thể trở thành bác sĩ, kỹ sư..Anh sẽ có một đời sống viên mãn như bao người khác. Khi nằm xuống, tang lễ của anh sẽ rộn ràng màu sắc, tràng hoa bao quanh nhà quàn..Có đâu mà vắng vẻ, quạnh quẽ như hôm nay!

    Trước khi lên xe, tôi nhìn vào hướng anh nằm, nhớ tới hình ảnh ngươì lính mặc quân phục, đặt trên bàn thờ mang lon Thiếu Tá, có bảng tên trên ngực Nguyễn Sơn, tôi thầm thì:

    -Cám ơn anh, những người anh hùng, vì nước quên mình. Không có sự hy sinh của những người như anh, làm sao chúng tôi có được ngày hôm nay?

    Thứ Bảy 6 tháng 12, 2014: Mười giờ sáng, trong nhà quàn đã có mặt đông đủ anh em, chuẩn bị tiến hành nghi thức lễ Xếp Cờ và hoả táng. Tấm ảnh chàng thanh niên đẹp trai (32 tuổi) mang lon Thiếu Tá đang nhìn xuống giữa khói nhang mờ ảo. Người nằm trong áo quan là ông già 74 tuổi: Micae Nguyễn Sơn, cựu Thiếu Tá Biệt Cách Dù , một đời sống chết với anh em.

    Mọi người có dịp nhìn NS lần cuối. Hải Lăng ngậm ngùi vuốt nhẹ hàm râu lốm đốm bạc của anh. Tôi để đoá hoa màu trắng trên ngực áo của anh, rồi đặt tay lên vai, vỗ về. Trong màng nước mắt, tôi nhớ những giây phút trò chuyện dông dài với anh qua điện thoại, khi anh kể về người cha đã bị Việt Minh thảm sát, Thiếu Tá KQ Nguyễn Du, em ruột của anh, người hùng của trận Quảng Trị (1972) sau khi hạ hằng chục xe tăng trong nhiều phi vụ. Cuối cùng máy bay trúng đạn, nhảy dù ra, nhưng sa vào tay giặc. Nguyễn Du bị kẻ tử thù cột giữa chợ Đông Hà (Quảng Trị) để bắt dân chúng đi qua, người thì xẻo tay, kẻ móc mắt, hành hạ cho đến chết (Hồi Ký của KQ Đỗ Minh Đức). Anh NS kể lại cảnh khổ sai trong trại tù miền Bắc, khi chúng bắt tù nhân khoét núi, đào hầm, kích thước vừa đủ để “đút” thân thể tù nhân vào miệng hang, chừa đôi chân bị cùm ra ngoài. Hằng đêm mỗi khi đi tuần tra, chúng đánh thật mạnh vào chân, để xem tù nhân còn sống hay đã chết! Những cú đánh đó như trời giáng, trong khi thân xác tù nhân đang chịu cơn lạnh tái tê trong lòng đá.

    Giọng nói của anh trầm trầm, có chút âm điệu miền Trung. Tất cả bây giờ là kỷ niệm. Tôi cúi mặt gọi tên anh. Bây giờ thì vĩnh viễn anh em mình, sẽ không gặp nhau! Vĩnh biệt anh! Nguyễn Sơn!

    Tang lễ của Nguyễn Sơn chỉ có anh em trong binh chủng tham dự. Không đông đảo giầy saut, áo hoa với huy chương của nhiều màu áo lính. Không có nhiều tràng hoa bao quanh nhà quàn. Không có tiếng khóc, tiếng kể lể, than oán. Không có khăn sô, mũ gai của đông đảo thân bằng quyến thuộc. Không khí im vắng, rất lạnh lẻo.. Ba người thanh niên trạc tuổi 48, 49 trở xuống, có khuôn mặt rất đẹp, dáng to và cao. Có cháu rất giống anh.Tất cả đều từ xa về, kể cả 3 người em của Nguyễn Sơn.

    Lời kinh nguyện cho linh hồn Mcae Nguyễn Sơn do một linh mục chủ lễ. Hỏi thăm, ông là chủ chiên của nhà thờ Mỹ. Linh mục Đỗ Hiến, trạc tuổi 60.

    Chúng tôi tham dự nhiều tang lễ, nhưng chưa có linh mục nào, giảng rất ít (5 phút) mà đầy ý nghĩa như vậy..

    Đòan người lèo tèo đi theo áo quan ra lò hoả táng. Nắng cũng buồn nên cũng không tươi!

    Linh Mục Đỗ Hiến gửi lời kính chào những người lính (đứng chung quanh áo quan), đã một đời hy sinh cho đất nước, ông nhấn mạnh:..cũng như Nguyễn Sơn, quí vị là những vị anh hùng đã cống hiến xương máu cho quê hương. Quay sang các thân nhân của NS, linh mục Hiến nói rằng:

    -Người cha của con đã làm tròn bổn phận cho đất nước, ông đã sống như thế nào, thì các con hãy sống như thế đó, hãy biết hy sinh cho tha nhân.

    Khi rèm cửa của lò hoả táng kéo ra. Tấm lòng của người có mặt hình như chùn lại. Đây là phút cuối cùng. Trong 3 người con, cậu con trai út của Thiếu Tá Nguyễn Sơn là người tỏ lộ sự xúc động. Sau khi cậu bấm nút “On”. Lửa trong lò phát ra âm thanh rất lớn, cậu quị xuống.

    Ai nấy đều biết rằng, tất cả sau vài tiếng đồng hồ, sẽ thành tro bụi.

    Trên đường ra bãi đậu xe, anh Hội Trưởng Nguyễn văn Đại kể cho tôi nghe những giờ phút cuối cùng của Nguyễn Sơn trên giường bệnh, kể lại những giai thọai liên quan đến đời lính, để nói lên những chân tình mà anh đã đối với các chiến sĩ thuộc quyền trong thời quân ngũ: yêu thương, gắn bó, chia xẻ. Với ngươì ngang ngửa cấp bực, Nguyễn Sơn không thượng đội, hạ đạp để tiến thân, để kiếm bổng lộc. Thiếu tá Nguyễn Sơn đã trải tấm lòng quân tử để sống với anh em trong suốt 10 năm anh chiến đấu trong binh chủng. Anh Hội Trưởng Nguyễn văn Đại còn nói thêm:

    -Có người lính cũ (Binh Nhì) nghe tin anh bệnh, gửi về 2 điếu thuốc xi-gà make in Singapore . Có anh lính cũ (thương binh) nghe tin anh qua đời đã gửi phong bì ..phúng điếu. Thiếu Tá Nguyễn Sơn nằm xuống, để lại bao nỗi tiếc thương cho chúng tôi.

    ***

    Tôi quay lưng, trời bắt đầu trở gió.

    Trong cái lạnh cuối năm, tôi cắn môi, chảy nước mắt, xót xa buồn.

    Tôi nhìn lên khoảng không gian lồng lộng, bầu trời hôm nay đầy mây mù, tôi nghe rất rõ từng lời thơ trong bài Ai Điếu của Gia Đình Biệt Cách Dù trong lễ Phủ Cờ:

    Cánh Dù Đã Gãy

    Tiễn biệt Niên Trưởng, Chiến Hữu Thiếu Tá Nguyễn Sơn

    Nguyên Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 2 Chiến thuật

    Liên đoàn 81 BCND. Giã từ vũ khí ngày 27-11-2014



    Trời xám ngắt, hắt buồn vào đôi mắt
    Anh nhìn lên mơ mây đón anh về
    Theo hướng gió đất trời lồng lộng
    Cõi vô cùng vang tiếng quân ca
    Cõi vô cùng bốn mùa xuân cả
    Không hận thù chinh chiến điêu linh
    Anh là ai, là quân nhân chân chất
    Nguyễn Sơn huynh người Biệt Kích kiêu hùng
    Đã một thời đạp lên bão lửa
    Khói súng xây thành không cốt khô
    Anh đã sống một đời quân tử dại
    Vẫn ngẩng cao đầu hùng khí Việt Nam
    Hào kiệt Delta kẻ còn người mất
    Vẫn nhớ thương anh rất thật thà
    Ôi đôi mắt người Sơn Tây có phải
    Là mắt anh khóc vận nước bể dâu
    Thì sá gì dáng kiều thơm phố thị
    Trong thơ văn một thuở mơ hồ
    Là lính cũ nhưng tâm hồn lại mới
    Lửa can trường vẫn hừng hực niềm tin.
    Là niên trưởng
    Bộ Chỉ Huy 2 Chiến thuật
    Rất hiền lành với hào khí Delta
    Rất đạm bạc một đời chân chất
    Của một thời trấn ải địa đầu xa

    Nguyễn Huynh ơi!
    Là sói rừng linh hoạt
    Đã bao lần thoát hiểm mưu sinh
    Anh bước qua một thời chinh chiến
    Nợ tang bồng chưa thỏa đã buông tay.


    Ôi bi hận, đời người quá ngắn
    Nhưng tấm lòng hào kiệt còn nguyên
    Anh đã sống ngẩng cao đầu để sống
    Dù một đời lận đận cưu mang
    Công chưa thành và danh chưa toại
    “Đã đánh đâu mà phải quy hàng”
    Câu nói ấy nhiều lần anh lặp lại
    Giữa những tiệc vui, ánh mắt chợt buồn.
    Nâng ly rượu ngậm hờn ứa máu
    Huynh đệ nhìn nhau giọt lệ trào.


    Người lính cũ Biệt Kích Dù thuở ấy
    Sống lưu vong hồn xác rã rời
    Giữa xứ người khóc cười thương hận
    Vẫn chiều hôm trông ngọn mây tần
    Trong đôi mắt Nguyễn Huynh còn u ẩn
    Giọt lệ khô rơi xuống buổi tiệc ly.
    Khi hơi thở như đèn dầu cạn
    Anh vẫn cố cười nén tiếng bi ai
    Và nén luôn cả niềm riêng vô hạn
    Mấp máy gọi thầm ơi! Ngọc Anh
    Như tưởng tiếc đời trai chưa trọn vẹn
    Dành cho người tri kỷ cận kề bên.


    Nguyễn Sơn huynh với chân tình thế tục
    Rất lo toan chu đáo với mọi người
    Thì thử hỏi làm sao không áy náy
    Với bạn đường chia lận đận bên trời.


    Mùa thu chín nắng rơi đùa phiến lá
    Biệt Kích Dù vụt tắt ánh sao rơi
    Nhưng tinh anh như cánh dù bay lượn
    Vào bầu trời cao rộng ước mơ


    Chỗ vô cùng là nơi chưa ai biết
    Một lạy này chí thiết tiễn người đi
    Xin một lần đứng nghiêm chào kính
    Tiễn cánh dù bạt gió chẳng định kỳ


    Nguyễn Huynh ơi! Nhang tàn còn khói
    Và dư hương còn ngát lòng người
    Huynh đệ Delta, nhớ anh miên viễn
    Nhớ mãi nụ cười chưa tắt trên môi
    Và tên anh sẽ chạm vào ký ức
    Hóa nén nhang thơm tiễn bước người.


    Một lạy nữa thôi, hòa thêm giọt lệ
    Cho hồn anh mãi mãi thăng hoa.
    Cho Nguyễn Huynh, sói rừng hoang dã
    Về với quê xa cỏ nội hương đồng.

    GĐ/81 BCND/LLĐB Houston
    Đồng Vọng bái.




    Tôi nghe tiếng hát của cố ca sĩ Duy Khánh vang vang trong nhạc phẩm “Người Lính Già Xa Quê Hương” của cố nhạc sĩ Nhật Ngân:

    Người lính già xa quê hương
    nghe trong tim đêm ngày trăn trở
    nhớ quá một thời chinh chiến gian lao
    Nhớ phút hiên ngang đi vào binh lửa
    Sắt thép trong tay đang đối diện thù
    Bỗng tiếng loa vang lệnh truyền buông thả
    Nửa đời còn gì cung kiếm ngang trời
    Người lính già xa quê hương
    Bao nhiêu đêm anh nằm không ngủ
    Nhớ quá Mẹ hiền, nhớ quá anh em
    Nhớ những đêm mưa quân hành đất đỏ
    Nhớ những đêm xuân nơi chốn địa đầu
    Nay quá xa xăm đường về thăm thẳm
    Nửa đời ngậm ngùi mang kiếp tha phương
    Ôi! còn đâu, còn đâu
    Bạn bè ta những anh hùng hào kiệt
    Không tiếc chi xương máu giữ màu cờ
    Ôi! còn đâu, còn đâu
    Một thời trai một thời súng gươm
    Nay bỗng dưng thành kẻ lưu vong
    Người lính già xa quê hương
    Nhưng trong tim chưa tàn ánh lửa
    Vẫn ước một ngày theo bước Quang Trung
    Vẫn thấy quê hương đêm ngày réo gọi
    Vẫn thấy trong tim canh cánh đường về
    Vẫn thấy nơi đây chỉ là đất tạm
    Thầm hẹn ngày về chết giữa quê hương
    Buồn quá anh Nguyễn Sơn ơi!

    Hoàng Minh Thúy
    (Cuối năm 2014)

  • #2
    Tôi có người bạn là Lại đình Hợi, nguyên Biệt đội Trưởng 813 / LĐ 81 BCD , không biết vì sao tôi hiếm thấy anh trong các sinh hoạt của anh em 81 BCD , sau khi ra tù anh đã vượt biên và định cư ở Hoa kỳ ,bây giờ không còn liên lạc .

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X