Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Năm mùi, nói chuyện dê

Collapse
X

Năm mùi, nói chuyện dê

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Năm mùi, nói chuyện dê



    NĂM MÙI, NÓI CHUYỆN DÊ

    Kha Lăng Đa


    Năm nay là năm Ất Mùi 2015 – năm của con dê, một động vật rất đặc biệt có nhiều truyền thuyết từ xa xưa và khả năng thật tuyệt vời của nó.

    Theo tài liệu trong Bildschromik Der Welt Geschichte của nhà xuất bản Conventgarden thì loài dê Bezoarziegen đã có cách nay 50.000 năm. Trong thời kỳ đồ đá , loài người đã săn dê để làm thực phẩm.

    Dê sống nhiều nhứt trên đồi núi hoang dã ở Á Châu, Âu Châu và Phi Châu. Loài dê mà người ta nuôi ( Capra Aegagrus hircus ) là dê hoang dã của vùng Tây Nam Á và Đông Âu được thuần hoá. Dê là thành viên của gia đình Bovidae, có liên quan chặt chẽ với con cừu. Cả hai đều thuộc phân họ linh dương Caprinae. Linh dương Schneeziege, sơn dương Gaemse sống ở Rocky Mountain ( Hoa Kỳ ), trên cao độ 4.000 m. Loại Iberissche Steinbocke sống ở bán đảo Tây Ban Nha. Loại Schraubenziege là dê rừng ở Pakistan và Himalaya. Theo tài liệu khảo cổ, dê được thuần hoá khoảng 10.000 năm.

    Hiện có 300 giống dê khác nhau. Năm 2011, có 924 triệu dê sống trên toàn thế giới theo thống kê của Tổ Chức Lương Thực và Nông Nghiệp Liên Hiệp Quốc ( U.N.Food And Agriculture Organization )

    Dê là động vật có vú ( Mammalia ), thuộc bộ móng chân ( Artiodactyla ), loại nhai lại ( Ruminantia ), có sừng rổng ( Bovidae ). Nha thức của dê gồm 8 răng cửa hàm dưới, không có răng cửa hàm trên.

    Dê được con người nuôi để lấy sữa, thịt, lông và da. Loại dê Angroraziege có lông dài, được chế biến thành len ở Thổ Nhỉ Kỳ. Dê Kaschmirziege sống ở biên giới Ấn Độ và Pakistan có lông rất tốt, được chế biến thành len, phẩm chất cao.

    Dê ăn lá cây, cỏ, chồi non. Chúng không kén ăn. Dê thích leo trèo, có thể nhảy từ mõm đá nầy sang chỗ khác cao hơn và xa. Nó có khả năng nhịn khát nhiều ngày, có sức chịu đựng mưa nắng. tuyết lạnh.

    Dê đực có khả năng tình dục phi thường. Một bầy có 100 con dê cái, chỉ cần 4 con dê đực. Như vậy một bầy dê khoảng 25 – 30 con dê cái chỉ cần một con dê đực để gây giống. Sáng sớm, khi mở cửa chuồng, dê đực đứng trước cửa, con dê cái nào vừa ra khỏi chuồng đều phải “nộp thuế tình dục” cho nó. Nếu còn sót con dê cái nào, lúc ra đồng cỏ, dê đực cũng đến ..” đòi thuế”. Buổi chiều lúc bầy dê vô chuồng, con dê đực cũng “thu thuế” như buổi sang.

    Trong 12 con giáp ( Thập Nhị Địa Can ), dê là con giáp thứ 8. Tính theo tháng, khởi đầu từ tháng Giêng gọi là tháng Dần thì tháng Mùi là tháng 6. Tính giờ theo Địa Chi thì giờ Mùi là từ 13 giờ đến 15 giờ.

    Ngày xưa, người ta đã dùng dê trong việc tế lễ. Trong thời vua Minh Mạng (1791 – 1840 ), vua Minh Mạng thứ 17 (1836 ) đã ra lệnh mua 220 con dê đực và 100 con dê cái để nuôi, lo việc tế lễ ở Đàn Nam Giao. Vua Minh Mạng thứ 21 (1840 ) đã chọn giống dê, khuyến khích dân chúng miền Trung nuôi, ai nuôi nhiềi sẽ được thưởng.

    Hy Lạp và La Mã ngày xưa cũng dùng dê để làm lễ vật tế thần.

    Những anh chàng “hảo ngọt”, tán gái một cách sàm sỡ, người ta gọi là thằng “dê”! Phái “đực rựa”rất nhiều chàng có..”máu dê”. Dê thượng thặng, người ta gọi là “dê cụ”. Mấy ông có máu dê mà để bộ râu dưới càm giống như râu của “ông thầy”, người ta gọi là “dê xồm”.

    Chữ “dê” để gán cho những anh tán gái nham nhở, nếu không bị gọi là “dê” thì người ta gọi là “ba mươi lăm” (35). Gốc tích số 35 được gọi là dê xuất phát từ sòng cờ bạc mang bảng hiệu là “Đại Thế Giới”( Grand Monde ), nằm trên đường Trần Hưng Đạo, giữa Sài Gòn và Chợ Lớn của Lực Lượng Bình Xuyên qui thuận Pháp, trong thời Chính Phủ Bảo Đại. Sòng bạc có xổ số đề 40 con, tính từ số 1 là con cá, số 40 là ông địa..Con dê nằm ở số 35!

    Trong văn chương Việt Nam, dê cũng được đề cập tới qua các tác phẩm, thơ, phú. Trong tác phẩm “Lục Vân Tiên”, tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả anh chàng Bùi Kiệm:

    Còn người Bùi Kiệm máu dê,
    Mặt ê như thể một dề thịt trâu!


    Cũng Nguyễn Đình Chiểu, trong bài “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc” có câu:

    “Hai vầng nhựt nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó,
    Mùi tinh chiên vấy đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”.
    Trong “Hịch Tướng Sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có câu:
    “Tác lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”


    Theo Tấn Thư, Tấn Vũ Đế thời Chiến Quốc có hàng ngàn cung tần mỹ nữ, đêm đêm nhà vua ngự trên xe do dê kéo đi trong hậu cung. Các phi tần thường lấy lá dâu rắc trước cửa phòng. Dê thích ăn lá dâu, dừng lại ở phòng của nàng nào thì nhà vua sẽ ngủ đêm tại phòng của nàng ấy. Trong “Cung Oán Ngâm Khúc” của Ôn Như Hầu - Nguyễn Gia Thiều có câu:

    “Phải duyên hương lửa cùng nhau,
    Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào?”


    Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585 ) đã chỉ trích những kẻ lừa đời, dối thế, mua bán công danh:

    Lận thế treo dê mang bán chó,
    Lập danh cỡi hạc lại đeo tiền.


    Dê là đối tượng trong nhiều câu ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ, đồng dao. Để chê những người không biết tính toán lợi hại trong việc làm ăn, người ta nói:

    “Bán bò tạo ruộng, mua dê về cày” ( Dê làm sao cày được?!).

    Để chỉ những người có chí khí cao, cam chịu đựng gian khổ để giữ vững lập trường của mình, thiên hạ hay dùng thành ngữ “Chăn dê uống tuyết”. Nhóm chữ nầy nhắc đến lòng trung can của Tô Vũ ngày xưa.

    Để khuyên mọi người tùy hoàn cảnh kinh tế của mình mà hành nghề chăn nuôi cho thích ứng hay chọn lãnh vực hoạt động thích hợp với khả năng của mình, người xưa có câu:

    “Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng”

    Những người nói chuyện quá dài dòng, toàn là chuyện vớ vẩn, người ta phê phán là “Cà kê dê ngỗng”. Để chỉ trích những người nhận xét hai sự việc một cách quờ quạng, không minh bạnh, không chính xác, hai việc chẳng khác gì nhau, cổ nhân có câu: “Máu bò cũng như tiết dê”.

    Ông Phùng Khắc Khoan (1528 – 1613 ), tục gọi là Trạng Bùng đã tả cảnh nông thôn của Việt Nam vào thời đại của ông:

    Trâu, bò, gà, lợn, dê, ngan,
    Đầy lũ, đầy đàn, rong thả khắp nơi.


    Trẻ con Việt Nam khi chơi trò “dung dăng dung dẻ” thường hát bài dồng dao:

    “Dung dăng dung dẻ - Dắt trẻ đi chơi - Đến cửa nhà trời - Lạy cậu, lạy mợ - Cho cháu về quê - Cho dê đi học - Cho cóc ở nhà - Cho gà bới bếp - Ngồi xẹp xuống đây”.
    Vua Lê Thánh Tông ( 1442 – 1497 ) có bài thơ vịnh Tô Vũ trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập:

    . . . Biển Bắc Xuân chầy dê chẳng nghén,
    Trời NamThu thẳm nhạn không thông.
    Và có bài thơ với hình ảnh con dê:
    . . . Ông già buông nọc châm hoa rữa,
    Dê yếu văng sừng húc dậu thưa.


    Trong thế kỷ 15 mà ý thơ đã sâu sắc và súc tích! Sang thế kỷ 19, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã làm sống lại 2 câu thơ trên qua bài “Mắng học trò dốt”:

    Khéo léo đi đâu lũ ngẩn ngơ,
    Lại đây cho chị dạy làm thơ.
    Ong non ngứa nọc châm hoa rữa,
    Dê cỏ buồn sừng húc dậu thưa.


    Trong tác phẩm “Lục Súc Tranh Công” ( tác giả Vô Danh ) trong khoảng Thời Lê mạt hay Nguyễn sơ (?) kể chuyện 6 con vật: trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn tranh công. Đầu tiên, trâu tị với chó, chó cải lại. Đến lượt chó tị với ngựa rồi ngựa tị với dê, dê tị với gà, gà tị với lợn. Không con nào chịu thua con nào. Nhờ chủ nhà giảng giải, 6 con vật cảm thông nhau và con nào cũng yên phận, làm tròn công việc của con ấy. Sau đây là phần trích đoạn lời của dê cải lại khi bị ngựa công kích và dê kể công:

    . . . Khuyên khuyên chớ nói ngang nói ngữa,
    Bớt bớt đừng ỷ thế cậy tài,
    Ai chẳng biết đuôi ngựa thì dài,
    Dài thì để xua mòng, đuổi muỗi.
    Vốn như đây đuôi tuy vắn vỏi,
    Đây cũng không mượn ngưa nối thêm,
    Ngàn dặm trường mặt ngựa khoe êm,
    Ba gò sỏi dê đà xong việc.
    . . .Dê vốn thật thuộc về tế lễ,
    Để hòng khi về hạng tư văn,
    Để dành khi tế thánh, tế thần,
    Lại có thuở kỳ yên, kỳ phước.
    Hễ có việc lấy dê làm trước,
    Dê dâng vào người mới lạy sau,
    Ngựa tuy rằng hình tượng lớn cao,
    Tam sanh lễ, ai dùng đến ngựa?


    Nói đến dê, người ta liên tưởng đến chuyện Tô Vũ chăn dê, trong Cổ Nhạc Miền Nam, có bài bản mang tựa đề là “Tô Vũ Chăn Dê”. Ngày xưa, Tô Vũ là sứ giả của nhà Hán, thời Hán Vũ Đế, vua thứ 6 của nhà Hán ( 140 – 87 Trước Công Nguyên ). Ông đi sứ sang Hung Nô. Vua Hung Nô là Thuyền Vu dụ ông hàng phục, nhưng Tô Vũ nhứt quyết từ chối, vì lòng ái quốc trung quân. Vua Hung Nô ra lệnh cho quân đem giam ông trong hang đá, nhưng Tô Vũ không chết nên nó đày ông lên Bắc Hải, chăn một đàn dê đực và ra sắc chỉ: khi nào dê đực đẻ con, Tô Vũ mới được trả tự do, về nước. Sống trong cảnh đọa đày, ông đã làm bạn với một con vượn cái. Sau, nhà Hán và Hung Nô giao hoà, Tô Vũ được tha về.
    Thi sĩ Bùi Giáng ( 1926 – 1998 ) đã có một thời đi chăn bò, chăn dê ở Quế Sơn - Quảng Nam vào khoảng năm 194 5 – 1952, ông đã cảm hứng dệt thơ:

    Đồi tăm tắp chạy về ôm chân núi,
    San sát đồi phủ phục quần núi xanh.
    Chiều xuống rồi, tơ lòng rộn ràng rối,
    Trời núi đồi ngây ngất nảy dê xanh.
    Thôi ta từ nay tha hồ em mặc sức,
    Nhảy múa tung sườn núi vút dòng khe.
    Thôi từ nay tha hồ em mặc sức,
    Vang vang lên đồi núi giọng be be.
    Ngẩng đầu lên! Dê ơi, anh thong thả,
    Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh.
    Ngẩng đầu lên! Đây lòng anh vàng đá,
    Gửi gấm vào vòng mây nhuộm tơ duyên.


    Trong bộ truyện Đông Chu Liệt Quốc, có nhân vật Bá Lý Hề là nho sĩ nghèo nàn, tuổi 40 phải xa nhà đi tìm công danh, có lúc sa chân vào bước đường cùng phải làm ăn mày. Sau, ông làm kẻ giữ trâu, ngựa cho Sở vương. Tần Mục Công biết Bá Lý Hề là người có tài nên đem 5 bộ da dê đến chuộc ông về và phong làm Tể Tướng khi tuổi đời của ông đã 70. Người vợ của ông lưu lạc trong cảnh sống cơ hàn, tìm đến, xin làm gia nhân cho ông rồi thừa dịp hát lên một bài hát bi thương:

    Năm bộ da dê
    Bá Lý Hề, năm bộ da dê!
    Từ chàng ra đi
    Mổ con gà mái
    Nồi cơm gạo đỏ
    Chừ thương thì thương
    Ngày nay giàu sang
    Chàng quên chăng chàng?!


    Bá Lý Hề nghe bài hát, nhớ lại ngày người vợ hiền mổ thịt con gà mái, làm bữa cơm tiễn đưa ông lên đường lập công danh 30 năm về trước. Ông nhận ra vợ mình. Hai vợ chồng ôm nhau mà khóc.

    Sách “Lĩnh Nam Chích Quái”, chương đầu nói về họ Hồng Bàng, có đề cập tới chuyện người Việt giết trâu, dê làm lễ vật. Như vậy dê đã dược nuôi để dùng vào việc tế lễ vào thời ấy. Thời nhà Hán 200 năm trước Công Nguyên, Lữ Hậu đã cấm xuất khẩu ngựa cái và dê cái sang nước Việt để giới hạn, giảm thiểu việc chăn nuôi ở phần đất bị Triệu Đà chiếm cứ.

    Dê cái là hình ảnh đáng yêu kính trong những huyền thoại của Tây phương, là nghĩa mẫu của thần Zeus, là bóng dáng người vượt núi trèo non hiểm trở để đạt được lý tưởng trong cuộc sống. Sừng dê cái là biểu tượng của của sức sản sinh phồn thịnh.

    Trong huyền thoại Hy Lạp, con dê đực là hình tượng của thần Pan, thủy tổ của mục đồng, ngày xưa là kẻ chăn dê. Pan sống trên núi cao, thường thổi sáo bằng ống sậy để tưởng nhớ giọng nói của người yêu đã chết, hồn lẫn vào trong lau lách.

    Dê còn là hình tượng cho Dionyo, thần của rượu nho, mặt nạ và sân khấu. Do đó, bi kịch - một thể loại lớn lao của văn hoá nhân loại, tiếng Hy Lạp gọi là “Tragôidia”, bắt nguồn từ chữ “Tragos”, nghĩa là con dê đực. Vậy nói theo văn chương thì bi kịch là khúc dương ca.

    Trong dân gian, con dê hiện hữu trong bảng tử vi phương Đông lẫn phương Tây. Trong lịch Trung Hoa, dê tượng trưng cho năm Mùi. Trong lịch tây phương, dê là Ngư Dương – Capricorne, sừng dê, đuôi cá, là một trong 12 chòm sao trên hoàng đạo, ứng vào ngày Đông chí ở Bắc bán cầu: ngày bắt đầu dài. Trong niềm tin của dân gian, đây là điềm lành.
    Ngày xưa ở nước ta, con dê được tạo hình tượng trên bia, miếu, đình, chùa….bằng nhiều chất liệu như đất, đá, bạc, đồng, gỗ, mực..Tại bệ đá đặt tượng Phật ở Bối Khê, chùa Quế Dương – Hà Tây ( thế kỷ 14 ) có khắc hình con dê ngậm cành lộc, đầu ngoảnh về phía sau. Tại chùa Vắp ở Yên Bái cũng có khắc hình dê tương tự ở bệ đá, nhưng không có ngậm cành lộc. Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh có hơn 50 bức chạm trên lan can đá với hình ảnh con dê rất sắc sảo. Trong những tranh tượng bằng đất, gốm, gỗ cổ truyền, người ta thường gặp bức “Tô Vũ Chăn Dê”, bức “Hai Dê Qua Cầu”, đặc sắc nhứt là bức “Lạc Hợp Đồng Xuân” của dòng tranh làng Trống ( Hà Nội ), vẽ cảnh ông già xem 6 đứa cháu đang nô đùa với dê và bức “Bịt Mắt Bắt Dê” của làng tranh Đông Hồ ( Bắc Ninh ). Đề tài về Dê vẫn còn thu hút giới hoạ sĩ thời nay nên năm 1991, hoạ sĩ Phạm văn Tư đã triển lãm 120 bức tranh vẽ toàn là dê rất độc đáo, đã đem lại nụ cười và ấn tượng khó quên của người xem tranh.

    Những ngày lễ hội truyền thống của dân Việt Nam như hội đầu Xuân và Trung Thu, người ta thường bày trò chơi “Bịt Mắt Bắt Dê”. Nếu tổ chức trò chơi ấy choc ho trẻ em thì một em bị bịt mắt để rượt đuổi nhiều em khác giả làm dê, chạy quanh sân chơi và kêu tiếng “be be”. Nếu tổ chức cho người lớn thì một người nữ, một người nam bị bịt mắt để đuổi bắt một con dê thiệt. Dê và 2 người đều đeo lục lạc và khoác áo tơi. Do không thấy đường và không phân biệt được tiếng lục lạc xuất phát từ người hay dê mà người nam và người nữ lắm lúc ôm nhau khiến người xem cười rộ lên!

    Thịt dê là món ăn đặc biệt của dân tộc Việt Nam với các món: lẫu dê, tái dê, thịt dê hầm, thịt dê nướng, dê rựa mận, thịt dê quay, cà-ri dê.. còn có huyết dê pha rượu cho các ông thích..”làm thầy”! Mỗi món đều có hương vị ngon, thích khẩu của nó. Muốn khử được mùi hôi ở thịt dê, trước khi làm thịt, người ta cho nó uống rượu mạnh rồi đuổi nó chạy quanh sân để mồ hôi của nó bài tiết càng nhiều càng tốt, sau đó mới cắt tiết rồi cắt đầu dê để riêng, moi nội tạng ra, nhét các thứ lá chát, lá thơm như lá sung, lá ổi, lá sả vào bụng dê, may kín lại bằng dây thép rồi đem thui. Dê đực và dê cái đều có tuyến xạ ở hai bên và phía sau gốc sừng.

    Các đấng mày râu thì rất thích ăn cái “ngọc dương” để được sung mãn như..” ông thầy”, nhưng chỉ “ép phê” nhứt thời mà thôi, nếu ai muốn mạnh như “thầy” thì phải.. “làm thầy” mới được!?

    Năm con dê, Cộng Đồng Người iệt Quốc Gia Hải Ngoại và Nhân Dân Việt Nam ở quê nhà chắc đang chờ “ Trận Cuồng Phong Dấu Tranh Cho Tự Do Dân Chủ” sẽ nổi lên mãnh liệt trên đất tổ quê cha, hơn cả “Luồng Gió Mới” của Hồng Kông để cho những câu Sấm của Trạng Trình ứng nghiệm vào vận mệnh của đất nước Việt Nam:

    “Mã đề, Dương cước, anh hung tận,
    Thân, Dậu niên lai kiến thái bình.”




    KHA LĂNG ĐA
    (Sưu khảo)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X