Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Như áng mây trôi

Collapse
X

Như áng mây trôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Như áng mây trôi

    Như áng mây trôi

    Phan Công Tôn






    Tôi có một người bạn cùng chung trại “học tập cải tạo” ở Thanh Hóa trong nhiều năm. Anh và gia đình sang định cư tại Salt Lake City, Utah từ năm 1995, theo diện H.O. (Tôi vượt biên từ Rạch Giá sang Thái Lan và định cư tại Utah từ năm 1987). Mấy năm sau, gia đình anh mua nhà ở cách nhà chúng tôi hơn một dặm. Vì chỉ có hai anh em là bạn tù chung trại, qua đây lại sống gần nhau nên chúng tôi càng gần gũi và thân thiết với nhau hơn. Anh bạn tôi tên Trịnh Văn Muôn, thứ mười trong gia đình, nên thường gọi là anh Mười Muôn.

    Nhân dịp tổ chức đám cưới cho người con trai duy nhất, anh nhờ vợ chồng tôi đứng làm đại diện cho đàng trai trong lễ nghi tổ chức tại nhà (vào buổi sáng) và nhờ tôi làm MC, giới thiệu chương trình trong đêm tiếp tân và tiệc cưới tại nhà hàng. Với nhiệm vụ một MC, trước đó mấy hôm, tôi yêu cầu anh Mười Muôn cung cấp cho tôi: tên của quý vị quan khách, thân nhân và bạn bè đến dự lễ cưới. Tất cả khách mời và thân nhân, hầu như tôi biết gần hết. Duy chỉ có một người khách lạ, anh Mười Muôn phải nhắc tuồng cho tôi: “Nhờ ông ghi tên ‘Cô của thằng Triệu’: cô Hai Thiệt; đến từ tiểu bang New Mexico”. Và ảnh còn phân bua thêm: “Cổ vừa là bà con xa, vừa là hàng xóm của tôi ở dưới quê: xã Phú Kiết, quận Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.”

    Đám cưới hai cháu Trịnh Minh Triệu và Phan Thị Cẩm được tổ chức suôn sẻ trong ngày 30 tháng 10 năm 2004 tại Salt Lake City. Vợ chồng tôi có dịp gặp “Cô của thằng Triệu” trong lễ Tân Hôn tại nhà và ngay cả ngồi chung bàn trong đêm tiệc cưới tại nhà hàng. Tất cả đều chuyện trò vui vẻ và bình thường!

    Tan tiệc cưới, về lại nhà anh Mười Muôn. Sau khi sắp xếp hành trang để sẵn sàng ngày mai trở về New Mexico, cô Hai Thiệt ra ngồi nói chuyện với gia đình cho tới khuya. Trong câu chuyện, gia đình có nhắc lại kỷ niệm: cô Hai Thiệt từ Mỹ bay về dự đám hỏi của Triệu ngày 23 tháng 10 năm 2003 tại Cai Lậy (Tiền Giang). Anh Mười Muôn thì kể về cuộc đời của mình: năm 20 tuổi, đi quân dịch, một năm rưỡi sau mới được giải ngũ, về quê đi dạy học. Sau khi tình nguyện gia nhập lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia, từ năm 1966 cho đến năm 1972, đơn vị Cảnh Sát của anh đóng tại Cần Đước (Long An). Vợ con anh phải rời quê ở xã Phú Kiết để lên sống tại Cần Đước với anh. Từ Cần Đước, lâu lâu anh phải dùng bắc Cầu Nổi để đi qua Gò Công khi có việc, v.v… Khi nghe đến địa danh Gò Công làm cô Hai Thiệt sực nhớ về cuộc đời của mình và kể cho cả nhà nghe về thời còn trẻ: cô có quen một anh Thiếu Úy Thủy Quân Lục Chiến đóng tại Gò Công của năm nào xa lắc! Anh Mười Muôn buột miệng hỏi: “Còn nhớ tên người đó không?” Cô Hai Thiệt trả lời tỉnh bơ: “Ảnh tên là Phan Công Tôn”. Cả nhà bất ngờ, chới với và nhao nhao cả lên. Anh Mười mới át giọng, nói lớn: “Người làm đại diện đàng trai và làm MC tối nay là anh Phan Công Tôn đó chớ ai!” Thấy sao ngờ ngợ, anh Mười nói cho cả nhà nghe nhưng cũng như tự đặt câu hỏi cho chính mình: “Lạ thiệt. Hai người đã gặp mặt, đã nói chuyện với nhau cả ngày mà không ai nhận ra ai ráo trọi. Sao kỳ dzậy cà!”…

    Khoảng nửa giờ sau, để cho câu chuyện được lắng xuống và được xác định rạch ròi; anh Mười gọi cho tôi, kể lể đầu đuôi câu chuyện… Tôi nói, sáng mai, trước khi đi làm, tôi sẽ chạy qua nhà ảnh để “gặp lại” và chào tạm biệt “Cô của thằng Triệu” trước khi gia đình anh Mười đưa cổ lên phi trường. Đêm đó tôi cứ mơ mơ, màng màng và chìm trong giấc ngủ chập chờn với câu tự hỏi: “Người quen tôi hay người tôi quen? Sao có cái tên “Cô Hai Thiệt” lạ hoắc mà tôi chưa hề ghi nhận được trong bộ nhớ của mình …???

    Chuyện của một thời trong quá khứ!

    Đó là năm 1964, tôi trở về đơn vị cũ sau hơn một năm đi thụ huấn quân sự tại trường Sĩ Quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ ở Quantico, Virgin­ia. Tiểu Đoàn 1/Thủy Quân Lục Chiến của chúng tôi tham gia cuộc “Hành quân Bình định” tỉnh Gò Công liên tục trong tám tháng. Cho tới bây giờ (năm 2013), đã hơn 49 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ một vài kỷ niệm trong chiến đấu như trận đụng độ với Việt Công tại khu rừng đước gần Vàm Láng (chỉ được yểm trợ bằng đại bác 75 ly của Thủy Quân Lục Chiến); trận tái chiếm quận Hòa Đồng khi quận này bị Việt Công tấn công, chiếm một số cơ sở của quận lỵ; đặc biệt là chúng đã bẻ khóa để thả tù trong mấy nhà giam và đang bao vây Bộ Chỉ Huy của quận. Trong trận này, lúc say máu ngà, tôi đã xung phong với chú Hạ Sĩ Lộc Điếc (xạ thủ trung liên BAR); hai thầy trò chạy trước đoàn quân của Đại Đội hơn 50 thước; thay nhau bắn trung liên để chiếm một gò mả trước khi tiến chiếm vào mục tiêu, v.v… Tôi vẫn còn nhớ một số người quen biết như “Ông Tư Thầy Bói” lừng danh trong vùng đóng quân ở Hòa Lạc; còn nhớ những “chuyện tình vụng trộm” của tôi (và một số bạn của tôi như hai Trung Úy Lê Văn Cưu, Huỳnh Văn Lượm và Thiếu Úy Nguyễn Văn Dàng, v.v…) đối với các cô gái quê ở Vàm Láng, Kiểng Phước, Tân Niên Tây hay ở các xã, ấp khác…

    Thời Việt Nam Cộng Hòa vùng đất này là quận lỵ Long Thuận của quận Gò Công, tỉnh Định Tường. Đến năm 1963 được tách ra khỏi tỉnh Định Tường để thiết lập tỉnh lỵ Gò Công. Gò Công là quê hương của nhiều nhân vật nổi danh như Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định; hai Hoàng Hậu thời nhà Nguyễn là Hoàng Thái Hậu Từ Dũ và Nam Phương Hoàng Hậu; nhà văn Hồ Biểu Chánh và ca sĩ Phương Dung qua biệt danh “Con Nhạn Trắng Gò Công”!

    Thuở đó, Gò Công còn rất ư là “nhà quê”, do đó khi nào có phép, đám sĩ quan trẻ chúng tôi đều dzọt qua Mỹ Tho “văn minh hơn” để … du hí (đi, về phải qua cái bắc kéo tay Chợ Gạo). Một lần, trên đường tới trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), tôi ghé văn phòng xã Điều Hòa; tình cờ tôi gặp, nói chuyện và làm quen với một cô gái. Cô này đến đây để lấy một số giấy tờ gì đó; hỏi thì được biết cô ta tên là Nguyễn Thị Thu Thanh. Tôi mời cô Thu Thanh ra một quán gần bờ sông ngoài Mỹ Tho, ăn uống lai rai khoảng hơn tiếng đồng hồ trước khi tôi phải trở lại Gò Công. Trong khi trò chuyện, tôi hỏi cô ta có biết bên Gò Công không? Cổ trả lời: “Em biết Gò Công rành lắm”. Tôi “gạ” cho có chuyện: “Khi nào em có dịp qua bển, tìm ghé thăm anh với!” Cổ trả lời tỉnh queo: “Chắc hổng lâu lắm đâu. Khi nào em qua, thì anh biết liền hà!” Sau khi chia tay, trên đường về, tôi cứ bị lởn vởn vì lời hứa “trời ơi đất hỡi” của cô ta. Tôi coi đây như một lời hứa chiếu lệ, hứa cho vui, hứa để hứa vậy mà! Khi trở về Gò Công, sau một cuộc hành quân, tôi quên tuốt lần gặp và lời hứa của cô ấy!

    ***

    Nhưng khoảng hơn hai tuần sau, lúc đơn vị nghỉ dưỡng quân tại vùng Tân Phước. Một buổi chiều, một chú đệ tử từ ngoài đường trải đá chạy vào nhà nơi chúng tôi đóng quân, hổn hển báo tin: “Ông thầy có người nhà đến thăm!” Tôi phóng vội ra đường (nơi xe lam vừa xuống khách), rất vui khi biết “người nhà” này là cô Thu Thanh! Càng vui và ngạc nhiên hơn khi biết được là cổ không hứa… lèo với mình! Đến thăm lần đầu tiên này, cô Thu Thanh ở lại bù khú với tôi trong ba ngày, chỉ được tối đa là ba ngày thôi (theo đúng qui định của đơn vị).

    Ngày chia tay, cổ hứa: “Lúc nào rảnh, em sẽ mò qua thăm anh!” Tôi suýt bật cười vì tiếng “mò” cổ xài. Qua ba ngày chuyện trò, tôi tìm thấy nơi cổ: một con người ăn nói rất thành thật, không màu mè; chẳng những không biết ăn nói văn hoa, bay bướm, mà ngược lại; cổ ăn nói tự nhiên, thoải mái và rất ư là nhà quê; cái kiểu “có sao nói dzậy người ơi” của Nam Kỳ Quốc! Cổ dùng tiếng “mò” một cách tự nhiên hay cổ muốn “mô tả” bữa đầu tiên qua đây: cổ phải “mò mẫm”, phải đổi bốn chuyến xe lam mới tìm tới vị trí đóng quân của tôi chăng?

    Từ đó, cứ khoảng hai, ba tuần, có khi gần cả tháng, cô Thu Thanh lại “mò” sang thăm tôi. Tội nghiệp cho cổ, đơn vị cứ thay đổi vùng hành quân, do đó vị trí tạm đóng dưỡng quân cũng thay đổi vòng vòng qua các quận, xã, ấp… Thuở đó làm gì có phone, cell phone hoặc email như bây giờ; vậy mà cổ cũng “mò” được tới tôi! Mỗi lần cổ qua thăm, căn nhà chúng tôi đóng quân cứ “vui như Tết”. Thường ngày, bốn thầy trò chúng tôi (hai chú đệ tử, một chú phụ trách máy truyền tin và tôi) ăn uống chung với nhau (do mấy chú phụ trách nấu nướng).

    Dần dần về sau, khi đã quen thân nhau, mấy chú đệ tử của tôi gọi cô Thu Thanh bằng cái tên: “cô La Dô” (mấy chú phát âm từ chữ “Radio”). Mỗi lần cổ qua thăm, tôi vui một nhưng các chú đệ tử thì vui đến mười. Sau khi tìm hiểu, tôi phát giác ra một chi tiết: mỗi lần “cô La Dô” qua, mấy chú “bán cái” cho cổ lo phụ trách “nấu nướng cho ông thầy” (có khi cổ còn phải đi chợ mua thêm thức ăn tươi về nấu); còn mấy chú thì cứ “chém vè” để đi… kéo bài!

    Với tánh khí chịu thương, chịu khó; lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái; lúc nào cũng hiền lành, thiệt thà; lúc nào cũng dễ dãi, cũng “bao che” cho mấy chú đệ tử (như mấy chú thường “ca” và “tuyên dương” cô La Dô!) Suốt thời gian quen biết và qua Gò Công thăm tôi, cô La Dô đã để lại trong tôi và mấy chú đệ tử của tôi những thân tình và những kỷ niệm đặc biệt của một thời trong chinh chiến!

    Nhưng, “ngày vui” qua mau! Giờ chia tay đã đến! Đơn vị chúng tôi lại được điều động đi hành quân tại các mặt trận sôi động ở các Vùng Chiến Thuật khác. Chúng tôi đành vĩnh biệt Gò Công! Vĩnh biệt cô Thu Thanh. Vĩnh biệt cô La Dô. Rồi từ đó, qua không gian đổi thay, qua thời gian cuốn trôi, qua tình người thay đổi; những sự kiện, những tình cảm, những con người của một thời trong quá khứ cứ qua đi, cứ mờ đi và cứ dần dần tàn phai…

    ***

    Đối đầu với hiện tại…

    Sáng hôm sau, sau ngày đám cưới của hai cháu Triệu/Cẩm. Trước khi đi làm, tôi chạy qua nhà anh Mười Muôn, gặp lại cô Hai Thiệt. Sau khoảng nửa giờ trò chuyện, như để nhớ lại và để kiểm chứng những sự việc đã xảy ra trong thời xa xưa… Cuối cùng tôi tự xác định: Cô Hai Thiệt đúng là cô Thu Thanh (của tôi) và là cô La Dô (của mấy chú đệ tử của tôi) ở Gò Công của hơn 40 năm về trước! Vì đêm qua, cô Hai Thiệt ngồi chung bàn và đối diện với vợ chồng tôi; vô tình, tôi nhìn thấy ngón tay đeo nhẫn của cổ bị cụt. Sáng nay tôi hỏi thì cổ cho biết: trong năm 1969 tại Cần Thơ, đi làm bằng xe đưa rước nhân viên sở Mỹ. Một hôm khi nhảy xuống xe, chiếc nhẫn cô đeo bị kẹt vào một cái đinh đằng sau lưng ghế. Sức nặng thân hình trì xuống làm ngón tay bị gãy, nên phải bị cưa mất hai lóng. Đó là lý do, đêm qua, sau khi anh Mười báo tin, tôi cứ lùng sục trong ký ức để nhớ lại xem trong đời, tôi có quen cô nào bị cụt ngón tay đeo nhẫn hay không?

    Năm 2006, cô Hai Thiệt mời vợ chồng anh chị Mười Muôn và vợ chồng tôi qua New Mexico chơi. Vợ chồng tôi bị bận công việc không đi được, chỉ có anh chị Mười qua chơi mà thôi.

    Cho mãi đến ngày 29 tháng 7 năm 2009, cô Hai Thiệt trở lại Utah lần thứ hai. Lần này để đón cô Sáu (cô em út cùng cha khác mẹ với mình). Cô Sáu Út được cô Hai Thiệt bảo lãnh sang Mỹ và cùng đi một chuyến máy bay (từ Việt Nam đến Utah) với gia đình hai người con gái của anh chị Mười Muôn. Cô Hai Thiệt lên Utah thăm gia đình anh chị Mười, ở lại chơi vài hôm rồi mới đưa cô Sáu Út trở về Albuquerque, New Mexico. Dịp này, vợ chồng tôi dành thêm nhiều thời gian để qua nhà anh chị Mười chơi và để nói chuyện với cô Hai Thiệt nhiều hơn…

    ***

    Cô Hai Thiệt với cuộc đời đầy truân chuyên.

    Qua lời kể của cô Hai Thiệt, cộng với sự bổ túc của anh chị Mười Muôn, chúng tôi có thể tóm lược toàn bộ cuộc đời của cổ như sau: Mẹ mất sớm khi cô còn nhỏ, cha lấy vợ kế và có thêm bốn người con. Bị bà dì ghẻ đọa đày đủ thứ. Đi học về là phải chăn hai con trâu. Cũng chưa được yên thân, cứ bị dì ghẻ tâu rỗi với cha. Cuối cùng bị cha đuổi ra khỏi nhà năm mới lên 18. Nhờ dì Hai Sang gần nhà, giúp đem lên SàiGòn đi làm (việc làm giống như đi ở đợ cho người ta vậy). Năm 22 tuổi, trở lại Mỹ Tho nhưng không dám về nhà. Phải ở lây lất nơi nhà các bạn gái. Được giới thiệu đi làm trong các nhà hàng ăn uống và các bar rượu. Khoảng thời gian này, có một người bạn trai, nhờ anh ta chạy chọt giấy tờ đổi tên từ Thiệt thành ra Thu Thanh và đó cũng là thời gian gặp tôi và qua Gò Công thăm tôi (như trình bày ở phần trên).

    Năm 1968, cô tìm được một việc làm như một Bartender trong một Câu Lạc Bộ của Mỹ tại căn cứ Bình Thủy (Cần Thơ). Tại đây cô có quen một kỹ sư Mỹ tên là Rigby, lớn hơn cô 15 tuổi. Ông này là chuyên viên phụ trách sửa chữa cơ khí của máy bay. Năm 1969, sau khi bị cưa ngón tay, Rigby khu­yên cô nên nghỉ làm. Rigby đề nghị cưới cô và đem cô về Mỹ năm 1970. Trước khi về Mỹ, hai vợ chồng xin được một đứa con nuôi lai mới sinh được một ngày tại một bệnh viện ở Vũng Tàu (đứa bé gái này có cha Úc mẹ Việt). Rigby đã có vợ con tại Utah và đã ly dị vợ mấy năm trước đó. Rigby chọn cô làm vợ vì biết cô giỏi quán xuyến việc nhà, làm việc nội trợ cũng giỏi và đặc biệt là biết chăm sóc sức khỏe cho chồng. Sau khi lấy chồng, cô theo chồng (đi làm việc khắp nơi qua các nước ở Châu Á và Châu Âu). Năm 1991, Rigby nghỉ hưu về mua nhà ở thành phố Albuquerque, New Mexico. Rigby bị stroke và phải ngồi xe lăn mấy năm trước khi qua đời vào năm 2002.

    Sau khi chồng chết, có thì giờ rảnh rỗi, cô thường xuyên đi du lịch và về thăm quê. Mặc dù cha và dì ghẻ đã qua đời, nhưng cô vẫn bỏ tiền ra để xây một căn nhà rất khang trang tại quê (xã Phú Kiết). Trừ cậu em thứ tư đã có vợ con, ra ở riêng; ba người em còn lại vẫn được ở trong ngôi nhà này.

    ***

    Và kết thúc cuộc đời với đầy… tan tác!

    Vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2012, cô Hai Thiệt về quê Phú Kiết ăn Tết và thăm gia đình. Mới ăn Tết xong, một buổi tối cô bị cảm bất ngờ. Mấy người em chạy đi gọi y tá đến nhà chích thuốc cho cô. Có lẽ bị phản ứng thuốc sao đó, cô chết ngay tại nhà, không kịp chở ra bệnh viện.

    Maria, người con gái nuôi của cô (đang sống ở Arizona, có chồng Mỹ, nhà rất giàu, có máy bay riêng), gọi về tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ tại SàiGòn, yêu cầu cho người về Phú Kiết điều tra; phải mổ tử thi để giảo nghiệm, để tìm hiểu xem cô có bị đầu độc hay không? Sau đó cho phép đem thiêu xác cô, hủ tro cốt được gởi về Mỹ cho Maria và Maria đem tro cô Hai Thiệt rải trên vùng đồi núi ở Albuquerque, New Mexico.

    ***

    Tạm thay lời kết

    Tôi muốn cô Thu Thanh (“cô La Dô”) cùng với bốn thầy trò chúng tôi quay trở lại Gò Công của hơn 49 năm về trước… Các chú đệ tử của tôi mà cô từng thân quen như: chú Bẹt, đã chết trong cuộc hành quân của Tiểu Đoàn 1/Thủy Quân Lục Chiến ở vùng thung lũng suối La Tinh (vùng giáp ranh giữa Quảng Ngãi và Bình Định) năm 1965; “chú Đại truyền tin”, còn sống tới năm 1975 nhưng không biết bây giờ ở đâu và sống chết ra sao; chú Nho, còn sống ở Phan Rang (mãi tới năm 2010 tôi mới biết được tin, qua tin tức bên vợ chú, người cùng quê với anh Mười Muôn, vợ chú tên là Điệp, đã qua đời vào năm 2008)...

    Tôi đang viết về cô, người đã từng đi qua đời tôi, với những kỷ niệm buồn vui của một thời nào xa lắc! Qua bài viết này, như một nén hương lòng, muốn vươn tỏa lên cô, nơi vùng trời yên bình nào đó. Xa tít. Trên cao!


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X