Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hoài niệm về tướng Nguyễn Khoa-Nam: Chiếc nón sắt

Collapse
X

Hoài niệm về tướng Nguyễn Khoa-Nam: Chiếc nón sắt

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hoài niệm về tướng Nguyễn Khoa-Nam: Chiếc nón sắt

    Hoài niệm về tướng Nguyễn Khoa-Nam: Chiếc nón sắt

    Huỳnh Quốc Minh


    Tháng 10 năm 1969, sau khi mãn khóa Hạ Sĩ-Quan Ðồng-Ðế Nha-Trang, cộng thêm ba tháng của khóa học chuyên môn về sửa chữa quân xa ở Trường Quân-Cụ Gò-Vấp Sài-Gòn, tôi được trở về quê nhà đáo nhận nhiệm sở ở căn cứ Ðồng-Tâm Mỹ-Tho, trong đơn vị Tiểu-Ðoàn 7 Tiếp-Vận thuộc Sư-Ðoàn 7 Bộ-Binh. Tôi may mắn được biệt phái qua Văn Phòng Tổng Thanh-Tra của Sư-Ðoàn để đi thanh tra hàng năm 16 binh đoàn trực thuộc.

    Lúc bấy giờ, tình hình an ninh các xã ấp, quận lỵ thuộc tỉnh Ðịnh-Tường rất rối ren. Tin tức từ các chiến trường lớn nhỏ dồn dập báo về với bao sự chết chóc, bị thương và tổn thất. Ðúng vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng càng ngày càng gia tăng trầm trọng đó, một vị cứu tinh đã mang niềm vui đến cho Sư-Ðoàn: Ðại Tá Nguyễn Khoa-Nam, Lữ-Ðoàn Trưởng Lữ-Ðoàn 3 Nhảy Dù được Bộ Tổng Tham-Mưu điều động về giữ chức vụ Tư-Lệnh Sư-Ðoàn 7 Bộ Binh, kiêm Tư-Lệnh khu chiến thuật Tiền-Giang, thay thế cho Thiếu-Tướng Nguyễn Viết-Thanh được thăng tiến làm Tư-Lệnh Quân Ðoàn IV, Quân khu IV.

    Tin tức được loan truyền nhanh chóng, từ tiền tuyến đến hậu phương, từ các đơn vị tác chiến, đến những quân binh chủng ngành trực thuộc Sư-Ðoàn, đều tỏ vẻ lạc quan thấy rõ, với sự lãnh đạo mới của người hùng oanh liệt thuộc binh chủng thiện chiến Nhảy Dù. Song song đó, một lệnh đặc biệt lần đầu tiên trong quân sử Sư-Ðoàn, với công văn được gởi đi khắp các đơn vị trong Sư-Ðoàn có nội dung:

    - Tất cả quân nhân các cấp luôn luôn phải mang súng và đội nón sắt khi di chuyển bất cứ ở nơi nào. Ngoài ra, xe Jeep đều phải tháo mui để trần.

    Bấy lâu, người quân nhân Sư-Ðoàn đội nón lưỡi trai bằng vải ka-ki xanh khi đi ra ngoài, còn chiếc nón sắt chỉ sử dụng lúc ban đêm đi trực hay canh gác tiền đồn mà thôi! Phải công nhận, trọng lượng chiếc nón sắt của Mỹ mà bên trong còn có thêm một chiếc nón lót nhỏ hơn bằng nhựa, cùng với những dây da và vải để điều chỉnh khi đội chụp lên đầu không phải là nhẹ. Nếu ai không quen thì sẽ cảm thấy nặng nề và khó chịu lắm! Nhưng nay lệnh của Tư-Lệnh Sư-Ðoàn ban ra thì ai mà dám không thi hành? Cho nên, từ Ðại-Tá Tư-Lệnh trở xuống đến hàng binh, bắt buộc quân nhân các cấp đều phải kè kè bên khẩu súng lục, hay cây súng M-16 và chiếc nón sắt to tướng bên cạnh, lúc làm việc cũng như khi đi ra ngoài. Hiện tượng mới lạ nầy không chỉ thấy được trong căn cứ quân sự Ðồng-Tâm ở Bình-Ðức mà ngay cả trong thành phố Mỹ-Tho. Kể từ những tháng ngày cuối năm 1969, nhan nhản trên các đường phố và nơi chợ búa, người dân thành thị thấy lính Sư-Ðoàn 7 đầu đội nón sắt, vai đeo súng trường rất là lạ mắt! Bất chợt, người ta bỗng có cảm giác lo sợ, tưởng chừng như tình thế đang trong giai đoạn nguy ngập sắp đến nơi vậy! Trên các trục lộ của đường phố, những chiếc xe Jeep “lùn“ quân đội mui trần loại mới M-151A1 và A2 của Mỹ đang di chuyển, vài quân nhân mặc áo giáp, nai nịt súng ống, nón sắt ngồi trên đó trông thật oai vệ. Có xe còn gắng anten cần câu máy truyền tin dài được xếp cong xuống 90° đưa ra phía trước, làm tăng thêm phần uy lực của Quân Ðội Việt-Nam Cộng-Hòa.

    Từ khi Ðại-Tá Nguyễn Khoa-Nam về làm Tư-Lệnh Sư-Ðoàn 7 Bộ-Binh, không khí sinh hoạt trong tất cả các đơn vị đều có phần nghiêm trọng hơn! Lệnh cấm trại 100% được ban hành, việc ứng chiến gác trực đều tăng cường thêm quân số. Bấy lâu, từ quan quyền cho tới người lính phần đông đều quen thói “đi trễ về sớm“, vắng mặt trong giờ làm việc để đi ăn nhậu vui chơi hay về với gia đình, giờ tình trạng nầy bỗng nhiên phải chấm dứt nên họ cảm thấy gò bó rất khó chịu. Ngay đến cả Tư-Lệnh Phó và Tham-Mưu Trưởng làm việc gần văn phòng Tư-Lệnh cũng phải làm việc và nghỉ đúng giờ, vì Tư-Lệnh Sư-Ðoàn thường hay đi kiểm soát đột xuất bất kể giờ giấc.

    Cấp bậc quân hàm của tôi lúc bấy giờ tuy chỉ là Trung-Sĩ, nhưng tôi hân hạnh được làm thuộc viên của những sĩ quan cao cấp trong Văn Phòng Tổng Thanh-Tra, mà Trưởng Ðoàn là Ðại-Tá Nguyễn Văn Lý người Huế, với bốn Trung-Tá trong bốn ngành Tiếp-Vận là Công-Binh, Quân-Nhu, Quân-Cụ và Truyền-Tin. Thỉnh thoảng, tôi được nghe các sếp kể chuyện về những đặc tính vị Tư-Lệnh của mình mà lấy làm thích thú và đầy lòng cảm phục, vì rất hiếm có cấp chỉ huy nào kỷ luật, liêm chính, thương lính và tận tụy xả thân vì Tổ Quốc như vị Tướng tài ba Nguyễn Khoa-Nam.

    Chỉ trong thời gian ngắn về Sư-Ðoàn 7 Bộ-Binh, đến tháng 11 năm 1969, Ðại-Tá Nguyễn Khoa-Nam được vinh thăng Chuẩn-Tướng nhiệm chức tại mặt trận với những chiến công hiển hách, giải tỏa được áp lực nặng nề của địch quân và vãn hồi an ninh cho các khu chiến thuật do ông phụ trách, tạo đuợc niềm tin cho quân nhân các cấp trong Sư-Ðoàn. Ban đêm, ông thường bất thần đáp trực thăng đi điểm danh tập hợp quân số ở những tiền đồn hẻo lánh, thị sát các đơn vị tiền phương ngoài mặt trận, đôn đốc tinh thần chiến đấu của anh em binh sĩ và nghiêm trị nhiều trường hợp vi phạm kỷ luật. Có những đêm khuya, ông can đảm liều lĩnh đi tuần tiểu trên các trục lộ nguy hiểm mất an ninh, có chiến xa “con rùa“ loại V.100 chạy bằng bánh xe cao su hộ tống, khiến cho những quân nhân tùy tùng phải nhiều phen khiếp đảm.

    Là một sĩ quan thuộc khóa III Thủ-Ðức, ra trường vào tháng 10 năm 1953, ông tình nguyện phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù qua những chức vụ Ðại-Ðội Trưởng, Tiểu-Ðoàn Trưởng. Tướng Nguyễn Khoa-Nam đã từng oai hùng tung hoành dưới hiệu kỳ “Thiên Thần Mũ Ðỏ“, ở những chiến trường khốc liệt trên khắp bốn vùng chiến thuật. Ðến khi về làm Tư-Lệnh Sư-Ðoàn 7 Bộ-Binh, ông vẫn luôn hoạt động tích cực không kể ngày đêm. Tháng 10 năm 1971, ông được thăng cấp Chuẩn-Tướng thực thụ. Năm 1972, ông được vinh thăng Thiếu-Tướng nhiệm chức và tháng 10 năm 1973, ông được thăng cấp Thiếu-Tướng thực thụ.

    Trong thời gian là quyền Tư-Lệnh, ông thường ngụy trang đi kiểm soát tình trạng canh gác của các đơn vị. Có một lần vào ban đêm, ông đích thân một mình lái xe Jeep loại thường, không mang quân hàm hai sao Thiếu-Tướng trên cổ áo. Khi xe ông vừa đến cổng chắn của đơn vị tôi, anh lính gác ngồi trong đồn canh ăn mặc lè phè, áo không bỏ trong quần, đầu thì không đội nón sắt, chân lại mang dép, cây súng M-16 và dây đạn thì ném ở một góc. Anh nầy thấy xe Jeep pha đèn vội bước nhanh ra ngoài, không hỏi mật khẩu mà cũng không cần biết đến xe của đơn vị nào vào tìm ai, thì đã mở cổng cho xe vô. Liền sau đó, người lính gác nầy đã phải một phen điếng hồn xanh mặt mà nhớ đời, khi biết được người “tài xế“ lái xe chính là Thiếu-Tướng Tư-Lệnh Nguyễn Khoa-Nam. Thế rồi chẳng những anh ta đã bị ký phạt tù quân, mà luôn cả Trung-Tá Tiểu-Ðoàn Trưởng của tôi cũng bị khiển trách liên đới, vì thiếu kiểm soát chặt chẽ thuộc cấp của mình.

    Vì nhu cầu tình hình chiến sự, đến tháng 11-1974, Thiếu-Tướng Nguyễn Khoa-Nam được thăng cử giữ chức vụ Tư-Lệnh Quân-Ðoàn IV và Vùng IV Chiến-Thuật tại thành phố Cần-Thơ.

    Nói tới vị danh Tướng tài ba Nguyễn Khoa-Nam thì đã có hơn 30 năm qua được người ta nhắc đến quá nhiều, nhất là vào cuối tháng tư mỗi năm. Nào là dòng dõi quí tộc, độc thân với bản tính âm thầm ít nói, cuộc đời binh nghiệp cũng như tài điều binh, được đặc cách thăng cấp tại chiến trường, sự thanh liêm của một cấp chỉ huy và cái chết tự kết liễu cuộc đời khi vận nước đen tối không lối thoát .v.v.

    Cùng với các vị Tướng Lãnh Lê Văn Hưng, Lê Nguyên-Vỹ, Phạm Văn Phú và Trần Văn Hai, Tướng Nguyễn Khoa-Nam đã ghi đậm một nét son cho trang cuối của quân sử Việt-Nam Cộng-Hòa. Nhân cuối tháng tư, tôi xin thành kính đốt nén hương tang cho những anh hùng đã một đời tận trung báo quốc, những đấng trung liệt đã từng là niềm hãnh diện cho Quân Dân miền Nam, cho mọi thế hệ, cho mọi thời đại của giòng sử đấu tranh nước Việt.

    Nguyễn Khoa-Nam đã an giấc ngàn thu…Ðể lại nhân thế bao thương tiếc, tiếc thương cho người lính năm xưa hiện đang lưu lạc ở khắp bốn phương trời. Riêng kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất đối với người quân nhân thuộc Sư-Ðoàn 7 Bộ Binh vào cuối thập niên 60, trong đó có tôi là: chiếc nón sắt.

    Huỳnh Quốc Minh


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X