Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Viết về: Vinh “nghệt” khóa 64d

Collapse
X

Viết về: Vinh “nghệt” khóa 64d

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Viết về: Vinh “nghệt” khóa 64d

    VIẾT VỀ: VINH “NGHỆT” KHÓA 64D

    Nguyễn Duy Vinh, khi mới sanh ra đời được vài tuổi, cái tuổi còn“thò lò mũi xanh” thì đã bị mồ côi cha… Nghe đâu cha anh bị ám sát khi gia đình còn ở Hà Nội thì phải...
    Oan trái này cũng lập lại lần thứ hai, khi Vinh ra đi vĩnh viễn ngoài mặt trận Kampuchia, thì con anh cũng mới lên ba, cái thủa ngu ngơ dại khờ chưa biết buồn lo khi cha mình không còn nữa…
    Vợ anh đã phải gánh chịu một cuộc sống lẻ loi trong tuyệt vọng và thương đau… Đến khi đứa con duy nhất của anh tên là Nguyễn Duy Hiển đến tuổi trưởng thành (19 tuổi ) thì chị cũng theo anh về bên kia thế giới trong chứng bệnh nghiệt ngã: Ung thư.

    Một con người hiền lành, hiền hòa và dễ mến, một con người thường nhường nhịn bạn bè, nhường nhịn người thân như vậy mà cũng phải nhường nhịn cả cuộc sống nữa sao? Bạn bè anh đa số nay vẫn còn sống… Nhưng anh đã bị số mệnh khắc nghiệt cuớp đi. Chẳng ai cứu anh được, mấy ai trong chúng ta còn nhớ đến con anh bây giờ nhỉ?!

    Ngược dòng thời gian, Vinh là một học sinh sáng dạ, học giỏi, thông minh, vì thế khi đậu trung học đệ nhất cấp là anh đã được gia đình thưởng cho một chiếc xe gắn máy: Velo Solex để tiếp tục học lên cao…
    Vinh học tiểu học ở trường tiểu học Đa Kao, rồi lên trung học thì học ở trường Trần Lục, sau đó chuyển sang học ở trường Võ trường Toản, ngay sát trường nữ trung học Trưng Vương…
    Ai cũng nghĩ dân Võ trường Toản thì sẽ cặp bồ với dân Trưng Vương, nhưng Vinh thì không!
    Cuộc tình của anh với một người con gái, mà sau là vợ anh, cũng ly kỳ lắm…Cứ như trong tiểu thuyết,
    Anh có đôi mắt mơ màng, ai nhìn cũng thấy đó là đôi mắt u sầu, báo hiệu một tương lai nhiều trắc trở, đôi mắt ấy hợp cùng với nước da hơi tái xanh, và khuôn mặt thon dài, làm cho anh khi mới chân ướt chân ráo vào Quân trường Nha Trang, năm 1964, đã bị mấy tay rắn mắt trong khóa chọc ghẹo là: Vinh nghệt!
    Bị áp đặt cho cái tên này, anh cũng không giận mà chỉ cười hiền hòa, im lặng mỗi khi anh em trong khóa, rồi các khóa khác nữa gọi nick name của mình.

    Trở lại chuyện hôn nhân của anh, hồi còn học ở trường trung học Võ trường Toản, mỗi chiều tan học, anh thường đèo một người bạn trên chiếc xe Velo Solex của mình…
    Một ngày kia, khi đi ngang qua bệnh viện Grall, nhìn vào dãy nhà sau hàng rào sắt kiên cố của bệnh viện, anh thấy một người con gái đứng trên lầu lặng lẽ nhìn mông lung ra ngoài đường,
    Người con gái ấy có một thân hình thon nhỏ, với tà áo trắng mặc trên người, nhẹ bay trong gió buổi ban chiều, lạiđứng trong khu dành cho người bị bệnh lao phổi, hợp cùng khung cảnh tĩnh mịch,vắng vẻ của bệnh viện, ôi! Như huyền thoại làm sao!
    Ngày lại ngày, mỗi lần tan học đi ngang qua bệnh viện, là Vinh lại thấy bóng dáng người con gái như liêu trai ấy, cả hai chẳng biết gì nhau, nhưng hình như có một sợi dây vô hình nào đó đã khiến hai người từ chỗ xa lạ , đã đi đến chỗ nên duyên cầm sắt sau đó…
    Khởi thủy, một bữa Vinh đèo bạn chạy qua bệnh viện, thì thấy người con gái này đang đứng dựa lan can nhìn ra đường, nàng mặc một bộ đồ trắng, tà áo dài trắng phất phơ nhẹ theo chiều gió, om gọn lấy thân hình mỏng mảnh, trông như một pho tượng sống giữa cảnh trầm tĩnh u uất của bệnh viện, như huyền ảo dịthường làm sao!?
    Anh dừng xe lại, rồi tinh nghịch và tò mò nhờ người bạn ngồi sau xe của anh, dùng phấn trắng viết lên cặp sách màu đen một dấu hỏi to tướng, rồi nhờ người bạn dơ cao cái cặp sách, hướng về phía người con gái như một thắc mắc cần giải đáp!
    Người con gái mắt hướng về hai người cười buồn, không nói hay không có một hành động thích ứng nào cả…
    Chiều đó Vinh cứ ngẩn ngơ lòng, bồi hồi tấc dạ, suy nghĩ mông lung, cố tìm ra phương cách nào để được làm quen với người con gái diệu kỳ này…
    Ngày hôm sau, đi học về, khi vừa chạy ngang Bệnh viện, nhìn vào chỗ cũ, nơi người con gái đang đứng u uẩn nhìn… Vinh sửng sốt, sung sướng ngập tràn, vì khi vừa dơ tay vẫy chào nàng, thì thấy nàng từ từ dơ cao tờ giấy, có viết chữ gì đó, nhưng xa quá làm sao nhìn rõ được! Tự nhiên có một động lực vô hình thúc đẩy Vinh mạnh dạn ra dấu chỉ vào hàng rào, như báo hiệu cho nàng, hãy lại gần để anh được nhìn rõ chữ gì?
    Mầu nhiệm thay, nàng đã đến gần ngay sát hàng rào sắt bao quanh bệnh viện, Vinh và bạn mình lúc đó mới nhìn ra trên tờ giấy hai chữ B K, có thể là chữ viết tắt của:
    Bacille de Koch …Hoặc viết ngược của Kim-Bích là tên của nàng?
    Dù gì đi nữa, nàng hiện diện nơi đây hàng ngày thì chắc chắn là để chữa trị bệnh Lao phổi rồi…
    Cái duyên tiền định là ở chỗ ấy!
    Phải! Một cử chỉ ra dấu lại gần của Vinh đã như thu hút người con gái ấy…Như là một sợi dây vô hình quấn gọn lấy hai người, và về sau hai người đã lấy nhau, dĩ nhiên là sau khi nàng đã chữa khỏi bệnh.
    Ôi, chuyện đời thật khó khôn lường, …Nếu ông Trời không bắt Vinh đi, không bắt người vợ đầu ấp tay gối của Vinh đi, thì cháu Hiển ngày nay đâu có phải sống cô đơn lẻ loi trong cuộc sống mồ côi: Không cha không mẹ?
    Năm 1968 Vinh lấy vợ, vợ anh chính là người con gái bị bệnh lao phổi, thường hay lặng lẽ đứng bên trong bệnh viện Grall ngày nào, nàng tên Kim Bích…
    Hôm đám cưới của anh, một số anh em bạn bè hai khoá 64D và 64C cũng có mặt, chứng kiến một cuộc tình bắt đầu bằng những giao cảm tuyệt vời giữa người và người…
    Chỉ có Vinh, một người giàu lòng vị tha, nhân ái, một người có “trái tim vàng” mới làm được như vậy!
    Sau khi Vinh tử trận năm 1971 thì đến năm 1987 vợ anh cũng bị bạo bệnh mà mất, chị đã phải cắt bỏ một bên ngực, vì chứng lao phổi trở lại, và chứng bệnh ung thư tiếp nối…
    Một cuộc tình nên thơ như vậy, tình người như thế, mà sao ông Trời nỡ thâu ngắn thời gian hạnh phúc lứa đôi của họ?
    Cho dù nay họ không còn nữa, nhưng mỗi lần nhắc đến họ, chúng tôi vẫn dành nhiều tình cảm thật nhất, trang trọng nhất cho đôi trai tài gái sắc này….

    Cái chết của Vinh là một cái chết oai hùng của một người trai thời loạn, cái chết xứng danh của một Phi Công Thời Chiến, những tấm huy chương như Bảo quốc Huân Chương và Huân chương Horoism của Hoa kỳ, cùng nghi lễ phủ cờ của Quân đội dành cho anh khi anh không còn nữa…
    Tất cả cũng chỉ là những bẽ bàng của cuộc sống, những đắng cay của cuộc đời, làm sao có thể đánh đổi được cả mạng sống của anh? Dù vẫn biết, đây cũng là một báo đáp xứng đáng đối với sự hy sinh như anh…
    Nhìn ở một khía cạnh khác, cái nổi bật nhất, chân quý nhất vẫn là một Nguyễn duy Vinh “rất người” của chúng ta, một người bạn đúng nghĩa chữ “ Bạn”, mà ai khi đã biết Vinh cũng mãi nhớkhôn cùng…
    Thủa còn ở Quân Trường Vinh chơi thân với Trần sĩ Công, cả hai thường quấn quýt bên nhau như hai người tình, nơi nào có Vinh là chắc chắn có Công và ngược lại…
    Nhưng khi ra Phi đoàn thì Vinh lại thường chơi với Ngô Giáp, Lê thuận Lợi và Phạm ngọc Hà…Với ai Vinh cũng được mọi người ưa thích bởi tính tình dễ mến của anh.
    Hồi còn đang học bay, những ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi thường “vù” qua Laredo (Mễ tây cơ) để du hí, thanh niên mới lớn nên đứa nào đứa nấy cũng “ghê gớm” lắm! Vung vít một cây, hết coi vũ khỏa thân, coi đấu bò, uống rượu Mễ, “trả thù dân tộc”, lại thả rong chơi trên khắp phố phường ở Laredo…
    Chúng tôi mua nhiều đồ kỷ niệm bên ấy, những bức tranh đấu bò thật sinh động, những chiếc nón rộng vành thật đẹp, v.v..
    Nhưng đặc biệt là Vinh lại mua một cây đàn Guitar, và mang về Việt Nam luôn.
    Mới đầu, chúng tôi tưởng Vinh mua chỉ để làm vật kỷ niệm, chứ đâu biết Vinh là tay chơi đàn Guitar thiện nghệ,
    Đến khi về phòng, Vinh đem đàn ra, lên giây lại, ngắm nghía cây đàn một cách nâng niu, rồi khoái chí dạo vài khúc nhạc Flamenco, thì mọi người như bị cuốn hút vào những âm thanh diệu kỳ,tiếng nhạc lúc bổng lúc trầm, lúc dồn dập lúc lả lơi, những ngón tay của Vinh di chuyển nhịp nhàng lên xuống, dáng ngồi nghiêng về một bên, ngả về phía trước, trông Vinh quả là một nhạc sĩ thứ thiệt!
    Vinh vào Không Quân, chọn nghiệp bay làm lý tưởng đời mình, từ năm 1964 đến năm 1971, thời gian sống trong Quân ngũ chẳng được lâu dài, vỏn vẹn có 07 năm ngắn ngủi, nhưng trong thời gian ấy anh đã chứng tỏ được cho đời:
    Trai thời chiến phải làm gì cho tổ quốc?!

    Hồi xưa, chết trong vinh quang là chết ngoài Chiến Trường, da ngựa bọc thây, ngày nay Nguyễn duy Vinh chết trong một Phi Vụ Hành quân, chiếc khu trục cơ mà anh lái trong phi vụ cuối cùng chính là quan tài bay đã ôm trọn hình hài anh về bên kia thế giới…
    Phi cơ của anh bị trúng đạn phòng không, một bên cánh bị cháy, anh có cơ hội để nhảy dù, nhưng vì không muốn phi cơ rớt xuống khu có dân chúng phía duới đất, nên anh đã chần chờ cố gắng lái ra khỏi chỗ này…
    Lòng hy sinh đầy tính nhân bản đó…Kết thúc bằng lời nói sau cùng “ Lost control” của Vinh!
    Theo lời của Phạm ngọc Hà kể lại:
    Trong Phi đoàn 518 thì Vinh chơi thân với Lê thuận Lợi và Phạm ngọc Hà, bộ tam sên này thường tâm đầu ý hợp, với chiếc “xế hộp” của Hà, cả ba thường cùng nhau đi du hí vũ trường mỗi khi rỗi rảnh…
    Ai muốn kiếm Vinh, cứ vào Phi đoàn 518, thấy một chàng trẻ tuổi cao ráo sạch sẽ, trong bộ đồ bay lắm túi nhiều Phẹc ma tuya, với trang bị trông “khác người” như:
    Trên ngực luôn mang hai dây lựu đạn Mini M13, cùng một con dao lá liễu và một cái búa ( thay cho súng như mọi người mang)
    Ai có thắc mắc thì được Vinh trả lời:
    -Mang súng ngắn mà bắn ai? VC nó dùng súng dài, khoảng cách xa nó cũng bắn được mình rồi, mình đâu còn thời gianđể đợi nó lại gần mới bắn? Do đó lựu đạn là tuyệt vời nhất, dao và búa dùng đểtự cứu mình khi ở dưới đất…
    Vinh đâu có ngờ là lúc phi cơ của mình bị bắn, rớt xuống đất, Vinh vẫn còn sống, canopy không mở được, Vinh vùng vẫy làm mọi cáchđể thoát ra ngoài, chiếc búa tuy còn mang trên người nhưng không đủ thời gian để Vinh cứu sống mình vì những trái lựu đạn Vinh đeo đã phát nổ… Phi cơ nổ như pháo bông, Vinh đã giã từ vũ khí trong tình trạng đầy kinh hãi và tuyệt vọngđó!
    Tổ quốc ghi ơn anh, gia đình anh: Một vợ góa, một con côi, nhận lãnh xác thân anh, chỉ là một đống tro than được bọc trong một bao nhỏ khoảng chỉ nặng được vài ký lô.
    Vinh đã vĩnh viễn rời xa bạn bè, rời xa vợ con, rời xa những người thân thuộc, rời xa tổ quốc thân yêu vào ngày 31 tháng 3 năm 1971.
    Vinh chết đi, nhưng những di vật của Vinh vẫn được vợ Vinh giữ kỹ trong phòng ngủ của hai người.
    Đôi bốt đờ xô vẫn nằm dưới cuối giường, cái khăn quàng cổ Vinh mua từ Randolph vẫn nằm hững hờ trên đôi gối, chiếc mũ kết nằm trên bàn thờ và đặc biệt nhất là cây đàn mua từ bên Mễ Tây Cơ năm 1965 vẫn ngoan hiền nằm trên giường ngủ,
    Lần vợ chồng Ý đến thăm chị Kim Bích (vợ Vinh) khi nhìn thấy những di vật này, nhất là vừa nhìn thấy cây đàn là Ý đã rưng rưng nước mắt, hai người đàn bà đứng bên cạnh cũng lả chả hạt châu…
    Ba người không nói một điều gì, nhưng cả ba đều hình như nghe đâu đây tiếng đàn mê ảo của Vinh đang dạo khúc nhạc Flamenco mang tên “La cumparsita” quen thuộc… Mà thủa sinh tiền, Vinh vẫn thường chơi và bạn bè vẫn thường bị cuốn hút bởi những âm thanh diệu kỳ này…

    Vinh đã không còn nữa, ba mươi lăm năm nay, Liên khóa 64 đã mất một mgười bạn tài hoa, nhân hậu …
    Nhân kỳ Hội ngộ Liên khóa 64 Sinh viên Sĩ Quan Không quân được tổ chức lần thứ ba, tại Thủ đô người Việt tỵ nạn ở Cali, sắp tới vào ngày 30 tháng 6 năm 2007.
    Rất mong mọi người chúng ta hãy cùng thắp nén hương lòng cho một người tài trai đoản mệnh :
    NGUYỄN DUY VINH Khóa 64D
    Xin chào anh… Xin được ngả nón chào anh… Vinh ơi!

    CaLi, 15 tháng 10 năm 2006
    KQ Nguyễn viết Trường


    Source: giadinhkqvnch/kq-ng-viet-truong-tho-van/vinh-nghet


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X