Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hộ Tống Hạm Nhật Tảo (HQ-10) Mất Neo

Collapse
X

Hộ Tống Hạm Nhật Tảo (HQ-10) Mất Neo

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hộ Tống Hạm Nhật Tảo (HQ-10) Mất Neo

    Hộ Tống Hạm Nhật Tảo (HQ-10) Mất Neo

    Chí Hợi - K12



    Để tưởng nhớ vong linh HQ/Tr.Tá Ngụy văn Thà, người anh hùng Hạm Trửơng HQ 10 Nhật Tảo đầu tiên trong lịch sử HQVN/CH đã tuẫn tiết theo tầu trong trận hải chiến với Trung Cộng, tranh giành lại mảnh đất giang san: đảo Trừơng Sa tháng 1 năm 1974.
    Chí Hợi (nhớ ngày Quốc Hận 30/04)


    “Neo“ hay “mỏ neo“ là dụng cụ tối cần thiết cho các con tầu hay chiến hạm. Nếu không có neo, luật an tòan không cho phép đựơc ra khơi hải hành. Neo chỉ là vật nặng , công dụng như một cái móc khi thả xuống nứơc, nó sẽ móc chặt vào đáy, giữ đứng con tầu một chỗ để cho tất cả mọi ngừơi được nghỉ ngơi. Dưới tác dụng của sóng , gío, thủy triều , tuy tầu đang thả neo, vẫn có thể di chuyển được. Di chuyển nhiều hay ít tùy theo tính chất của đáy là bùn,cát hay đất cứng.

    Người dân chài gọi tầu lúc đó là: “neo cầy“ hay “neo bừa“.

    Thuyền trửơng hay hạm trưởng luôn luôn lưu tâm, thận trọng trong lúc tầu neo. Định lại vị trí neo trên hải đồ là điều bắt buộc, nhưng các ông thường hay ra lệnh nhân viên trực thuộc canh phòng, để ý cẩn thận khi tầu di chuyển vì “neo cầy”. Nếu sơ hở, tầu có thể bị trôi, mắc cạn có thể xẩy đến.

    Nhớ lại bài học môn vận chuyển, trường hợp thả neo trúng ngay tảng đá san hô, máy kéo neo dùng hết sức cũng không thể đem neo về tầu đựơc, làm sao mà giải quyết tai nạn này đây? Cách duy nhất giải qiuyết ổn thỏa; ra lệnh cho hầm máy bơm nước vào đầy các ballasts ở phía truớc, hay các hầm neo. Trường hợp tầu buôn thường hay có hầm chứa nước ngọt dùng hàng ngày, được gọi là peak avant. Nước ở đây thường dùng trứơc, để khi hết, mũi tầu nổi nhẹ cao lên, dễ vận chuyển, và khi này sẽ dùng nước ngọt chứa ở hầm phía sau lái (peak arrière).

    Sau khi bơm đầy nước, mũi tầu bị chìm xuống vì các khoang chứa nặng nước biển, dây xích neo bị chùng, máy kéo neo có thể quay và cuốn lên thêm vài mắt xích cho đến khi bị rất căng không thể chạy nổi nữa . Lệnh cho hầm máy bơm hết nước ở phía mũi ra, tầu nhẹ đi, sức đẩy Archimède chỉ thiên thẳng đứng sẽ kéo căng sợi xích, neo có thể bị lung lay trong đám san hô. Nếu neo chưa kéo lên đựơc, lập lại cách trên vài ba lần nữa, chắc chắn thế nào neo cũng đem về ổ được.

    Mỏ neo thường dùng để làm huy hiệu cho tất cả Hàng Hải Thương Thuyền hay Hải Quân các nứơc. Mỏ neo thường được đội trên nón, phía trước, nơi cao qúy nhất con ngừơi hoặc đặt trên cầu vai hay tay áo để chỉ rõ ngành nghề hay cấp bậc.

    Neo chỉ là một khối thép nặng nề, có hai nghạnh chỉa ra dùng làm móc nên rất khó hư hỏng, rỉ sét ít làm cho neo yếu đựơc. Riêng các mắt xích, nối lại với nhau thành một chuỗi dài, dùng để thả xuống hay kéo neo lên là rất ốm yếu và dễ bị rỉ sét tác dụng làm cho hư hỏng (bị mỏng dần), sức chịu đựng (căng hay giật) bị yếu đi. Trong các lần Đại Kỳ (grand carénage), xưởng neo thuộc Hải Quân Công Xưởng luôn luôn kiểm tra mắt xích, đánh sét hay cạo sét và sau đó sơn phết lại bằng một lớp sơn đặc biệt bảo vệ. Các mắt xích (maillons) cũng đựơc đánh dấu lại, sơn phết mầu rõ ràng khác biệt để đánh dấu chiều dài của đọan xích và sau đó con tầu có thể an tòan tách bến ra khơi.Có một công thức vật lý dùng để tính lại sức chịu đựng của chuỗi xích bằng cách đo lại đùơng kính các mắt xích (calibre) sau khi đã được đánh sét kỹ lưỡng mà Hải Quân Công Xưởng thường hay dùng.

    Tôi được đổi về HQ 10 sau một thời gian làm Sĩ Quan liên lạc dài hơn nửa năm, tham dự hành quân “Operation Market Time“ với các chiến hạm DER thuộc Đệ Thất Hạm Đội, chẳng biết đất bờ là gì. Tầu đang ở, khi hết hạn công tác, tất cả mọi nhân viên đựơc về bến nghỉ R&R ở Hồng Kông hay Okinawa thì tôi đựơc chuyển sang tầu khác, tiếp tục hành quân tuần tiễu khi tầu này mới đến nhận vùng.

    Được một dịp rất tốt để học hỏi nhiều kinh nghiệm sống về tác chiến cũng như hải hành bằng cách quan sát kỹ lưỡng các việc làm của nhân viên chiến hạm và hồi tưởng nhớ lại các mớ bài vở lý thuyết đã học đựơc trong thời gian thụ huấn tại quân trừơng , mặc dầu tôi không phải là đựơc đi thực tập trên chiến hạm Mỹ. Đồng thời sau đó đựơc chuyển qua tầu WPB của US Coast Guard, một loại tầu tuần nhỏ, đựơc thiết kế, đóng và chế tạo rất vững chắc, có thể chịu đựng mọi sóng gío (ngoại trừ bão). Đó là một thời kỳ thử thách dầy gian nan đối với tôi để chịu đụng và chống chỏi mọi chứng say sóng do tầu nhỏ , nhẹ, lắc rất nhanh và mạnh khi đi sóng ngược hay sóng ngang. Người Mỹ (US Coast Guard) rất hãnh diện khi ra khơi để làm nhiệm vụ đựơc giao phó cho dù với thời tiết, biển động cỡ nào ( all weather operations ) cũng không từ chối , ráng hoàn thành công việc cho thỏa chí. Tôi cũng tự hào, sau một thời gian thử lửa ác liệt với biển cả hung dữ và đã trở nên không còn sợ say sóng là gì. Lúc ban đầu say sóng, ói ra mật xanh, mật vàng, miệng đắng không thể chịu đựng đựơc, người mệt lả, mồ hôi bên trong ướt đẫm lớp áo lót nhưng nhờ có đủ loại thức ăn chứa trong tủ lạnh ở nhà bếp, được tự do chọn lấy ăn theo sở thích của khẩu vị và để lấp lại cái bao tử trống rỗng. Sức lực từ từ hồi sinh lại, nên quên hết mọi chuyện ói mửa và cũng có thể hãnh diện như các nhân viên Mỹ khác đang đi quart vì họ không biết say sóng là gì.

    Đựơc phục vụ trên HQ10 là niềm vui và hãnh diện của tôi vì đựơc tận hửơng thú: ”Ta về ta tắm ao ta… dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn“. Trong thời gian làm Sĩ Quan liên lạc trên các DER (Destroyer Radar) và WPB (US Coast Guard Patrol Boat) của Mỹ, tôi chẳng phải làm một việc gì cả, ngoài việc phải có một 1 SQ/VN hiện diện trên chiến hạm Mỹ trong lúc tầu đang hải hành trong Hải Phận VN. Đôi khi đảm nhiệm một vài vụ thông dịch khi khám xét các ghe thuyền đánh cá.

    Tầu có tên cũ là: “USS Serene – MSF 300 “ (Miner Sweeper- Fast) một loại tầu rà mìn do HQ Mỹ chuyển giao, có kiến trúc hao hao giống một destroyer nhưng chỉ bé bằng 1/3 mà thôi. HQ/VN tiếp nhận, đổi thành PCE, HQ10 hay hộ tống hạm Nhật Tảo.

    Lý do: chiến thuật rà mìn không thích dụng cho chiến trừơng tại VN. Khu Sĩ Quan ở đầu mũi, phía trên có khẩu đại bác 3” (76.2mm ). Tiếp kế đến phòng ăn Carrée SQ và nhà bếp nhỏ. Tầng trên là phòng Hạm Trửơng và phòng truyền tin. Trên nữa là đài chỉ huy, loại lộ thiên có mái bố che, phòng lái và phòng CIC bé nhỏ ở sát phía trứơc. Phòng ăn, nhà bếp và chỗ ngủ của Đoàn viên và Hạ Sĩ Quan ở tầng dứơi, phía trên hầm máy. Sân sau lộ thiên có 2 khẩu Bofor (40mm) đơn, sân cuối lái có hai dàn phóng lựu đạn chống tầu ngầm (depth charges). Trước khi giao cho HQ/VN, tầu đựơc đại kỳ kỹ lưỡng nên tình trạng vỏ, máy móc đều tuyệt hảo.

    Được gặp lại vị Sĩ Quan huấn luyện môn Hàng Hải và Vật Lý tại Quân Trường đang làm Hạm Trửơng, tôi rất vui mừng và khâm phục. Đó là HQ/Thiếu Tá Nguyễn Địch Hùng, ông là một SQ tài gỉỏi, thâm niên đã từng du học huấn luyện tại École Navale de Brest, Pháp Quốc, và nhất là ông luôn luôn tôn trọng kỷ luật, gương mẫu , đạo đức , tinh thần trách nhiệm cao.

    Trong chuyến công tác Vùng 4, khỏang tháng 3-4/1967, gặp đúng lúc giao thời đổi hướng gío mùa Tây-Nam. Tại vùng vịnh Thái Lan và phía Nam mũi Cà-Mau, biển thường hay động dữ dội. Nhận đựơc lệnh ra khơi, HQ10 ngang nhiên tăng tốc độ, mũi tầu bửa sóng trắng xóa hai bên, lần lũi chúi xuống, nhấc bổng thân mình anh dũng vựơt trùng dương ra khơi.

    Biển động, ghe đánh cá Việt Nam chỉ lác đác vài chiếc. Đa phần đều là ghe mới đóng, nhái theo kiểu của Thái Lan (dân địa phương gọi là ghe Thái lan, mặc dù chủ là ngừơi Việt) nên mới đủ sức đi biển lúc trời xấu.

    Đôi lần có gặp tần đánh cá của Thái Lan , to lớn, hùng vĩ . có chiếc gần to bằng PCE của chúng tôi, vẫn ung dung thả hay kéo lứơi. Nếu họ vi phạm hải phận Kinh Tế (Hải phận giới hạn về đánh cá), Hạm Trửơng chỉ thị liên lạc đèn đuổi họ đi. Nếu vi phạm trắng trợn trầm trọng hơn, vào trong hải phận thật sâu và nhiều lần, sẽ bị tầu ta bắt và kéo về An Thới lập biên bản phạt.

    Biển thường êm dịu dần sau một thời gian động dữ dội, đây là lúc tốt nhất để Hạm Trửơng thi hành huấn luyện tác chiến. phòng tai hay đào thóat..v..v.. Đối với nhiệm sở tác chiến thực tập, tôi đã quen và thành thạo rất nhiều trong thời gian ở trên tầu Mỹ và học đựơc rất nhiều các cuộc tác chiến thật sự, tuy chỉ là thực tập gỉa huấn luyện mà thôi (general quarter drills). Các thủy thủ đòan Mỹ đã chứng minh một cách hùng hồn khả năng tác chiến, kỹ thuật lành nghề cũng như tinh thần chiến đấu rất cao để bảo vệ chiến hạm của họ. Đảm nhiệm Sĩ Quan Trọng Pháo, tôi phải trông nom phần huấn luyện tác xạ.

    Vùng biển gần bờ phía Nam mũi Cà-Mau có nhiều hòn đá bé nhỏ nổi lên bên cạnh các hòn đảo khác, rất tốt dùng để làm mục tiêu tác xạ. Các loại súng lớn nhỏ đều được xử dụng, cốt là để xạ thủ trao dồi lại nghề nghiệp của mình đồng thời cũng là lúc để tiêu thụ số đạn đã qúa cũ, khi về bến sẽ xin thêm số dạn mới. Các dự liệu tác xạ (vỏ dạn đồng bắn rồi) cũng được thâu hồi, trả về kho.

    Một lần, gió thổi mạnh đã xé rách tấm bố ny-lông làm mái che của dài chỉ huy tơi tả thành miếng cờ nhỏ bay lất phất, đập vào nhau thành những âm thanh phần phật, ầm ầm... Vì rất nguy hiểm cho tất cả nhân viên, Hạm Trửơng ra lệnh cho cắt hết tấm bố, làm trơ trọi đài chỉ huy. Mọi ngừơi đi quart phải mặc áo cao-su, đầu đội nón nhựa để tránh mưa ướt và gío lạnh. Nhưng đây cũng là cái thú để chứng tỏ thủy thủ đòan là những ngừơi không bao giờ quản ngại gío sương, bão bùng hung dữ của biển cả. Tấm áo bố che khẩu đại bác phía trứơc mũi cũng chung cùng một số phận, gío xé rách tả tơi không còn nguyên hình dạng. Sau chuyến công tác, Hải Quân Công Xửơng phải may lại để đền bù cho các thiệt hại đó.

    Chiến hạm nhận đựơc công điện của Bộ Chỉ Huy Vùng 4 Duyên Hải chỉ thị yểm trợ hải pháo cho Chi Khu Dương Đông. Tầu đang tuần tiểu ở phương Nam, bèn đổi trực chỉ hướng Bắc để đến điểm bắn. Đến nơi, trời đã xẩm tối, lệnh đài chỉ huy cho thả neo, định lại vị trí tầu chính xác, cách bờ khỏang hơn 2 hải lý và nhiệm sở tác xạ bắt đầu sau khi đã vào tần số liên lạc đựơc đơn vị bờ ở Dương Đông. Gặp hôm biển êm nên việc tác xạ dễ dàng và chính xác.

    Điểm tác xạ là khu tứ giác đựơc ghi rõ trên bản đồ quân sự UTM , được cho là vùng tác xạ tự do, nơi đó là khu rừng rậm, núi non hiểm trở, bọn VC thường hay về trú ẩn, dưỡng quân sau khi bị truy lùng, càn quét của quân ta.

    Sau vài phát súng điều chỉnh, chiến hạm hỏi “Đề-Lô“ trong bờ về vị trí phát đạn vừa rơi. Sự trả lời từ bờ có lẽ đã không làm Hạm Trưởng hài lòng vì họ không nêu rõ đựơc tọa độ trái pháo rơi mà cứ xin tiếp tục bắn nhiều tràng vào khu tứ giác đó. Hạm trưởng chỉ cho bắn cầm chừng ít trái đạn nữa rồi cho lệnh giải tán nhiệm sở tác xạ. Tất cả nhân viên đều thoải mái, khoan khoái, nhẹ nhàng giải tán sau khi đã lau chùi dầu mỡ, tu bổ kỹ lưỡng khẩu súng . Tôi thắc mắc tự hỏi lòng tại sao Hạm Trưởng lại bắn qúa ít đạn như vậy??? Câu trả lời hợp lý với tôi là: “Ông là người đạo đức và rất tôn trọng trách nhiệm mình làm“.

    Khu tứ giác tác xạ tự do có VC về ẩn náu nhưng vẫn còn nhiều người dân lương thiện sinh sống. Họ sống bằng nghề làm rẫy, trồng tiêu, đốn củi, chăn nuôi… Sự trả lời về vị trí các trái đạn rơi xuống đã làm ông không hài lòng, ông sợ trái đạn rơi làm chết oan dân lành sẽ là một điều hối tiếc suốt đời nên đã không ra tay hành động. Lệnh ban hành nghỉ ngơi cho tòan tầu sau khi tác xạ, nhưng việc đi “quart cơm“ (loại đi quart ở Đài Chỉ Huy để canh gác vị trí neo , nhưng máy tầu không chạy) vẫn duy trì. Sĩ quan chúng tôi rủ nhau đánh domino tính điểm ăn tiền. Ai thua phải bao chầu phở hay hủ tiếu ăn sáng khi tầu về An Thới nghỉ bến. Qúa nửa đêm gần về sáng, Hạm Trủơng bất thình lình thức dậy. Ông ra lệnh cho lính gác dùng đèn pha đi kiểm sóat neo mũi, có Sĩ Quan đương phiên đi theo cùng. Báo cáo lên Đài Chỉ Huy cho biết chỉ còn 5-7 mắt xích lòng thòng, lủng lẳng, lắc lư xuyên qua lỗ mũi của ổ neo. Hạm Trửơng bèn ra lệnh nhiệm sở vận chuyển để tầu tiếp tục hải hành. Các nhân viên chiến hạm phải một cơn xanh máu mặt, nếu chậm thêm một thời gian nữa, tầu sẽ bị trôi dạt vào bờ, mắc cạn.

    Tất cả mọi ngừơi đều thầm khen Hạm Trửơng là ngừơi có “giác quan thứ sáu“, giác quan bén nhậy này đã báo cho ông biết tầu bị mất neo. Xét về nguyên tắc vật lý, lúc tầu thả neo và đã “cắn đất vững chắc“, tầu đứng ở một vị trí cố định, chu kỳ tầu lắc đều đặn theo nhịp sóng. Nếu bị mất neo hay lúc không thả neo (gọi là thả trôi) tầu lắc theo một chu kỳ khác, không đều đặn. Điều này chỉ có thể cảm nhậy đựơc đối với ngừơi đi biển lâu năm, thường đựơc gọi là sói biển (loup de Mer). Cũng may, xích mới bị đứt và đựơc phát hiện ngay sau một thời gian ngắn nên không có thiệt hại gì xẩy ra.

    Qua hôm sau, trời sáng tỏ, chiến hạm vẫn tiếp tục tuần tiễu với tốc độ hai máy tiến 1/1 (tức là vận tốc chậm nhất). Hạm Trủơng ra lệnh cho Ban Vận Chuyển lấy ở kho ra một “neo chùm“, to lớn có ngạnh chỉa ra bằng cổ tay. Đây là loại neo có 4 ngạnh chụm lại với nhau và chỉa ra đều ở 4 góc, hay dùng để rà các đồ vật, dây cáp ngầm ở dưới đáy biển. Neo được cột vào bởi một sợi dây đỏi ny-lông và rà kéo ở cuối lái. Ông hy vọng sẽ tìm bắt đựơc cái neo mất tối hôm qua. Tầu chạy ngựơc, chạy xuôi rất chậm chạp. Nếu móc trúng phải neo, giây kéo sẽ rất căng, báo hiệu chiếc neo đã tìm thấy. Tầu vẫn xuôi ngựơc hay ngang dọc đi tìm neo với tốc độ chậm nhất. Một lần trở đầu, không hiểu sao sợi dây kéo ny-lông trôi nổi lềnh bềnh va vào lái, chiến hạm vẫn tiến chậm, chân vịt quay, hút sợi dây vào vào trục láp, dây bị đứt và không còn phương tiện gì để rà kiếm neo nữa. Tầu phải quay về An Thới, liên lạc đơn vị bờ, nhờ người nhái lặn xuống để cắt đàng dây ny-lông đang cuốn vào chân vịt.

    Tôi không được rõ khoa “Phong Thủy“ của các ông Tầu có sách nào nói về chuyện tầu mất neo hay không?… nhưng theo tôi nghĩ và cũng là điều mà nhiều ngừơi đi biển cũng cùng một ý nghĩa: Đó là “điềm gỡ (điềm xui xẻo)“ báo hiệu trước cho biết một định mệnh kém may mắm sẽ xẩy ra.

    Nếu lúc tầu sắp tách bến mà đàn chuột bên trong rủ nhau từng tóan kéo lên bờ bằng cách leo theo các dây đõi buộc quanh bến hoặc cùng rủ nhau nhảy xuống nước là dấu báo hiệu tầu sẽ bị chìm trong các chuyến hải hành sắp tới.

    Các bạn HQ có tin điều này chăng?... Thôi xin để các bạn tự ý định liệu.

    Qủa thật, đúng như vậy. Hộ Tống Hạm Nhật Tảo đã có định mệnh oan nghiệt trong trận hải chiến dành lại chủ quyền đảo Hòang Sa với Hải Quân Trung Cộng. “NHẬT TẢO, HQ10“ đã vĩnh viễn ra đi trong lòng Đại Dương cùng với Hạm Trửơng Ngụy Văn Thà và một số lớn thủy thủ đòan. Anh là ngừơi hùng đầu tiên của Hải Quân Việt nam Cộng Hòa đã tuẫn tiết theo tầu , đã ghi lại điểm son sáng ngời trong Sử Xanh của Dân Tộc Việt Nam./.

    Chí Hợi

    TB: Ngừơi viết xin kính tặng Hạm Trưởng Nguyễn Địch Hùng, vị niên trửơng Sĩ Quan Chỉ Huy mà tôi hằng qúy mến và con ngừơi “Chân Tài Đức“ của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.
    Con số “Mười“ hoặc “Number TEN“ không được biết rõ có phải là con số kém may mắn hay không?


    Chí Hợi


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X