Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bông Tuyết.

Collapse
X

Bông Tuyết.

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bông Tuyết.

    Bông Tuyết.
    Trần Khánh Liễm.

    Tôi lấy nắm đất liệng xuống huyệt sâu, nơi quan tài chị vừa hạ xuống. Huyệt sâu thẳm. Nắm đất vỡ tung tóe, trùm lên cả quan tài. Tôi ưng ý vì giống như tâm tư của tôi đang ôm chầm lấy chị.

    Cách đây mấy tiếng đồng hồ, nhà xác bảo tôi phủ tấm vải chót lên người chị. Tôi làm như cái máy. Nhìn chị lần sau hết, lòng đau nhói .

    Mọi người từ từ rời nghĩa trang ra về. Chị ở lại một mình nơi ngàn thu. Chị không lựa chọn chỗ ở cho mình. Chị bị trôi dạt theo thời gian và cảnh huống.

    Đêm nay trời lạnh giá, sở khí tượng báo trước cơn bão tuyết. Tôi thức thật khuya. Cuối cùng cũng lên giường. Chíếc giường rộng quá cho mình tôi. Trên lầu không có ai, một mình tôi là khách. Để cho dễ ngủ, tôi không quên bài bản vẫn làm. Tôi xoa trên trán, rồi đến sống mũi, hai bên má, miệng, tai và các huyệt kể cả cổ và phía sau gáy, cuối cùng cào lên đầu từ phía trước ra phía sau. Mỗi động tác mười lăm lần. Chưa hết. lại xoa hai bàn chân vào nhau, xoa tới bảy chục lần. Chân mỏi rời, người mệt nhoài. Những cử động này đưa tôi vào giấc ngủ sâu. Quên cảnh huống của những ngày qua từ khi được tin chị mất.

    Chúng tôi anh em báo cho nhau về hung tín của chị. Rồi lần lượt book máy bay về tiễn đưa chị lần chót. Tôi đến Philadelphia, ở trú nhà của cháu gái, hiện có anh chị tôi đang ở đó. Một anh nữa của tôi từ Wasinhton DC tới, rồi đứa con rể tôi và cháu trai con anh cả từ Oklahoma. Tất cả con cháu chị trở về và các cháu bên gia đình họ Trương. Với số người như thế này cũng làm cho đám tiễn đưa chị thêm ấm cúng. Ít nhất chị cũng có ba đứa em trai tới tiễn biệt chị. Ở một nửa trái đất bên kia, ba người em trai khác của chị và các cháu nước mắt đầm đề , và những người em, các cháu không thể về từ giã chị lần chót, mặc dầu ở ngay đất Mỹ.

    Vợ chồng cháu gái út lo chu toàn đám táng cho mẹ.

    Vào giờ phát tang, người em trai tám mươi bảy tuổi của chị lọm khọm, đầu bạc phơ đứng giữa mọi người, dâng lời nguyện và làm phép quan tài cho chị. Tiếng khóc rỉ rót cứ dâng lên theo nồng độ. Mọi người từ từ tiến tới linh cữu, nhìn kỹ chị, cầu cho chị, hôn chị, đặt tay trên đầu trên ngực chị. Làm sao nói hết được tâm tình mến yêu và nỗi đoạn trường trong cảnh sinh ly tử biệt này. Kẻ không tới được thì nhắn gửi bệnh tật để chị đưa đi cho.

    Bà vợ thày sáu phía bên chồng cháu út vừa kịp tới, chị phát những cuốn sách kinh nhỏ cho mỗi người. Chị cất kinh thành thạo. Tiếng kinh nguyện nổi lên bao trùm cả nhà nguyện, làm im bặt những nghẹn ngào xúc động. Chúng tôi cầu kinh. Kinh đọc thật dài thay cho tiếng khóc tiếng kể lể thường tình hay diễn ra trong đám tang, nhất là những giây phút xúc động trong khi bắt đầu phát tang.

    Tôi nhìn chị nằm ngủ yên trong chiếc quan tài có nệm trắng trải dài. Chị mặc chiếc áo gấm màu đỏ xẫm. Mặt chị được trang điểm kỹ lưỡng trông duyên dáng. Tôi biết chị tôi đẹp. Tôi đưa mắt nhìn tấm ảnh của chị. Tôi biết rõ chị từ khi chị hãy con trẻ. Bây giờ nhìn chị, nhìn cháu gái út và đứa con gái út của cháu tôi. Ba khuôn mặt trông giống nhau như in vào những thời điểm khác nhau của con người chị. Ba khuôn mặt của những năm tháng chị tôi đã trải qua trong cuộc đời. Ba khuôn mặt giống như in. Chị từ giã cuộc đời : thọ 103.

    Nếu có ai hỏi tôi : tôi nhớ gì nhất nơi chị ?. Tôi không ngần ngại trả lời : hai con mắt.

    Đúng thế : hai con mắt chị sáng quắc và nghiêm nghị. Chị nghiệm nghị thật, hai con mắt chị giống hệt hai con mắt của bố tôi. Khi tôi còn nhỏ, ông cụ tôi không hiểu có gì khó chịu, cụ gầm lên một tiếng, mắt sáng quắc, anh năm của tôi hoảng sợ, chạy thẳng ra ngoài mặc dầu trời mưa lớn. Anh đụng vào cột cổng, làm đố chiếc gậy chống . Cổng đổ sập !

    Mắt chị sáng như mắt ông cụ tôi, chị nghiêm nghị và trông oai ra mặt. Điều này cũng dễ hiểu : con gái đầu lòng dĩ nhiên giống bố. Chị là con gái cả, chị phải quán xuyến mọi chuyện kể cả phải giữ khuôn mặt nghiêm nghị để chấn chỉnh một lũ em lau nhau. Chưa hết, khi về nhà chồng, chị là dâu cả, cũng phải trông một đàn em chồng tương tự như lũ em của mình ở nhà.

    Giòng tộc tôi có hai điều người ta nhận ra : hai con mắt nghiêm nghị, giọng nói sang sảng. Nếu có ai trong giòng họ tìm thấy điều này hay muốn biết có gì giống nhau nơi anh em họ hàng thì chỉ cần chú ý tới hai con mắt và giọng nói là đủ.

    Nghĩ miên man, tôi trở về thực tại đọc theo kinh nguyện với mọi người. Người ta thường đọc kinh cầu chịu nạn và kinh cầu Đức Bà trong đám phát tang. Kinh cầu chịu nạn diễn tả cuộc khổ nạn của Chúa GiêSu. Kinh cầu chịu nạn nặng nề và nghiêm nghị. Tôi thích kinh cầu Đức Bà. Kinh cầu êm ả, khoan thai, đầy lòng từ ái và thương mến. Chị ơi, em nghĩ chị đang được bay bổng tới gần nhan thánh Chúa qua những kinh nguyện này. Em biết đã lâu lắm, chị đau yếu bệnh tật, nhưng chị vẫn tỉnh táo, chị vẫn nghe chuyện, chị vẫn nói chuyện với bất cứ ai muốn biết về ai hay biết về giòng tộc thì hỏi chị. Chị minh mẫn. Đêm nay trong ánh hào quang, qua lời kinh nguyện, chị bay về với tổ tiên, để lại những đứa em, đứa con, đứa cháu chị yêu quý nhất trên cuộc đời này. Em nhớ chị, nhớ nhiều lắm, em sẽ đọc kinh nguyện mỗi ngày ba lần cầu cho chị. Trong lúc này, chị linh thiêng lắm, chị hiểu lòng của đứa em út này của chị.

    Tôi lại chia trí. Tôi trở về với kinh nguyện. Tràng hạt mân côi đưa tâm trí tôi về với Mẹ, nguyện xin Mẹ phù trì, dâng kinh nguyện như làn hương thơm, như những giọt sương sa làm mát kẻ lữ hành trên đường về Thiên Quốc.

    Sau phần kinh nguyện, một lần nữa, chúng tôi lại tiến tới quan tài, từ giã chị một lần nữa để rồi ngày mai sẽ tiễn chị về nơi an nghỉ. Anh tôi cất tiếng hát bài in paradisum, deducant te angeli, in tuo adventu suscipiant te martyres et perducant te in civitatem sanctam Jerusalem i.e. các thiên thần đang dẫn chị đi về thiên quốc, các thánh tử đạo dẫn đưa chị vào thành thánh Jerusalem. !!!!

    Trời tối xầm. Cửa nhà quàn khóa lại. Chúng tôi lần mò về căn nhà đứa con gái cháu út dùng cơm tốí. Rượu và những món nhậu sưởi ấm lòng chúng tôi. Khi đầu không ai nói ai rằng, nhưng lúc rượu vào thì lời ra. Tôi im lặng không nói lời gì vì tâm hồn tôi lúc này nặng trĩu. Chén rượu làm ấm lòng, nhưng những lúc như thế này tôi thường giữ im lặng.
    Tôi gặp lại đứa con rể và cháu trai con anh cả mới tới. Trời lạnh quá. Cả hai mời tôi về khách sạn ngay trong khu phố để sáng hôm sau tới nhà quàn không mất nhiều thì giờ như sáng hôm nay từ Pensylvania tới New Jersey, nhà cháu gái của tôi, nơi chị tôi đã ở đây trên ba chục năm trời.

    Phải rồi sau khi mẹ tôi qua đời giữa tháng chín năm 1990. Cụ thọ 101 tuổi. Sau đó ba năm, tôi đi New Jersey thăm chị. Thế mà đã ba mươi mốt năm rồi ! Khi đó tương đối còn trẻ, tôi lái xe từ Houston, ngày thứ tư mới tới gặp chị. Mừng mừng tủi tủi. Tôi ôm lấy chị.

    Bây giờ mẹ đi rồi thì không ai hơn chị. Chị là đầu khúc ruột mà tôi cuối khúc. Khi tới Mỹ, chị tôi yếu lắm, đi đâu cũng không vững phải vịn. Chị mất ngủ triền miên từ ngày quân pháp chiếm làng của chị vào năm 1949. Nhà cửa tan nát, phải tản cư đi Hà nội. Rồi vào Nam, làm ăm vất vả!

    Tôi hỏi chị : em không biết, nhưng biết đâu em chữa trị bệnh mất ngủ cho chị. Chị bằng lòng. Tôi nói chỉ năm phút thôi. Chờ tới tối, lúc chín giờ trước khi chị lên giường, tôi đặt tay lên người chị, khấn nguyện trong khi chữa nhân điện cho chị chỉ năm phút. Tôi nói chị đi ngủ.

    Từ khi đó chị ngủ được trọn giấc, ban ngày cũng ngủ nữa. Tôi an tâm đi về. Các cháu nói sức khỏe từ từ được phục hồi. Chị tỉnh táo : ăn được ngủ được là tiên !

    Như thế chị an tâm sống với vợ chồng cô con gái út và các cháu. Cứ ít năm, tôi lại tới thăm chị. Có khi tôi đi một mình, có khi cả bà xã nữa. Chị thường xuống nhà ngồi một lúc khoảng một tiếng, đếm xe qua lại để luyện trí trước khi vào ăn cơm. Ăn xong chị lên lầu. Có lần vợ tôi nói : để em dắt chị. Chị trả lời để chị tự đi. Lần chót cách đây ba năm tôi tới thăm, chị vẫn tỉnh táo. Chị thường ngồi lâu hơn nói chuyện với tôi trong lúc tôi hầu cơm tiếp thức ăn cho chị. Năm vừa qua tôi định đi thăm chị, nhưng vì cháu trai con bác cả muốn đi theo tôi như nhiều lần chú cháu đã làm, vì thế tôi cứ dùng dắng. Vừa tết xong, tôi nghĩ bụng phải đi thăm chị. Chưa kịp đi thì chị đã mãn phần. Tôi ân hận.

    Trời lạnh quá. Tôi đã chuẩn bị đủ thứ . Bên ngoài khoác chiếc pardessus tôi mua trên chục năm khi đi qua Ý. Con tôi và cháu con bác cả, cả hai diện những chiếc pardessus mới thay cho những chiếc áo đã mang theo, cả hai mua hôm qua ở Macy bên cạnh nhà, trong khi chờ đi nhà quàn. Thế là bộ ba lại sát tay nhau trong nghi thức. Tôi cảm thấy lạnh cả người, giọng nói thì hết khan mà chả nói lên lời. Mỗi lần tới đây, rượu làm tôi cấm khẩu. Chúng tôi theo quan tài đi qua những dẫy phố Philadelphia. Phố chật, đèn xanh đỏ quá nhiều, đi lâu lắm mới tơí thánh đường.

    Anh tôi làm chủ lễ với hai linh mục trẻ đồng tế cùng với thày sáu anh cháu rể của chúng tôi. Các linh mục và phó tế đi trước đón quan tài, chúng tôi theo sau : anh em, con cháu, họ hàng. Hai cháu gái của chị tôi đi hai bên tôi : tả phù hữu bật. Có thể là mẹ các cháu đi rồi thì tôi là người máu mủ gần nhất.

    Khi mọi người an vị rồi, thánh lễ bắt đầu. Anh tôi già cả lần mò lên bàn thờ phải có hai linh mục trẻ đỡ hai bên. Sau các nghi thức, thánh lễ bắt đầu với một ca đoàn khá hay và đông. Tôi nghĩ thầm : ở nơi ít giáo dân như thế này mà người ta cũng rất chu đáo trong đám táng của chị tôi. Anh tôi tuy già nhưng giọng vẫn trong và mạnh. Anh đọc dẽ dàng từng chữ, hát với giọng cao và thanh . Hơi anh rất mạnh.

    Với tuổi này anh vẫn đi cử hành lễ những nơi xa xôi, tham gia những tuần đại phước, nhất là ngồi tòa lâu hơn ai hết. Từ những năm đặt chân tới xứ sở này, lúc nào anh cũng ân cần lo lắng cho đồng hương tín hữu, sống khiêm tốn và đầy lòng từ ái.

    Trong thánh lễ, tôi gặp hai cháu gái con chú tư , em của chồng chị. Một trong hai cháu trông giống bố như lột. Nếu theo tiếng Nam thì phải gọi chú năm, nhưng người Bắc gọi chú tư là thứ bốn trong gia đình.

    Ông cụ tôi chơi thân với cụ Hội ở làng Văn Đức. Nếu từ cửa sông Chính Đại, từ nhà tôi, phía tả ngạn sông Càn, đi ra tới chợ, gặp chợ Điền Hộ, dẽ trái qua cầu là tới làng Văn Đức, phía hữu ngạn sông Càn. Xóm đầu tiên thường gọi là xóm Sơn tiền, vì nó gối vào núi Sơn Tiền. Tại sao gọi núi Sơn Tiền. Tục truyền người Tàu có chôn của ở một hốc đá, của đựng trong một cái chum lớn, trong đó có nhốt một người con gái hãy còn trinh, miệng ngậm sâm. Một thời người Tàu đã trở lại lấy của, nhưng tên núi vẫn còn. Núi Bầu Tiền cũng là dẫy núi đầu tiên khi xưa là vùng cửa Thần Phù nguy hiểm cho tầu bè qua lại.

    Xóm Sơn Tiền có cơ sở nổi tiếng là tiệm thuốc bắc của cụ Hội Châu, sau này nới rộng tiệm buôn của anh chị tôi lúc ra ở riêng. Rồi đến phía chân cầu là anh chị thứ của tôi, sau đó nhà của cụ Đồ Tuyển, chuyên dạy chữ nho cho dân làng. Sau này anh chị họ tôi con bác lang Tình, tức anh chị trùm Khang cũng mở tiệm thuốc bắc. Xóm này có cụ quản Lạc, ông bà trùm Lai, hai anh Sỡi và Dị như tôi được biết. Sâu hơn nữa là nhà ông bà cả Du ( ? ).

    Cụ tôi và cụ Hội chơi thân với nhau, thường hay trò truyện, uống rượu, tâm đồng ý hợp. Chơi thân đến độ hai cụ gả hai con đầu lòng cho nhau. Khi đó chị tôi còn trẻ lắm. Khi chị sinh được hai cháu thì cụ bà hạ sinh chú tư. Có những đêm khuya, cụ ông ôm chú tư ru ngủ cả mấy tiếng mà chú vẫn khóc. Chị tôi thấy thế, nói cụ đưa chú tư cho chị giữ, rồi chị chó chú bú. Chú rơi vào giấc ngủ khi đã bú no. Những năm gần đây, khi bay lên miền bắc thăm con, chú xẹt qua thăm chị để tỏ lòng quý mến và biết ơn chị.

    Điền Hộ xưa kia trước thời chiến, dân chúng buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền, ghe thuyền qua lại tấp nập. Dù sao nơi đây cũng quy tụ nhiều món hàng và thổ sản quý từ miền trung chuyển ra bắc, chuyển tới nhiều tỉnh mà Hà Nội vẫn là nơi chính.

    Sau thế chiến thứ hai, thời thế biến chuyển, Cụ Hội hiểu thời cuộc, biết ý không sống được ở vùng đất này, đã bán hết ruộng, di chuyển gia đình lên Hà Nội. Năm 1954 gia đình cụ vào Nam lập nghiệp cho đến ngày mất nước năm 1975.

    Khi vào Nam, gia đình cụ con cái tương đối khá giả, chĩ anh chị tôi sống ngặt nghèo vì anh không muốn làm nghề thuốc bắc trong khi nhiều người kém nghề hơn anh mà họ vẫn thành công.

    Chị tôi thường hay mất ngủ vì tiếc tài sản đã mất đi. Có lần chị nằm trong bệnh viện Grall chữa bệnh. Chị tự nhiên ôm chăn chạy, tôi và anh áp tôi đuổi theo bế chị trở lại giường. Bệnh chị năng đến thế.

    Con đường đi tới nghĩa trang sao xa quá, đi cả tiếng mới tới nơi. Trời lạnh quá. Chúng tôi đọc kinh cho chị. Những lời chia buồn với gia đình, những tiếng nức nở trong giờ chót khi nhân viên nhà quàn từ từ hạ quan tài xuống huyệt sâu thẳm. chiếc xe đầy đất từ từ tiến lại. Những mảng đất to nhỏ được đổ xuống chôn vùi chị. Tôi vĩnh viễn mất chị.

    Người ta san bằng mộ cho chị. Những vòng hoa phủ kín mộ. Chúng tôi từ từ ra xe, chia tay nhau. Nước mắt lại chan hòa, tiếng nức nở tan dần trong buổi chiều buồn khi chị vĩnh viễn ra đi.

    Người ta cầu mong sau đám ma nếu có mưa thì con cái làm ăn nên. Đêm nay những bông tuyết từ từ rơi nhẹ trên mộ chị. Những bông tuyết trắng xoá, cứ lần lần phủ kín nhiều lớp trên mộ chị. Rồi từ đó trải dài một vùng trắng toát. Chị ơi có phải chị quá may mắn đưọc chôn dưới rặng thông già rủ tuyết nơi chị an giấc ngàn thu.


    Vĩnh biệt chị.
    Requiescat in pace ( RIP ).
    Houston, 20 Nov. 2014.



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X