Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Quả ngọt trái lành

Collapse
X

Quả ngọt trái lành

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Quả ngọt trái lành

    Bài viết này của một người bạn KQ, dân không phi hành viết về một người bạn khác Th/U Lành PĐ 235. Cả 3 chúng tôi là bạn đồng môn của một một thời áo trắng dưới mái trường Chân Phước Liêm.

    ----------------------------------

    Dạo này vợ hay cằn nhằn cái tội ăn nhậu, nay lý do họp bạn, mốt Việt kiều Úc về, ngày kia Việt kiều Mỹ tái ngộ, con cái cũng càm ràm bố không giữ sức khỏe cứ nhông nhông trên xe máy ngoài đường… chẳng hề dám minh oan tiếng nào vì ai nói cũng đúng cả, chung quy cũng vì lo cho sinh mệnh đã lão hóa của mình.
    Nhưng ngẫm nghĩ cũng khó xử, rơi vào tình huống chơi với bạn nào cũng thân thiết tình cảm, bạn chơi với nhau mấy mươi năm trước đã xa cách ngàn trùng, sau gần hai mươi năm chưa gặp lại bỗng hôm nay nghe nó điện thoại hẹn hò, thế là phải về để nhìn thấy nhau xem tròn méo thế nào, khỏe khoắn hay đã yếu đau… Tình bạn là thế, nhất là thứ tình bạn đồng môn vô vụ lợi, bây giờ bạn có là “đại gia” hay bạn có là ông “đồng nát”, thì định mệnh đã an bài cho chúng ta là bạn, và chẳng vì cách biệt thứ bậc trong xã hội để mà định vị lại cấp hàm bè bạn, phải không các thân hữu? cho nên vợ nhằn cũng đành chịu, con nó cắn đắng cũng phải nghe mà lặng im như “ngậm hạt thị”…
    “Từ khi anh thôi học và từ khi anh khoác áo treillis … ” thuở đó đến nay kẻ còn người mất, mà điểm lại cuộc nhân sinh thì cũng đành an ủi với lời Nhạc sĩ họ Trịnh rằng: “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ“, và rằng dường như với tuổi tác, ta sẽ có cảm giác như quả đất xoay nhanh hơn, càng ngày nó tự vê tròn hơn nữa, nên những cuộc hội ngộ cứ liên tục phát triển…

    Chuyện đáng nói hơn ở đây là đề tài nhân quả, số là hôm trước mình có ghé thăm ông bạn đồng môn vừa mới bị Bệnh Viện tuyên án tử, hắn đã điện cho mình thở vắn than dài, chuyện ở xã hội thời đồ đểu này mình chỉ còn biết khuyên bạn thật bình tĩnh, rời bỏ ngay bệnh viện, tìm phương án khác tức thì, làm lại kiểm tra sức khỏe ở nơi khác uy tín hơn, nếu tình huống xấu nhất vẫn không thay đổi thì lựa chọn về với đông y và lạc quan sống chứ tuyệt đối không động dao kéo. Sáng hôm sau trên đường đi làm, định bụng khi vào sở yên vị sẽ gọi điện thăm hỏi bạn, chưa kịp đến chỗ làm thì hắn đã gọi trước, mình hồi hộp chờ nghe điểm tin, dù gì một người bạn thân yêu có đau ốm tất cũng làm mình phải buồn lây… qua một vài giây ngập ngừng hắn bắt đầu kể cho mình nghe: Sau khi xem qua hồ sơ bệnh án, xem phim phổi một cách cẩn trọng, tay bác sĩ trẻ hỏi hắn ngày xưa có bị thương tật gì ở ngực không? -Hắn cởi áo cho xem và khẳng định không thương tật gì. -Hỏi có bia rượu thuốc lá gì không? -Hắn trả lời không!
    -Ôi thế thì chí nguy rồi, phải chi có nghiện một thứ thì bây giờ bỏ bớt một món sẽ ổn ngay chú ạ, chú lại không nghiện thứ gì thì quá gay… tay bác sĩ cười rổn rảng pha chút tiếu lâm. Cười đó rồi lại nghiêm nét mặt, nhìn chăm chăm vào hắn như nhìn về một cõi xa xăm rồi hỏi tiếp: -Vậy trước đây chú có đi lính cộng hòa không? -Có chứ ! tuổi tụi tui hồi đó sao tránh được.
    -Vậy hồi đó chú đi binh chủng gì?
    -À , hồi đó tui làm giặc lái, lái trực thăng UH1



    -Hồi đó chú có bay ở Pleiku không?
    -Thì hồi đó tui đóng quân ở phố núi mà...



    -Chú có nhớ khi di tản bay qua núi Hàm Rồng góc quốc lộ 19 tiếp giáp quốc lộ 7 trục đường xuôi về Phú Yên, qua thị trấn Cheo Reo Phú Bổn chú có đáp máy bay xuống đón cứu viện cô nhi đang chờ di tản không chú? ...



    Câu hỏi của vị Bác Sĩ trẻ như ngọn đèn ngàn Watt rực cháy trong đầu hắn …

    Những thước phim cũ xưa tưởng ngủ sâu yên giấc ngàn thu trong tiềm thức lần lượt lướt nhanh qua não bộ, những tên đường lấm bùn đất đỏ giờ không tài nào nhớ nổi, dù hắn vẫn nhớ lắm cái phố núi “đi loanh quanh dăm phút đã về chốn cũ” của hắn, phía đông có đường quốc lộ 19 chạy từ Quy Nhơn qua đèo Mang Yang để vòng vèo mạn hông thành phố rồi rẽ hướng tây nam đến các quận lỵ của tỉnh, phía tây nối đường 14 từ Ban Mê Thuột lên, và phía nam nơi đường 19 quanh co dưới chân núi Hàm Rồng chia nhánh nối với quốc lộ 7 để về Phú Yên, phố núi cao phố núi đầy sương của hắn, nơi có Biển Hồ mà chiều chiều sau những phi vụ trở về, bọn lính bay bè bạn và hắn hay lang thang cà phê cà pháo, ngắm nhìn nữ sinh tan học với tà áo trắng bay bay, để tâm tư mơ về nơi quê nhà của riêng mỗi người, nơi trước đó hắn mới cất vào tủ bộ áo thư sinh chẳng được bao lâu, bỗng dưng phố núi gắn chặt vào tuổi thanh xuân của hắn, Pleiku của hắn nơi có địa danh Pleime với những chiến tích oai hùng đã đi vào khuôn nhạc: “Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại, anh trả lời… Anh trở về bằng chiến thắng Pleime hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả…”


    Thuở cái tuổi thanh xuân ấy, hắn vẫn chưa biết mùi yêu đương, đã phải xông pha trân mạc, bè bạn cùng khóa bay với hắn đa số vẫn còn ngồi ghế CoPilot , ngồi ghế đó trong giới “đi mây về gió” gọi là “Tháp Tùng Tử”, mà hắn đâu chịu chờ cái chết thụ động, cũng nhờ năng khiếu bẩm sinh khéo léo cộng với quyết tâm cao nên chẳng mấy chốc hắn đã bỏ xa bè bạn và được thượng cấp tin tưởng giao trọng trách trưởng phi cơ, với vị trí đó nếu lỡ có lao vào chỗ chết hắn cũng còn tự tay bấm nút phóng đạn phủ chụp vào đầu đối phương chứ đâu chịu theo chân người vào cõi chết một cách bất khả kháng, chiến tranh mà, mặc dù bên kia chiến tuyến cũng là đồng bào, cũng máu đỏ da vàng, cũng từ một truyền thuyết Lạc Long Quân Âu Cơ mà ra cả, nhưng cái nghiệp đưa đẩy đẩy đưa đất nước này phải chịu, trên trận tuyến sinh tử ai nhanh tay “lẩy cò” kẻ đó chiếm thế thượng phong… cũng vì thế nên chỉ riêng hắn “Đã tài thì phải tử”, mình hắn phải lên miền chiến sự khốc liệt, sống chết chẳng biết khi nào…

    Được điều về Phi Đoàn mang con số 235, con số dê lại còn mang danh Sơn Dương, nghĩa là dê núi, không biết ông tư lệnh nào khéo đặt tên lẫn con số cho phi đoàn của hắn, là thành viên của dê núi nhưng hắn chưa biết hương vị tình yêu, nói chi đến dê dẩm gạ gẫm phụ nữ… Ngày nào vào ca trực hắn cũng có phi vụ bay trên trời cao, phầm phập tiếng động cơ nâng cánh chim sắt, mắt đảo qua lại quan sát bốn phương tám hướng, nghiệt nỗi ngọn núi Hàm Rồng tuy cách xa phố núi khoảng chục cây số, nhưng trên cao lúc nào cũng đập vào tầm mắt của lính bay phố núi, Hàm Rồng là cách gọi trại của người Kinh, chứ tên của nó theo cách gọi của dân tộc thiểu số Banar là H’drông, nhưng cách gọi Hàm Rồng cũng có phần đúng vì dáng núi giống như con rồng nằm cuộn khúc gấp lại, dễ hình dung nhất là nó cho người nhìn nhận dạng ngọn núi ấy giống bộ phận sinh dục nữ, mấy huynh trưởng của hắn còn gọi bằng cái tên tục rồi cười ha hả mỗi khi nhắc đến nó…

    Ngày đó khi đang tăng phái cho mặt trận Ban Mê Thuột, một đêm tháng 3 bổng vang rền tiếng pháo, hốt hoảng khi thấy T54 lùi lũi tràn vào vòng rào phi trường Phụng Dực, hắn chỉ kịp lao vô phòng ngủ lấy mũ an toàn và xách bộ đồ bay phóng tới khoang lái cất cánh trực chỉ về tổng hành dinh sư đoàn nơi Phố núi…

    Đau đớn “Họa vô đơn chí”, ít ngày sau lại được lệnh di tản chiến thuật & tái phối trí, giữa lúc hỗn quan hỗn quân ấy, phi đoàn trưởng chỉ thị hắn một mình một ngựa, đó là con chuồn chuồn sắt của Tư Lệnh Sư Đoàn, hắn phải bay và liên lạc để đưa Tư Lệnh và gia đình ông di tản, nhưng liên lạc bất thành nên hắn được lệnh bay một mình về Phú Yên để bảo toàn khí tài khí cụ, hắn thầm nghĩ nếu Quân Đoàn 1 mà ổn có lẽ hắn sẽ được lệnh bay theo đường 19 về Quy Nhơn, nhưng lúc ấy không hiểu vì sao hắn nhận lệnh đi xa hơn về phía Đông, nên hắn phải bay theo lộ trình phía nam đường quốc lộ 14, qua núi Hàm Rồng thêm chục cây số khi quốc lộ 14 giao nhau với quốc lộ 7, hắn còn nhớ rất rõ đã bám lần theo quốc lộ 7 để về Tuy Hòa, thuở ấy nếu bay thẳng theo đường chim bay qua rừng già sẽ dễ ăn đạn phòng không đối phương, nhất là SA7, cho nên theo tuyến quốc lộ vẫn là con đường an toàn vì dọc các trục lộ đều có quân địa phương đồn trú, quốc lộ 7 dẫn hắn bay qua vùng trời Cheo Reo Phú Bổn, nơi thị trấn đã vắng bóng người vì mạnh ai nấy rút, mạnh ai nấy di tản, qua Phú Bổn thấy có tín hiệu SOS từ mặt đất, hắn liên lạc truyền tin về trung tâm hành quân xin được đáp xuống cứu người di tản, lệnh từ bộ tư lệnh tiền phương dặn dò hắn quan sát kỹ, nếu an toàn mới được đáp, vì ngày đó mức độ nguy hiểm của SA7 đối với những cánh chim sắt là vô cùng khốc liệt, giữa sống và chết chỉ trong tích tắc, nhưng tính nhân bản thắng nỗi sợ hãi, hắn quyết định đạp “Pédal Anti-torque", hạ cần “Colective” vòng xuống và từ từ hạ cánh đáp xuống cứu người, khi đã an vị hắn mới hiểu mình đã làm một nghĩa cử tốt lành, đoàn trẻ em ở nhà nuôi trẻ mồ côi do các nữ tu thiên chúa giáo cấp tốc bồng bế lên tàu, tổng cộng vừa các dì phước vừa các trẻ em lớn nhỏ trên 40 người, ổn định xong tay trái từ từ vặn cần “throttle” cho đủ vòng tua hiển thị trên đồng hồ , đồng thời hắn nhấc nhẹ cần “Colective” nâng con tàu lên, tay phải nhích cần “cyclic” cân bằng thân phi cơ, nhưng nhìn vào phi kế viên bi xác định trung tâm không vào đúng vị trí và cảm nhận thấy con tàu bị quá tải ì ạch, lại không có mấy ông mevo hay xạ thủ trợ giúp sắp xếp, hắn gọi đứa trẻ lớn nhất lúc bấy giờ khoảng 8~9 tuổi lên ngồi trên khoang lái, nhờ nó nắm cần “cyclic” giúp duy trì mức cân bằng, rồi hắn nhẩy ra sau ổn định lại vị trí cho mọi người, sau đó hắn làm nhiệm vụ thiêng liêng đưa những con người tuyệt vọng ấy ra khỏi vùng lửa đạn… khi đã ở cao độ an toàn hắn thẳng tiến hướng thành phố Tuy Hòa, mặc cho những giọt mồ hôi lặng lẽ lăn qua khe mũ an toàn thấm đẫm cổ và vai áo…

    Nghĩa cử ấy của hắn năm xưa đã phai mờ trong trí nhớ, ngày còn cắp sách đến trường học chữ thánh hiền, hắn đã được dạy bảo: “Thụ ân mặc vong, thi ân mặc niệm “, khắc cốt ghi tâm bài học đó như kim chỉ nam cho cuộc sống, hắn luôn nhớ đến ai ban ơn sủng cho mình nhưng cũng quên ngay những gì mình giúp cho người khác, cái nhân cách lớn ấy truyền từ thế hệ thầy cô thì có chết hắn không thể nào quên, và thực sự chuyện đã qua hắn cũng chẳng bao giờ còn nhớ để kể lại cho người khác… và cho đến lúc này thật hạnh phúc cho hắn, hắn không ngờ người được cứu năm xưa lúc đó là một cậu bé độ tuổi lên tám trong dòng người thời tao loạn, nay cậu ấy đã xấp xỉ tuổi 50, cậu bé ấy đã ghi lại hình ảnh anh chàng phi công hào hoa đã cứu mạng, cái thước phim ấy ăn sâu vào trí não ngây thơ và hằn sâu mãi mãi đến độ sau ba mươi chín năm của ngày ấy, chàng phi công trẻ bây giờ đã lên lão, xanh xao bệnh hoạn mà cậu bé năm xưa giờ đã là bác sĩ tài ba lão luyện vẫn ngờ ngợ nhận ra khuôn mặt thần tượng, vị cứu tinh năm nào thì quả là huyền diệu …

    Vị bác sĩ gọi cả vợ con ra gặp gỡ chào hỏi để tỏ lòng tri ân ơn cứu mạng của người đã một lần đem lại sự sống cho anh, ai nấy nước mắt rưng rưng. Đến lúc bừng tỉnh trở về thực tại, vị bác sĩ mới trấn an bạn mình: ”Chú ơi, chú không có bịnh gì nghiêm trọng đâu, đừng lo, chỉ là hiện tượng nám nhẹ, chú uống thuốc điều trị là ổn thôi, một phần do huyết áp cao, chú lại uống thuốc của nơi cung cấp là loại thuốc kém chất lượng, nên xung huyết không kềm chế kịp mới xảy ra hiện tượng như vừa qua, để chứng minh cho chú thấy con sẽ làm thử để chú cảm nhận công hiệu của thuốc hạ áp cao cấp với thuốc mà bệnh viện cho chú, chú chờ và sẽ thấy khác biệt khi con đưa chú uống và kiểm tra huyết áp cho chú thấy ngay…”

    Lần gặp mặt này thấy bạn đã tốt lên nhiều, da dẻ hồng hào và trò chuyện rôm rả, thế là mừng bạn nhé, nếu cứ tin vào kết quả như cái bệnh viện chết tiệt kia công bố, dù thực tế không bệnh cũng suy sụp tinh thần mà chết, như đứa bạn mà mình đang ăn giỗ đây, cám ơn câu chuyện của bạn cho ta thấy duyên nghiệp hay ân oán, nhân quả luôn hiển hiện ngay trước mắt, mừng cho cái kết thúc có hậu, mừng cho bạn và cũng phải thật lòng cám ơn nền giáo dục ngày xưa ấy cho ta lòng nhân hậu để đến giờ bạn nhận được trái lành sau mấy chục năm gieo nhân rắc phúc… và nhờ đó cũng nhận ra chúng ta vẫn còn là bạn cùng nhau trên cõi đời này, vậy là lại có nhiều dịp nâng lên hạ xuống chúc nhau “trăm tuổi bạc đầu râu” nghen bạn…

    Thụ-Ân
    Sài Gòn 22.10.2014


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X