Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện Bây Giờ Mới Kể

Collapse
X

Chuyện Bây Giờ Mới Kể

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện Bây Giờ Mới Kể

    CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

    Hoàng Huy


    Trước 1975, ở Sài Gòn, gia đình tôi có quen với gia đình bà Sáu. Bà Sáu gốc người Nha Trang, góa chồng, có bốn con: Trưởng nam là Thành (Nguyễn Văn Thành hay Nguyễn Ngọc Thành gì đó, lâu ngày tôi không nhớ chính xác chữ lót lắm. Ở nhà, Thành còn có tên khác là Khanh). Kế đến, người em gái tên Dung, và tiếp theo là hai cậu em trai nhỏ nữa. Hồi ấy, mối quan hệ giữa hai gia đình chúng tôi khá thân. Đó là vì má tôi và bà Sáu là hai phụ nữ có hoàn cảnh gần giống nhau: cùng góa chồng, cùng ở vậy cố gắng nuôi con nên người tử tế.

    Khoảng đầu năm 1970 em trai tôi tốt nghiệp C-47 về nước, bay ở một phi đoàn vận tải tại căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất. Thành dạo ấy đang học lớp 12, thường đến nhà chúng tôi chơi, cứ xoắn lấy em tôi, trò chuyện hỏi han đủ thứ. Ý là anh chàng rất mê nghề pilot.


    Cho nên hè năm đó (1970), vừa đậu tú tài 2 xong, Thành nộp đơn xin gia nhập Không quân Việt Nam Cộng Hòa, rồi được đi Mỹ, học bay A-37.

    Tháng 7/1973 Thành tốt nghiệp về nước đúng vào dịp em trai tôi tử nạn máy bay C-7A do gặp trục trặc máy móc tại Phú quốc (như đã nói trong một bài trước). Tin như sét đánh, Thành ngơ ngác, buồn bã đến viếng. Sau khi thắp hương, Thành đến bên quan tài (mở nắp), đứng tần ngần nhìn mặt em tôi rất lâu, rưng rưng nước mắt. Khi từ biệt, không hiểu sao, Thành lấy ca-lô ra khỏi đầu, gấp thật ngay ngắn, đặt lên ngực áo em tôi trong quan tài rồi cúi đầu, lặng lẽ ra về.

    Bà Sáu và Dung dĩ nhiên cũng có mặt trong đám tang. Năm ấy em đang học lớp 11 trường trung học Lê Bảo Tịnh. Dung khóc nhiều, mắt đỏ hoe. Tôi biết Dung ngưỡng mộ và thầm thương em tôi, cô bé…

    Khi hết 15 ngày phép, Thành ra Đà Nẵng nhận nhiệm vụ ở một phi đoàn A-37 tại đó. Thật không ngờ, chỉ chừng hai tháng sau, nếu chúng tôi nhớ không lầm thì vào khoảng cuối tháng 9 hay đầu tháng 10/1973 gì đó, gia đình Thành đột ngột nhận được tin Thành mất tích sau một phi vụ ném bom từ Kontum về. Người sĩ quan được phi đoàn ở Đà Nẵng cử vào Sài Gòn báo tin cho gia đình nói rằng:

    - Sau khi hoàn thành tập huấn các kiểu bay tác chiến, Thành được phân công thực hiện phi vụ ném bom đầu tiên ở mặt trận Kontum. Phi tuần gồm 2 chiếc A-37, Lead dẫn đường, Thành bay sau. Sau khi trút hết bom xong, cả hai cùng bay về căn cứ. Cho đến lúc Lead đáp xuống phi trường rồi, mọi người không ai thấy bóng dáng chiếc A-37 của Thành đâu cả. Bộ Chỉ huy Căn cứ Không quân Đà Nẵng cho đủ các loại máy bay đi tìm khắp tỉnh Quảng Nam nhưng không nhìn thấy xác phi cơ. Một số giả thuyết về nguyên nhân tai nạn được đưa ra. Và đây là giả thuyết được nhiều người thấy có lý nhất: Khi về đến vùng trời Đà Nẵng và vòng ra biển để chuẩn bị đáp, bất ngờ phi cơ bị upside down mà pilot thiếu kinh nghiệm nên không hay biết. Cũng có thể là do bị rơi vào trạng thái vertigo, khi chợt nhìn thấy mặt nước biển quá gần, phi công vội vàng kéo cần lái bốc lên nhưng làm thế chính là… kéo cho máy bay đâm xuống nước! Và “đôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh” không bao giờ trở về cùng đồng đội nữa…


    Vậy là xong, là chấm hết. Từ đó không còn nghe bất cứ một thông tin nào khác về Thành.

    Khỏi nói, ai cũng biết gia đình bàng hoàng, uất nghẹn, đau khổ như thế nào. Bà Sáu thình lình mất đi người con trai trưởng mới 21 tuổi đầu, mộng đời chan chứa. Dung và hai em bỗng mất đi người anh trai yêu quý của mình. Dù không nhận được xác để tổ chức lễ tang và chôn cất tử tế nhưng gia đình cũng lập một bàn thờ nghi ngút khói hương dành cho Thành. Ai nhìn thấy tấm hình của chàng trai trẻ khôi ngô tuấn tú trên bàn thờ cũng vô cùng thương tiếc.

    Rồi năm tháng trôi qua. Rồi biến cố 30/4/1975 ập đến. Lại ngơ ngác, lại bàng hoàng, và hứng chịu nhiều dâu bể.

    Phần tôi, một sĩ quan giáo chức biệt phái [tức là các thầy giáo, sau vụ tết Mậu Thân 1968 bị tổng động viên vào Thủ Đức học một khóa sĩ quan trừ bị ngắn hạn 6 tháng rồi được trả về dạy học trở lại cho đến 30/4/75 luôn, không phải ra đơn vị nào cả. Nhưng Bộ Tổng tham mưu nắm danh sách. Khi toàn bộ khóa đó lên cấp thì mình cũng tự động lên theo, cho đến Trung úy thì ngừng lại ở đó], phải đi tù cải tạo 4 năm, hết Trảng Lớn đến Kà Tum (Tây Ninh), rồi chuyển sang Bù Gia Mập, Phước Long (Sông Bé), thân tàn ma dại trong rừng sâu đất đỏ.

    Khi được thả, về Sài Gòn, tôi đến thăm gia đình bà Sáu nhưng bà không có ở nhà, chỉ gặp Dung. Em nói:

    - Mẹ em bị ung thư vòm cổ họng, nay đã vào giai đoạn cuối, đang nằm trong bệnh viện Ung Bướu ở đường Nơ-Trang-Long, tức đường Nguyễn Văn Học cũ bên Gia Định đó anh.

    - Ta vào thăm mẹ em đi - tôi nói ngay.

    Chúng tôi cọc cạch đạp xe vào bệnh viện nói trên thăm bà Sáu. Ở thời điểm ấy, hai chân bà đã không còn cử động được nữa, việc bài tiết cũng không tự lo được, phải nằm một chỗ trên giường bệnh, từ ngực xuống chân được phủ một tấm drap màu trắng. Mặt bà trông hốc hác, xanh xao nhưng miệng còn nói được. Nhìn thấy tôi, bà liền hỏi:

    - Hoàng mới về đấy hả con? Có khỏe không?

    Cầm lấy chiếc cổ tay gầy nổi đầy gân của bà, tôi đáp:

    - Cũng không đến nỗi tệ, cô ơi (Anh em chúng tôi vẫn gọi bà Sáu bằng cô, chỉ mình má tôi gọi bà là bà Sáu).

    Trong khi bà Sáu và tôi trò chuyện thì Dung đi tới lui trong phòng làm một số việc giúp mẹ. Lúc này tôi mới có dịp quan sát Dung kỹ hơn. Trông em bớt đi nét hồn nhiên tươi trẻ của ngày nào và có vẻ già dặn hơn trước. Cũng nói cũng cười nhưng giọng nói, tiếng cười nghe sao có chút gì mệt mỏi. Cuộc đổi thay khủng khiếp đã làm cho em trưởng thành, cứng cáp lên chăng? Bà Sáu kể tôi nghe đủ thứ chuyện xảy ra với gia đình bà và hàng xóm ở đường Trần Quang Diệu nằm gần chợ Trương Minh Giảng sau ngày 30/4/75. Rồi bà chửi:

    - Mồ tổ cha nó. Hỏi chứ “giải phóng” cái gì? Ai cần chúng “giải phóng”?

    Khoảng 3-4 tháng sau đó bà Sáu mất. Nhà Dung không có người lớn, tôi phải đứng ra giúp em lo liệu đám tang, rồi đưa đi thiêu, tro cốt gửi ở chùa.

    Hai năm sau, mãn tang mẹ, Dung lấy chồng. Chồng Dung là anh bác sĩ trẻ của bệnh viện Ung Bướu, người đã tận tình chữa trị cho mẹ em trong suốt thời gian bà nằm ở đó, nhưng lực bất tòng tâm.

    Ít lâu sau đó, khoảng 1983-1984, nghe tin cặp vợ chồng này đã vượt biển. Từ đó bặt tin luôn. Họ sống chết hay đến được bến bờ tự do nào, không ai rõ…

    Chuyện đã lâu, bây giờ mới kể. Tôi muốn hỏi thăm những bạn bè, đồng đội cùng phi đoàn với Thành ở căn cứ Không quân Đà Nẵng năm xưa bây giờ ai còn ai mất, đang ở những đâu? Trong số những người qua được nước Mỹ này (hoặc ở Canada, Úc, châu Âu…) có ai biết gì hơn về vụ mất tích bí ẩn của người pilot A-37 mới ra trường Nguyễn Văn Thành hồi cuối 1973 hay không? Nếu có bất cứ thông tin gì, hãy vui lòng chia sẻ cho chúng tôi biết với. Xin vô vàn cảm ơn. Chắc có người thắc mắc tại sao chúng tôi lại quan tâm đến Thành nhiều như thế. Xin thưa: Do mối thân tình giữa hai gia đình, tôi coi Thành như em của mình nên điều gì xảy đến với Thành, tôi đều chú ý tới. Dạo em tôi mất vào cuối hè 1973, má tôi như người mất hồn, suốt ngày rũ rượi. Chính bà Sáu là người thường xuyên đến nhà chơi, nhiều khi ngủ đêm lại, thủ thỉ chuyện này chuyện kia để an ủi, động viên tinh thần má tôi rất nhiều. Tới lúc Thành mất, má tôi lại là người thường xuyên đến với bà Sáu, khuyên nhủ vỗ về, giúp bà vượt qua cơn suy sụp nặng nề. Cả hai đều là những phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ khác. Họ tần tảo nuôi con, mong chúng lớn khôn, làm những việc có ích cho đời. Họ không biết và cũng không cần biết đến lý tưởng này, chủ nghĩa nọ. Nhưng chiến tranh độc ác đã cướp đi sinh mạng những người con trai yêu quý của họ. Chiến tranh không những tàn nhẫn cắt cụt tuổi thanh xuân của con trai họ mà còn cắt cụt cả những mộng đời phơi phới của con trai họ nữa. Mỗi lần nghĩ đến em tôi, đến Thành, đến hàng ngàn hàng vạn thanh niên ưu tú khác của miền Nam, tôi thấy thật vô cùng đau xót. Riêng trường hợp mất tích bí ẩn của Thành cứ làm tâm tư tôi khắc khoải mãi không thôi. Tôi nghĩ đến sự mong manh dòn ải của phận người trong cuộc sống; sự phi lý mà mỗi cá nhân phải nhận lãnh trong cuộc chiến tranh tương tàn vừa qua.

    Trở lại với ý đã nói bên trên, không những bản thân chúng tôi, mà cả Mỹ Dung, em ruột Thành, người con gái xinh đẹp, ngoan hiền, cười nhiều, nói ít, và các em trai cô, cũng rất cần được biết nữa. Đã hơn 40 năm rồi còn gì. Hơn 40 năm mà sự việc cứ tù mù, khó hiểu đến lạ, vì câu chuyện kể trên kia trước sau vẫn chỉ là một giả thuyết thôi.

    Đời lắm nẻo ưu phiền. Ai mộng về đâu, ai mất về đâu, cứ như một trò đánh đố.

    Chợt nhớ đến một câu hát trong bài Ngăn Cách của Y Vân: “Đời người như chiếc lá nằm trong cơn gió vô tình…”

    Hoàng Huy

    (10/08/2014)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X