Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thanh Tuyền và đêm nhạc chia tay khán giả.

Collapse
X

Thanh Tuyền và đêm nhạc chia tay khán giả.

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thanh Tuyền và đêm nhạc chia tay khán giả.

    CA SĨ THANH TUYỀN GIÃ TỪ…

    Hoàng Huy



    Báo Người Việt online ngày thứ ba 30/9/2014 chạy một tin đáng chú ý: Thanh Tuyền và đêm nhạc chia tay khán giả.

    Qua bài báo, ca sĩ Thanh Tuyền nói với phóng viên Đức Tuấn của tờ Người Việt rằng: “Chắc chắn đó sẽ là buổi diễn chia tay, chị mong muốn được tạ ơn, tạ từ khán giả để trở về với gia đình, lo chuyện Phật sự. Đêm diễn sắp tới của chị sẽ được tổ chức vào 01-11- 2014 tại Dallas, Texas”.

    Chị tâm sự tiếp: “Nếu sau chương trình này, bà con cô bác có gặp ca sĩ Thanh Tuyền tiếp tục hát, cũng chỉ là đóng góp trong những chương trình từ thiện, gây quỹ cho nhà thờ, chùa hay hội đoàn…”

    Đối với một người ca sĩ chân chính, dù tiếng hát của họ vẫn còn phục vụ khán giả, hay dù sức khỏe vẫn còn cho phép họ tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật đi chăng nữa, khi đến lúc phải lui về vui thú điền viên, họ sẽ không màng chuyện nên tiếp tục, mà hãy dừng chân lại để nhường sân khấu cho thế hệ kế tiếp. Đó là lập luận của ca sĩ Thanh Tuyền, người nghệ sĩ đàn chị đã cống hiến thời gian của mình cho sân khấu nghệ thuật 50 năm và chị cảm nhận được sự mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi, cũng như nhường sân khấu lại cho “lớp trẻ đang đi tới”.

    Chính vì ca sĩ Thanh Tuyền là một Phật tử nên chị thường nói: “Làm ca sĩ là do được Trời Phật ban cho giọng hát tốt, chứ những nghề khác như kỹ sư, bác sĩ người ta phải học hành rất nhiều năm. Bởi vậy mình phải biết quý trọng, đừng phụ ơn phước đó”.

    Không ngăn được xúc động, ca sĩ Thanh Tuyền tâm tình: “Chương trình nhạc sắp tới, đúng là do chữ Duyên của nhà Phật, mấy đứa cháu tự nhiên tìm đến chị, ngỏ lời muốn thực hiện đêm nhạc 50 năm, và tụi nhỏ lo hết từ đầu đến cuối, chị chỉ dưỡng sức để hát cho đêm đó thôi”.


    Ca sĩ Thanh Tuyền bắt đầu đi hát từ năm 17 tuổi, đến nay, chị cho là đúng “điểm dừng” của đời nghệ sĩ.

    Đêm nhạc sắp tới sẽ được thu hình để làm kỷ niệm, ca sĩ Thanh Tuyền nói.

    Đối với chúng ta, sự chia tay nào cũng mang trong nó ít nhiều nỗi buồn tiếc. Cho nên, giờ đây ngồi ôn lại những chặng đường vươn tới đỉnh cao sự nghiệp của người ca sĩ khả ái kia, tưởng cũng là điều nên làm.

    Trước nay, trên các báo giấy và báo mạng ở trong và ngoài nước, người ta đã viết khá nhiều về Thanh Tuyền. Tổng hợp lại ta thấy cuộc đời ca hát của cô gái đến từ thành phố cao nguyên này toàn gặp may mắn hơn bất cứ ai khác.

    Con chim lạ đến từ xứ sương mù

    Theo tác giả Hoàng Lan Chi, người đã thực hiện cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (ở Việt Nam) đăng trên trang nhà http://hoanglanchi.com/?p=313 thì nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chính là người đã đào tạo Thanh Tuyền thành ca sĩ chuyên nghiệp hồi giữa thập niên 1960 thế kỷ trước. Khi được nhà báo hỏi chuyện cũ, ông đã kể lại về người nữ ca sĩ này với những kỷ niệm mà ông cho là rất đặc biệt.

    Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông nhớ lại:

    -Vào năm 1964 tôi có chuyến đi nghỉ mát Đà Lạt. Bạn bè ở đài phát thanh Đà Lạt đến thăm có giới thiệu với tôi giọng hát của cô bé Như Mai nhiều triển vọng. Như Mai tên đầy đủ là Phạm Như Mai, sinh trưởng tại thành phố Đà Lạt, đang là nữ sinh trường trung học Bùi Thị Xuân, hàng tuần có tham gia hát ở đài phát thanh Đà Lạt. Ngay từ năm mới hơn 10 tuổi (tức 1959), Như Mai đã đoạt giải nhất cuộc thi “Thần đồng” của thành phố Đà Lạt với bài “Nắng đẹp miền Nam”. Nhân lễ phát thưởng cuối năm học của trường trung học Bùi Thị Xuân, đến phần văn nghệ, người dẫn chương trình giới thiệu Như Mai lên hát một bài tặng khách quý đến từ Sài Gòn. Giọng cô nữ sinh lảnh lót cất lên, khỏe khoắn đầy nội lực, âm vang làm rộn rã khắp sân trường. Tôi nghe cháy bỏng một ước mơ, một hy vọng mà cô bé như muốn ngỏ cùng ai. Khi bài hát chấm dứt, Như Mai nhìn về phía tôi. Hiểu ý, tôi mời cô bé đến gặp và hỏi “Cháu có muốn trở thành ca sĩ không?”. Như Mai xúc động gật đầu. Sau đó tôi đến gặp song thân của Như Mai bàn chuyện đưa cô bé về Sài Gòn để đào tạo thành ca sĩ. Dạo ấy tôi còn độc thân, ngày ăn cơm quán, tối ngủ ở đơn vị, không tiện chút nào cho việc đỡ đần một cô gái trẻ xa nhà như vậy. Thế nên sau khi về bàn bạc với Ban giám đốc hãng dĩa Continental (lúc ấy ông Huỳnh Văn Tứ, một nhà doanh nghiệp có tiếng ở Sài Gòn phụ trách Giám đốc sản xuất, còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là Giám đốc nghệ thuật của hãng này), tôi nhờ người cộng sự là nhạc sĩ Mạnh Phát lên Đà Lạt xin phép ba má Như Mai rước cô bé về Sài Gòn tá túc trong gia đình ông, gia đình của đôi vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng Minh Diệu - Mạnh Phát, và Mạnh Phát đã trở thành cha nuôi của Như Mai từ đó. Mọi chi phí do hãng dĩa Continental đài thọ. Tôi lên chương trình đào tạo và đặt nghệ danh mới cho Như Mai là Thanh Tuyền, ý muốn nói đó là Dòng Suối Trong của cao nguyên Đà Lạt. Song song với việc học nhạc, Thanh Tuyền còn tiếp tục đi học thêm về văn hóa cho xong bậc trung học tại trường nữ trung học Lê Văn Duyệt (đối diện với lăng Tả quân Lê văn Duyệt – Bà Chiểu). Chỉ trong vòng 8 tháng có mặt ở Sài Gòn, Thanh Tuyền đã có dĩa và băng nhạc giới thiệu với người yêu nhạc. Như con chim lạ đến từ xứ sương mù, một bông hoa rừng còn đẫm ướt hơi sương, Thanh Tuyền nhanh chóng chiếm được sự mến mộ của người yêu nhạc thủ đô, sánh vai cùng các đàn anh, đàn chị trên các đài phát thanh, được báo giới không tiếc lời ca ngợi. Năm ấy Thanh Tuyền vừa đúng 17 tuổi.

    Ở đây xin ghi chú: Thời điểm Thanh Tuyền bước chân vào làng ca nhạc, tại miền Nam Việt Nam chỉ có các đài phát thanh chứ chưa có đài truyền hình nên thính giả khắp nơi chỉ nghe tiếng hát chứ ít người biết mặt Thanh Tuyền, trừ một số có nhìn thấy hình đăng trên các báo. Mãi đến tháng 02/1966 đài truyền hình Sài Gòn mới được phát sóng. Trong thời gian mấy tháng đầu chờ xây dựng trụ sở đài ở số 9, đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn, chính quyền lúc đó đã bố trí một chiếc phi cơ vận tải mỗi đêm bay lòng vòng trên bầu trời Sài Gòn khoảng 3-4 tiếng đồng hồ phát các chương trình thu sẵn để dân chúng xem cho… đỡ thèm (!)

    Kỷ niệm khó quên

    Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể tiếp:

    -Riêng đối với tôi, vẫn còn xanh mãi một kỷ niệm về ngày khởi đầu Thanh Tuyền đi hát phòng trà tại Sài Gòn. Theo kế hoạch đã định, Thanh Tuyền sẽ hát ra mắt lần đầu tiên ở phòng trà Bồng Lai và vũ trường Quốc Tế trên đường Lê lợi (thời đó, ca sĩ phải đủ 18 tuổi mới được hát ở các phòng trà và vũ trường). Tôi đích thân đi mua son phấn cho Thanh Tuyền trang điểm khi đi hát. Tôi thật bất ngờ khi biết Thanh Tuyền chưa từng sử dụng hộp phấn, cây son trước đó. Khi sắp đến giờ trình diễn, tôi đưa Thanh Tuyền đến thẩm mỹ viện, make up salon, nhưng các cửa tiệm đều đóng cửa vì trời đã khuya (hồi ấy, các phòng trà và vũ trường ở Sài Gòn thường bắt đầu chương trình hàng đêm từ 22 giờ trở đi). Quá lo lắng, tôi kéo Thanh Tuyền chạy men theo đường Lê Lợi mong tìm người quen giúp đỡ nhưng không gặp được ai mà thời gian lại gấp rút nên thầy và trò đành ngồi bệt ngay bên vỉa hè Lê lợi. Nhờ ánh sáng đèn đường, tôi đánh phấn, tô son cho Thanh Tuyền mà trước đó tôi cũng chưa biết gì về cây son, hộp phấn Chanel. Rồi Thanh Tuyền chạy bay lên lầu phòng trà Bồng Lai để kịp giờ trình diễn, còn tôi nện gót trên hè đường Lê Lợi và lòng ngập tràn cảm xúc khi tiếng hát Thanh Tuyền cất lên, đánh dấu ngày khởi nghiệp của ca sĩ Thanh Tuyền giữa thủ đô Sài Gòn hoa lệ. Đến bây giờ, sau 40 năm ngồi nhớ lại, tôi dám đoan chắc rằng đây là người thiếu nữ duy nhất trong đời mà tôi đã kẻ lông mày, tô son đánh phấn rồi tung con chim sơn ca vào bầu trời bao la vì từ đây cô là của muôn người, sẽ thành danh và tiến xa trên con đường sự nghiệp…

    Có thể kể thêm:

    Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng chính là người đào tạo nữ ca sĩ Giao Linh. Cô này có biệt danh là “nữ hoàng sầu muộn” vì khuôn mặt cô đẹp nhưng buồn rười rượi, hiếm khi thấy mở nụ cười.

    Trước kia nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mang cấp bậc Đại tá trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975 vướng 10 năm tù tội, lúc trở về mang đủ thứ bệnh tật trên người, ông quyết định ở lại quê nhà để nếu có chết thì được chết trên chính quê hương yêu dấu của mình. Hiện nay nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đang sống tại quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn, tuổi đã ngoài 80. Trong những năm qua, các học trò cũ của ông là Thanh Tuyền và Giao Linh vẫn thường về Việt Nam thăm “Thầy Đông” của mình, người đang sống cuộc sống hết sức âm thầm, lặng lẽ giữa một thành phố đã bị đổi tên…

    Giờ đây, khi nghe tin ca sĩ Thanh Tuyền sắp giã từ sân khấu, chúng ta bỗng thấy có chút gì tiếc nuối, bâng khuâng, như thể sắp mất đi một thứ quý giá lâu nay vẫn ở cạnh mình. Nhưng đời có đến thì có đi, biết làm thế nào được.

    Trong lúc bất chợt nào đó, nếu bạn muốn nghe lại Chiều Mưa Biên Giới (Nguyễn Văn Đông), Nỗi Buồn Hoa Phượng (Thanh Sơn), Đà Lạt Hoàng Hôn (Minh Kỳ), Câu Chuyện Đầu Năm (Hoài An), Anh Cho Em Mùa Xuân (Nguyễn Hiền & Kim Tuấn), Kiếp Nghèo (Lam Phương) v.v. thì đã có Thanh Tuyền, một giọng ca không lẫn vào đâu được. Hãy lắng tâm hồn bên Dòng Suối Trong mới thấy hết những cảm xúc, những nỗi niềm đưa ta về dĩ vãng với những kỷ niệm đẹp của một thời đã xa…

    Hoàng Huy

    (10/05/2014)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X