Thông báo

Collapse
No announcement yet.

PHẠM DUY và MÙA THU CHẾT

Collapse
X

PHẠM DUY và MÙA THU CHẾT

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • PHẠM DUY và MÙA THU CHẾT

    PHẠM DUY và MÙA THU CHẾT

    Hoàng Huy




    Trước nay, nói đến Phạm Duy, thường có những ý kiến trái chiều. Giờ đây người nhạc sĩ ấy đã đi xa, nhưng gia tài âm nhạc đồ sộ của ông để lại hơn 1,000 ca khúc, trong đó nếu sàng lọc kỹ cũng còn lại hàng trăm ca khúc sống mãi với thời gian. Điều này thì chắc không có gì phải tranh cãi.

    Bây giờ là mùa thu.

    Mỗi khi thấy heo may gió về và lưng trời mây xám, ta biết rằng Thu đã đến. Và có rừng thu nào trên nước Mỹ đẹp đến nao lòng hơn rừng thu ở vùng New England, đông bắc Hoa Kỳ? Phải chăng do trải nghiệm cảnh đẹp rừng thu thay lá ấy mà người Mỹ thích dùng chữ The Fall để chỉ mùa thu hơn là chữ Autumn mang từ mẫu quốc Anh sang?

    Trong âm nhạc của chúng ta trước nay đã có biết bao ca khúc viết về mùa thu. Phải nói đa phần trong đó từ hay đến rất hay, mỗi bài hay một cách nhờ vào giai điệu hoặc tình tự của chúng. Hôm nay xin nói về MÙA THU CHẾT, một ca khúc do Phạm Duy phổ nhạc vào năm 1965 từ một bài thơ của thi sĩ người Pháp là Guillaume Apollinaire (1880 -1918). Bài thơ ấy nguyên văn chỉ có 5 câu, mang tựa dề “L’Adieu”:

    “J’ai cueilli ce brin de bruyère

    L’Automne est morte souviens - t’en
    Nous ne nous verrons plus sur terre
    Odeur du temps brin de bruyère
    Et souviens-toi que je t’attends”.

    Bài thơ này trước đó đã được thi sĩ Bùi Giáng (1926 – 1998) chuyển ngữ sang tiếng Việt như sau:

    “Lời vĩnh biệt

    Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
    Em nhớ cho: Mùa thu đã chết rồi!
    Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
    Mộng trùng lai không có ở trên đời
    Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
    Và nhớ nhé, ta đợi chờ em đó”.

    Theo một số nhà nghiên cứu văn học ở bên Pháp, Guillaume Apollinaire sáng tác bài L’Adieu để tưởng nhớ Victor Hugo sau khi đi thăm mộ con gái của ông (cô này bị chết đuối ở biển cùng chồng lúc hai người vừa cưới nhau được mấy tháng) và đọc bộ sách Les Contemplations của Victor Hugo. Những đại danh từ nhân xưng trong bài thơ L’Adieu của Guillaume Apollinaire hàm ý các chủ thể đối đáp là những lời của người cha thì thầm với cô con gái chết thảm của mình và cái chết ấy đã để lại cho ông rất nhiều đau khổ. Do vô tình, không tìm hiểu kỹ lai lịch bài thơ cũng như ý nghĩa đích thực của nó, hoặc là cố ý, Bùi Giáng đã dịch bài trên thành một bài thơ nói về sự chia lìa của một đôi tình nhân nào đó. Dù sao, nội dung trên cũng chính là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Duy viết ra bài MÙA THU CHẾT. Nhưng, khi viết bản tình ca này, Phạm Duy không dùng tên “Lời vĩnh biệt” của Bùi Giáng mà đổi thành “Mùa Thu Chết” theo ý tứ của bài thơ. Và cũng chỉ sử dụng hai câu đầu trong bản dịch của Bùi Giáng, phần ca từ còn lại ông theo sát với ý nghĩa của bài thơ hơn. Nhờ ngón tài tình đó mà MÙA THU CHẾT trở thành một bản tình ca nổi tiếng tại miền Nam vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Bài hát này đã được rất nhiều ca sĩ đương thời như Julie Quang, Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương, Anh Khoa v.v... thể hiện:

    “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
    Em nhớ cho: Mùa thu đã chết rồi!
    Mùa thu đã chết, em nhớ cho
    Mùa thu đã chết, em nhớ cho
    Mùa thu đã chết, đã chết rồi
    Em nhớ cho, em nhớ cho
    Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa
    Trên cõi đời này, trên cõi đời này
    Từ nay mãi mãi không thấy nhau
    Từ nay mãi mãi không thấy nhau…

    Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
    Em nhớ cho: Mùa thu đã chết rồi!
    Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
    Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em
    Vẫn chờ em, vẫn chờ em
    Vẫn chờ… vẫn chờ… đợi em”.

    Nghe qua bài hát ta thấy có những câu được láy đi láy lại nhiều lần với giọng nức nở tạo hiệu ứng đau buồn, thương tiếc cho một cuộc tình tan vỡ, không mong gì tái hợp. Rõ ràng đây là một bản tình ca lãng mạn, không thể nói khác. Ấy vậy nhưng lại xảy ra chuyện chết cười như sau:

    Năm 2005 nhạc sĩ Pham Duy về sống hẳn trong nước. Ông tổ chức đêm nhạc “Phạm Duy ngày trở về” khá thành công tại Sài Gòn. Dư luận nói chung rất hoan nghênh ngày trở về của âm nhạc Phạm Duy. Tiếng vang này dội ra đến Hà Nội. Một số người trong giới âm nhạc ở Hà Nội tỏ ra khó chịu, ghen tức. Một ông nhạc sĩ kiêm nhà báo tên Nguyễn Lưu đã tung ra trên một tờ báo ở Hà Nội bài viết nhan đề “Không thể tung hô” để đấu tố Phạm Duy. Xin lược trích ra đây mấy ý:

    “Một người từng bỏ kháng chiến theo thực dân Pháp, khi Pháp rút lại theo Ngô Đình Diệm, làm đến chức Bộ trưởng Văn hóa. Và khi ngụy quyền sụp đổ lại chạy qua Mỹ. Tại đó đã viết hàng loạt bài kêu gọi chống Cộng với giọng điệu sặc mùi hiếu chiến. Nay thấy Việt Nam vươn lên mạnh mẽ lại xin trở về. Hà cớ gì phải tung hô, xưng tụng đến thế? Đỉnh cao sự nghiệp chống Cộng của Phạm Duy là bài MÙA THU CHẾT. Ở đó tác giả đã công khai tư tưởng chống Cộng của mình. Ông ta đã từ bỏ tình yêu đối với Tổ quốc bằng một bút pháp thật sâu cay, đểu giả. Và ít ai quên cái mùa thu trong ca khúc ấy chính là Cách Mạng Mùa Thu, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam”. Hết trích.

    Xem qua, ta thấy ngay đây là thứ luận điệu quy chụp, bôi bẩn, nhằm hạ gục người khác vì đố kỵ tài năng. Với những người hiểu biết, ai cũng rõ mười mươi nội dung bài MÙA THU CHẾT của Phạm Duy không dính dáng gì đến “Cách mạng mùa thu” của Cộng sản Việt Nam cả. Thực chất, nó chỉ là một ca khúc trữ tình không hơn không kém. Nếu cứ suy diễn lung tung theo kiểu Nguyễn Lưu thì “Buồn tàn thu” của Văn Cao hay “Mùa thu không trở lại” của Phạm Trọng Cầu đều … “phản động” cả sao? Thêm nữa, làm gì có chuyện dưới thời Ngô Đình Diệm ở miền Nam, Phạm Duy giữ chức Bộ trưởng Văn hóa? Thật ra trong 20 năm dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Phạm Duy chỉ là một nhạc sĩ sáng tác tự do, không nắm chức tước gì trong guồng máy chính phủ.

    (Nếu cần, xin vào link sau đọc toàn bộ bài báo để thấy ông Nguyễn Lưu ngồi ở Hà Nội, không biết gì, nhưng đã phịa chuyện ở Sài Gòn và Mỹ một cách ngây ngô hoặc láo toét đến mức đáng kinh ngạc) http://bongdavannghe.wordpress.com/2...oa-phuong-nam/

    Nhưng dù gì thì bài báo của tác giả Nguyễn Lưu cũng để lại những ảnh hưởng nhất định. Cụ thể là bài MÙA THU CHẾT của Phạm Duy phải xin cấp phép đến tám (8) lần mới được cái cục tên là “Cục Nghệ thuật - Biểu diễn” của nhà nước Việt Nam ký quyết định cấp phép cho lưu hành vào tháng 4/2012. Khi được báo giới hỏi ông có thấy mình như được giải oan hay không, Phạm Duy chỉ đáp gọn: “Tôi chẳng nghĩ gì cả. Ai từng hiểu sai là quyền của họ, tôi cũng không cần phải giải thích gì về điều đó cả”.

    Cho đến nay, mới có khoảng 200 ca khúc trong tổng số hơn 1,000 ca khúc do Phạm Duy sáng tác (hoặc có một ít nhạc ngoại quốc được dịch sang lời Việt) được nhà nước Việt Nam cấp phép phổ biến. Trước tình hình xét duyệt kiểu câu giờ này, nhiều kẻ tỏ ra sốt ruột, nói: Chắc phải một… thế kỷ nữa may ra nhạc của ông mới được cởi trói hết!

    Hồi đầu tháng 5/2014 vừa qua, nhà báo tự do trong nước là Lưu Trọng Văn (con trai nhà thơ tiền chiến Lưu Trọng Lư) có bài viết kể chuyện ông vào thăm nhạc sĩ Phạm Duy vào những giờ phút cuối tại bệnh viện 115, Sài Gòn. Qua những lời đứt quãng vì thở khó nhọc, người nhạc sĩ già tâm sự với họ Lưu: “Tôi nghĩ, tôi chết cũng như sống thôi, vì gia tài để lại của tôi nhiều lắm. Một trăm năm nữa, nếu người ta vẫn hát bài TÌNH CA với câu “Tôi yêu tiếng nước tôi…” thì 999 bài còn lại người ta quên cũng được”.

    Nhạc sĩ Phạm Duy vĩnh viễn ra đi vào ngày 27/01/2013, thọ 92 tuổi.


    Hoàng Huy


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X