Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tiếc Thương Anh, Những Cơ Phi Đã Vị Quốc Vong Thân

Collapse
X

Tiếc Thương Anh, Những Cơ Phi Đã Vị Quốc Vong Thân

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tiếc Thương Anh, Những Cơ Phi Đã Vị Quốc Vong Thân

    MÁU NHUỘM KHÔNG-GIAN
    THÀNH GIANG - LVB





    Ảnh tác giả


    Lời Tựa

    Tôi viết loạt bài “Chết Non” nầy để “Tiếc Thương Anh” những người bạn cùng khóa 5/69 HSQ Cơ khí Phi hành Trực Thăng: Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Hóa, các bạn Cơ phi Vận tải: Huỳnh Thanh Thế, Trần Văn Rẹn... Những cái chết không toàn thây, là nỗi ám ảnh, làm “vỡ mộng phi hành” cho những đồng môn Không quân VNCH, bạn thân của các anh. Loạt bài viết nầy, để thương tưởng những cái “Chết Non” khi tuổi đời của các cố chiến hữu Cơ phi, HSQ Không quân Phi hành khóa 5/69 nầy hãy còn quá trẻ, khi tuổi đời chưa quá 23 tuổi.


    NGƯỜI VỀ ĐƠN VỊ MỚI


    Lớp 3 HSQ Cơ phi (Cơ khí phi hành) Vận tải của chúng tôi đã hoàn tất khóa học vào cuối năm 1970, đây là lớp thứ 3 cơ phi vận tải cuối cùng của khóa 5/69, gồm có 54 tân Cơ-phi. Sau khi mãn khóa, chúng tôi được chia ra làm hai nhóm, một nửa lớp chuyển qua Không đoàn 53 Chiến thuật, học xuyên huấn các loại vận tải cơ hạng nặng: AC119G, AC119K hay C123 bốn động cơ, về sau, các bạn làm việc trên phi cơ C123 được học xuyên huấn và bay phi cơ tối tân nhất của Không lực Việt nam C130, bốn máy bán phản lực. Nửa còn lại của chúng tôi được đưa về Không đoàn 33 Chiến thuật, vận tải cơ hạng nhẹ, loại hai động cơ, cả hai Không đoàn: 53 và 33 Chiến thuật đều đồn trú ở Căn cứ Tân Sơn Nhất, Sài gòn.

    Toán tân Cơ phi Vận tải thứ hai của chúng tôi đều được chuyển về phi đoàn Thanh Long 415, phi cơ vận tải C-47, còn được gọi là phi cơ Dakota DC3. Một loại máy bay hai động cơ do Hoa kỳ chế tạo, vận tải cơ nầy khá cũ kỹ của thời đệ II Thế chiến. Đây là loại vận tải cơ căn bản của Không đoàn 33 Chiến thuật, chúng tôi phải học qua và làm việc cho quen, bay để lấy kinh nghiệm, hầu sau nầy sẽ theo học, bổ sung cho chương trình “Việt nam hoá” của Hoa kỳ, chúng tôi sẽ được học xuyên huấn các loại phi cơ vận tải tối tân hơn, Quân đội Hoa kỳ sẽ ào ạt bàn giao cho Không quân VNCH như: AC-47, EC-47, RC-47 hoặc C-7A Caribou vào những năm 1971-1973, trước khi Quân đội Hoa kỳ rút khỏi chiến trường Việt nam.

    ĐÊM CUỐI CÙNG CỦA BẠN HUỲNH THANH THẾ


    Huỳnh Thanh Thế đã theo học lớp 1 HSQ-Cơ phi Vận tải, ra trường trước chúng tôi 1 năm và Thanh Thế hiện đang là Cơ phi cơ hữu của phi đoàn Thanh long 415, C-47, loại vận tải cơ chuyên chở hành khách. Sau ba tháng học xuyên huấn phi cơ C-47, chúng tôi cũng đã trở thành những nhân viên cơ khí phi hành cơ hữu của phi đoàn 415 nầy.

    Cái chết thê thảm, không toàn thây của Huỳnh Thanh Thế, cái chết đầu tiên của ngành vận tải thuộc khóa 5/69, cái chết của Thế đã được cảnh báo trước một ngày. Trong cái đêm ứng chiến khó quên của vài anh em khóa 5/69, trong một ngày đầu hè, năm 1971.

    Nhóm bạn thân Cơ phi cùng khóa 5/69 của chúng tôi rời Câu lạc bộ Mây Bốn Phương, toạ lạc bên kia đường, nhìn xéo góc từ một dãy 4 phi đoàn vận tải thuộc Không đoàn 33 CT, trong phi trường Tân Sơn Nhứt. Chúng tôi bước vào phòng ngủ, dãy nhà nằm đàng sau phi đoàn 415, nơi nghỉ ngơi trong những “đêm ứng chiến” của nhân viên phi đoàn. Cả bọn, bốn thằng tôi đứng trầm ngâm quan sát các hoạt động của người bạn cùng khóa Huỳnh Thanh Thế.

    Bên chiếc giường ngủ. Thế cấm cúi bày biện đồ đạt đầy dẫy trên giường, rồi nó thu xếp gọn gàng lại các món đồ nghề phi hành của nó, chuẩn bị cho phi vụ ngày mai, nó không màng để ý đến những cảnh vật xung quanh, và sự hiện diện của chúng tôi.

    Chúng tôi bốn đứa: Cưng, Nhẫn, Bạch và Đệ (LVB, tác giả) tiến lại gần quan sát việc làm của thằng Thế, khi cả bọn phát giác ra những vật dụng “bất bình thường” nằm trong đống đồ nghề phi hành của thằng Thế: những gói mì khô nằm trong đóng đồ nghề: súng đạn, dây TAB mang súng, la bàn, súng hỏa pháo, kiếng chiếu khẩn cấp, bộ bài thực vật mưu sinh thoát hiểm, áo lưới và chúng bạn của nó đang thắc mắc về năm gói mì khô? Một loại vật dụng không có ghi trong sổ sách khẩn cấp phi hành, hầu như không có người nào mang theo “mì gói” trong khi thi hành phi vụ, lần đầu tiên chúng bạn của nó được nhìn thấy thằng Thế đã làm điều kỳ lạ nầy, họ không khỏi ngạc nhiên.

    Thằng Nhẫn vui miệng chọc thằng Thế. “Đi bay, mầy mang mấy món mì khô quỷ quái nầy theo để làm chi vậy Thế?”. Nó bình thản, dừng tay, giải thích: “Ê! Tụi bây làm crashed trong rừng, lấy cái gì mà ăn chớ!”. Cả bọn cùng cười ồ về sự lo xa, dường như ngớ ngẩn của nó. Thanh Thế có cái lý riêng của nó, quả thật, nếu chẳng may phi cơ rơi trong rừng nhưng phi hành đoàn may mắn còn sống sót, những gói mì khô nầy trở nên rất cần thiết và hữu dụng, ít nhất, nó có thể kềm hơi được vài ngày. Nhưng hầu hết, nhân viên phi hành vận tải nghĩ rằng nếu là phi cơ trực thăng phòng hờ thực phẩm khẩn cấp rất hữu lý, vì trực thăng đã đáp khẩn cấp trong rừng rất thường xuyên, nhưng với loại phi cơ vận tải khi đã rớt trong rừng thì khó có cơ hội sống sót như phi cơ trực thăng được. Họ tỏ ra xem thường việc dự phòng thực phẩm khẩn cấp trong khi thi hành phi vụ như thằng Thế.

    Không quan tâm đến những ý nghĩ của bạn bè. Thằng Thế, bình thản thu xếp tất cả vật dụng gọn gàng vào chiếc áo lưới mưu sinh thoát hiểm. Nó đứng lên mặc áo lưới vào, rồi đeo khẩu súng rouleau P38 xề xệ vào hông. Nó trút sáu viên đạn ra khỏi trái khế, rơi xuống giường, nó quay tròn khẩu súng trên tay, điệu nghệ không thua gì mấy anh chàng cao-bồi tài tử ciné của Mỹ, rồi nó cười sặc sụa, thích chí, lấp đạn lại và tra súng vào vỏ.

    Thằng Bạch nhìn cái tướng “cowboy mít” ốm cà tong cà teo của thằng Thế, nó lên tiếng chọc vui: “Mẹ, nhìn thằng tài tử John Wayne Việt-nam, thiếu ăn trông bắt sầu thảm.” Cả bọn cùng cười vui vẻ.

    11,00 giờ đêm, đèn phòng ngủ phi đoàn 415 vụt tắt, nhân viên phi hành yên lặng đi vào giấc điệp. Thằng Thế phải ngủ sớm, 7 giờ sáng mai, nó có phi vụ phải đi bay.

    CHẾT NON 1
    TIẾC THƯƠNG: HUỲNH THANH THẾ

    Lúc 11 giờ trưa, phòng hành quân phi đoàn Thanh long, 415 xôn xao. Sĩ quan trực phi đoàn vừa nhận được hung tin, chiếc vận tải cơ C-47 của Trung úy Thư, trưởng phi cơ, Thiếu úy Nguyên phi công phụ, cơ phi Huỳnh Thanh Thế và một áp tải phi hành, đã bị mất liên lạc với đài Kiểm soát Không lưu Qui Nhơn. Người ta, nghi rằng chiếc vận tải cơ C-47 chở hành khách đã bị lâm nạn đâu đó, sau khi hoa tiêu đã liên lạc thông báo chuẩn bị sẽ đáp ở Qui Nhơn trong 20 phút, sau đó mất liên lạc.

    Trên phi vụ lệnh tại Phòng hành quân của phi đoàn 415, Thanh long, đã ghi nhận: phi vụ của Trung úy Thư phát xuất từ phi trường Tân Sơn Nhứt, chở hành khách đi Pleiku và từ Pleiku sẽ chở 20 hành khách thuộc phái đoàn của chính phủ Việt nam Cộng Hoà sang Qui Nhơn. Tin tức từ Qui Nhơn cho biết thời tiết Qui Nhơn không được tốt, trời nhiều mây lúc phi cơ của Trung úy Thư bay đến thành phố nầy.

    Chính quyền Thành phố Qui Nhơn đã cố gắng truy tìm tin tức chiếc phi cơ C-47 hai động cơ đã bị mất tích trong nhiều giờ qua. Đài Kiểm soát Không lưu Qui Nhơn cũng đã cho biết, phi cơ không có dấu hiệu gì bị trục trặc kỹ thuật.

    Nhân viên của phi đoàn 415 đã quây quần bên nhau, buồn rười rượi, trông chờ tin tức. Chúng tôi lo lắng, đứng ngồi không yên, chờ đợi suốt cả buổi chiều. Cái không khí nặng nề, buồn thảm, sợ hãi, lo cho tính mạng của những người bạn thân. Tin tức tai nạn phi cơ vẫn bặt tin qua cả đêm hôm đó.

    Hung tin buổi sáng sớm ngày hôm sau từ giới hữu trách Qui Nhơn, họ cho biết bầu trời Qui Nhơn bắt đầu clear, trực thăng tìm cứu đã phát giác ra địa điểm chiếc phi cơ C-47 lâm nạn ở trên một sườn núi cheo leo, vài dặm phía tây phi trường Qui Nhơn. Sau một đêm, khói vẫn còn ngúng, bốc lên không. Phi cơ đã bị đụng phải núi trong lúc đang bay xuống để đáp, lúc đó khu vực phi trường bị mây mù bao phủ. Có thể hoa tiêu đã đục xuống, cố xuyên qua tầng mây, không nhìn thấy và đã đâm đầu vào sườn núi. Đây là một tai nạn khủng khiếp, rùng rợn, với 4 nhân viên phi hành và 20 hành khách không ai sống sót. Thân xác họ không toàn vẹn, sau một đêm chiếc phi cơ bị bốc cháy.

    Mãi đến trưa ngày hôm sau, khi đã xảy ra tai nạn, trực thăng đã mang được những nhân viên cứu cấp đến hiện trường nơi đã xảy ra chiếc phi cơ bị rơi. Họ đã kinh hoàng tìm thấy xác người chết cháy vung vẫy, nhầy nhụa, lẫn lộn vào nhau, không còn có thể nhận dạng được ai nữa. Một trong những cái chết kinh hoàng nhất của những người lính Không quân. Thêm một nguồn tin không vui. Nhóm cứu cấp tai nạn phi cơ đã khám phá một con trăn núi khổng lồ, trong đêm, nó đã ngửi thấy mùi thịt người bị “nướng” nó đã tìm đến, dùng bữa và nằm phè ra đó.

    Những người bạn thân cùng ngành vô cùng đau xót cho số phận “chết non” của bạn Huỳnh Thanh Thế, mới vừa 21 tuổi (1950-1971), chưa được hưởng những mùi đời, đã vội vã ra đi, một cái chết khủng khiếp, nhầy nhụa, không hình hài, đã gây nỗi ám ảnh cho những đồng đội phi hành. Những hình ảnh bay bổng hào hùng, lã lướt trên không gian trong “ước mơ tuổi trẻ” đã chìm lỉm trong sự hối tiếc, đi lính Không quân có thể là một sự chọn lựa sai lầm của ngành nghề phi hành, cực kỳ nguy hiểm trên không gian, khi họ phải ra: “đi không ai tìm xác rơi, chết với hình hài không toàn vẹn”.

    Hầu hết những quân nhân Không quân VNCH sau khi tử nạn đều được đưa về nhà xác Tử Sĩ Đường, trong phi trường Tân Sơn Nhứt, Ban Hậu sự Không quân sẽ chăm lo mọi việc: tắm rửa, vá lại thân xác, trang điểm, rồi cho phép bạn bè thăm viếng, tẩn liệm trước khi xác họ được hoàn trở về với gia đình để chôn cất.

    Trường hợp đặc biệt, Phi hành đoàn của Huỳnh Thanh Thế đã chết không toàn thây, không hình hài phân biệt mỗi cá nhân, quan tài mỗi người chỉ chứa đựng một nhúm thịt xương nhầy nhụa lẫn lộn vào nhau, không còn phân biệt được ai nữa. Cho nên, nghi thức cho phép thân nhân hay bằng hữu viếng xác không được tổ chức.

    Bố của Huỳnh Thanh Thế là một viên Trung tá Quân Trấn Phó Sài gòn Gia Định. Ông đau đớn nhận xác con, với ước vọng được nhìn mặt con lần cuối cùng trước khi chào vĩnh biệt người con thân yêu, đã ra người thiên cổ. Phái đoàn Hậu sự Không quân đã gặp phải rất nhiều khó khăn, cố gắng xoa dịu và thuyết phục bố của Huỳnh Thanh Thế, từ bỏ ý định mở nắp hòm, nhìn mặt con lần cuối, do một tai nạn phi cơ quá khủng khiếp, cả chiếc máy bay và nhân mạng trên phi cơ bị va chạm vào núi, nổ tung, đều bị banh thây, chết cháy đen nhầy nhụa.

    Ban điều tra tai nạn phi cơ thuộc Bộ Tư Lệnh Không quân vẫn không thể hiểu được lý do đã gây ra tai nạn khi họ khám phá ra xác của viên phi công trưởng phi cơ, Trung úy Thư lại nằm ở đàng sau cùng, trong phần đuôi của phi cơ? Tại sao viên phi công trưởng lại chết ở khu vực phòng vệ sinh trong khi phi cơ sắp hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu? Bao nhiêu nghi vấn vẫn không ai có thể giải đáp được. Họ đã dự đoán, có thể trong lúc phi cơ sắp đáp, trưởng phi cơ đã gặp khẩn cấp, cần phải đi phòng vệ sinh chăng? Nên ông đã giao việc lái phi cơ cho viên phi công phụ, thiếu úy Nguyên, một nhân viên phi hành mới về nước, ông chỉ phục vụ ngành hoa tiêu phó gần một năm nay, không có nhiều kinh nghiệm bay. Vả lại, ngày hôm đó bầu trời Qui Nhơn rất xấu, đầy mây mù bao phủ, Trưởng phi cơ không thể giao trách nhiệm lái máy bay cho ai cả.

    Tai nạn phi cơ của Huỳnh Thanh Thế quá khắc nghiệt, chẳng những, nó đã thiêu xác các nhân viên phi hành và các hành khách trên phi cơ, nó đã đốt cháy những gói mì dự phòng khẩn cấp của Thế, dường như Thanh Thế đã có linh cảm, biết trước sự nguy hiểm trên chuyến bay của mình, nên đã dự phòng mang theo những gói mì khô vào tối hôm qua, nó đã có ý nghĩ đến phi vụ và đã chuẩn bị chu đáo cho một cuộc làm crashed phi cơ của nó. Thanh Thế cũng đã đốt luôn 20,000 đồng, tiền Huỳnh Thanh Thế đã mượn của Đại úy Hoàng Trọng (Đ/u Trọng sau cũng chết ở Nhơn Cơ, Ban Mê Thuột, năm 1974), số tiền đang mang theo trong người. Số tiền nầy đã trở thành là một loại tiền “vàng bạc mã” cho một đám tang.

    Cái chết thê thảm, rùng rợn của Huỳnh Thanh Thế chỉ tồn tại trong một thời gian. Từng đoàn người thanh niên Việt nam cứ phải tiếp tục tiến lên, chấp nhận mọi sự hiểm nguy, chết chóc, hết người nầy hy sinh đến người khác, với khát vọng chiến đấu, gìn giữ được sự tự do cho Miền nam Việt nam thân yêu, khỏi bị rơi vào bàn tay cộng sản phi nhân, gian tham và tàn ác.

    Cuộc chiến tranh Việt nam vẫn tiếp diễn, càng ngày càng trở nên ác liệt, tàn khốc, đẫm máu hơn. Tiếp nối sự hy sinh của những người chiến sĩ Không quân thuộc 7 ngành nghề phi hành khác nhau của Không lực VNCH. Hầu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Miền nam Việt nam.

    Hình Ảnh:
    Bức hình chụp Huỳnh Thanh Thế và các bạn cùng khóa 5/69 chờ về Sài gòn nghỉ phép cuối tuần, ảnh chụp ở Trường Huấn Luyện Quân Sự trong Căn Cứ Không Quân Biên Hoà, tháng 2, năm 1970. Trong ảnh cũng có một người Cơ phi vận tải của phi đoàn 817, Hỏa Long, AC-47 khác, Phương và Hưu thuộc khóa 5/69 đã tử nạn, “chết oan” trong đêm lễ Giáng Sinh 1973, tại Thành phố Đà Nằng, hai phi hành đoàn AC-47 biệt phái Đà Nẳng, cùng chết chung trên một chuyến bay.


    Huỳnh Thanh Thế người thứ tư, ngồi ôm đàn, tính từ bên trái, bị rớt phi cơ ở Qui Nhơn, Phương (đen) phi đoàn Hoả Long 817, AC-47 (người số 2 bên trái), cùng với Hưu (cũng khóa 5/69, không có trong ảnh) rớt ở Thành phố Đà Nẳng, đêm Giáng Sinh 1973. Từ trái sang phải: Lâm, Phương (đen) Tài, Thế, Dũng, Dũng (con), Phúc.


    CHẾT NON 2
    TIẾC THƯƠNG TH/S I NGUYỄN VĂN HÙNG,
    TRƯỞNG NGÀNH CƠ-PHI PĐ 229, TRỰC THĂNG UH-1H, GUNSHIP

    Cuối năm 1969, mới vừa học xong giai đoạn I căn bản Quân sự. 33 khóa sinh HSQ Cơ phi đã được rút về Bộ Tư lệnh Không quân, chuẩn bị ra Trung tâm Huấn luyện Không quân Nha Trang theo học lớp 1 Sơ đẳng Cơ phi Trực thăng, danh sách các khóa sinh được cắt theo thứ tự từ danh số đầu danh sách của toàn khóa, 001 đến 033. Các khóa sinh Cơ phi Trực thăng nầy sẽ phải trở lại trường Quân sự để học tiếp giai đoạn 2 Hạ Sĩ Quan gồm có 3 tháng, sau khi họ hoàn tất khóa học Sơ đẳng (chuyên nghiệp).

    Cơ Phi Trực thăng lớp 1, sau khi hoàn tất cả hai chương trình huấn luyện Sơ đẳng chuyên ngành và hai giai đoạn Quân sự HSQ. Các tân Cơ phi được chuyển về Pleiku, phục vụ cho hai phi đoàn trực thăng UH-1H Gunship tân lập, do Không quân Hoa kỳ vừa chuyển giao phi cơ.

    Vì là phi đoàn mới thành lập, không có đủ những Cơ phi cơ hữu, nhiều thâm niên, đảm trách các vai trò Trưởng ngành Cơ khí Phi hành. Nguyễn Văn Hùng, biệt danh Hùng xôi (bán xôi cho Trung sĩ Lợi ở Quân trường Biên hoà), còn cái tên khác nữa là Hùng “đóng giầy” (gia đình làm nghề đóng giầy, tại ngã ba đường vào khám Chí hoà, khu chợ Hoà Hưng, Sài gòn). Hùng may mắn được phi đoàn trưởng chọn lựa và giao phó nhiệm vụ leader Cơ phi.

    Với chức vụ Trưởng ngành Cơ phi nầy. Theo tiêu chuẩn ấn định của Bộ Tư Lệnh Không quân. Nhân viên phi hành đó phải có thâm niên quân vụ, cấp bực phải là thượng sĩ và phải có hai văn bằng: Cao đẳng hoặc Dẫn Đạo Chỉ Huy. Nhiệm vụ chính yếu của nhân viên Trưởng ngành Cơ phi phải có bổn phận túc trực tại phòng hành quân phi đoàn mỗi ngày để cắt bay (xếp phi vụ) cho ngành Cơ phi của mình. Vai trò đặc biệt nữa là phải có đủ khả năng hiểu biết về những kỹ thuật của ngành phi cơ, như một huấn luyện viên cơ phi, chăm lo biên soạn tài liệu học tập và thường xuyên tổ chức huấn luyện chuyên môn cho ngành kỹ thuật phi cơ của mình. Bay các phi vụ huấn luyện khóa sinh cơ phi hoặc check-right định kỳ hằng năm cho các nhân viên, kể cả nhân viên Cơ phi cơ hữu. Chính vì thế, vai trò Trưởng ngành Cơ phi gần như là một nhân viên, ngồi chơi xơi nước ở phòng hành quân của phi đoàn, rất ít có thì giờ hay dịp rảnh rỗi để đi bay. Bởi vì, phi đoàn mới thành lập, thiếu hụt nhân viên trầm trọng, nhân viên đi bay hầu như không có ngày nghỉ, trong khi chờ đợi sự bổ xung quân số của những khóa học sau.

    Hệ thống làm việc của Không quân VNCH khác biệt với hệ thống làm việc trong các đơn vị của các quân binh chủng khác. Không quân ngành phi hành, điều hành theo từng ngành riêng biệt: Hoa tiêu Trưởng phi cơ sẽ do Trưởng phòng hành quân phi đoàn điều hành và sắp xếp chuyến bay. Các ngành Hoa tiêu phụ, Cơ phi, Áp tải hay Nữ Tiếp viên Hàng không Quân sự và Vũ khí phi hành tự họ điều hành lấy ngành của mình. Riêng quân số Sĩ quan Điều hành viên quá ít, chỉ có hai người cho mỗi phi đoàn, nên họ đã được sát nhập vào ngành Phi công phụ, Nữ Tiếp viên Hàng không Quân sự và Y tá Phi hành cũng vậy, quân số quá ít, 2 người trong mỗi phi đoàn, họ đã được sát nhập với ngành Áp tải, do Trưởng ngành Áp tải Phi hành cắt bay.

    Tại phi đoàn, mỗi ngành sẽ có một Trưởng ngành và một phụ tá điều hành biệt lập và tự chăm sóc ngành của mình. Mỗi ngành là một bộ môn khác nhau. Chính vì thế, họ phải được tự trị và tự điều hành theo từng ngành riêng. Thí dụ, Phi công chỉ biết bay và học sơ lược về các hoạt động của các hệ thống trang bị trên phi cơ, nhưng những sự hư hỏng trên không: hư máy, điện phát hoả trên phi cơ, chảy dầu, mất điện, hư vô tuyến, bánh đáp không ra... đó là công việc chính của Cơ phi (cơ khí phi hành) hay còn gọi là Kỷ phi (Kỹ sư phi hành, danh từ gọi các Cơ phi làm việc trên các loại phi cơ có trọng tải lớn hoặc phi cơ được trang bị nhiều hơn hai động cơ), có thể nói, Cơ phi chính là những người “bác sĩ” chữa trị khẩn cấp cho những “phi cơ bệnh hoạn” trên không trung. Các ngành Điều hành viên, Cơ phi, Vũ khí phi hành hay áp tải, Y tá phi hành đều có nghề chuyên môn riêng của mỗi nhóm, những nhân viên phi hành khác không biết đến ngành chuyên môn của họ và không có trách nhiệm gì. Nhưng mỗi một nhân viên phi hành là một bộ phận quan trọng giúp cho phi cơ của họ bay an toàn trên không trung, dưới sự điều hành của những vị Trưởng phi cơ trên phi vụ họ đang thi hành.

    Do Chương trình “Việt nam hoá”, Hoa kỳ sẽ rút quân và chuyển giao phi cơ ào ạt cho Không quân Việt nam CH, với sự thiếu hụt những nhân viên cơ hữu thâm niên, những người phải có đủ thâm niên và văn bằng chuyên môn cần thiết. Nguyễn Văn Hùng được đề cử giữ nhiện vụ Trưởng ngành Cơ phi, bất đắc dĩ. Một leader Cơ phi trẻ nhất, mới 21 tuổi (1951-1972) nhưng bản tính rất năng nổ, nhiều thiện chí, anh cũng cần phải được bay nhiều để có những kinh nghiệm, hầu đạt số giờ bay cần thiết, tạo uy tín. Đặc biệt, Nguyễn Văn Hùng thích đi bay, thoải mái hơn làm việc nơi văn phòng, để tránh những sự phiền toái của sự phàn nàn, phân bua, chỉ trích và ganh tị của các bạn đồng nghiệp, cùng ngành, đồng khóa, cùng trang lứa.

    Nguyễn Văn Hùng đã phải làm việc gấp bội so với một Trưởng ngành Cơ phi thâm niên, họ được “đặc-quyền” thường xuyên túc trực tại phòng hành quân mỗi ngày với nhiệm vụ chính là sắp xếp nhân viên đi bay, phải chăm lo việc huấn luyện ngành chuyên môn cho nhân viên, mỗi tháng bay vài phi vụ bồi dưỡng, để lấy giờ.

    Mỗi lần có phi vụ đến phi trường Pleiku, chúng tôi thường xuyên thăm viếng mấy người bạn Trực thăng lớp 1, cùng khóa 5/69. Văn phòng của hai phi đoàn 229, Lạc Long và PĐ 235 Sơn Dương, Trực thăng UH-1H nằm ngay bên cạnh hậu trạm hành khách của Phi trường Pleiku, rất tiện lợi cho việc thăm viếng bạn bè trong giây lát. Hầu như nhân viên phi hành của hai phi đoàn nầy rất bận rộn, đi bay không có ngày nghỉ, với cuộc chiến khắc nghiệt của vùng cao nguyên, trong trận Mùa hè Đỏ Lửa đang xảy ra năm 1972, thỉnh thoảng chúng tôi mới có dịp gặp mấy thằng bạn thân quen cùng trung đội 1 ở Quân trường Biên hoà như bạn: Hùng, Hoá, An, Sểnh, Oanh, Bê, Cảnh... của hai phi đoàn 229 và 235 trực thăng UH-1 Gunship nầy.

    Có một lần, phi cơ C7A Caribou của chúng tôi đã đáp Kontum để tải thương, trong tháng 6, mùa hè 1972, lần nầy được dịp may, tôi đã gặp lại thằng bạn thân thuộc nhóm “chúng mình 6 đứa” đã lập băng lúc mới nhập ngũ. Nguyễn Văn Hùng, mới xa nhau hai năm trông anh chàng rất chững chạc, già giặn hơn so với cái tuổi 21, còn non choẹt của anh ta, Hùng oai vệ trong bộ đồ phi hành Nomax hai mảnh rời, loại quân phục chống cháy do tàn lửa của phi đạn Rocket gây ra. Khẩu súng rouleau P38, xề xệ bên hông, trang điểm thêm cái lon Trung sĩ I trên ngực áo. Nổi bậc nhất ba con số phi đoàn 229 to lớn màu trắng trên chiếc nón màu đỏ thẩm. Gặp nhau giữa mặt trận Kontum, mùa hè 1972. Nguyễn Văn Hùng tươi cười mừng rỡ, dồn dã bắt tay, sau hai năm bận rộn với chiến tranh, chúng tôi ít có dịp gặp lại nhau ngoài mặt trận.

    Nhìn một họp đoàn mười mấy chiếc phi cơ Trực thăng Gunship UH-1H đậu thành một hàng dài, bên hông phi đạo Kontum, chờ giờ đổ quân, trông thật hào hùng. Giờ đây, Nguyễn Văn Hùng có thể hãnh diện như một người hùng trực thăng Gunship có khác. Trước kia, tôi cũng thường ao ước được bay với loại phi cơ trực thăng hào hùng, nó có thể đáp bất cứ ở nơi đâu, tuy nó hơi nguy hiểm khi phải xông vào trận mạc.

    Cái bất công của ngành Cơ phi Trực thăng là một nhân viên phi hành phải làm hai công việc khác nhau nhưng được trả chỉ có một đầu lương. Vừa là chuyên viên Cơ khí phi hành sửa chữa phi cơ khi gặp phải khẩn cấp trên không. Lại phải làm thêm một nhiệm vụ của một người xạ thủ, tấn công quân thù trên chiến trận. Thằng Nguyễn Văn Hùng phải kiêm nhiệm thêm công việc của một người Trưởng ngành Cơ phi, sắp xếp đi bay cho các nhân viên Cơ phi của phi đoàn. Thoả mãn hết những công tác nầy, không phải là một công việc đơn giản, chưa kể những thứ nhứt đầu sau khi đã cắt bay xong, bạn bè cùng khóa than vãn, hờn trách, ganh tị, phàn nàn. Nguyễn Hùng thường hay giao bớt công việc cắt bay cho thằng phụ tá Cơ phi, nó đi bay cho đầu óc thảnh thơi, tìm thú vui với mây trời.

    Chỉ có ngành Cơ phi Trực thăng mới bị chèn ép bất công, vì, Không quân muốn tiết kiệm một chỗ ngồi nhỏ hẹp trên phi cơ trực thăng, họ đã phải tiết kiệm một nhân viên vũ khí phi hành thứ hai. Đã buộc nhân viên Cơ phi kiêm nhiệm luôn người xạ thủ, nhưng nhân viên Cơ phi Trực thăng đã không nhận thêm được một phần lương nào của người vũ khí.

    Riêng ngành Kỷ-phi (Kỹ sư phi hành) của các loại vận tải cơ chiến đấu: AC-47, AC119G hay AC119K vẫn giữ đúng được nghề nghiệp chuyên môn “bác sĩ phi cơ” của họ. Các chuyên viên Kỹ sư phi hành nầy luôn túc trực và rất bận rộn, phải làm việc liên tục với các phi công trong phòng lái. Các loại vận tải cơ hạng nặng nầy được trang bị khí giới nhiều gấp bội so với các loại phi cơ chiến đấu nhỏ khác như trực thăng, cho nên cấp số nhân viên vũ khí phi hành trên phi cơ cũng tăng theo, quân số của họ còn nhiều hơn cấp số của các phi công trong phi đoàn. Mỗi phi cơ phải có ít nhất hai hoặc ba người vũ khí phi hành mới có thể hoàn thành nổi công việc của nhiều loại vũ khí khác nhau đã trang bị trên phi cơ Vận tải chiến đấu.

    Những loại phi cơ Vận tải Chiến đấu tối tân AC119G hay AC119K phải cần 8 đến 10 nhân viên phi hành cùng làm việc trên một chiếc phi cơ, không như người ta thường hay suy nghĩ sai lầm, chỉ có một hay hai viên phi công bay trên một chiếc phi cơ vận tải chiến đấu. Ngoài hai hoa tiêu: trưởng phi cơ và phi công phụ, còn có hai sĩ quan Điều hành viên, Hồng ngoại tuyến, một Kỹ sư phi hành (phi cơ 4 động cơ) hai hoặc ba người Vũ khí phi hành, một Áp tải-hoả châu và một chuyên viên pha-đèn chiếu sáng.



    Cơ phi Trực Thăng UH-1H Gunship. Những “Tay súng Không gian Thần sầu”,
    rải đạn như rải trấu lên đầu giặc, 6,000 viên cho mỗi phút. Tương đương với 200 quân nhân
    bắn tự động 30 viên đạn của mỗi người, trong một phút.

    MÁU NHUỘM KHÔNG GIAN

    Sau ba ngày phép, tôi rời Sài gòn, trở về đơn vị, phi đoàn 431, Phượng Long, Caribou C7A, ở Phù Cát. Thằng Nam (mắt lồi) cùng phi đoàn 229 Lạc Long, Trực thăng UH-1H Gunship, cùng đơn vị với thằng Hùng, tụi nó đã từ Pleiku biệt phái sang tăng cường cho phi đoàn 243, Mãnh sư, Phù cát. Phụ trợ cho trận đánh, tái chiếm ba quận lỵ của tỉnh Bình Định: Tam Quan, Đề Đức và Bồng Sơn.

    Tôi rời chiếc xe Van đưa đón phi hành đoàn, đi về barrack cư xá của HSQ. Thằng Nam đã đứng chờ tôi tại gốc trụ đèn không biết từ bao giờ. Nó đứng phất dậy, bước vội đến bên tôi. Nhìn thấy cặp mắt nó đỏ hoe vì đã khóc quá nhiều, dáng điệu mệt mỏi, sắc mặt thất thần. Tôi đoán chừng đã có chuyện chẳng lành. Tôi dừng lại, chưa kịp hỏi. Nó đã ôm chầm lấy tôi rồi khóc như một đứa trẻ, làm tôi xúc động ứa nước mắt khóc theo. Giọng Nam run run, lắp bắp. Tôi bàng hoàng nghe loáng thoáng giọng đứt đoạn vì cơn xúc động tột cùng của Nam: “Thằng Hùng... đã... chết... rồi”.

    Như sét đánh ngang tai. Tôi bủn rủn cả tay chân, rớt cái túi xách phi hành xuống đất, đứng như trời trồng, chết lặng, tim đau buốt vì hung tin cực ác như luồng điện cao thế đã chạy qua người. Nam đã biết tôi và Hùng là những người bạn chí thân đã lập nhóm “Chúng mình 6 đứa” từ ngày đầu nhập ngũ. Nam biết tôi sẽ đau đớn lắm khi phải nghe cái tin quái ác nầy của Hùng. Hai đứa tôi không nói gì được nữa, cứ để cho nước mắt tuôn rơi... cho nhẹ nhỏm tâm hồn.

    Tôi nhìn lại quán cà phê yên tĩnh dưới gốc xoài trước barrack cư xá của tôi. Nơi đó, 3 hôm trước, tôi và Hùng ngồi giải khát và tâm sự, Khi Hùng từ Pleiku vừa biệt phái sang Phù cát yễm trợ Phi đoàn 243 Mãnh sư. Sau khi những trận đánh ở Kontum tạm yên, nơi đó tôi đã gặp Hùng, trong phi vụ tản thương vào tháng trước. Bây giờ, phi đoàn 229 đã gửi những biệt đội sang Phù cát, phụ trợ, đánh tái chiếm ba quận lỵ của tỉnh Bình định đã mất vào tay địch quân.

    Nam cố gắng lấy lại bình tĩnh, giọng run run sau lần chứng kiến cái chết hãi hùng, rùng rợn, chiếc phi cơ của Hùng đã nổ tung trên bầu trời Tam Quan. Vết hằn kinh hãi, thất thần vẫn còn hiện diện rõ trên gương mặt xương xẩu, khắc khổi của Nam. Nó nghẹn ngào kể lể về cái chết của Hùng:

    – Chiếc trực thăng gunship UH-1H của tao bay đàng sau chiếc phi cơ Lead của thằng Hùng, bay vào bãi chiến trận ở Tam Quan, đạn ở dưới bắn lên phi cơ của Hùng, trên phi cơ bắn xuống. Bất chợt, tao nhìn thấy chiếc phi cơ của Hùng đã bị trúng đạn phòng không, phát nổ kinh hoàng trên bầu trời như trái cầu lửa, tao điếng hồn, ngồi lặng người nhìn hoả cầu lửa rơi thẳng xuống mặt đất, rồi bốc cháy. Chiếc phi cơ Gunship của tao đã vòng mấy vòng bắn trả xối xả để yễm trợ cho phi cơ của Hùng. Nhưng hỡi ơi!!! Không còn hy vọng gì nữa!

    Nam khóc sụt sùi, lắc đầu tuyệt vọng:
    – Không hy vọng có ai trên phi cơ của Hùng còn sống sót trong đám lửa đỏ trên mặt đất! Bên dưới VC đã bắn xối xã lên, phi cơ của tao bị trúng đạn, bắt buộc phải rời vùng chiến trận. Thiết giáp và bộ binh đã đánh nhau ác liệt với Việt cộng gần hai ngày trời mới càn quét được địch quân, tiến vào lấy được xác phi hành đoàn của Hùng mang về Phù cát. Sáng nay, xác của bốn nhân viên phi hành được C7A Caribou của tụi bây đã mang về Sài gòn rồi.

    Thì ra, phi hành đoàn C7A Caribou của thằng Tín (mad), phi đoàn 431 của chúng tôi đã mang xác phi hành đoàn của Hùng về Sài gòn, cũng cùng chuyến bay hôm nay của Tín đã đưa tôi trở lại Phù Cát sau 3 ngày nghỉ phép. Có lẽ thằng Tín cũng không biết những nạn nhân rớt phi cơ đó đã có thằng Hùng cùng khóa 5/69 với chúng tôi, nên nó đã không nói gì với tôi cả.

    Thằng Nam buồn khổ kể thêm:
    – Thằng Hùng cắt bay ngày hôm đó cho thằng Diệp Quỳnh Sang đi bay, vì thằng Hùng đang bị bịnh cảm nặng. Thằng Sang lớn tiếng cự nự, cho rằng thằng Hùng “lạnh cẳng” làm bộ bịnh trốn tránh trách nhiệm đi bay. Nguyễn Văn Hùng tự ái, không để cho ai khi dễ mình, nó xóa tên thằng Sang, để ngay tên của nó vào bảng Phi-vụ lệnh và nó đã thi hành phi vụ mà không một thắc mắc nào. Đây là chuyến bay định mệnh cuối cùng đã đẩy Hùng vào một cái chết thê thảm, rùng rợn, lúc phi cơ rơi xuống đất, sức va chạm mạnh, đã ném văng nó ra khỏi phi cơ, một tay, một chân và hàm răng dưới của nó đã văng đi mất, cái chết quá rùng rợn, thê thảm.

    Ba điều kiện khiến thằng Hùng đã chết: lòng tự ái, vì tình cảm với bạn bè cùng ngành nghề, cùng lớp và vì thiếu kinh nghiệm chỉ huy, không dùng đúng “đặc quyền” của một Trưởng ngành Cơ phi, theo đúng “luật quân đội” được phép cắt bay cho bất cứ nhân viên cơ phi nào thuộc quyền của mình. Người cơ phi có tên trên phi vụ lệnh, bắt buộc phải “thi hành phi vụ trước, rồi khiếu nại sau”, sau khi đã cắt bay xong trên phi vụ lệnh, không có một người cơ phi nào có thể kiện cáo để đổi tên. Trong khi Trưởng ngành đang cắt bay, không có một nhân viên thuộc quyền nào có thể đến gần xin xỏ hay phàn nàn để thay đổi người đi bay, trong lúc Trưởng nhóm đang sắp xếp nhân viên cho các phi vụ. Đặc biệt, là những phi vụ phải bay vào vùng lửa đạn hóc búa, khốc liệt của chiến trường, những vùng đất chết của chiến tranh.

    Đặc quyền cắt bay của vị trưởng phòng hành quân phi đoàn khi ông ta đang cắt bay, không có một trưởng phi cơ nào đến bên cạnh hỏi han, xin phép hoặc phàn nàn việc cắt bay. Nhưng những tệ nạn nầy thường xuyên xảy ra cho các trưởng ngành khác, khi các mặt trận ở chiến trường trở nên sôi động.

    Trong khi đó, chỉ hai năm từ 1970-1972, Nguyễn Văn Hùng đã nhảy lên ba cấp bậc nhanh như gió thổi. Để rồi nó trở thành Cố Thượng sĩ nhất Nguyễn Văn Hùng, anh đã lên bàn thờ lúc 21 tuổi (1951-1972). Hùng đã lập gia đình được một năm, chị Mai, vợ của Hùng đang mang bầu 6 tháng, đứa con đầu lòng của họ không bao giờ nhìn thấy mặt cha. Lúc Hùng biệt phái sang Phù Cát, Mai đã ra sinh sống chung với Hùng ở Pleiku, chị là người gốc Sài gòn.

    Suốt cả buổi chiều, tôi đã đứng thờ thẫn, chống đôi tay lên bức tường cement bao bọc chung quanh barrack, chống đạn pháo kích, đầu óc quay cuồng, hồi tưởng lại 3 ngày hôm trước, chúng tôi đã gặp nhau dưới bóng mát gốc xoài tại quán cà phê bên hông barrack của tôi. Nguyễn Văn Hùng không để lộ một triệu chứng gì bi quan, sầu khổ hay những ám ảnh chiến tranh chết chóc. Hùng vẫn tươi cười, điềm nhiên, thân thiện, hiền hòa như những ngày xưa thân ái, như lúc gặp nhau khi vừa nhập ngũ.
    Hùng là một người điềm đạm kín đáo. Không bao giờ bàn bạc chính trị hay chiến tranh, không hề để lộ những sự sợ hãi chết chóc trên chiến trường, đặc biệt, Hùng không kể cho ai nghe về những chiến công của Hùng đã tham dự trong các trận đánh, kể cả những thằng bạn thân nhất.

    Ba ngày trước, khi sang biệt phái Phù Cát, Nguyễn Văn Hùng đã vội vã tìm kiếm tôi, thăm hỏi và trò chuyện, cũng như tôi, thường khi sang Pleiku phải đi tìm Hùng. Tôi và Hùng không chỉ là bạn thân cùng khóa, cùng băng cơ phi thân thiện “Chúng mình 6 đứa” chúng tôi còn là bạn láng giềng của nhau nữa, hai nhà chúng tôi sống cùng khu vực chợ Hòa Hưng, Sài gòn. Chúng tôi thường đến nhà thăm nhau. Đôi giầy boot tôi đã mang hai năm nay, do tiệm giày của gia đình Hùng đã đóng, làm kỷ niệm.

    Ba hôm trước, tôi rất đổi ngạc nhiên lẫn vui mừng, tự hào cho thằng bạn đã tiến thân trên bước đường binh nghiệp nhanh hơn anh em toàn khóa 5/69. Gần 2 năm làm việc tôi vẫn còn mang chiếc lon Trung sĩ, chưa nhúc nhích. Thằng Hùng đã đeo cấp bậc Thượng sĩ, vào tháng 7, năm 1972. Cái lon thượng sĩ mới lên, được làm bằng kim khí sáng giới nó đeo trên ngực áo, thật le lói! Mới tháng trước, tôi đã gặp nó ở Kontum nó vẫn còn mang cái lon Trung sĩ I, ba gạch, nổi trội hơn mình nhiều! Bây giờ, gặp lại, nó đã trèo lên chức Thượng sĩ, ngon ơ! Đúng là Trưởng ngành Cơ phi có khác!

    Nhìn cái lon Thượng sĩ bằng kim loại nhỏ nhắn, xinh xinh, thật khiêm nhường. Tôi đã đứng nghiêm chào nó, gọi nó bằng “sếp”, làm thằng Hùng mắc cỡ mặt đỏ gay, nó ấp úng than thở: của nợ đấy! Bạn hiền.

    - Tôi hỏi: Tại sao?

    - Nó đáp: Quân cảnh Quân trấn Sài gòn thấy mặt tao non choẹt (mới 21 tuổi) mang lon thượng sĩ, bọn họ không tin, nghĩ tao mang lon giả.

    - Không tin mặc kệ họ, giấy tờ mầy đâu? Mầy không có giấy tờ chứng minh sao?

    - Dĩ nhiên, là có! Nhưng họ vẫn không tin. Mấy lần về phép Sài gòn tao bị bắt giữ oan, chờ đơn vị trưởng xác nhận, Mẹ kiếp nó! Phiền phức lắm!

    – Ê! Mầy đã lên lon hai cấp nhưng chưa khao anh em đấy nhé, bạn! Khi nào mầy “rửa lon” cho “bọn mình 6 đứa” đây?

    – Nó cười híp mắt, đáp: Sẽ có một ngày không xa, tao đãi tụi bây mà.

    Bây giờ, ngày khao lon đó của Hùng không bao giờ xảy ra, khi Nguyễn Văn Hùng đã lên bàn thờ và được thăng cấp “Cố Thượng sĩ I” của khóa 5/69, khi Hùng vừa tròn 21 tuổi, với cái tuổi “Chết Non” của Chiến tranh Việt nam. Nguyễn Văn Hùng là người thứ nhất giã từ anh em trong nhóm Cơ phi “Chúng Mình 6 Đứa”, rồi ba tháng tiếp theo, thằng Trần Văn Rẹn, Cơ phi Vận tải cũng theo thằng Nguyễn Văn Hùng về bên kia thế giới vào tháng 9, năm 1972, bỏ lại một vợ và đứa con gái 1 tuổi.

    Khi phi đoàn Phượng Long 431, Caribou C-7A của tôi dời về Tân Sơn Nhứt, cuối năm 1972. Tôi đã ghé thăm gia đình Hùng, tôi bùi ngùi đốt cho Hùng nén hương, buồn bả, nhìn bộ đồ lễ Không quân màu vàng, mang năm gạch trắng Thượng sĩ nhất trên cầu vai, trang trọng, đặt trên bàn thờ trong nhà của Hùng. Nhớ lại hai năm trước, lúc còn học Quân sự ở Biên hoà, tháng nào mẹ của Hùng cũng lên thăm, lần nào bà cũng khóc sướt mướt vì thương con. Bây giờ, nó đã thực sự rời bỏ bà mẹ thân yêu, vợ con, bỏ anh em, ra đi vĩnh viễn.

    CHẾT NON 3
    TƯỞNG NHỚ TRẦN VĂN RẸN

    Chiếc phi cơ C-7A Caribou của chúng tôi hạ cánh phi trường Nha Trang vào giờ ăn trưa. Trung úy An, Trưởng phi cơ đã tìm kiếm phương tiện di chuyển cho phi hành đoàn ra phố dùng cơm. Tôi dùng thời giờ của riêng mình đi thăm thằng bạn thân, Trần Văn Rẹn, trong nhóm bạn Cơ phi “Chúng Mình 6 Đứa”

    Cuối năm 1970, phi đoàn Hoả Long 817, AC-47 của thằng Rẹn đã dời từ Sư đoàn V KQ, phi trường Tân Sơn Nhứt, về Sư đoàn II Không quân, đóng ở Nha Trang. Từ ngày nó rời Sài gòn, ít có dịp chúng tôi được gặp nhau thường xuyên như những ngày trước.

    Tôi ghé phi đoàn Hỏa Long 817, nằm phía đông phi trường, bên kia phi đạo. Gặp Thằng Thông (đen) cũng cùng khóa 5/69. Nó báo cho tôi biết thằng Rẹn đang bị giam ở quân lao 4 ngày trọng cấm, vì cái tội bất cẩn đã để cho chong chóng của phi cơ chém vào bình cứu hỏa làm hư hại, mẻ đầu chong chóng.

    Tôi quyết định đi thăm Rẹn, hầu tìm hiểu sự tình. Thằng Thông đã chỉ cho tôi cái Quân lao Nha Trang nằm không xa từ phi đoàn 817, Hoả Long của tụi nó, độ 500 thước thôi. Nó đề nghị giúp đỡ, chở tôi đến thăm thằng Rẹn. Khi đến nơi, Tôi đã gặp thằng Rẹn đứng bên trong vòng rào Quân lao. Hai đứa tôi trò chuyện với nhau qua sự ngăn cách bởi cái hàng rào kẽm gai.

    Thằng Rẹn người miền nam, bản tính thật thà như tôi vậy, chúng bạn thường gọi nó là thằng Rẹn miệt vườn. Nó buồn bã, tâm sự với tôi. Thật tình, chong chóng bị mẻ ở đầu cánh quạt phi cơ có thể không phải do nó đã gây ra. Có thể do phi hành đoàn đã bay ngày hôm trước làm hư hỏng. Nó đã bất cẩn khi kiểm soát phi cơ, không check kỹ lưỡng, không khám phá được sự hư hỏng nầy. Đầu cánh quạt chong chóng cũng có thể vô tình đã bị đá sỏi, vật cứng văng lên, va chạm làm mẻ một lõm ở đầu chong chóng, khi phi cơ bay đã tạo ra sự run nhẹ của động cơ.

    Sau phi vụ, Phi hành đoàn của nó đã khám phá ra nơi đầu cánh quạt bị hư hỏng làm máy phi cơ bị run. Từ đó, Nó bị qui trách nhiệm làm hư chong chóng hoặc lỗi của nó quá bất cẩn, không kiểm soát phi cơ hoàn hảo trước khi bay, với hình phạt bị nhốt 4 ngày tù giam để cho nó nhớ đời, làm việc cẩn thận và an toàn hơn.

    Chỉ thăm nhau, trao đổi vài lời trong mươi phút. Nó nhờ tôi đến hậu trạm Nha Trang mua giùm nó một ổ bánh mì, để ăn trưa. Thằng Thông lại phải giúp đỡ, đưa tôi đến hậu trạm mua phần ăn trưa cho thằng Rẹn. Tôi đã trao ổ bánh mì cho thằng Rẹn qua hàng rào kẽm gai, hai thằng bắt tay chào tạm biệt, trước khi tôi giã từ thằng bạn thân, chơi với nhau cũng khá lâu, từ khi vào lính.

    Phi hành đoàn của tôi rời Nha Trang, bay về lại hậu cứ Phù Cát. Chỉ vài ngày sau, tôi lại nhận được một hung tin của thằng Rẹn.

    Một buổi chiều tháng 9, 1972. Thằng Tín (mad) đi bay về, nó đi tìm tôi để báo một tin buồn, tin tức nó đã nghe được trên tần số của phi cơ, thằng Trần Văn Rẹn của phi đoàn Hỏa Long 817, AC-47 ở Nha Trang đã biệt phái sang Pleiku, phi hành đoàn nó đã cất cánh ở phi trường Pleiku, hư một động cơ, hoa tiêu vòng lại đáp, phi cơ bị triệt nâng, nhào lộn, rơi xuống một ngọn đồi, phi cơ nằm đưa bụng lên trời. Chuyện mới xảy ra chỉ vài hôm, sau khi tôi đã gặp và thăm nó ở Quân lao Nha Trang.

    Thằng Rẹn đã bị trọng thương rất nặng, trực thăng đã đưa nó về phi trường Pleiku, và trên đường đến bệnh viện, trong khi nó đang hấp hối vì hai vết thương rất trầm trọng nơi trán và chân bị gẫy do thùng đạn đại liên minigun đùa tới và đè lên.

    Nó đã trăn trối trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, rồi nó đã tắt thở và chết trên tay thằng Vinh, cơ phi cùng khóa 5/69, cùng phi đoàn Hoả long, đã đi biệt phái chung với nó ở Pleiku, Vinh hiện sống ở Cali.

    Đại úy Hổ, phi công phụ, bị gẫy hai chân, sau nhiều tháng nằm bệnh viện chữa trị, rồi ông được giải ngũ, hiện đang sinh sống ở thành phố Houston.

    Sau ngày bạn thân Trần Văn Rẹn đã chết một tháng, tôi có dịp về ngang Xóm Quế, quận Cũ Chi, tỉnh Hậu Nghiã. Tôi đã đến căn nhà của Rẹn, tôi không thể không ghé thăm nắm mồ chưa xanh cỏ của nó. Mẹ của Rẹn, người đàn bà góa phụ nông thôn, tay lấm chân bùn, nhìn thấy tôi, bà đã nhớ đứa con trai thân thương, lòng đau xót, khóc nức nở cho thằng con độc nhất đã vô phước, ra đi gần một tháng nay, bỏ lại bà mẹ già, vợ trẻ và con thơ.

    Tôi gạt nước mắt, hết lời an ủi bà, xin phép giã từ mẹ của người bạn thân Trần Văn Rẹn. Tôi đã lái chiếc xe gắn máy Honda trên con đường đất dẫn ra đường cái của Quốc Lộ 1. Tôi đã dừng lại bên nấm mồ bên lề của con đường đất, hãy còn mới, đất vừa được vun bồi, chưa xanh cỏ. Đứng một mình, buồn bã, tâm hồn thổn thức lại những hình ảnh êm đềm ngày xưa ở quân trường, cùng bao vui buồn của đời lính. Giờ đây, người đã ra đi, nằm im lìm trong lòng đất, kẻ ở trần gian mang nhiều thương tiếc, nghẹn ngào.

    Tôi tiến lại gần ngôi mộ mới đắp, nằm đơn độc bên vệ đường, đưa tay nắm một nắm đất mịn màn, tâm tư buồn rười rượi, giã từ người bạn đã cùng chúng tôi đi trên đoạn đường chông gai của chiến trận. Hai hàng nước mắt rưng rưng, những hạt cát màu xám tro đã rời khỏi bàn tay tôi bay bay rơi trên nấm mộ im lìm. Âm dương cách trở. Tâm tư tôi thổn thức:
    “Hãy yên nghỉ nhé Rẹn! Mình phải ra đi nghe bạn!”

    CHẾT NON 4
    NỖI ĐAU MẤT BẠN NGUYỄN VĂN HÓA.

    Nguyễn Văn Hóa, biệt danh Hóa Cà Lăm, một người trong băng Cơ phi Thân hữu “Chúng Mình 6 Đứa”. Nó đã học lớp 1 Cơ Phi Trực thăng cùng lớp với thằng Nguyễn Văn Hùng. Sau khi mãn khóa, cả hai đứa nó đều về Pleiku nhưng hai người đã phục vụ cho hai phi đoàn khác nhau: Hùng thuộc phi đoàn 229, Lạc Long. Hoá làm việc với phi đoàn 235, Sơn Dương. Cả hai cùng làm việc với hai phi đoàn Trực thăng UH-1H, gunship. Cùng chia sẻ với nhau trên những chiến trường hiểm hóc thuộc Vùng II Chiến thuật. Đặc biệt, các bạn đã trấn giữ không gian trên vùng cao nguyên đất đỏ sương mù Pleiku và Kontum.

    Hóa cũng là một nạn nhân chiến tranh của Mùa Hè Đỏ Lửa “khắc nghiệt”. Nó cũng không thể vượt qua nỗi cái tuổi 23. Một cái chết “lãng xẹt”, cái chết không phải phi vụ chính thức của mình.

    Nó may mắn thoát nạn, sống sót thêm vài tháng sau trận chiến đại hồng thủy Mùa Hè Đỏ Lửa 72 qua đi. Phi đoàn hơi rảnh rang, nó được 3 ngày phép về Sài gòn cưới vợ, đám cưới xong, Hóa trở lại đơn vị phi đoàn Sơn Dương 235, Pleiku, xin thêm một tuần phép nữa để đi hưởng tuần trăng mật. Buổi sáng, cầm được tờ giấy phép chuẩn bị về Sài gòn và đã được xếp chuyến bay trên C130 sẽ rời Pleiku lúc 6 giờ chiều hôm nay. Còn quá nhiều thời giờ chờ đợi chuyến bay C130 từ Sài gòn ra Huế, sẽ bay về đáp Pleiku mang hành khách về Tân Sơn Nhứt. Tất cả bạn bè đều đã đi bay họp đoàn yễm trợ hoả lực cho Căn cứ Lệ-Minh, Da Beo của Darto. Một mình nó ở phi đoàn chờ phi cơ về Sài gòn quá buồn chán.

    Lúc 11 giờ trưa, Hóa nhảy lên phi cơ, đi theo phi vụ mang cơm của phi hành đoàn spare, tiếp tế thức ăn cho các phi vụ bay họp đoàn của phi đoàn Sơn Dương, 235, hầu gặp gỡ bạn bè chuyện trò cho vui, giết bớt thời giờ chờ đợi chuyến bay về Sài gòn. Khi đáp xuống bãi đáp, nơi họp đoàn trực thăng đậu chờ giờ bay hành quân. Một phi hành đoàn thiếu nhân viên bay, Hóa đã nhận lời đi bay giúp. Chẳng may, khi phi cơ bay vào Căn Cứ Da Beo, Darto, phi cơ của Hoá đã bị bắn rơi, “bay thế” thường là cái điềm xui xẽo dễ chết lắm!

    Một cái chết lãng nhách. Lúc Nguyễn Văn Hoá vừa tròn cái tuổi 23, 1950- đầu năm 1973. Để lại người vợ trẻ mới cưới xong, nàng quá trẻ, khi cô vợ mới vừa 16 tuổi. Nàng đã trở thành là một goá phụ cô đơn, chưa kịp có con cái. Cái tuần trăng mật của hai vợ chồng trẻ nầy chẳng bao giờ thực hiện được trong cái xứ chiến tranh điên loạn Việt nam của mấy “ông hung thần” Cộng sản Bắc Việt. Xem mạng người là cái gì? Cỏ rác!

    Trận chiến của Căn cứ Lệ Minh Darto đã mang thằng Nguyễn Văn Hóa vào lòng đất lạnh trên vùng cao nguyên. Mỗi lần phi cơ bị bắn rơi, chắc chắn thân xác của họ cũng không thể còn nguyên vẹn, tương tự như bao nhiêu người bạn Cơ phi Không quân khác của khóa 5/69.

    Vài tháng sau, lại có hung tin thằng Lý Liềm Sểnh, anh em họ với thằng Lý Thành An trong nhóm “Chúng Mình 6 Đứa” cũng chết non trên mặt trận Kontum trong cuộc chiến tranh của cộng sản “quỷ ám”. Theo thời gian cứ chậm chạp trôi đưa, sự hy sinh, chết chóc cứ phải tiếp tục xảy đến hàng ngày.

    Băng Cơ phi Thân hữu Quân trường “Chúng Mình 6 Đứa”: Nguyễn Văn Hùng, Trần Văn Rẹn, Nguyễn Văn Hóa, Lý Thành An, Nguyễn Văn Bảy và Lê Văn Đệ. Gồm có ba người đã phục vụ cho các phi đoàn Trực thăng UH-1H và 3 người theo ngành cơ phi vận tải.

    Kết quả, sau Mùa Hè Đỏ Lửa đã mất đi một nữa của nhóm bạn “chúng mình 6 đứa”, là 3 người đã chết: hai trực thăng, một vận tải, và còn lại 3 người sống sót: hai vận tải, một trực thăng. Ba người sống sót: An trực thăng, Bảy và Đệ vận tải cơ, vẫn tồn tại cho đến ngày tàn cuộc chiến tranh Việt nam, 30-4-1975.


    “MÙA HÈ ĐỎ LỬA SÁT-HỔ”

    Những người Không quân rất tin dị đoan, không tin không được! Mỗi khi có một người Không quân phi hành nào đó đột nhiên có một triệu chứng gì khác thường, y như rằng, người đó sẽ rớt máy bay. Trước khi chết họ đã ký thác, họ cho nhân chứng nhìn thấy những “điềm báo” dị đoan, quái gở của mình, để các tác giả ghi chép và lưu lại thành những tài liệu chiến tranh trung thực, huyền bí và hào hứng nầy của họ.

    Không biết do căn kiếp ác nghiệt nào? đã khiến cho Cuộc tuyển mộ Không quân ngành Cơ khí Phi Hành lớn nhất từ trước đến nay, với quân số gần 400 người, nó lại rơi đúng vào một tầng lớp thanh niên mang tuổi “Canh Dần” còn gọi là “Tuổi Hổ” hầu hết họ đã được sinh ra trong năm 1950, số tuổi canh dần, người đời thường hay gọi là “canh cô mồ quả”, một lớp tuổi có vận mạng không mấy tốt đẹp.

    Vì vậy, 2/3 quân số của khóa 5/69 Cơ phi đã sinh đúng vào năm canh dần 1950, một số rất ít nhân viên Cơ phi sinh năm 1949, tuổi Sửu, phần còn lại là tuổi Mẹo 1951, Mẹo và Dần không khác nhau mấy. Có thể do “căn ách oan thiêng” chi đó đã xui khiến cho tầng lớp thanh niên mang tuổi canh dần của chúng tôi đã gia nhập vào Không quân đúng vào thời điểm khắc nghiệt nhất của cuộc chiến tranh Việt nam: “Mùa Hè Đỏ Lửa, Đếm Xác Đồng Môn” thật tội tình!

    Quân đội và Không lực VNCH đã tiên đoán và thực hiện dự phòng chiến tranh thật chính xác cho tình hình chiến sự của Việt nam. Họ đã chuẩn bị rất chu đáo cho chương trình Việt nam Hoá, đề phòng Việt cộng điêu ngoa sẽ đánh lớn! Không lực VNCH đã ồ ạt tuyển mộ Quân nhân Không quân đủ các ngành nghề, kể từ năm 1968-1969. Hoàn tất các khóa học xong, tiếp nhận đầy đủ nhiều loại phi cơ cho các đơn vị cấp phi đoàn, chuẩn bị sẵn sàng cho những trận đánh lớn của Cộng sản Việt nam. Một sự chuẩn bị và hoàn tất các chủ lực Không quân rất hoàn hảo và tốt đẹp nhất vào những năm 1970-1971, sẵn sàng cho cuộc thử lửa khốc liệt của Chiến tranh Việt nam sẽ phải có! qua chiến dịch Tổng tấn công của Việt cộng: Mùa Hè Đỏ Lửa “Quỷ Ám” 1972. Quân đội VNCH đã đem cả một tầng lớp “phi hổ” (cơ phi tuổi dần) để vá mảnh không gian bị “vỡ nát” hoặc phải tế thần chiến tranh bằng những sinh mạng “phi hổ cứu nước”.

    Cuốn sổ tay “Đếm Xác Đồng Môn” trong trận chiến ác ôn Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 của tôi càng ngày càng dầy thêm lên qua nhiều cái chết hãi hùng của cuộc chiến tranh thần sầu, khốc liệt chống lại những người cộng sản “ma quỷ”.


    MỘT ĐÓNG XƯƠNG KHÔ
    TIẾC NHỚ VÕ THUẬN

    Ai bảo bay phi cơ vận tải không chết! Chiến tranh “ma quỷ” của Việt cộng sẽ không tha mạng sống cho bất cứ một loại quân nhân nào trên chiến địa.

    Vào cuối năm 1969, Không lực Hoa kỳ bắt đầu chuyển giao cho KL/VNCH một loại vận tải cơ tối tân C123, bốn động cơ, gồm hai máy phản lực và hai động cơ cánh quạt, trong tương lai loại Vận tải cơ C123 nầy sẽ thay thế các loại phi cơ cũ kỹ của thời Đệ II Thế chiến: C-47 và C-119, hai động cơ.

    Cựu Trung tá Nguyễn Quế Sơn, phi đoàn trưởng phi đoàn 421, C123, phi đoàn được thành lập đầu tiên. Ông đã vinh dự nhận lãnh ba trọng trách: Tiếp nhận phi cơ C123, thành lập và chỉ huy phi đoàn 421 và một nhiệm vụ tối quan trọng nữa là tiếp tục huấn luyện nhân viên phi hành mới của C123, hầu tiếp nhận thêm hai phi đoàn C123 tân lập nữa: PĐ 423 và PĐ 425. Việc thành lập ba phi đoàn C123 vừa hoàn thành. Họ đã phải nhận chịu sự tổn thất lớn lao trong trận chiến khốc liệt Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972. Sau đó, cựu Trung tá Sơn đã thành lập phi đoàn 435, C130, bốn động cơ, trọng tải lớn, thay thế Vận tải cơ C123. Ông hiện sinh sống ở Houston, Texas.

    Mấy tuần đầu của trận chiến An Lộc. Gần như Bộ đội Bắc Việt đã dùng chiến xa đánh chiếm hầu hết thành phố, đưa quân của họ tràn ngập và trú đóng khắp nơi, lần đầu tiên, Quân cộng sản Bắc Việt ngang nhiên đưa chiến xa xâm lăng Miền nam Việt nam, bao vây chặt chẽ, ngày đêm pháo kích san bằng thành phố An Lộc, nhà cửa sụp đổ ngổn ngang. Quân Lực VNCH đã bị co cụm, chỉ còn lại một vùng đất nằm giữa thị xã. Không quân VNCH, với ba phi đoàn vận tải C123 có bổn phận phải tiếp tế, ngày đêm bay vào bãi chiến trường, mang chiến cụ, đạn dược, thực phẩm, nuôi dưỡng lực lượng quân đội Miền nam đang dũng cảm tử thủ trong Vùng tử địa An lộc, cửa ngõ quan trọng của Vùng III Chiến thuật, nơi đã đặt Thủ đô Sài gòn của Chính phủ Miền nam Việt nam.

    Tình hình rất nguy ngập, cần sự tiếp máu cho chiến trường An Lộc, Không quân VNCH phải ngày đêm thi hành những phi vụ tiếp tế. Một chiếc vận tải cơ C123 của phi đoàn 423. Do Trung úy Công trưởng phi cơ, Cơ phi Võ Thuận, khóa 5/69, (không nhớ phi công phụ, áp tải PH) Võ Thuận là em chú bác của Chuẩn tướng Võ Dinh, Tham Mưu Trưởng, Không lực VNCH. Phi cơ đã bị trúng đạn phòng không của Việt cộng trong khi thả dù cao độ. Tình hình chiến sự khắc nghiệt, không thể mang xác phi hành đoàn ra khỏi bãi chiến trường khốc liệt An Lộc. Tướng Võ Dinh cũng đành phải bó tay chờ đợi tin tức người em đã lâm nạn trong nỗi khắc khoải, lo âu và đau buồn.

    Không Lực VNCH vô cùng hãnh diện vì những phi hành đoàn dũng cảm C123 như phi hành đoàn của Trung úy Công, đã ngày đêm bay vào vùng lửa đạn khét tiếng An Lộc của Mùa Hè Đỏ lửa và các anh đã hy sinh trên chiến trường, cho sự tự do của Miền nam Việt nam.

    Sau những phi vụ tiếp tế An Lộc bị phòng không Việt cộng bắn rơi thê thảm. Cố vấn Không quân Hoa kỳ đã họp với Bộ tham mưu Không lực VNCH, quyết định thay đổi chiến thuật, ngưng bay thả dù cao độ, cực kỳ nguy hiểm cho các phi hành đoàn, bị sát hại bởi phòng không cao xạ của Việt cộng. Họ quyết định áp dụng chiến thuật bay mới, bay sát ngọn cây, dùng phương pháp bất ngờ bay vào trận điạ thả dù tiếp tế.

    Một chiến thuật mới, bay thả dù thấp đầy nguy hiểm, dầy đặc phòng không. Trung tá Nguyễn Thế Thân, phi đoàn trưởng phi đoàn 425, vận tải cơ C123, anh hùng, ông đã dũng cảm thi hành phi vụ. Đích thân ông đã tự xếp phi vụ cho chính mình, và cùng với các leader, trưởng ngành, thi hành phi vụ đặc biệt. Làm gương, không nao núng, không sợ hãi bay vào cửa tử An Lộc, dù cho “áo thép bọc thây”. Ông dũng cảm, tiên phong bay vào vùng lửa đạn, sá gì phòng không, đại pháo, cao xạ của giặc cộng. Một tấm gương dũng cảm của một người chiến sĩ không quân phi hành, một cấp chỉ huy gan dạ đã bay dẫn đầu trong các phi vụ thuộc các phi đoàn vận tải cơ C123. Và ông, một vị phi đoàn trưởng, cấp chỉ huy dũng cảm đã đền nợ nước, trên bầu trời máu lửa khét tiếng của chiến trường An Lộc, Việt nam, năm 1972.

    Đích thân cánh chim đầu đàn của phi đoàn 425, C123. Trung tá Nguyễn Thế Thân, đã tự chọn phi hành đoàn, cùng bay với ông là những vị tham mưu ưu tú của các ngành trong phi đoàn 425 do ông chi huy, Trung úy Quách Thanh Hải, một leader phi công phụ ưu tú, đã theo học khóa 1 của vận tải cơ C123, do Hoa kỳ huấn luyện. Trung tá Bùi Quốc Trọng, sĩ quan điều hành viên thâm niên, kỳ cựu của không lực, Kỹ sư phi hành và áp tải phi hành cũng là hai Trưởng ngành thâm niên, nhiều kinh nghiệm đã bay, của phi đoàn 425. Trách nhiệm phi đoàn trưởng, ông đã tiên phong, quyết định thi hành phi vụ bay vào lửa đạn của bầu trời máu lửa An Lộc. Vừa làm gương, cũng để tìm hiểu, nghiên cứu phương pháp bay thả dù thấp nầy, lượng định tình hình và mức độ an phi, trước khi các phi hành đoàn của ông áp dụng chiến thuật bay thấp thả dù, tránh né phòng không, cao xạ của giặc cộng.

    Vài tuần, sau tai nạn phi cơ bị bắn rơi của Trung úy Công, phi hành đoàn C123 thứ nhất. Chiếc C123 thứ hai của Trung tá Nguyễn Thế Thân cũng cùng chung số phận, bị bắn rớt trong chiến trường An Lộc. Một sự tổn thất lớn của phi đoàn 425, C123, khi Ban tham mưu phi đoàn 425 đều bị tử nạn, trả giá cho cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa do Cộng sản Việt nam đã tạo ra cuộc Chiến tranh Việt nam “giả tạo” do họ dàn dựng, hù doạ, thách thức, dụ Mỹ vào Việt nam, rồi chúng tuyên truyền chống Mỹ xâm lược, diệt Ngụy. Cho một mục đích “âm mưu” duy nhất “cướp giựt chính quyền” Miền nam. Gây ra nhiều triệu người Việt nam đã chết lãng phí, hậu quả, phải mất đất đai Việt nam của tổ tiên, khi Đảng Cộng sản Việt nam tội đồ đã phải trả nợ vũ khí cho bọn đế quốc Tàu Đỏ, chúng “xúi giục” chiến tranh, đứng ngoài trục lợi, bán vũ khí, xiết nợ biển-đất. Chúng đã tịch thu biển đảo và đất liền của Việt nam. Một cái tội: “tranh giành quyền lực chính trị, bán nước” đáng bị tru di tam tộc.

    Những phi vụ tiếp tế cho quân bạn trong trận chiến “hot” nhất của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Tử địa An Lộc của một thành phố đã bị san bằng, đại pháo, phòng không, nhiều ngàn tay súng cộng đồng, súng trường của Việt cộng, dầy đặc trên bãi chiến. Cả mấy tháng trời, Trực thăng cũng đã gặp rất nhiều khó khăn để có thể bay lọt vào được trận chiến hầu tiếp cứu thương binh, tiếp tế đạn dược, thực phẩm và thuốc men cho quân bạn, đang bị vây hãm trong cái nghĩa địa máu An Lộc. Các phi hành đoàn Trực thăng của Sư Đoàn III Không quân Biên hòa đã bị rớt lia chia. Bay vào trận địa một đoàn, bay ra mất đi một nửa.

    Cuộc chiến của thành phố An Lộc vẫn còn đang đánh nhau ác liệt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Việt cộng. Xác các nạn nhân phi hành đoàn không dễ gì được mang ra khỏi trận chiến, dưới áp lực nặng nề của cộng quân, thần chết lúc nào cũng bủa giăng, rình rập, chực chờ những Thiên thần Không gian bay vào tiếp cứu. Gần một tháng trời Quân đội VNCH đã cố gắng hết sức, hầu tái chiếm lại được thành phố đã bị bình địa của An Lộc

    Sau ngày tái chiếm thành phố An Lộc, cuộc truy tìm xác quân nhân Không quân tử nạn khi chiến đấu, đã được bắt đầu. Cả hai chiếc phi cơ vận tải C123 của Trung tá Thân và Trung úy Công, đã bị phòng không bắn rớt, phi cơ của họ không bị bốc cháy, cả hai phi hành đoàn, còn nằm nguyên vẹn trên các vị trí trong phi cơ của họ với những đóng xương khô. Người ta đã hốt xác của họ khi các nhân viên phi hành nầy chỉ còn lại là những bộ xương đã rửa nát, là những cái xác khô, hôi tanh, trên chiến trường ma quỷ An Lộc. (rất tiếc, tác giả không biết toàn bộ các nhân viên phi hành đã tử nạn, xin các cựu nhân viên phi hành C123 bổ khuyết)

    Cứ mỗi lần ai nhắc nhở đến An Lộc. Cựu Trung tá Nguyễn Quế Sơn cảm thấy đau xót, thương tưởng đến cố Trung tá Nguyễn Thế Thân, một vị phi đoàn trưởng anh hùng đã vị quốc vong thân, ông đã làm rạng danh cấp chỉ huy Vận tải cơ C123, đặc biệt, Trung úy Hải, người Leader phi công phụ C123 rất ưu tú, đã học khóa 1 C-123, đã từng phục vụ trong phi đoàn 421 của ông. Trung úy Quách Thanh Hải, cháu của người bạn thân không quân là Trung tá Quách Đình Hảo, chỉ huy trưởng Trường Trung Cấp Không quân ở Nha Trang.

    Vì nể tình Trung tá Thân, phi đoàn trưởng C123, mới thành lập phi đoàn 425, rất cần nhiều nhân viên tham mưu giỏi. Trung tá Sơn đành phải cho mượn và thuyên chuyển Trung úy Hải, Trưởng ngành phi công phụ, sang phụ giúp ngành hoa tiêu phó trong phi đoàn 425 tân lập. Chẳng đặng, ông đã đi ngược lại lời hứa với Trung tá Hảo, giữ Trung úy Hải lại làm việc với phi đoàn 421 của ông. Hơn một năm phi đoàn 425 đã hoạt động tốt, ông quyết định xin Trung tá Thân trả Trung úy Hải về lại phi đoàn 421, hầu giữ lời hứa với người bạn thân. Sự vụ lệnh thuyên chuyển Trung úy Hải Quách được ông Không đoàn trưởng Không đoàn 53 Chiến Thuật đã ký xong, chỉ chờ Trung tá Thân chuyển Trung úy Hải về lại phi đoàn 421.

    Cái số chết đã đến. Khó ai có thể tránh né được! Cựu Không quân Nguyễn Quế Sơn, buồn bã kể về cái đêm ứng chiến phi đoàn cuối cùng của Trung tá Thân, hai ông phi đoàn trưởng còn ngồi đánh mạc chược giải trí với nhau, giết thời giờ, trong câu lạc bộ phi đoàn 421. Trung tá Sơn đã nhắc nhở, đòi lại trung úy Hải. Trung tá Thân đã xin phép Trung tá Sơn để được phép giữ Trung úy Quách Thanh Hải bay thêm với ông chỉ một phi vụ cuối mà thôi, vào sáng ngày mai, trước khi ông trả Trung úy Hải về lại phi đoàn 421. Đó là một phi vụ “oan nghiệt” cuối cùng họ đã bị bắn rơi trong An Lộc. Trung úy Hải đã theo Trung tá Thân vĩnh viễn trên phi vụ cuối cùng thả dù trên vùng đất tử địa, mang tên An Lộc. Chị Quách Thanh Hải hiện sinh sống ở Houston. Chị đã thấu hiểu và thông cảm được nỗi khổ và trách nhiệm của cựu Trung tá Sơn về sự mất mát chồng của chị trong chiến tranh, không ai có thể lường trước được những cái chết trong cuộc chiến!


    XÁC TAN TRÊN BIỂN
    TƯỞNG NHỚ HOÀNG XUÂN ANH

    Chuyện dài Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 không thể chấm dứt. Mặt trận Quảng Trị cũng rất ác liệt, hãi hùng không thua gì trận chiến kinh hoàng ở An Lộc. Quảng trị đã bị Cộng quân đánh chiếm nhiều tháng. Không quân VNCH phải có nhiệm vụ tiếp tế những thứ cần thiết cho chiến trường Quảng Trị nầy.

    Phi hành đoàn của Trung úy Tạ Huy Kiệm, trưởng phi cơ, cùng cơ phi Hoàng Xuân Anh, biệt danh Anh xà mâu, cũng thuộc phi đoàn 423, là loại vận tải cơ C123, bốn động cơ. Đã thi hành phi vụ bay tiếp tế cho chiến trường Quảng Trị. Trong khi đang thả dù tiếp liệu, chẳng may, chiếc vận tải cơ C123 của Hoàng Xuân Anh đã bị trúng đạn phòng không của Việt cộng, gẫy cánh, rơi xuống bờ biển Quảng trị, đã chìm vào lòng biển xanh, mất xác. Phi hành đoàn của Hoàng Anh đã phải hát vang nhạc phẩm “Không Quân hành Khúc” với những lời ca ai oán “Đi Không Ai Tìm Xác Rơi” trong nỗi buồn ngàn năm của những gia đình của các người Không quân đã mất xác trên chiến trường.

    “BỂ GÁO” NGƯỜI CƠ PHI
    TƯỞNG NHỚ CÁC BẠN: MÁCH, PHƯỚC VÀ NƠI.

    Từ ngữ “bể gáo” là gì? tiếng lóng của mấy anh bạn không quân phi hành trực thăng, diễn tả rất chính xác khi một nhân viên phi hành bị một hoặc nhiều viên đạn bắn trúng vào đầu: nơi trán hoặc mặt, viên đạn sẽ khoét một lỗ hổng lớn trên đầu, mặt hay trán, để lại một vành xương xọ trông giống hệt cái gáo dừa bị đập bể. Theo đúng ý nghiã “bể gáo”.

    Trường hợp các quân nhân phi hành Không quân bị “bể gáo” nhiều nhất trên các phi vụ của trực thăng. Hai hoa tiêu Trực thăng ngồi trên những chiếc ghế trong phòng lái, được bảo vệ bởi sức cản từ những viên đạn phải xuyên qua: thân tàu, vách, ghế, hay cửa kính phi cơ. Riêng hai nhân viên phi hành trực thăng: Cơ phi và Xạ thủ phải ngồi chơi vơi nơi cửa sổ phi cơ trống trải, không có một vật dụng gì của phi cơ che chở cho thân người. Khi những viên đạn bay giữa không gian, trúng trực tiếp vào thân, dễ chết như chơi! Nhất là khi trúng vào đầu, chắc chắn họ sẽ bị bể gáo, chết tươi.

    Cũng cái trò chơi chiến tranh tàn ác Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 của Cộng sản Việt nam, tại mặt trận An Lộc, đã sát hại hai người bạn Cơ phi: Mách môi trề và Phước đẹp trai của các phi hành đoàn trực thăng UH-1H ở Biên hoà, dưới dạng bị bắn bể gáo rùng rợn thuộc loại nầy. Nên biết thêm, trường hợp nhân viên phi hành khi bị bắn bể gáo, thường chỉ có một hoặc hai người bị trúng đạn tử thương, phi cơ và các nhân viên phi hành khác có thể sẽ không bị hề hấn gì.

    Thằng Nơi cơ phi khóa 5/69 của phi đoàn Sơn Dương 235, Pleiku, cũng đã bị một viên đạn oan nghiệt độc nhất bắn “bể gáo” chết thảm trên bầu trời Kontum.

    Mặt trận Quảng Trị cũng cướp lấy sinh mạng hai thằng bạn cùng khóa 5/69: Tăng Kiến Đạt còn gọi là Đạt kiến lửa, và Võ Văn Xôm...

    Từ miền địa đầu giới tuyến Quảng trị đến vùng đất tận cùng Cà Mau. Đi đến đâu người ta cũng đều nghe đến sự chết chóc của chiến tranh do đảng Cộng-Quỷ tạo ra, họ lừa dối nhân dân Việt nam, chính họ là những người mưu mô, khao khát có chiến tranh với Hoa kỳ ở Miền nam Việt nam, chính họ đã phải hù doạ, gài bẫy để Hoa kỳ lo xa, về cái hiểm hoạ cộng sản toàn cầu “giả tưởng” của ông Hồ, buộc họ phải tham chiến vào Việt nam, để bị sa lầy. Rồi cũng chính họ đổ tội cho nhân dân và Chính phủ VNCH rước Mỹ ngụy vào Việt nam, họ tuyên truyền chống Mỹ xâm lược, để có một cuộc chiến tranh chống xâm lăng khốc liệt, hàng triệu triệu quân nhân, dân sự: già trẻ, lớn bé, mọi tầng lớp người Việt nam đã chết thê thảm trong chiến tranh. Chúng đã cố giành lấy chính nghĩa, tự họ cướp giựt quyền lực chính trị, hầu điều hành đất nước, độc đảng phục vụ cho lòng tham “ăn cướp tài sản” của người khác. Đó là một sự khác biệt, không thể nhầm lẫn giữa hai thể chế chính trị “tà đạo hay chính nghiã”. Nhân dân Miền nam Việt nam đã phải chẳng đặng đừng, chiến đấu và hy sinh, bảo vệ chính nghiã của Miền nam. Tất cả những bằng chứng hiển nhiên đó đã được ghi nhận bằng hàng hà xa số hình ảnh của chiến tranh Việt nam, phim ảnh, bài viết lịch sử trung thực của cả khối nạn nhân, là những nhân chứng đáng tin cậy, của nhiều thế hệ Việt nam đã trực tiếp nhận chịu sự mất mát, đổ vỡ trong chiến tranh Việt nam.

    Một cuộc chiến tranh Việt nam vô cùng lãng phí. Chỉ có lợi cho một thiểu số chính trị gia Cộng sản nham hiểm, yêu thích một thể chế chính trị độc tài, dễ cướp của, làm giàu bất chính trên xương máu của người khác.

    Trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, trên bốn mặt trận: Quảng Trị, Kontum, Bình Định và An Lộc, không chỉ sát hại phần lớn các nhân viên phi hành của các phi đoàn Trực thăng vũ trang UH-1H gunship, nó cũng không tha cho nhiều phi hành đoàn của các phi đoàn Trực thăng vận tải CH-47 Chinook hay vận tải cơ có cánh.

    Mặc dù, Vùng IV Chiến thuật yên tĩnh, không có những trận đánh lớn, không phải không chết chóc. Các phi đoàn trực thăng của Sư đoàn IV Không quân đã phải tăng cường yễm trợ cho các phi đoàn Trực thăng UH-1H của Sư đoàn III KQ ở Biên Hoà, do quân số của họ đã bị hao hụt vì mặt trận An Lộc độc ác, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 của Việt cộng đã cướp đi gần nửa nhân số nhân viên phi hành của các phi đoàn.

    Tổng kết toàn bộ sau 6 năm, khóa 5/69 đã phục vụ trên chiến trường Việt nam từ cuối năm 1969 đến 1975. Chiến tranh Việt nam đã hủy diệt một phần tư quân số của khóa 5/69, gần một trăm nhân viên Cơ phi tuổi canh dần đã đền nợ nước. Một con số thiệt hại nhân mạng khá lớn vì chiến tranh.

    Những nhân viên Cơ phi 5/69 còn sống sót, phải nói, họ đều nhờ vào bàn tay của thượng đế đã xếp đặt và che chở cho họ, khi cuộc đời của họ đã nhiều lần bay bổng trên chiến trường Việt nam “quỷ ám” rợn người, họ đã bình an thoát khỏi được những lưới đạn dầy đặc trên bầu trời của quân thù, do Cộng sản Việt nam đã gây ra, quả là Một Sự May Mắn, họ đã thực sự được che chở bởi bàn tay “ân đức” của thượng đế. Hầu như, tất cả các nhân viên phi hành trên chiến trường quỷ ám Việt nam, đều mang cùng một ý nghĩ “giao mạng cho trời!”

    40 năm tôi đã giã từ cuộc chiến, xa quê hương, ngồi đây.
    VẪN KHÔNG BAO GIỜ NGUÔI NGOAY NHỮNG
    “ƯU-SẦU ĐỜI-LÍNH”
    vì đã mang phải căn bệnh nan y của “CHIẾN-TRANH TÂM-THẦN”
    khi những đồng đội đã “Ký Thác” những cái chết ngạo nghễ của họ “Cho Tôi”.
    Lý do chính đáng “Thượng Đế” giữ cho tôi “Còn Sống” sau chiến tranh, để “Tôi Viết”.

    Hết.

    Quý cựu quân nhân Không quân VNCH nào còn nhớ danh tánh của các cố chiến hữu, Nhân viên phi hành thuộc các phi hành đoàn Trực thăng và Vận tải cơ đã hy sinh trên các mặt trận, đã được kể trong bài Máu Nhuộm Không Gian nầy, xin quý vị vui lòng bổ khuyết cho đầy đủ và hoàn hảo hơn. Dùng làm tài liệu tham khảo. Tác giả chân thành cám ơn.

    Kính mời quý vị vào website của Cơ Phi Khóa 5/69. “Cơ Phi Mevo”. Để xem các hình ảnh cũ các khóa sinh HSQ Cơ Phi 5/69 đã chụp kỷ niệm ở Quân Trường Quân Sự Biên Hoà được đặt tựa là “Những Ngày Xưa Thân Ái”, xem những hình ảnh sinh hoạt, hội họp, tương trợ, hậu sự, đặc biệt, là xây dựng những bản vàng Vinh Danh gần 100 Cố Chiến Hữu Cơ Phi, khóa 5/69 đã tử trận trên chiến trường Việt nam..


    Mời quý vị vào website Hội Quán Phi Dũng cuả KQ/VNCH đọc giải trí, tìm hiểu trang sử cuối cùng (Chân-Sử) của Mặt Trận Tân Sơn Nhất – 29 tháng Tư, 1975, các bài viết của tác giả Thành Giang:

    1. Tinh Long Rực Sáng, sử-liệu số 3: http://hoiquanphidung.com/CBNS/index...E1%BB%91c.html

    2. Phi Hành Đoàn Cuối Cùng Của Không Quân Việt Nam CH Hy Sinh Cho Tổ Quốc, sử liệu số 2 : http://hoiquanphidung.com/CBNS/index...s%C3%A1ng.html )

    3. Saigon Death Struggle (dịch từ bài viết Sài Gòn Giẫy Chết, sử-liệu số 1: http://hoiquanphidung.com/showthread...Death-Struggle

    4. Nhạc phẩn Anh ngữ: I Am A Sky-Bird.

    5. Giới Thiệu Hồi Ký Không Quân VNCH ( http://hoiquanphidung.com/showthread.php?13999 )

    CÙNG MỘT TÁC GIẢ: Mời quý vị đánh các tựa bài hát, trên youtube, thưởng thức các nhạc phẩm và Nhạc-kịch Lịch-sử của Đăng Trình (tức Thành Giang): Vác Xác Anh, Thương Tiếc Tha La, Mẹ Chờ Trên Bến, I Am A Sky-Bird, Dũng Tướng Tây Đô (thu hình live trên sân khấu trong chương trình Tưởng niệm Ngày Quân lực 19-6-2014, tại Houston)
    Trân trọng kính mời
    THÀNH GIANG.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X