Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sân Trường Kỷ Niệm

Collapse
X

Sân Trường Kỷ Niệm

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sân Trường Kỷ Niệm

    Sân Trường Kỷ Niệm

    Tác Giả: Lê Minh Quốc

    ---&&&---

    Phần I


    Cô gái ơi anh nhớ em
    Như con nít nhớ cà rem vậy mà
    Như con dế trống đi xa
    Một hôm bỗng nhớ quê nhà gáy chơi
    Con dế thì gáy một hơi
    Còn anh thì gáy hết thời con trai

    Thơ Bùi Chí Vinh


    Tôi đặt tờ giấy plure mỏng, màu hồng nhạt, lên bàn để viết những câu thơ đó. Có lẽ, Bích Châu sẽ cảm động đến bỏ ăn sáng, sẽ nằm ngủ mỗi đêm thấy toàn bướm và dế trong mộng mị của mình. Em sẽ đọc những câu thơ này và yêu tôi gấp một triệu lần? Suy nghĩ như vậy, nên tôi quyết định đúng đắn là phải đưa tên em và bài thơ này. Ôi ông thi sĩ – tác giả của những câu thơ trên – xin đừng giận tôi nhé? Khi yêu nhau ai mà không khờ khạo và độ lượng?

    Con dế thì gáy một hơi
    Còn anh thì gáy hết thời con trai
    Bích Châu tóc ngắn ngang vai
    Ước chi được đặt trên tay anh hoài


    Thật tuyệt diệu. Em thường đi học rất chăm chỉ, một năm có ba trăm sáu lăm ngày, trong niên khóa này tôi chưa lần nào thấy em trốn học như bọn con trai chúng tôi. Vốn là sinh viên Khoa Văn với nhau, tôi biết Bích châu rất yêu thơ. Những bài thơ như thế này chứa đựng sự lay chuyển tâm hồn em hơn bao nhiêu lời… văn xuôi tán tỉnh. Ðừng phụ lòng tôi nhé Bích Châu ơi! Ðể các bạn dễ hình dung về Bích Châu, tôi xinh thành thật nói rằng Bích Châu là một cô gái đẹp. Chiều hôm nay, sau khi rời giảng đường, tôi ôm sách vở đi lang thang ngoài khu ký túc xa. Dọc hai bên đường là những hàng cây râm mát. Lá xanh biếc. Trên vòm trời có một bóng mây trôi lặng lẽ. Bất chợt tôi thấy phía trước là một tà áo trắng, một mái tóc dài – có nghĩa là một cô gái đang đi ngược về phía mình. Tôi nhận ra Bích Châu. Cơ hội tốt để tôi có thể nói với em một vài lời làm quen. Trong lớp học, hễ gặp em là tôi đỏ mặt tía tai. Và thằng Quốc Chánh bao giờ cũng giành phần “phỏng vấn” Bích Châu - chứ làm sao đến phần tôi.

    - Châu đi dạo mát một mình à?
    - Dạ, em đi một mình.

    Giọng Sàigòn sao nghe ngọt ngào quá vậy? Bây giờ phải hỏi thêm câu gì nữa để tranh thủ cơ hội tuyệt đẹp này. Ôi cái lưỡi thông minh của tôi đâu rồi? Phải mất đến vài phút tôi mới mở được miệng:

    - Vậy, Lê đi chung với Châu để nói chuyên cho vui nhé?
    - Chuyện gì vậy anh?
    - Ờ ờ chuyện học hành, chuyện sinh hoạt của lớp mình đó mà …
    - Chuyện học hành thì ngày nào bọn mình cũng gặp ở giảng đường rồi, còn chuyện sinh hoạt lớp thì tuần nào chi đoàn mình không… sinh hoạt!

    Trời đất! Vậy là em hiểu sai điều tôi muốn nói rồi. Sao tôi lại ngu ngốc đến như vậy. Khi tôi định mở miệng thì từ phía nhà bếp đã rung lên hồi chuông hấp dẫn. Ăn cơm chiều. Có lẽ cùng nghe và cùng đồng cảm như tôi nên Bích Châu đã nói:

    - Ðến giờ cơm rồi. Thôi em về nghe anh Lê. Hẹn mai mốt gặp nhau.

    Em vừa nói xong thì đã quay gót bước đi. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn theo. Những chiết lá vàng úa cũng rơi theo – như bỗng dưng có một nỗi buồn vô cớ của tôi cũng rơi đâu đó trong buổi chiều tắt nắng…

    Buổi chiều nay tôi ăn không thấy ngon miệng. Bữa cơm dành cho sinh viên bao giờ cũng vậy: Một tô nước rau muống trong veo, một đĩa rau muống luộc, một đĩa thức ăn mặn với vài ba miếng thịt nằm khiêm tốn. Trên bàn ăn bao giờ cũng quy tụ bạn bè cùng phòng với nhau để hợp ý trò chuyện cho bữa ăn thêm…thú vị. Thằng Chánh vừa thò đũa tìm miếtn thịt vừa nói:

    - Ê, Lê tao thấy nhỏ Bích Châu rất hay liếc mày. Liếc một cách cực kỳ tình tứ …
    - Xạo!
    - Hừ, xạo thì tao miễn kể tiếp nữa …

    Cái thằng này hay xạo – nhưng biết đâu nó thấy sự thật thì sao? Chỉ mới nghĩ như vậy tôi đã thấy tim mình rung lên những âm thanh rạo rực.

    - Ừ! Tao tin mày nói thật, nhưng có ai làm chứng mày đã thấy điều đó?

    Thằng Chánh tỉnh bơ:

    - Môn tiếng Nga làm chứng!

    Thế thì hết biết. Ðây là môn học mà tôi kém nhất. Thường xuyên thi lại. Tôi phát âm rất tồi, đến nỗi có lần cô Dung dạy tiếng Nga phải ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Tội nghiệp cho bạn, lưỡi của bạn bị cụt bao giờ vậy?”

    Từ đó, mỗi lần đến tiết Nga Văn là bao giờ tôi cũng lầm rầm cầu nguyện “cô giáo ốm”. Nhưng như tất cả mọi chuyện trớ trêu trên đời này có thể xảy ra, cô Dung chẳng ốm yếu chút nào mà càng ngày càng khỏe như voi.

    Có lẽ, không muốn thấy tôi cụt hứng nên thằng Anh Kiệt đã chen vào:

    - Thằng Chánh nói vậy đúng đó Lê ơi! Trong lớp mình có hai mươi nữ và mười sáu nam, nhưng chỉ mỗi mày là đi thanh niên xung phong về nên nhỏ Bích Châu hay liếc mày là phải. Nhưng tao nói thật với mày, ông Marxim Gorky có nói: “Từ vú mẹ đến vú người yêu là một chặng đường dài”, nhưng từ liếc nhình nhau đến yêu nhau là một thời gian rất ngắn. Mày đồng ý như vậy không?

    Tôi nghe cũng thấy thinh thích nhưng không dám gật đầu, sợ bị cho là bộp chộp. Và khi trở về phòng ký túc xá, tôi nhẹ nhàng leo lên giường nằm viết những chữ cho Bích Châu. “Cô gái ơi anh nhớ em” - từng dòng chữ nắn nót của tôi đã được viết một cách say đắm và:
    Tái bút:

    Bích Châu thân ái,
    Bài thơ trên đã giải bày hết mọi điều mà Lê muốn tâm sự với Bích Châu. Mong rằng Châu sẽ hiểu nỗi lòng của Lê và đừng cười cho sự đường đột này nhé. Xin Bích Châu giữ Bí Mật giùm…
    Ký tên,
    Trần Lê


    Chữ ký của tôi vốn ngoằn ngèo như cọng rau muống, nên lá thư tình đầu tiên này tôi phải viết đi viết lại đến… tám lần. Lần nào viết xong và hồi hộp ký tên xong thì tôi cũng phải lập tức xé bỏ viết lại từ đầu. Làm sao có thể chinh phục được tình cảm của người khác phái khi chữ ký của anh giống hệt như cọng rau muống? Ðến lúc làm xong mọi động tác cần thiết, thư đã cho vào phong bì dán kín lại. Tôi cẩn thận để lá thư ấy dưới gối và nằm miên man suy nghĩ về mọi điều tốt đẹp sẽ đến. Nằm suy nghĩ một hồi thì tôi sực nhớ - phải nhờ ai chuyển bức thư này đến tận tay Bích Châu? Không lẽ nhờ thằng Chánh, thằng Kiệt, thằng Hương? Mấy ông nội này có thể mở ra đọc thì có nước mà độn thổ. Không lẽ tự mình mang qua phòng của em? Thôi, kỳ cục lắm, phòng toàn con gái có nước đau tim mà xỉu. Vậy ta phải nhờ ai? Hỡi đầu óc thông minh của tôi có còn cách nào không?


    Ðầu óc của tôi thông minh thật. Dù không tham khảo ý kiến của ai, nhưng tôi vẫn tìm ra được một giải pháp tuyệt vời. Sáng nay, tôi diện bộ quần áo đẹp nhất. Và dậy thật sớm. Khu ký túc xá này nằm ở ngoại ô nên không khí buổi sáng rất trong lành. Tôi đi tắt qua ngõ sân bóng đá để đến giảng đường. Trên cỏ, trên cây vẫn còn long lanh những giọt sương. Với suy nghĩ sắp thực hiện một điều trọng đại nên trong cơn gió sớm thổi qua cũng làm tôi se lạnh… Tôi chọn một chỗ ngồi yên tĩnh nhất dưới gốc hoa sứ. Giả vờ lật quyển giáo trình tiếng Nga như đang ôn bài – nhưng thật sự mắt tôi cứ liếc vè phía cổng trường. Năm phút, mười lăm phút trôi qua. Bạn bè từng tốp lũ lược đi vào… Sao vẫn chưa thấy Bích Châu. Có lẽ nào em ốm? Sao em dậy trễ quá vậy? Kìa, Bích Châu! Tôi đứng lên và nhanh chóng bước ra phía cổng trường.

    - Bích Châu, cho anh hỏi thăm chút xíu.
    - Dạ, có chuyện gì vậy anh Lê?

    Tôi ngó trước ngó sau thấy lũ con gái đã đi khá xa, tôi nói nhỏ:

    - Châu cho anh mượn quyển vở bài tập Nga văn để anh… tham khảo lại câu hỏi số 3. Câu đó hóc búa quá, không biết phải đổi qua cách năm hay cách sáu?

    Nghe tôi nói đến chuyện học hành - nhất là môn tiếng Nga mà tôi nổi tiếng là học kém nhất lớp nên Bích Châu tỏ ý thông cảm. Em liền đưa ngay cho tôi mượn vở và không quên dặn thêm:

    - Ðến tiết văn học cổ của thầy Mai Cao Chương thì anh Lê trả lại giùm em nghen.

    Tôi chỉ chờ có vậy và gật đầu chào “đầy ý nghĩa”. Em có hiểu vậy không? Vào lớp học, tôi hồi hộp cầm tập vở của Bích Châu. Trang vở của em có điều gì bí ẩn mà mỗi lần lật đến trang nào tôi cũng đều thấy xúc động lạ lùng:

    Trang vở mỏng lật hoài không hết
    Lật từng trang rồi lại lật từng trang
    Tôi chưa dám một lần trốn học
    Sao vở của em mới lạ huy hoàng

    Thơ Lê Minh Quốc


    Câu thơ của ai đó bất chợt vọng đến trong trí nhớ của tôi, như muốn xẻ chia đôi điều tâm sự. Những dòng chữ mực tím viết rất tròn, ngay ngắn này cũng là một điều lạ. Thông thường sinh viên đại học có mấy ai viết mực tím như Bích Châu đâu. Suốt hai tiết văn học cổ tôi chỉ ngồi nhìn trang vở của Bích Châu, hơn là chăm chú nghe thầy giảng bài. Sau khi xem xong thì tôi để quyển vở của em dưới hộc bàn. Thằng Chánh ngồi bên cạnh đang ghi ghi chép chép nên không để ý điều gì cả. Hay lắm, tôi cẩn thận lấy lá thư đã viết đêm hôm qua đặt vào giữa trang vở của em. Tôi thấy tim mình đập thình thịch như đang thực hiện một điều gì vụn trộm. Trong lúc đó thầy Chương vẫn thao thao giảng bài. Thầy đâu biết rằng trong lớp này, trong lúc này, có một cậu sinh viên chỉ để tâm trí vào một chuyện duy nhất: Làm sao chuyển được lá thư tình đến cô bạn ngồi bàn thứ hai, mặc áo màu trắng rất duyên dáng kia.

    Và tiết học cũng đã chậm rãi trôi qua. Tôi thở phào sung sướng. Và có lẽ may mắn hơn là Bích Châu cũng ngồi trong lớp - chứ không xuống căn-tin như mọi ngày.

    - Châu nè, cho anh trả lại quyển tập Nga. Chữ viết đẹp ghê!

    Em quay lại:

    - Anh khen thật hay chỉ nịnh cho vui vậy?

    Không đợi tôi trả lời em đã nói tiếp:

    - Câu hỏi số ba em dùng ở cách năm có trùng với giải đáp của anh không?

    Nghe Bích Châu hỏi như vậy tôi ngớ người ra. Cách năm hay cách sáu thì có trời mới biết. Tôi vội vàng đánh trống lãng:

    - Ừ, anh cũng nghĩ là ở cách thứ năm như em. Thôi xin cảm ơn Châu nhé, anh phải đi ra ngoài một chút…

    Thế là xong một “bài toán” khá phức tạp và tế nhị, không phải bất cứ ai cũng thực hiện được như tôi. Chỉ cần vài ba phút nữa, đến tiết Nga Văn thì em sẽ lật vở ra. Rồi em sẽ thấy lá thư tình của tôi. Em sẽ tò mò. Em sẽ đọc ngấu nghiến. Ðọc xong em sẽ cảm động và yêu tôi lập tức. Ðôi cánh thần tiên của tình yêu sẽ đậu xuống vai tôi và vai em. Trong khi đó bọn thằng Kiệt, thằng Chánh sẽ phục tôi sát đất. Chúng nó sẽ đãi tôi vài chầu cà phê để nhờ tôi “bật mí” bí quyết làm quen. Nhưng tao sẽ không bao giờ tiết lộ đâu Chánh ạ. Chỉ nghĩ đến vậy, tôi đã thấy tôi là người hạnh phút nhất trần gian này. “Cô gái ơi anh nhớ em” tôi lẩm nhẩm câu thơ ấy như một thắng lợi của mình đã đạt được.

    Bỗng đâu sự việc ấy diễn ra như sét đánh ngang tai. Tôi không dám tin ở trên đới này lại có thể xảy ra chuyện như vậy. Trên cánh cửa của phòng 4B của các bạn gái lớp tôi lại có dán một “thông cáo”. Cả khu ký túc xá đốn ấm ĩ và mọi ngườii đều lũ lượt kéo đến xem. Ác nhất lá bọn sinh viên khoa văn của chúng tôi vốn giàu óc tưởng tượng nên kể Lại câu chuyện trên rất hài hước. Nghĩa lá có thêm mắm thêm muối chút đỉnh... Thằng Chánh thì quả quyết sự việc như sau:

    - Ðêm qua có kẻ trộm vào dãy B chúng mày ạ. Dãy B thì toàn con gái. Tên trộm này đi rón rén qua từng phòng một. Phòng nào hắn cũng đều liếc mắt ngó vào để xem động tĩnh ra sao. Hắn thấy phòng nào cũng như phòng nào, chính vì vậy mà bi kịch mới xảy ra. Tao cam đoan là xảy ra vào lúc 12 giờ khuya. Tên trộm nhìn vào phòng thấy toàn là sách vở nên đã động lòng... trắc ẩn. hắn vốn có trình độ văn hoá nên đã làm thơ để lại chúng mày ạ! Lạy Chúa, hắn làm thơ và dán ngay cửa phòng 4B thế mới hay chứ. Xin thưa quý vị khán thính giả quý mến, bài thơ ấy nguyên văn như sau...

    Chỉ cần kể đến đó là hắn đã toang toác cái mồm đọc ngay bài thơ mà tôi đã gởi cho... Bích Châu.

    Tôi sượng chín ngưới. Tôi đành ngồi êm re không dám bính luận gì thêm. Không hiểu Bích Châu hay bạn bè đã đem lá thư tình của tôi dán ngay cửa phòng. Ðể trêu hay để thông báo cho mọi ngưới biết đến tình cảm của tôi dành cho em? Nhưng khổ nổi lá lá thư ấy còn ghi thêm dòng này: “Ðặc biệt người viết lá thư này rất mê cà-rem. Nếu ai có lòng tương tư vậy thì sẽ được ăn kem dài dài... Nay thông báo. Ký tên, Tập thể sinh viên nữ phòng 4B”. Chính trò chơi quái ác như vậy mà bọn con gái phòng 4B “nổi tiếng” như cồn. Trong khi đó thì tôi mắc cỡ trốn né hết quan hệ với mọi người, nhất là Bích Châu. Và giữa lúc tôi thật sự “nốc ao” như vậy thì bạn bè tôi bắt đầu chú ý đến em. Bích Châu ơi! Có còn cơ hội nào dành cho tôi nữa không? Không hiểu sao, tôi không giận em một chút nào mà lại càng mê em hơn trước nữa chứ mới lạ. Một buổi tối, trên trời đầy trăng sao nhưng cả khu ký túc xá cúp điện. Tất cả tối om om. Chỉ còn có những ngọn đèn dầu lập lòe trong mỗi căn phòng. Ðàn hát một hồi cũng chán. Tôi nói với Chánh:

    - Chánh ơi! Trăng sáng như thế này mà ngủ thì cũng uổng. Tao đề nghị là bọn mình kéo nhau đi chặt những cành tràm khô để đốt lửa chơi cho vui đi...

    Cả khu chúng tôi ở toàn là tràm xanh biếc. Mỗi lần muốn có cuổi nấu nướng cái gì thì chúng tôi chỉ việc... bẻ cây tràm nấu thoải mái. Nghe tôi nói như vậy thì thằng Hương lên tiếng:

    - Ý kiến này hay đó. Tao xung phong đi kiếm cành tràm về làm củi. Nhưng với điều kiện là thằng Kiệt, thằng Lê qua rủ bọn con gái phòng 4B qua ngồi tán phét với bọn mình. Có như vậy thì mới... hấp dẫn.

    Thằng Chánh vốn liến láu và thực dụng rất đáng yêu nên bổ sung thêm:

    - Nhưng hai đứa bây qua đó nhớ dụ khị các em đem đậu xanh và đường qua đây nấu chè luôn thì mới ngon. Nếu không có gì nấu nướng thì uổng lắm...

    Tôi phân vân:

    - Bây giờ lửa củi chưa có mà qua nói như vậy tao sợ mấy em chê mình là đồ háu ăn thì phiền lắm.
    - Mày ngu lắm. Qua đó mày đừng gợi ý trắng trợn như tao nói vừa rồi. Mày với thằng Kiệt chỉ cần mời các em qua đây. Khi các em chuẩn bị đóng cửa phòng thì mày mới nói rằng “Ước chi Kiệt nhỉ” thằng Kiệt sẽ nói “Ước cái gì vậy?” thì lúc đó mày mới hét lên thật to “Ước chi có đậu đường để nấu chè đãi các bạn nữ phòng 4B”. Chỉ cần động tác đơn giản như vậy thì các em sẽ hiểu ngay ý đồ của mày. Các em sẽ khoái tính dũng cảm nói thẳng nói thật của mày rồi sẽ đem đường đậu qua đây. Thế là chúng mình đã thành công một cách rực rỡ. Mày hiểu chưa?


    Thế là nhiệm vụ đã được phân công một cách chu đáo. Tôi và Kiệt xăm xăm bước qua dãy 4B. Trong lúc thằng Kiệt bô bô nói về tình hình thế giới mà sáng nay hắn có đọc được ở thư viện, còn tôi cứ lẩn quẩn với suy nghĩ: Khi gặp Bích Châu thì mình sẽ nghiêm mặt như không hề quen biết hay sẽ kín đáo cười tình tứ với em? Mà quả thật, người mở cửa cho chúng tôi chính là Bích Châu. Tôi đứng im re. Thằng Kiệt lên tiếng rất... mùi:

    - Xin chào các cô nương phòng 4B, nhân lúc tắt lửa tối đèn như thế này, chúng tôi xin mời các bạn qua dãy A để tham dự lửa trại với chúng tôi... vậy.

    Nhỏ Thu An hỏi ngay:

    - Ðốt lửa trại nhưng lớp mình gồm có những ai vậy anh Kiệt?
    - Chỉ có mấy đứa phòng bọn anh với các bạn thôi. Bọn mình làm lễ kết nghĩa với nhau để... cùng tiến bộ. Các bạn có đồng ý không?
    - Hay đó, kết nghĩa với nhau kèm cho anh Lê thêm môn Nga Văn.

    Nhỏ Thu An đã nói như thế. Không rõ có ẩn ý gì không? Ðầu óc tôi rối bời. Và thay vì để nói một lời nào thật đúng điệu thì thằng Kiệt thúc cùi chỏ vào bụng tôi:

    - Thằng Chánh dặn rồi đó. Mày nói tiếp đi...

    Tôi nói như một cái máy:

    - Ước gì Kiệt nhỉ?

    Có lẽ chỉ chờ có vậy nên thằng Kiệt đã quay sang Bích Châu mà nói lớn:

    - Châu ơi! Châu nghe thằng Lê nói điều ước lớn nhất, thiêng liêng nhất trong năm thứ hai này nè...

    Không hiểu sao tôi lại mở miệng như một cái máy và dũng cảm hét to lên:

    - Ước gì có đậu đường nấu chè...

    Trời ơi! Ma bắt quỷ tha cho cái lưỡi tôi đi. Trời ơi! Ma tha quỷ bắt cái thằng Chánh chết tiệt kia đi cho rồi... Tôi chỉ kịp giật mình thấy sự hài hước của mình thì các bạn trong phòng đã cười lên rũ rượi, cười như nắc nẻ. Còn tôi, tôi đứng trân người. Và thằng Kiệt cũng chớp lấy cơ hội nói nghiêm chỉnh:

    - Ừ, ý kiến đó hay lắm. Bọn mình vừa ngồi quanh đống lửa, vừa nấu chè, rồi vừa ăn chè vừa nói chuyện thì rất tuyệt... vậy.

    Cả phòng nữ hoàn toàn hưởng ứng với đề nghị trên. Như vậy là chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

    Khi trở về phòng, chúng tôi đã thấy phía ngoài sân một đống củi lớn. Những ngọn lửa cháy bập bùng rất sáng. Thiên nhiên bao giờ cũng thân thiện với con người. Gần gũi với thiên nhiên con người bao giờ cũng cảm thấy dễ gần nhau về mặt tâm hồn. Qua ánh lửa, tôi thấy đôi mắt Bích Châu rất sáng. Có lúc nào em liếc nhìn tôi không? Còn tôi mỗi phút mỗi giây đều len lén liếc nhìn sang phía của em. Chính như thế tôi cảm thấy một hạnh phúc, bâng khuâng khó tả. Và khi ánh trăng chênh chếch bóng thì nồi chè cũng bắt đầu chín tới...

    Ðiều làm tôi khổ tâm nhất, bạn bè cùng phòng chẳng đứa nào biết tôi là tác giả của bức thư được tuyên dương trên cánh cửa của phòng nữ. Giữa lúc chuyện trò vui vẻ nhất thì thằng Kiệt lại buột mồm nói câu dễ ghét nhất:

    - Tao đố thằng Lê, ai là tác giả của bài thơ đã gửi cho các bạn phòng 4B? Nếu mày nói trúng thì tao xung phong đi rửa nồi rửa chén.

    Tôi biết nói gì bây giờ? Thằng Kiệt không biết thật hay chỉ giả vờ như vậy để chọc quê tôi? Thằng Chánh vội chen vào:

    - Mày hỏi như vậy thì sao thằng Lê trả lời được. Có các bạn nữ đây sao mày không hỏi thử, có hay hơn không?

    Các bạn nữ thân mến của chúng tôi lại cười rộ lên. Chưa bao giờ tôi thấy dễ ghét như bây giờ. Thu An đủng đỉnh đứng lên xô nhánh củi vào để ngọn lửa sáng hơn và õm ờ:

    - Ai là tác giả thì khoan hãy nói tới, nhưng nếu được người đó “để ý” tới mình thì cũng hay lắm. Thứ nhất là có thơ để đọc, thứ nhì là có kem ăn dài dài... Có đúng như vậy không Bích Châu?
    - Không, mình không thích ăn kem đâu. Ăn nhiều ê răng.

    Sao Bích Châu lại nói vậy? Tôi thấy tim mình đau buốt. Trò chơi này kéo dài đến bao giờ hở trời. Lại giọng thằng Chánh:

    - Con gái sướng thật. Ðược bao nhiêu người ái mộ gửi thư đến tán tỉnh, còn bọn mình có được như vậy đâu. Anh đề nghị với Thu An, Bích Châu, Thủy Ðại, Phong Lan như vầy, nếu có ai gửi thư cho mấy bạn thì mấy bạn cứ giữ lại. Biết đâu mình sẽ có một tập thư tình hay nhất thế giới.

    Phong Lan lâu nay vốn tỏ ra dè dặt khi nói chuyện, tự nhiên nói oang oang:

    - Em có ý kiến, từ nay anh em mình “kết nghĩa” với nhau, thì không ai trong nhóm được làm thơ tán tỉnh với nhau nhé! Nếu ai không chấp hành thì bị nghỉ chơi luôn.

    Ý kiến đó là sao tôi chấp nhận được. Tôi đang “để ý” đến Bích Châu, mọi người có hiểu được điều đó không? Hay là nhỏ Phong Lan ngụ ý “răn đe” tôi trước. Bích Châu vẫn không nói thêm gì cả. Thôi từ nay đừng hòng mà thư với từ gì nữa cho mệt xác.

    Những đóm lửa bắt đầu tàn. Sương khuya đã chùng xuống. Trên vùng đất mênh mông này, chúng tôi đều cảm thấy lạnh. Các bạn phòng nữ đều đứng dậy để về. Ngày mai có tiết Nga Văn thì đâu có thể mà giỡn được. Dù biết vậy tôi vẫn láu lỉnh xung phong được đi theo với bọn con gái để... xách nồi, chén về phòng giùm. Ðó là một ý đồ mà bọn thằng Chánh không thể nào hiểu nổi. Tôi lẽo đẽo đi theo sau Bích Châu. Khi gần đến phòng nữ, tôi quyết định... vấp ngã. Tôi lé lăn cù với nồi chén lỉnh kỉnh. Bọn con gái thấy tội nghiệp cho tôi, nên đã dành nhau xách hết mọi thứ cho tôi. Lúc này tôi thấy là lúc thuận tiện để có thể nói với em điều gì đó. Tôi nói:

    - Sao lại nghịch ngợm quá vậy? Châu đem tình cảm chân thật nhất của anh để làm trò đùa quái ác như thế... Châu biết anh sẽ như thế nào không?

    Em đã tròn xoe mắt nhìn tôi. Như có một sự ngập ngừng lẫn bối rối:

    - Như thế nào hở anh Lê?

    Bị hỏi lại như thế tôi không biết phải trả lời ra sao nữa. Tôi đáp rất... vu vơ:

    - Thì anh buồn lắm chứ sao!
    - Tại mấy đứa bạn cùng phòng xúi Châu, chứ Châu đâu có muốn...
    - Bộ Châu từ chối không được à?
    - Trong phòng bọn em có quy ước với nhau là thư của ai gửi đến cho bất cứ ai trong phòng thì cũng được đọc lẫn nhau cả, đọc chung để chia xẻ tình cảm với nhau đó anh Lê.

    Tôi còn biết bắt bẻ em sao nữa. Ước chi tôi có tài mồm mép như thằng Chánh thì sẽ hay biết chừng nào. Mặc dù còn ức lắm nhưng tôi đành... chào thua. Trong lúc tôi im lặng để tìm câu đối phó lại thì em đã nói trước:

    - Anh Lê nè, anh viết thư cho Châu như vậy bộ không sợ... không sợ cô Kim Oanh bên khoa Sử buồn à?

    Tôi đớ người ra:

    - Kim Oanh nào vậy?
    - Thì cô bạn trước đây hay đi khiêu vũ với anh đó, bộ anh quên rồi sao?

    À! Ra vậy. Ai dám nói người phụ nữ là phái yếu? Trí nhớ của họ mạnh mẽ lắm chứ không “yếu” chút nào đâu. Kim Oanh chính là người tuyên bố trong đêm văn nghệ toàn trường một câu xanh rờn “Học khiêu vũ nếu không ứng dụng nó vào đời sống, trong sinh hoạt hàng ngày thì học để làm gì? Thú thật với các bạn nếu chúng ta bước đi giống điệu nhảy thì cũng là một nghệ thuật cao cấp lắm rồi.” Hồi đó mới chân ướt chân ráo từ môi trường thanh niên xung phong trở về trường đại học nên tôi rất mê câu nói ấy, và thường xuyên cập kè với cô ta đến giảng đường. Vì quá mê khiêu vũ nên Kim Oanh thường đến giảng đường trễ giờ quy định. Khi dừng xe trước cổng cô ta đã vội vàng sửa sang lại quần áo để... quay một vòng và bước lên ba bước để chào mọi người. Cứ thế, như một con chim nhí nhảnh giữa sân trường, Kim Oanh đã thu hút cặp mắt tò mò của tất cả sinh viên. Cánh con gái cũng phải phát ghen lên trước sự thu hút đó. Từ đó, bất cứ nơi nào cô ta cũng trổ tài khiêu vũ của mình. Có lần chúng tôi rủ nhau đi xem phim – chỉ riêng cái tựa phim cũng đủ làm Kim Oanh mê mệt: Sàn nhảy dành cho hai người. Khi vào cửa soát vé, như một thói quen cô ta đã uốn éo cánh tay ôm choàng lấy tôi và nói nhỏ: “Hai đứa mình vào cửa bằng điệu Cha-cha-cha anh Lê nhé!”. Bất ngờ quá, tôi muốn ngăn cản, muốn nói một điều gì đó thì... Kìa, cô ta đã lui chân phải, lên chân trái, ngước mắt nhìn mọi người và nhảy một mình... vào cửa soát vé. Lập tức mọi người cười ồ lên. Tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, cô ta lại huýt sáo theo điệu nhảy Cha-cha-cha quen thuộc của mình. Có lần khác, chúng tôi vào nhà ăn của ký túc xá, đáng tiếc là hôm ấy loa phóng thanh của ban tự quản sinh viên lại cho phát những điệu nhạc du dương êm ái. Tôi đang ngồi ăn với thằng Chánh, thằng Kiệt thì Kim Oanh từ đâu lò mò tới và cúi xuống nói nhỏ với tôi: “Anh Lê ơi, em lại thấy ngứa tay ngứa chân quá! Bản nhạc này thích hợp với điệu Cha-cha-cha phải không anh?” Vì đang nhai những cọng rau muống dài loằng ngoằng nên tôi không thể trả lời được. Nhưng vừa nói xong thì cô ta đã đứng lên và … nhảy. Lúc đó, mọi người đều dừng ăn để tròn xoe mắt mà nhìn. Riêng tôi, tôì muốn lạy trời “Nhờ ai bẻ giùm đôi chân nhún nhảy ấy đi”.

    Vì chính Bích Châu đã đột ngột nhắtc tới Kim Oanh nên tôi bỗng bật cười một mình và nhớ lại những kỷ niệm khó quên của năm học thứ nhất. Chính vì từ chuyện đó nên bây giờ ở chung phòng với nhau, bọn thằng Chánh cấm tôi quan hệ với Kim Oanh nữa. Nhưng chuyện ấy đã “xưa như học kỳ một” mà Bích Châu còn nhắc đến tên Kim Oanh là có dụng ý gì? Có phải, sau trò chơi quái ác kia, em đã có cảm tình “đặc biệt” với tôi rồi phải không? Hồi nãy vì đông người nên em không nói chăng? Hay bây giờ mới đúng là lúc để em nói? Tôi chờ đợi.

    - Thôi mình về đi anh Lê ơi! Khuya rồi, mai mốt còn gặp nhau thì chúng mình nói chuyện nữa. Chúc anh ngủ ngon.

    Không lẽ chỉ có vậy thôi sao? Vâng, chỉ có những lời rất xã giao như vậy, chứ đâu có gì “đặc biệt” như tôi chờ đợi. Em đã bước đi rồi …

    Ðêm đã khuya. Cả khu ký túc xa yên tĩnh lạ lùng. Những cánh chim ăn đêm bay vút qua xao động những nhánh tràm. Lúc ấy mới biết vai áo mình hơi ẩm ướt sương đêm.


    Xem tiếp phần II
    Last edited by khongquan2; 08-11-2014, 04:18 PM.

  • #2
    Sân Trường Kỷ Niệm

    Tác Giả: Lê Minh Quốc

    ---&&&---

    Phần II


    Như vậy là tôi đừng hòng tơ tưởng đến tình cảm của Bích Châu dành riêng cho tôi. Buổi đối thoại ngắn ngủi của đêm trước chỉ đem về cho tôi một sự phiền muộn, thất vọng. Tôi không ngờ Bích Châu lại dửng dưng với tôi như vậy. Từ đó, tôi ghét luôn cả Kim Oanh – dù cô ta chưa hề xuất hiện trong những ngày tháng này. Có một lần tôi hỏi “quân sư quạt mo” của mình là bọn thằng Chánh, thằng Kiệt một câu ngớ ngẩn như sau:

    - Này mấy ông nội, tao hỏi thật tình một câu rất ư là quan trọng: Làm thế nào để chinh phục một cô bạn sinh viên?

    Thằng Hương đang chúi mũi xuống quyển Văn học Phương Tây bỗng ngẩng đầu lên hỏi:

    - Em nào vậy hở Lê?
    - Bí mật!

    Thằng Kiệt đốp chát ngay:

    - Nếu mày không thành thật khai báo thì bọn tao không thể truyền bá lại kinh nghiệm cho mày đâu.

    Thằng Kiệt nói như vậy là có cái lý của nó. Nó quê ở Long An, trước kia nó cũng đi thanh niên xung phong như tôi nên khoa ăn nói của nó rất lanh lợi, được lòng các bạn nữ. Mặc dù thằng Kiệt to như con voi, tóc húi cua và ăn mặc xề xòa – thậm chí còn hơi... chua chua nữa là khác. Ðám con gái hay kể lể về giai thoại của thằng Kiệt như sau: Hồ nước của sinh viên lúc nào vòi nước cũng chảy như “thằn lằn đái”, ở đó mọi người chỉ có thể đánh răng và rửa mặt, nhưng thằng Kiệt thì đã tắm ở đó một cách thoải mái nhất. Việc đầu tiên là thằng Kiệt lấy chén ăn cơm chịu khó đứng hứng nước, khoảng năm phút sau thì nước chảy vào đầy chén. Sau đó thằng Kiệt lấy cái khăn rằn Nam bộ nhúng vào đó cho thấm nước. Với cái khăn như vậy thì thằng Kiệt sẽ lau hết thân thể đồ sộ của mình. Ðến lúc khăng không còn vắt ra một giọt nước nào thì thằng Kiệt bắt đầu kỳ cọ thân thể. Trời ơi! Cơ hồ đó là đất, là cát bẩn đến khủng khiếp. Bằng năm ngón tay to như trái chuối, Kiệt cẩn thận phủi hết những gì bám trên thân thể mình. Sau đó Kiệt lại ung dung chìa chén vào vòi nước để hứng cho đầy chén nước. Với một dung lượng nước ít ỏi như vậy nó mới bắt đầu dội mạnh lên người mình. Nước chảy đi đâu cũng mặc kệ. Vậy là xong một “công đoạn” tắm rất là lý thú của sinh viên Anh Kiệt – Năm thứ hai khoa Văn. Nhưng điều lý thú hơn cả là sau mỗi lần tắm xong Kiệt bao giờ cũng hỏi bạn bè trong phòng: “Bọn mày còn xà phòng không? Tao cần một chút để... rửa tay”. Dù có ''đồn ầm lên về “vệ sinh cá nhân” của thằng Kiệt như vậy – nhưng bọn con gái rất mến mộ nó. Có lẽ, một phần chính là cách ăn nói bạt mạng, ngang như cua của chàng con trai Nam bộ tốt bụng. Nghe thằng Kiệt nói như vậy, tôi định chuồn êm thì thằng Chánh thò ngay một câu “chụp mũ” trúng ngay tim đen của tôi :

    - Tao hỏi thật mày, có phải mày “mết” con nhỏ Bích Châu không? Mày cứ nói thật đi, bọn tao sẽ có cách giúp đở mày chinh phục được em trong thời gian ngắn nhất. Năm sau, về Saigon học thì tại giảng đường cơ sở 2, mày có thể hẹn hò dẫn em đi chơi ở Sở Thú.

    Chao ơi! Lời hứa hẹn sao mà ngon lành quá vậy. Tôi thành thật:

    - Ừ, tao muốn làm quen với nhỏ Bích Châu, nhưng khó quá.
    - Không khó gì hết, tối nay sau khi ăn cơm chiều mày chiêu đãi anh em trong phòng một chầu cà phê ở quán bà Tư Cày thì bọn tao sẽ “hội ý” và “lên phương án” giúp đỡ cho mày.

    Tôi gật đầu đồng y. Bốn thằng đã có mặt tại quán bà Tư Cày đúng vào lúc 19 giờ chiều ngày thứ sáu. Vì sửa soạn cho một việc rất quan trọng như vậy nên ngày giờ của buổi cà phê này tôi nhớ rất rõ. Sau khi nghe hết những bản nhạc rất cải lương từ hồi Thanh Tuyền, Chế Linh còn... ăn khách, thằng Chánh mới lên tiếng:

    - Bắt đầu từ ngày mai mày đừng có đi học nữa. Mày chịu khó nằm lì trong phòng, đắp chăn kín mít và cố gắng rên hừ hừ như bị bệnh sốt rét đã tái phát. Bọn tao sẽ loan truyền tin đó với bạn bè trong lớp. Mọi người sẽ đi mua quà bánh đến thăm mày. Lúc đó, em Bích Châu sẽ đến thăm mày. Thấy mày bệnh như vậy thì em sẽ nắm tay mày, rồi em đặt bàn tay búp măng lên tráng mày. Nhưng mày cứ rên hừ hừ rồi mày lắp bắp nói “Tôi yêu em” thì em sẽ cảm động mà cúi xuống hôn mày ngay lập tức...


    Thằng Hương nói thêm một cách đứng đắn:
    - Khi đã hôn nhau thì rõ ràng là người ta yêu nhau chúng mày ạ !

    Tôi ngần ngừ chưa muốn thực hiện theo cách đó, bởi chỉ còn vài bữa nữa là bước vào thi học kỳ những môn như Nga văn, Hán nôm, Triết học... nếu giả vờ ốm để nghỉ học thì có nước mà... húp cháo. Tôi lấy lý do đó ra thì thằng Kiệt gật gù:

    - Ðúng đấy, phương án ấy có vẻ khoa học nhưng trong thời điểm này chưa thực hiện được. Vậy tao đề nghị là từ ngay hôm nay mày phải chịu khó sáng tác thơ, nhưng không phải là mày trực tiếp gửi đến em mà mày gửi cho báo chí thành phố. Với bài thơ mang tựa đề như “Tiếng hát Bích Châu” hoặc “Chiều mưa Bích Châu”... được viết theo thể song thất lục bát hoặc thể thơ tự do thì người ta dễ chọn đăng hơn. Tao đề nghị với mày là cứ gửi cho báo Tuổi trẻ, báo Phụ Nữ Thành Phố... người ta rất khoái chuyện phát hiện ra tài năng trẻ, nên thơ của mày sẽ được đăng liền. Khi bài thơ đó được đăng thì mày mua chừng vài chục số biếu cho Bích Châu. Em sẽ đọc thơ mày, sẽ hãnh diện về mày. Trên đời này được một nhà thơ yêu mình, đau khổ vì mình đâu phải là chuyện dễ. Lúc đó mày sẽ nổi tiếng khắp khu ký túc xá này thì con gái sẽ nườm nượp theo mày, tao biết rằng trong đó có cả em Bích Châu. Em sẽ van xin tình yêu của mày, chứ không cần mày phải cầu xin điều gì cả. Ðúng không nào?

    Cả bọn ngồi lắng nghe tiếng Kiệt “thuyết trình” về... nghệ thuật chinh phục phụ nữ như vậy thì bỗng đồng loạt hô lên những tiếng Nga dã được học: “Ôi, khơ-ra-sô, Khơ-ra-sô”. Vậy là từ buổi hôm đó, tôi được mang một trách nhiệm rất nặng nề là phải trở thành... nhà thơ để chinh phục Bích Châu.

    Bất cứ lúc nào ngồi trong lớp, tôi cũng đều không quên trách nhiệm vẻ vang của mình. Tôi hý hoáy làm thơ trên những phần trống của tất cả quyển giáo trình đang học. Những bài thơ ấy đều mang tâm trạng tột cùng – đại loại như:

    Bích Châu ơi hỡi Bích Châu
    Hôm qua thức trắng tóc râu anh dài
    Yêu Châu anh ốm anh gầy
    Ðêm đêm anh chỉ viết bài Bích Châu


    Không hiểu những bài thơ rất nồng nhiệt yêu và nồng nhiệt đau khổ như vậy – tôi gửi cho rất nhiều báo, nhưng chẳng có một nơi nào đoái hoài đến tác phẩm của tôi cả. Ðến lúc tôi muốn bỏ bút không thèm làm thơ nữa thì trong phòng tôi đã xảy ra một chuyện khá hấp dẫn. Số là vào một buổi sáng rất đẹp trời, thằng Kiệt nằm chèo queo trên giường sắt nói vọng xuống tôi:

    - Lê ơi! Sáng nay mày chịu khó dậy sớm quét sân đi nhé. Hôm qua bên Ban Quản Tự Quản sinh viên phê bình phòng của mình để sân bẩn quá mức. Mày dậy đi nhé!

    Nghe Kiệt nói vậy, nên mặc dù ngoài trời khá lạnh tôi cũng cố gắng thò chân xuống giường. Khi tôi vừa mở cửa thì thấy rớt xuống một tờ giấy trắng được gấp tư vuông vắn. Thư gửi cho ai vậy? Tôi tò mò mở ra đọc thử xem sao! Nét mực tím đã ghi những dòng chữ như vầy. Tôi vừa nín thở vừa đọc. Càng đọc tôi càng thấy tim mình rộn rã những tình cảm kỳ là mà tôi chưa bao giờ có được.

    “Anh Lê ơi! Bằng linh cảm của một người con gái, em nhận ra là anh đã yêu em. Nhưng em ngại bạn bè ở đây. Chín giờ sáng ngày mai (chủ nhật) chúng ta sẽ gặp nhau ở cơ sở 2 Ðinh Tiên Hoàng. Chào anh. Ký tên Bích Châu”.

    Chao ơi! Vậy là Bích Châu đã yêu tôi rồi. Tôi sung sướng bước vào giường của mình, tôi đặt lá thư ấy dưới gối. Sức mấy mà bọn thằng Kiệt biết được “tình hình thế giới” đã có những thay đổi quan trọng như vậy. Vừa quét sân tôi vừa quyết huýt sáo. Tôi thầm cảm ơn thằng Kiệt đã gọi tôi dậy sớm, nếu đứa khác dậy sớm thì làm sao mà nó chuyển lá thư cho tôi?


    Lá thư ấy dã làm tôi vui vẻ suốt một ngày liền. Sáng ngày chủ nhật, tôi nói láo với bọn thằng Chánh là phải về Saigon gấp để nhận quà từ ngoài Trung đem vào. Mấy đứa tin thiệt. Thằng Chánh gửi tiền cho tôi mua tờ Tuổi Trẻ Thứ Bảy, thằng Kiệt nhờ bỏ giùm mấy lá thư ở bưu điện, còn thằng Hương thì hì hục bơm xe đạp và sửa lại cái thắng xe cà rịch cà tang của tôi. Vậy là ổn thỏa. Một cuộc hẹn hò hấp dẫn nhất mà chỉ riêng tôi với Bích Châu biết được mà thôi. Mang ý nghĩ ấy trong đầu nên đôi chân của tôi đã đạp xe rất khỏe. Từ ký túc xa chỉ leo một dốc là tôi đã có mặt ở Thủ Ðức. Suốt hai năm học, đây là lần đầu tiên mà tôi đạp bon bon lên dốc, không cần phải xuống xe dắt bộ như mọi lần. Ngồi ở ngã tư Thủ Ðức và Chợ Nhỏ – Tôi ngồi uống nước mía và đọc lại lá thư ấy một lần nữa. Chính lần này tôi mới phát hiện ra dòng chữ trong thư không giống lắm với chữ của Bích Châu, không giống như trong quyển vở tập Nga văn mà có lần tôi đã mượn. Ồ! Nào có hề chi! Chắc là khi đó em quá cảm động, quá run... vì yêu nên né chữ không được đẹp chăng? Từ Thủ Ðức về Saigon tôi vừa ngắm cảnh hai bên đường, vừa suy nghĩ mọi cách để tìm những câu văn vẻ nhất để “đối thoại” với Bích Châu. Có lẽ câu đầu tiên là tôi sẽ hỏi rất lịch sự:

    - Xin lỗi, Châu ngồi đợi anh có lâu không?

    Em sẽ trả lời bằng giọng Saigon rất ngọt:

    - Không, em đợi không lâu lắm anh Lê ơi!

    Rồi mình sẽ hỏi tiếp:

    - Lá thư của Châu đã làm anh rất ư là sung sướng và Châu có biết là từ đó anh đã làm được những bài thơ nào không?

    Tất nhiên là em sẽ trả lời không, mình sẽ trổ tài thi sĩ và đọc liên tiếp những bài thơ tình cảm của mình. Dù không hề được đăng báo, nhưng những bài thơ ấy sẽ đánh đổ được trái tim em. Em sẽ thổn thức nức nở... Lúc đó thì mình sẽ độ lượng ngồi xuống ben em mà nói khẽ “Ôi con chim chích chòe của đời anh”. Rồi sao nữa nhỉ? Rồi mình sẽ dẫn em đi chơi Thảo Cầm Viên. Sau đó hai đứa xuống Lê Lợi ngồi ăn kem Bạch Ðằng... Chỉ mới nghĩ đến những đoạn đường, những nơi vui chơi với Bích Châu như vậy – bất giác tôi thò tay vào túi quần của mình. Eo ơi! Chỉ có vài trăm bạc thì sao đủ? Không lẽ ngồi với em mà lại hút những điếu Ðà Lạt khét lẹt thì còn gì là tình điệu. Dù vậy, đến ngã tư Hàng Xanh tôi cũng quyết định dừng xe lại để mua vài điếu Khánh Hội cho vào túi áo. Từ đây đến cơ sở 2 tôi chỉ dùng đến Ðà Lạt mà thôi. Còn khi ngồi có em thì tôi sẽ cố tình rút ra điếu Khánh Hội, tôi sẽ châm thuốc và đểnh đoảng thả khói bay... Rồi tôi sẽ nói những gì nhỉ?

    - Châu ơi! Không hiểu sao nhhững đêm gần đây anh thường nằm mơ thấy Châu, toàn là thấy Châu đang cười với anh. Nếu sự thật ngoài đời cũng như vậy thì đẹp tuyệt phải không Châu?

    A, câu này hay đấy. Không hiểu sao tôi lại nghĩ ra một câu thú vị và bóng bẩy văn chương như vậy? Có phải khi tỏ tình thì phải nói những câu bóng gió như vậy chăng? Vừa đạp xe vừa nghĩ đến những câu đối thoại với em, nên chẳng mấy chốc tôi đã có mặt ở đường Ðinh Tiên Hoàng. Ðây là cơ sở 2 mà sang năm, bước sang nắm thứ 3 thì chúng tôi sẽ chuyển về đây. Phía trước cổng trường là những vòm cây hoàng diệp rất xinh xắn. Như muốn chứng kiến cho buổi hẹn hò dầu tiên này nên hoàng diệp dã nở những bông hoa vàng nhạt rất đẹp. Trời thì trong veo những nắng, còn tâm hồn tôi thì đầy ắp nỗi rạo rực. Tôi mĩm cười sung sướng. Ðứng trước cổng trường hồi lâu, nhìn sau ngó trước, tôi vẫn chưa thấy Bích Châu đâu cả. Nhìn qua bên kia đường, trong quán nước tôi chỉ thấy những sinh viên Y Dược đang ngồi tán gẫu mà thôi. Vậy Bích Châu ở đâu? Hay là em vẫn chưa đến vì xe hư dọc đường? Tôi lặng lẽ bước qua quán nước mía ngồi đợi vậy. Tôi gọi cho mình một ly thật lớn và chỉ dám hút những điếu Ðà Lạt thôi. Những điếu Khánh Hội ngoan ngoãn nằm chờ đợi trong túi áo, khi Bích Châu xuất hiện thì khói thuốc nầy sẽ bay... Ngồi chừng nửa tiếng đồng hồ, tôi bắt đầu sốt ruột Lúc đó, ngó qua cổng trường tôi lại thấy một gương mặt rất quen thuộc. Tim tôi đập mạnh. Tôi muốn lánh mặt. Nhưng không kịp nữa rồi. Người xuất hiện ấy không phải là Bích Châu mà tôi đang nóng lòng chờ đợi mà chính là... thằng Chánh. Thoáng thấy tôi hắn đã bô bô cái miệng:

    - Ê Lê, mày ngồi làm gì đó?

    Vừa nói hắn vừa dắt xe đạp qua. Lẽ nào sáng nay thằng Chánh cũng về Saigon? Ngồi bên tôi, hắn hỏi:

    - Mày ngồi đây để đợi ai vậy?

    Không trả lời câu hỏi có tính cách soi mói và đụng chạm đến đời tư người khác nên tôi hỏi:

    - Bộ mày về thôi sao? Còn thằng Kiệt, thằng Hương có về chung với mày không?
    - Có, bọn nó lên thẳng Cơ sơ I Nguyễn Văn Cừ rồi. Nhưng tao hỏi lại là mày ngồi đây đợi ai vậy?

    Thằng này dễ chán quá. Sao lúc này nầy nó lại quan tâm đến tôi dữ vậy. Tôi im lặng. Phải đến năm phút sau hắn bỗng nhiên cười rũ rượi và nói “Bằng linh cảm của một người con gái, em nhận ra là anh đã yêu em”.

    - Có phải là em Bích Châu đã gửi thư cho mày như vậy không?

    Tôi ngớ người ra, chưa biết đầu cua tai nheo như thế nào cả, thằng Chánh đã nói tiếp:

    - Thôi thành thật chia xẻ cùng nỗi buồn của mày, thằng Kiệt đã nhờ mấy đứa con gái lớp mình bịa ra bức thư đó. Mày tin thiệt thì mày ráng mà chịu Lê ạ!

    Nghe vậy, tôi nóng bừng mặt. Vậy là đi tong một đoạn đường 15 cây số từ Cơ sở 3 để về đây ngồi đợi Bích Châu trong... tưởng tượng. Sao bọn nó cố tình chọc tôi như vậy? Ôi tình yêu, tình yêu! Tôi cảm thấy nóng mũi nên gây sự với thằng Chánh:

    - Sao bọn mày độc ác như vậy? Ðùa giỡn trên sự đau khổ của người khác thì trời sẽ không dung đất không tha và chắc chắn bọn mày sẽ thi lại môn tiếng Nga và môn chính trị kỳ này. Tao thề sẽ không ở chung phòng với bọn mày nữa, bạn bè mà như vậy thì...

    - Thì sao hở Lê?
    - Thì không phải là bạn tốt chứ sao?

    Thằng Chánh khịt khịt mũi:

    - Bọn tao thương mày nên mới bày ra trò chơi đó. Thôi mày lấy đó làm kinh nghiệm cho mối tình sinh viên đi mày ạ ! Buồn vì tình yêu thì buồn làm gi?

    Không đợi tôi phản pháo lại, thằng Chánh tiếp tục “giảng moral” cho tôi :

    - Con gái kỳ cục lắm, khi mình theo đuổi toát mồ hôi hột thì nó chẳng thèm đoái hoài đến đâu, ấy thế mà khi mình giả lơ đi một chút thì các em sẽ “tấn công” mình tới tấp. Bây giờ tao mới nói thật “bí quyết” cho mày đó Lê ơi!

    Không biết bí quyết đó có đúng bao nhiêu phần trăm, nhưng khi nghe giọng nói có vẻ thành thật nên tôi cũng nguôi ngoai dần. Những năm tháng thanh xuân của mình, có bao giờ tôi được trò chuyện với một người bạn gái đâu. Năm mười tám tuổi tôi đi thanh niên xung phong – lúc đó chiến tranh Tây Nam bùng nổ, được đọc những bài thơ, những tiểu thuyết viết về chiến tranh và quê hương tôi thấy hấp dẫn quá nên làm đơn tình nguyện vào hàng ngũ thanh niên xung phong. Thời đó sao mà đẹp vậy?

    - Này Lê, tao hỏi thật là từ trước tới nay mày chưa tán tỉnh cô nào phải không?
    - Ðúng vậy !
    - Tao thành thật khuyên mày, cứ thực hiện câu này “nhất cự ly nhì cường độ” thì sẽ thành công với em Bích Châu. Khi yêu phải biết kiên nhẫn mày ạ! Kiên nhẫn là một đức tính tốt. Mày cứ kiên nhẫn làm thơ thì một ngày nào đó thơ mày sẽ được đăng báo thì em sẽ đọc. Khi em đã đọc thì em sẽ xúc động ghê gớm, là coi như mày đã nắm lấy trái tim em trong lòng bàn tay của mình. Chúc mày thành công...
    - Nhưng rủi không thành công thì sao?
    - Không thành công thì tao sẽ có cách giúp mày kiểu khác. Mày hãy tin tao đi Lê ơi!
    - Tao chưa hề thấy mày có người yêu sao mày rành tâm lý phụ nữ quá vậy?

    Thằng Chánh đốt thêm một điếu thuốc nhả khói lên trời rồi nói:

    - Tao nói thật với mày rằng: Không phải tao chưa có người yêu mà tại tao chưa muốn đó thôi: Còn chuyện rành tâm lý phụ nữ thì dễ như ăn ốc. Chỉ cần mày chịu khó nghiên cứu triết học thì mày sẽ có chiếc chìa khóa vạn năng trong tay...

    Chiếc chìa khóa vạn năng ấy công dụng đến cỡ nào tôi chưa biết, nhưng thiệt tình là tôi nguôi giận và tự mình tự chủ một câu rất “cổ điển”:

    - Thất bại là mẹ của thành công phải không Chánh?
    - Thôi bọn mình lên cơ sở 1 rủ thằng Kiệt, thằng Hương ra quán bà Cả Ðọi ăn cơm trưa nghe Lê.
    - Ừ, đành vậy chứ còn biết chờ em Bích Châu đến bao giờ...

    Nghe tôi nhắc đến Bích Châu thằng Chánh lại phá lên cười “Bằng linh cảm của một người con gái em nhận ra anh đã yêu em”. Ha, ha, ha...

    Tiếng cười khoái trá của thằng Chánh còn ám ảnh tôi đến lúc vào quán ăn bà Cả Ðọi. Ðây là quán ăn nằm khiêm tốn trên đường Ðồng Khởi, mà giới sinh viên rất khoái. Món ăn ngon nhưng giá tiền lại rẻ hoàn toàn phù hợp với túi tiền của sinh viên và giới lao động bình dân. Bọn tôi leo lên gác ngồi ăn cho bảnh.


    Sau bữa cơm ngon lành như vậy, chúng tôi kéo nhau vào rạp Bến Thành. Lâu lâu mới có dịp về Saigon nên chúng tôi tranh thủ thời gian để tận hưởng những gì mà trong đời sống tinh thần thiếu thốn. Hơn thế nữa, cả bốn thằng đều không có nhà bà con cư ngụ tại thành phố nên lúc nào cũng chọn rạp chiếu bóng làm nơi nghỉ trưa. Ở đó thật thuận tiện. Chúng tôi vừa có nước rửa mặt, vừa có ghế nằm dài nếu thức thì mở mắt ra xem phim, còn không thì cứ việc... ngáy khò khò. Chẳng phiền toái đến ai. Bữa trưa đó, chúng tôi chọn bộ phim Hòn Ðất. Tác phẩm này thì tôi biết quá rồi, từ hồi học trung học tôi đã đọc. Thế là tôi nằm ngủ một giấc, lấy lại sức cho đôi chân đạp từ ký túc xá về đến Saigon. Tôi đang thiu thiu ngủ thì thằng Chánh đập vào tay tôi:

    - Phim cũ mèm. Bọn mình kéo nhau lên nhà Phong Lan dự sinh nhật em gái nó cho vui đi.
    - Nhưng nhà Phong Lan ở đâu, đứa nào biết ?

    Thằng Kiệt nói:

    - Nhà Phong Lan thì tao vào một lần rồi, bên hông ký túc xá trường đại học Sư phạm có một cái hẻm nhỏ, cứ đi vào đó chừng mươi cái nhà là đến thôi...

    Vừa đi chúng tôi vừa trao đổi với nhau những suy nghĩ về bộ phim đã xem. Ấn tượng lớn nhất mà đứa nào cũng đồng ý là một bộ phim màu rất đẹp. Chỉ có vậy thôi. Ngoài ra chẳng có đứa nào nhớ gì thêm. Vừa đến nhà "Trưng bày tội ác chiến tranh" thì xe tôi nổ lốp. Tôi bảo mấy đứa cứ đi trước khi nào vá xong xe thì tôi sẽ đạp theo sau. Do đó tôi đến nhà Phong Lan chậm hơn nửa tiếng đồng hồ - so với bọn thằng Chánh. Không còn mặt mũi nào ung dung đi vào cổng trước nên tôi đã lẻn vào cổng sau, tức là đi vòng qua sau bếp. Ðiều bất ngờ đã xảy ra cho tôi. Trời ơi! Cám ơn cái giây phút hiếm có này. Trong lúc trên nhà bạn bè đang cười nói với tiếng nhạc xập xình vọng lại rất êm ái "Anh đi sinh nhật em với cây đàn ghi ta, anh đi sinh nhật em không có bánh và không hoa, anh đi sinh nhật em chỉ có bản tình ca, chỉ có trái tim yêu đang ca hát rộn ràng là lá la..."(Nhạc Diệp Minh Tuyền).

    Tôi phải sửng lại vì bắt gặp một hình ảnh đáng yêu. Một cô gái khoảng tròn đôi mươi đang rón rén mở lồng bàn, và nhanh như chớp cô ta cho ngay cái đùi gà lên miệng nhai ngấu nghiến.

    - Ê, giơ tay lên! Bắt quá tang đang ăn vụng đấy nhé!

    Cô ta cũng láu lỉnh không kém:

    - Thứ nhất ăn vụng mới ngon

    Thứ nhì ai dám đến hôn mới tài

    Cô này quỷ quái quá sức. Ðến mức này thì tôi đành chịu thua và lẳng lặng lên nhà như người lịch sự nhất. Không biết lúng ta lúng túng thế nào tôi lại ngồi ngay cái ghế của cô gái ăn vụng dưới bếp. Năm phút sau cô gái ấy lên và ngồi cạnh tôi. "Lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy", tôi ngồi bên cạnh cô ấy và cảm thấy có cảm tình giọng nói của cô bạn mới quen này. Cô ta thủ thỉ:

    - Anh biết không, ăn vụng đích thực là một nghệ thuật tuyệt với nhất trên đời này. Phàm món ăn còn nghi ngút khói, nếu ta dũng cảm cho vào mồm thì mới tật hưởng được cái thơm ngon béo bổ như thế nào. À anh có biết ăn thịt chó không nhỉ ?

    Cô này sao lạ vậy ? Chưa hề biết tên tuổi nhau thì đã hỏi lung tung tí mẹt. Tôi đưa mắt cầu cứu bọn thằng Chánh thì chúng nó lờ đi - coi tất cả bình yên như vại, chẳng có gì đâu mà ầm ĩ. Tôi còn ngúc ngắc chưa biết trả lời ra sao thì cô ta đã phán ngay:

    - Những ai sống ở trên đời

    Không ăn thịt chó là đời bỏ đi.

    Thiệt hết biết. Thơ thẩn kiểu này thì ai mà chịu được. Vốn là một sinh viên khoa văn nên tôi đành lịch sự ầm ừ cho qua chuyện. Nhưng cô ta quyết không buông tha tôI:

    - Thịt chó rất nhiều chất bổ dưỡng anh ạ! Khi còn riu riu trên bếp, mở nắp vung nhìn miếng thịt chó còn "đỏ mặt trời tiềm thức" thì anh sẽ mê ngay. Và nếu nhanh tay bốc ngay một miếng ném vào miệng thì anh sẽ vô cùng phấn khởi. Ăn như vậy mới là người sành ăn phải không anh ?

    Khổ quá, tôi biết làm sao hơn, đành ngồi chịu trận. Như bắt được tri kỷ trăm năm về chuyện này nên cô ta tiếp tục liến láu:

    - Ăn vụng như vậy thì mới thú nếu dọn lên mâm thì khi ấy đã nguội, ruồi bay vo ve rất mất vệ sinh phải không anh ?

    Do thấm nhuần những lời khuyên răn của bọn thằng Chánh - phải nắm bắt lấy tâm lý của phụ nữ - nên tôi không thể không đồng ý được. Tôi đành gật đầu, gật gù tán thưởng mặc dù muốn lộn ruột về chỗ ngồi oái oăm này. Khi tàn buổi tiệc của em gái Phong Lan, mọi người lục tục đứng ra về thì cô ta lại quyết bám lấy tôi để bàn về nghệ thuật... ăn vụng. Không lẽ từ chối yêu cầu của một cô mới quen ? Không muốn làm một thằng ngu nên tôi bấm bụng mà đồng ý. Chúng tôi đạp xe về hướng sông Saigon. Nhờ vậy tôi mới biết được tên cô ta là Kim Loan, tốt nghiệp lớp mười hai nhưng thi rớt đại học nên ở nhà phụ với mẹ bán quán cơm bình dân trước cổng trường Ðại học Sư Phạm. Tôi, Kim Loan và thằng Kiệt đạp xe lên trước. Còn thằng Chánh và thằng Hương đạp xe theo sau. Về chiều, dường như những ngọn gió sau một ngày lang thang cũng muốn trở về nên tôi thấy gió nhiều hơn. Ngước mắt nhìn lên trời tôi thấy vòm trời màu tím than, thỉnh thoảng được đính lên đó những ngôi sao bé tí teo... Tất cả những điều ấy tạo cho người ta chỉ muốn nói chuyện tình tự với nhau, chứ đừng nên dại dột tranh luận một điều gì cả. Nếu sa đà vào chuyện tranh luận thì anh sẽ không thấy được những chiếc lá me kia dang rơi... Nó rơi hững hờ lại cố tình lơ lững trên không. Và Saigon lạ lùng những bát ngát vòm me xanh, tôi cảm tưởng như trời đang nắng lại dịu mát vô cùng. Nhưng hỡi ôi! Kim Loan không hề đoái hoài đến những ý tưởng viễn vông như vậy.

    - Em quen với chị Phong Lan lâu lắm rồi. Từ ngày còn học ở trường Trung học Lê Hồng Phong kia. Chị Phong Lan rất thích em, vì tính em nhí nhảnh, có sao nói vậy chứ không để tâm để bụng như người khác đâu. Anh Lê nè, hồi nãy anh thấy em ăn vụng dưới bếp anh có cười em không ? Chỗ thân tình với gia đình chị Phong Lan nên em mới vậy, chứ đâu có gì đáng trách phải không anh?

    Tôi chưa kịp nói gì, còn thằng Kiệt chẳng biết ất giáp gì vội hùa vào:

    - Ừ đúng đó anh thấy em nhí nhảnh rất đáng yêu. Người con gái mà mặt mày lúc nào cũng cau có thì ai mà thích làm quen, đúng không Loan ?
    - Dạ, em cũng thấy như vậy. Nhưng ngược lại em rất ghét khi thấy những ông mãnh mà mặt mày lúc nào cũng lạnh như cà rem...

    Không biết vô tình hay hữu ý mà Loan nói như vậy. Tôi cảm tưởng như cô ta đang chơi trò hú tim gì đây. Lúc này tôi chợt nhớ đến Bích Châu ghê gớm. Nỗi nhớ buộc tôi im lặng để tan vào vùng cảm giác đó. Chiều chủ nhật này, cùng bạn bè đi lang thang như thế này, bất giác tôi mơ ước có Bích Châu cùng đạp xe đi như chúng tôi. Chao ôi! Khi ấy em sẽ líu lo như con chim chích chòe trò chuyện với tôi, chúng tôi sẽ nhắc nhở lại kỷ niệm thuở xa xưa. Tôi sẽ hỏi:

    - Giàn hoa giấy trước hiên nhà em là do ai trồng vậy ? Có phải ba em trồng không ?

    Mình sẽ nói tiếp:

    - Giành hoa đó râm mát thiệt, anh ước chi mỗi chiều được ngồi ở đó chơi đàn ghi ta thì hay biết bao nhiêu.

    Không cần em phải trả lời mình, mình sẽ cố tình hát khe khẽ "Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu ? Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám, thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu là lá là...(Thơ Ðỗ Trung Quân, Vũ Hoàng phổ nhạc).

    Tỏ tình bằng âm nhạc như vậy thì còn gì thú vị hơn ? Tôi lan man suy tưởng, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng nghe được những lời hoa mỹ của thằng Kiệt dành cho Kim Loan.

    Bộ hắn ta đã bị "tiếng sét tình yêu" chạm đúng vào ngay trái tim rồi sao ? Có lẽ vậy, nên tôi nghe hắn nói bằng cái giọng thiệt thà:

    - Anh thấy em giống cô bạn học lớp anh mà anh rất có tình cảm.
    - Giống là giống như thế nào hở anh ?
    - Anh nói là gương mặt, tính tình và cách nói chuyện cũng giống em vậy.

    Cô ta cũng thiệt thà như thằng Kiệt.

    - Ừ, hai người không quen biết nhau mà lại giống nhau như vậy thì lạ quá hén ?
    - Lạ nhưng cũng không lạ lắm đâu Loan ơi! Em thì còn trò chuyện với anh, còn cô ấy ghét anh như ghét bệnh dịch tả. Cho nên anh không có cảm tình với cô ta chút nào...
    - Anh nói xạo để lấy lòng em.
    - Không, anh nói thật mà... Em không tin thì hỏi anh Lê là biết liền hà.

    Tôi thoáng nghe như vậy vội rút lui ngay. Tôi giả vờ đạp xe chậm lại, nhường cho hai tâm hồn đồng cảm được thoải mái đi trước. Vậy là tôi đi chung với thằng Chánh, thằng Hương. Lúc này tôi mới biết là hai thằng còn đang tiếp tục bình luận về bộ phim đang coi trưa nay.

    Năm đứa tôi kéo vào quán cà phê cuối đường Hai Bà Trưng để giải khát. Thằng Kiệt vui vẻ hoạt bát hẳn lên. Thằng Chánh và thằng Hương sẽ không hiểu được động cơ nhiệm mầu nào đã làm cho thằng Kiệt thay đổi như vậy. Quán cà phê này rất đáng yêu, bởi phía trước có trồng khá nhiều bụi trúc và nhìn xa xa một chút là tượng đúc Trần Hưng Ðạo uy nghi... Dòng xe cộ xuôi ngược đến là vui mắt. Bà chủ quán nói rặt một giọng Nam Bộ:

    - Mấy chú uống gì đây ?

    Tôi vốn là dân miền Trung, nhưng mấy năm theo học ở Saigon tôi bỗng nhiên mê giọng nói của họ một cách lạ lùng. Ngày xưa, ngày tôi còn nhỏ, tôi còn nhớ ông dượng - chồng bà dì ruột tôi - thường xuyên đi Saigon. Với tôi Saigon là một địa danh, một vùng đất xa vời vợi mà tôi không thể hình dung nổi, họ sống họ sinh hoạt như thế nào cả. Ở quê tôi mỗi lần có người đi Saigon là cả xóm vây quanh đến hỏi "tình hình trong nớ" ra sao! Có người còn giữ được giọng Quảng Nam, nhưng cũng có người cố tình nói theo giọng Saigon. Kỷ niệm tôi còn giữ lại trong ký ức là có lần ông dượng tôi nói bằng giọng hai miền cộng lại: "Tao vào trỏng đi xe buýt sướng dễ sợ, xe chạy vù vù... Tao vào trỏng uống la-de và ăn mì xồ". Lẽ ra nói mì xào thì ông dượng tôi lại nói "mì xồ" rặt Quảng Nam nên mọi người cười như nắc nẻ. Dù sao, cái đáng quý là đi đâu, đến đâu, những người của mỗi vùng vẫn giữ lại được giọng nói của mình. Nghe bà chủ quán nói vậy, thằng Kiệt đã láu táu trả lời:

    - Dạ, dì cho bọn cháu xin năm ly trà đá.

    Bà chủ quán và Kim Loan cười ồ lên. Loan vội nói đỡ lời:

    - Thông cảm dì Hai ơi! Mấy ảnh là sinh viên nên quen uống trà đá hơn là cà phê...

    Kim Loan đã nói đúng. Với đồng tiền ít ỏi của học bổng và tiền viện trợ thất thường của gia đình đã tập cho chúng tôi dễ dàng quên đi những thói quen cần thiết. Có Kim Loan, vậy là chúng tôi đã có thêm một người bạn mới. Cô ta liếc nhìn Kiệt và nói:

    - Em quen với mấy anh rất tình cờ, nhưng biết mấy anh là bạn của chị Phong Lan nên em rất mến. Má em bán quán cơm cho sinh viên, lúc nào bả cũng cho sinh viên ký nợ. Năm sau mấy anh về dưới nầy học thì ghé đến quán má em ăn cho vui. Má em bán rẻ lắm...

    Bằng sự thông minh đột xuất, thằng Chánh buột miệng:

    - Ngay từ bây giờ má em có cho bọn anh ký nợ không ?
    - Em sẵn sàng...

    Vừa nói xong, Kim Loan đã rút lấy cây bút trong túi áo thằng Kiệt và lật tay thằng Kiệt lên để ghi địa chỉ vào đó. Ðịa chỉ mà những lần sau về Saigon chúng tôi có thể... ký nợ. Thật là một dịp may hiếm có đã xảy ra trong buổi chiều tốt đẹp này. Ngồi nói chuyện với nhau chán chê, có lẽ muốn tỏ sự "uyên bác" nên thằng Kiệt mới bày ra trò chơi đố nhau. Cái khó của trò chơi này là phải tìm ra một câu nói khá thông dụng, có thể là tên phim hoặc tên quyển sách nào đó để định nghĩa một địa điểm nào đó trong đời sống sinh viên. Kim Loan có lẽ khoái trò chơi này, cô ta hưởng ứng nhiệt tình. Mở đầu thằng Kiệt đố:

    - Phòng ăn ký túc xá ?

    Thằng Chánh trả lời:

    - Nơi gặp gỡ của tình yêu.
    - Không được, ăn uống có cái quái gì đâu mà yêu với đương.
    - Vậy tấn thảm kịch sau buổi đi săn.
    - Tạm được.

    Nhưng Kim Loan vội phản bác:

    - Như vậy chưa hay lắm theo em phải nói đó là nơi mà mọi người tìm ngọc trong đá mới đúng.
    - A! Loan cũng thông minh đấy.

    Thằng Kiệt reo lên như vậy. Ðây là tên một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ðông Thức mà thằng Kiệt khoái lắm. Và nó đố tiếp:

    - Giảng đường của sinh viên ?

    Ðối với tôi, đó là nơi tôi đang mỏi mòn vì tình cảm của Bích Châu nên trả lời:

    - Con đường đau khổ.

    Thằng Hương không đồng ý vậy:

    - Những con chim ẩn mình chờ chết.

    Thằng Chánh vội hét lên:

    - Ðịnh nghĩa như vậy là bậy. Theo tao phải nói là tự thú trước bình minh mới đúng. Bọn mày tưởng tượng có đúng vậy không ?

    Mấy đứa gật đầu đồng ý.

    Thằng Kiệt lại đố tiếp:

    - Phòng ngủ của sinh viên trong ký túc xá ?
    - Ngôi nhà của những hồn ma.

    Kim Loan lắc đầu:

    - Anh Hương nói chi mà ghê quá, không được đâu.

    Mọi người im lặng một hồi Kim Loan mới nói tiếp:

    - Theo em là nên định nghĩa phòng trọ ba người, như vậy mới đúng hơn.

    Cô nầy cũng đọc khá nhiều sách đấy. Quyển truyện này của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi đã có lần đọc qua nên thấy định nghĩa như vậy là đúng mức. Thằng Kiệt liên tục vỗ tay để lấy lòng Kim Loan, và nó lại đố:

    - Xin lỗi Kim Loan nhé! Anh phải đố thêm cái này mới thú vị, biết đâu chúng ta sẽ tìm được lời giải đáp tuyệt vời nhất. Nè Lê, mày đồng ý không ?
    - Tao chưa biết mày định đố cái gì mà đồng ý với không đồng ý, mày thử nói đi.

    Thằng Kiệt vẫn làm ra vẻ quan trọng.

    - Tao đố cái nầy nhưng bọn mày không được bịt mũi đấy nhé.

    Kim Loan chen vô:

    - Anh Kiệt nói chi mà ghê quá!
    - Không có chi ghê đâu. Vậy... mùi WC trong ký túc xá gọi là gì ?

    Kim Loan ngúng nguẩy:

    - Thôi, đố chi mà ghê. Em không tham dự vào câu này.

    Thằng Chánh vốn mê nhạc nên liên tưởng ngay:

    - Hương thầm.
    - Chưa xuất sắc lắm.

    Thằng Hương đáp theo:

    - Hương tình yêu.

    Thằng Kiệt tiếp tục gạt ngang:

    - Sự liên tưởng thô thiển.

    Tôi trả lời:

    - Ðể tưởng nhớ mùi hương.
    - Trả lời lạc đề. Không được.
    - Vậy thì Hương tóc.
    - Lại càng không được, bài thơ của Nguyễn Thái Dương thơ mộng lắm, thôi mày đừng nói nữa, để thằng Chánh trả lời thử coi.

    Thằng Chánh làm ra vẻ suy nghĩ lung lắm, rồi đáp:

    - Tao chịu thua. Chỉ còn cách là... là hoa sứ nhà nàng!

    Từ nãy giờ ngồi im lặng, nghe vậy, Kim Loan vỗ tay lốp đốp tán thưởng. Thằng Kiệt nầy ngu thật - hắn ta chỉ cần thấy Kim Loan vỗ tay như vậy thì đã gật đầu:

    - Ðúng, đúng tao cũng nghĩ vậy đó Chánh ạ.

    Buổi chiều lan dần xuống. Những ánh nắng vàng rải xuống dòng sông phía trước. Một ngày chủ nhật thú vị sắp trôi đi qua. Tôi ngồi tư lự một mình. Một ngày đi qua rất nhanh, mới đạp xe từ ký túc xá về Saigon, vậy mà sắp hết một ngày. Bích Châu đâu tôi chẳng thấy. Tôi cảm thấy một nỗi buồn vô cớ len lén bước vào ngăn tim hiu quạnh của mình. Chỉ riêng thằng Kiệt, tôi biết, hắn đang đến với một niềm vui mới. Ðiều nầy chắc hẳn thằng Hương, thằng Chánh cũng đã cảm nhận được. Và chiều dần xuống. Gió thổi lao xao qua mái tóc dài của Kim Loan. Chúng tôi chia tay nhau. Bốn thằng học cùng lớp, ngủ cùng phòng lại tiếp tục đi song đôi nhau về lại ký túc xá. Chúng tôi đi dọc theo đường Tôn Ðức Thắng. Những chiếc lá rơi vật vờ như cũng luyến tiếc một ngày đã đi qua...


    Xem tiếp phần III

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X