Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đoạn Cuối Chuyện Tình

Collapse
X

Đoạn Cuối Chuyện Tình

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đoạn Cuối Chuyện Tình

    Đoạn Cuối Chuyện Tình

    Hồ Thị Triều Lam


    Nàng nhìn ra cửa sổ, những hạt tuyết mỏng có hình cánh hoa thật đẹp đang lất phất rơi nhè nhẹ trên bầu trời giăng mây xám.

    Cả thành phố phủ một màu trắng tinh khiết, trắng từ nóc nhà đến ngọn cây, không một bóng xe qua lại, khung cảnh im vắng, buồn bã như đang cùng cảnh ngộ với ai đó… và bên trong nhà, tiếng lửa tí tách reo từ một lò sưởi đang chập chùng nhảy múa. Trong phòng thật ấm cúng nhưng vẫn thiếu bóng một người. Nàng chợt thở dài…đã bao nhiêu mùa Thu, bao nhiêu thay đổi, nàng vẫn không ngừng nghĩ đến chàng, một nam sinh trường trung học Pétrus Ký, Sài Gòn và nàng, một nữ sinh trường Nữ trung học Lê Ngọc-Hân, Mỹ Tho tỉnh nhỏ, cách Sài Gòn khoảng 65 km.

    Thuở đó, Ba nàng đã mua một căn nhà ở góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng để các anh chị nàng tiện việc học hành. Những ngày nghĩ lễ và cuối tuần rảnh rổi, đệ Tam “chơi nhiều hơn học”, nàng thường đáp xe lô Minh Chánh lên Sài Gòn thăm các cháu, con của bà chị thứ Ba, nhỏ hơn nàng vài tuổi. Định mệnh đã sắp đặt cho 2 người gặp nhau (Tình Cờ Ta Gặp Lại, xh, ĐS NDCLNH 2005) và mối tình học trò đã nẩy nở khi nàng gặp chàng vào mùa Noel 1968, tại Sài Gòn. Tiếng nhạc mừng Chúa sinh ra đời lẫn tiếng chuông nhà thờ vang khắp phố hòa lẫn với nhịp đập của tim người con gái biết yêu lần đầu… Chàng thường chở nàng trên chiếc xe Suzuki màu đen lang thang trên đường Tú Xương, Duy Tân, Phan Đình Phùng… đôi khi chàng chạy lạc vào khu nhà xác để được nàng... ôm thật chặt vì …sợ ma. Chàng thường ghé nhà nàng sau buổi học vất vả, hai người cùng lên sân thượng ngắm hoa. Nơi đây, chị nàng trồng hoa hồng đủ màu, nàng thích nhất là màu đỏ bordeau, chàng thích màu vàng anh và cùng say mê ngắm những nụ hoa sắp nở. Khi bóng hoàng hôn từ từ chìm xuống thì bên kia đường có tiếng chuông nhà thờ đổ lẫn tiếng đọc kinh của những người con của Chúa. Tuy nàng đạo Phật nhưng khi nghe tiếng kinh cầu, tim nàng như hòa lẫn với hồi chuông vang đều khắp nơi.

    Rồi thơ qua lại, hàng tuần chàng gởi cho nàng đều đặn 3 lá thơ màu xanh hy vọng của tuổi học trò kèm theo những bài thơ trử tình của Xuân Diệu, Nguyễn Bính. Thắm thoát đã đến ngày thi, chàng đậu “Bình”, đạt được kết quả vẻ vang, mang lại niềm hảnh diện cho trường trung học Pétrus Ký nhưng Má chàng không hài lòng cho lắm vì Tú Tài I, chàng đã đậu hạng Ưu. Cũng là thời điễm chàng sẽ từ giã nàng lên đường du học vào tháng 11 năm 1969, với bộ vest mới may ở tiệm “Xuân”, đặc biệt với vải lót bên trong áo đều mang tên nàng. Nàng ở lại, hàng ngày nâng niu chiếc nhẫn trên tay có khắc tên chàng và nàng, “MX”, với lời hứa 4 năm sau sẽ trở về khăn quả đến nhà nàng.

    Chiến tranh càng lúc càng nặng nề hơn với mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Nàng tiếp tục lên học đại học ở Sài Gòn, hàng ngày nàng lang thang trên con đường Tú Xương nhiều kỷ nịêm, đi đâu cũng thấy hình bóng của chàng và nàng đang tình tự, nàng cố gắng từ chối những người theo đuổi để chờ đợi chàng nhưng chàng đã bặt tin! Ba nàng hối thúc nàng lấy chồng vì theo Ba nàng, người con gái như một bông hoa mới nở rồi chóng tàn. Nàng là con gái út nên có rất nhiều đám nói, những người nầy nàng chưa bao giờ biết mặt nhưng họ vẫn vui vẻ đem trầu cau đi hỏi. Nàng đã làm Ba nàng buồn không ít. Có khi đang đi học ở Sài Gòn, Ba nàng gọi nàng về Mỹ Tho gấp. Nàng vội vã đón xe lô về nhà thì Má nàng cho biết có người sẽ đến nhà xem mắt nàng nên thúc dục nàng chuẩn bị nghênh đón đàng trai. Ngồi đối diện với người đàn ông “tương lai” mà nàng luôn nghĩ đến chàng, thật phiền muộn: “Anh ơi! Cứu Em với!”. Nàng đối đáp rất nhẹ nhàng nên họ càng tin tưởng và hy vọng hơn, biết làm sao bây giờ! Khi chia tay ở đầu ngỏ, nàng đã nói với người đàn ông đó:

    “Xin lỗi anh, tôi đã có …bồ”.

    Không muốn nhìn vẻ mặt thất vọng của người ta nên nàng vội quay gót đi thật lẹ. Rồi thêm lần nữa…sau khi nàng từ chối với người đem rượu đến, để anh chàng không thất vọng, nàng chỉ anh ta đến nhà con bạn học, con gái một chủ tiệm vàng gần nhà nàng, bạn nàng la ơi ới:

    “Sao chị đem của thừa giao cho em?”.

    Nàng đành cười trừ:

    “Vì ông nầy… lùn, xứng với bạn hơn!” (cô bạn nầy hiện đang có chồng là BS, tiểu bang Arkansas).

    Sau đó, mỗi lần Ba nàng gọi về Mỹ Tho, nàng không chịu về nữa… Cuối cùng, Ba nàng nhắn rằng Ba bịnh, nhớ nàng, phải về nhà gấp. Nàng vội vã khăn gói ra bến xe lô. Vừa bước chân vào cửa, thì Má nàng, vẫn một câu nói:

    “Con chuẩn bị, có người tới hỏi”.

    Người đàn ông “tương lai” của nàng kỳ nầy gặp vận xui. Nàng hầm hầm cầm chai rượu để xuống bàn thật mạnh:

    “Xin lỗi anh, thời đại nầy là thời đại gì? Tui không biết anh, tại sao anh nghĩ là tui sẽ bằng lòng lấy anh mà anh đem rượu tới?”.

    Anh chàng…xanh mặt…rút lui “có trật tự” (sau nầy, em chồng nàng đã gặp người nầy ở tiểu bang Texas, quả đất thật có chút tròn tròn!).

    Người đi vẫn mất dạng…nàng ở lại chờ chờ đợi đợi…nhưng rồi thương cha mẹ già yếu, nàng đành chịu sự sắp xếp của gia đình, kéo dài thời gian cho đủ 4 năm chờ đợi chàng mới chịu lên xe hoa, đúng ngày chàng từ giã nàng đi du học, ngày 3 tháng 11 năm 1973.


    “…Đời một người con gái,
    ước mơ đã nhiều,
    Trời cho không được mấy,
    đến khi lấy chồng,
    chỉ còn mối tình mang theo…”.

    (Bài không tên số 2/Vũ thành An)



    Một ngày trước khi lên xe hoa, nàng đem hộp thơ tình đã ngã vàng theo năm tháng lên sân thượng nhà nàng, nàng mở ra đọc kỹ lại từng lá thơ một, bao nhiêu kỷ niệm, bấy nhiêu tình! Đây là tấm hình Phong chụp 2 đứa ở Vương Cung Thánh Đường, chàng yêu cầu nàng mặc chiếc áo dài màu đỏ Fusia đầu tiên trong cuộc đời, vì thời đó nàng chỉ thích mặc những chiếc mini jupe cho phù hợp với người con gái ở tuổi 17, hai đứa cười rất vô tư và hạnh phúc. Nàng nhìn hàng chữ của người xưa mà đau xót cho cuộc chia ly không ngày trở lại, tất cả sẽ là đống tro tàn, những giọt nước mắt cuối cùng nàng dành cho chàng cũng sẽ tạm ngưng, và mối tình nầy sẽ theo nàng suốt đời trong trái tim nhỏ bé.

    Năm 1975, theo dòng người lũ lượt tìm tự do, nàng cùng chồng vượt biên đến vịnh Subic Bay (Phi Luật Tân) sau 22 ngày lênh lênh trên biển, qua đảo Guam, cuối cùng là trại tỵ nạn Fort Chaffee (Arkansas) rồi định cư tại một vùng hẻo lánh tại Seneca, Kansas.

    Mãi đến năm 1980, sau khi gia đình nàng “trả nợ ân tình” cho những người bảo trợ, lại một lần nữa, nàng cùng chồng khăn gói về miền Nam California lập nghiệp. Lúc đó, vùng nầy vẫn còn thưa thớt những người Việt tỵ nạn. Mỗi ngày nàng bỏ con gái nhỏ 3 tuổi vào nơi giữ trẻ rồi vào trường đại học để làm lại cuộc đời sinh viên thuở nào. Có lúc nàng cần vào lab học, chồng nàng bận đi làm, nàng đem con gái vào lớp, xin phép ông thầy cho con bé ngồi kế bên, để nàng “run” program. Con bé ngoan ngoản ngồi học theo mẹ rồi ngũ quên trên bàn viết lúc nào không hay. Thời gian trôi qua đều đặn…cho đến năm 1997, chồng nàng lâm bịnh nặng, năm 2004 thì mất, để lại nàng và 2 đứa con, một con gái 25 tuổi, vừa xong Master về Business ở trường Đại học Duke University, North Carolina và một con trai 18 tuổi, năm thứ hai Đại học UC Berkeley, CA. (năm 2010, cháu đã được nhận vào trường Y khoa UCI Medical Center, CA).


    Người ngỡ đã quên đi
    Như lòng cố lạnh lùng
    Người ngỡ đã xa xăm
    Bỗng về quá thênh thang…

    (Tình Nhớ/Trịnh Công Sơn)


    Đã bao năm qua, từ ngày chồng nàng mất, nàng không ngừng nhớ đến chàng và tự hỏi chàng có bao giờ nhớ đến nàng không? Trong thâm tâm nàng vẫn chưa bỏ cuộc tìm kiếm chàng. Cứ mỗi lần nói chuyện qua Skype với ông anh bên Đức, nàng đều nhờ ông anh tìm chàng dùm nàng nhưng ông anh làm lơ vì anh biết rằng chàng đã lập gia đình, đang yên vui, và hạnh phúc.

    Năm 2007, có một lần, trong lúc nói chuyện với cậu em bà con bên Đức, cũng là cựu học sinh Pétrus Ký, nàng chợt nhớ đến chàng, tim nàng thổn thức…một chút gì đau nhói, một chút gì tự ái, rồi thôi, rồi lại bừng lên, nhớ chàng quay quắt…nàng lẩm nhẩm đếm, 1969-2007, đã 38 năm mình xa nhau. Và rồi cuối cùng qua trung gian người em nàng đà tìm ra tung tích của chàng.

    Nàng bàng hoàng…chàng đang ở nước Mỹ, ở cách nàng vài tiểu bang, 2 ½ giờ bay. Nàng liền gọi ông anh nàng bên Đức hỏi cho ra lẽ. Thì ra, năm 1979, khi anh nàng vượt biên từ Mỹ Tho, được tàu Đức vớt, và kéo tàu anh nàng về Đức Quốc. Anh nàng đã gặp chàng trong trại tỵ nạn, trong đám sinh viên thông dịch (có lẽ chàng đã biết rằng tàu tỵ nạn nầy vượt biên từ Mỹ Tho chăng?). Năm 1980, chàng đến thăm nhà anh nàng ở Gottingen, anh nàng đã đem chàng xem tấm ảnh nàng chụp cùng đứa con gái 2 tuổi và cho biết rằng nàng đã có chồng, là BS họ Trần, hiện gia đình đang ở California, Hoa Kỳ. Vài năm sau đó, chàng tìm cách di cư qua nước Mỹ sinh sống và cố gắng tìm nàng qua danh sách tất cả BS Việt Nam họ Trần ở vùng Nam California nhưng biển người mênh mông, bóng chim tăm cá…biết đâu mà tìm! Chàng rất sợ nghe tiếng chuông nhà thờ. Mỗi khi đi ngang qua cửa tiệm bán nước hoa, lòng chàng chùn xuống khi tình cờ ngửi được mùi nước hoa khi xưa nàng thường dùng.

    …Thế rồi, ngày nào nàng cũng mở internet ít nhất một lần để nhìn chàng và thầm cám ơn thế giới tiến bộ ngày nay, cám ơn người đã phát minh ra computer, không như thời 1969, không có email, không có cell phone, cách liên lạc duy nhất là viết thơ, tờ giấy mỏng, màu xanh da trời mang cho người ta nhiều hy vọng, và phải đợi cả tuần thơ mới đến.

    Có những buổi chiều, ở thành phố nhỏ thụôc tiểu bang Colorado, nàng ngồi lặng thinh, cô đơn, lẻ loi trên triền núi. Nhìn hàng hàng lớp lớp những cây thông lớn nhỏ, nàng bỗng yêu núi rừng chi lạ…mỗi khi một cơn gió vờn qua, thông reo…thì thầm bên tai nàng, như những buổi tối, nàng và chàng ngồi nhỏ to trên sân thượng nhà nàng.


    Ta ngồi bó gối lặng yên,
    Tháng Ba hiu hắt cao nguyên thoáng buồn,
    Người đi mất dấu muộn phiền,
    Xanh xao tình đã chao nghiêng giấc nồng,
    Mang theo nỗi nhớ mênh mông,
    Trời buồn mưa đỗ hai hàng lệ rơi…


    Tháng nầy qua tháng kia, nàng do dự…mãi đến năm 2010, không biết lý do nào thúc đẩy, sau khi “dạo” web để nhìn chàng, nàng hít một hơi thật dài để lấy can đảm viết email cho chàng…lỡ người ta trả lời: “Đừng làm phiền tôi đang có một mái ấm gia đình” thì nàng tính sao? Nàng “cắn” móng tay suy nghĩ “thật chín chắn”…cho đến khi không còn móng nào dư ra để nàng cắn, nàng cũng còn cảm thấy chưa “chín chắn” cho lắm!

    Bây giờ là tháng 5, khí hậu Colorado đã thay đổi hẳn ra, nàng có thể cảm giác được mùa Xuân quanh quẩn đâu đây. Nàng liền lái xe vòng lên núi trong buổi sáng chúa nhật thật đẹp. Từ nhà nàng đến đây cũng hơn ½ tiếng nếu không kẹt xe. Bước xuống xe, nàng khoan khoái hít thở không khí mát lạnh của vùng đồi núi hoang dã. Nàng đi loanh quanh, dọc theo dòng suối có những người câu cá, rồi chợt nhớ đến những bức tranh, những phim bộ, hình ảnh những cụ già ngồi bất động chờ cá cắn câu. Ở xứ người cái gì cũng khác, Đông là Đông, Tây là Tây, cách câu cá, ngay cả mồi cá cũng khác, họ mang những đôi giầy boots cao hơn đầu gối, rồi ra giữa dòng suối thả câu, chỉ có nàng ngồi trên tản đá “bất động”, thay thế những người câu cá năng động, nàng miên man thả hồn theo mây theo gió…nghĩ rằng: “chỉ có quê hương mình là đẹp nhất”. Nhà nàng ở sát sông Tiền Giang, ngày ngày nhìn ghe tàu qua lại, dòng nước đục của phù sa đã nuôi nàng lớn lên, và đã từng có từng bầy trẻ con, trong đó có nàng, chiều chiều ra bờ sông bơi lội thỏa thích. Bây giờ, hơn 36 năm sống trên xứ người, 36 năm hơn số tuổi lúc nàng đặt chân lên miền đất lạ, thì quê hương thứ hai, sẽ là nơi nàng gởi nắm tro tàn.

    Ở đây, nước suối trong veo, nàng có thể nhìn thấy những con cá bơi lội nhởn nhơ, ước gì có cái vợt … nhưng chúng khôn lắm hay chúng không biết nguy hiểm đang kề ngay trước mắt? Nàng hỏi người câu cá mới biết cá họ đang câu là cá trout, thịt rất ngon, xương nhỏ, nàng nghĩ ngay đến nồi canh chua cá bông lau, mùi ngò ôm, vị chua chua ngọt ngọt của khớm, cà chua , bạc hà… nhưng họ thì không, họ có thể làm sạch cá ngay tại đó rồi đem lên lò nướng, mùi thơm của cá nướng, mùi rượu chát, mùi bia cộng thêm tiếng thông reo, tiếng suối chảy chỉ thiếu tiếng nhạc và ánh lửa hồng của ban đêm sẽ trở thành một buổi picnic tuyệt vời…Rồi nàng không khỏi nhớ đến chàng…

    Tháng năm người đã hững hờ,
    Nghiêng nghiêng nắng đỗ thôi mời gió bay,
    Nàng Xuân tình tự hao gầy,
    Tương tư buồn đọng trời mây thêm sầu,
    Tay ôm hư ảo đêm thâu,
    Tình xa mỗi lúc bóng câu qua cầu,
    Tháng năm rưng nhớ tình đầu,
    Hồn ta quay quắt cuối mùa buốt đau…


    Nàng thích ngồi hàng giờ nhìn hàng thông reo vang trong gió, thích nghe tiếng nước suối tranh nhau chảy xuôi dòng không bao giờ dứt và vài tháng sắp tới, những lá vàng sẽ bắt đầu úa màu và rơi rụng theo một cơn gió nào đến bất chợt… nàng bổng thấy một nỗi buồn man mát, đời người cũng như thế … và ai đó, có trân quý mỗi một bước đi của thời gian? Thật nhanh… như bạn hiền của nàng thường nói: “Lẹ quá…mới thứ bảy tuần rồi, bây giờ thứ bảy lại đến…nhỏ định làm gì thì quyết định lẹ đi chớ, mình không còn thời gian nữa”. Tuổi trẻ mong cho già và người già mong cho thời gian chậm lại. Ừ! Mình phải quyết định cho lẹ…như bạn đã nói. Nàng rời núi rừng, tiếng thông reo vang mang theo lời chúc tốt lành. Nàng lâm râm cầu nguyện. Cuộc đời nàng đã khổ nhiều, cuối đời, chỉ còn chút hy vọng ở nơi…chàng. Ôi! Mối tình đầu của tôi! 43 năm rồi đó, kề từ năm 1968…

    Mãi đến cuối tháng 10, ừ nhỉ! Mới đây mà đã tháng 10, email gởi đi…chờ chờ, đợi đợi. Chao ôi! Thật hồi hộp như lần đầu tiên, đêm Noel, hẹn gặp chàng của 43 năm về trước!

    Thật bất ngờ…chàng đã trả lời, và điều nàng không ngờ nhất là vợ chàng đã mất được 4 năm. Nàng đã đánh mất 4 năm, phải chi năm 2007, khi tìm được chàng trên web, nàng lại chần chờ…nhưng không sao, vì chàng đã “xuất hiện”, dù chưa ở ngay trước mặt nàng nhưng nàng đã nghe được giọng nói của chàng, nỗi đam mê ngày nào vẫn còn ở trong tâm tưởng của nàng.

    Chàng và nàng liên lạc thường xuyên hơn. Đã hơn 40 năm xa nhau, quá khứ đã lần lượt trở về với 2 người. Chàng và nàng nhắc lại từng chi tiết. Chàng không quên như nàng đã nghĩ… chàng vẫn nhớ mùi nước hoa nàng dùng, chàng nhắc đến phim “La Piscine” do Alain Delon đóng. Hôm đó, người đi xem phim nầy rất đông, không còn chỗ ngồi nên 2 người phải đứng trong rạp. Để bảo vệ nàng không bị chen lấn, từ phía sau, chàng đã vòng tay ôm nàng và đã thì thầm bên tai nàng: “Thằng đứng kế bên hôi quá, cho anh ngửi tóc em nha”. Bây giờ chàng vẫn thắc mắc, nhắc lại: “Tại sao hôm đó em lườm anh khi anh ôm em?”. Nàng cười rất nhẹ: “Anh biết rồi còn hỏi. Chỉ tiếc rằng hồi đó mình còn ngây thơ, trong trắng… anh đã làm em đã mơ mộng cả đêm, anh thì sao? Chạy xe về nhà anh có lạc đường không?”. Cả hai cùng cười vui vẻ, dường như hạnh phúc ở đâu đây…

    Để đánh dấu một thời gian dài “lịch sử”. Chàng và nàng quyết định gặp lại nhau, sau 42 năm cách biệt, tại ...Paris, “Un rendez-vous à Paris”, Một cuộc hẹn tại Paris, tại sao lại không?

    Trên chuyến bay đi Paris, nàng ghé Gottingen, Đức, thăm ông anh kế vài ngày rồi mới đi xe lửa qua Paris nhưng dọc đường xe lửa hư phải đổi xe lửa khác nên nàng đến Paris trể ½ giờ. Nàng hồi hộp kéo valise xuống toa xe, mắt nhìn quanh. Người đi, kẻ ở, qua lại tấp nập, các đầu tàu sắp hàng thật dài. Nàng chợt nhớ đến câu hát “Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế…”, người ta chia ly, còn mình thì sum họp. Từ đàng xa, nàng bỗng nhìn thấy một ánh mắt của ngày nào và chàng đã nhận ra nàng, nàng vội đi thật lẹ đến bên chàng, lần đầu tiên chàng đã ôm nàng thật chặc, có phải hối tiếc vì ngày xưa chúng mình đã không ôm nhau khi từ giã?. 42 năm, gần nữa thế kỷ, chàng không còn là một nam sinh ốm yếu Pétrus Ký ngày nào mà đã trở thành một người đàn ông lực lưỡng, khỏe mạnh với đôi kính cận trông chững chạc và trí thức hơn.

    Những ngày sau đó, đôi tình nhân quấn quít bên nhau, cùng nắm tay nhau dạo bước khắp đường phố Paris, thăm nhà thờ Notre Dame, đi dọc theo bờ sông Seine, viếng nhà thờ Sacré Coeur de Montmartre, và lang thang trên đại lộ Champs Élysées… mình cứ tưởng như lang thang trên đường Tú Xương ngày nào. Chàng nhìn nàng, nàng nhìn chàng…42 năm xa lắc xa lơ, cũng may, da mình chưa nhăn, răng chưa rụng …và má chưa hóp, chưa đến đổi phải mang theo thuốc cao máu, cao mở, … đôi chân run run (vì mãi nhìn anh mà cứ ngỡ như mơ?). Nàng tự cười khúc khích một mình mỗi khi nghĩ đến hai ông bà già tóc muối tiêu “in love again”. Thỉnh thoảng, nàng len lén ngắm chàng, “người yêu đầu đời”, chàng đã già dặn nhưng vẫn còn nét tinh anh, như nổi đam mê chợt bừng lên, nàng muốn ôm chàng thật chặc để chàng đừng bao giờ biến mất trong cuộc đời nàng nữa.

    Rồi một ngày nào đó, chàng và nàng sẽ cùng nắm tay nhau dạo biển, cùng nhìn hoàng hôn xuống hay chờ đợi ánh bình minh. Nàng hát nhỏ bài hát của Tú Minh:

    “Hãy cứ là tình nhân,
    Để mong mỏi đợi chờ,
    Để chìu chuộng nâng niu,
    Và sợ điều tan vở.
    Hãy cứ là tình nhân,
    Để tháng ngày hoa mộng,
    Để hẹn hò yêu đương,


    Nàng thì thầm bên tai chàng:

    “100 tuổi mình sẽ cưới nhau nha anh”.

    “Ừ! Khi nào mình 80 tuổi, anh sẽ viết di chúc bảo con cháu làm đám cưới cho tụi mình, vì lúc đó anh không còn nhớ em là ai nữa? hi hi…”

    Chàng và nàng cùng nhìn nhau tươi cười. Nụ cười thật hạnh phúc mà từ lâu chàng và nàng đã đánh mất….

    HỒ THỊ TRIỀU-LAM
    Last edited by khongquan2; 08-11-2014, 05:05 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X