Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tổng Y Viện Cộng Hòa

Collapse
X

Tổng Y Viện Cộng Hòa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tổng Y Viện Cộng Hòa


    Người Thương Binh Việt Nam ! Non sông nợ ơn người
    Người Thương Binh Việt Nam ! Giữa quê người tôi hát tên anh

    Xin viết những vần thơ về người thương binh phương Nam
    Xin hát khúc ngợi ca về người đồng đội năm nào
    Từ khi quê hương chinh chiến anh lên đường – theo tiếng núi sông
    Liều thân ra nơi quan tái lấy máu đào tô thắm sử xanh
    Từ thân chinh nhân hoang phế các anh người chiến sĩ vô danh trở về..

    Bao chiến tích liệt oanh còn hằn sâu trơ hốc mắt
    Trong bóng tối nghiệt oan gậy là kiếm chống giữa trời
    Vòng xe lăn theo cơm áo tiếng hát khàn thay “Khúc Xuất Quân”
    Tàn y phai theo năm tháng những huyết lệ oan trái xót xa
    Ngưới thương binh đã mất nước vẫn âm thầm cay đắng hiên ngang làm NGƯỜI

    Người Thương Binh Việt Nam ! Non sông nợ ơn người
    Người Thương Binh Việt Nam !Tổ Quốc nhớ công anh
    Người Thương Binh Việt Nam !chúng tôi vẫn nhớ người
    (Người Thương Binh Việt Nam ! Giữa quê người tôi vẫn nhớ anh)
    Người Thương Binh Việt Nam ! Giữa quê người tôi hát tên anh
    Last edited by SVSQKQ; 08-01-2014, 06:38 PM.

  • #2
    Hình Ảnh Các Thương Binh VNCH Điều Trị ở Tổng Y Viện Cộng Hòa 1971

    Comment


    • #3
      Nhìn những hình ảnh trong Tổng y viện Cộng Hòa nhớ vô cùng ,tôi cũng thực tập ở đây giữa năm 71 qua 72. Hình ảnh thương binh trong phòng điều trị phỏng cũng chưa có gì nặng nề ,qua năm 72 chiến sự bùng nổ ,có 2 khu điều trị gây nhiều xúc cảm là phòng bại liệt và phòng phỏng. Khi tôi thực tập ở đây về nhà không dám ăn thịt quay ,hay nói chung kể cả ngoại thương là bỏ ăn thịt luôn.
      Có những điều đáng nhớ mà không thấy trong 2 video clip trên :
      -Thương binh VC cũng vẫn được điều trị ,chăm sóc như chúng ta cũng mặc đồ xanh bịnh nhân ,khác nhau là khi duy chuyển ngồi trên xe lăn do 1 anh quân cảnh đẩy ,lúc mới vào và thấy cảnh này ,tôi cứ tưởng quan nào mà lối quá ,vào đây còn đem theo lính tráng hầu hạ,hỏi ra mới biết là VC bị còng chung với xe lăn.
      -Các phu nhân TT Thiệu ,phu nhân Đại tướng Westmoreland..thăm anh em thương binh.Nhưng không thấy hình ảnh của phu nhân Đại tướng Cao văn Viên ,ngày nào bà cũng vào làm việc ở khu Ngoại thương ,cần mẩn tỉ mỹ và nhanh nhẹn thành thạo. Phải thấy bà cúi xuống ngữi mùi hôi của mủ máu vết thương từng thương binh mới thấy tấm lòng bác ái của bà ,vết thương nào hôi quá ,vết nào bớt hôi bà nhớ hết ,trưa bà lấy một phần ăn của thương binh ngồi tại chổ ăn luôn với anh em vợ con lính tráng.Ít ai biết cô y tá tốt bụng thương người đó là bà vợ Đại tướng ,đôi lúc mấy bà vợ lính ôm bà cám ơn hoặc khóc lóc bà vẫn nhỏ nhẹ an ủi. Bà làm việc nhanh nhẹn ,siêng năng hơn tụi tôi rất nhiều.
      -Ngoài ra phải thấy cảnh các anh em thương binh cụt chân ngồi xe lăn mà quậy tức cười ,tổ chức đua xe lăn ,giật nhỏng đầu ,chạy 1 bánh...rồi té nằm chỏng gọng chờ y tá ra đở lên xe...

      Comment


      • #4
        Người Việt tỵ nạn và món nợ thương binh VNCH


        Người Việt tỵ nạn và món nợ thương binh VNCH
        Người Việt


        (Nhân Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn anh, Người Thương Binh VNCH” kỳ 8 sắp tổ chức vào ngày Chủ Nhật, 3 Tháng Tám, tại sân vận động trường Bolsa Grande, Garden Grove, Nam California).

        Ở đây chúng tôi không hề muốn nhắc lại những điều ân nghĩa mà ai cũng ý thức được, có thể làm phiền lòng một đôi người, trong khi với lòng hảo tâm, từ bi hoặc bác ái, hầu hết đồng bào hải ngoại đã làm rất nhiều việc giúp đỡ thiện nguyện cho những người kém may mắn hơn mình hiện đang sống ở quê nhà. Hiện nay ở hải ngoại có rất nhiều tổ chức thường trực quyên góp tiền để đem về giúp Việt Nam. Từ chuyện nhỏ như mổ mắt vá môi, chuyện người cùi, bệnh tật hay già yếu, chuyện chén cơm cho người già, bát cháo giúp người đau ốm, cho đến những chuyện khá quy mô “đỡ tay” cho nhà nước cộng sản như xây trường, làm đường, phát học bổng... Không làm thì không ngồi yên trước thảm cảnh nghèo đói, bệnh tật của bà con ruột thịt, mà làm cũng thấy nhiều điều phi lý. Trong khi ngoài nước, chúng ta gom góp từng chục bạc, thì ở trong nước hàng triệu đô la chui vào túi tham nhũng, đục khoét, với những trò cá độ, tẩu tán tài sản hay với lối ăn chơi huy hoắc từ các thành phố lớn cho đến cả nông thôn của các cán bộ, đảng viên cộng sản.


        Ở trong địa hạt nào, đường lối của cộng sản cũng tán thưởng và giúp đỡ những tổ chức này, vì chúng ta đã làm những việc “đỡ tay đỡ chân” cho chính quyền để họ còn rảnh tay lo nhiều việc, trong đó còn lo việc đàn áp quần chúng đòi hỏi tự do, công lý. Cũng có những đoàn cứu trợ phải qua chính quyền, nhưng cũng có những đoàn cứu trợ được thong thả đi sâu vào các nơi hẻo lánh xa xôi, xoa dịu được nỗi đói nghèo thì quần chúng càng ngày càng bớt bất mãn. Duy chỉ có một vùng cấm địa mà cộng sản vẫn canh chừng là địa hạt các thương phế binh VNCH của chúng ta. Mỗi khi có một tổ chức đứng ra tụ tập anh em thương binh để phát quà, khi vui thì công an lơ là cho gặp gỡ, khi nghi ngờ, cảnh giác thì “ngăn đường cấm chợ.”

        Chúng ta không thể nào đem tiền về tập họp các thương binh VNCH lại và công khai phát tiền cho họ, ngoại trừ dưới danh nghĩa cứu trợ chung chung, trong đó có những người thương tật của cả hai bên như chúng ta vẫn thường thấy trên màn ảnh truyền hình.

        Bây giờ đã gần 40 năm qua, chúng ta cũng không oán ghét gì những thương binh cụt què của hàng ngũ cộng sản trước kia, vì họ cũng là nạn nhân của sự lừa bịp chính trị, hy sinh cho kết quả của lầm than dân tộc và chỉ xây dựng cơ đồ cho một nhóm thiểu số cầm quyền. Nếu chúng ta có khả năng giúp đỡ được cho họ thì chính nghĩa của người quốc gia còn tỏ sáng, rạng ngời, tuy vậy “lực bất tòng tâm,” hải ngoại không thể giúp hết cho cả nước Việt Nam, và cũng còn một chỗ, để cho, chính những người đã hy sinh cho chế độ ấy thấy rõ bộ mặt thật của chế độ cộng sản độc ác và bất nhân.

        Trong cuộc chiến giữ miền Nam Việt Nam, chúng ta ước tính có đến 350,000 chiến sĩ hy sinh, số thương binh phải gấp con số tử vong sáu lần. Qua thời gian, kẻ còn người mất, có người trở lại đời sống bình thường, người lành lặn trở lại, người đã qua đời hay ly tán, tha hương, số thương binh không có khả năng làm việc mưu sinh tại quê nhà, ít nhất phải là con số trên trăm nghìn. Chúng ta lại có 3 triệu người Việt ở hải ngoại hay gần một triệu đơn vị gia đình, ước tính có 500,000 gia đình đi ra từ miền Nam, chúng ta thừa sức bảo trợ cho một trăm nghìn thương binh VNCH ở Việt Nam.

        Mỗi năm chúng ta đi du lịch, tiêu pha vào các dịp lễ Tết, quà cáp cho bạn bè, con cháu, làm việc phước thiện, mỗi gia đình tiêu pha, con số ít khiêm nhường phải lên đến con số nghìn (đô la). Xin quý vị rủ lòng thương mỗi gia đình “bảo trợ” cho một thương binh, như anh em bà con, nhà thờ, nhà chùa, cơ quan thiện nguyện đã từng bảo trợ cho chúng ta đến đây và sinh tồn trên mảnh đất này, con cái chúng ta được học hành, sống no ấm, hạnh phúc.
        Mỗi năm chúng ta chỉ cần giúp từ $100 đến $200 với khả năng của người bảo trợ và tùy những khó khăn của người thương binh. Các gia đình bảo trợ sẽ có một gia đình để thăm viếng, thăm hỏi và giúp đỡ và thương binh sẽ có một nơi nương tựa, đặt niềm tin vào cuối cuộc đời của họ. Việc bảo trợ này không bị ràng buộc với bất cứ một sự cam kết nào, mà chỉ do tấm lòng thương yêu tự nguyện của chúng ta.

        Chúng ta có thể chọn một thương binh ở gần địa phương có bà con, gia đình của chúng ta trú ngụ để có thể xác tín về sự nghèo đói, sinh hoạt hay hoàn cảnh của người thương binh này, cũng như theo những thương tật đặc biệt mà chúng ta muốn lưu tâm giúp đỡ. Nếu có dịp đi Việt Nam, chúng ta có thể thăm viếng, quan sát đời sống của gia đình thương binh này để tạo thêm tình thương và tin cậy, như vậy việc giúp đỡ của chúng ta trở nên có nhiều ý nghĩa hơn.

        Hội HO Cứu Trợ TPB-QP/VNCH tại Nam California hiện nay đang giữ hàng chục nghìn hồ sơ có hình ảnh thương tật và giấy tờ chứng minh để trao cho gia đình quý vị. Trong hoàn cảnh hiện nay, thương binh chỉ được nhận một gia đình bảo trợ, nhưng một gia đình có thể bảo trợ cho hai hay ba hồ sơ thương binh tùy theo khả năng và tấm lòng của mình. Ngoài ra các anh chị em làm việc chung trong mỗi “đơn vị” như xưởng may, tiệm nail hay hãng xưởng cũng có thể chung nhau mỗi năm, một người $5, $10... một cách dễ dàng để bảo trợ cho một thương binh, chúng ta chia sẻ với nhau niềm vui bác ái ấy, đó hạnh phúc khi ban một ân huệ, hay một niềm vui cho người khốn khó, khổ đau hơn mình.

        Hiện nay, Hội HO Cứu Trợ TPB-QP/VNCH cho biết rất ít hồ sơ thương binh được nhận bảo trợ, vì nhận bảo trợ có trách nhiệm và khó khăn, mất thời giờ hơn là gửi đến các cơ quan giúp thương binh một hay hai trăm đồng bạc. Trước hết chúng tôi mạn phép kêu gọi mỗi thành viên thiện nguyện đang làm việc giúp cho hội, chúng ta mỗi người bảo trợ cho một hồ sơ thương binh, cho đến lúc họ qua đời, nếu chúng ta qua đời, hy vọng con cái chúng ta sẽ tiếp tục công việc ấy. Bằng một tấm lòng nghĩ về người lính năm xưa, những gia đình của chúng ta, lớn hay nhỏ, sẽ bắt đầu bảo trợ cho một vài hồ sơ thương binh, dù chỉ là một hạt muối bỏ biển, trong một đại dương nghèo đói, khổ đau của Việt Nam và nhất là các thương binh VNCH bất hạnh của chúng ta.

        Ðừng đánh giá sai thiện chí của tuổi trẻ mà chúng ta không dám vận động lớp tuổi này. Nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài truyền hình SBTN kiêm giám đốc nghệ thuật Trung Tâm Asia, người đã tích cực đem lại thành quả của 7 lần tổ chức Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” với số thu gần $4 triệu chỉ vì muốn làm “một viên thuốc giảm đau cho nỗi thống khổ của thương binh VNCH.” Cũng như anh Lý Vĩnh Phong, từng là chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California, cho rằng, “Tuổi trẻ Việt Nam không bao giờ quên cái gì của các thương phế binh VNCH 'đã mất' để cho người Việt hải ngoại chúng ta có những 'cái được' hôm nay.”

        Có những việc làm minh bạch công khai và cần thiết như những lần đài SBTN, Hội HO Cứu Trợ TPB-QP/VNCH, các hội đoàn cựu quân nhân Nam và Bắc California đứng ra tổ chức các buổi đại nhạc hội ngoài trời để gây quỹ giúp thương binh, vẫn bị đánh phá, xuyên tạc. Xin những người có tấm lòng vững tin vì hiện nay có bao nhiêu thương binh VNCH đang còn hướng về quý vị, ý nghĩa hơn những đồng đô la nhân ái, chính là chúng ta đã gửi cho anh em thương binh những niềm tin.

        Dù trong hoàn cảnh thất trận, “tan đàn xẻ nghé,” nhiệm vụ không hoàn thành, người lính VNCH vẫn hãnh diện là người lính chiến đấu cho tổ quốc, mà mỗi người dân miền Nam phải ghi nhớ, trong khi cả nước bắt đầu nhận ra chân dung đích thực của những anh hùng.
        Tạp ghi Huy Phương

        Comment


        • #5
          Vấn đề cứu trợ anh em TPB là một nghĩa vụ mà chúng ta nên chung tay đóng góp ,tuy nhiên cũng có những gút mắc mà tôi đã từng gặp :
          -Có một số anh em TPB không còn giấy tờ gì để chứng minh như giấy chứng nhận thương tật loại nào ,giải ngũ ,đơn vị....thậm chí cũng không có ai quen để xác nhận.
          -Tại một địa phương miền Trung ,tôi có đến tìm gặp một anh thương binh bại liệt ,lết dưới đất ăn xin vì không còn bà con thân thích ,nói chuyện khó khăn miệng méo xệch ,tôi biết rỏ hoàn cảnh ,biết rỏ thân phận của anh trước kia là HT khóa 6/68 Thủ Đức ,cấp bậc cuối cùng Tr/ú lúc bị thương ,nhưng khi tôi hỏi thì anh chối có lẻ xấu hổ trong hoàn cảnh xin ăn ngặt nghèo ,cho đến khi tôi nói tên người quen lúc đó anh mới khóc. Khi bị thương anh chưa có vợ ,chỉ 1 mẹ 1 con ,bà mẹ tần tảo nuôi con tàn phế ,sau khi bà mẹ qua đời thì anh tự kiếm ăn để sống ,lê lết ngoài đường. Tôi cầm 900 dollars do anh em hùn nhau cứu giúp ,nhưng làm sao đây ? nhét vào túi anh thì sẽ bị cướp ngay lập tức ,gởi bọn cán bộ địa phương lo giùm cũng không được.Cuối cùng tôi tập hợp mấy anh em TPB mình ở đây ,nhờ anh em mỗi tháng trích ra $50 nuôi anh ,không cho đi ăn xin nữa ,và chỉ có anh em mình đùm bọc nhau.
          Mấy năm sau này ,khi về VN chúng ta hiếm khi còn gặp được anh em TPB trên hè phố ,chết nhiều lắm rồi vì đói khổ ,ốm đau bịnh tật !!! một số ở sâu ở xa dưới nông thôn ,trên rừng núi !!! Tôi cố kêu gọi nhất là các bác sĩ ,các anh em quân củ rộng tay đóng góp ,vì đại đa phần anh em TPB chính là nhờ bàn tay các anh em quân y ngày xưa cứu chửa ,nếu không thì có một số đã thành tử sĩ rồi.

          Comment


          • #6
            Người Thương Binh VNCH

            Last edited by ttmd; 08-16-2014, 08:46 AM. Lý do: Chỉnh lại: Videos, Audio levels, Sounds

            Comment


            • #7
              Khám và điều trị mắt cho quý ông thương phế binh VNCH

              VRNs (01.08.2014) – Sài Gòn – Chương trình khám và điều trị mắt sẽ mở đầu cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế cho quý ông thuơng phế binh VNCH, sau hoạt động giao lưu và tri ân, đã diễn ra hồi tháng tư vừa qua.

              Dòng Chúa Cứu Thế sẽ tổ chức khám và điều trị mắt cho quý ông thương phế binh, tại 38 Kỳ Đồng, quận 3, Sài Gòn như sau:

              1. Thứ hai, ngày 11.08.2014 sẽ khám mắt, sau đó lên kế hoạch điều trị. Trường hợp bị cườm sẽ tiến hành mổ

              2. Sau khi khám xong, mỗi ông sẽ nhận được giấy hẹn có ghi thời gian và nơi sẽ điều trị. Khi nhận được giấy này (trong ngày khám bệnh), các ông sắp xếp thời gian để đến đúng địa điểm và đúng giờ như giấy hẹn để tiến hành điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ khi khám.

              3. Các ông sẽ được điều trị và mổ (nếu có) hoàn toàn miễn phí. Các ông chỉ lo chi phí đi lại, ăn ở mà thôi.

              Để tham gia chương trình khám và điều trị mắt, xin quý ông thương phế binh gọi điện thoại đến một trong hai số điện thoại sau đây để ghi danh: 09366.877.80 và 0938.428.634 gặp cô Phượng hoặc nhân viên trực.

              Thông tin cần khi ghi danh:
              - Họ và tên
              - năm sinh
              - địa chỉ
              - số điện thoại liên lạc
              - số quân

              Nếu chương trình này diễn ra tốt đẹp, chúng tôi sẽ tiến hành ngay chương trình khám bệnh tổng quát sau đó.

              Xin quý ông thương phế binh ghi danh sớm, trước ngày 09.08.2014.

              Xin Chúa Yêsu ban phúc lành cho quý ông.

              Comment


              • #8
                Tội Ác Của Đảng Cộng Sản Đối Với Thương Binh VNCH Ở Tổng Y Viện Cộng Hòa.

                Tội Ác Của Đảng Cộng Sản Đối Với Thương Binh VNCH Ở Tổng Y Viện Cộng Hòa.


                Dưới đây, là một lá thư của một cựu quân nhân thương binh VNCH (ở Úc) gửi cho một người bạn lính cùng khóa 4/72B SQTB Đồng Đế (đang ở Hoa Kỳ)…

                Một lá thư bình thường như hàng ngàn lá thư khác, duy có điều mà tác giả muốn kể lại: chứng kiến tận mắt, nghe tận tai, những thảm cảnh bi thương, của các thương bệnh binh QLVNCH bị đuổi ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa, sáng ngày 01/05/1975, sau khi Bắc quân vào Saigon.
                Sydney, cuối tháng 11 năm 2013.


                Cường “dù” thân,

                Cái số tao với mày có “cái duyên” gặp gỡ nhiều lần, mặc dù hai thằng ở hai đơn vị khác nhau, cách xa nhau hàng trăm cây số.

                Lần gặp gỡ đầu tiên ở quân trường Đồng Đế, một trung tâm huấn luyện thép, lúc đó, chỉ biết nhau thôi vì mày ở trung đội 1, còn tao thì trung đội 4, một trung đội luôn được “vinh dự” vác súng nặng. Cho đến khi hai đứa được lệnh vác ba lô súng đạn đi công tác chiến tranh chính trị “Chiến Dịch Hòa Đàm Ba Lê“năm 1973 đợt 1 tại Phan Lý Chàm, một quận lỵ của tỉnh Bình Thuận, tình cờ được sắp xếp trong cùng nhóm, đến lúc đó mới thật sự chơi thân với nhau… Khi còn trong “quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, thì mày mang cái tên là Cường “Pilot”, vì cái mộng “lơ lửng trên không“ của mày, nhưng mộng không thành, cuối khóa đành tình nguyện về Nhảy Dù cho có chút hơi hám của AIR…

                Thế rồi, ngày tháng trôi qua mau, ngày tụi mình gắn “quai chảo” cũng tới, các tân sĩ quan bùi ngùi chia tay mỗi đứa về đơn vị mà mình đã chọn. Riêng cái nhóm tụi mình còn có thể gặp nhau tại SaiGon, mỗi đứa có 15 ngày phép ngắn ngủi… Sau đó, tao về trình diện trường Công Binh Bình Dương, còn mày thì về Bộ Tư Lệnh Dù Hoàng Hoa Thám, học khóa nhảy dù trước khi về trình diện tiểu đoàn 8 Nhảy Dù…

                Kể từ đó, tao cứ đinh ninh rằng, tao và mày rất khó mà có cơ hội gặp lại… nhưng tại “cái duyên” nên tao và mày lại gặp nhau vài lần nữa cho đến cái ngày đen tối nhất của QLVNCH… ngày cuối cùng 30 tháng 4 năm 75.

                Gặp mày lần thứ hai, tao đang theo học Công Binh ở Bình Dương, vì cũng gần Saigon nên cứ 2 tuần được cho về phép cuối tuần… Tao thật bàng hoàng khi nhận được tin mày bị thương: 1 mảnh sơn pháo 130 ly chém vào đầu gối chân phải ở mặt trận Thường Đức, tao vội đến nhà thăm mày… Cứ như thế tao và mày vẫn còn gặp nhau 2, 3 lần nữa…cho đến khi tao tốt nghiệp khóa căn bản Công Binh về trình diện tiểu đoàn 7 Công Binh của sư đoàn 7 Bộ Binh, bộ Tư Lệnh đóng tại căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho, tỉnh Định Tường, do Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam làm Tư Lệnh. Kể từ đó, tao và mày cũng như các bạn cùng trang lứa, mỗi đứa một phương trời, đi làm nhiệm vụ của người trai thời chiến chinh… rất khó có cái cơ hội gặp gỡ lại nhau tại Saigon…

                Tháng 2/1975 tao bị thương nặng, trong khi trung đội tao làm nhiệm vụ mở đường, tiếp tế đạn pháo binh cùng các quân cụ cho miền sâu, nằm sát biên giới Việt Miên. Được trực thăng tản thương về Tổng Y Viện Cộng Hòa Saigon điều trị .

                Lúc đó, tình hình chiến sự ngày càng bi đát, các thương bệnh binh từ khắp nơi đổ về Tổng Y Viện ngày càng nhiều… Rồi tin tức được báo chí, đài phát thanh đăng tải và thông tin về cuộc di tản của quân đoàn 2… tức là vùng cao nguyên Pleiku, Ban Mê Thuột rơi vào tay địch quân… tiếp theo là mất vùng 1, tất cả các đơn vị thiện chiến, chủ lực của VNCH lần lượt di tản về phía Nam…

                Một lần nữa, tao gặp lại mày thật tình cờ, lúc mày vào tái khám vết thương cũ tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, cũng nhân dịp này, mày đến thăm tao, sau khi đến nhà tao hỏi thăm được biết tao đang nằm điều trị tại đây…

                Chiến sự ngày càng khốc liệt, VC bắt đầu bao vây Saigon, pháo vào phi trường Tân Sơn Nhất, cũng may, không có trái nào lạc vào Tổng Y Viện… Đêm ngày 29/04 và ngày 30/04 các thương binh VC từ các mật khu và ven đô được đem về tràn ngập trong Tổng Y Viện, phe ta lẫn phe địch đều nằm chật kín các hành lang bệnh viện, đau đớn, kêu la và… chờ tử thần đến đưa đi, vì các Bác Sĩ cùng Y Tá, nhân viên đều đã bỏ chạy khỏi Tổng Y Viện…

                Sáng ngày 1/05/ 1975, từ trên lầu 3 khu tổng quát, tao đã chứng kiến VC chạy vào cổng Tổng Y Viện bằng 2 xe Jeep treo cờ Mặt Trận GP, ngừng trước cửa văn phòng của Chỉ Huy Trưởng Tổng Y Viện CH, dẫn vị Y sĩ Chuẩn Tướng (không nhớ tên) lên xe Jeep và chở đi mất tiêu. Sau một thông báo bằng loa phát thanh, tất cả các thương bệnh binh VNCH đều phải rời khỏi bệnh viện trong thời hạn 1 ngày… Thế là một quang cảnh hoảng loạn đã xảy ra… Các thương bệnh binh VNCH, người còn đi được hoặc may mắn còn chút sức tàn dắt díu các thương binh bạn khập khiễng rời khỏi nơi điều trị…

                Còn lại, là thương bệnh binh bị thương nặng, cảnh những người này rời đi mới chính là cảnh thê thảm nhất mà tao đã nhìn thấy trong suốt cuộc chiến Quốc Cộng, họ bò lê bò lết dưới đất, bông băng dính đầy máu mủ, quét trên mặt đất, dính đầy bùn đất, vết thương lở lói, máu mủ vẫn còn rỉ ra ngoài, nhưng tất cả đều cố gắng trong sự tuyệt vọng cùng cực, cố bò, lết từng tấc đất ra cổng Tổng Y Viện Cộng Hòa… Đến đây, tao thật không dám nghĩ tiếp: “Cuộc sống của họ ra sao, nếu như ra khỏi được Tổng Y Viện và sống dưới một chế độ thù địch?”

                Cường “dù” thân,

                Tao viết cũng đã khá dài, với mục đích nhắc mày và nhắc ngay chính bản thân tao, dù có hơi muộn màng, các thương phế binh VNCH còn kẹt lại quê nhà: “Chính là những người chúng ta phải tri ân, vinh danh họ đã hy sinh một phần thân thể cho Tổ Quốc, hiện đang oằn mình trước sự sống cơ cực dưới một chế độ CS, không chút quan tâm mà còn thù hằn, đày ải những con người đáng thương này.”

                Thân,

                “Cao Bồi” TPB Phạm Trinh Viên (Sydney, Úc)
                Last edited by khongquan2; 08-02-2014, 08:27 PM.

                Comment


                • #9
                  VNCH Đối Xử Rất Nhân Bản Với Tôi


                  (Trích hồi ký của một cựu bộ đội Bắc Việt)
                  Tôi còn nhớ rõ một buổi trưa nắng chang chang của năm 78, 79 gì đó. Đang ngồi đợi tr…ên xe buýt ở Lăng Cha Cả khởi hành đi Chợ Lớn thì tôi nghe có tiếng hát rất hay, nhưng vô cùng u uất: “Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi… Thành phố sau lưng…” Rồi bước lên xe là một thương binh VNCH trẻ khoảng 25,26 tuổi. Anh ta cụt một chân, trên cổ treo cây guitar vừa đàn hát vừa xin tiền. Anh ta mặc chiếc quần của Thủy Quân Lục Chiến rằn sọc ngang, áo thun bạc phếch, trên đầu đội nón vải đi rừng của lính VNCH.

                  Dường như một số người trên xe biết và có cảm tình với anh ta nên có lẽ nói cho mọi người đều biết: “Ảnh là Thủy Quân Lục Chiến, bây giờ tội nghiệp lắm…”

                  Người thương binh VNCH khẻ gật đầu như muốn chào mọi ngưòi nhưng vẫn hát.. Một bà cụ ngồi phía sau chạy lên dúi vào tay anh ta mấy cái bánh ú và hỏi:

                  - “Q. sáng giờ con ăn gì chưa?”.

                  Người thương binh ngưng hát trả lời:

                  - “Dạ, con ăn chút bánh mì rồi ngoại…”

                  Thì ra bà cụ biết người thương binh này và vẫn thường giúp đỡ anh ta cho nên anh ta gọi bà cụ là ngoại. Đây cũng là cách gọi thân mật trong của người Nam.

                  Lúc đó có nhiều người dúi tiền vào chiếc túi vải treo trước ngực người thương binh. Mỗi lần ai cho anh, anh đều nói: “Xin cảm ơn ông / bà”. Dường như mọi người đều cho một ít như muốn nói “Tặng anh một chút để anh sống qua ngày… Chúng tôi dù sao còn may mắn hơn anh…”

                  Khi anh ta bước gần đến tôi, tôi nhìn gương mặt anh ta tôi có cảm tình ngay. Gương mặt sáng và thông minh. Anh tuy mất một chân nhưng rất rắn chắc. Tôi cũng lấy ít tiền dúi vào túi vải, anh ta nói:

                  - “Đa tạ ông”.

                  Tự dưng tôi cầm lấy tay anh ta và hỏi:

                  - “Anh bị thương năm nào?”

                  Anh trả lời:

                  -”Dạ em bị thương năm 1972 đó ông Thầy….”

                  Có lẽ anh ta nghĩ tôi là sĩ quan VNCH nên trả lời và gọi tôi “Ông Thầy”. Lính VNCH thường gọi sĩ quan là “Ông Thầy”.

                  Tôi nghe thế tôi rất xúc động vì tôi cũng bị thương năm 1972… có điều là chúng tôi…. khác chiến tuyến nhưng tôi lại được lính Biệt Động Quân VNCH cứu sống…

                  Tôi vội nói:

                  - “Tôi cũng bị thương năm 72…”

                  Anh ta dường như không chú ý câu nói của tôi và như có người chia sẻ, anh ta khe khẽ kể tiếp:

                  - “Đơn vị Thủy Quân Lục Chiến của em chặn quân Bắc Việt tại bờ Nam sông Thạch Hãn vào tháng Tư năm 1972… tụi nó đông lắm, xe tăng, bộ binh của chúng đông nghẹt luôn… Tiểu Đoàn 3 Sói Biển tụi em tuy chặn đứng chúng nhưng thiệt hại 50 % đó ông thầy ạ… Em bị thương trận đó… Bây giờ… Khổ lắm…”

                  Dường như nước mắt của cả tôi và anh ta đều giàn giụa…

                  Anh ta khẽ gật đầu chào và quay đi….

                  Anh bước xuống xe và tiếp tục lời hát: “…Sao không hát cho những bà mẹ từng đêm nhớ con xa… Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua… ”

                  Bóng người thương binh TQLC dần lẫn vào đám đông những người buôn thúng bán bưng…. những đứa trẻ gầy gò bưng bình trà đá bán dạo tại bến xe… Trời trưa nắng chang chang nhưng tôi nghe như mưa đổ trong lòng… Cơn mưa khóc hận cho miền Nam hưng thịnh nhân bản ngày nào bây giờ đang sống dưới tay loài quỉ Đỏ…

                  Và từ đó tôi không có dịp gặp lại ngưòi thương binh Thủy Quân Lục Chiến đó… Không biết anh trôi dạt nơi nào….

                  Anh bị thương năm 72, tôi cũng bị thương năm 72… Anh và tôi cùng được chữa trị bởi Quân Y Viện VNCH… Không biết lúc đó tôi và anh có cùng Quân Y Viện không? Tôi lúc đó được nằm trên giường… Anh có thể nằm… dưới đất nhường chỗ cho tôi…

                  (Trích hồi ký của một cựu bộ đội Bắc Việt)
                  Last edited by SVSQKQ; 08-02-2014, 09:15 PM.

                  Comment


                  • #10
                    Cám Ơn Anh Người Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa

                    Comment



                    Hội Quán Phi Dũng ©
                    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                    website hit counter

                    Working...
                    X