Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Lê Bá Định (1939-2014)

Collapse
X

Lê Bá Định (1939-2014)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lê Bá Định (1939-2014)

    LÊ BÁ ĐỊNH (1939-2014)
    Một người thầy, một người anh


    Nguyễn Hữu Thiện
    (nguyên Sĩ Quan Báo Chí CCKQ Pleiku)





    Năm nay Tết ta tới sớm, cho nên vào thời gian cựu Trung tá Lê Bá Định, vị chỉ huy của tôi ở Pleiku năm xưa, qua đời thì đặc san Lý Tưởng (Úc Châu) xuân Giáp Ngọ đã được phát hành, đành phải đợi tới số kỷ niệm Ngày Không Lực này mới có cơ hội viết đôi hàng về ông.

    Thời gian ông Lê Bá Định giữ chức vụ Trưởng Phòng Chiến Tranh Chính Trị (CTCT), Căn Cứ Không Quân 92 (Pleiku) khá ngắn, chỉ khoảng hơn 1 năm, nhưng những gì ông để lại trong tôi thì vĩnh cửu. Đó là những nâng đỡ, dìu dắt của một người “thầy”, và sự ưu ái, bao bọc của một người “anh”.


    * * *

    Vào một buổi chiều cuối năm 1969, sau khi quá giang xe pick-up từ Trạm Hàng Không Quân Sự Pleiku tới Phòng CTCT, tôi, một chuẩn úy mới ra trường Thủ Đức và được tuyển về Không Quân, vào trình diện vị chỉ huy đầu tiên ở đơn vị đầu tiên trong binh nghiệp. Cung cách giản dị và thái độ ân cần của ông Thiếu tá Trưởng Phòng đã khiến tôi hết sức ngạc nhiên, khác hẳn lần từ Thủ Đức về Bộ tư lệnh Không Quân trình diện Thiếu tá Bùi Hoàng Khải, Trưởng phòng Kế Hoạch & Chính Huấn, Khối CTCT BTL/KQ. Ông Bùi Hoàng Khải cũng là người rất tốt bụng, về sau đã hết lòng bênh đỡ tôi trong vụ “đụng độ” với một ông sếp, nhưng ông Khải “oai” và “nghiêm”, khác hẳn ông Định.

    Cũng có thể vì Pleiku là “tận cùng của Không Quân” nên ông Định, một người đang bị “đì”, mới dành cho chàng chuẩn úy “bế-bi-lắc” này một sự thương cảm chăng?

    Qua ngày hôm sau, ông Định kêu tôi và hai sĩ quan dưới quyền tới nhà ông trong cư xá sĩ quan ăn cơm tối. Cũng xin có đôi hàng về “quân số” của Phòng CTCT Pleiku vào năm 1969: dưới quyền ông Định có ba sĩ quan, và một số hạ sĩ quan binh sĩ chưa đủ để đếm trên 10 đầu ngón tay.

    Ba sĩ quan gồm tôi, Trung úy Phạm Bá Ninh (khóa 27 Thủ Đức), và Chuẩn úy Lê Trung Xuân, tức “ca sĩ Lê Xuân”, xuất thân trường kỹ thuật Rochefort (hạ sĩ quan). Ngay từ lúc tôi tới trình diện, ông Định đã gọi tôi bằng “bạn”, cũng giống như ông gọi Trung úy Ninh và các sĩ quan trẻ khác trong căn cứ, trong khi đó ông lại gọi Chuẩn úy Xuân là “anh Xuân”, để tôn trọng tuổi đời và tuổi lính của anh.

    Chỉ ít lâu sau khi tới Pleiku, tôi đã cảm thấy hãnh diện, thích thú vì được làm việc dưới quyền một vị chỉ huy tài hoa và đáng kính, đáng mến.

    Như nhiều người trong Không Quân đã biết, ông Lê Bá Định là phi công khu trục xuất thân Khóa 58 Không Quân (Khóa Trần Duy Kỷ), và là một trong 4 SVSQ xuất sắc nhất về bay bổng của khóa, nên mới có câu vè: nhất Nghĩa, nhì Lan, tam Danh, tứ Định, mà anh Võ Ý cũng như cố Niên truởng Nguyễn Quang Tri, một đàn anh khu trục kỳ cựu, đã nhiều lần nhắc tới.
    [“Lan” ở đây là Trung tá Lê Xuân Lan, người về sau bay “test” chiếc Tiền Phong 001 do KQVN chế tạo]


    * * *

    Sau khi ông Lê Bá Định qua đời tại VN, anh Kha Lăng Đa - tức cựu hoa tiêu quan sát Hồ Danh Lịch - một người cầm bút tên tuổi trong quân chủng, đã nhận xét về ông như sau:

    “Anh Định là một sĩ quan cao cấp của Không Quân VNCH văn võ song toàn, hội đủ đức tính tốt nghĩa, nhân, trí, dũng và hiếu học, tài năng xuất chúng về ngoại ngữ, biện luận, thuyết trình. Anh là một cấp chỉ huy thanh liêm, chính trực, nghèo thì chịu nghèo chớ không làm chuyện bất chính để mưu lợi riêng. Anh thương mến anh em thuộc cấp và không khuất phục thượng cấp quan liêu, lạm quyền, trù dập người cương trực.”

    Thiết nghĩ bằng đó đã quá đủ để những ai chưa có dịp gặp gỡ, thân cận, làm việc chung với ông Lê Bá Định phải kính phục ông. Ở đây, tôi chỉ xin ghi thêm một chi tiết về đức tính “hiếu học”: ông Lê Bá Định không chỉ có bằng Cử Nhân Luật, mà còn đang chuẩn bị lấy bằng Cao Học Quốc Tế Công Pháp; rất tiếc chưa kịp thì “thầy” của ông là Giáo sư Nguyễn Văn Bông bị ám sát chết, ông đành bỏ dở.

    Trong đời quân ngũ, có hai vị chỉ huy tôi phục nhất là Chuẩn tướng Từ Văn Bê, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân (Biên Hòa) và ông Lê Bá Định. Viết một cách chính xác hơn, tôi kính phục ông Từ Văn Bê và quý phục ông Lê Bá Định. Quý phục bởi thứ nhất, ông là “thầy” tôi. Những người quen biết ông Lê Bá Định thường ca tụng ông là một con người tài hoa, nhưng theo tôi, trước hết và trên hết, phải nói ông là người có tâm hồn. Nghe ông luận về thơ văn, về cách uống trà, cách thưởng hoa, thậm chí cả về các nhân vật của Kim Dung, cũng đều thấy thoát ra những tư tưởng của một triết lý sống thanh cao mà không xa rời thực tế. Ông lại có một giọng nói trầm ấm, lối diễn tả lôi cuốn nên càng có sức thu hút người đối diện

    Về tài hoa, hình như cái gì ông Lê Bá Định cũng biết, và biết hơn người; từ bay bổng, nhảy đầm tới thơ văn, hội họa, tử vi tướng số, v.v... Tôi không dám tự khoe cái tôi đáng ghét nhưng trên thực tế, trừ nghề bay bổng, cái gì ông Lê Bá Định biết tôi cũng biết, nhưng chỉ biết chút đỉnh. Vì thế, tôi tôn ông là “thầy”. Có lẽ tôi chỉ dám qua mặt ông ở một mục duy nhất là đàn ghi-ta; mặc dù ông cũng có một cây đàn, lúc cao hứng cũng ôm đàn và hát, nhưng từ đầu tới cuối ông chỉ đệm một “gam” duy nhất, chẳng hạn La thứ, Mi thứ, Rê trưởng, v.v...

    Hầu hết các sĩ quan trẻ ở Căn Cứ KQ 92 ngày ấy đều là học trò của “vũ sư” Lê Bá Định: tối tối, ông biến phòng khách của Cư xá Vãng lai, cạnh cư xá sĩ quan độc thân, thành “lớp dạy khiêu vũ miễn phí”. Tôi còn nhớ ngón nghề của ông là Valse và Tango.

    Về ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp, ông Định còn biết cả tiếng Tây-ban-nha, do ông tự học - tại Việt Nam chứ không phải ở... Laredo, bởi ông chưa từng sống ở Lackland AFB!

    Về hội họa, ông có tài vẽ chân dung bằng bút chì. Ngày ấy, bốn thầy trò cùng làm việc trong một cái phòng nhỏ; ông Định ngồi xoay lưng vào tường, tôi, Trung úy Ninh, Chuẩn úy Xuân ngồi ở ba cái bàn nhỏ đối diện với ông. Rảnh rỗi, ông kín đáo vẽ chân dung ba người, mỗi ngày vẽ một chút, xong xuôi mới cho chúng tôi xem...

    Nhưng chữ “thầy” trang trọng nhất nơi ông Lê Bá Định, với tôi, cùng với triết lý sống, là học được từ ông lòng tự hào về quân chủng của mình, và thể hiện qua ngòi bút. Sau khi biết tôi từng tập tành viết lách từ thời trung học, ông Lê Bá Định đã hết lòng khuyến khích, dìu dắt tôi. Từ bản tin đơn vị cho tới các bài diễn văn, bài thuyết trình, báo cáo trước phái đoàn thanh tra của ông, ông thường ra “dàn bài đại cương” rồi giao cho tôi viết thử; sau đó chỉ cho tôi thấy những chỗ không đúng, những đoạn chưa được chỉnh.

    Sau này, khi đã ông sang Không Đoàn 72 Chiến Thuật, mỗi khi ra đặc san đơn vị, ông đều ưu ái “nhờ” tôi viết bài, mặc dù nhân tài dưới quyền ông như lá mùa thu, trong số đó có các anh Võ Ý, Trần Ngọc Nguyên Vũ... Giờ này, nếu được đọc lại những bài viết ngô nghê của mình ngấy ấy, có lẽ tôi phải xấu hổ, nhưng ông Lê Bá Định thì luôn luôn khích lệ “được lắm, đúng là nghề dạy nghề!”

    Cùng với việc tạo cơ hội cho tôi viết, ông Lê Bá Định còn giới thiệu tôi với đàn anh Võ Ý, cho tôi đi theo trong những buổi gặp gỡ các tên tuổi trong nghề cầm bút, dân sự hoặc ngoài quân chủng, như nhà thơ Kim Tuấn, nhà văn Hoàng Khởi Phong... ở phố Pleiku. Việc này có một tác dụng tâm lý sâu đậm và tích cực: khiến tôi thích thú hơn, hãnh hiện hơn, và cố gắng hơn trong những bước đầu cầm bút của mình.

    * * *

    Từ ngày trình diện ông Lê Bá Định ở Pleiku năm 1969 cho tới khi “tan hàng”, tôi luôn luôn gọi ông bằng cấp bậc (Thiếu tá, Trung tá), chưa bao giờ gọi bằng “anh”, nhưng trên thực tế, ông đối xử với tôi, và sau này cả vợ tôi, như những người em, và chúng tôi cũng kính mến ông như một người anh.

    Những ai chơi thân, hoặc ở gần ông Lê Bá Định hẳn phải biết một điều về ông: ông ghét nhất là “Bắc Kỳ”, thứ nhì là Mỹ!
    Một ngày nọ, trong lúc vui vẻ, thân mật tại nhà ông, vợ tôi cũng có mặt, ông nói (tôi chỉ nhớ đại khái): bạn là tay Bắc Kỳ duy nhất mà tôi thương được!

    Tôi tin rằng ông nói thật, bởi vì cả đến ông cậu “Bắc Kỳ” của tôi, lúc đó làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 20 CTCT đóng bên Quân Đoàn, chỉ cách phi trường Cù Hanh khoảng một cây số, là chỗ thân thiết với ông Lê Bá Định, tôi thấy trong cách giao tiếp giữa hai người vẫn có một cái gì đó không được hoàn toàn thoải mái.

    Cũng xin viết thêm một chút ngoài đề: ngày ấy, mỗi khi bên 20 CTCT có văn nghệ, dạ vũ, tiếp tân, lễ lạc, cậu tôi đều mời ông Lê Bá Định và anh Võ Ý (cậu tôi khóa 13, anh Võ Ý khóa 17 Đà Lạt). Cậu tôi không uống rượu nhiều nhưng rất hiếu khách; có lần nhân dịp Tết ta, ông Lê Bá Định dắt một băng pilot khu trục sang “chúc tết”, được cậu tôi đãi đằng và, theo lời ông Định thuật lại, cậu tôi đã phải kinh ngạc thích thú trước cảnh anh Phạm Văn Thặng, lúc đó còn mang lon Đại úy, biểu diễn uống một hơi liên tục cạn hết lon bia Hamm’s!

    Ngày còn độc thân, tôi được ăn cơm tối khá thường xuyên, nếu không muốn nói gần như thường trực tại nhà ông Định; dĩ nhiên là ăn “chùa”, cho nên có lần anh Võ Ý (sống độc thân tại chỗ) đã nói đùa, xin tôi chỉ “mánh” cho anh với!

    * * *

    Trở lại với năm 1970, trong đà bành trướng của Không Quân VNCH, Căn Cứ Không Quân 92 trở thành Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku, Trung tá Võ Quế từ Biên Hòa ra làm Không đoàn trưởng, (thay Trung tá Đỗ Trang Phúc thuyên chuyển về Nha Trang), đồng thời một đơn bị tác chiến được thành lập tại phi trường Cù Hanh: Không Đoàn 72 Chiến Thuật, do Trung tá Nguyễn Văn Bá làm Không đoàn trưởng. Trên giấy tờ, hai không đoàn này tạm thời trực thuộc Sư Đoàn 2 KQ ở Nha Trang, nhưng trên thực tế hoạt động gần như hai đơn vị biệt lập trực thuộc BTL/KQ, cho tới khi Sư Đoàn 6 KQ được thành lập vào giữa năm 1972.

    Về nội bộ Không Đoàn 72 Chiến Thuật, mặc dù ông Lê Bá Định chỉ là một trong bốn vị phi đoàn trưởng (530 khu trục, 118 quan sát, 229 và 235 trực thăng ), tôi thấy hình như ông được Trung tá Nguyễn Văn Bá trọng dụng cách riêng. Điều đó đã được chứng minh sau khi Trung tá Nguyễn Văn Trang, Liên đoàn trưởng LĐ72 Tác Chiến “cáo bệnh từ quan” thì ông Lê Bá Định được đưa lên làm “quyền Liên đoàn trưởng”, trong khi Thiếu tá Liên đoàn phó Lưu Đức Thanh vẫn tiếp tục làm... Liên đoàn phó!

    VIẾT THÊM: Ngày ấy, anh Võ Ý, một người sính thơ văn, có óc tiếu lâm châm chọc, đã đặt “nickname” cho các nhân vật nổi tiếng hoặc khó ưa (dưới mắt anh) ở Pleiku, chẳng hạn Đại úy Trần Dật, Trưởng phòng An Ninh Dưới Đất, là ông “Dật Dờ”.

    Bốn nhân vật “chóp bu” trong KĐ72CT (Tứ trụ Triều đình), thì Trung tá Nguyễn Văn Bá được gọi là ông “Bá Chủ”, Thiếu tá Lê Bá Định là ông “Bá Đạo”, Thiếu tá Lưu Đức Thanh (tức Thanh Mắt Trừu, Thanh Tây Lai) là ông “Tây Độc”, riêng Trung tá Nguyễn Văn Trang có nickname gì, tôi không nhớ rõ.

    Một thời gian ngắn sau khi từ Nha Trang lên Pleiku làm Liên đoàn trưởng LĐ72 Tác Chiến, ông Trang bị một chứng bệnh lạ, các bác sĩ tài giỏi nhất bên Quân y viện, mà hầu hết là bạn thân của ông Định, cũng không tìm ra bệnh; sau đó ông Trang được đưa về Quân y viện Nguyễn Huệ ở Nha Trang. Mấy tuần sau, ông Định bật mí cho tôi biết ông Trang bị người Thượng “thư” và ông Bá đã phải cho trực thăng chở một ông thầy người Thượng về Nha Trang để “giải thư” cho ông Trang. Thực hư ra sao, chính ông Định cũng không thể quả quyết, chỉ biết một điều là sau đó ông Trang... hết bệnh, nhưng không bao giờ dám trở lại xứ Thượng!


    * * *

    Cũng nhờ ông Trang bị Thượng “thư”, cứ tạm tin như thế, mà đường công danh sự nghiệp của ông Định lên như diều gặp gió, nổi tiếng khắp quân đoàn; tới khi ông “Bá Chủ” rời Pleiku, ông “Bá Đạo” lên nắm Không Đoàn 72 Chiến Thuật. Trước đó, vào năm 1971, thời Trung tướng Ngô Dzu còn làm Tư lệnh Quân Đoàn II, sau khi Sư đoàn Dù với sự yểm trợ của Không Quân, chủ yếu là của Không Đoàn 72 Chiến Thuật, tái chiếm Căn cứ 6 Hỏa lực (Đồi 1001), ông Định được thăng cấp Trung tá. Nhưng hình như không phải ai cũng “happy” về việc này, bởi có lần ông Định cay đắng nói với tôi “Ở BTL/KQ mấy chả nói cái lon Trung tá của tôi là lon Lục quân”!

    Cũng qua những lần tâm tình của ông Định, tôi được biết nhiều vị ở BTK/KQ không ưa ông Định, và ngược lại. Ông Bùi Hoàng Khải có lần giải thích với tôi, đại khái: vì ông Định có tài nhưng ngang bướng. Ông Khải sử dụng chữ “ngang bướng” là còn tế nhị, nhiều người khác nói thẳng ra là ông Định “kiêu”.

    Tôi là sĩ quan cấp nhỏ, chẳng dám lạm bàn, chỉ suy nghĩ như sau: cứ tạm cho là ông Định “kiêu”, nếu các cấp chỉ huy trong KQVN người nào cũng kiêu và có tài, có tinh thần trách nhiệm như ông Định, quân chủng mình ngày ấy đã “much better”!

    Cũng cần nhấn mạnh, trong khi có xu hướng chống thượng cấp (bất minh bất xứng), ông Định lại rất tốt với đàn em, và luôn tỏ ra bao dung với những người dưới cơ mình.

    Câu chuyện ly kỳ về việc ông Định, khi nắm giữ chức vụ Liên đoàn trưởng LĐ72 Tác Chiến, đích thân chỉ huy trực thăng liều mạng đáp xuống giữa lòng địch để cấp cứu hai phi công khu trục bị bắn hạ, đã trở thành gần như một huyền thoại!


    * * *

    Tôi rời Pleiku tháng 6/1972, vài tuần trước khi Sư Đoàn 6 KQ được chính thức thành lập, Sư đoàn trưởng là Đại tá Phạm Ngọc Sang. Khi tôi tới chào từ biệt, biết tôi có tật ngựa non háu đá, ông Định ân cần căn dặn: “Bạn về với ông Từ Văn Bê ráng giữ mình, ổng mà thấy bạn OK rồi thì không bao giờ phải lo bị đổi đi nơi khác!”

    Sau này, khi đã trở thành người thân cận của ông Từ Văn Bê, tôi kể lại cho ông nghe câu dặn dò của ông Lê Bá Định, ông Bê cười sảng khoái “Bộ ông Định nói với anh như vậy thiệt hả?” Bởi vì chính ông Bê, tuy là dân kỹ thuật, cũng biết tiếng và rất quý phục ông Định.

    Sau khi ông Định bị “dzăng” khỏi chức Không đoàn trưởng KĐ72CT, về “lang thang” ở Bộ tư lệnh KQ trước khi ra TTHLKQ Nha Trang giữ chức vụ Giám đốc Trường Phi Hành, tôi tới nhà thăm thì được ông kể lại rằng sau một cuộc “đụng độ nảy lửa” giữa hai người, Đại tá Sang đã ra lệnh cho ông phải bàn giao chức vụ cho Thiếu tá Lê Văn Bút (nguyên Phi đoàn trưởng PĐ-229) và rời Pleiku trong vòng 48 tiếng đồng hồ!

    Nghe ông Định kể, tôi rất ngạc nhiên, vì ngày còn ở Pleiku, khoảng đầu năm 1972, khi tiết lộ với tôi việc Đại tá Phạm Ngọc Sang sẽ ra Pleiku làm Sư đoàn trưởng SĐ6KQ sắp được thành lập, ông Định đã có những nhận xét tốt đẹp về ông Sang, nhất là về cái khoản “ông Sang không ngán cha nào ở Bộ tư lệnh cả!”

    Rõ ràng ông Định là một nhân tài của Không Quân, đồng thời cũng không thể phủ nhận ông Sang là một cấp chỉ huy gương mẫu, một con người chính trực, và mỗi khi nhắc tới việc ông tình nguyện ở lại dưới đất với Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi để rồi cả hai cùng bị lọt vào tay quân cộng sản ở Phan Rang, người ta phải xem đó như một tấm gương trung dũng.

    Nhưng tại sao hai con người cao quý ấy lại không thể dung nhau? Tại sao trước kia ông Định cúc cung tận tụy với ông Bá, nay lại bất phục ông Sang? Chính anh Võ Ý, trong bài “Chút kỷ niệm với tướng Phạm Ngọc Sang”, cũng không có câu trả lời!

    Thế là trước kia thì ông Định bị “đày” ra Pleiku, nay lại bị “đá” khỏi Pleiku về nằm ở “thặng số BTL”. Cũng may, trong số những người không ghét ông Định có cả ông Minh Cồ. Ông Định kể lại với tôi rằng khi được vị Tư lệnh Không Quân gọi vào nói chuyện bổ nhiệm chức vụ, ông Định đã dứt khoát từ chối các chức vụ tham mưu, và cũng không chịu về “ngồi chơi xơi nước” ở Bộ Chỉ Huy Hành Quân KQ của Đại tá Vũ Văn Ước, một “dân Bắc Kỳ” thứ thiệt! Sau cùng, ông Định đồng ý ra nắm Trường Phi Hành ngoài Nha Trang, bởi tuy mang tiếng ở “dưới đất” nhưng cũng dính dáng tới bay bổng!

    * * *

    Lần cuối cùng tôi gặp ông Lê Bá Định là vào ngày 2 tháng 5 năm 1975 tại nhà bà ngoại tôi ở Phú Nhuận, nơi tôi và vợ con tá túc sau khi chạy từ phi trường Biên Hòa về.

    Trước kia tôi cho ông Định địa chỉ này là vì ông có ý định khi nào rảnh rỗi sẽ tới thăm ông cậu của tôi – Trung tá Tiểu đoàn trưởng 20 CTCT ở Pleiku ngày nào, nay đã đổi về Sài Gòn - nhưng chưa có dịp.

    Thấy ông Định mặc quần áo dân sự, đạp xe đạp tới nhà, tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi quen miệng gọi ông bằng “Trung tá” liền bị ông chỉnh ngay “Giờ này còn Trung tá cái gì, bạn cứ gọi tôi bằng “anh”!

    Ông hỏi tôi sao không đi, câu hỏi hàm ý lo lắng, tội nghiệp tôi, và chê trách các cấp chỉ huy đã bỏ rơi đàn em; tôi cho ông biết tôi tự nguyện ở lại chỉ vì trước đó đã đưa vợ con về Sài Gòn để tránh pháo kích; ngày cuối cùng ở Biên Hòa, tôi ngồi trên xe díp với ông Từ Văn Bê cho tới khi đốt xong phi trường, rồi xuống xe ở lại với anh em binh sĩ đang chờ Chinook di tản, ông Bê một mình lái xe ra TOC, nơi có chiếc trực thăng đậu sẵn, chờ ông và Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính, Sư đoàn trưởng SĐ3KQ.

    Tới lượt tôi hỏi sao ông Định không đi, ông lắc đầu “Đi để làm gì?!”

    Sau này nghiệm lại, tôi biết ông Định quyết định ở lại vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ông ghét người Mỹ, nhất là đám cố vấn; ngày còn mang cấp Đại úy bay khu trục ở Biên Hòa, ông Định đã đụng nặng với một viên Thiếu tá cố vấn; ra Pleiku, trước khi đụng lớn với John Paul Vann, cố vấn tư lệnh Quân Đoàn II (Trung tướng Nguyễn Văn Toàn), ông Định, dù đang cà nhắc vì bị trật mắt cá, đã xách ba-toong rượt tay cố vấn Mỹ phách lối đòi đuổi mấy chiếc A-1 ra khỏi “parking VIP” (vì phi trường không còn chỗ đậu). Ông Định cũng thường tỏ ra cay đắng khi nhắc tới các phi vụ MACV-SOG “có trợ cấp vượt biên” mà KĐ72CT phải thực hiện; ông gọi các phi vụ này là “đánh giặc mướn” cho người Mỹ!

    Sau khi được CSVN thả, ông Định càng có thêm lý do để không đi Mỹ theo diện HO. Một trong những lý do ấy là ông sống tương đối thoải mái với công việc dạy tiếng Anh, chứ không phải vì ông bị người Mỹ ghi tên vào “sổ bìa đen” như một số người đã suy diễn, đồn thổi.


    * * *

    Điều an ủi lớn nhất cho tôi mỗi khi nhớ tới ông Lê Bá Định là tuy mộng lớn không thành, trong nửa đời còn lại, ông đã tìm được một sự an nhiên cho tâm hồn mình, không phải chỉ sau khi đã được thả mà ngay từ ngày mới bị bắt đi học tập cải tạo. Năm 1978, khi tôi bị đưa từ Sông Bé về Suối Máu (Biên Hòa), một số sĩ quan cấp tá của KQ từng ở tù chung với ông Định nhưng may mắn không bị đưa ra Bắc, kể lại rằng ông Định có khả năng “thiền” ngay trong tù – thiền theo lối thiền của riêng ông, mà nhiều người cho là lập dị!


    Bà Quả phụ LBĐ và một số con cháu trong lễ phát tang (hình Phạm Kim Lân)


    Một ngày sau khi ông mất, gia đình làm lễ phát tang, có sự hiện diện của ông Phạm Kim Lân, cựu Trung tá Trưởng Khối CTCT Pleiku (người kế nhiệm ông Định) ngày nào . Khi thắp nhang khấn vái, ông Lân có nhắc tên tôi. Nhưng tôi tin rằng dù ông Lân không nhắc, ông Lê Bá Định, sống khôn thác thiêng, cũng dư biết trên đời này, nếu có một người xứng đáng nhất để tôi gọi là “thầy”, người đó chính là ông. Và cũng là người “anh” tôi quý mến nhất.


    Nguyễn Hữu Thiện
    Melbourne, tháng 6/2014
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 06-11-2021, 06:40 AM.

  • #2
    Thưa Diễn Đàn,
    Cô Tuyết Lê, em gái út của cố KQ Lê Bá Định, hiện sống với gia đình tại San Jose, muốn xác định một điều về cá tính của anh Định qua email cô gởi cho NT Lê Như Hoàn, khi NT Hoàn chuyển bài viết của KQ Nguyễn Hữu Thiện trên HQPD cho cô đọc:

    "Cam on Anh Hoan..... Tui chi muon dinh chanh mot dieu nay:
    Anh Dinh chi ghet nhung nguoi co van My , noi rieng, chu khong ghet nguoi My,
    noi chung......Bang chung la Anh Dinh rat thuong va quy men ong xa cua tui va co
    vai nguoi ban My da bay ve VN tham vieng Anh Dinh va thuc su thuong tiec khi
    nghe tin Anh da qua doi.
    Tuyet".
    Ngoài ra, gia đình anh Định còn cho biết, khi anh ra khỏi tù CS (vào khoảng năm 1986) thì bố anh lâm trọng bịnh, và đó cũng là lý do chính để anh không thể rời bỏ phụ thân mình trong hoàn cảnh như vậy được.
    Cách riêng, tôi xin cám ơn KQ Nguyễn Hữu Thiện đã nhắc đến tên tôi trong bài viết đầy tình nghĩa của anh. Dù gì, anh Định là NT của tôi, là bạn cùng viết Lý Tưởng trước kia, và cũng là cấp chỉ huy của tôi nữa. Cùng với tâm tình của KQ NHT, theo tôi, anh Định là một KQ tài ba của KQVNCH, cả tài năng lẫn khí phách!
    Trân trọng
    KQ voy
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 11-05-2018, 03:48 PM.

    Comment


    • #3
      Chờ lâu quá nhưng không thấy quý niên trưởng và các bạn trong PĐ Thái Dương 530 những nhân chứng có tiếng nói trung thực vể anh Lê Bá Định. Hôm nay tôi mạo muội xin bổ túc với hai NT Võ Ý và Kha Lăng Đa về chuyện mâu thuẩn với Vị Cố Vấn QĐ II John Paul Vann.

      Sau hơn hai năm phục vụ dưới quyền anh Lê Bá Định từ chức vụ PĐT/PĐ 530, LĐT/LĐ72TC và KĐT/KĐ 72CT Pleiku tôi gặp anh gần như mỗi ngày, tôi chưa bao giờ chuyện trò riêng rẻ với anh nhưng tôi có duyên là 1 trong những nhân chứng mắt thấy tai nghe. Trong số việc xảy ra ở Pleiku tôi nhận thấy có hai việc đáng ghi nhớ mà anh Định hành xử đối với cấp trên dù người đó là TLQĐ hay Cố Vấn Mỹ đầy quyền lực mà ít người dám làm như anh. Không vì quyền lợi bản thân anh, anh chỉ biết lo lắng và bảo vệ đàn em. Anh như là "gà mẹ" lúc nào cũng vươn đôi cánh quyết bảo vệ "đàn gà con" bằng mọi giá trước nanh vuốt của lũ diều hâu dù người đó là ai quyền uy như thế nào, là TLQĐ hay vị Cố Vấn đầy quyền lực. Nếu anh cho là "phải" thì anh sẳn sàng đối đầu dù phải đánh đổi bằng tương lai hay binh nghiệp của anh.

      Trong bài nầy anh Kha Lăng Đa có đề cập tới chi tiết về phi đoàn khu trục "lạnh cẳng" nên tôi chỉ ghi lại mỗi chuyện nầy mà thôi, còn chuyện Th/Tướng Tư Lịnh Phó KQ bay ra Pleiku sáng ngày 29/5/1972 để dàn xếp về việc anh Định "đụng độ" với TLQĐ II sáng sớm ngày 27/5/1972 tôi xin hẹn dịp khác.

      Mọi người đều biết tính nết của ông Cố Vấn John Paul Vann như thế nào. Ngay từ khi bước chân tới Pleiku năm 1970 ông đã phán phủ đầu rằng: "Lính VN tụi bây đánh giặc như con gà chết", dĩ nhiên mọi người không mấy có cảm tình với ông.

      Hoạ từ trời cao giáng xuống ?

      Vào hạ tuần tháng 6 /1971 Tr/Tướng Ngô Dzu TLQĐ II và Vùng II CT báo tin do áp lực của ông cố vấn John Paul Vann, buộc lòng ông ( Tr/Tg Dzu) phải truy tố Đ/U NHM và Th/uý Nguyễn Ngọc Hùng ra Toà Án Quân Sự Vùng II (Nha Trang) vì tội ném bom vào quân bạn làm cho TĐ95BĐQ Biên Phòng (?)tan rã, hơn 300 xác bỏ lại trận địa vùng núi Dak Sang phía Bắc Dakto hơn 30 dặm. (Anh M không nhớ chính xác ngày tháng, cấp bậc anh M và Hùng tự Hùng Hynos lúc bấy giờ, Tr/u Hùng anh dũng hy sinh trong phi vụ thả bom Napalm yểm trợ tiếp cận ở chân đồi Chu Pao ngày 21/5/1972).

      Anh M và Hùng đều xác nhận ngày hôm đó theo sự hướng dẩn của FAC thuộc PĐ Sao Mai 114- Nha Trang trên tần số FM, hai anh đã thả xuống 12 trái bom MK-82 (500 cân Anh) theo yêu cầu của Sao Mai và hoàn toàn không biết đây là vị trí đóng quân của TĐ 95 BĐQ (PĐ 118 đang thành lập tại Pleiku chưa bay hành quân).

      Điều xui rủi hôm đó 2 anh M và Hùng liên lạc Sao Mai trên tần số "giải toả" FM nên không có thâu âm như ở tần số UHF. Mọi người chỉ căn cứ vào kết quả hơn 300 xác (mặc quân phục BĐQ) bỏ lại tại trận địa, không cần biết lý do hay có ẩn tình gì. Tất cả tội đều đổ vào đầu hai anh M và Hùng. Anh Định ( PĐT PĐ 530 lúc bấy giờ) đành thúc thủ không thể biện giải và tất cả anh em trong PĐ đều chán chường. Đúng là hoạ từ trên trời rơi xuống ? Hai vị bất bình nhiều nhất là Ông Bá Chủ (KĐT) và anh Định. Anh Định cho rằng ông cố vấn nầy có ý muốn "chơi" PĐ 530 vì sự việc liên đới với nhiều người nhưng chỉ có anh M và Hùng của PĐ 530 làm vật tế thần bị truy tố mà thôi và bực tức "Moa mà gặp chiếc trực thăng OH-58 của nó moa bắn hạ ngay không do dự !"

      May nhờ Tr/Uý Sáng (Nha Quân Pháp Vùng II-Nha Trang, anh họ của Đ/uý Đặng Ngọc Độ cùng PĐ) giúp đở, cố kéo dài thời gian điều tra tới đâu hay tới đó, gọi là câu giờ nên 2 anh M và Hùng chưa nếm mùi quân lao Nha Trang ra sao?

      Cơ Hội Phục Thù.

      Vào 1 buổi xế trưa đầu tháng 7 năm 1971 trong lúc anh em đang hóng gió trước cổng PĐ, anh Định chạy chiếc xe Jeep tới và thắng gấp trước cổng PĐ. Vừa xuống xe anh bật quẹt mồi 1 điếu thuốc lá QTV, mặt mày hớn hở ,hỏi 2 anh M và Hùng Hynos đâu rồi và anh từ từ kể anh vừa đại náo QĐ II:

      - Nhận lịnh ông Bá Chủ, anh Định sang QĐ II hợp khẩn cấp với BTL/QĐII. Khi đến nơi các quan lớn của QĐ II đều có mặt đông đủ chỉ trừ ông cố vấn trưởng John Paul Vann ( vì có tin nên ông đã chuồn trước) để nghe vị TĐT/TĐ BĐQ tường trình lý do TĐ của ông bị xoá sổ (sau khi băng rừng xuyên núi cả tháng trời mới "bò" về được Dakto rồi được trưc thăng bốc về Pleiku)

      * Ngày ấy 1 phi cơ O-2 quan sát của Mỹ đang theo dỏi và yểm trợ cho TĐ. Đến trưa thì TĐ bị tấn công từ mọi phía nhưng TĐ không thể liên lạc được với FAC của Mỹ nầy để xin KQ yểm trợ. Lính của TĐ hầu hết là người Thượng, khi thấy áp lực của Cộng Quân quá mạnh, họ vứt bỏ quân phục, vũ khí, vận khố chạy vào rừng sâu. Bộ Chỉ Huy TĐ gồm 11 người may mắn trốn trong 1 khe núi. Một lúc sau, may mằn ông liên lạc được với PHĐ của PĐ Sao Mai 114 (lên thay thế chiếc O-2 của Mỹ) trên tần số giải toả và chính ông đã yêu cầu thả bom xuống, mục tiêu là vị trí đóng quân của TĐ trước đó. Ông khẳng định con số hơn 300 xác tại trận địa đều là Cộng Quân mặc quân phục BĐQ mà các quân nhân người Thượng vừa vứt bỏ trước đó không lâu.

      Vừa nghe xong lời trần tình của vị TĐT nầy anh Định như người bay trên mây, như trút được gánh nặng ngàn cân mà anh ôm ấp cả tháng vừa qua nhưng cũng phải "trả đũa" những gì ông cố vấn gây ra cho anh M và Hùng.

      Với tài hùng biện sẳn có, nói tiếng Tây như Đầm, anh thao thao bất tuyệt kết tội tắc trách của PHĐ người Mỹ theo dỏi, yểm trợ, TĐ bị CSBV tràn ngập mà không hề hay biết và ông cố vấn QĐ II lại vu oan giá hoạ cho 2 người phi công của PĐ 530. Ngài cố vấn John Paul Vann ăn nói làm sao, giải thích như thế nào với 2 quân nhân (anh M và Hùng) đang nằm chịu khổ trong quân lao bấy lâu nay? Hơn 300 lính giả BĐQ nầy của CSBV sẻ làm gì nếu không bị ném bom ? Hậu quả sẻ ra sao v...v...

      Sau buổi hợp vị Đ/Tá Mỹ phụ tá cho ông Vann hỏi các vị trong QĐ II: Ông tướng vừa rồi từ BTL/KQ mới ra ? Ổng chửi bọn tôi thậm tệ mà chúng tôi không thể biện hộ gì được!

      Ngày hôm đó do sự tình cờ khi đi hợp anh Định mặc bộ đồ 4 túi không lon không lá, còn chiếc ca lô có gắn bông mai bạc thì anh lận giấu phía sau thắt lưng. Đố ai biết anh mang cấp bậc gì?

      Chiến thắng các mặt trận Phú Nhơn, Căn Cứ Số 5, Căn Cứ Số 6 ... liên tiếp xảy ra, danh tiếng của PĐ Khu Trục A-1 Thái Dương 530 loan truyền tứ phương. Vào trung tuần tháng 8/1971 Tr/Tướng Hoàng Xuân Lãm TLQĐ I và Vùng I CT yêu cầu BTTM tăng phái 1 Biệt Đội của PĐ 530 ra Đà Nẵng trong cuộc hành quân Lam Son 720.

      Và từ ngày "đại náo" QĐ II của anh Định với sự "thị thiền" của Tướng Dzu, tôi không nghe nói bất cứ mâu thuẩn nào nữa. Ông cố vấn P.Vann còn có thành kiến với PĐ 530 và KQVNCH hay không nhưng gần 1 năm sau trong trận Charlie, ông P.Vann đã chứng kiến 4 chiếc A-1 bị bắn cháy trong ngày 12/4/1972 (anh TNNV là 1 trong số). Đặc biệt nhất là trưa hôm đó ông John Paul Vann lao xuống cứu (rescue) khi thấy chiếc A-1 của anh Cơ bị bắn cháy và chiếc dù của anh Cơ rơi xuống vùng rừng già Trường Sơn (ngày Cố Đ/Tá ND Nguyễn Đình Bảo hy sinh rồi 6 giờ chiều cùng ngày Tr/uý Dương Huỳnh Kỳ hy sinh trong phi vụ thả bom Napalm low level để yểm trợ tiếp cận cho TĐ 11 Dù).

      Nhìn lại trận chiến Mùa Hè Đỏ Lữa từ ngày 12/4 đến 27/5/1972 PĐ 530 thiệt hại 18 phi cơ, 3 người hy sinh ( Tr/uý Dương Huỳnh Kỳ, Tr/uý Nguyễn Ngọc Hùng bỏ xác tại trận địa, duy nhất thi hài của Cố Tr/Tá Phạm Văn Thặng được mang về) Tr/uý Nguyễn Đình Xanh nhảy dù và bị bắt tại căn cứ Lệ Khánh- Polei Kleng phía Tây Kontum (quý vị đã đọc trên HQPD vài ba năm trước đây) và gần phân nửa hoa tiêu của PĐ đều được"thực tập" nhảy dù.

      Ông cố vấn John Paul Vann là người ra sao? độc tài như thế nào? rất nhiều người đã viết về ông, nhất là vụ bỏ rơi Tướng Lê Đức Đạt TLSĐ 22BB ở Tân Cảnh nhưng không một ai phủ nhận nhiệt tình và công lao to lớn của ông. Ông đã giữ vững mặt trận Kontum, chỉ 1 đêm 26/5/72 ông dùng B-52 đánh tan tác các SĐ CSBV phải ôm đầu máu trốn chạy khỏi thị xả Kontum.

      Về anh Định rất nhiều người viết về anh như anh Hồ Danh Lịch đã ghi lại cũng như trên nguyệt san Lý Tưởng KQ năm 1971 anh Dương Hùng Cường hết lời ca tụng tài thao lược, hô phong hoán vũ của anh Định trong bài "Người Gác Mây" trong trận giải toả căn cứ số 5 vào đầu tháng 6 năm 1971. Riêng tôi, tôi rất hảnh diện được phục vụ dưới quyền anh Định và ông Bá Chủ vì hai vị coi tôi như là 1 trong những đứa em bé nhỏ của đại gia đình.

      Philong 51 cựu Thái Dương 530.




















      Last edited by chimtroi; 09-28-2018, 01:23 PM.

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X