Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nhớ Xưa Sông Núi...

Collapse
X

Nhớ Xưa Sông Núi...

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhớ Xưa Sông Núi...

    Nhớ ngày 19/06
    (Hh)


    Nhớ xưa sông núi. . .
    ~~~





    Tạ ơn sông núi, tạ ơn người
    Tạ những truông dài, tạ biển khơi
    Một thuở nuôi đời tôi lớn dậy
    Tổ quốc còn trong tiếng khóc cười
    (Ngọc Phi)



    1.

    Tháng 6. Vẫn không thể quên chiếc áo lính ướt đẫm máu và mồ hôi những ngày lửa đạn. Những ngày tuổi thanh xuân đi giữa chiến tranh mà không ý thức được rằng mình đang mất dần tuổi thanh xuân. Để hôm nay, kinh hãi nhìn tuổi già xồng xộc bước vào hiên nhà cùng với trí nhớ đễnh đãng, quên trước quên sau, cứ quên những điều phải nhớ, nhưng lại cứ nhớ những điều lẽ ra phải quên từ lâu. Chiến tranh, tuổi trẻ, những trách nhiệm không chu toàn, những năm tháng vô vọng miền lưu đầy Việt Bắc. Và cái ngày tháng 6 hàng năm, ngày những kẻ sĩ mặc quân phục thấm thía hơn lúc nào hết lời dạy của tổ tiên. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách.

    Đã vậy, người bạn thi sĩ , dù áo cơm hàng ngày đã chiếm gần hết thì giờ, vẫn còn đủ cảm hoài mà viết nên những dòng thơ, đọc xong cứ thẫn thờ như người vừa đánh mất một vật gì vô cùng quý báu:

    ba mươi năm hề ta trở lại
    thăm thành phố cũ mái trường xưa
    đà lạt hoàng hôn mây xuống thấp
    dột lòng viễn khách lệ hay mưa
    đi ngang cổng vào trường đại học
    chân dường đứng lại hồn đong đưa
    dĩ vãng ùa về trong khoảnh khắc
    biết bao kỷ niệm nói sao vừa
    ta đến nơi nầy một sáng xuân
    sẵn chờ sau cổng những thiên thần
    áo vàng mũ nhựa
    mắt nhìn rực lửa
    lệnh truyền nhức óc đinh tai
    trời đất cuồng quay
    phách hồn tơi tả
    quần áo lấm lem chân tay rời rã
    ta lạc vào quỷ môn quan
    lửa tam muội thử vàng
    hay trong lò luyện thép
    ngày đầu tiên của đời binh nghiệp
    vũ đình trường
    đêm lột xác
    ta quỳ xuống như bao đồng đội khác
    thệ trước quốc quân kỳ
    khi tổ quốc lâm nguy
    thất phu hề hữu trách
    ta đứng dậy
    đội trời đạp đất
    gánh sơn hà đặt trọn hai vai
    chí làm trai
    tang bồng hồ thỉ
    con dốc nhỏ
    cội thông già
    mimosa
    đường ra phố
    ly cà phê nhà thủy tạ
    ngắm hồ xuân hương
    thác cam ly rừng ái ân
    thung lũng tình yêu hồ than thở
    bạn đang ngược dốc phan đình phùng
    ta lại gặp cuối đường tăng bạt hổ
    mỗi chiều mỗi sáng bên kia đường
    áo em bay trắng cả sân trường
    bùi thị
    tại làm sao em nhỉ
    mà ta đã gặp nhau
    khi mê muội trước tình em cám dỗ
    ta hiện hình tên lãng tử cuồng si
    rời doanh trại nửa đêm chuồn xuống phố
    chỉ để nhìn em khẽ chớp bờ mi

    ba tấc lưỡi tô tần
    túi kinh luân gia cát
    tràn đầy bầu nhiệt huyết
    tung đôi cánh chim bằng
    giã bạn xa thầy rời phố núi
    ta đi không hẹn buổi quay về
    ruổi dong khắp nẻo đường đất nước
    trên đầu lấp lánh ánh sao khuê
    ba năm mười năm em có đợi
    một người biền biệt cuối sơn khê
    nợ nước tình riêng không thể vẹn
    đừng trách sao ta lỗi ước thề

    vận nước ngửa nghiêng nghiêng ngửa
    ngậm ngùi dâu bể bể dâu
    ta về đây bạc mái đầu
    cố nhân mất hút dưới bầu càn khôn
    người đã qua sông dịch
    không trở về sao người
    . . . . . .
    (Trần Trung Hậu - Đà lạt ngày trở lại)




    2.

    Người đã qua sông Dịch
    Không trở về sao ngươi


    Biết bao Kinh Kha thời đại, nhận sứ mệnh đi tiêu diệt hết những độc ác, tàn bạo, vô nhân, sau một lần bước qua dòng Dịch Thủy, đã không thấy trở về.

    Lịch sử đôi khi thật tàn nhẫn, trêu ngươi. Nói theo lối cổ điển có nghĩa là trời xanh không có mắt. Bao nhiêu chàng trai trẻ đã bỏ mình vì cuộc chiến, hoặc, có sống sót cũng đã phải trải qua trăm cay nghìn đắng. Rồi hơn 30 năm sau, đất khách quê người, vẫn không nguôi nỗi ray rức của những sứ mạng không được chu tòan. Những ước mơ không bao giờ trở thành sự thực. Dẫu vậy, một anh bạn thi sĩ khác, vẫn kiêu hãnh nhắc lại niềm tin đẹp đẽ từ những ngày lửa đạn ấy:

    Mùa hạ còn nguyên dấu đạn bom
    Ta đi trong gió rít oan hồn
    Máu xương ta đã dành sông núi
    Để lại ngàn năm một nét son

    Ta biết ta đi từ chiến cuộc
    Cũng từ cuộc chiến để đi về
    Dẫu chết một đời trong lửa ngục
    Nhớ xưa sông núi nở môi cười
    . . . . . .
    (Ngọc Phi - Nhớ xưa sông núi nở môi cười)






    3.

    Chúng tôi, những người bạn cùng một lứa bên trời lận đận, cùng một lần tự khoác lên vai mình những trách nhiệm mà người trai trẻ nào cũng hãnh diện được khoác lên vai, dù biết rằng, cũng như Tráng Sĩ Kinh Kha thuở trước, một đi chưa chắc sẽ có ngày trở về. Nhưng làm thân trai trong một thời ly loạn, lựa chọn nào cũng thấm đẫm nét bi kịch như nhau.

    Rồi cuộc chiến cũng chấm dứt. Nhưng những bạo chúa vẫn còn tồn tại, và màu cờ sắc áo chúng tôi bị bức tử. Dù màu cờ sắc áo có bị bức tử nhưng những người đã từng một thời hãnh diện khóac chúng trên người vẫn còn đó như một nhắc nhở rằng, dù lịch sử có tàn nhẫn trêu ngươi đến như thế nào cũng không thể xóa đi được cái hồn linh thiêng của một đòan quân, kết tụ bằng vong linh của người đã nằm xuống, hun đúc bằng tình đồng đội của người còn sống sót, dù phải trải qua bao nhục nhằn của tù đày, bao trăn trở của cuộc sống nới xứ người.

    Ngày hôm nay, tuổi già đã ngấp nghé ngòai cửa, chúng tôi ngoái nhìn hôm qua chẳng phải để nuối tiếc một phần đời nhọc nhằn, bấp bênh giữa sống và chết. Chẳng qua cũng chỉ là để nhắc nhau rằng, màu cờ sắc áo mà chúng tôi một thời khoác chung, vẫn không thể bị phai mờ.

    Vì, một lẽ rất dễ hiểu, những mục đích đẹp đẽ mà màu cờ sắc áo ấy hướng tới, vẫn chưa biến thành hiện thực trên mảnh đất quê nhà.

    Chúng tôi nghĩ rằng, đó mới là ý nghĩa thiết thực mà những người lính Việt Nam Cộng Hòa nên suy ngẫm mỗi khi nhớ đến cái ngày đất nước long trọng trao cho mình sứ mệnh bảo quốc an dân năm xưa. Chứ không phải cái vinh quang có mùi tanh của máu và vị mặn của nước mắt, thứ vinh quang đến từ chiến tranh vốn rất hão huyền, kể cả vinh quang của kẻ thắng trận.

    T.Vấn
    (http://t-van.net)
    Last edited by Hoanghac; 06-18-2014, 11:47 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X