Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đêm Tù

Collapse
X

Đêm Tù

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đêm Tù

    Đêm Tù
    ~~~




    Mùa đông 1975 thật lạnh. Thời tiết như đồng lõa với quân thù, ra sức hành hạ những người trai sa cơ thất thế của miền Nam. Chúng tôi bị giam ở Hốc Môn. Trại giam là một khu trại cũ của công binh VNCH. Chung quanh trại có hào sâu và rộng, sát hào là những bờ đất cao chống chiến xa. Trên bờ đất là những hàng dây kẽm gai chằng chịt và những tháp canh cách nhau khoảng 50 thước, trên đó bọn vệ binh CS ngày đêm chĩa mũi súng AK vào chúng tôi.

    Đêm Hốc Môn gió bấc thổi luồn qua căn trại lợp tôn không vách cắt vào da thịt. Chúng tôi nằm sát nhau trên mặt đất, mỗi người có được khoảng 5-6 tấc bề ngang. Nhiều người trong chúng tôi, vì nhẹ dạ tin tưởng cải tạo 10 ngày, không mang theo mền nên phải mặc thêm quần áo hay đắp chung mền với người bên cạnh. Tôi mang theo mền dày mà khí lạnh từ nền đất vẫn thấm sâu vào lưng làm nhức nhối xương thịt.

    Ngày tù qua thật chậm. Cảm giác đại bàng gãy cánh, ray rức, uất hận phủ chụp lấy chúng tôi. Đêm không ngủ được, chúng tôi thay phiên nhau, kể cho nhau nghe những mẫu chuyện của đời lính.

    Có đêm, một đại uý cảnh sát kể chuyện tình báo. Cơ quan anh kiên nhẫn cài người vào hàng ngũ CS bắt được tên cán bộ cao cấp VC nằm vùng từng tấn công đồn quốc gia giết chết cả đàn bà con nít. Đêm khác, một đại úy nhảy dù kể chuyện lính dù xung trận. Trong một trận đánh cách đó không lâu, đại đội anh bị cộng quân phục kích nhưng chiến sĩ dù không nao núng, vừa hô xung phong vừa bắn vừa chạy tràn vào vị trí của địch quân làm chúng hoảng hồn tháo chạy để lại cả thương binh, xác chết và vũ khí. Một đêm khác, một đại úy phi công trực thăng kể chuyện phi cơ anh bị phòng không của cộng quân bắn rơi trên đất địch và anh đã phải chiến đấu cam go để được đồng đội cứu thoát.

    Tôi, một quân y sĩ, phục vụ tại một quân y viện, chưa hề nếm mùi chiến trường gian nguy, nằm nghe say mê chuyện chinh chiến như đang được coi phim chiến tranh. Đêm tù dường như có ngắn bớt lại, những câu chuyện chinh chiến cũng phần nào sưởi ấm được những cõi lòng đang tê lạnh bởi gió bấc và lao tù. Chuyện gay cấn, hấp dẫn thì nhiều dù chẳng ai thêu dệt. Thỉnh thoảng lại có đôi chuyện buồn làm cho lòng chúng tôi chùng xuống.

    Có một đêm, một đại úy phi công gunship trẻ tuổi kể về những phi vụ hiểm nghèo mà anh và đồng đội từng yểm trợ quân bạn trên vùng rừng núi cao nguyên hay ngoài vùng giới tuyến rực lửa giao tranh. Trước khi chấm dứt lượt kể chuyện của anh, anh nói thêm, “Còn một chuyện nầy nữa mới xảy ra cách đây vài tháng mà tôi muốn kể cho quý bạn nghe. Tôi muốn quên mà không quên được. Cho tới lúc nầy, nằm đây, nhiều đêm cố nhắm mắt ngủ nhưng những hình ảnh cũ lại cứ mồn một trở về…”

    Đêm tù tương đối yên tịnh. Gió bấc vẫn thổi từng cơn lạnh ngắt. Giọng anh phi công trẻ trầm buồn, “Đà Nẵng thất thủ. Phi đoàn của chúng tôi, gồm nhiều loại trực thăng, được lệnh di tản về Cam Ranh. Chúng tôi bay dọc theo bờ biển để tránh phòng không của địch. Khi bay được nửa đường thì những phi công bay đầu khám phá ra có giao tranh giữa ta và địch dưới đất, sát bờ biển. Trong cảnh chiến trường mịt mù khói lửa, chúng tôi thấy có rất đông dân chúng chạy loạn đang bị kẹt giữa hai lằn đạn trên bờ biển. Phi đoàn trưởng của chúng tôi lập tức ra lệnh cho phi đoàn tìm cách lao xuống bốc cứu dân chạy loạn.


    24/3/1975 – Dân chúng di tản khỏi Đà Nẵng

    Nhiều trực thăng đã len lỏi qua được lưới đạn phòng không của địch và đáp xuống bãi biển. Một số khác bay vòng trên không yểm trợ các trực thăng hạ cánh. Các trực thăng vẫn giữ máy nổ, cánh quạt quay tít thổi tung từng vùng cát bụi mịt mù trên bãi như những cơn lốc nhỏ. Dân chạy loạn, phần lớn là cụ già đàn bà và con nít. Thình lình thấy trực thăng đáp xuống và các binh sĩ ta vẫy gọi, họ mừng rở, bồng bế dắt díu nhau rời chỗ núp, bương bả chạy về hướng các trực thăng đang chờ.

    Trong phút chốc, cộng quân cũng thấy rõ sự có mặt của các trực thăng nên tức tốc nã đạn súng cối vào chúng tôi và đám đông dân chạy lọan. Tiếng đạn của cộng quân nổ vang rền khắp nơi. Có nhiều người chạy loạn đã ngã quỵ trên vũng máu trước khi tiến gần được trực thăng. Các binh sĩ đi theo trực thăng đã xông xáo trong đám cát bụi, khói lửa bồng từng em bé, cụ già đưa họ lên trực thăng. Phi đoàn trưởng ra lệnh bốc nhanh và cất cánh vì cộng quân bắt đầu dùng hỏa tiễn tầm nhiệt A7 bắn vào các trực thăng.

    Các chiếc đang bay đã phải thả hỏa châu để đánh lạc hướng hỏa tiễn. Khi chiếc trực thăng cuối cùng nặng nề bốc khỏi mặt đất thì viên phi công khám phá ra một em bé gái khoảng 5-6 tuổi đang quỳ gối trên bãi, hai tay bịt mắt, hả miệng khóc ngất. Ngạc nhiên và xúc động, viên phi công cố gắng điều khiển chiếc trực thăng của anh đáp xuống lần nữa để bốc em bé bị bỏ sót nhưng ngay lúc ấy có tiếng la, ‘A7 sau đuôi! Nguy hiểm! Dang ra xa! Quân ta sẽ cứu em ấy.’ Chiếc hỏa tiễn A7 cũng vừa nổ tung sau đó không xa lắm phía sau trực thăng khi chạm hỏa châu.

    Viên phi công đành ngậm ngùi đưa phi cơ ra xa bờ biển. Anh nấc lên từng hồi vì đã không cứu được em bé gái. Có lẽ em đã quá khiếp đảm vì đủ loại tiếng nổ và bị cát bụi chui vào mắt nên không thấy đường chạy theo mẹ em. Cơn lốc bụi cát đã che lấp dáng dấp nhỏ thó của em nên các binh sĩ trong lúc vội vã đã không nhìn thấy em. Chiếc trực thăng bốc được lên cao và bay theo đoàn. Khi biết con gái mình còn sót lại trên bãi biển, mẹ em bé đã than khóc thảm thiết, cố nhào ra khỏi trực thăng để đi cứu con. Mọi người phải cố giữ cho bà khỏi rơi ra khỏi trực thăng và trấn an bà rằng binh sĩ Cộng Hòa đang ở gần đó sẽ cứu em. Bà vẫn vùng vẫy than khóc van xin mọi người cố cứu con bà và cuối cùng bà đã ngất xỉu khi trực thăng đáp xuống Cam Ranh…”

    Giọng anh phi công nghẹn ngào vào những lời chót trước khi anh ngưng kể. Tim tôi se thắt, mắt tôi cay xè. Chúng tôi không ai nói một lời. Phần lớn chúng tôi đều đã có con nhỏ trước khi bị giam giữ. Tôi biết các bạn nằm quanh tôi cũng đang thổn thức vì một câu chuyện có kết cục buồn.

    Câu chuyện gợi tôi nhớ lại quá khứ vài ba năm trước đó. Một buổi chiều tại Qui Nhơn, tôi, vợ tôi và hai con gái 3 và 4 tuổi của chúng tôi đang chuẩn bị tắm biển thì thình lình một chiếc trực thăng quân sự bị trục trặc máy, đáp ngay trên bãi biển gần chỗ chúng tôi ngồi. Tiếng máy trực thăng nổ ầm ầm, cánh quạt trực thăng thổi tung cát bụi vào chúng tôi. Hai đứa con gái bé bỏng của chúng tôi kinh hoàng, run rẩy ôm chặt lấy chúng tôi cho tới khi chiếc trực thăng tắt máy và cát bụi lắng dịu. Tôi lớn lên ở liên khu 5 và lúc nhỏ đã từng nhiều phen bị khiếp đảm bởi tiếng bom nổ, tiếng đạn đại liên và tiếng gầm thét của các khu trục cơ AD6 của quân Pháp nhào lộn oanh tạc trên xóm làng tôi.

    Đêm ấy, đêm nghe câu chuyện của anh phi công gunship, tôi thao thức thật khuya, cố dỗ giấc ngủ để khỏi phải tưởng tượng ra nỗi kinh hoàng tột cùng của em bé bị bỏ sót lại giữa cuộc giao tranh và nỗi đau thương ngút ngàn của một bà mẹ bị mất con. Trong tù, chúng tôi hy vọng quân bạn đã tìm cứu được em khi cuộc giao tranh chấm dứt. Cho tới giờ nầy, 29 năm đã qua mà tiếng trực thăng, ngoài đời hay trong TV, nhiều lúc vẫn còn gợi lại cho tôi hình ảnh một em bé gái bé bỏng quỳ gối ôm mặt khóc ngất trên bãi biển mịt mù khói lửa chiến tranh.

    Nguyễn Trác Hiếu
    Orlando, 2004

    (http://www.svqy.org)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X