Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Một khúc ruột thừa

Collapse
X

Một khúc ruột thừa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một khúc ruột thừa

    Một khúc ruột thừa
    ~~~





    Lúc tôi mới đến Pulau Galang, trại tỵ nạn có khoảng 15 barrack, nhưng chỉ mới có 12 barrack là có người ở, đại đa số là người Việt gốc Hoa.

    Chúng tôi được rải vào barrack 1, điền vào chỗ trống cho những người đã được đi định cư, nên những người đến sau tưởng tôi là một trong 1000 người đầu tiên đặt chân lên đảo.

    Vì phải lo thiết lập hồ sơ tỵ nạn, nhập trại, nhập barrack, cùng những thủ tục linh tinh khác với barrack trưởng và barrack phó, tôi có dịp quen biết anh Cẩu, người anh lớn của cô barrack phó tên Hồ Vinh, ngự sát bên chỗ của anh barrack trưởng.

    Anh Cẩu lớn hơn tôi 5 tuổi, là một trong 1000 người đặt chân lên đảo đầu tiên. Anh lanh lẹ, tháo vát, nhiệt tình và ưa châm biếm. Anh nói tiếng Việt chải chuốt đến độ không ai có thể nghĩ anh người gốc Hoa khi giao tiếp với anh. Biết tôi thuộc thành phần “vô sản chân chính” (rỗng túi), diện mồ côi (không thân nhân quyến thuộc ở nước ngoài), anh hướng dẫn tôi cách thức đi làm kiếm tiền mua thuốc hút đốt thời gian chờ đợi buồn tẻ trên đảo này.

    Anh kể, người ta dự trù xây dựng hàng trăm barrack. Việc phá rừng, ban đất, vét rãnh, làm đường, xây barrack… cần rất nhiều công nhân mà dân bản xứ không cung cấp đủ, nên người tỵ nạn nào xin làm, nhà thầu Indo đều nhận hết, họ trả $700/ngày (USA$1 = 750 – 800 đồng Indo) có sổ lương hạch toán đàng hoàng. Nhà thầu đối xử tử tế với người làm, chỉ kẹt một điều là họ luôn khất nợ, đến ngày người làm công được kêu đi định cư, chẳng ai xin hoãn lại chờ lãnh xong lương của nhà thầu, thành thử chưa ai nhận được đồng lương nào từ nhà thầu cả, và người tỵ nạn kháo nhau, không ai dại đi làm không công cho nhà thầu Indo nữa.

    Đi thẳng sâu vào trong, qua khỏi trụ sở Cao Ủy một đỗi, nhìn bên tay phải sẽ thấy một căn nhà gỗ lợp tôn 2 tầng do 4 người Thụy Sĩ to béo cai quản. Họ cần ít người giúp việc lặt vặt, trả lương sòng phẳng mỗi ngày. Có điều họ coi thường người Việt tỵ nạn, nên thường bày ra những trò hề giễu cợt những người sắp hàng xin việc mỗi ngày.

    Sáng sáng tôi dậy sớm theo đoàn người sắp hàng dài bên kia lề đường, đối diện với căn nhà gỗ 2 tầng chờ xin việc. Căn nhà dựng như kiểu nhà sàn, tầng dưới tênh hênh không đóng vách, 4 ông Tây to béo ngồi quay quần quanh chiếc bàn lớn giữa nhà, tầng trên chắc chỉ để ngủ. Cà phê thức uống đồ ăn đầy ắp, chúng ăn uống nói cười sang sảng, chán chê rồi mới uể oải đứng lên, bước ra dở trò tuyển người làm, thường chúng chỉ chọn lấy dăm bẩy người là hết mức.

    Chúng kê sẵn chiếc bàn picnic có 2 băng ngồi dính liền trên lề đường trước sân nhà. Mỗi ngày một trong 3 tay thay phiên nhau ngồi vào một băng ghế, dựa cùi chỏ lên bàn đợi sẵn chờ đấu thủ. 2 tay khác thì cười đùa hô hoán và cổ vũ ngoắc gọi đám người sắp hàng bên kia đường qua ngồi vào băng ghế đối diện thi kéo tay với tên ngồi sẵn. Lựa được người nào thì hắn dơ ngón cái thẳng lên nói “Good”, chê người nào thì hắn hất ngón tay cái ra sau lưng đuổi về. Tay thứ 4 ra vẻ là trưởng nhóm, tuổi ngoài 30, dáng cao mảnh khảnh, tóc bạch kim, thường đứng riêng tư lự, cổ lúc nào cũng đeo lủng lẳng chiếc máy chụp hình, thỉnh thoảng hắn lại ôm máy lên chụp cảnh kéo tay của người xin việc…

    Có bữa chúng ôm bao xi măng quẳng xuống đường, ai giơ bao xi măng lên xuống được 3 lần thì chúng chọn.

    Cũng có khi chúng quẳng một bao bố không và một ba-lô đựng cát xuống đường, ai muốn thử thì đeo ba-lô cát lên vai, bước 2 chân vào trong bao bố, 2 tay nắm miệng bao rồi nhảy chôm chôm qua bên kia đường, nơi chúng đang đứng reo hò cổ vũ. Một người cầm đồng hồ bấm giờ và chọn ra những người nhảy lẹ nhất, người khác thì loay hoay bấm máy chụp hình.

    Hễ thấy những trò chơi tuyển người như thế là tôi lại lặng lẽ bỏ về, mai lại tiếp tục sắp hàng chẳng bỏ lỡ ngày nào. Sáng sáng không dậy sớm đi sắp hàng lại thấy lòng nao nao sao ấy, nói quả đáng tội, tôi chỉ mong làm được vài ba ngày để có tiền mua chiếc mùng ngủ cho muỗi khỏi cắn thôi.

    Sáng hôm đó từ nhà bước ra, tôi thấy có thông dịch viên Lâm đi kèm. Lâm hơn tôi vài tuổi, dân Nam kỳ đẹp trai, da ngâm sạm nắng, đầu chải tém lộn, mặt đăm đăm ra dáng một “thiên lôi” con. Lâm chắp tay sau đít nhìn đoàn người nói, “Mấy ông… đây cần tuyển 20 người vào ban xây dựng làm việc suốt mỗi ngày cho đến khi xong công trình. Ai biết làm mộc thì bước xuống đường!”

    Thấy tôi mạnh dạn bước xuống đường không một giây lưỡng lự, ông râu xồm cao nhất bọn chỉ tôi và nói gì đó với Lâm, Lâm hỏi tôi có biết đọc bản vẽ không? Tôi trả lời là có học qua một năm về kỹ nghệ họa ở đại học kỹ thuật. Xí xa xí xô xong, Lâm lại hỏi tôi đã từng xây dựng một công trình lớn nhỏ nào như đóng ghế, đóng bàn, linh tinh gì đó không? Tôi thành thật trả lời rằng hồi nhỏ có đóng mấy cái chuồng gà cho bạn bè quanh xóm. Mấy người sắp hàng cười vang làm Lâm không nín được cũng phì cười. Chẳng biết Lâm nói gì mà ông tây râu xồm cao lớn đó chỉ tôi đứng qua một bên. Tôi đã được chọn.

    Tôi vô ban mộc làm việc trực tiếp với ông tây râu xồm to lớn đó. Ông muốn dựng một căn nhà y hệt căn mấy ông đang ở bên cạnh để phái đoàn các nước đến làm việc có chỗ ngủ lại, khỏi mất công đi đi về về Tanjung Pinang mỗi ngày. Ông trải bản vẽ căn nhà cho tôi xem, rồi ông đo cây, ông vẽ, ông vạch… và giải thích, chỉ tôi cách cưa, cách đục làm ngàm đóng sườn nhà. Ông vừa làm vừa nói, mà nói nhiều hơn làm. Ông nói líu nói lo, tay vung vẫy chỉ trỏ lung tung, tôi nghe được lõm bõm, nghe một đoán mười, nên cũng hiểu được phần nào. Mỗi khi tôi đục xong một cái ngàm, ông lại xem xét đo đắn cẩn thận, miệng luôn khen “Good! Good!” Tuần đầu ông trả tôi $1000/ngày.

    Tuần thứ nhì ông tây râu xồm to lớn giao cho tôi 1 thước cuộn, một viết chì, một thước đo góc, bảo tôi tự xem bản vẽ rồi đo đạc và cắt, vẽ lấy, dĩ nhiên ông theo sát bên kiểm soát việc tôi làm. Mấy ngày đầu ông còn sửa sai, mấy ngày sau ông để mặc tôi tự làm lấy, khi tôi cần hỏi ông mới đến ngó và đo lại. Tuần thứ hai ông trả tôi $1300/ngày.

    Tuần thứ ba ông tây râu xồm cao lớn đi vắng. Ông tây râu xồm thấp nhất (thấp là đối với bọn các ông, chứ cũng còn cao hơn tôi một cái đầu) trông coi ban tạp dịch khiêng cây, phá đất ban nền, giao cho tôi 2 người phụ, và bảo tôi cứ tiếp tục đo vẽ cho 2 người này cưa đục. Họ bắt đầu trả tôi $1800/ngày, tương đương hơn 2 dollars cho đến khi hoàn tất xong công trình, kéo dài 8 tuần lễ.

    Từ tuần thứ năm, nhóm người reo hò khiêng dựng khung nhà lên cho tôi và ông râu xồm to lớn ráp và đóng lại. Rồi cứ thế, chúng tôi đóng vách, đóng mái… hoàn tất căn nhà. Những người làm chung gọi tôi là “chuyên viên đóng chuồng gà” từ đấy.

    Trở lại thời điểm cuối tuần đầu đi làm. Cầm mấy ngàn trong tay, tôi mời anh Cẩu, Mú (bạn anh Cẩu ở barrack 8, khoảng tuổi anh Cẩu), Thanh (em bà con anh Cẩu ở barrack 3, nhỏ hơn tôi 2 tuổi) đi uống cà phê. Thanh nhỏ nhất nhưng lại trầm tĩnh lầm lì ít nói nhất, chẳng bù cho Mú, dù nói ngọng nghịu nhưng miệng không kịp kéo da non. Hôm đó Mú say sưa kể:

    “Hồi đó mới đậu xong Tú Tài lên Sài Gòn trọ học. Tau mướn một phòng nhỏ có kê sẵn một cái giường trên lầu nhà bà Tư Khía ở quận Tân Bình. Ăn ở luôn. Bà tổ chức hay lắm. Mỗi người ăn cơm tháng nhận một bộ chén đĩa muỗng đũa có ghi số phía dưới cho riêng mình. Ăn uống xong tự động mang chén đũa dơ xuống sau nhà tự rửa lấy rồi lau chùi cho khô, úp vô sóng chén chỗ ghi số của mình. Nước đầy sẵn trong hồ, thau nhỏ úp xếp bên hông hàng loạt, khăn phơi dài dài trên giây, ngăn nắp đâu ra đó, tha hồ xài thật là đã. Bữa sau tới giờ ăn, bà chủ chỉ việc vô lấy nguyên bộ chén đũa của mình mà múc sẵn. Học được ít tháng quen dần không khí thành đô. Mấy thằng học chung dẫn đi chơi (...) cho biết mùi đời. Xong xuôi đâu đấy, tau ngồi rửa thấy cái thau với tấm khăn lau quen mắt. Sinh nghi tau mới lần ra sau xem xét, mới biết cả chục nhà như vầy có ngõ ngách thông ra sân sau nhà bà Tư Khía… Quỷ thần thiên địa ôi! Bấy lâu nay tau rửa chén đĩa trong mấy cái thau mắc dịch này, rồi còn lấy mấy tấm khăn mắc toi này lau cho khô chén đĩa nữa. Ớn lạnh chè đậu, tau bỏ luôn tiền tháng đó, dọt lẹ tìm nơi ăn ở khác, vậy mà còn bị ngọng tới giờ. Cũng may chứ nếu tau còn nấn ná ở thêm vài tháng nữa chắc giờ á khẩu luôn rồi!”

    Một buổi trưa chúng tôi đang ngồi tán dóc trong quán cà phê, một cô Cao Ủy trẻ đẹp người Indo, đi với một ông thông dịch Bắc kỳ nhỏ thó vào quán mua cà phê. Cô mặc chiếc áo thun mỏng bó sát khoe cặp vú sữa nhỏ nhưng căng tròn chắc nịch, chiếc áo đầm xòe dài gần mắt cá sặc sỡ bông hoa, làm dáng đi tung tăng của cô thêm lộng lẫy kiêu kỳ. Người cô như toát ra một ma lực kỳ bí dập tắt mọi tiếng ồn ào. Cả quán im lặng há hốc mỏ dõi mắt nhìn cô. Mú quay sang tôi nói lớn, “Để tau nói tiếng Indo với cổ cho mày coi”. Tôi trợn to mắt thán phục, quay qua định khen với anh Cẩu một câu, thấy anh ngồi yên lơ đãng mỉm miệng cười nên tôi thôi không nói. Chờ cô Cao Ủy trả tiền xong quay ra vừa định cất bước, Mú đứng dậy hướng về cô gái cúi đầu vẫy tay làm một cử chỉ phương Tây lịch thiệp, “Hấy à! Buông xà rông trông chơi, hí!” Cô gái ngớ mặt ngạc nhiên quay nhìn lão thông dịch viên cầu cứu, ông khẽ cười nói, “He said you are so beautiful!” Cô gái một tay cầm ly cà phê, một tay níu váy, nhoẻn miệng cười thật xinh, vừa cúi xuống chào Mú bằng cử chỉ thật “đầm”, miệng cô ríu rít như tiếng chim hót, “Thank you! Thank you very much!” Mấy người trong quán vỗ tay tán thưởng Mú, cô gái nghĩ họ khen mình nên quay qua chào từng bàn một. Bị lôi cuốn bởi dáng dấp thanh tao thánh thiện đó, tôi đứng bật dậy chìa tay bắt tay cô gái, miệng tôi líu lít như có phết mỡ trơn, “Thank you so much for your kindness!” Bắt tay tôi xong, cô tung tăng bước đi, ra tới ngoài còn ngoái cổ lại cười.

    Anh Cẩu kể tôi, Mú là dân “câu độ” chuyên nghiệp. Mú chịu khó bỏ thì giờ điều tra kỹ lưỡng cuộc cá, lai lịch con độ… Khi Mú “bắt độ” nào là đã nắm phần thắng trong tay, ít thua lắm. Nhưng lâu lâu cũng bị “tổ trác”, mà có thua cũng không ăn nhằm gì, Mú chỉ cá độ văn nghệ cà phê thuốc lá mua vui làm chính.

    Chẳng biết từ duyên cớ nào. Mú đánh cá với thông dịch viên Lâm “đấu thơ”. Bên đây gồm Mú, anh Cẩu và tôi (từ ngày có tôi, Thanh trở thành tham dự viên thầm lặng). Bên kia gồm Lâm, một người bạn cùng lớp với Lâm, dường như đang học năm thứ tư Văn Khoa thì mất nước, và em rể Lâm, sinh viên năm thứ hai Vạn Hạnh. Lúc gặp mới nhận diện bà con, em rể Lâm và tôi từng biết nhau, cùng học chung trường thời đệ nhị cấp.

    Thể thức thi đấu cũng vui. Bên A đọc lên 2 câu thơ, bên B đoán tựa và tên tác giả 2 câu thơ đó. Nếu bên B chưa đoán được, bên A được 1 điểm và tiếp tục đọc 2 câu thơ kế, liên tục đọc 3 lần mà bên B vẫn không đoán ra là thua, bên A được tổng cộng 5 điểm và tiếp tục giữ vai chủ động. Trường hợp bên B trả lời đúng tên và tác giả bài thơ thì bên B được 1 điểm và đoạt vai chủ động… Thi 2 hiệp thay tua trong tinh thần tự giác, không có trọng tài, trong khoảng thời gian nhất định.

    Lâm thấy đối thủ gồm 2 thằng Tàu và 1 thằng chuyên viên đóng chuồng gà nên coi thường, chấp 75%+, nghĩa là bên Mú chỉ cần hơn 75% số điểm của bên Lâm là thắng. Mú đòi 50%+, hai bên kèo nài riết rồi đồng ý 60%+. Bên thua trả tiền cà phê thuốc lá cho nguyên bàn, kể luôn những tham dự viên ngồi thưởng lãm. Vào cuộc mới hay Anh Cẩu và Mú thuộc thơ khá nhiều. Biết mình bị “gài độ”, nắm chắc phần thua, Lâm cười chữa thẹn, “Mấy ông giỏi quá mà còn đòi chấp”. Mú trơ trẽn hể hả cười, “Dzậy cho chắc ăn!” Cuộc thi thật vui và hứng thú, cả người được lẫn kẻ thua đều hả hê, thân thiết xiết chặt tay nhau. Sau cuộc thi chúng tôi còn ngồi đọc thơ cho nhau nghe. Tôi được dịp giới thiệu những bài thơ trong tập “Sầu ở lại” của Tạ Ký, được người nghe dốc dạ tán dương.

    Hôm sau Thanh đưa tôi một quyển tập và một cây viết nguyên tử, nhờ tôi chép những bài thơ mình thuộc cho Thanh. Dè đâu Thanh dùng tập thơ đó làm mẫu chào hàng, rồi nhận hàng mang về giao cho tôi hơn chục quyển vở học trò để tôi nhẩn nha chép thơ mình thuộc. Thù lao mỗi bài thơ một điếu thuốc, bài nào dài tính mỗi trang một điếu. Khách hàng là những “mợ” tuổi ô mai, yêu thơ, sợ rằng nơi xứ khách quê người không có thơ thưởng thức, nên sưu tầm làm hành trang viễn xứ. Có mợ lựa sẵn tựa những bài thơ mình thích, nhưng đa số lại không giới hạn số bài, càng nhiều càng tốt, tôi “tranh thủ” viết xen thơ con cóc của mình vào cho đầy để có thêm thuốc hút… Thấm thoát đã 32 năm qua rồi, các mợ đặt chép thơ ngày trước nay cũng đã có dâu có rể cả, thậm chí còn có cháu nội cháu ngoại không chừng, không biết có mợ nào còn nhớ đến những bài thơ nắn nót viết trên vở học trò ngày trước ở đảo Galang?

    Mú còn gài độ cho tôi thi đấu “truyện Tàu” với ông Huỳnh Lương, chủ lò tương ở Vĩnh Long. Gọi là đấu chứ thật ra là kể chuyện, bên đây nêu tên một nhân vật, bên kia sẽ kể sự tích về nhân vật đó. Kết cuộc 2 bên cùng hứng, bổ túc nhau mà kể chuyện Tàu cho cả quán cùng nghe… Nhờ chuyện thi đấu này mà tôi và ông Lương quen nhau và trở thành đôi bạn thâm tình, tôi gọi ông bằng chú xưng cháu, ông thương tôi như ruột thịt trong nhà.

    Hôm tôi có tên trong danh sách đi định cư, buổi chiều cơm nước xong, ông Lương ghé qua chúc mừng rồi nhét vào tay tôi $5000 Indo, tôi khước từ thì ông gằn giọng bảo, “Bạn bè ở đây nó quý mày, mày phải cầm rủ bạn bè đi uống cà phê chào nhau cho phải đạo!” Sáng hôm sau tiễn đưa tôi lên tàu qua Singapore đi định cư, ông quàng lên vai tôi một túi xách nhỏ may bằng áo giáp nhà binh do ông mang từ Việt Nam qua, bên trong ông xếp một hộp 3 phong bánh lạt, 2 trái lê Nhật, một cây thuốc lá Indo. Ông ôm tôi thật chặt, chảy nước mắt mà nhắn nhủ rằng, “Mặt mày còn đen lắm, tai họa chưa dứt đâu, hãy rán mà giữ mình!” Cách chừng không lâu trước đó, một hôm tôi tới barrack thăm ông, ông nhìn tôi chăm chăm rồi phán, “Mày người nhân hậu, khẳng khái thương người, tự ái hơi cao, lại thẳng thắn cương trực, đường công danh vướng mắc, nhưng không ai hãm hại được mày!” Tôi cười, “Tôi không hãm hại ai thì thôi chứ ai hãm hại nổi tôi chú?” Ông cũng cười, “Mày thuộc loại khẩu xà tâm Phật! Rồi mày coi lời nói của tao!” Thím Lương nghe thế cũng xen vào, “Tin lời ổng đi chú, ổng là nhà tướng số đó, ổng thương chú lắm đó nghen, không phải ai ổng cũng coi đâu đó!”

    Hồi đầu chúng tôi vẫn giữ liên lạc, mãi tới lúc gia đình ông định cư ở Victoria còn chụp hình gửi cho tôi. Một thời gian bẵng tin rồi mất liên lạc. Hễ quen biết ai ở BC tôi đều nhờ tìm tin tức ông, nhưng vẫn bặt tăm vô tín.

    Chú Huỳnh Lương! Hôm nay kỷ niệm ngày tôi đặt chân đến London, mới thoắt đó mà đã 32 mùa sương tuyết, bây giờ tôi đã 57, gần bằng tuổi ông khi ở đảo Galang rồi. Thời gian trôi nhanh như bóng ngựa qua mành, nhưng tôi tin lời thày tôi nói, rằng “thời gian không xóa được tình thương”. Ông năm nay cũng trên 90 rồi! Dù ông đang ở bất cứ phương trời nào, lòng tôi luôn hướng về ông, nguyện cầu cho ông luôn thong dong hạnh phúc.

    Phạm Khắc Trung
    Tháng 4, 2012

    sangtao.org


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X