Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sông Chảy Đôi Dòng

Collapse
X

Sông Chảy Đôi Dòng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sông Chảy Đôi Dòng

    Sông Chảy Đôi Dòng
    ~~~




    Cầu Tràng Tiền



    Cả dòng sông dài thương nhớ
    Nửa tay cầu vai nghiêng
    (Trần Dạ Từ)


    Nước Việt Nam của tôi có trên hai ngàn con sông và kênh. Tổng cộng chiều dài của sông, nếu đem nối vào nhau thì được gần bốn mươi hai ngàn cây số, nhưng mới khai thác khoảng hơn tám ngàn cây số.(*) Sông chẩy ngang, chẩy dọc từ Nam Quan đến Cà Mâu. Có sông thì phải có cầu, đã biết bao nhiêu cây cầu được bắc qua những dòng sông đó. Có những cây cầu làm nên thương nhớ, có những cây cầu chỉ là duyên cớ cho một nỗi bâng khuâng. Có những cây cầu chở những mồ hôi nước mắt và nhọc nhằn của người dân lam lũ, ngày hai lượt đi về kiếm sống cho gia đình.

    Có những cây cầu được sơn bằng máu và rửa bằng nước mắt của người dân vô tội, chết tan xác vì một trái bom gài dưới chân cầu, hay chết giữa lằn đạn của hai phía đầu cầu bắn đến. Nước ở dòng sông mầu xanh hay sắc đỏ, còn tùy khúc sông chẩy qua đó có bao nhiêu xác trôi qua, có bao nhiêu giấc mơ thả xuống.

    Trong hai chục năm "Nội chiến từng ngày" những thân cầu đã nát tan vì nhận biết bao nhiêu mảnh đạn, vỏ bom của Trung Cộng, của Nga của Mỹ và đã ôm ấp bao nhiêu xác của dân lành. Nước của mỗi con sông lớn nhỏ đã hòa bao nhiêu máu lệ oan khiên. Nhưng trong dòng oan khiên đó những cây cầu ở quê tôi vẫn mang đến cho tuổi thanh xuân của chúng tôi bao nhiêu điều thơ mộng.

    Bây giờ là tháng sáu
    Quê hương đang mùa mưa
    Mưa trên cây cầu cũ
    Mưa trên dòng sông xưa
    Cây cầu thời thơ dại
    Dòng sông thời mộng mơ
    Cô nữ sinh trung học
    Thả bao nhiêu bài thơ (1)


    Mỗi dòng sông lớn, mỗi con kênh nhỏ; từ chiếc cầu xây bê tông cốt sắt, cốt thép cho đến cây cầu khỉ bằng những thân tre gầy guộc, đều chứng kiến không ít thì nhiều vào vận nước đổi thay

    Những cây cầu chính của cả ba miền, khi nói đến tên thì ai cũng biết, vì nó đánh dấu một đoạn thời gian khói lửa, nó có tên trong những trang sử của quê hương.


    Cầu chữ Y, cách chợ Bến Thành hai cây số, ở miền Nam là chiếc cầu có hai chân xoạc ra hình chữ Y bắc giữa hai con kênh Bến Nghé và kênh Tẻ. Chân cầu này đã có lúc là nơi trú ẩn của những người ăn mày, của các đứa trẻ đánh giầy, của những người phiêu bạt ngã vào nhau làm thành một cái gia đình không nhà không cửa, đến dăng lên cái bạt hay dựng máy tấm bìa xé ra ở một cái thùng giấy làm mái che. Có những đứa bé oe oe khóc tiếng chào đời ngay dưới chân cầu này. Ngược dòng lịch sử, chiếc cầu này đã hứng bao nhiêu mảnh đạn trên thân thể từ thời Bình Xuyên Bẩy Viễn và chính phủ Ngô Đình Diệm (1955). Nó đã ôm bao nhiêu xác dân, xác lính (cả hai miền Nam Bắc) trong trận Mậu Thân (1968).

    Cầu TràngTiền bắc trên sông Hương sáu vày, mười hai nhịp đi vào văn học, vào trái tim của nam thanh nữ tú, của hẹn hò, của hình ảnh, với những bài thơ tình rất Huế, đã làm cho người miền Bắc, người miền Nam ngẩn ngơ mong ước được đi trên cây cầu đó ít nhất một lần trong đời. Cầu Tràng Tiền là linh hồn của thành phố Huế, hay nói đơn giản, là Huế.

    Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
    Nắng mênh mang mấy nhịp Tràng Tiền
    Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
    Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng (2)


    Để rồi trong trận Mậu Thân, súng đạn và tội ác cũng làm nhịp cầu gẫy gập."Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi/Nón lá buồn khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài..." Không phải chỉ đơn giản như vậy, mà sau nhịp cầu gẫy đó là hàng hàng, lớp lớp, những nấm mồ chôn tập thể, cả thành phố Huế quấn khăn tang, và nỗi oan khiên đó người miền Trung và người miền Nam không bao giờ quên được. Cầu Tràng Tiền ôm mặt khóc. "Vì sao không thương mến nhau còn gây khổ đau là lỡ nhịp cầu"(3)

    Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở miền Bắc trong trận chiến Bắc Nam đã hứng mười bốn lần bom Mỹ dội xuống, làm gẫy bẩy nhịp và bốn trụ chân (1965-1972) Đây cũng là giai đoạn người dân miền Bắc phải đi sơ tán. Con sông Hồng nước có đỏ thêm không, khi mỗi lần bom trút xuống? Một ngôi chợ Long Biên không cách xa cầu bao nhiêu là ngôi chợ lớn thứ hai của Hà Nội, sau chợ Đồng Xuân, ngày nay là nơi hàng nhập cảng của Trung Quốc nhiều hơn hàng trong nước. Từ quần áo, máy móc cho đến trái cây, rau cỏ. Chân cầu Long Biên cũng là nơi những người nghèo khổ dùng làm chỗ nương thân. Cũng có những mái lều bằng lá, bằng bạt đắp điếm lên nhau để được gọi là "Cái nhà" và những đứa bé sơ sinh (không có giấy khai sinh) cũng được lớn lên từ đó.


    Cầu Long Biên

    Nhưng chiếc cầu ghi dấu đậm nhất trong lịch sử Việt Nam là cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải. Đối với người Việt của cả hai miền Nam Bắc, cầu Hiền Lương là một chứng tích đau thương nhất của cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Nó làm cho người dân Việt nhớ đến bài học lịch sử của thời Trịnh Nguyễn phân tranh; "Ôi Việt Nam cùng Việt Nam gây hấn/Muôn ngàn xưa để hận cho dòng sông.../Ôi Việt Nam nơi nồi da sáo thịt/Nơi con Hồng tàn phá giống Lạc Hồng..."

    Ranh giới chia cắt hai miền Nam Bắc là huyện Gio Linh, và huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị. Cả cây cầu và dòng sông cùng trải ra như một tấm da người nhận kín những vết chàm xăm lịch sử.

    Ta hãy cúi nhìn xuống vết chàm xăm đó: Sông Bến Hải dài một trăm cây số (100km), bề ngang, chỗ rộng nhất là hai trăm thước (200m), chỗ hẹp khoảng hai mươi đến ba mươi thước. Cây cầu Hiền Lương nguyên thủy có từ 1928. Sau bao lần mục nát, được Pháp xây lại (khoảng1950-1952) bằng những cột sắt có chữ Made in England và ván thông sàn tầu có chữ Made in US , thợ xây cầu là lính công binh viễn chinh Pháp. Như vậy chiếc cầu chia cắt người Việt hai miền được xây bằng những bàn tay ngoại nhân và dùng vật liệu của ngoại quốc. Cầu dài 178 thước, có 7 nhịp, rộng 4 thước. Cầu chia ra là hai phần, Miền Bắc có 450 tấm ván, miềm Nam có 444 tấm. Ván cầu về miền Bắc sơn đỏ, của miền Nam sơn xanh. Giữa hai phần xanh đỏ đó là một cái nẹp sắt phân chia bề ngang rộng mười phân (10cm). Chao ôi, chỉ có mười phân thôi mà hơn hai mươi năm không với được nhau!



    Cầu Hiền Lương

    Trong một bài viết "Khi Những Dòng Sông Chẩy Thành Âm Nhạc" tác giả Phương An có cho chúng ta biết ảnh hưởng của sông Bến Hải đi vào âm nhạc như thế nào:
    "Vĩnh Cát viết Bạn ơi hãy nghe bến Hải tâm tình: "Dòng bến Hải nước xanh xanh mằn mặn. Có từng đàn cá bạc nhảy tung tăng. Dòng sông hẹp sóng êm êm phẳng lặng. Có sẵn đò mà chẳng được sang ngang ...". Trần Viết Bính không nêu địa danh nhưng cũng tả rõ về con sông giới tuyến ấy qua "Nhà em ở phía bên sông, nhưng dòng sông từ ngày có kẻ ngăn đôi, cho tình ta bên này bên ấy rời xa ..."

    Tôi bỗng nhớ đến những dòng nước không bao giờ hòa làm một trong thiên nhiên như lằn ranh giữa nước ngọt và nước mặn nơi cá hồi (salmon) về nguồn, như dòng nước nóng và lạnh của con sông Ohio (ở nước Mỹ) người ta phải cho nước nóng vào mùa đông và nước lạnh vào mùa hạ cho cá sống. Những nguồn nước này chẩy song song và không bị hòa tan trong nhau nhưng không gây ra một thảm họa nào cho con người, không chia cắt thịt xương đồng chủng.

    Đã bao nhiêu lần cả hai bên cùng sơn đi sơn lại những tấm ván bên phía của mình. Hai mươi năm huynh đệ tương tàn. Người được kẻ thua sau 35 năm vẫn ngun ngút hận thù. Miếng nẹp ngăn đôi bây giờ, chắc đã được tháo ra, những tấm ván chắc đã được sơn chỉ một mầu, nhưng nước sông Bến Hải ngàn năm lững lờ chẩy một dòng xuôi đó có mầu gì khi đã bao nhiêu năm nó được nhuộm bằng máu và nước mắt. Ta có thể quên cây cầu đó đi, vì gỗ sẽ mục nát với thời gian, nó được thay thế bằng cây cầu đúc xi măng cốt thép. Nhưng làm sao thay được nước dòng sông Bến Hải. Dòng sông đó trước đây đã nhận bao nhiêu lá thư thả xuống của bờ bên nọ nhớ bãi bên kia. Đã nhận bao nhiêu tờ bươm bướm kêu gọi lòng người thu về một mối. Nhưng cuối cùng sông nước đó vẫn chia hai, máu của những người dân, người lính miền Bắc và máu của những người dân, người lính miền Nam vẫn chia làm hai dòng chẩy. Nó vẫn chẩy song song nhưng không bao giờ hòa làm một. Phải chăng, nước mắt bên này mặn hơn nước mắt bên kia, hay máu bên này đỏ hơn máu bên kia?

    Bà mẹ Gio Linh thời Pháp thuộc đã "Nghẹn ngào không nói một câu/Mang khăn gói đi lấy đầu/Đường về thôn xóm buồn teo/Xa xa tiếng chuông chùa reo..." (4)

    Bà mẹ Vĩnh Linh bao nhiêu lần chứng kiến tù binh Bắc Việt được gửi trả về từ phía bên kia dòng sông.Tấm hình có dòng chữ "Anh về đất Bắc bình an" dăng ngang ngay đầu cầu Hiền Lương của huyện Gio Linh là một chứng tích cho những ai muốn chối bỏ.

    Bà mẹ Gio Linh, bà mẹ Vĩnh Linh bây giờ cũng chỉ còn là những tấm hình lung linh sau màn hương khói. Chỉ còn là những cái tên người ta nhắc đến những khi kể chuyện "Ngày xưa".

    Với những người Việt vào năm 1975 họ ở tuổi ba mươi, bốn mươi khi cuộc chiến Bắc Nam chấm dứt. Bây giờ, sau ba mươi sáu năm, dù họ chỉ là người dân chất phác hay những người lãnh đạo quốc gia đương thời, những quân tướng thất trận lưu vong ở trong nước hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới thì họ cũng đang bước từng bước vào chiếc cầu cuối của đời người, chiếc cầu của đôi bờ sinh tử. Có bao giờ họ quay đầu nhìn lại những cây cầu, những dòng sông họ đã được nhìn thấy, được nghe nói hay đã được đi qua trên chính quê hương mình mà ngậm ngùi thương xót, mà ước gì chưa bao giờ có cuộc nội chiến Bắc Nam.

    Trần Mộng Tú
    Viết cho 30/4/2011


    (*) Nguồn: Những con số của sông và cầu từ Wikipedia
    (1,2,3,4) Thơ: tmt, Thu Bồn
    Bài Hát: Trầm Tử Thiêng, Phạm Duy




    nguồn: diendantheky.net


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X