Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tiếng động Sài Gòn

Collapse
X

Tiếng động Sài Gòn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tiếng động Sài Gòn

    Tiếng động Sài Gòn
    ~~~






    Trở thành người Sài Gòn năm mười lăm, những ấn tượng ban đầu về thành phố trở thành một phần trong những gì nghĩ về Sài Gòn cho mãi đến nay. Khác với Hà Nội lúc ra đi, nơi bầu trời thường gây gây nửa tỉnh nửa thức và là một thành phố của màu sắc và mùi, mùi của len sợi, mùi của những lọai bánh ở những phố chuyên về những thứ đó. Và nhất là mùi phở gánh, đêm đêm dưới mưa phùn lất phất trong ánh đèn vàng nhạt, khi chiếc nắp thùng phở được mở ra khói và mùi bay lên, ai không ghiền cái thứ mùi dễ ghiền ấy mới là chuyện lạ!

    Nơi đến, Sài Gòn, không phải thành phố chủ về màu sắc và mùi. Cái ấn tượng có ngay từ buổi ban đầu khi đến thành phố phương Nam rực nắng chói chang này là tiếng động Sài Gòn: Trong những khu lao động tiếng radio mở hết volume; ngoài đường phố, sáng trưa chiều tối gì cũng ngập tràn tiếng động. Sài Gòn thuở ấy náo nhiệt nhưng chưa mấy ồn ào nên mọi tiếng động đều có chỗ đứng trong lòng người ta. Gầm rú (và kềnh càng) là những chiếc xích lô máy, “hung thần đường phố” ào ào phóng đi, lạng lách phun khói vào mặt người ta nhưng hồi ấy chưa một ai có khái niệm gì về môi trường, sợ là sợ cái phóng nhanh giành đường của “hung thần”.

    Tiếng rao mộc mạc có phần kéo dài một cách đơn điệu hao hao tiếng trên sông nước của những gánh hàng rong, tiếng lách cách dòn dã đều đặn lang thang từ ngoài đường vào những con hẻm nhất là vào đêm khuya, lên cả những tầng cao của mì gõ là một nét rất Sài Gòn.

    Có chuyện về mì gõ như thế này. Chú bé từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn kiếm cơm từ một xe mì gõ vỉa hè. Được bao cơm và một tô sí quách vào đêm cùng với tháng 300 ngàn. Là đứa biết tiết kiệm, mỗi tháng chú bé gửi chủ xe 100 ngàn đặng cuối năm có tiền về quê. Tết đến, xin lại tiền nhưng gã chủ có máu bất lương không trả cốt giữ thằng bé lại bán vào dịp tết, thế là với nỗi nhớ nhà, tiếc của, cũng là sự uất ức của người thân cô thế cô, tiếng lách cách vừa đi dài vào vào hẻm vừa khóc. Một đám choai choai thấy lạ hỏi. Máu giang hồ nổi lên, các đại ca vốn bị mang tiếng quậy phá xách búa ra gặp chủ xe mì. Bảo một là trả tiền sòng phẳng cho thằng bé, hai là “nghe tiếng búa này”. Lấy lại được tiến, xử theo luật giang hồ thằng bé gửi tiền cà phê cho đại ca nhưng đại ca quắc mắt nói “Giang hồ thấy sự bất bằng thì ra tay, nghĩa hiệp không lấy tiền công”. Tiếng lách cách nhất là vào đêm khuya lọt vào trái tim bụi đời của anh hai người Sài Gòn như thế.

    Thuở ấy, khu gia đình cư ngụ là hai dãy nhà sàn đâu hậu vào nhau trên một con kinh lấp, mọi tiếng động hơi to một tí đều trở thành tiếng động chung, có khó chịu cũng không biết khiếu nại ở đâu, thời ấy những bức xúc như trên thường không có khái niệm thưa gửi, vả lại thời ấy lòng người còn nhu thuận dễ nhường nhịn nhau. Cách nhà mấy căn là một gia đình chuyên mổ chó bỏ mối cho những Cây Còn, Lá Mơ, Nó Đây Rồi, Sống Trên Đời… Nửa đêm về sáng tiếng những nhát búa đập vào đầu chó gây một ý niệm hãi hùng về sức man rợ của đồng tiền và sự hung tợn của con người. Hàng chục, hàng chục con vật được nhìn nhận là có nghĩa với con ngừơi nhất đã ra đi hàng đêm qua những cuộc thảm sát như vậy. Một buổi sáng ra phía sau nhìn sang phía gầm nhà nơi hành hình ấy thì chẳng thấy máu đâu, nó đã hòa vào dòng kinh đen ngay lập tức rồi.

    Sài Gòn là hợp lưu của dân tứ xứ, hào phóng đón nhận mọi con người ưa phiêu lưu mạo hiểm có ý chí lập thân lập nghiệp và mọi người gặp nhau ở đây cũng nhanh chóng hòa vào nhau thành một cư dân ưa ma sát với nhiều cách tiếp cận và giữ ấn tượng về thành phố. Độc đáo là mưa Sài Gòn, gần với tánh người Sài Gòn nhất. Bất ngờ ào đến, trẻ trung bặm trợn, ập xuống đè bẹp những âm thanh không phải là mưa, mưa tối trời đất không rả rích lê thê như mưa nhiều nơi khác, Huế chẳng hạn. Những cặp tình nhân Sài Gòn khỏi nôn nóng bồn chồn nơi điểm hẹn vì đang ầm ầm đó, bỗng ào một tiếng dài và nhẹ nhàng mưa cuốn đi lúc nào chẳng hay. Hồi ra Huế cưới vợ rơi ngay vào mùa mưa, trong giây phút… chẳng biết khi nào hết mưa, bất giác ân hận và tiếc là sao ông trời không cho mối duyên với một cô gái Sài Gòn!

    Mà "người Sài Gòn" không cố tạo ra cái gọi là sắc thái đặc thù của những người mấy đời sinh ra tại đây. Cuối tuần, lễ tết là con đường về Lục tỉnh nườm nượp những xe của người Sài Gòn gốc Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang... Người ta thích giữ gốc thay vì cố tạo ra một nét Sài Gòn như người Hà Nội hay làm. Ba nhân vật biếm họa Lý Toét, Bang Bạnh và Xã Xệ của Tự Lực văn đoàn thuở nào mang đầy tính khinh thị, làm sao so sánh được với Hai Lía, Tư Ếch dễ thương và chịu chơi, ra vào những quán ăn sang trọng Sài Gòn là chuyện... thường thôi mà! Lâu lâu lên Bến Nghé, Hai và Tư rất hoạt náo hình như có mang chút máu "công tử Bạc Liêu"?

    Sài Gòn bây giờ là thành phố của hàng triệu chiếc xe máy, dù không phải ai cũng xoáy nòng nhưng đàn cua bò trên đường phố ấy cũng tạo ra một bức tường âm thanh khiến người ta… không còn nhận ra nó nữa! Cũng bây giờ, khi Sài Gòn tràn đầy những công ty, cửa hàng, shop và những căn nhà hiện đại rất “hại điện” thì điện lại báo hại người ta cúp liên miên. Không có điện lưới quốc gia thì ta có điện… lưới nhà. Giữa trời trưa nắng lửa những chiếc máy điện để ngay vỉa hè thi nhau nổ rầm rầm chát chúa như chạy đua cùng bức tường âm thanh của xe máy, càng làm cho ấn tượng Sài Gòn thành phố của tiếng động trở nên rõ hơn!

    Trong dòng âm thanh cocktail ầm ào của Sài Gòn thời đô thị hóa bỗng có thêm tiếng ca Khánh Ly rề rà dài theo đường phố. Từng cặp những cô gái quê cũng áo bỏ trong thùng bảnh bao nhưng mộc mạc, cũng một chút son trên môi như muốn tô thêm màu cho bức tranh mưu sinh thời hiện đại tạo ra một phong cách mới của công việc kiếm miếng cơm dù rằng trang điểm chưa nhuyễn còn y nguyên nét thô kệch vùng quê mà là quê nghèo. Đấy là những chiếc xe đạp được chải chuốt tươm tất bắt mắt, có chiếc thùng nhỏ bằng formica phía sau, một góc thùng đựng kẹo kéo, góc kia đựng cái cassette. Mỗi xe có hai cô thành một cặp dắt đi rong, thả tiếng nhạc Trịnh Công Sơn lại phía sau, nhẹ nhàng không gắt chói. Một lần làm quen được với chiếc xe vẫn đi qua công viên Tao Đàn và tới nhà theo hẹn của hai cô.

    Con hẻm nhỏ cặp nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế có nhiều những căn nhà tạm dựng lên khá vội vàng nhưng gọn gàng. Đấy là khu kẹo kéo. Nói vậy bởi ở đây có người chủ trung niên từ Quảng Ngãi vào mang theo nghề của quê hương. Anh ta sản xuất kẹo, trang bị xe và đồ nghề không quên chiếc cassette với nhạc mà theo anh “Phải nhạc Trịnh mà Khánh Ly hát mới là điệu nghệ”. Em cháu từ quên vào được cho ở trọ, cho mướn trọn bộ đồ nghề và kẹo, cứ việc sáng từng cặp đẩy xe đi, bán hết mang xe về trả tiền cho chủ và thảnh thơi hưởng phần lãi sau một ngày đi bộ.

    Một cô trạc 20 nói “Em tính ra mỗi ký kẹo phải đi 6 cây số”, đường càng dài kẹo bán càng nhiều, ngày mưu sinh tính theo như thế. Tiếng nhạc đi rong hòa trong tiến động Sài Gòn vậy mà nuôi sống được nhiều cô gái trẻ tha phương cầu thực mong có vốn để một ngày về lại quê mở tiệm may, uốn tóc… Một cô trong số ấy vốn là đứa bé thoát chết trong cuộc tàn sát đẫm máu Sơn Mỹ năm nào, cho biết xe của cô chọn lộ trình Nhà thờ -Thủ Đức đi theo hướng cầu Bình Lợi, chiều từ Thủ Đức lộn về thành phố, len lỏi mấy chục khối nhà khu cư xá Thanh Đa. Nhờ chịu đi mà mỗi ngày bán được 10 kg với con đường nhẩm tính ra khoảng năm chục cây số. Một năm là hết trên dưới một vòng trái đất theo đường xích đạo! Trong cái ùng ục của Sài Sòn, tiếng nhạc Trịnh Công Sơn như ru giấc mộng kiếm tiền trở lại quê nhà bắt đầu cuộc sống của những cô gái miền Trung.

    Tiếng động Sài Gòn mạnh mẽ, bộc trực như cái tánh người Sài Gòn và thành phố làm nên tính chất cư dân hay chính cái tính chất ấy làm nên một Sài Gòn? Bao giờ Sài Gòn là đô thị yên tĩnh? Không bao giờ và không thể nào, vì đất hẹp người đông lại là thành phố công thương nghiệp đa hình đa dạng, trẻ trung hiếu động thì cứ nên yêu lấy tiếng động ùng ục ấy thôi! Mất nó là mất Sài Gòn!

    Bị mất tư cách người Sài Gòn, nhưng vẫn về đó vì sinh kế, vì rong chơi và vì... những tiếng động lớn của Hòn ngọc Viễn Đông. Sống ở tỉnh lẻ, trong một căn nhà, một cái nghề lê thê ngày tháng, có lúc cảm thấy như bị quăng xuống giếng của sự tĩnh lặng. Nhiều lúc nhớ da diết, nhớ đắng cay âm thanh non trẻ nóng bỏng rộn rã đầy sức ma sát và tinh khiết của cuộc sống Sài Gòn một thời nuôi lớn lên, đưa vào đời rồi không chia tay mà vẫn xa thăm thẳm…

    Mới ngày nào còn bị kêu "Ê, nhỏ" một cách rất ư Sài Gòn mà nay đã có người kêu là anh, chú, bác làm liên tưởng đến ngày xưa quen một cô gái tóc ngang vai, giờ vẫn cô gái ấy dù thời gian trôi đi nhanh có lúc tưởng như mất hút. Cuộc sống hóa ra rất nhiều sự giàu có chất đầy trong hồn người...

    Cao Thoại Châu

    http://caothoaichau.blogspot.it


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X